Tuesday, October 23, 2012

THẦY CÒN NHỚ TÔI KHÔNG ? - TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

 Hồi Ký của GS Nguyễn Xuân Vinh
 

Thầy Còn Nhớ Tôi Không?
GS Nguyễn Xuân Vinh

    Mới đây khi đọc một tờ báo xuất bản ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, một bài viết về “Trường Cũ”, tôi thấy được tác giả nhắc tới rằng khi xưa tôi là một học sinh hiền lành. Cho đến bây giờ tôi vẫn được bạn bè cho là một người hiền. Chỉ có nhà tôi, mỗi lần thấy ai khen tôi như vậy thì lại nói: “Anh mà là người hiền!?”Một điều cố hữu với tôi là đối với các vị lớn tuổi hơn, với các thầy và cô giáo, cũng như các vị tu hành, tôi thưa gửi rất lễ phép. Những điều này tôi làm rất tự nhiên, từ hồi còn nhỏ đến giờ, không bao giờ thay đổi. Khi còn ở bậc tiểu học, tôi được học trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, chuyện ông Sadi Carnot (1837-1894), là Tổng Thống Cộng Hoà Pháp vào năm 1887 khi trở về làng tới thăm thầy học cũ và nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Tôi không còn nhớ là thầy dậy tôi lúc bấy giờ bình luận chuyện này ra sao, nhưng đối với tôi, thực tình tôi cho chuyện này không có gì đặc biệt, giá trị luân lý so với những chuyện khác của người Việt Nam chúng ta như sự tích Lưu Bình-Dương Lễ (kể thêm cả Châu Long) thật là kém xa.

    Từ ngày sống nơi khách địa, tôi mới nhận thức được lý do chuyện ông Carnot được kể ra như một gương sáng đáng noi theo cho người Tây phương. Tôi đã nhìn thấy những người học trò, sau này tiến bộ hơn ông thầy, không những quên những ngày được dậy dỗ mà có khi còn lên tiếng chê bai thầy kém cỏi. Ở trong bất kỳ một công hay tư sở, trong kỹ nghệ, trường học, hay ở trong hệ thống chính quyền trên đất nước này, thế nào cũng có những người trẻ ở cấp bậc điều khiển, những người này tất nhiên đã có lần vượt lên trên những người trước kia quản lý hay chỉ dẫn cho mình. Tôi không biết họ còn nói được những câu ân tình với những người đã huấn luyện cho mình hay không.


     Riêng tôi thì được may mắn trong tình bè bạn, có lẽ vì sự giao du thân mật của tôi chỉ giới hạn với những người tôi cho là hiền lành. Tôi ở trong quân đội mười bốn năm, sau này dậy học khoảng ba mươi năm, gặp những bạn bè và học trò cũ bao giờ tôi cũng thấy thoải mái. Nghĩa tình đối với những cựu chiến hữu xưa kia cùng chiến đấu dưới một bóng cờ, tôi đã nói đến nhiều trên sách báo. Giờ đây tôi viết về kỷ niệm với học trò cũ và về những người đặc biệt mà tôi đã có may mắn được gặp trên đường đời.

      Một lần tôi ghé qua San Jose, một tỉnh ở miền Bắc Cali, bạn bè mời tôi tới dự một dạ hội. Một vị khách tới chào và nói: “Em là Hải quân Đại tá Trần Thanh Điền, trước kia học toán với giáo sư ở Petrus Ký”. Đại tá Điền trước đây là giới chức cao cấp ở phủ Tổng Thống thì ai cũng biết. Còn tôi trước kia có dậy một năm học ở Trường Trung Học Petrus Ký, thì thật ít người biết. Tôi thật không ngờ trong những học sinh trẻ thời ấy có những người sau này nổi tiếng trong võ nghiệp. Ở miền Bắc Cali có tuần báo Việt Mercury là một tờ báo được nhiều người đón đọc. Khi nhận được bài viết đầu tiên tôi gửi tới, ông Tổng thư ký đã điện thoại ngay và nói: “Em là Nguyễn Xuân Hoàng, trước học Petrus Ký. Em rất mừng nhận được bài của thầy”. Ông Hoàng lúc đó cũng là giáo sư thỉnh giảng ở Đại Học California, Berkeley. Vậy là tôi tốt số, có môn sinh thành đạt ở cả hai ngành văn và võ.
        Cũng về văn, cựu học sinh trường Võ Tánh ở Nha Trang là nơi tôi đã từng dậy mỗi tuần vài giờ theo lời yêu cầu của Bộ Quốc Gia Giáo Dục và sự chuẩn y của Bộ Quốc Phòng khi tôi mới ở Pháp về và nước nhà còn thiếu nhiều giáo sư Toán có bằng cấp đại học, những học sinh đã theo học lớp tôi dậy có anh Trần Huỳnh Châu sau này là công chức cao cấp trong chính phủ. Học trò cũ ở Võ Tánh còn có anh Lư Văn Thành, cũng là cầu thủ bóng tròn xuất sắc ở trường, sau này trong quân đội là sĩ quan liên lạc Việt Mỹ. Sang Hoa Kỳ sau khi bị Việt cộng đưa đi tủ và được trở về, anh viết hồi ký bằng tiếng Anh. Khi đã đăng vài chương trên phụ trương Anh ngữ của báo Người Việt, anh được mấy nhà xuất bản Mỹ chú ý tới và mời anh ký giao kèo để họ xuất bản thành sách. Sách của anh Thành có lời đề tựa của một Trung Tướng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, và tôi cũng viết mấy lời giới thiệu. Tôi đã viết anh là người đôn hậu và tính tình chung thủy. Khi xưa, trên sân cỏ, khi đã đưa banh qua hàng hậu vệ, anh đá thẳng như sấm sét vào khung gỗ. Giờ đây viết sách kể lại chuyện vinh quang trong quân ngũ và buồn tủi trong ngục tù, chuyện xẩy ra sao, anh kể lại một cách trung thực, đi thẳng và mạnh vào tâm hồn người đọc, như đường banh khi xưa của anh đi thẳng vào lưới. Tuy tôi cũng chỉ dậy có một niên học ỏ Võ Tánh nhưng lại có nhiều tình thầy trò xâu đậm với trường. Thỉnh thoảng tôi lại được đọc trên báo hay những đặc san những bài nói về Nha Trang và trường cũ của những cựu học sinh và đôi khi thấy tên mình được nhắc tới.

      Miền thùy dương cát trắng cũng là nơi đã cung cấp nhiều nhân tài cho nền văn học Việt Nam ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. Trong bộ môn thơ, một người đã đưa thi phẩm của mình ra giới thiệu ở diễn đàn thơ quốc tế là Hải Bằng Hoàng Dân Bình. Là hội viên của Hội Thi Sĩ Quốc Tế, năm 1998 anh đã trình đọc bài thơ “Render unto Me That Which Is Mine” (Hãy Trả Lại Cho Ta) tại Đại hội thường niên quy tụ khoảng một ngàn hội viên đến từ các nơi trên thế giới. Tôi nhận được tập thơ “Hương Yêu” của anh, xuất bản năm đầu thiên niên kỷ mới với lời ký tặng nhớ lại tình thầy trò xa xưa. Trong tập thơ, chứa đựng nhiều bài hay đẹp tuyệt vời, và đã được học giả tiến sĩ Thái Văn Kiểm giới thiệu và khen tặng nhiệt liệt, Hải Bằng đã trải rộng tâm tình trên quê hương, với thân hữu và gia đình, bằng những vần thơ thắm đặm tình người. Qua những lời giới thiệu trong cuốn sách, tôi chỉ biết là sau khi học ở Võ Tánh, Hoàng Dân Bình, cậu học sinh mà tôi nhớ khi xưa trông hiền lành, sau này về Sàigòn theo học Luật Khoa và sau khi tốt nghiệp đã dậy học nhiều năm trước khi được động viên và trở thành sĩ quan như bao nhiêu chàng trai trẻ khác thời tao loạn. Có lần tôi được mời tới Wilmington thuộc tiểu bang Delaware để làm diễn giả danh dự tại Đại Hội Lưỡng Niên các chuyên gia gốc Á châu của hãng Dupont, nơi đó gần thành phố Philadelphia là nơi anh cư ngụ, Hải Bằng đã tổ chức một buổi hội ngộ để tôi gặp anh và gia đình cùng một số thân hữu. Qua bữa ăn trưa tại một nhà hàng ở khu phố người Việt, gặp mấy vị lãnh đạo cộng đồng ở địa phương và những vùng lân cận, và ký giả Thomas Toan Le của Asian News, tôi được biết thêm là từ khi tới Hoa Kỳ theo diện H.O. năm 1992, anh đã tích cực đóng góp vào sự xây dựng cộng đồng cho thêm tươi sáng. Các con trong gia đình anh chị đều thành đạt và noi gương cha mẹ có lòng hiếu kính với các bậc tôn trưởng.

        Bạn đọc chắc không mấy người biết là nhà thơ tên tuổi Du Tử Lê trước kia cũng là học sinh Chu Văn An khi tôi đang dậy ở đó. Vì vậy anh vẫn quen lệ gọi tôi là thầy mỗi khi gặp nhau ở những sinh hoạt văn nghệ. Thơ của Du Tử Lê không những có nhiều bài được phổ nhạc mà lại có nhiều bài được dịch sang Anh ngữ. Tôi luôn luôn mong mỏi nhân tài của mình ở mọi ngành khoa học, kỹ nghệ và nhân văn được các sắc dân khác trên nước này chú ý đến. Nếu chúng ta chỉ quần tụ với nhau trong một khung khép kín, kể cả sự luân lưu kinh tế, thì thật không thể tạo nên một sức mạnh nào có ảnh hưởng tới tương lai của đất nước.

        Tôi lấy một thí dụ dễ hiểu về ảnh hưởng của cộng đồng kiều dân vào quốc gia cư ngụ. Hồi tháng 5 năm 1996 tôi được mời tới Hoa Thịnh Đốn để nhận giải Excellence 2000 Award của United States Pan Asian American Chamber of Commerce. Trong những người được vinh danh có nữ tài tử Joan Chen, người đóng vai chính trong phim “The Last Emperor”, ông Harry Wu là một người Trung Hoa tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng quốc tế, và ông Matthew Fong hiện là bộ trưởng Tài chánh của tiểu bang California. Ở buổi Lễ Vinh Danh có cựu Bộ Trưởng Gia Cư và Ứng cử viên Phó Tổng Thống của đảng Cộng Hoà Jack Kemp là diễn giả danh dự. Ông Harry Wu bị nhà cầm quyền Trung cộng giam giữ 19 năm, từ 1960 tới 1979. Năm 1985 ông được đại học California ở Berkeley mời sang làm giáo sư thỉnh giảng về môn địa chất học. Những sách ông viết trong thời gian ở Hoa Kỳ như “Laogai – The Chinese Gulag” và “Bitter Winds” đã nói lên sự đàn áp nhân quyền một cách tàn bạo ở Trung hoa lục địa. Năm 1995 ông trở về nước và bị cộng sản bắt ngay, đưa ra toà, xử 15 năm tù giam. Sau đó, vì áp lực của nhiều chính phủ và đoàn thể trên thế giới mà Trung cộng phải trả tự do cho ông, để ông trở sang Hoa Kỳ, bây giờ là một nghiên cứu gia ở Viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông Harry Wu đã được trả tự do, thường xuyên được phỏng vấn trên đài truyền hình mỗi khi có việc đáng quan ngại, xẩy ra ở lục địa Trung quốc; một phần là ông có quá trình tranh đấu cho nhân quyền, đã diễn thuyết ở nhiều nơi và viết sách được nhiều người đọc, nhưng phần chính là cộng đổng người Hoa chống cộng của họ có ảnh hưởng mạnh ở các quốc gia họ cư ngụ.

Ứng cử viên Phó tổng Thống Jack Kemp và Bộ Trưởng Tài Chánh Matt Fong


         Trở lại với Du Tử Lê, thơ dịch của anh đã được đăng trên Los Angeles Times và New York Times. Chúng ta cần có rất nhiều người như anh, ở đủ mọi ngành, văn học, kinh doanh, kỹ thuật, giáo dục, …, hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày trong những xã hội mình sinh sống. Mỗi lần được tin người Việt bay Boeing 727 cho hàng không dân sự, bay F-16 cho quân đội, hay một phụ nữ làm quản lý cho một công ty lớn, một chuyên gia giải phẫu người Việt đã chỉnh nghiệm được một phương pháp tân kỳ là tôi thấy có niềm vui trong lòng. Tôi mong có ngày nhìn thấy thường xuyên nữ xướng ngôn viên người Việt trên những đài truyền hình và những tên họ Nguyễn, họ Trần ký dưới những bài bình luận đăng trên những tuần báo Time và Newsweek. Du Tử lê gửi cho tôi mấy cuốn sách mới của anh, kèm theo một lá thư anh viết, đề ngày mồng Một Tết năm Đinh Sửu. Tuy chỉ kém tuổi tôi một giáp, nhưng anh vẫn xưng mình là “con”, như tôi vẫn thường xưng như thế khi hàng năm viết thư thăm hỏi các thầy cô khi xưa dậy mình ở những lớp trung và tiểu học.

    Học trò ngoại quốc của tôi cũng khá nhiều, và có nhiều người có chức vụ quan trọng. Có một lần tôi đi cùng với một ông mục sư Mỹ tới nhà một bà bác sĩ để nhận một ít đồ đạc trợ giúp cho gia đình một chiến hữu mới tới định cư ở tỉnh tôi. Bà bác sĩ này dọn đi tỉnh khác nên định cho bớt đi một ít vật dụng trước khi xe chuyên chở tới dọn nhà. Sau khi trao đổi ít lời, bà cho chúng tôi gần hết những đồ đạc ở appartment của bà và nói rằng:
 “Tôi độc thân nên cũng không cần nhiều đồ bằng gia đình này”. Ông mục sư nói riêng với tôi:
 “Những đồ này sang quá! Khi nào nhà có khách, tôi tới mượn lại dùng ít ngày”.
      Khi nghe bà mạnh thường quân này nói là có một đứa cháu cưng vừa được nhận vào học tại trường Đại học nổi tiếng Purdue University, tôi nẩy ra một ý kiến. Tôi xin bà bác sĩ một mảnh giấy với cái phong bì, viết mấy chữ đưa cho bà và nói rằng:
  “Thư này để gửi cho một học trò cũ của tôi là giáo sư Đại Học Purdue. Nếu cần gì, cháu bà cứ mang thư này tới, người bạn tôi sẽ hết sức săn sóc cho cậu cháu.”
     Tôi chắc bà không tin tưởng cho lắm ở bức cẩm nang tôi đưa cho bà, và nếu bà bác sĩ có mở thư ra đọc thì trên đó tôi chỉ viết hàng chữ ngắn gọn:
    “Jim thân mến. Đẵ có một lần gia đinh cậu sinh viên này giúp tôi môt việc. Tôi mong rằng anh và Holly săn sóc cậu ta trong thời kỳ học ở West Lafayette”.
    Riêng tôi thì tôi tin chắc là nguời học trò cũ của tôi và bà vợ anh ta sẽ hết sức giúp cho cậu sinh viên Mỹ nếu được nhờ tới. Anh là người bạn hiền và chung thủy với tôi. Nếu không thì xưa kia tôi đã không nhận anh làm môn đệ.

       Ngày 24 tháng 4 năm 2009, tôi được Đại học Colorado, là nơi ngày xưa tôi tốt nghiệp và ở lại một thời gian trong ban giảng huấn, mời về và vinh danh như là cựu sinh viên đã đạt được những thành tích xuất sắc và làm vẻ vang cho Trường. Ở bữa tiệc vinh danh, tôi thật cảm động khi thấy những cựu sinh viên khi xưa đã học tôi và nay họ đều là những khoa học gia tên tuổi tới ngỏ lời chúc mừng. Tôi gặp lại một sinh viên cũ là tiến sĩ Daniel J. Scheeres, ông viết luận án với tôi ở Đại học Michigan, nay thụ ủy ghế giáo sư A. Richard Seebass, Đại học Colorado đặt ra để tưởng niệm cố Khoa trưởng Seebass, và một cựu sinh viên khác là giáo sư Robert D. Culp, cựu Trưởng Phân khoa Hàng Không và Không gian, và cũng là người khi xưa tôi đã hướng dẫn làm khảo cứu về phương pháp chuyển quỹ đạo khi tôi còn dậy học ở Colorado. Cả hai ông bà cùng đến thăm hỏi và nhắc lại kỷ niệm khi xưa. Đại học có gửi cho tôi ít hình ảnh để giữ làm kỷ niệm và, khi nhìn những tấm hình này, tôi cảm thấy rằng sau bao nhiêu năm cách biệt, lời nói của tôi vẫn được họ chăm chú nghe và tình thầy trò giữa tôi với họ và gia đình vẫn thân mật quyến luyến như xưa.




Giáo sư Daniel Scheeres và giáo sư Robert Culp


      Một lần tôi nhận được điện thoại từ văn phòng ông khoa trưởng Trường Kỹ thuật của Đại học Michigan khẩn khoản nhờ tôi giúp cho một việc. Một công ty lớn ở tiểu bang vừa nhận được một công việc có tầm vóc ở Đài Loan và họ đang chuẩn bị đón tiếp một vị chủ tịch công trình này sang để duyệt xét trước khi ký giao kèo. Ông này là tiến sĩ Trần Bang Đạt, trước kia tốt nghiệp ở Đại học Michigan là trường tôi đang dậy, và có theo học tôi nhiều lớp. Ông đánh điện sang và ngỏ ý muốn trở lại thăm trường và gặp lại tôi. Ông chủ tịch công ty liên lạc với ông khoa trưởng vì họ là bạn bè với nhau. Ông khoa trưởng giao lại công việc cho tiểu ban ngoại vụ và họ nhờ lại tôi tiếp đón người học trò cũ và mời ăn trưa thịnh soạn, họ sẽ thanh toán mọi phí tổn. Tôi nhận lời, và vì bà Jean Trần (Cheng) là vợ của người học trò cũ của tôi cũng đi theo chồng sang lần này, nhân tiện thăm mấy con trai của họ đang học ở Hoa Kỳ, tôi nhờ nhà tôi đặt một bữa ăn ở một phòng riêng tại một khách sạn của đại học. Tôi cũng mời vào khoảng 20 sinh viên cao học người Đài Loan tới dự để gặp giới chức cao cấp của họ. Tới giờ hẹn ông bà Bang Đạt tới thăm chúng tôi ở nhà riêng. Công ty Mỹ đã thuê một chiếc limousine thật dài để đưa đón họ. Khi chúng tôi tới phòng ăn, người khách phương xa nhất định mời tôi ngồi vào ghế thủ tịch, hướng ra ngoài. Tuy chuyện trò thân mật, nhưng anh vẫn một niềm lễ phép theo lề lối Á Đông dầu rằng hiện nay anh quản lý một chương trình hàng mấy trăm triệu Mỹ kim mỗi năm. Sau này, tiến sĩ Trần Bang Đạt được thăng cấp Trung Tướng Không Quân Trung Hoa Quốc Gia và được giao cho phụ trách một chương trình chế tạo phi cơ tương đương với loại phi cơ F-16 của Không Quân Hoa Kỳ. Trong thời gian chế tạo, những phi cơ phản lực khu trục này được đặt tên là Indigenous Defense Fighter (IDF) có nghĩa là dùng để phòng vệ địa phương. Khi bốn phi cơ kiểu mẫu đầu tiên đã hoàn bị những chuyến bay thử nghiệm, Trung Tâm Khảo Cứu Hàng Không của ông ở Taichung, Taiwan có một buổi lễ để giới thiệu ra ngoài cho các cơ quan truyền thông. Tôi cũng được mời tham dự và được tặng một tấm bảng ghi công đóng góp vào chương trình này.




         Cách đây đã lâu, vào năm 1989, nhân dịp đi họp ở Viện Hàn Lâm Hàng Không và Không Gian của Pháp, toạ lạc ở Toulouse, một người bạn học cũ ở trường Sĩ Quan Không Quân Pháp là bác sĩ Đặng Vũ Hùng khi nghe tin tôi qua Ba Lê, đã cho mấy người bạn Pháp cùng khoá biết. Một người bạn đồng khoá khác là Đại tướng Guéguen, lúc đó là Tư lệnh Phòng không của Pháp, đã mời tôi đến thăm bản doanh của ông và ăn trưa cùng một số sĩ quan trong bộ tham mưu của ông. Một ông Trung tướng, học khoá sau, khi bắt tay tôi, đã hỏi:
 “Chắc ông không còn nhớ tôi?”.
    Ông ta định nói là ngày xưa, khi ở quân trường, tôi cũng đã hành ông rất nhiều. Tôi xin nói lại là tôi là con người rất hiền, xưa nay không hề cậy thế bắt nạt ai bao giờ. Chắc bạn đọc không có thể nghĩ rằng Đại tướng Guéguen, phi công khu trục Mirage, lại là người rất thấp, chỉ cao bằng tôi mà thôi. Vì thế khi xưa, đứng theo hàng ngũ cao thấp của brigrade sinh viên sĩ quan, ông lúc nào cũng đứng cạnh tôi. Trước khi từ biệt ra về, tôi và ông chụp chung một bức hình kỷ niệm, trước chiếc phi cơ đặt gần cổng. Ông đội mụ cát kết, còn là một Đại tướng Không quân hiện dịch, tôi để đầu trần, nay là người dân sự, trông trong bức hình, ông hơi cao hơn tôi một chút.


Hình với Đại tướng Guéguen và sĩ quan tham mưu
Bộ Tư Lệnh Phòng Không Pháp.
[/i]
   Trong thời gian học bay ở Pháp, tôi phải trải qua nhiều thời kỳ huấn luyện. Từ học bay cơ bản ở Marrakech, dưới trời Bắc Phi, rồi sang đến giai đoạn bay chiến đấu ở Salon de Provence miền Nam nước Pháp, rồi tập bay phi cụ ở Avord trên máy bay hai động cơ, quanh năm trời có sương mù, tôi đã có nhiều huấn luyện viên, ông nào đối với tôi cũng đáng bậc thầy, và được tôi là người chuyên cần học hỏi, ông nào cũng dốc túi truyền dậy những gì độc đáo của mình. Một lần tôi được cùng khoá sinh viên sĩ quan phi hành của Trường Võ Bị Không Quân tới thăm Trung Tâm Huấn Luyện Brétigny-sur-Orge là nơi đào tạo những phi công xuất sắc để bay thử nghiệm những phi cơ mới được chế tạo. Lúc đó là vào năm 1954, và vị Chỉ huy trưởng là Thiếu tá André Édouard Turcat, một phi công tài ba, tốt nghiệp từ Trường Polytechnique. Ông là tác giả cuốn “Mécanique du Vol” của nhà xuất bản Dunod, là cuốn sách dậy về lý thuyết bay của các phi cơ, thời ấy được giảng dậy tại các trường kỹ sư quốc gia. Cuốn sách đó tôi mang theo và đã xin ông ký vào trang đầu để làm kỷ niệm. Hơn ba mươi năm sau, tôi lại gặp ông, và cả hai người đều ở những địa vị khác. Ông Turcat giờ là một nhân vật nổi tiếng quốc tế trong ngành Hàng không và Không gian. Trường huấn luyện phi công bay thử nghiệm của Pháp, thành lập năm 1946 ở Brétigny, tới năm 1962 thì được chuyển về căn cứ Istres Le Tube, gần Marseille thuộc miền Nam nước Pháp và có tên là École du Personnel Navigant d’Essais et de Réception (EPNER) và là một trong 4 trường huấn luyện phi công bay thử nghiệm (test pilot school) có uy tín nhất trên thế giới tự do. Ba trường kia là Empire Test Pilot’s School (ETPS), United States Air Force Test Pilot School (USAFTPS) và United Stated Naval Test Pilot School (USNTPS). Trường Empire Test Pilot được thiết lập ở miền Wiltshire, Anh Quốc do hợp đồng giữa Bộ Quốc Phòng Hoàng Gia Anh và một công ty tư nhân. Sự hợp tác này, với các chuyên gia và huấn luyện viên thượng thặng, tuyển mộ từ ngoài quân đội, đã đưa đến chuyện đào tạo những phi công và cơ khí viên chuyên về bay thử nghiệm những phi cơ mới được sáng chế và thành quả tốt đẹp đến nỗi chương trình huấn luyện trở thành mẫu mực cho EPNER của Pháp, trường huấn luyện USAFTPS của Không Quân Hoa Kỳ ở Edwards Air Force Base, California và trường huấn luyện USNTPS của Hải Quân Hoa Kỳ ở Maryland.
      Với vốn học từ École Polytechnique và nói được tiếng Anh lưu loát, Ông André Turcat đã có công rất nhiều trong sự hợp tác để trao đổi kinh nghiệm bay thực nghiệm giữa bốn trường huấn luyện phi công nói trên ở ba cường quốc hàng không là Anh Quốc, Pháp Quốc và Hoa Kỳ. Ông được thế giới hàng không biết tiếng khi ông hoàn tất chương trình bay thử nghiệm của chiếc Nord 1500 Griffon, là một trong những phi cơ đầu tiên dùng động cơ ramjet. Ông được trao cúp Harmon năm 1958 khi đạt được kỷ lục bay Griffon tới tốc độ Mach 2.19. Năm trước đó người được giải Harmon là Thống tướng Curtis E. LeMay, người đã có công xây dựng lên Strategic Air Command, và hiện là đương kim Tư Lệnh Không quân Hoa Kỳ. Sau chương trình Griffon, Thiếu tá Turcat được mời vào hãng Sud Aviation và làm phi công trưởng cho chương trình chế tạo SST Concorde là một chương trình hợp tác giữa Anh và Pháp quốc chế tạo loại phi cơ chở hành khách đạt được hai lần tốc độ âm thanh (Supersonic Transport), nhằm mục đích giúp cho những hành khách cần tiết kiệm thời gian, như những kinh tế và kỹ nghệ gia, thường xuyên đi lại giữa Âu châu và Mỹ châu, rút ngắn thời gian bay qua Đại Tây Dương còn một nửa. Ngày 2 tháng 3 năm 1969, ông Turcat có vinh dự cất cánh chiếc phi cơ Concorde thử nghiệm bay lần đầu tiên. Bẩy tháng sau, vào ngày 1 tháng 10 năm 1969, ông là người đưa phi cơ Concorde vượt tường âm thanh lần đầu tiên, và sau đó tiếp tục nhiệm vụ giám đốc phi vụ thử nghiệm của chiếc phi cơ cho đến lúc hoàn tất, bay đường trường mà đạt được hai lần vận tốc âm thanh. Chương trình Concorde có hai phi cơ mẫu và chiếc thứ hai được chế tạo tại Anh quốc và những chuyến bay thử nghiệm của phi cơ này được giao cho phi công tài ba Brian Trubshaw. Cũng qua những chuyến bay song hành như thế này mà có sự trao đổi chặt chẽ về kỹ thuật bay thử nghiệm phi cơ giữa những Trường huấn luyện nói trên.



Phi Cơ SST Concorde
         Hiệp Hội Phi Hành Gia Thử Nghiệm (Society of Experimental Test Pilots) hàng năm có trao giải mang tên Ivan C. Kincheloe để tưởng niệm thành viên này trước là phi công anh hùng chiến tranh Đại Hàn, nhưng sau bị tử nạn khi bay thử nghiệm phi cơ F-104. Hai ông André Turcat thuộc Aérospatiale của Pháp và Brian Trubshaw thuộc British Aircraft Corporation của Anh đã được giải này năm 1971 về công trình thử nghiệm phi cơ Concorde. Trước đó một năm. giải Ivan C. Kincheloe được trao cho phi hành đoàn không gian của Apollo XI là Neil A. Armstrong, Edwin E. Aldrin và Michael Collins đã bay lên Mặt trăng và trở về an toàn.
        Tôi gặp lại ông Turcat khi ông đã lên tới tuyệt đỉnh danh vọng, được nhiều huy chương và được vinh danh ở nhiều nước. Tuy không được học bay với ông nhưng tôi vẫn coi ông là bậc thầy và đặc biệt kính trọng ông về đức tính khiêm nhường. Ông thật là một người văn võ song toàn vì sau này được quen biết với ông, tôi cũng được biết ông còn có bằng tiến sĩ quốc gia về văn chương của Đại học Aix en Provence với chuyên khoa là kiến trúc thời Trung Cổ. Cuốn sách ông ký tặng cho tôi khi còn là một khoá sinh học bay trên đất Pháp sau này tôi vẫn dùng để soạn bài dậy những lớp kỹ sư ở Đại học Michigan. Sau gần bốn mươi năm, với kỹ thuật hàng không tiến triển vượt bực, nhiều động cơ phản lực cao cấp được xử dụng, và những hiện tượng triệt nâng ở tốc độ siêu thanh được hiểu rõ hơn qua nhiều chương trình khảo cứu về khí động lực học, tôi đã viết lại lý thuyết bay ở tốc độ siêu thanh thành một cuốn sách với đề là “Flight Mechanics of High-Performance Aircraft” và được Cambridge University Press nhận xuất bản.



          Tôi đã nghĩ đến sự hợp tác tuyệt vời giữa Anh và Pháp quốc để chế tạo lên phi cơ SST Concorde, một thời đã lưu lại trang sử đẹp cho ngành Hàng không chuyên chở thế giới. Nếu Đại học Cambridge ở Anh quốc xuất bản cuốn sách này trong loại Aerospace Series của họ mà sách của tôi viết được lời giới thiệu của ông André Turcat thì tôi chắc chắn là cuốn sách học mà tôi đã để nhiều năm viết rất công phu sẽ được các chuyên gia và các nhà giáo dục và khảo cứu trên thế giới nhiệt thành đón nhận. Là một thành viên và là người gốc Á châu đầu tiên được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia Hàng Không và Không Gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) tôi gửi bản thảo cuốn sách cho ông André Turcat, lúc đó đang là Tổng Thư Ký của Hàn Lâm Viện và xin ông nếu được thì viết cho Lời Mở Đầu. Tôi đề nghị là ông có thể viết bằng tiếng Pháp và tôi sẽ dịch sang tiếng Anh để ông duyệt lại trước khi cho sách in. Ông đã nhận lời và khi đọc bài viết tay của ông tôi đã sững sờ khi thấy bài giới thiệu rất ân cần khen ngợi cuốn sách và ở câu kết, ông đã viết: “En m’inclinant devant ses exploits extraordinaires, …” . Vì ông André Turcat là bậc đàn anh và là người từ lâu tôi hâm mộ nên lòng kính trọng ông không cho phép tôi dịch nguyên văn câu đó như là ông đã “nghiêng mình trước những thành tích của tôi …” và trong bản dịch tôi đã dùng những chữ nhẹ nhàng hơn. Cuốn sách của tôi đã được in ra với bìa cứng từ năm 1993, và được phổ biến rộng rãi với dạng bìa mỏng từ năm 1995 và nếu độc giả có vào một thư viện đại học nào để tìm đọc thì thấy ở lời Forword của ông André Turcat, ông đã giới thiệu tôi như là một người bạn thân và đồng nghiệp và kết luận bằng những dòng chữ:

“With my salutation for the author’s exceptional career and his gentle character, I am happy and honored to introduce the present treatise”.

André Turcat
Former Pilot and Director of
Flight Tests for the SST Concord
General Secretary of the Académie Nationale
De l’Air et de l’Espace.

      Tôi cũng có nhiều học trò là sĩ quan Không quân Hoa Kỳ. Đặc biệt có một người tôi chú ý đến hơn cả là anh Fred Frostic. Thời điểm 68-70, khi học tôi ở Đại học Michigan, anh là thiếu tá phi công F-4C Phantom. Sau này anh lên Đại tá chỉ huy một không đoàn F-16. Một dạo tôi nghe tin anh đã rời quân đội và trở thành chyên gia nghiên cứu ở Rand Corporation là cơ quan nghiên cứu chiến lược có uy tín ở Hoa Kỳ. Mấy năm sau này tôi không được tin của Fred. Cuối mùa đông, trước năm tôi xin nghỉ hưu, tôi nhận được bản tin hàng tuần loan báo có buổi nói chuyện với phân khoa chúng tôi mà diễn giả là “Fred Frostic, Deputy Assistant Secretary of Defense”.

      Chức vụ này rất lớn. Trước đó mấy tháng, Đại hội năm 96 của hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Mỹ đã mời được một vị khách đặc biệt là ông Sid Lawrence J. Goffney, Jr. cũng có chức vụ tương đương là Deputy Assistant Secretary of Commerce, thuộc bộ Thương Mại đến làm diễn giả đặc biệt. Tôi đã nói chuyện với ông và được biết trách vụ của ông thât rộng lớn. Điều này thực không lạ vì chính phủ liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm trên 51 tiểu bang và ảnh hưởng nhiều đến thế giới. Được tin ông Frostic tới nói chuyện tôi đã hỏi vị giáo sư bạn phụ trách mời các vị diễn giả hàng tuần thì ông ta nói đúng là anh Fred, cựu sinh viên mà, trong văn thư trao đổi, ông thứ trưởng bộ Quốc phòng này có nói trước kia làm khảo cứu với tôi.

     Theo thường lệ, thì diễn giả được mời, hay tới trường tôi vào khoảng 10 giờ sáng để gặp gỡ và thảo luận với một số giáo sư cùng chuyên môn khảo cứu. Sau đó thì một số sẽ cùng với khách phương xa và giáo sư phụ trách mục diễn thuyết hàng tuần tới câu lạc bộ giáo sư để ăn trưa trước buổi diễn thuyết ấn định vào buổi chiều.

       Sáng hôm sau tôi đến trường như thường lệ, vào khoảng 9 giờ. Cửa phòng học của tôi bao giờ cũng mở. Tôi nhớ đến chàng Thiếu tá Không quân khi xưa, phi công khu trục Fantom F-4C, khá bảnh trai, tuy hoạt bát nhưng thật ra hiền lành. Đó là theo ý nghĩ của tôi, vì tôi cũng đã đối xử với anh trong tình bạn, giữa những người đã cùng bay bổng trên mây trời. Như Đại tá Trần Thanh Điền, như Ông Trung tướng Không quân Trần Bang Đạt ờ Đài Loan, như Nhà thơ Du Tử Lê, như ông Giáo sư ở Đại học Purdue và nhiều người khác nữa tôi đã gặp và tôi coi như trong tình bằng hữu, tôi tin rằng ông Frostic khi tới trường thế nào cũng sẽ tìm gặp tôi.

      Đúng như vậy, vào khoảng hơn mười giờ sáng, tôi thấy anh tới phòng, chào và nói một câu tôi nghe quá quen thuộc. Dịch ra tiếng Việt thì anh đã nói: “Tôi là Frostic đây, thầy còn nhớ tôi không?”

GS Nguyễn Xuân Vinh
Trích trong Tập truyện “Vui Đời Toán Học”


Nam Yết chuyển

1 comment:

Anonymous said...

I went ahead and did helps to boost the immune system.
6. I don't know if this how to p90x program calcium now that you've given up milk.

By doing this, experts claim how to p90x program that your body doesn't get adapted cast users and even while executing the actual workout routines they will prove the workout routines through changed, right to help intense. You'll discover a few of motives among the most important
aspects of working out.

Here is my site more info here

Phân Ưu Niên trưởng Đoàn Danh Tài Đã Tạ Thế

                      Hội Hải Quân Hàng Hải San Diego 5312 El Cajon Blvd, San Diego, CA 92115, (619) 265-0635 , hoihaiquanhanghaisandiego@gm...