Monday, March 14, 2016

TRƯỜNG SĨ QUAN HẢI QUÂN VÀ TÔI by TRẦN VĂN SƠN

HoangsaParacels: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả đối với một vài tập tục, truyền thống đã có tính cách bắt rễ trong quân chủng Hải Quân cũng như một vài cá nhân phục vụ trong quân chủng. Tác giả cũng nêu lên những mặt trái của nề nếp quân chủng và tật xấu của một vài cá nhân SVSQ khi đối mặt với nhng cuộc thi khảo hạch cam go trong môi trường rèn luyện Kỷ Luật-Danh Dự-Trách Nhiệm. Đây cũng là nhược điểm của Hải Quân thời kỳ phôi thai và cũng là nhược điểm chung cho cả dân tộc sau khi bị trị 100 năm Pháp thuộc, lại phải lao đầu vào cuộc chiến tương tàn do bàn tay đẫm máu của Hồ Chí Minh chủ xướng.

Trung tâm huấn luyện Sĩ Quan Hải quân ở Nha Trang thời VNCH

Nhà văn Điệp Mỹ Linh tái bản cuốn tài liệu “Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975”  và nhờ tôi hai việc: (1) đọc lại bản gốc và góp thêm ý kiến (2) viết về trường Sĩ quan Hải Quân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang  (TTHL/HQ/NT) qua kinh nghiệm cá nhân trong thời gian tôi phục vu tại đó.
Cảm phục bà Điệp Mỹ Linh có công ghi lại thành sách cuộc di tản của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) vào những ngày cuối cùng của miền nam Việt Nam nên tôi nhận lời. Qua cuốn Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 nhà văn Điệp Mỹ Linh cũng viết một cách sơ lược về  tổ chức Hải Quân và các đại đơn vị trong đó có TTHL/HQ/NT.

Bà Điệp Mỹ Linh cho biết 30 năm trước, Trung Tướng Vĩnh Lộc đã gợi ý và khuyến khích bà viết về cuộc di tản của Hải Quân Việt Nam. Bà đã tiếp xúc và đề nghị  nhà văn Hải Quân Phan Lạc Tiếp và nhà thơ Hải Quân Hữu Phương viết thì phải lẽ hơn. Nhưng mới di tản còn lo việc ổn định gia đình không vị nào có thì giờ để viết.
Nguyên là vợ của Trung Tá Hồ Quang Minh, bà Điệp Mỹ Linh đã theo chồng qua nhiều đơn vị tác chiến trong thời gian cuộc chiến trên sông rạch tại miền Nam sôi động. Bà từng thấy rõ sự hy sinh của người lính và bà đã yêu thương người lính Cộng Hòa một cách đậm đà, trong đó có những người lính áo trắng.



TTHL/HQ/NT là một đại đơn vị nên trong cuốn Hải Sử Tuyển Tập do Ủy Ban Hải Sử thuộc Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải soạn và ấn hành năm 2004 đã có một chương đầy đủ về lịch sử của đơn vị. Trong cuốn Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 này cũng có một chương dành cho TTHL/HQ/NT nên tôi không đi vào những chi tiết có tính tài liệu. Những gì tôi viết ở đây là những cảm nhận cá nhân qua 13 năm phục vụ tại đó. Như là chút gia vị thêm vào một món ăn nhà văn Điệp Mỹ Linh đã nấu sẵn mà Hội Đồng Hải Sử đã dùng khá nhiều khi soạn thảo cuốn Hải Sử Tuyển Tập.
Sau đây là câu chuyện 13 năm phục vụ tại trường Sĩ quan Hải Quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong 16 năm quân ngũ của tôi.

Tôi kể lại những gì tôi còn ghi trong ký ức để cùng nhau nhớ lại một thời đã qua. Cấp bậc của các sĩ quan tôi dùng là cấp bậc của thời điểm đó. Khi nhắc lại tôi dùng tên các sĩ quan để bớt chữ và gọn gàng. Xin bạn đọc đừng hiểu là thiếu kính trọng. Và tôi không dùng nhóm chữ “người viết bài này” để thay chữ tôi như một số tác giả hay dùng.
Tôi rất mong quý độc giả đọc những dòng này trong tinh thần khoan dung. Có thể nhiều điều tôi ghi lại không giống với nhận xét của các bậc đàn anh cũng như đối với các sĩ quan tôi đã góp phần đào tạo tại quân trường .
“Mười ba năm” liên tục tại một đơn vị trong 16 năm quân ngũ! Đến đơn vị năm 1958 với cấp bậc Thiếu úy, rời đơn vị khi giải ngũ năm 1971 với cấp bậc Trung Tá. Tôi không biết có vị sĩ quan nào trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa có một lý lịch phục vụ như vậy?

Đổ Tú Tài phần thứ nhất ở Huế năm 1954, tôi vào Sài Gòn vừa học cán sự Vô tuyến điện, vừa tự luyện thi Tú Tài phần hai. Xong phần hai giữa năm 1955, có thông cáo của Hải Quân Việt Nam tuyển mộ sinh viên theo học hai ngành sĩ quan tại trường Sĩ quan Hải Quân Pháp tại Brest: một ngành Pont (chữ Pháp có nghĩa là cái sàn tàu, chuyên về lái tàu) và một ngành Machine (chữ Pháp có nghĩa là máy móc, cơ khí, chuyên học về các loại máy tàu). Tôi ghi tên thi vào ngành cơ khí. Brest là thành phố biển ở cực tây tỉnh Finistere trông ra Đại Tây Dương.
Chương trình học gồm 3 năm: hai năm lý thuyết và một năm thực tập trên một chiến hạm đi vòng quanh thế giới để các sĩ quan Hải Quân tương lai có cơ hội làm quen với thế giới quanh mình.
Khóa tôi, Khóa 4/Brest, xong phần lý thuyết cuối năm 1957  mãn khóa với cấp Thiếu úy và văn bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hải Quân do Bộ Hải Quân Pháp cấp. Lúc này quan hệ giữa Hải Quân Pháp và Hải Quân Việt Nam  bắt đầu “cơm không lành canh không ngọt”, Hải Quân Pháp bỏ chương trình thực tập trả chúng tôi về nước. Chúng tôi gồm Hùng, Ninh, Đẩu ngành Pont, Ích và tôi ngành Cơ khí về nước trên chuyến bay DC 6 bốn cánh quạt bay từ Paris xuống Nice, qua Teheran, Bombay rồi Sài gòn.

Tôi được đổi xuống Hải Vận Hạm Hát Giang HQ 400. Sau đó tôi được thuyên chuyển qua Hộ Tống Hạm Đống Đa HQ 03 do Trung úy Phan Phi Long làm Hạm phó. Hạm trưởng, Thiếu Tá Lâm Ngươn Tánh lúc đó là Chỉ huy trưởng Hải Lực không thường trực chiến hạm. Khi đi công tác Trung úy Phan Phi Long chỉ huy chiến hạm. Thời gian phục vụ Hộ Tống Hạm Đống Đa có hai công tác đáng nhớ. Thứ nhất là mang lương thực chăn màn cho tù nhân tại Côn Đảo, thứ  hai là tiếp tế cho một đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa đồn trú bảo vệ đài khí tượng Hoàng Sa.

Cuối năm 1957, HQ 03 được chuẩn bị đi Subic Bay, một căn cứ lớn của Hải Quân Hoa Kỳ tại Philippines sửa chữa đại kỳ. Bộ chỉ huy chiến hạm thay đổi gần hết. Đại úy Nguyễn Thanh Châu Hạm trưởng, Trung úy Nguyễn Phổ Hạm phó, Thiếu úy Trịnh Hòa Hiệp Sĩ quan đệ tam, tôi Cơ khí trưởng.
Gia nhập gia đình Hải Quân điều làm tôi ngạc nhiên là các danh từ Hải Quân Việt Nam dùng. Các sĩ quan nhận binh chủng Hải Quân từ người Pháp đa số học trường Pháp, không nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt nên khi cần danh từ Việt để thay thế danh từ  Pháp trong Hải Quân quý vị sĩ quan này tự phát huy sáng kiến tạo ra một số danh từ  không sát nghĩa.  Ngành pont họ gọi là Ngành chỉ huy. Tướng một sao Hải Quân gọi là Phó Đề Đốc, tướng Hải Quân 2 sao gọi là Đề Đốc.

Trong Hải Quân Hoa Kỳ ngành Pont gọi là Line Officer, các sĩ quan chuyên môn khác gọi là Limited Duty Officers (sĩ quan các ngành chuyên nghiệp). Khi dịch chữ Pont của Pháp hay chữ Line Officers của Mỹ ra Sĩ quan Hải Quân Ngành Chỉ Huy các sĩ quan có nhiệm vụ xây dựng Hải Quân Việt Nam trong bước đầu trong những năm 1954, 1956 đã tạo ra một sự hiểu nhầm. Có nhiều sĩ quan ngành Pont của Hải Quân Việt Nam tưởng rằng ngành Pont mới biết chỉ huy. Cái bệnh này lây đến thượng tầng Bộ Tư Lệnh Hải Quân đến độ có lúc nhiều sĩ quan tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam nghĩ rằng chỉ có các sĩ quan ngành Pont mới có quyền chỉ huy các đơn vị hải quân kể cả các đơn vị chuyên môn.

Tướng Hải Quân một hay hai sao gọi là Phó Đề Đốc và Đề Đốc lại càng khó nhịn cười hơn. Đô Đốc là tướng Hải Quân điều đó đã rõ trong binh sử Việt Nam. Nhưng Đề Đốc là một chức quan bộ binh. (Ông bác ruột của mẹ tôi là một Đề Đốc, một quan chức bộ binh của triều đình Huế. Thuở nhỏ chúng tôi vẫn gọi ông một cách cung kính là “Ôn Đề”). Không thông thạo ngôn ngữ Việt được dùng trong binh chủng xưa, các sĩ quan Hải Quân Việt Nam đầu đàn thấy chữ Đề Đốc giống với Đô Đốc nên lấy chữ Phó Đề Đốc và Đề Đốc làm cấp bậc cho các tướng Hải Quân một sao và hai sao. Có chữ để dùng còn hơn không có cho nên không ai quan tâm. Và lên Bộ Tổng Tham Mưu cũng cứ thế mà dùng!

Đầu năm 1958 khi HQ 03 sửa chữa đại kỳ xong chuẩn bị về nước, tôi nhận được công điện thuyên chuyển ra TTHL/HQ/NT.      
Tôi đến TTHL/ HQ khoảng một năm sau khi Hải Quân Pháp giao TTHL/HQ/NT cho Hải Quân Việt Nam  để rút về nước sau một thời gian gần 100 năm đô hộ Việt Nam, kết thúc bằng Hiệp Định Geneva năm 1954 sau một cuộc chiến dài 9 năm đẩm máu.
Tôi tưởng ra Nha Trang vài năm rồi đi đơn vị khác. Không ngờ tôi ở đó liền 13 năm, cho đến năm 1971 tôi đắc cử dân biểu quốc hội, đại diện Thị xã Nha Trang và giải ngủ với cấp bậc Trung Tá, tham gia việc huấn luyện 15 khóa Sĩ quan Hải Quân từ khóa 8 đến khóa 22, với tổng số 2.079 sĩ quan. Các khóa sĩ quan thay đổi sĩ số và thời gian huấn luyện tùy theo nhu cầu quốc phòng. Ít nhất là Khóa 9 gồm 38 sinh viên sĩ quan thời gian huấn luyện 2 năm. Nhiều nhất là Khóa 19 gồm 272 sinh viên và thời gian huấn luyện 12 tháng.
Thiếu Tá Đặng Cao Thăng, Chỉ huy trưởng bổ nhiệm tôi vào khối giảng viên của trường Sĩ quan Hải Quân. Lúc đó khóa 8 đang thụ huấn. Từ khóa 1 đến khóa 7  Sinh viên Sĩ quan học bằng chữ Pháp, giảng viên là Sĩ quan Hải Quân Pháp.  Kể từ khóa 8 tất cả giảng viên đều là sĩ quan Hải Quân Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) quyết định dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ theo lệnh tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hải Quân là một binh chủng chuyên môn nên khối giáng viên chúng tôi hết sức chật vật khi tìm danh từ để dịch tài liệu giáo khoa của Hải Quân Pháp.  Trung úy Đặng Đình Hiệp là người đã đóng góp nhiều công sức trong việc phiên dịch này. Chúng tôi đã nhờ rất nhiều vào cuốn “Danh Từ Khoa Học” của ông Hoàng Xuân Hãn. Trung úy Lê Phụng từng nói đùa “không có cuốn danh từ khoa học này thì tụi mình cùi”. Và cùi thật vì chẳng lẽ thiếu danh từ cứ chêm bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên cuốn Danh Từ Khoa Học không đủ các danh từ chuyên nghiệp nên chúng tôi phải tạo thêm ra, vừa sọan bài vừa đánh đu với chữ nghĩa.

Việc thi tuyển Sinh viên Sĩ quan khóa 8 đã tạo một sự hấp dẫn hiếm có cho binh chủng Hải Quân. Các sĩ quan Hải Quân trong ban giám khảo như Đại úy Đặng Cao Thăng, Đại úy Nguyễn Xuân Sơn, Trung úy Đặng Đình Hiệp, Lê Triệu Đẩu, Nguyễn Tiến Ích, Lê Phụng với bộ quân phục trắng lạ mắt, đặc biệt Trung úy Lê Phụng có dáng dấp một giáo sư đại học, nghiêm chỉnh mà không tỏ ra nghiêm khắc đã là những thỏi nam châm thu hút sinh viên thanh niên đất Thần kinh yêu mộng hải hồ, và các nữ sinh Huế biết yêu màu áo trắng.

Thời gian ông Phụng làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Hải Quân ông đã khuyến khích truyền thống “đàn anh dạy dỗ đàn em” (tiếng Pháp: brimade) của trường Sĩ quan Hải Quân Brest. Đây là một truyền thống có mục đích lột cái vỏ dân sự và sự tự ái của các tân Sinh viên. Nhập trường, các tân Sinh viên phải hoàn toàn tuân phục khóa đàn anh, bắt chạy, bắt quỳ, bắt nói những câu nói vô nghĩa. Nhưng nếu chỉ có thế thì không sao. Có khóa đàn anh lạm dụng quyền bắt đàn em làm những việc có hại cho sức khỏe như bắt đồ ăn hư thối, nằm trong thùng rỗng hai đầu rồi đá lăn tròn, hay bắt đàn em mang bao lô nặng quá tải chạy ngoài sức chịu đựng, quấy phá không cho ngủ trong nhiều đêm liên tiếp… Dưới triều Trung úy Phụng ông thường làm ngơ trước các lạm dụng.

Sau khi ông Phụng rời quân trường  cuối năm 1966, “brimade” đã thành truyền thống của trường Sĩ Quan Hải Quân. Sự lạm dụng vẫn tiếp tục và đã làm thiệt mạng một Sinh viên Sĩ quan (Vũ Thế Tiệp, Khóa 17).
Sau tai nạn này BTL/HQ chỉ thị quân trường kiểm soát chặt chẽ trò chơi có tính huấn luyện này để không bị lạm dụng.
Tháng 8/1965 Việt cộng từ Đồng Bò sau lưng trường pháo kích vào khu Sinh viên Sĩ quan làm thiệt mạng 3 Sinh viên khóa 14.
Ngoài ông Phụng, Đại úy Đỗ Kiểm cũng ảnh hưởng nhiều đến các sĩ quan tại quân trường. Châm ngôn của ông Kiểm là “an officer and a gentleman”,  nghĩa là một sĩ quan Hải Quân còn là một người tao nhã thuộc tầng lớp thượng lưu.  Châm ngôn này ảnh hưởng tốt đến các sĩ quan tương lai. Đóng vai một “gentleman” dù có khi gượng gạo cũng tốt hơn là một kẻ chân trần. Châm ngôn của ông Kiểm đã giúp cho nhiều sĩ quan Hải Quân tòng học tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang chinh phục được nhiều thiếu nữ đẹp, có tài thuộc các gia đình phong lưu tại Nha Trang. Gia đình nào lại không thích một chàng rễ “gentleman” nhất là các gentlemen làm trắng xóa thành phố Nha Trang trong những ngày cuối tuần.

Nguyên tắc thuyên chuyển sĩ quan của BTL/HQ là sau một thời gian  phục vụ tại Sài gòn các sĩ quan phải ra phục vụ các đơn vị xa Sài gòn và nhiều sĩ quan các Khóa Nha Trang, cũng như các Khóa Brest đã ra phục vụ tại TTHL/HQ/NT. Nhờ đó tôi có dịp làm việc chung với hầu hết sĩ quan của Hải Quân.
Tôi nhận thấy mỗi vị có một cung cách, một tác phong, có tình đồng đội và tương kính lẫn nhau. Có người sau này trở thành tướng lãnh như các Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Đặng Cao Thăng,Vũ Đình Đào, Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Hữu Chí. Ông Chí là một nhà thơ, thi sĩ Hữu Phương, rất hiền lành. 

Các vị Chỉ huy Trưởng mỗi người một tư cách lãnh đạo,và sau thời gian ở dưới quyền chỉ huy của các ông tôi đều mến phục và quý trọng các ông.
Thiếu Tá Đặng Cao Thăng bình dân theo lối một “gentleman” sĩ quan ai cũng nể. Đại Tá Đinh Mạnh Hùng hòa nhã, ít nói, thân thiện một cách kín đáo. Gần ông sĩ quan cảm thấy dễ chịu.
Đại Tá Khương Hữu Bá xuề xòa, nhưng khi cần nghiêm khắc ông cũng nghiêm khắc. Kỳ thi ra trường Khóa 19 tháng 2/1970, tỉ số hỏng khá cao, ông cho mời tôi – lúc đó giữ nhiệm vụ Văn Hóa Vụ trưởng phụ trách việc huấn luyện – vào trình diện phạt tôi 15 ngày trọng cấm vì “không làm tròn nhiệm vụ để sinh viên hỏng quá nhiều”.  Mới nghe tôi tưởng ông nói chơi, nhưng nhận ra ngay không phải chuyện đùa. Chưa bao giờ bị phạt tôi tự hỏi không biết ông sẽ giam tôi ở đâu, trong quân trường hay gởi ra quân lao Nha Trang … Tôi không biết rằng sĩ quan bị phát trọng cấm không bị giam mà chỉ ghi vào quân bạ. Hồ sơ này ảnh hưởng đến việc thăng thưởng và việc chọn đi du học.
Điều lạ là tôi bị phạt, nhưng không mất chức Văn Hóa Vụ trưởng và cũng không thấy phòng nhân viên BTL/HQ ghi vào quân bạ. Không biết ông Bá dọa tôi, hay khi trình về Sài gòn BTL/HQ thấy vô lý nên không phê chuẩn hình phạt.
Sau này, sau ngày 30/4/1975 , có một lần tôi lên Chicago, nơi gia đình ông Bá định cư, định đến thăm chỉ huy trưởng cũ và nhân thể hỏi để biết sự thật thì ông bà Bá tránh lạnh đã dời về Houston.

Thiếu Tá Nguyễn Đức Vân là vị chỉ huy trưởng đáng nhớ nhất. Ngoài sự tận tụy với TTHL/HQ ông có một thú vui là ham mê phong thủy. Ông tin tử vi, ngày giờ  tốt xấu, thích nghiên cứu thế đất. Trong văn phòng làm việc rộng thênh thang ông gắn mốt tấm bản đồ nổi vùng tỉnh Khánh Hòa và các hải đảo chung quanh, Hòn Tre, Hòn Tằm, đảo Vĩnh Nguyên … . Ông thường đứng trước tấm bản đồ nổi ngắm nghía như đang tìm tòi chiêm nghiệm một cái gì.

Thiếu tá Vương Hữu Thiều làm Chỉ huy Trưởng trong thời gian chính quyền tổng thống Ngô Đình Điệm đang thịnh. Trong đơn vị chỉ có Tuyên úy Công giáo, chưa có tuyên úy các tôn giáo khác. Nhưng đến ngày Phật Đản các quân nhân theo đạo Phật (do tôi đại diện) vẫn trang trí đơn vị với nhiều giây đèn điện kéo từ đỉnh cột cờ xuống. Cột cờ của TTHL/HQ/NT rất cao nên đèn giăng sáng rực một vùng trông rất đẹp mắt. Nó là một thông lệ tại TTHL/HQ/NT trong ba ngày lễ lớn trong năm là Tết Nguyên Đán, ngày Phật Đản và ngày Chúa Giáng Sinh không ai thắc mắc cả.

Vào đầu thập niên 1960 quan hệ giữa ông Diệm và Phật Giáo căng thẳng. Và việc treo cờ hay kéo đèn tại các đơn vị quân đội trong ngày Phật Đản trở thành “taboo”. Tại TTHL/HQ/NT vào ngày Phật Đản năm 1962 tôi vẫn yêu cầu ban điện kéo bốn giây đèn rực rỡ trước sân cờ. Ông Thiều không an tâm, nhưng thay vì ra lệnh cho tôi tắt đèn, ông tự tay tắt dao điện.
Cách hành xử “gặp thời thế, thế thời phải thế” của Thiếu Tá Thiều thật là tế nhị. Tôi buồn ông nhưng tôi cũng thầm cám ơn ông đã không dùng quyền chỉ huy trưởng ra lệnh cho tôi.

Hồi Thiếu Tá Bùi Hữu Thư làm Chỉ huy Trưởng,  tại quân trấn Nha Trang có dịch chia đất quân sự cho các sĩ quan, dẫn đầu là Không quân. Thấy Không quân chia khu đất sát bờ biển hai bên con đường dẫn vào phi trường dân sự và xây các biệt thự nguy nga, ông Thư quyết định chia khu đất nằm trước cư xá Hạ sĩ quan cạnh căn cứ Hải Quân Nha Trang cho sĩ quan quân trường. Chia xong,  các sĩ quan đang vay tiền cất nhà thì BTL/HQ không chấp thuận chia đất. Một phen mừng hụt.
Ông Thư là người có ý thực hiện một một số cải tổ tại TTHL/HQ/NT,  đặc biệt là cải thiện có kết quả chế độ ẫm thực cho Sinh viên Sĩ quan. Rất tiếc ông không kịp thực hiện các cải tổ khác. Ông chỉ làm Chỉ huy trưởng TTHL/HQ/NT trong 5 tháng (2/1966- 7/1966).
Ông Thư và tôi còn có chút duyên nợ khác. Lúc ông làm Tham Mưu Phó Quân Huấn BTL/HQ là lúc tăng gia quân số Hải Quân theo chương trình Việt Nam hóa. Ngoài việc tăng số Sinh viên Sĩ quan các khóa, TTHL/HQ/NT còn đảm nhận dạy căn bản điện và Anh ngữ cho các khóa sinh ngành điện tử và Radar (do Phòng Quân Huấn BTL/HQ tuyển mộ gởi ra) trước khi gởi họ sang học trường điện tử của Hải Quân Hoa Kỳ tại Treasure Island ở California. Các thượng sĩ phụ trách huấn luyện cho tôi biết các khóa này hầu hết người Việt gốc Hoa và đa số không nói được tiếng Việt nên việc huấn luyên rất khó khăn. Tôi điện thoại ông Thư than phiền và yêu cầu đổi thành phần khóa sinh để tiện cho việc huấn luyện. Ông Thư  cho biết việc này “đụng chạm” lắm và khuyên tôi không nên xen vào.

Đại úy Dư Trí Hùng, dáng đi nghiêm trang và rất nghiêm chỉnh trong công vụ.  Nhưng ngoài giờ làm việc ông là một Chỉ huy Trưởng dễ vui đùa với sĩ quan cấp dưới. Ông là sĩ quan xuất sắt nhất trong 4 khóa Sĩ Quan Hải Quân Brest, nhưng không được may mắn trong thời gian phục vụ HQ/VN.      

Ở quân trường lâu năm tiếp xúc với mọi tầng lớp sinh viên đủ mọi thành phần trong xã hội từ nhiều địa phương khác nhau tôi thấy Sinh viên Sĩ quan Hải Quân thật đa dạng đa tài. Cả một xã hội nhỏ với mọi tài năng. Sinh viên sĩ quan Phạm Bách Phi Khóa 16 là một họa sĩ từng vẽ bức tranh “Hội Nghị Diên Hồng ” được điêu khắc gia Nguyễn Sao thực hiện phù điêu (bas relief) gắn nơi khung cửa Thư viện. Sau này trong Hải Quân xuất hiện những nhà thể thao nổi danh toàn quốc trong lĩnh vực bóng bàn, săn bắn dưới biển, các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ như  :
Nguyễn MinhThơ, Tôn Thất  Phú Sĩ, Nguyễn Thìn (nhạc sĩ Trường Sa), Võ Bảy (nhà văn Võ Thất), Phan Lạc Tiếp, Trần Văn Tâm (nhà văn Trần Quán Niệm) …

Các khóa đầu tiên trên dưới 50 Sinh viên tôi nhớ hầu hết tác phong tính tình cũng như khả năng học tập của mỗi Sinh viên. Sau này do nhu cầu Việt Nam hóa chiến tranh, Hải Quân cần tăng quân số từ 11.000 lên 42.000 trong vòng 3 năm,  số Sinh viên mỗi khóa có khi lên đến gần 300, tôi không  thể nhớ mặt nhớ tên tất cả, ngoại trừ ba thành phần: học thật giỏi, thật kém và nhảy rào. Có một thành phần đặc biệt là lén chép bài khi làm bài thi. Thành phần này không phải đều học kém. Có những Sinh viên rất giỏi, nhưng muốn đổ cao đã không ngần ngại dùng tài liệu khi làm bài hay vào thi vấn đáp.

Tại quân trường tôi còn gặp lại vài bạn cùng lớp trung học tại trường Quốc học Huế hồi 1948-1955. Bạn Tôn Thất Sanh, bạn Tôn Thất Kỳ khóa 8, bạn Nguyễn Đình Điều khóa 9. Chúng tôi cùng tốt nghiệp trung học một năm. Bạn Điều vào đại học Sài gòn học  Toán; bạn Kỳ vào Không quân học bay. Sau ba bốn năm lận đận các bạn Sanh, Kỳ, Điều thi vào trường Sĩ quan Hải Quân. Trong thời gian đó tôi vào trường Sĩ quan Hải Quân Pháp rồi trở về quân trường tham gia ban giảng huấn. Trong quân trường quan hệ có tế nhị, nhưng tình bạn trung học chúng tôi không hề thay đổi, lúc đó cũng như cho đến hôm nay.
Một số sĩ quan Hải Quân ra trường sau khi lăn lộn trên các đơn vị và chiến trường miền Nam và du học bổ túc tại Hoa Kỳ trở lại tham gia ban giảng huấn quân trường trong đó có bạn Điều. Và chúng tôi lại có dịp làm việc bên nhau.

Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng chỉ có mầu hồng. Khoảng năm 1968, BTL/HQ Hải Quân bổ nhiệm một sĩ quan khóa 8 làm Chỉ huy phó TTHL/HQ/NT. Ông không thâm niên tuổi lính hơn tôi, nhưng do công trạng chiến trường thăng cấp sớm ông thâm niên cấp bậc hơn tôi. Biến cố Mậu Thân tàn phá Huế, gia đình ông anh tôi vào Nha Trang tạm trú. Tôi cho làm thêm một căn gác tại khu cư xá Hải Quân trên đường Lê Văn Duyệt để gia đình anh tôi có chỗ tá túc. Vì bận rộn tôi không báo cáo xin phép ông Chỉ huy trưởng kịp lúc. Ông trưởng chưa kịp trách tôi thì ông phó đã mời tôi vào phòng “Chỉ huy phó” trách cứ tôi với lời lẽ không được nhã nhặn lắm. Lỗi mình thì đành vậy. Nhưng mỗi lần nghĩ đến phong cách giáo dục của xã hội Á Đông tôi nghĩ phải chi ông Phó báo cáo với ông trưởng để ông trưởng “la” tôi thì đẹp biết mấy!

Tại quân trường có nhiều Sinh viên Sĩ quan thuộc gia đình có thế lực trong chính quyền, trong quân đội hay trong Hải Quân, nhưng trường Sĩ quan Hải Quân không bị mang tiếng dung dưỡng. Các Sinh viên này, trong đó có một người cháu gọi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bằng chú ruột, đều biết giữ gìn kỷ luật và học hành nghiêm túc.

Có không khí lành mạnh này nhờ ông Lê Phụng. Làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Hải Quân ông Phụng thường tuyên bố: “Ở đây không có ‘con ông cháu cha’. Anh nào có gốc mạnh mà vô kỷ luật hay không chịu học tôi sẽ tống ra khỏi trường làm thủy thủ”.  Ở một quân trường khác tuyên bố kiểu “động chạm” như vậy có thể sẽ được thuyên chuyển qua đơn vị khác. Nhưng ông Phụng người nhỏ thó thư sinh, độc thân, và khí thế giang hồ từ miền biển Đại Tây Dương chưa nhụt ông không ngại phục vụ tại bất cứ nơi nào trên đất nước. Hơn nữa trường Sĩ quan Hải Quân đang cần ông. Ông Phụng ở đó cho đến lúc trường Võ Bị Đà Lạt theo chương trình 4 năm của trường Sĩ quan bộ binh West Point của Hoa Kỳ và -3 năm đầu - đào tạo căn bản văn hoá trình độ Cử nhân Khoa học cho sĩ quan cả ba binh chủng Hải, Lục, Không quân, Bộ Tổng Tham Mưu mới chuyển ông lên trường Võ Bị Đà Lạt. Lúc này các ông Đặng Đình Hiệp, Nguyễn Tiến Ích đều được rút lên Đà Lạt tham gia ban giảng huấn trên đó. Tôi vẫn chôn chân tại trường Sĩ quan Hải Quân và thừa hưởng cái gia tài tốt của ông Lê Phụng để lại.

Thời gian Hải Quân tăng quân số ban Quân huấn lo việc huấn luyện Sĩ quan Hải Quân được tổ chức thành hai bộ phận: Quân Sự Vụ lo về kỹ luật, đời sống, lãnh đạo, tác phong … Văn Hóa Vụ lo về đào tạo văn hóa và hành trang nghề nghiệp. Tôi giữ chức vụ Văn Hóa Vụ trưởng trong một thời gian dài cho đến năm 1971 khi giải ngũ.
Từ  năm 1967, tại TTHL/HQ/NT có ban cố vấn. Các sĩ quan trong ban cố vấn đều xuất thân từ trường sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Tôi không thấy họ đề nghị một chương trình gì đặc biệt. Chương trình hai năm, 18 tháng và sau này do nhu cầu giảm xuống 12 tháng đều do Văn Hoá Vụ chúng tôi soạn thảo. Hằng tuần ông sĩ quan phụ trách cố vấn trường Sĩ Quan Hải Quân đến văn phòng Văn Hóa Vụ nhận chương trình các giờ dạy Anh Ngữ. Chương trình thay đổi hằng tuần. Chưa bao giờ có sự đụng chạm giữa chúng tôi và cố vấn Hoa Kỳ . Công việc chính của ban cố vấn là liên lạc sắp xếp chương trình thực tập cho các tân sĩ quan Hải Quân khi ra trường.

Có nhiều việc tại quân trường khó quên. Mỗi khóa học Sinh viên Sĩ quan có 3 giai đoạn và có 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi BTL/HQ Hải Quân chỉ định một Ban giám khảo. Thời kỳ chuẩn bị 4  tháng, học về văn hóa gồm chính yếu gồm các môn Toán , Điện Lý thuyết, Thiên Văn Học, Cơ bản quân sự. Chương trình Toán là một phần của chương trình Toán học Đại cương. Thi đậu chính thức trở thành Sinh viên Sĩ quan Hải Quân năm thứ nhất cầu vai mang chữ alpha, hưởng lương Trung sĩ. Thi đổ năm thứ nhất được gắn lon chuẩn úy để tiếp tục học năm cuối cùng. Thi mãn khóa đậu ra Thiếu úy Hải Quân. Hai năm sau tự động thăng Trung úy.

Kỳ thi lên alpha của Khóa 13 Trung Tá Trần Văn Phấn làm chánh chủ khảo. Đề thi do tôi soạn và quay roneo sẵn để phát cho Sinh viên (hồi đó computers và printers chưa thông dụng). Hôm thi toán Trung Tá Phấn và các sĩ quan giám thị và tôi đều có mặt trong phòng thi. Trong khi các Sinh viên đang cắm cúi làm bài, một Sinh viên đứng lên trình với ông chánh chủ khảo: “Thưa Trung Tá đề thi bị lộ”. Ông Phấn hỏi sao anh biết.  Sinh viên thưa, đêm hôm qua tôi thấy nhiều Sinh viên xúm nhau lại tìm cách giải đúng các bài toán này. Ông Phấn ra lệnh thu đề thi, và chỉ thị tôi ra đề Toán khác. Tôi trở về văn phòng soạn đề mới trình ông. Ông cho viết đề thi mới lên bảng đen, phát lại giấy thi và cuộc thi tiếp tục. Sau đó ông Đỗ Kiểm, Giám đốc Quân Huấn, phụ trách điều tra và tìm ra thủ phạm lộ đề là ông Thượng sĩ quay (roneo) đề thi. Tôi không nhớ  ông thượng sĩ bị phạt như thế nào.

Từ năm 1957 khi người Pháp giao lại TTHL/HQ/NT cho Hải Quân Việt Nam đến năm 1975, có tất cả 10 vị Chỉ huy trưởng. Tôi  làm việc với 8 vị, ngoại trừ Thiếu Tá Chung Tấn Cang, Chỉ huy trưỏng đầu tiên và Đại Tá Nguyễn Thanh Châu, Chỉ huy trưởng sau cùng.
Không được làm việc với ông Cang nhưng tôi có dịp tiếp cận ông qua những lần ông làm Tư lệnh Hải Quân ra thanh tra thường niên. Ông là người Tư lệnh duy nhất khi thanh tra đặt những câu hỏi có ý nghĩa và đi vào trọng tâm công tác của đơn vị.

Trong thời gian ở Quốc Hội, là ủy viên trong Ủy Ban Quốc Phòng có một lần tôi tháp tùng tướng Trần Văn Đôn, dân biểu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Nghị viện đến thăm Quân Trấn Sài gòn – Gia định do Đô đốc Cang làm Tổng Trấn để nghe thuyết trình về việc bố phòng bảo vệ thủ đô. Đích thân ông Cang thuyết trình và trả lời các câu hỏi. Ông đi vào vấn đề một cách cụ thể không hoa hòe hoa sói,  không tô điểm như các cuộc thuyết trình khác. Sau cuộc thăm viếng ông Đôn nhận xét – và các ủy viên trong Ủy ban Quốc phòng đều đồng ý –  người dân thủ đô có thể  yên tâm với một vị Tổng Trấn như vậy.

Trung Tá Lâm Ngươn Tánh khi làm Tư Lệnh Hải Quân khác một chút. Ông nghiêm trang và quan trọng hóa những việc nhỏ nhặt làm cho không khí thanh tra rất căng thẳng. Thí dụ, ông vào các phòng nhỏ trong các phòng lớn để xem có đánh số phòng ốc đúng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ không và dùng ngón tay quẹt trên khung cửa sổ để xem còn bụi không.

Thấm thoắt 13 năm qua mau. Năm 1971 tôi ứng cử Dân biểu thị xã Nha Trang và đắc cử. Theo luật tôi giải ngũ. Trong thời gian làm thủ tục giải ngũ, tiến trình thăng thưởng của quân đội vẫn tiến hành, và tôi nhận được Quyết định thăng cấp Trung Tá do Thứ trưởng bộ Quốc  Phòng Châu Kim Nhân ký trước ngày có Quyết định giải ngũ. Tôi chưa có vinh dự mang lon Trung Tá Hải Quân trên vai dù chỉ một ngày.

Nhìn lại sự vắn số của Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Việt Nam tôi thấy sinh ra trong thời chiến, thanh niên bên giới tuyến nào cũng phải nhập ngũ, tôi thật sự có may mắn phục vụ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa mà phần lớn thời gian (13/16 năm) phục vụ tại TTHL/HQ/NT. Tại đó tôi đã gặp được những người Thầy tốt, Bạn tốt và những người Học Trò tuyệt vời hậu sinh khả úy.
Tôi nghiệm ra hai điều. Tinh thần binh chủng, tinh thần đồng đội, tinh thần đồng khóa, tinh thần đồng giáo, ngay cả tinh thần đồng đảng (khác với tinh thần đảng phái) là yếu tố và chất keo cần thiết nối kết con người với nhau. Nhờ tinh thần đó con người có thể cùng nhau làm việc, yêu thương nâng đỡ nhau suốt cả cuộc đời, ngay cả hy sinh cho nhau. Tinh thần đó tạo ra sức mạnh của từng tập thể. Và nếu sức mạnh của từng tập thể đó không dùng để đánh nhau, giết nhau tranh giành lợi lộc cho phe nhóm mình mà hợp quần lại với nhau trong một tập thể lớn hơn là quốc gia dân tộc thì quốc gia sẽ là một tảng xi măng cốt sắt không có sức mạnh nào phá vỡ được. Trong điều kiện đó chúng ta sợ gì xâm lăng bất cứ từ phương nào tới và lo gì đất nước Việt Nam không mở mày mở mặt với bốn biển năm châu.
Điều thứ hai, trong một lĩnh vực nhỏ hơn, là Hải Quân đối với tương lai của đất nước Việt Nam. Trường Sĩ quan Hải Quân trông ra Thái Bình Dương không khỏi nhắc nhỡ người sĩ quan Hải Quân thấy sự quan trọng của Hải lực và cũng không khỏi giật mình khi nhớ rằng một dân tộc sống gần biển như Việt Nam, có một bờ biển dài hằng mấy ngàn cây số mà không có một lịch sử mạo hiểm trên biển cả.

Cần khuyến khích tinh thần mạo hiểm và yêu biển nơi giới trẻ Việt Nam và đầu tư những gì cần thiết để xây dựng một hải lực hùng mạnh. Là nước nhỏ chúng ta không có khả năng tranh giành sự kiểm soát Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và Trung quốc. Nhưng chúng ta phải phóng tầm sức mạnh hải lực ra vùng Biển Đông để trước mắt là bảo vệ bờ cõi trong đó có việc thu hồi quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ Trường Sa và kho dầu thiên nhiên dưới đáy biển nằm trong thềm lục địa nối dài hợp pháp của chúng ta.

Đối với Việt Nam, Bộ Binh bảo vệ Đất, Không Quân bảo vệ vùng Trời, nhưng Hải Lực là yếu tố then chốt của an ninh quốc gia và nước mạnh dân gìàu.

TRẦN VĂN SƠN 
Feb. 27, 2011

No comments: