Tuesday, March 8, 2016

Phỏng vấn hoàng thân Bảo Ngọc, hậu duệ vua Duy Tân by Thanh Phương



Phỏng vấn hoàng thân Bảo Ngọc, hậu duệ vua Duy Tân

Hoàng thân Guy Georges Vĩnh San ( Nguyễn Phúc Bảo Ngọc ) sinh ngày 31/01/ 1933 tại đảo Réunion, là hậu duệ trực tiếp của ba vị hoàng đế của triều đại nhà Nguyễn tại Việt Nam: Ông cố là Vua Dục Đức, ông nội Vua Thành Thái, và cha ông là Vua Duy Tân.

Sau khi học xong trung học, hoàng thân tham gia quân đội Pháp, từng hành quân đến nhiều nơi ở Pháp: Paris, Toulouse, Fréjus và Martinique, nơi ông kết hôn với bà Monique vào 05/1954, và cũng đã từng sang chiến đấu ở Algeria.
Sau khi kết thúc binh nghiệp vào năm 1967, trở về đời sống dân sự, hoàng thân Bảo Ngọc làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, rồi sau đó thi vào Bộ Tài chính Pháp và vào làm việc trong Tổng cục Hải quan và Thuế. Trong thời gian làm việc ở đây, ông đã gia nhập công đoàn Force ouvrière FO và vào năm 1975 được bầu làm ủy viên thường trực của Văn phòng Quốc gia công đoàn này cho đến năm 1988.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1996, hoàng thân Bảo Ngọc từ đảo Réunion cùng với vợ trở về Pháp và dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu lịch sử về Hoàng Đế Duy Tân, và cũng thường về Huế để chăm sóc mộ phần cho cha tại Huế.
Vua Duy Tân, tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh ngày 19/09/1900 và qua đời ngày 26/12/1945 là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn, sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp.
Năm 1916, vào lúc chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra ở Âu châu, vua Duy Tân đã bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân, để bàn về dự định khởi nghĩa. Dự định thất bại và Duy Tân bị bắt ngày ngày 06/05. Đến ngày 03/11/1916 ông bị thực dân Pháp đày ra đảo Réunion.
Trong cuộc Chiến Tranh Thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), theo lời kêu gọi của tướng de Gaulle, ông gia nhập quân đội Pháp để chiến đấu chống phát xít Đức. Ngày 26/12/1945, khi tướng de Gaulle dự định đưa ông trở về Việt Nam, vua Duy Tân thiệt mạng trong một tai nạn máy bay ở Cộng hoà Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi. Cho tới nay vẫn còn nhiều nghi vấn về tai nạn này.
Ngày 24 tháng 4 năm 1987, thi hài ông được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái.
Cũng như mỗi năm, đầu tháng 3 này, hoàng thân Bảo Ngọc lại về nước, một phần cũng là để chăm sóc mộ phần vua Duy Tân.
Ngày 12/02/2016, nhân dịp ông đến xem triển lãm tranh của các hoạ sĩ Hà Nội trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, RFI đã phỏng vấn hoàng thân Bảo Ngọc.
 RFI : Xin kính chào hoàng thân Bảo Ngọc. Chúng tôi rất cám ơn Ngài dành thời gian cho bài phỏng vấn hôm nay. Trước hết, xin Ngài cho biết cảm xúc của Ngài như thế nào khi lần đầu tiên trở lại Việt Nam mang theo tro cốt của vua cha?
 Hoàng thân Bảo Ngọc : Đối với tôi, việc hồi hương tro cốt cha tôi về quê mang ý nghĩa rất quan trọng , bởi vì cha tôi rất rất yêu đất nước mình. Tôi vẫn tự bảo rằng chắc là ông rất vui sướng khi được trở lại mảnh đất mà ông đã sinh ra, được ở bên cạnh những người thân : Ông cố, ông nội, người cha.

Chính vì vậy mà ngay từ những năm 1986, 1987 tôi đã làm các thủ tục để đưa tro cốt của cha tôi về nước. Lúc đó thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói với tôi rằng : «  Này Ngài Vĩnh San, mọi thủ tục về phía Pháp thì ông lo, nhưng khi máy bay mang tro cốt của cha ông về mai táng ở Việt Nam đáp xuống sân bay Huế, thì chúng tôi sẽ lo toàn bộ thủ tục từ A đến Z ». Mọi chuyện đã diễn ra rất tốt đẹp.

Đó là một thời điểm lịch sử. Người dân Huế lúc đó đã được nghỉ một ngày để đón di hài của cha tôi và điều đó làm tôi rất vui. Nhìn thái độ cung kính của người dân Huế khi đón tiếp tro cốt cha tôi về đây, lúc tôi cảm thấy là mình đã hành động đúng. Qua thái độ đó, coi như họ khen ngợi tôi đã đưa tro cốt một người của họ trở về quê hương. Tôi rất hài lòng về điều đó.

  RFI : Kể từ khi về hưu, Ngài dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về vua cha Duy Tân. Chắc là Ngài cũng đã gặp những người từng sống, từng làm việc, từng quen biết với vua Duy Tân trước đây ?
 
Hoàng thân Bảo Ngọc : Vâng, tôi đã gặp những người sống cùng thời với cha tôi, đặc biệt là ông Boulet, cũng là một Chánh tham biện ( administrateur ) ở Lào. Ông biết rất rõ về cha tôi và thậm chí đã lập một bản tướng mạo quân vụ ( fiche signalétique des services) của cha tôi để trình cho tướng de Gaulle vào khoảng năm 1944-1945.

Bộ Hải ngoại Pháp đã tiếp nhận rất tốt hồ sơ này, nhưng họ nói với ông Boulet rằng tình hình ở Việt Nam còn khó khăn và trường hợp Vĩnh San sẽ được xem xét sau. Đúng là lúc đó, chính phủ Pháp hay ít ra là bộ Hải ngoại Pháp gặp một số vấn đề với những người thuộc phe quốc gia và họ thấy là việc đưa vua Duy Tân trở về nước còn khó khăn.

Bế tắc chỉ được giải tỏa khi cha tôi gặp tướng de Gaulle ngày 14/12/1945. Họ đã lập một kế hoạch trở về Việt Nam và xem xét chính sách của Pháp đối với Việt Nam, tức là nên thống nhất ba kỳ, thiết lập nền độc lập cho Việt Nam và sau đó đề ra chương trình hợp tác giữa Pháp với Việt Nam như giữa hai quốc gia ngang bằng nhau.
 
RFI : Nhưng thưa Ngài, lúc đó tướng de Gaulle có thật sự nghĩ rằng Duy Tân là giải pháp tốt nhất cho Việt Nam lúc đó, hay thực tế là nước Pháp chỉ muốn dùng cha ông như một quân bài phục vụ cho quyền lợi của họ?
 
Hoàng thân Bảo Ngọc : Không, theo tôi, lúc đó tướng de Gaulle đã hiểu tình hình Việt Nam, hiểu những nguyện vọng của cha tôi, đó là trước hết nước Việt Nam phải được thống nhất, chứ không thể tiếp tục ở tình trạng chia thành ba kỳ, nơi thì là tự trị, nơi thì còn là bảo hộ. Rồi trong một thời gian ngắn phải giáo dục người dân về nền  độc lập.

Sự trở về của cha tôi đã được dự tính giống như là đã không có chuyện gì xảy ra, tức là cha tôi chỉ đi xa một thời gian rồi trở về, chứ không cần phải đăng quang trở lại. Tướng de Gaulle đã hoàn toàn đồng ý với dự tính đó. Nhưng tai nạn máy bay tháng 12/1945 ở châu Phi khiến tình hình diễn tiến khác đi.
 
RFI : Về tai nạn máy bay này thì hiện vẫn còn nhiều nghi vấn. Khi nghiên cứu về vua Duy Tân, Ngài có đã tìm được những yếu tố khác khẳng định giả thuyết đây là một vụ khủng bố nhắm vào máy bay của cha ông ?
 
Hoàng thân Bảo Ngọc : Đúng là tai nạn máy bay này đặt ra vài thắc mắc. Tôi nghĩ là tình hình lúc đó có thể khiến có một sự quan ngại nào đó trên trường quốc tế. Việt Nam lúc đó là một quốc gia sắp giành độc lập vào năm 1945, trong khi những nước khác cũng bị ngoại bang chiếm đóng thì dự trù sẽ được trao trả độc lập những năm sau đó.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch mà tướng de Gaulle dự trù trao trả độc lập cho Việt Nam vào năm 1945 có thể gây cản trở cho kế hoạch của các nước thực dân khác trao độc lập cho các thuộc địa của họ những năm sau đó. Những nước đó chắc là cảm thấy khó chịu khi htấy nước Pháp đi trước như thế
 
RFI : Có những giả thuyết cho rằng chính người Anh đã gây ra tai nạn khiến cha ông thiệt mạng. Ngài nghĩ như thế nào về điều này ?
 
Hoàng thân Bảo Ngọc : Trong một bức thư gởi cho một người bạn, cha tôi có nói ông có cảm tưởng là người ta không muốn ông trở về Việt Nam, vì đã có người đề nghị tặng tiền cho ông, nếu không chấp nhận không trở về Việt Nam, nhưng ông đã từ chối. Ông chỉ nói đó là đề nghị của một nước ngoài, nhưng không nói rõ là nước nào. Cho nên chưa thể xác định điều gì. Nhưng, do tình hình thế giới lúc đó, do quyền lợi của những nước lúc đó còn thống trị vùng Đông Nam Á, mỗi người có thể nêu lên những giả thuyết riêng ( về tai nạn này ).
 
RFI : Ngài có đã gặp những nhân chứng khác, cũng như những nhà sử học để tìm hiểu về vua Duy Tân ?
 
Hoàng thân Bảo Ngọc : Không, những gì mà tôi biết được về cuộc đời của cha tôi vào thời ông còn trị vì ở Việt Nam là qua các tài liệu ở kho hồ sơ lưu trữ  Aix-en-Provence, vì tại đó có rất nhiều tài liệu của các viên toàn quyền Pháp thời đó về hoàng đế Duy Tân, về vụ đày ông ra đảo Réunion. Nhưng các nhà sử học thì không có nhiều tư liệu về cha tôi, chẳng hạn như về sự kiện ông dự định đứng đầu cuộc khởi nghĩa vào năm 1916. Thời thế đã bắt buộc ông không thể làm khác hơn là phải đứng ra lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp để giành độc lập cho Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ của một quốc trưởng.

Có thể là trong khu hồ sơ lưu trữ ở Aix-en-Provence còn một vài tài liệu khác về tình hình Việt Nam thời đó, về cha tôi, về dự định khởi nghĩa, về việc đày ông sang đảo Réunion…, nhưng tôi nghĩ là sẽ không có những phát hiện gì lớn nữa, vì dầu sao, đó chỉ là những giai đoạn ngắn trong lịch sử Việt Nam.
 
RFI : Từ những nghiên cứu đó, Ngài có dự định viết một cuốn sách về vua Duy Tân  hay không ?
 
Hoàng thân Bảo Ngọc : Không, em trai tôi, Claude đã thu thập tất cả những gì viết về cha tôi để xuất bản một cuốn sách cách đây vài năm. Dẫu sao thì vua Duy Tân chỉ trị vì có vài năm,và khi bị đày, ông chỉ mới có 17 tuổi. Cuộc đời của ông chủ yếu là ở đảo Réunion, nơi ông sống lưu đày. Từ nơi đó, ông cũng đã không tổ chức những phong trào chính trị gì lớn, và cũng đã từ chối một vài đề nghị giúp ông đảo thoát khỏi đảo này.  Cha tôi đã từ chối vì ông đã cam kết là không có những hoạt động gì chống lại chính quyền Pháp lúc đó.
 
RFI : Chúng tôi xin cảm ơn hoàng thân Bảo Ngọc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160307-phong-van-hoang-than-bao-ngoc-hau-due-vua-duy-tan 

No comments: