Friday, October 12, 2012

Bí mật hải quân Nhà Nguyễn


Kỳ 1: Từ thủy quân đến hải quânNhân việc sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu liên quan đến việc mở cõi của Nhà Nguyễn, chúng tôi có dịp tham khảo với một số tài liệu được bảo tồn trong hoàng tộc giúp chúng ta có cái nhìn liên kết giữa sức mạnh hải quân nhà Nguyễn với việc thực hiện chủ quyền biển đảo.
  • Trước hết, Nhà Nguyễn, từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trở đi, khi đưa dân tộc tiến về phương Nam, mỗi bước chân của tiền nhân không chỉ là đi “mở đất” mà đồng thời còn thực hiện chủ quyền biển đảo. Muốn vậy, Nhà Nguyễn phải có một lực lượng hải quân hùng mạnh. Mà muốn có một lực lượng hải quân hùng mạnh thì phải có 3 yếu tố vượt trội: kỹ thuật tàu chiến, vũ khí và quân lương.
    Từ một mảnh đất phía sau dãy Hoành Sơn, các Chúa Nguyễn đã không dừng lại ở cái mơ ước “vạn đại dung thân” bé nhỏ cho mình mà còn cùng với dân tộc nhân đôi nước non bờ cõi, phía nam mở nước dài đến mũi Cà Mau, phía đông làm chủ một vùng biển rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Vua Gia Long từng nói: “Thủy chiến là sở trường của ta”.

    Thuyền bọc đồng thời Minh Mệnh được chạm trên Cao đỉnh – Nguồn: Covathue.com
    Thủy chiến vốn là thế mạnh của dân tộc. Nước Đại Việt ta đã dùng thủy chiến để đánh tan những đội quân xâm lược hùng mạnh. Tuy nhiên, những trận đại thắng trên sông Bạch Đằng cùng các trận Chương Dương, Hàm Tử… lừng danh trên thế giới đều là giang chiến. Riêng trận Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư tiêu diệt đội thuyền lương Trương Văn Hổ của quân Nguyên Mông là trận đánh trên biển đầu tiên, nhưng cũng là một trận “duyên chiến”. Đến thời các Chúa Nguyễn, thủy chiến đã được nâng lên một tầm cao mới – hải chiến.
    Trận hải chiến đầu tiên được lịch sử ghi nhận là trận do Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần khi ấy còn là thế tử chỉ huy, đánh tan một hạm đội của Hòà Lan đến hải phận nước ta “gây hấn” vào năm 1643 (Thanh Niên đã đăng trong bài Tàu to súng lớn vẫn thua, số ra ngày 4.8.2011). Trước đó, vào năm 1585, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên khi ấy còn là một hoàng tử, đã đánh tan một đội tàu chiến 6 chiếc của Nhật Bản (Đại Nam thực lục gọi đây là tàu của “tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý”, có tài liệu nói đây là tàu Kenki của Nhật Bản) đến cướp bóc vùng ven biển Cửa Việt, nhưng trận này cũng là một trận “duyên chiến”.
    Có thể nói Hải Quân Việt Nam được khai sinh từ trận đánh thắng đội tàu chiến Hòa Lan, vốn là nước có đội tàu chiến tối tân nhất phương Tây lúc bấy giờ.
    Không chỉ đánh thắng tàu chiến Hòa Lan và Nhật Bản, hải quân nhà Nguyễn còn đánh thắng tàu chiến Anh sang gây hấn, quét sạch mọi loại giặc biển đến từ Tàu, Nam Dương, Thái Lan… Hệ thống phòng thủ bờ biển được thiết lập dọc theo chiều dài đất nước, không chỉ Phú Quốc, Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa mà hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trên biển đều được tiếp quản, thiết lập chủ quyền và canh phòng cẩn mật, suốt mấy trăm năm không để mất một tấc đảo, một khoảnh nước nào. Trên cơ sở phòng thủ vững chắc, nhà Nguyễn đã thiết lập các tuyến hải hành và mở rộng giao thương với nước ngoài. Tàu thuyền nước ngoài đến tấp nập ở Hội An và các thương cảng; tàu thuyền nước ta cũng cập bến ở nhiều nước Á, Âu. Khiêm cung hòa hiếu nhưng dũng mãnh cương cường, không hại ai nhưng nhất quyết không để ai hại mình, đó là thế đứng vững chắc của nước ta một thời giữa thiên hạ.
    Tàu thuyền quân sự và dân sự của nhà Nguyễn gồm 3 loại: tàu thuyền dùng mái chèo, tàu thuyền dùng buồm và tàu bọc đồng chạy hơi nước. Tàu bọc đồng chạy hơi nước có từ thời Vua Gia Long, nói theo ngôn ngữ bây giờ thì nhà Nguyễn đã sớm hiện đại hóa tàu thuyền ngang với thế giới.
    J.Barrow trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 đã ghi lại một bảng thống kê thú vị về quân đội nhà Nguyễn thời Vua Gia Long: Tổng quân số 139.800 người, riêng hải quân có 26.800 người. Barrow còn ghi thêm về việc “hiện đại hóa” hải quân của Gia Long: “Ông đã cho đóng ít nhất 300 pháo thuyền lớn hoặc loại thuyền dùng chèo, 5 thuyền có cột buồm và một chiến hạm đúng theo kiểu tàu châu Âu. Ông cho đưa vào quân đội một hệ thống các chiến thuật hàng hải, và cho những sĩ quan hải quân học cách sử dụng các tín hiệu”.
    Nhìn vào những tài liệu đã ghi chép, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhầm tưởng sức mạnh hải quân của nhà Nguyễn chính ở sự “hiện đại hóa” đội tàu theo kiểu châu Âu. Nhưng sự thật không phải vậy. Hiện đại theo cách của người ta thì không bao giờ bằng người ta được, chưa nói đến việc hơn người ta.
    Sức mạnh hải quân Nhà Nguyễn nằm ở 3 yếu tố nổi trội nói ở đầu bài: kỹ thuật tàu chiến, vũ khí và quân lương. Cả ba đều là bí mật, không ghi trong sử sách (nếu ghi thì còn gì là bí mật). Chưa ai tìm ra được các tài liệu nói về 3 yếu tố trên, thậm chí cả những hình vẽ và ảnh chụp các tàu chiến nhà Nguyễn cũng không thấy để lại, ngoài một cuốn binh pháp là cuốn Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ, trong đó có đề cập đến các trận pháp và kỹ thuật thủy chiến nhưng cũng không đề cập đến 3 yếu tố trên.
    Rất may là các bí mật này vẫn còn lưu lại trong dòng tộc, được ghi khá tường tận trong một cuốn sách bí truyền: Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ, cuốn sách hiện vẫn còn được lưu giữ trong gia đình ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, một hậu duệ của Vua Minh Mệnh (ông Ưng Viên gọi Vua Minh Mệnh bằng ông cố).
    Đại Nam thực lục tiền biên có ghi rõ lực lượng thủy binh nước ta thời Chúa Nguyễn Phúc Tần có tới 22.740 quân, bao gồm:
    - Cơ Trung hầu 10 thuyền 300 người;
    - Nội bộ 60 đội thuyền, hơn 3.280 người;
    - 2 cơ Tả trung và Hữu trung, mỗi cơ 14 thuyền, đều hơn 700 người;
    - Nội thủy 58 thuyền, 6.410 người;
    - Cơ Tả trung kiên 12 thuyền, 600 người;
    - Cơ Hữu trung kiên 10 thuyền, 500 người;
    - 2 cơ Tả trung bộ và Hữu trung bộ, mỗi cơ 10 thuyền, đều 450 người;
    - Cơ Tiền trung bộ 12 đội, mỗi đội 5 thuyền, cộng 2.700 người;
    - 4 cơ Tả dực, Hữu dực, Tiền dực, Hậu dực, mỗi cơ 5 thuyền, cộng hơn 1.100 người;
    - 4 đội Tiền thủy, Hậu thủy, Tả thủy, Hữu thủy, mỗi đội 5 thuyền, đều hơn 500 người;
    - 8 cơ Tả nội bộ, Hữu nội bộ, Tiền nội bộ, Hậu nội bộ, Tả súng, Hữu súng, Tiền súng, Hậu súng, mỗi cơ 6 thuyền, cộng 2.100 người;
    - Dinh tả bộ 10 thuyền, cộng hơn 450 người;
    - 4 đội Tiền bính, Hậu bính, Tả bính, Hữu bính, mỗi đội 4 thuyền, đều hơn 200 người;
    - Cơ Tả thủy 5 thuyền, hơn 200 người.

  • Bí mật hải quân nhà Nguyễn –
    Kỳ 2: Bí mật về cấu tạo tàu chiến

    “Người Hoà Lan… qua thử nghiệm với kết quả tai hại đã nhận ra rằng những loại thuyền ấy (những loại thuyền chèo tay của người An Nam) có thể tấn công và giành được lợi thế trước những chiếc tàu to lớn của họ, mà trước đây với những chiếc tàu ấy họ từng là những kẻ làm bá chủ trên mặt biển” – Giám mục De Rhodes.
    Theo tài liệu bí truyền trong hoàng tộc Nguyễn, tàu hơi nước dù rất hiện đại, nhưng cũng chỉ dùng để vận tải, không dùng làm tàu chiến. Ngay cả các thủy sư người Pháp phục vụ cho hải quân nhà Nguyễn, trong trận hải chiến lừng danh là trận Thị Nại, họ cũng chỉ làm nhiệm vụ tải lương, tức là chỉ đóng vai hậu cần. Bởi vậy mà theo Barrow, trong số 26.800 lính hải quân, chỉ có 1.200 người phục vụ trên các tàu đóng kiểu châu Âu.

    Tái hiện thao diễn thủy binh thời Nguyễn tại Festival Huế 2010 – Ảnh: Bùi Ngọc Long
    Tàu thuyền chạy bằng buồm cũng vậy. Dù có kết cấu hết sức linh hoạt, vỏ tàu có 3 lớp, tàu lớn tải trọng có thể trên 40 tấn, có 22 khoang, mỗi khoang đều có phao làm bằng thao tằm, có trụ trung tâm điều khiển cột buồm bằng con quay để giữ thăng bằng và bảo đảm quan sát được 4 hướng, dưới chân cột buồm có dàn xạ tiễn bắn tự động để đối phó mỗi khi bị tàu địch tấn công. Tàu buồm này chịu được sóng gió cấp 5. Tuy nhiên, tàu chạy bằng buồm cũng chỉ được dùng làm tàu vận chuyển và… nghi binh mà thôi.
    Tàu chiến của nhà Nguyễn toàn bộ làm bằng tre và chỉ dùng mái chèo. Nghe thì tầm thường, nhưng sự vô song chính là ở đó. Tuy dùng bằng mái chèo nhưng có thể lướt sóng với tốc độ nhanh hơn tàu chạy bằng hơi nước, lại linh hoạt hơn và cơ động thiện chiến hơn nhiều. Vì sao vậy?
    Để khỏi mang tiếng tự đề cao dân tộc mình, xin hãy nghe “Tây” nói về những chiếc thuyền chiến bé nhỏ của ta đánh thắng hạm đội Hà Lan trước đã. Tường thuật lại trận hải chiến năm 1643, trong cuốn Những người châu Âu ở nước An Nam, Charles B. Maybon, một học giả người Pháp viết:
    “Ba tàu dưới sự chỉ huy của Pierre Baeck được phái đi từ Jambee (Sumatra) vào cuối năm 1643. Đến ngang tầm “Bốn mũi” (Quatre Caps), người Hà Lan phải chịu đựng đòn tấn công của chừng 60 thuyền chiến Đàng Trong, mà theo Thực lục là dưới quyền chỉ huy của Thế tử, tức Hiền Vương sau này. Tàu đô đốc, là chiếc nặng nhất và chậm nhất trong số 3 tàu đó, bị bốn thuyền chèo tay đuổi kịp, đánh gãy mất bánh lái, đánh đổ cột buồm và bám vào hai bên mạn tàu; viên thuyền trưởng Hà Lan không hy vọng chạy thoát được nữa, cho châm lửa vào kho thuốc súng và tự đốt cháy tàu. Hai chiếc tàu kia, theo lời của Jean Gobyn, phải rất chật vật mới tìm được một chỗ trú ở đảo Ngọc (Ile de Perles). Theo cha De Rhode, một trong hai tàu ấy do bị người Đàng Trong đuổi đánh đã va phải đá ngầm vỡ tan, còn chiếc kia chạy thoát được…”. (Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về trận đánh này trong bài Tàu to súng lớn vẫn thua, Thanh Niên số ra ngày 4.8.2011).
    Người ta cũng nhầm tưởng hải quân nhà Nguyễn thường dùng vũ khí là đại bác và súng ống phương Tây. Các thủy sư đô đốc nhà Nguyễn hiểu rằng bắn đại bác từ tàu chiến chỉ để thị uy chứ ít chính xác, nên hải quân nhà Nguyễn sử dụng chủ yếu 3 loại vũ khí: súng phun lửa, nỏ liên châu và ống phóng hơi cay. Súng phun lửa có thể sử dụng khi cận chiến cự ly 15m. Nỏ liên châu thì một phát bắn ra 20 mũi tên có thể trúng chính xác ở cự ly trên 100m. Khi xung trận, đầu tàu có thể biến thành đuôi tàu và ngược lại nên cơ động trong mọi tình huống.
    Maybon dẫn lời nhà truyền giáo De Rhodes kết luận về trận hải chiến này như sau: “Người Hà Lan… qua thử nghiệm với kết quả tai hại đã nhận ra rằng những loại thuyền ấy (những loại thuyền chèo tay của người An Nam) có thể tấn công và giành được lợi thế trước những chiếc tàu to lớn của họ, mà trước đây với những chiếc tàu ấy họ từng là những kẻ làm bá chủ trên mặt biển”.
    Theo tài liệu lưu giữ trong gia đình ông Ưng Viên, tàu chiến (gọi chính xác là thuyền chiến) nhà Nguyễn, loại lớn nhất dài 30m, ngang 12m; loại nhỏ nhất dài 3m, ngang 1,2m. Vỏ tàu có 3 lớp, tất cả làm bằng tre trét bằng dầu rái và vài loại thực vật khác, các khoang tàu cũng có phao làm bằng thao tằm giống như tàu chạy buồm.
    Toàn bộ thủy quân chỉ có một soái hạm, dài 50m, ngang 12m. Người phương Tây rất muốn quan sát được chiếc soái hạm này nhưng chưa bao giờ họ nhìn thấy, vì nó có cấu tạo đặc biệt, chỉ xuất hiện trong những tình huống cần thiết, trong điều kiện bình thường nó được tách ra thành những chiếc tàu chiến nhỏ.
    Tàu chiến lớn có 12 tay chèo, chia thành 3 cụm, mỗi cụm có 4 tay chèo, 1 cụm bố trí ở mũi tàu, 2 cụm bố trí ở khoảng 1/3 thân tàu tính từ phía sau. Điều thú vị là các tay chèo này không phải dùng mái chèo tác động xuống nước để đẩy thuyền đi như thuyền chèo thông thường mà việc “chèo” này là để làm quay một hệ thống ròng rọc nối liền với các quạt nước, chính những cái quạt nước này vừa nâng tàu lên vừa đẩy tàu đi giống như tàu máy hiện đại nhưng linh hoạt hơn nhiều. Mỗi cụm tuy có 4 tay chèo, nhưng chỉ có 3 quạt nước nối với 3 tay chèo thông qua ròng rọc, tay chèo còn lại có vị trí độc lập, nhiệm vụ của anh ta là điều chỉnh để cân bằng hệ thống, việc của anh ta nhẹ nhàng hơn 3 anh kia, nhưng khi gặp sự cố, một mình anh ta sẽ làm chạy một lúc 3 cái quạt nước, do mái chèo của anh ta gắn với sự chuyển động đồng thời của 3 cái quạt này

    Khi 3 cụm chèo đồng thời được nâng lên bởi tay chèo điều chỉnh hệ thống, lập tức tàu chạy lướt trên mặt nước, nghệ thuật lướt này nhờ vào 2 tay chèo số 4 phía sau điều chỉnh cho bánh lái không ghì đuôi tàu xuống, đồng thời giữ thăng bằng khi tàu lướt sóng. Vì vậy mà tàu chiến có thể vượt qua được mọi điều kiện thời tiết, với tốc độ và sự linh hoạt khiến cho đối phương phải kinh ngạc, sợ hãi và tuyệt vọng.
    Điều đặc biệt là toàn bộ chất liệu làm tàu chiến không dùng đến sắt thép, kể cả cánh quạt, đinh, chốt, vít. Các liên kết đều dùng mộng, các chốt liên kết làm bằng một loại gỗ tên là gỗ xây cực kỳ bền chắc. Hy vọng từ những tài liệu nói trên kết hợp với các tài liệu khác có thể tìm được, các nhà nghiên cứu và chế tạo có thể tái tạo những chiếc tàu để xác nhận tính năng của nó.
    Tàu chiến của hải quân nhà Nguyễn là niềm tự hào của quân dân ta. Khi vua Gia Long đưa thủy quân ra Bắc, lúc đội tàu chiến tiến đến Nam Định, dân chúng nhìn tàu lướt trên sóng đã thán phục gọi là “thần binh”.
  • Thuỷ quân nhà Nguyễn năm 1816 đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa
    Thuỷ quân nhà Nguyễn năm 1816 đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa
    Từ thời các chúa Nguyễn, đầu thế kỷ XVII, khai thác Biển Đông, kinh tế biển, bảo vệ Biển Đông đã được các chính quyền thời ấy rất quan tâm. Các đội khai thác Biển Đông như đội Hoàng Sa, đội Quế Hương, đội Đại Mạo Hải Ba, đội Quế Hương Hàm với nhiệm vụ kinh tế và sẵn sàng ứng chiến với kẻ xâm phạm Biển đảo.


    Những người phục vụ các đội đều gọi là quân nhân – Đội dân binh. Riêng đội Hoàng Sa đứng đầu là cai đội hay đội trưởng lại thường là kiêm cai thủ cửa biển Sa Kì cũng như kiêm quản cai cơ thủ ngự.
    Chức quan cai cơ thủ ngự phụ trách thu thuế, an ninh trên biển, chống hải tặc, cướp biển.
    Như thế việc khai thác kinh tế biển luôn kết hợp với nghĩa vụ quân sự, chống cướp biển, bảo vệ Biển Đông. Sự kết hợp này do các chúa Nguyễn chủ trương từ lâu khi ở đất liền xây dựng loại lính đồn điền, khẩn hoang, tay cầm gươm, tay cầm cuốc đi mở cõi và cũng từ lâu các chính quyền Đại Việt có chính sách “ngụ binh ư nông”.
    Tháng 7 năm Quý hợi ( 1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa.
    Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, q. 12 viết: ” Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.
    Các quan thủ ngự các cửa biển như cửa biển Sa Kỳ kết hợp với đội Hoàng Sa vẫn giữ nhiệm vụ chống hải tặc như truớc.
    Trước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn Ánh cũng đã được anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở Biển Đông trong đó có vùng quần đảo Trường Sa hay Hòang Sa nói chung.
    Tháng giêng, năm Ất Hợi (1815), Phạm Quang Anh, thuộc đội Hoàng Sa được lệnh ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình. Phạm Quang Ảnh hiện được thờ tại từ đường tộc họ Phạm (Quang) tại thôn Đông, xã Lý Vĩnh, xưa là phường hay hộ An Vĩnh tại huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré).
    Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển 52, từ năm 1816 vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thủy trình.
    Dân phu cùng đi chính là những dân phu giỏi hải trình đi Hoàng Sa. Sở dĩ vua Gia Long bắt đầu cho thuỷ binh đi Hoàng Sa vì có các sĩ quan người Phương Tây trong thời chiến tranh với Tây Sơn rất quan tâm đến vấn đề quản lý Biển Đông.
    Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, Minh Mạng như Chaigneau, giám mục Taberd đã viết rất rõ về những hành động của vua Gia Long như Chaigneau đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine” “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy” hay giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (vua Gia long) đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong. Gutzlaff năm 1849 đã cho biết chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam”.
    Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân này đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nên đã khiến cho những người Phương Tây như Chaigneau hay sau này là Taberd khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình như đã nói trên. Thực ra sự kiện năm 1816 chỉ đánh mốc là Hoàng Đế Gia Long sử dụng thủy quân thay vì chỉ có đội Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình , khai thác hải vật như trước.
    Sang thời Nhà Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng, thủy quân hàng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
    Thời gian đi vãng thám đo đạc ở Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng thì bắt đầu triều Nguyễn theo lệ khởi đi vào mùa Xuân, (kể từ kinh thành Huế đến Quảng Ngãi), song cũng tùy năm sớm trễ khác nhau. Từ kinh thành Huế, thuỷ quân tới Quảng Ngãi nghỉ ngơi và chuẩn bị cũng mất một thời gian đáng kể. Như năm Minh Mạng 19 (1838) lúc đầu ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió Đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được . Lúc đầu kế hoạch tính đo đạc giáp vòng Hoàng Sa từ hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 là hoàn tất công việc. Sau dù có đi trễ, thời gian hoàn tất tháng 6 vẫn không thay đổi.
    Nhiệm vụ đo đạc ở Hoàng Sa nói chung, Trường Sa nói riêng được qui định cũng rất rõ ràng có ghi trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ quyển 165 cũng như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ , quyển 221 như sau:
    “Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.
    Cũng chính vua Minh Mạng ra chỉ dụ nói rõ việc làm cụ thể của từng chuyến đi. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu trình lên vua về chuyến vãng thám Hoàng Sa của thủy quân, chính đội trưởng Phạm Hữu Nhật, vua Minh Mạng phê sửa (châu cải) : “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thụ ngay, giao cho tên ấy (Phạm Hữu Nhật) nhận biên” và rồi vua Minh Mạng lại phê (châu phê): “Thuyền nào đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”.
    Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6 đã ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy có nơi phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào và có bia khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình”. Như thế trước thời Minh Mạng đã có việc khắc bia, dựng miếu chùa rồi.
    Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công sang năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái người ra dựng bia chủ quyền . Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 165 cũng đã chép rất rõ từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ công tâu vua cứ hằng năm cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia.
    Các vị vua chúa Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc dựng chùa miếu và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu Hoàng Sa một gian theo thể chế nhà đá. Việc dựng miếu này theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhị kỷ, quyển 154, đã cho biết rõ năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã không thực hiện việc xây dựng miếu như dự kiến mà đến mãi đầu tháng 6 mùa hạ, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua Minh Mạng đã cử cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách toà miếu cổ 7 trượng. Bên trái miếu, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong việc chớ không như các đoàn khác có nhiệm vụ lâu dài hơn.
    Thường ba mặt miếu Hoàng Sa bên trái, bên phải và đằng sau đều trồng các loại cây. Theo Việt Sử Cương Giám Khảo Lược của Nguyễn Thông, thì các quân nhân đến đảo thường đem những hạt quả thủy nam mà rải ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để tìm dấu mà nhận. Như thế cây trồng ở Hoàng Sa chủ yếu trồng bằng cách gieo hạt, quả chứ không trồng theo kiểu trồng loại cây con. Đó cũng hợp lý vì mang cây con ra biển đi trên thuyền nhỏ như thế cũng khó khăn, khó bảo dưỡng được cây sống để mà trồng. Thời gian hoạt động hàng năm của thủy quân vào cuối mùa khô, kéo dài sang mùa mưa nhiều tháng trời, rất thuận lợi cho việc gieo hạt trồng cây. Ý của vua Minh Mạng sai trồng cây cũng cho rằng gần đây thuyền buôn thường bị hại, nên trồng cây cũng cốt làm dấu dễ nhận ra đảo mà tránh thuyền bị tai nạn đâm vào đảo.
    Trong suốt thời chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một, luôn được quản lý hành chánh bởi Thừa Tuyên Quảng Nam dưới danh nghĩa Nhà Lê hay Quảng Nghĩa hay Ngãi lúc là phủ, khi là trấn trong thực tế tự trị của Xứ Đàng Trong, tùy theo thời kỳ lịch sử. Bởi từ khi Nguyễn Hoàng trở lại trấn thủ Thuận Quảng (năm 1600) cho tới khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng vương năm 1744, trên danh nghĩa chúa Nguyễn vẫn là quan trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam của Đại Việt, do vua Lê trị vì.
    Như thế mọi hành động xác lập chủ quyền của các chúa Nguyễn vẫn dưới danh nghĩa nước Đại Việt.
    Như thế suốt hơn hai thế kỷ, từ đầu thế kỷ XVII thời các chúa Nguyễn đến nửa đầu thế kỷ XIX thời Nhà Nguyễn, đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đã làm nhiệm vụ khai thác biển, quản lý biển đảo Biển Đông.
    Từ năm 1816 thuỷ quân được giao nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền theo phương cách Phương Tây, đúng theo pháp lý quốc tế thời đó.
    Thời nào cũng vậy, Việt Nam luôn tuân thủ pháp lý quốc tế về xác lập và thực thi chủ quyền về biển đảo và có đầy đủ chứng cứ lịch sử từ chính sử chép cụ thể đến các văn bản nhà nước như Châu bản của Triều đình nhà Nguyễn cũng như các văn bản chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, tờ bằng cấp như mới phát hiện ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
    Chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo ấy là không có gì để tranh cãi.
    Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã
    daidoanket.vn
  • Nhà Nguyễn cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa
    Nhà Nguyễn cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa
    - Hoàng Sa là một quần đảo tiền tiêu nằm ở Biển Đông. Trong thời kỳ trị vì đất nước, nhà Nguyễn luôn quan tâm đến quần đảo này và xem như là một nhân tố quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của vương triều.
    Hàng năm triều đình vẫn phái đội Hoàng Sa đi tuần tiễu trên biển. Cái nôi của đội Hoàng Sa là những người ở xã An Vĩnh (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, triều đình vẫn cho mộ những người nơi khác để bổ sung vào hải đội Hoàng Sa.

    Bản dập mộc bản phản ánh triều đình sai Võ Văn Phú mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa
    Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 22, trang 2, năm Gia Long thứ 2 (1803) chép: “Tháng 7, lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.
    Một trong những việc mà vương triều Nguyễn rất chú trọng là việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Không những đội Hoàng Sa có nhiệm vụ này mà ngay cả thuyền buôn của các nước nếu vẽ được bản đồ Hoàng Sa cũng được triều đình trọng thưởng.
    Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 55, năm Gia Long thứ 16 (1817) chép: “Tháng 6, thuyền Mã Cao đậu Đà Nẵng, đem địa đồ đảo Hoàng Sa dâng lên. Thưởng cho 20 lạng bạc”.
    Trong những lần ra Hoàng Sa, hải đội Hoàng Sa ngoài việc vẽ bản đồ, thăm dò đường biển… còn có nhiệm vụ khai thác những sản vật tại Hoàng Sa về đem dâng lên triều đình và báo cáo tình hình tại Hoàng Sa.

    Bản dập mộc bản phản ánh đội Hoàng Sa của Trương Phúc Sĩ đem những sản vật khai thác ở Hoàng Sa đem dâng triều đình
    Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 122, trang 23, năm Minh Mạng thứ 15 (1814) chép: “Tháng 3, sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Sĩ tâu: Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ, có nhiều thuyền các nước qua lại. Nhân đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy”. Vua cho trọng thưởng.
    Từ việc đội Hoàng Sa phải trình tâu và dâng những sản vật lên triều đình sau những lần công cán trở về cho thấy rằng vương triều Nguyễn có chủ quyền rõ ràng với quần đảo này. Việc phòng thủ cũng như khai thác sản vật ở Hoàng Sa cũng đã chứng minh đó không phải là việc riêng của bộ phận nào, mà đó là việc chung của cả vương triều.
    Khắc Niên – Khắc Lịch
  • Đọc mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
    Đọc mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
    “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển”.
    Trong hàng trăm vấn đề về lịch sử – văn hóa – xã hội được phản ánh tại khối tài liệu đồ sộ Mộc bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi xin được đề cập về việc vua Minh Mạng phái đội quân do Phạm Hữu Nhật ra quần đảo Hoàng Sa để cắm mốc chủ quyền.


    Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV – nơi đang lưu trữ 34.618 tấm Mộc bản triều Nguyễn (Ảnh: – Khắc Lịch)
    Thời kỳ nhà Nguyễn trị vì đất nước, quần đảo Hoàng Sa đã được vương triều Nguyễn rất quan tâm. Các chúa Nguyễn đã cho lập hải đội Hoàng Sa để bảo vệ vùng lãnh hải, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Vua Minh Mạng là người rất quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian trị vì đất nước, nhà vua đã có nhiều việc làm thiết thực để khẳng định chủ quyền đối với quần này như: cho lập đền thờ ở Hoàng Sa, cho trồng cây trên đảo…
    Những việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa lúc đó không phải là việc riêng của cá nhân hay bộ phận nào, mà là việc chung của cả vương triều. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 phản ánh trong một buổi đại thiết triều vào tháng giêng năm 1836 như sau: Bộ Công tâu nói : “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển.
    Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, yêu cầu 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.

    Bản dập Mộc bản phản ánh nội dung vua Minh Mạng phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa: Ảnh – Khắc Niên
    Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ.
    Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”
    Vua y lời tâu, sai suất đội Thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: “Minh Mệnh thứ 17 (1836), năm Bính thân, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
    Có thể thấy, ý thức giữ gìn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc đã được các triều đại Việt Nam hết sức đề cao, coi trọng. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua Mộc bản triều Nguyễn, kho tư liệu vẫn còn nguyên vẹn giá trị, đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV.
  • Triều Nguyễn và việc cho lập Hải đội Hoàng Sa
    Triều Nguyễn và việc cho lập Hải đội Hoàng Sa
    - Trong thời gian nhà Nguyễn (cả thời chúa và vua Nguyễn sau này) trị vì, chủ quyền biển đảo là việc được hết sức coi trọng. Điều đó thể hiện rõ trong các sách chính sử của triều Nguyễn. Trong đó, việc cho lập hải đội Hoàng Sa đã phản ánh một tầm nhìn xa về vấn đề chủ quyền biển đảo của tương triều này.
    Sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển 10, trang 24 (chữ Hán) đời Thế tông Hiếu Vũ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 16 (1754) chép: “Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cám ơn. Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Hoàng Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra Hoàng Sa, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay), để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

    Sách Đại Nam thực lục tiền biên phản ánh việc cho lập đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn
    Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý thời ấy ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn trong hoàn cảnh tay cầm cuốc, tay cầm gươm để mở đất khai hoang. Kể từ khi được thành lập vào thời chúa Nguyễn cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước thì hải đội Hoàng Sa vẫn hoạt động nhằm bảo vệ vùng biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa.
    Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí… hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Và khi về đội Hoàng Sa phải báo cáo với triều đình về những việc làm trong thời gian trên biển.
  • Nhà Nguyễn cứu 90 người Anh bị chìm tàu ngoài Hoàng Sa
    Nhà Nguyễn cứu 90 người Anh bị chìm tàu ngoài Hoàng Sa
    Trong thời kỳ làm hoàng đế, vua Minh Mạng và vương triều Nguyễn đã có những việc làm thiết thực để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” cho biết: Vào tháng 12/1836 thuyền buôn Anh Cát Lợi (tức nước Anh ngày nay) đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người được nhà Nguyễn cứu sống đưa vào bờ biển Bình Định.
    Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 104, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chép: “Vua bảo bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.
    Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 154, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chép: “Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có cái giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ “Vạn lí ba bình” (tức là muôn dặm sóng êm).
    Cồn Bạch Sa có chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái (tức năm 1834) vua toan dựng miếu lập bia chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được.
    Đến đây, mới sai Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về”.

    Bản dập Mộc bản triều Nguyễn phản ánh vua Minh Mạng cho giúp đỡ tàu phương Tây bị mặc cạn ở Hoàng Sa
    Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 176, trang 1, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) chép: “Mùa đông, tháng 12, thuyền buôn Anh Cát Lợi (tức nước Anh ngày nay) đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định.
    Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu, vua nói: “Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hoá, đổi được tục man di. Thật rất đáng khen.” Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tuỳ tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Sắc sai phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bến tàu Hạ Châu, cho về nước”.
    Từ những việc làm như trồng cây, lập miếu thờ ở Hoàng Sa hay cho cứu vớt tàu phương Tây bị mắc cạn ở Hoàng Sa đã cho thấy vương triều Nguyễn có chủ quyền riêng ở quần đảo này. Bên cạnh đó, Mộc bản triều Nguyễn và các sách lịch sử khác chưa hề phản ánh việc các nước khác tranh chấp với triều Nguyễn trên quần đảo Hoàng Sa.
  • Vua Gia Long 3 lần phái quân ra Hoàng Sa
    Vua Gia Long 3 lần phái quân ra Hoàng Sa

    - Trong 18 năm trị vị đất nước (1802 – 1820), dù có nhiều công việc phải làm để củng cố vương triều mà khó khăn lắm mới gây dựng được, nhưng vua Gia Long cũng không quên việc phái quân ra biển đảo để khẳng định chủ quyền của vương triều đối với các đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.
    Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt (Lâm Đồng) với nhiều nội dung phản ánh xã hội triều Nguyễn, trong đó có một số đoạn nói về việc vua Gia Long cho phái người ra quần đảo Hoàng Sa dò xét đường thủy. Có tất cả 3 đoạn trích về việc này được phản ánh qua Mộc bản.
    Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 22, trang 2, năm Gia Long thứ 2 (1803) chép: “Tháng 7, Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

    Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 50, trang 6, năm Gia Long thứ 14 (1815) chép: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

    Bản dập mộc bản nói về vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa dò xét đường biển
    Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 52, trang 15, năm Gia Long thứ 15 (1816) chép: “Tháng 3, sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”.

    Bản dập Mộc bản nói về vua Gia Long phái thủy quân ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình
    Gia Long là vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn. Ngay từ khi lên ngôi, mặc dù Vương triều còn rất nhiều khó khăn, công việc bộn bề nhưng ông đã thể hiện một tầm nhìn rất xa đối với chủ quyền biển đảo – phần lãnh thổ không thể tách rời với đất liền – và không quên việc phái quân ra biển đảo để khẳng định chủ quyền của vương triều đối với các đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.
    Khắc Niên – Khắc Lịch

    Nam Yết chuyển

No comments:

Phân Ưu Niên trưởng Đoàn Danh Tài Đã Tạ Thế

                      Hội Hải Quân Hàng Hải San Diego 5312 El Cajon Blvd, San Diego, CA 92115, (619) 265-0635 , hoihaiquanhanghaisandiego@gm...