Friday, May 27, 2022

Trời ơi sốt đất! Bình luận của Nguyễn Tổ Anh

Trời ơi sốt đất!

Những căn nhà dọc kênh Vĩnh Tế ở TPHCM năm 2018
 AFP




Hôm qua gia đình tôi vừa thực hiện một cuộc cách mạng. Ông bà ngoại của tôi, ở tuổi gần tròn trăm, cuối cùng đã gật đầu đồng ý rời nơi ở bấy lâu nay để đoàn tụ cùng con cháu, tại một vùng ngoại vi Sài Gòn. Chúng tôi có miếng đất ở đây, vừa đủ để dựng một ngôi nhà rộng rãi, có sân vườn để ông bà và cha mẹ tôi không bị cảm giác tù túng nếu sống trong những ngôi nhà phố hay chung cư phổ thông ở trung tâm thành phố. Nhưng, cũng vì xa xôi và còn yên lành mà nó gần như mới chỉ có vài tiện nghi tối thiểu như chợ và siêu thị nhỏ.

Đến một cái cây ATM cũng chưa có.

Nhiều ngôi nhà quê rộng thông thống, cũng có cánh cổng thấp chùn chũn ngang bụng làm phép chứ chẳng hề có chút xíu nào tác dụng gọi là chống trộm. Có những ngôi nhà thậm chí chẳng thèm làm cổng. Tường, rào chỉ để phân chia ranh giới chứ chẳng hề có những mảnh chai đập vỡ nhọn hoắt cắm vào, hay giăng lưới B40 bịt bùng như chuồng gà trên thành phố. Hầu như nhà nào cũng có hoa trước cổng hoặc trong sân, nhà nhiều thì cả hàng rào dài hàng chục mét nở thắm bông giấy, nhà ít cũng có mấy bụi hoa tím, hoa bướm vàng hay mười giờ đủ sắc. Cộng với chất lượng không khí gần như luôn luôn trong lành và tính tình người dân còn khá chất phác, chúng tôi nghĩ cuộc sống ở đây sẽ thật gần gũi với mong ước của mình. Đó là cuộc sống hòa thuận với thiên nhiên và con người.

Sáng hôm sau, lòng phơi phới, tôi chạy xe một vòng đi mua thức ăn sáng.

Và kìa!
Chỉ cách nhà tôi vài trăm mét, ven con đường chính của địa phương, một đám thanh niên lố nhố đứng ngồi bên cạnh vài cái bàn nhựa đặt ngay sát lề đường, dưới vài chiếc dù bạt màu đỏ. Nhìn cách ăn mặc sơ mi dài tay đóng thùng rất đặc trưng dù dưới cái nắng gắt 36, 37 độ, tôi nghi nghi là nhóm cò đất. Đến gần thì y như rằng.

Gần chỗ nhóm người đứng ngồi, có tấm bảng nhỏ treo vội lên cái cây gần đó, viết vỏn vẹn hai chữ: BÁN ĐẤT.

Thôi rồi Lượm ơi! Trận sốt đất đùng đùng trên toàn quốc ít tháng qua đã lan về tận cái hóc bò tó này rồi.

Mang theo tâm trạng tò mò, tôi xách xe lượn một vòng.

Chao ôi!

Đứng bên ni đường, ngó bên tê đường, thấy mênh mông “Bán đất”
Đứng bên tê đường, ngó bên ni đường, cũng “Bán đất” mênh mông
“Cò” lượn vòng quanh như luồng gió trên đồng
Dân tình xao xuyến như gái đi lấy chồng sáng ngày mai

Đất ở khu vực chưa phát triển này còn rộng lớn lắm. Dân cư vốn làm nghề nông, ruộng bao la bát ngát. Từ ngày lên thành phố cách đây mấy chục năm, hầu như ai cũng cắt ít ruộng bán đi. Lấy vốn để xây nhà, đổi nghề, hay nuôi con ăn học có nghề chữ nghĩa, thoát cảnh đi cày như cha mẹ nó. Nhà nào may mắn, chịu khó và biết tính toán dài, hay cũng có thể là không dám mạnh dạn làm một cú lớn thì vẫn giữ ít đất để làm hương hỏa cho con cái, hoặc chỉ đơn giản là bán đủ tiền xây cái nhà tường, có chút tiền đổi nghề hoặc gởi ngân hàng sống được rồi thì thôi. Không ham, mà cũng không nỡ bán nữa.

000_Hkg8657429.jpg
Hình minh họa: Một nông dân đang làm ruộng trên thửa ruộng còn lại bên cạnh khu dân cư mới xây ở ngoại thành Hà Nội hôm 3/6/2013. AFP

Cơn sốt đất cách đây khoảng gần 20 năm đã quét qua khu vực này một lần. Lúc ấy ông cụ cạnh nhà tôi cắt ruộng ra bán được 22 tỷ, con số cực lớn lúc bấy giờ. Các con ông mỗi người được chia một ít, hớn hở cất mỗi gia đình một ngôi nhà nhỏ trên khoảng đất vườn khá rộng còn lại. Họ cũng mua ngay một chiếc xe hơi đen bóng lộn-để đưa ông già đi bệnh viện lúc đêm hôm-họ giải thích. Trong nhà vườn, không cần xây gara để xe nhưng cũng không yên tâm nếu phơi chiếc xe khơi khơi giữa trời, nên mấy anh em làm một cái chuồng bằng lưới B40, “nhốt” chiếc xe vô, móc ổ khóa khóa lại. Liên tiếp sáu ngôi nhà mới, tường sơn trắng tinh mọc lên cạnh nhau. Khu đất nhà ông cụ lúc nào cũng náo nức tiếng cười, tiếng đàn hát khi nhậu và tiếng karaOK.

15 năm trôi qua. Nay, trên khoảnh đất đó số người đã tăng thêm nhưng sáu ngôi nhà đã cũ kỹ. Chiếc xe đã bán lúc nào không biết, tiếng cười giảm đi rất nhiều. Khu vườn trước kia đầy rau và hoa, nay trông xác xơ tiều tụy vì chẳng ai chăm sóc. Dừa mọc cao lêu nghêu, lão hóa, trái nhỏ xíu rụng đầy gốc không ai buồn nhặt. Đá dăm ngày xưa trải ra để cho xe hơi đi, giờ tõa ra lổn nhổn khắp nơi. Rau trồng lộn xộn lười biếng trong vài cái thùng xốp, trông buồn chán rũ rượi.

Hóa ra do không có nghề nghiệp tốt nên hầu hết các con của ông cụ không phát triển được cuộc sống riêng. Số tiền được chia lúc trước, sau khi xây nhà, mua xe và sắm vật dụng đã cạn sạch. Đến giờ, khi cơn sốt đất lần thứ (n?) tái bùng phát, nhiều người trong số họ lại náo nức muốn cắt đất bán đi để có một khoản tiền nặng tay. Nhưng, ông cụ mất đi không để lại di chúc, vì vậy dù bây giờ đất cũng còn kha khá, nhưng các anh em cũng không thể bán. Vì nếu bán thì phải 9 người con cùng đồng ý ký tên, trong khi có người đã già và không có nghề nghiệp, cả đời hầu như không ra khỏi nhà nên không thể chuyển đi nơi khác. Từng người cắt đất bán lẻ ra cũng không ổn, vì để người lạ vô ở chung trong khu đất riêng biệt của gia đình thì không nhiều người muốn mua, những người còn lại cũng ngại bán.

Những người con có thể dùng mảnh đất đang sống để mở cửa hàng hoặc trồng trọt, chăn nuôi và có được nguồn thu nhập tuy nhỏ nhưng đều đặn, bên cạnh đó giá trị đất chỉ có ngày càng tăng thêm. Nhưng sự thương yêu, chịu khó và kiên nhẫn đối với đất đai của những người làm nông đã dần dần bị bào mòn nơi những con người vừa tập lên thị dân này. Không lấy được nguồn lợi trước mắt từ đất, chính những người đang sống trên mảnh đất đó đâm ra chán nản và ruồng rẫy nó. Tôi như đã nhìn thấy tương lai của họ: những khoảnh đất rộng đang làm sân, vườn, ao… rồi cuối cùng cũng sẽ được bán đi, chỉ còn chừa đủ lối đi và để xe cho mỗi gia đình. Họ sẽ lên lầu- nhà lầu vốn vẫn là một phần trong niềm tự hào “nhà lầu xe hơi” của người Việt. Cuối cùng, những đứa cháu (may mắn thì làm kỹ sư, làm văn phòng, có nghề nghiệp chuyên môn, bình thường thì chạy grab) có thể chỉ tay ra và nói “Hồi xưa đất nhà tao rộng lắm, nguyên miếng đất mấy chục ngàn mét này đều là của ông nội tao đó”.

Ở các quận ngoại vi Sài Gòn như Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi… đâu đâu cũng đã từng có các vị tỷ phú sau một đêm nhờ bán đất, rồi rơi tuột xuống kiếp sống đói nghèo còn hơn trước khi lên mây, chỉ vì đã hăng say sạch bách tư liệu sản xuất của mình.

Nhưng, sức hấp dẫn của nguồn tiền có nhanh chóng quá rực rỡ, nên dù cho có nhìn thấy trước mắt, người ta vẫn chặc lưỡi tự an ủi “Chuyện này không bao giờ xảy ra với mình”.

Đó là điều đang lặp lại với mảnh đất tôi vừa gắn bó. Khắp nơi, từ các tuyến đường chính đến sâu tít các mảnh ruộng, khoảng vườn còn sót lại, đâu đâu cũng thấy cọc xi măng đánh dấu đất đang rao bán. Hoặc các bảng “Nhận ký gửi bán đất” cắm vội trên cành cây, treo ở cổng cửa các ngôi nhà lân cận. Tôi thấy những miếng vườn rất rộng cho cỏ mọc hoang. Dân vườn cũng không muốn nuôi gà vịt nữa-ở đâu cũng có các siêu thị bán lẻ rồi mà, gà đông lạnh cắt miếng sẵn thật là thuận tiện, lại còn được khuyến mãi vào cuối giờ chiều!

Những khoảnh ruộng màu mỡ tưới bằng nước sông hồi xưa, giờ đã được các đại gia mua gom, san lấp, chia lô, xây một bức tường cao ngất phía ngoài, dọn ít chỗ trồng cỏ (cứ biệt thự là phải có khoảng sân trồng cỏ!) và gắn những cái tên mỹ miều như Làng biệt thự ven sông (dĩ nhiên phải bằng tiếng Anh, mới sang!).

“Mấy chục tỷ một lô đó anh. Bán hết sạch luôn rồi đó”-người bảo vệ nói.

Nhưng hiện tại, làng biệt thự ven sông chỉ toàn cỏ là cỏ.

Tuy thế, chẳng sao. Đất là vàng, một lô đất có thể đem biếu xén, hối lộ, làm của để dành, hoặc nếu chạy chọt để cái làng ngoại vi này trở thành một vùng nghỉ dưỡng, sinh thái mới, đường sá mở mang ra thì giá trị của nó lại tăng gấp năm gấp mười.

Một số đại gia là quan chức Nhà nước về hưu, nắm rõ quy hoạch trong tay, chẳng biết từ bao giờ đã mua sạch những mảnh đất ven sông rộng hàng hecta. Họ còn thoải mái dựng những chiếc nhà sàn lấn hàng chục mét ra mặt sông, làm nơi ngâm thơ, câu cá,ngắm trăng và đàm đạo về bản chất vô sản của người công bộc của nhân dân. Họ thả những dây phao nổi ra mặt sông cách đến hàng trăm mét để cấm tàu chạy vô sát gây sạt lở đất (chính cái đất đã được lấp lấn ra sông). Thuê cảnh sát tuần tra để giữ không cho tàu ghe “chạy lạc”-à mà nói vậy không phải, tình đồng chí ai lại thuê nhau! Biệt thự, nhà vườn, thủy tạ trên sông, nhà hàng, du thuyền… những lãnh đạo tiên phong làm tấm gương tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường làm giàu, cổ vũ quần chúng nhân dân.

Còn chủ cũ của những miếng đất khai phá từ đời ông tổ, những nạn nhân của chính sách đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, những người bị cướp đất trắng trợn nhưng “hợp pháp”, thì muôn đời vẫn sẽ “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” (Nguyễn Đình Chiểu) nếu không nhúng chân vào và bán linh hồn cho guồng quay của bọn kẻ cướp.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/land-rush-05172022101829.html

No comments: