Tuesday, October 23, 2012

Tương quan lực lượng hải quân Nhật-Trung_ NgV



Khu trục hạm lớp Hyuga có thể mang chở nhiều trực thăng tấn công của LLPV Biển Nhật Bản (trái) và khu trục hạm mới nhất của HQTQ vừa được hạ thủy (h.phải) -Reuters photo

Hải quân Nhật Bản có chất lượng cao hơn nhưng số lượng bị hải quân Trung Quốc áp đảo. Liên minh Mỹ-Nhật tạo nên một yếu tố quyết định quan trọng trong sự tương quan nàyTừ nhiều tuần nay, Nhật Bản và Trung Quốc đã tiến hành biểu dương lực lượng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi có rất nhiều cá, giàu dầu mỏ, nhiều loại khoáng sản quý hiếm và án ngự con đường biển quan trọng.

Trung Quốc tập trận chung hải quân và tàu dân sự


Ngày 19/10, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc tiến hành tập trận chung giữa các lực lượng hải quân, ngư nghiệp và thăm dò hàng hải, với sự tham gia của 11 tàu hải quân, tàu ngư chính, tàu hải giám và tám máy bay, dựa trên tình huống giả định các tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc “đang thực thi nhiệm vụ trên biển thì bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, ngăn trở, va chạm gây thiệt hại”.
Hải quân Trung Quốc khẳng định mục tiêu cuộc tập trận là tăng cường khả năng phối hợp giữa hải quân và các tàu tuần tra dân sự, cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp trong “nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển”.






Phản ứng trước cuộc tập trận của Trung Quốc, chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura tuyên bố Tokyo không nắm được các thông tin chi tiết, nhưng nhấn mạnh Nhật Bản sẽ giám sát nhất cử nhất động của phía Trung Quốc. Giới quan sát phương Tây nhận định Trung Quốc đang muốn “khoe cơ bắp” để đáp trả việc Nhật Bản đã thể hiện sức mạnh vào tuần trước qua cuộc tập trận lớn với 40 tàu chiến, trong đó có cả các tàu khu trục, tàu ngầm hiện đại cùng 30 máy bay hải quân ở vùng biển phía nam Tokyo.

Tạp chí Stars & Stripes (Mỹ) cho biết: Hiện nay 5 cơ quan thực thi hàng hải chủ yếu của Trung Quốc đang vận hành 2.400 tàu thuyền để theo dõi tình hình trên các vùng biển và đất liền của Trung Quốc, trong đó một số tàu được trang bị súng máy và các loại pháo phòng không. Cơ quan Hải giám Trung Quốc còn công bố các kế hoạch tăng số lượng nhân viên từ 9.000 người hiện nay lên 15.000 người, đồng thời tăng số lượng tàu chiến từ 280 chiếc lên 520 chiếc vào năm 2020. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Tăng cường Luật Đánh bắt hải sản dự kiến tăng thêm 5 tàu tuần tiễu có trọng tải trên 3.000 tấn và được trang bị các máy bay trực thăng vào năm 2015.

Nhật Bản phô diễn lực lượng hải quân

5 ngày trước đó, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Phòng Vệ Biển (Hải Quân), Nhật Bản đã tiến hành một cuộc diễn tập quy mô lớn, với mục đích phô diễn sức mạnh trên biển. Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng leo thang xung quanh tranh chấp chủ quyền lãnh hải gay gắt giữa Nhật Bản với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.
Khoảng 30 máy bay và 40 tàu chiến, trong đó có các tàu khu trục tân tiến, tàu đệm không khí và tàu ngầm, đã tham gia cuộc diễn tập mang tên “Duyệt binh Hạm đội 2012”, có quy mô tương đương một cuộc duyệt binh. Tham gia diễn tập cùng lực lượng Hải quân Nhật Bản còn có các tàu chiến đến từ Mỹ, Singapore và Ôxtrâylia. Hơn 20 nước, trong đó có Trung Quốc, cũng cử đại diện tham dự sự kiện diễn ra tại vùng biển phía Nam thủ đô Tokyo.
Phát biểu khi giám sát cuộc tập trận từ tàu khu trục JS Kurama, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhận định nước này đang phải đối mặt với những thách thức “gay gắt” về an ninh. Thủ tướng Nhật Bản cũng kêu gọi các thủy thủ tham gia cuộc tập trận chuẩn bị đương đầu với “những nhiệm vụ mới” trong bối cảnh tình hình an ninh quốc gia thay đổi.
Hải quân Nhật Bản, có tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, là một trong những lực lượng hải quân được trang bị và huấn luyện tốt nhất thế giới. Theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Hạm đội 7 của Mỹ, bao gồm cả siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington, đang đồn trú tại Nhật Bản.

Liên minh Mỹ-Nhật - “một yếu tố răn đe quan trọng”


Các nguồn tin ngoại giao ngày 13/10 cho biết Mỹ và Nhật Bản đang cân nhắc tiến hành cuộc tập trận chung trong các ngày 5-16/11, giả định cuộc tái chiếm một hòn đảo không người ở từ tay lực lượng nước ngoài tại tỉnh Okinawa. Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi, hai bên quyết định hủy cuộc tập trận.
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings (Washington), Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki cho rằng mặc dù Mỹ “khẳng định họ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền nhưng vẫn luôn nói rằng các dàn xếp an ninh Mỹ-Nhật sẽ bao hàm cả quần đảo này. Tôi cho rằng điều đó tạo nên một yếu tố răn đe quan trọng”. Ông Fujisaki cũng coi nhẹ những đồn đoán cho rằng cuộc tranh cãi với Trung Quốc và cuộc tranh chấp chủ quyền một hòn đảo riêng rẽ với Hàn Quốc sẽ biến thành xung đột quy mô lớn. Ông này nói: Chiến tranh “sẽ không xảy ra và không được phép xảy ra. Không phải chúng tôi làm phát sinh vấn đề và chúng tôi có vị thế thuận lợi về lịch sử và luật pháp đối với những vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không làm gia tăng căng thẳng và cố gắng đề cập vấn đề một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề một cách bình tĩnh”.
Tờ Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 21/10 đưa tin trên trang nhất việc hủy cuộc tập trận Nhật-Mỹ, cho đó là một hành động khôn ngoan để tránh khiêu khích Trung Quốc vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi diễn ra Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc.
Tuy nhiên, lực lượng quân sự Mỹ tiếp tục hiện diện mạnh ở khu vực biền gần kề vùng biển tranh chấp. Hàng không mẫu hạm USS George Washington đang có mặt tại Biển Đông, đi ngang qua bãi đá Scarborough để tới thăm Manila.
Giáo sư Peng Xi, Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Nam Kinh, cho rằng Bắc Kinh không hề xem nhẹ mối đe dọa từ Nhật Bản. “Thách thức của tranh chấp Điếu Ngư vẫn tồn tại, khi Mỹ khẳng định rằng hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ bao gồm cả vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku”.
H.N. (TQ) theo Stars & Stripes Magazine
Nam Yết chuyển

No comments:

Phân Ưu Niên trưởng Đoàn Danh Tài Đã Tạ Thế

                      Hội Hải Quân Hàng Hải San Diego 5312 El Cajon Blvd, San Diego, CA 92115, (619) 265-0635 , hoihaiquanhanghaisandiego@gm...