HÌNH ẢNH,SOVFOTO
Giới trẻ với niềm vui ngày 2/09/1976 trên đường phố Sài Gòn đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng "khí thế cách mạng và tinh thần cách mạng tiến công" vẫn hừng hực tỏa sáng như ngày 30 tháng Tư 1975, ít nhất cũng trên hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam.
Theo BBC News Tiếng Việt hôm 01/05 vừa qua thì "cụm từ 'ngụy quyền Sài Gòn' vẫn được báo chí chính thống Việt Nam sử dụng, trong các bài đánh dấu sự kiện 30/4/1975 năm nay..." Thông Tấn Xã Việt Nam, Tạp chí Tuyên Giáo, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đều dùng ngôn từ đó, dù xã hội đã thay đổi nhiều.
Ký ức vụn của tôi về bộ đội 'cách mạng' và 'ngụy quân, ngụy quyền'
Bản thân tôi được trực tiếp nghe chữ "ngụy quân, ngụy quyền" là khi lần đầu tiên tiếp xúc với những người bộ đội miền Bắc ở cổng phi trường Biên Hòa ngay sau ngày 30/4/1975. Cảm nhận ban đầu của tôi, một người trẻ mới qua tuổi 20, khi lần đầu gặp bộ đội thì đây là những người nông dân khoác áo lính với nét hiền hòa, chân chất của những người dân quê chân lấm tay bùn, đến từ các thôn làng xa xôi hẻo lánh nào đó ở miền Bắ
c. Những nét này khác với vẻ lém lỉnh nói chung nơi những người lính mà tôi biết hoặc thấy trong suốt hơn hai mươi năm dưới chế độ Cộng Hòa của miền Nam.
Trong lần tiếp xúc đầu tiên đó, có lẽ chúng tôi đều có ý nghĩ chung là chiến tranh đã kết thúc và từ nay trở đi đất nước sẽ thực sự yên bình nên cuộc nói chuyện khá vui vẻ. Với óc tò mò, hiếu kỳ xen lẫn nhiều cảm xúc lẫn lộn, đám đông dân chúng trong đó có tôi và những người lính miền Bắc nói chuyện khá cởi mở. Họ hỏi rất nhiều về miền Nam. Nhiều người dân hiếu kỳ cũng hỏi bộ đội nhiều điều về bản thân, gia đình của họ cũng như về xã hội miền Bắc.
Câu chuyện do những bộ đội miền Bắc kể khiến tôi mường tượng như vậy nếp sống và tình trạng xã hội, kinh tế ở miền Bắc cũng tương tự miền Nam và sự khác biệt giữa hai miền không có gì đáng kể.
Vẫn theo lời kể của bộ đội thì về nhiều mặt miền Bắc còn trội vượt hơn miền Nam cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn quyền con người, và xã hội thì đặc biệt ổn định.
Ví dụ như khi tôi hỏi về tự do báo chí và chế độ kiểm duyệt ở miền Bắc thì các anh bộ đội cho biết ở miền Bắc hoàn toàn không có kiểm duyệt và ai muốn viết gì thì viết, hoàn toàn tự do bày tỏ quan điểm, trái ý chính quyền cũng không sao. Tôi cũng cho họ biết về việc báo chí miền Nam bị kiểm duyệt, về các phong trào như Phong Trào Ký Giả Đi Ăn Mày, Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, việc đưa bàn thờ Phật xuống đường, các cuộc biểu tình, đảo chính ...
Điều tôi và có lẽ nhiều người dân trong đám đông nói chuyện ở cổng phi trường Biên Hòa chiều hôm đó vô cùng ngạc nhiên khi được các anh bộ đội miền Bắc cho biết họ không lãnh lương và thay vào đó được hưởng phụ cấp mỗi tháng 5 đồng tiền Bắc cùng được chu cấp đầy đủ thuốc men, vật dụng như quần áo, giày, dép, kem đánh răng, xà bông ... Có người hỏi các anh không lãnh lương thì gia đình các anh ở ngoài Bắc sống ra sao. Họ cho biết gia đình họ được "Đảng và Nhà nước lo cho đầy đủ, không thiếu bất kỳ thứ gì".
Vẻ chân chất, hiền lành và cách đối đáp nhã nhặn của những người bộ đội khiến tôi và có lẽ nhiều người trong đám dân chúng có cảm tình và tin ngay những lời họ nói.
Hai miền, hai thứ tiếng Việt
MICHAEL OCHS
Một đôi nam nữ trên đường phố Sài Gòn trước 1975. Phóng viên nước ngoài chú ý phụ nữ miền Nam khi đó thường mặc áo dài nhiều màu sắc cho các dịp quan trọng. Ảnh của Michael Ochs
Đối với tôi, một trong những điều khác biệt đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ: cùng một chữ nhưng ý nghĩa khác nhau rất xa.
=Khi được hỏi về trình độ học vấn tôi cho họ biết đang học cuối năm thứ Tư tại Đại học Đà Lạt, họ nói những trí thức trẻ như anh rất được trọng dụng ở miền Bắc đấy nhé. Đó là lần đầu tiên trong đời có người gọi tôi là "trí thức" vì ở miền Nam trước 1975, những người có bằng cử nhân hoặc cao học (thạc sĩ) chưa bao giờ được coi là trí thức và bản thân họ cũng không dám nhận mình là "trí thức".
Họ hỏi ở miền Nam thành phần trí thức như anh "ăn theo tiêu chuẩn nào?" Khi thấy đám đông dân chúng trong đó có tôi tỏ vẻ không hiểu, họ hỏi "cụ thể mỗi tháng anh ăn mấy cân (ký) gạo?". Tôi trả lời không biết.
Nhiều người chung quanh tôi cũng trả lời không biết y như vậy khi được hỏi. Lúc này tất cả bộ đội ở đó ngạc nhiên vì "tiêu chuẩn gạo của các anh, các chị, quan trọng thế mà cũng không biết à. Lạ nhỉ".
Tôi đáp hễ nhà sắp hết gạo thì lại mua nữa nên không biết mỗi tháng ăn bao nhiêu ký. Họ nói như vậy "Ngụy quyền miền Nam không biết tôn trọng trí thức chút nào cả nên không chịu cấp tiêu chuẩn cho các anh; chứ như anh ở ngoài đó thì tiêu chuẩn phải là (bây giờ tôi không nhớ chính xác) "19 cân gạo mỗi tháng" và ngoài gạo các anh còn được hưởng tiêu chuẩn cao lắm, nào đường, sữa, vải, thịt thà cá mú... ê hề, thừa mứa xài không hết".
Về số ký gạo tiêu chuẩn này, tôi rất ngạc nhiên và trả lời tại sao lại quá ít như vậy, vì "19 ký gạo mỗi tháng thì làm sao ăn đủ no, tôi nghĩ mỗi tháng tôi ăn nhiều hơn 19 ký chứ". Họ ân cần giải thích sức của các anh các chị không thể nào ăn hết nổi 19 ký đâu. Tôi nghe đám đông chung quanh ồ lên vì có lẽ như tôi, nhiều người cũng không biết số ký gạo mỗi tháng họ ăn và cũng có lẽ là lần đầu tiên được nghe giải thích chữ "tiêu chuẩn" không theo cách hiểu thông thường của người miền Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, ngay sau đó có một sự việc khiến tôi và có lẽ nhiều người trong đám đông hụt hẫng là phát biểu của một người có vẻ chỉ huy, tuổi độ 40, không biết đã im lặng nhập cuộc nói chuyện từ lúc nào.
Ông này bỗng nhiên nói rất to đồng thời chỉ vào mặt một số người trong đó có tôi, đại để chúng tôi là bộ đội cách mạng chiến đấu để quyết đập tan chế độ Mỹ Ngụy thối nát với tinh thần thà hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc. Vì vậy, chúng tôi tình nguyện không lĩnh lương và cũng không đi lính với mục đích lĩnh lương như 'lính Ngụy'. Anh, cô hỏi lương để làm gì. Tất cả chúng tôi đều tình nguyện tham gia bộ đội để giải phóng miền Nam thoát ách cai trị, thoát cảnh kìm kẹp của Mỹ Ngụy. Bộ anh, cô tưởng tham gia bộ đội dễ à. Nhiều người phải viết thư nhiều lần, thậm chí cắt tay lấy máu viết thư mới được nhận vào bộ đội đấy. Anh này, anh này, anh kia, cô này... là ai (chỉ tay vào một số người, trong đó có tôi). Anh hỏi để làm gì, cô hỏi để làm gì, hỏi có ý đồ gì, các đồng chí phải triệt để nâng cao cảnh giác cách mạng, đề phòng bọn phản động, gián điệp len lỏi phá hoại thành quả cách mạng...
HÌNH ẢNH,
BETTMANN
Đệ nhất phu nhân, hay bà Thiệu, giải thích trong phỏng vấn với báo chí nước ngoài rằng bà khác bà Nhu, tức Trần Lệ Xuân. Bà Thiệu (Nguyễn Thị Mai Anh) nói bà "không bao giờ tư vấn cho chồng về công việc quốc gia". Bức ảnh này có tên 'Madame Thieu Discussing the Contrast Between Herself and Other First Ladies'.
Sự hụt hẫng của tôi và có lẽ của đám đông là vì chúng tôi chỉ hỏi họ những câu đơn giản, thông thường mà bất kỳ người nào ở miền Nam cũng sẽ hỏi như các anh đi lính từ hồi nào, từ ngoài Bắc các anh vào miền Nam như thế nào, mất bao nhiêu ngày, có cực lắm không, gia đình ngoài đó sinh sống thế nào, xã hội ra làm sao...
Bộ đội và chiếc đài nhiều băng tần để nghe BBC, VOA
Sau ngày 30 tháng Tư, tối nào cũng vậy, từ trong nhà, chỉ cần nghe tiếng "đài" (radio) oang oang ngoài đường là người dân biết đó là bộ đội: họ đeo các "đài" (đựng trong bao da hay bao vải quàng qua vai) rồi mở thật to đi ngoài đường. Nhiều người cầm trong tay đèn pin rồi đứng trước nhà dân và cứ thế chiếu sáng loang loáng vào nhà dân hoặc lên mặt đường hay vào mặt nhau rồi túm tụm bàn tán trong lúc các "đài" mở tối đa công suất.
Những ngày sau đó, nhiều gia đình ở miền Nam bắt đầu mang đồ trong nhà của mình ra bán, từ ghế, bàn, tủ, tủ thờ, bộ ngựa tới ly, tách, chén... Một trong những mặt hàng bán chạy và được bộ đội mua nhiều là đồng hồ và "đài".
Tuy nhiên, bộ đội chỉ mua đồng hồ "có người lái" và "đài" phải là loại ít nhất từ 2 hoặc 3 băng trở lên.
Đồng hồ phải "có người lái" thì còn có thể hiểu được vì "có người lái" tức là đồng hồ tự động, không phải lên giây.
Nhưng việc bộ đội chỉ mua "đài" nhiều băng, càng nhiều băng càng bán chạy và có giá hơn là điều khiến nhiều người dân miền Nam trong đó có tôi ngạc nhiên không ít.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, chúng tôi biết rằng sở dĩ bộ đội chỉ mua đài có nhiều băng, ít nhất phải từ 2, 3 băng trở lên là vì có nhiều băng thì mới nghe được được các đài "địch" như BBC, VOA, nhất là BBC, đài họ thích nghe nhất.
JEAN-CLAUDE LABBÉ
Cảnh SG những ngày kết thúc cuộc chiến
Mộc mạc và nói theo một khuôn mẫu
Nét cảm nhận ban đầu khác của tôi, ngoài vẻ chân thật và mộc mạc, là bộ đội miền Bắc là những người nông dân khoác áo lính chiến đấu cho một lý tưởng cao cả. Hỏi bất kỳ một người nào, bạn sẽ nghe họ hùng hồn giải thích về lý tưởng đó, và tất cả đều nói khá giống nhau, đại thể là nói những điều tương tự như người chỉ huy của nhóm bộ đội tôi gặp ở cổng phi trường Biên Hòa.
Một cảm nhận khác nữa là tình cảm giữa dân chúng với lãnh đạo rất thắm thiết, nồng nàn như cha con trong một gia đình, xưng hô với nhau bằng Bác, cháu, trong khi ở miền Nam là Tổng thống và xưng tôi.
Ngày chết của lãnh tụ được gọi thân thiết là "ngày giỗ Bác". Chẳng hạn như có lần trong câu chuyện, một cô bộ đội nói với tôi: "vào tháng Chín ở ngoài Bắc chúng tôi có hai sự kiện lớn là mùng Hai Quốc Khánh và mùng Ba giỗ Bác" (lúc đó lãnh đạo miền Bắc vẫn còn thông báo cho dân chúng biết Chủ Tịch Hồ Chí Minh chết vào ngày 3/9). Họ cũng kể về nỗi xúc động vô cùng lớn lao của cả làng "khi được tin Bác qua đời".
Điều này khác biệt rất rõ với lính "Ngụy" miền Nam: trong lúc có những người lính miền Nam sẽ nói cho bạn biết họ đi lính để bảo vệ thôn làng, thì cũng có những người nói họ không muốn đi lính chút nào nhưng bị bắt đi thì phải đi, rằng họ không thích Tổng thống Thiệu vì ông độc tài, tham nhũng, hoặc ông tỉnh trưởng A, bộ trưởng B ăn hối lộ, hách dịch. Những điều này, đúng hay sai, đều được phản ảnh rất rõ nét trên báo chí miền Nam và mọi lãnh đạo từ nhỏ tới lớn ở miền Nam đều có thể bị báo chí nêu tên để chỉ trích hoặc cười cợt.
HÌNH ẢNH,
FRANÇOISE DEMULDER (GAMMA)
Xe tăng của quân đội Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn
Bây giờ, báo Việt Nam cũng mới dám chỉ trích quan chức, tất nhiên là chỉ khi họ đã bị "hạ đài", bị quy kết tham nhũng, ra tòa. Nhìn chung, sự tôn thờ lãnh đạo không còn ở VN nữa, mà chỉ còn ở Bắc Hàn.
Nhiều năm tháng đã trôi qua nhưng nhiều ký ức về những tháng ngày trước và sau 30/4/1975 vẫn còn tươi rói trong tôi, và chắc chắn trong lòng nhiều người khác, cả Nam lẫn Bắc.
Nhìn lại những ký ức vụn vặt này để nhớ lại một thời và để nhìn thấy những ấn tượng ban đầu tại một hoặc nhiều thời điểm khác nhau đã ít nhiều hoặc đã thay đổi hẳn theo thời gian.
Tuy thế, một số ngôn từ của báo chí Việt Nam do chế độ kiểm soát có vẻ chưa thay đổi kịp cùng cuộc sống, dù cuộc chiến đã kết thúc gần nửa thế kỷ trước.
Bài thể hiện cách nhìn của ông Bảo Vũ, nhà báo đã nghỉ hưu, hiện sống tại Melbourne, Úc.
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment