Friday, May 27, 2022

Xóa vương triều, xứ Việt 'không có vua' và hết những điều tôn nghiêm - Phạm Cao Phong

 

Nam Giao

NGUỒN HÌNH ẢNH,

JEAN MANIKUS

Chụp lại hình ảnh,

Lễ tế đàn Nam Giao 14/4/1939

Nhân tin Hoàng tế Philip của Anh qua đời, truyền hình Pháp chia sẻ giờ phút đau buồn với nước Anh và điểm lại những thăng trầm trong quan hệ hai nước.

Tôi để ý thấy họ nhắc nhiều tới vai trò của Nữ hoàng Elizabeth II chèo lái con thuyền ngoại giao.

Ở Pháp người ta cũng kính trọng vị Nữ hoàng mà cuộc đời chính trị gắn liền với 5 đời tổng thống Pháp.

Dùng uy tín cá nhân, dựa vào sự kính trọng của Pháp với lịch sử vương triều Anh, bà đã cố gắng xóa bớt xích mích cá nhân giữa tổng thống Charles de Gaulle và thủ tướng Winston Churchill.


Bà mời tổng thống Pháp đến cung điện riêng của Hoàng gia, tặng ông con chó cưng, sử dụng vẻ đẹp quý phái, thanh thản, dịu dàng để thuyết phục tổng thống Pháp đồng ý kết nạp nước Anh vào Liên minh Châu Âu.

Bà đóng góp nhiều để hai nước đi đến thỏa thuận xây đường hầm xuyên biển (Eurotunnel) và nhiều việc có ý nghĩa khác.

Nhìn sang châu Á, xung đột Áo vàng và Áo đỏ dưới triều vua Bhumibol Adulyadej (1946-2016) cũng như đảo chính quân sự lật đổ các chính phủ của cựu thủ tướng Thaksin hay em gái ông Yingluck Shinawatra đều không bị tắm trong biển máu vì uy tín cá nhân của nhà vua, được coi là người cha của Vương quốc Thái.

Malaysia có thể gặp cảnh chính phủ bị bêu riếu, cựu thủ tướng bị kiện vì tiền bạc nhưng vai trò sultan (vua Hồi giáo) luân phiên giữ được ổn định.

Hoàng gia Nhật giữ tôn ti trật tự và còn đại diện cho linh hồn dân tộc qua vai trò 'giữ đền' đạo Shinto.

Vua chúa vẫn có những điểm rất hay

Lòng ngưỡng mộ thể hiện qua đối với mỗi bậc vua chúa khác nhau, nhưng qua bề dày lịch sử tôi thấy nhiều quốc gia lưu giữ trong tâm khảm nhiều điều tốt hơn xấu.

Các vị vua có uy tín để lại những giá trị ngày nay chúng ta quen dùng dưới thuật ngữ bản sắc, tính thừa kế hay văn hóa dân tộc.

Vua Khải Định

NGUỒN HÌNH ẢNH,

HUỲNH THỊ ANH VÂN

Chụp lại hình ảnh,

Vua Khải Định trong bộ áo phục vụ lễ tế Giao

Trước kia, các triều đại quân chủ bằng các chính sách, phương pháp của riêng mỗi nước khẳng định biên giới các quốc gia của mình bằng các mô thức xã hội khác nhau, một cách như thể hiện bản sắc riêng.

Việt Nam không phải là Trung Quốc, Triều Tiên hay Nhật Bản mặc dù các sứ thần dù không nói chuyệnđược bằng ngôn ngữ bản địa vẫn có thể hiểu nhau theo bút đàm.

Sự đứt quãng, đoạt tuyệt với chế độ quân chủ Việt Nam năm 1945 làm lịch sử đi vào một bước ngoặt để lại những khoảng trống chưa được bù đắp về ý thức hệ, truyền thống cũng như giáo dục.

Hiện nay, trào lưu phục cổ đang có xu hướng lan rộng. Tại sao, những thanh niên tuổi còn trẻ lại lại là những người đi tiên phong thích tìm về những giá trị cổ xưa?

Họ không học đòi những điều hấp dẫn của Âu, Mỹ, không lao đầu vào kiếm tiền mà đi khai thác lại những hình ảnh, trang phục, tập quán Việt. Phong trào mặc áo dài khăn đóng, các trang Chùa Việt, Tìm hiểu Lịch sử Việt Nam đều đông đúc người tham gia.

Điều gì dẫn dắt họ đi vào con đường đó?

Mô hình một nước Việt Nam có vua có thật sự thú vị? Câu chuyện 'bao giờ cho đến ngày xưa' xét dưới mọi khía cạnh cũng không thật quá vô bổ khi nhìn vào sinh hoạt xã hội hiện tại đang đầy các vấn đề khó bề giải quyết vì ai cũng như ai.

Thử hình dung nước Việt có vua

Thuế sẽ nhiều hơn? Ba năm một lần lại có lễ tế Đàn Nam Giao tế trời, tế đất cầu cho đất nước thái bình liệu có cần thiết? Hàng năm vua lại phải cởi áo rồng xuống cầy ruộng tịch điền, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa gặt lúa trĩu bông, mong cho cuộc sống người dân ấm no, có quá mê tín dị đoan?

Bản sắc Việt Nam có phải được xây dựng trên tập quán phong tục có từ thời Lý Trần, như lễ Tế Giao, tế Xã tắc, lễ cày Tịch Điền…có cần loại bỏ không thương tiếc ?

Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huỳnh Thị Anh Vân, từng nói với tôi trong một lần gặp ở Huế:

"Trong hàng đại tự về lễ tế có lễ Tế Giao là lễ tế trời đất. Tế Miếu là lễ tế tổ tiên để nêu gương đạo hiếu tổ tiên cho con cháu và nhà vua đích thân thực hành lễ tế này để làm gương cho dân chúng.

Huế

NGUỒN HÌNH ẢNH,

CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM

Chụp lại hình ảnh,

Hoàng thành Huế

"Lễ Tịch Điền với ý nghĩa là nhà vua đích thân cầy ba luống đầu tiên, sau đó là các quan sẽ tiếp tục để hoàn thành nốt xứ mệnh của mình trong nghi lễ đó với ý nghĩa đại diện cho người đứng đầu quốc gia để mở đầu cho một vụ mùa mới với những ước nguyện tốt đẹp."

Thiết nghĩ những hoạt động trên có nhiều có nhiều ý nghĩa hơn những cuộc tranh cướp lộc tại Đền Hùng của thời 'Không có vua', những ầm ĩ tại chùa Bái Đính, những cá nhân ngay khi dịch bệnh hoành hành vẫn đi đền chùa, cúng vọng, nhét tiền vào cửa chùa ngay khi không mở cửa, như một vấn nạn 'tâm linh'? Nên chăng quy về một mối, tái lập lại những tục lệ xưa?

Nhìn vào mặt bằng xã hội ngày nay, dễ dàng nhận thấy người dân nô nức với lễ hội, tấp nập trẩy về những nơi tụ điểm đền đài, đình chùa dù những nơi đó không có dấu ấn lịch sử hoặc gắn liền với các truyền thuyết dân gian, các câu chuyện về các vị anh hùng dựng nước, giữ nước. Các mô hình kinh doanh tín ngưỡng nẩy nở khắp nơi, chùa chiền tăng về con số, quy mô xây dựng bề thế.

Tôn thờ, nhưng đám đông đang thờ ai?

Người dân và quan chức cần tìm sự cứu rỗi, tìm sự an ủi rằng với việc chăm chỉ thăm chùa, vái đền, kiếp nghiệp phải trả sau khi từ giã cõi trần sự ra đi sẽ thanh thản hơn ?

Tôi đến nhiều chùa chiền VN đều thấy ảnh các lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước cũng nô nức với các hoạt động tương tự. Mặc dù chủ thuyết họ đi theo là chủ thuyết vô thần, các hình ảnh họ tôn vinh là những người Đức, Nga đã chết từ lâu và bị lãng quên ở quê họ.

Chắc chắn việc các vị vua cởi hoàng bào xuống ruộng đi sau con trâu, cày đủ ba luống cực nhọc hơn là các lãnh đạo hiện thời cầm xẻng hất vài nắm đất vào một cái cây cổ thụ có từ đời tám hoánh?

Kỷ cương và giá trị lâu bền nay ở đâu?

Chế độ phong kiến đề cao: Lễ, nghĩa, liêm, sỉThị vị tử duyTứ duy bất trươngQuốc nãi diệt vương.

Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn mép lưới. Bốn mép lưới không dương lên thẳng thì nước phải mất. Lưới có thẳng thắn thì những mắt lưới nhỏ trong lưới mới tề chỉnh, ai cũng như ai, từ trên xuống dưới đều theo bốn tiêu chuẩn kia thì xã hội mới có trật tự, nước nhà mới yên vui. Bằng không, nhà nước sẽ diệt vong.

Chuyện khoa cử cũng là được chế độ phong kiến quan tâm. Việc giảm bớt số người đỗ năm 1880 tại 23 tỉnh thành do việc ''Triều đình rất coi trọng việc thi cử, nhiều người chỉ đi theo con đường đó và suốt đời trở thành kẻ vô dụng đối với nhân dân''. ('Les lettrés humanistes', Etudes vietnamiennes 1979).

Bộ máy quan lại được tinh giản và phát huy hiệu quả: Năm 1834, cả nước có 1072 thư lại, năm 1838 còn 708, năm 1867 là 585 trong cả nước, tức là tinh giảm 45%. Việc giảm nhẹ bộ máy hành chính căn cứ theo hai mức độ: quan lại đương nhiệm, những người muốn ra làm quan, quan và nha lại. Nay, một xã ở Thanh Hóa đã có '500 quan'.

Bảo Đại

NGUỒN HÌNH ẢNH,

CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM

Chụp lại hình ảnh,

Hoàng đế Bảo Đại ngày lên ngôi

Tham những thường gắn với quan lại đương nhiệm, vì nhân sự quá đông là nguồn gốc của sự lạm dụng, chi phí, quà cáp. Họ lợi dụng chức quyền để làm giàu, lẩn tránh pháp luật, kết thành những quyền lực vây cánh.

Việc kiểm tra bổ dụng và thăng trật cũng được viết thành văn bản. Để ngăn ngừa sự phát triển của hệ thống ''người nhà'' dựa trên đặc ân hay gia đình trị, người tiến cử buộc phải chịu trách nhiệm về người mình tiến cử. Sau khi đỗ đạt, họ phải thực tập, làm quen với công việc tại các sở tại với thời hạn một năm.

Những điều luật đó có những giá trị nhất định. Nay cải tiến cải lùi mà bộ máy hành chính không nhúc nhích, vì sao?

Giá trị nào còn, giá trị nào mất cũng là điều cần nói.

Trong phỏng vấn hôm 30/10/1990 tại Paris, được con trai cựu hoàng Bảo Đại Patrick-Edouard Bloch-Carcenac đưa lên YouTube (6/2/2021), nhà báo Frédéric Mitterand hỏi:

"Rồi một ngày kia, khi vua Bảo Đại không còn nữa, ông Vĩnh Thụy không còn nữa, ở Việt Nam còn có những người tưởng nhớ đến công đức của ngài không?"

Cựu hoàng Bảo Đại, người qua đời 7 năm sau đó, không để lại lăng mộ gì, đã trả lời:

"Không phải tôi là người nói đến việc này. Xin để cho nhân dân tôi phán xét, xin để cho lịch sử phán xét tôi."

Điều cười ra nước mắt là những người nhận mình là cộng sản, bài bác chế độ phong kiến lại là những người bắt chước lộ liễu nhất, rập khuôn nhất các quy chuẩn các bậc vua chúa, mà bắt chước vụng về.

Tấm ảnh tổng bí thư Nông Đức Mạnh ngồi trên chiếc ghế thếp vàng cầu kỳ và sang trọng hơn ngai vàng vua Nguyễn hẳn chưa bị lãng quên.

Hoặc những lăng mộ các bậc lãnh tụ cách mạng có thể nhìn từ vũ trụ như lăng mộ Tổng bí thư Hà Huy Tập có hai năm giữ chức 1936-1938, không lưu lại dấu ấn gì đặc biệt trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng để lại hai khu mộ khổng lồ, quy tụ toàn thể gia đình dòng họ như câu 'một người làm qua cả họ được nhờ'.

Một số lãnh tụ gần đây qua đời cũng được xây mộ rất to, ngược hoàn toàn với lời cụ Hồ Chí Minh dạy: ''Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư''.

Hoặc 'Di tích Lịch sử cấp Quốc gia' tại xã Hưng Thông, Hưng Nguyên thờ cố TBT Lê Hồng Phong có tổng diện tích khuôn viên 31.229 m2, ở Nghệ An, tỉnh nghèo, lũ lụt, bão tố thường viếng thăm. Đây là điều khó ăn, khó nói về các tấm gương tiền bối cách mạnh sống giản dị, suốt đời chỉ cống hiến cho dân cho nước.

Vậy chúng ta đang bỗng nhiên có những ông giả vương mới rồi, hay có người muốn gieo 'hạt giống đỏ' để cha truyền con nối để thành vua chúa như thật, chỉ không xuất thân từ Hoàng tộc có truyền thống linh thiêng hàng trăm năm?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, cây bút tự do ở Paris, Pháp.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-56726323?fbclid=IwAR1yb3PiDcS5BhWvsOJ1Nk66YLZPv3vbsUdAI9HanSueaaS06wNFabAzunc

No comments: