Monday, November 14, 2016

BẠN BÈ VÀ KỶ NIỆM VỚI HẢI ĐỘI 2 DUYÊN PHÒNG *– Trần Văn Giác



Chỉ vài tuần sau đó anh em lần lượt được gửi xuống PCF hoặc WPB để thực tập đi biển. Đây là thời gian mà bọn tôi chờ đợi từ lâu lắm rồi, được tự tay lái tầu, hồn nhiên đùa với sóng nước, được thỏa mộng hải hồ đã nhiều năm ôm ấp đến tội nghiệp. Rồi một số chúng tôi cũng hãnh diện khi cầm tấm bằng Thuyền trưởng trong tay, chỉ tiếc là không được mang “bánh xe nước mía”…
BẠN BÈ VÀ KỶ NIỆM VỚI HẢI ĐỘI 2 DUYÊN PHÒNG *


Bút ký – Trần Văn Giác
(Sydney)

1. Hai vị Chỉ Huy Trưởng Hải Đội

HĐ2ZP là đơn vị mà khi tốt nghiệp K1/SQHQ/ĐB có đến 20 SQ/LĐ về trình diện cùng lúc và cũng là đơn vị chúng ta phục vụ lâu dài nhất và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Vì thế đây là dịp để chúng ta cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm vui buồn thời quân ngũ. Dĩ nhiên ký ức bây giờ đã mù sương, hơn 40 năm rồi còn gì, nên “nhớ đâu, viết đấy”, mong các bạn sửa sai, điều chỉnh dùm. Xin cám ơn Lương Quang Bình các bạn ở Houston, Texas đã tạo cơ hội cho anh em có dịp viết lách, cà kê, nhắc nhớ lại những điều tưởng chừng đã bị lãng quên theo tuổi đời và thời gian. Đây không phải là một bài viết có tính sáng tác, mà chỉ là những lượm lặt còn sót lại trong trí nhớ…


Đầu tháng 11/1972, BCH/HĐ2 ZP tại Quy Nhơn xôn xao, náo động khi hàng chục Sĩ quan HQ trẻ kéo về đáo nhậm đơn vị. Đây là lần đầu tiên mà lễ trình diện Đơn vị trưởng kéo dài suốt cả ngày. Trong khi các bạn khác tỏ vẻ lo lắng, bồn chồn, riêng tôi lại rất bình thản tuy hôm đó với tôi là một ngày thật đặc biệt. Lý do: vừa về đơn vị mới, tôi đã được gặp lại ông xếp cũ, HQ Tr/tá Nguyễn Văn Pháp (K.8).

Sau khi mãn khóa 6/69 SQ/TBTĐ với cấp bậc Chuẩn úy CB, tôi chọn về Nha Trang, quê hương mà tôi đã rời xa từ năm lên 2 tuổi. Mảnh đất nầy thuộc Vùng 2, nơi BTL/HQ/V2ZH thời đó còn đặt trong trại Tây Kết, Nha Trang. Tại đây, tôi đã lần đầu trình diện Tr/tá Pháp khi ông đang là Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh phó V2 ZH và được ông cho thực tập trong Trung tâm Kiểm soát Duyên hải (gọi tắt là CSC: Coastal Surveillance Center). Lúc nầy các Sĩ quan mới về BTL Vùng hầu hết đều được phục vụ tại các TTKS/ZH, nơi được coi như nhiệm sở tạm thời trong khi chờ phân phối đến các đơn vị trong Vùng. Trong thời gian khoảng 3 tháng làm việc tại CSC, tôi được gặp ông nhiểu lần, mới đầu tôi hơi khớp nhưng sau đó nhận thấy sự thân thiện, cởi mở của ông nên tôi bắt đầu gần gũi và ngày càng cảm thấy quý mến và kính nể.

Sau đó tôi thuyên chuyển đi Duyên đoàn 25, rồi về Quân trường HQ/NT thụ huấn K1/ĐB. Chưa đầy 15 tháng sau, khi trình diện tại BCH/HĐ2 ZP, tôi lại bất ngờ có dịp chào và bắt tay ông lần nữa. Tr/tá Nguyễn Văn Pháp là mẫu sĩ quan HQ điển hình, tài ba, hào hoa, phong lưu, đạo mạo, đẹp trai với hàng râu rậm gọt tỉa công phu, thỉnh thoãng ngậm pipe, nhảy đầm bay bướm điệu nghệ nổi tiếng nhất V2 ZH. Lần nầy, khi khai lý lịch tôi nhận ra ánh mắt thiện cảm của ông nhưng rất tiếc, tôi lại xin về Liên đoàn 22 Cam Ranh, ông chỉ thị uy chút đỉnh nhưng tôi biết bản tánh ông thật dễ dãi, hiền hòa.

Một thời gian rất ngắn sau đó, tôi đột ngột nghe tin ông thuyên chuyển, lúc đó tôi đang ở Cam Ranh nên không được chia tay từ giã và cũng chưa hề được gặp lại ông cho đến ngày Đại hội LĐ tại Nam Cali năm 2013. Ông vẫn còn một chút nghệ sĩ tánh như ngày nào, vẫn hát hò nhảy nhót, trong đêm Đại hội tôi vẫn còn được nghe ông hát dù giọng có rè và yếu đi theo thời gian. Khi ngồi nhớ lại và so sánh với hình ảnh ông ngày nào làm tôi không khỏi xót xa, cho ông và cho cả anh em mình.

Đám LĐ về HĐ 2 gồm: Bảy Bùi, Tuấn Cọp, Lê Kiếm Hiệp, Quang Rè, Thắng Sún và sau nầy có Cù Văn Kiểm… trụ lại Quy Nhơn. Còn lại Thuật Huế, Mạnh Hầu, Bá Láp, Giác Nhí, Huỳnh Kim Thạch, Kiệm, Hà, Quang, Hồ Hoàng Hảo… xuống tàu xuôi Nam về trấn Vịnh Cam Ranh. Điều mà tôi thích thú nhất là đơn vị này tập hợp khá nhiều tay chơi, từ xếp đến quan và cả đám lính nữa, theo tiêu chuẩn “chơi tới bến”, chỉ trừ một hai thằng lỡ dại lấy vợ bỏ cuộc vui hơi sớm như Nguyễn Tấn Bá hoặc Nguyễn Mỹ Thanh OCS, còn lại cả đám thuyền trưởng trẻ măng, độc thân vui tính đã biến đơn vị thành một “thiên đường” trong “địa ngục trần gian” thời bấy giờ. Về bờ thì vui cũng không có gì lạ, mà ra biển công tác cũng vui nữa, nhìn qua nhìn lại toàn là đám LĐ và bạn bè các khóa khác cùng trang lứa nên rất là thoải mái, vô tư…


Chỉ vài tuần sau đó anh em lần lượt được gửi xuống PCF hoặc WPB để thực tập đi biển. Đây là thời gian mà bọn tôi chờ đợi từ lâu lắm rồi, được tự tay lái tầu, hồn nhiên đùa với sóng nước, được thỏa mộng hải hồ đã nhiều năm ôm ấp đến tội nghiệp. Rồi một số chúng tôi cũng hãnh diện khi cầm tấm bằng Thuyền trưởng trong tay, chỉ tiếc là không được mang “bánh xe nước mía”… nhưng với tôi được mang phù hiệu của HĐ trên vai cũng “đã lắm rồi”. Tôi không biết có tiêu chuẩn nào đã được đặt ra hoặc do may mắn mà chỉ vài tháng sau Hoàng Hữu Mạnh được chỉ định làm thuyền trưởng đầu tiên của đám LĐ tại Cam Ranh mà lại là soái đỉnh nữa nên mới bảnh chứ (HQ 3902). Còn tôi may lắm cũng chỉ là thuyền phó HQ 714, chiếc nầy do Nguyễn Đức Quang AET (K19) làm thuyền trưởng. Không hiểu vì lý do gì mà tôi chưa hề được đi công tác chung với hắn và rồi không lâu sau đó Quang thuyên chuyển đi một cách lặng lẽ, không có màn bàn giao cũng chẳng lời từ giã và tôi được chỉ định thay thế.

Đầu tháng 2/1973, với tư cách là Th/tr HQ714, tôi nhận lệnh biệt phái ra Quy Nhơn và đây cũng là dịp ra mắt Chỉ huy trưởng mới, ông xếp thứ 2 của tôi ở HĐ2ZP, HQ Tr/Tá Trần Đức Cử (Đệ I Nhân Mã). Mấy thằng bạn thân ở Quy Nhơn như Tuấn Cọp, Thắng Sún, Bảy Bùi… đều cho tôi một nhận xét chung là không khí ở HĐ đã vui trở lại sau một thời gian căng thẳng vì sự ra đi đột ngột của Tr/Tá Pháp và sau đó là một số đàn em như Th/tá Trịnh Như Toàn (K15), Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Việt Long (Long Yoga, K19) cũng thuyên chuyển nhường chỗ cho lớp sĩ quan khác về thay thế. Ông Cử về, cùng với đám LĐ, đã “điểm phấn tô son lại” bộ mặt của HĐ cho một giai đoạn mới.

Khi nhớ về đời lính, một người tôi không thể không nhắc đến là Tr/tá Trần Đức Cử, ông xếp thứ 2 của tôi ở HĐ, một bậc đàn anh trong cách cư xử, xã giao và là người bạn vong niên của những lần vui chơi bù khú. Có thể nói gặp ông là một cái “duyên hạnh ngộ” trong đời. Ở Quy Nhơn, mỗi lần tầu về bến, ông đều kéo tôi đi chơi. Đêm nào cũng ngà ngà say, ông thường giao cho tôi lái chiếc xe Jeep, với hai “cần câu” lớn của máy VRC 46, lượn một vòng phố xá hoặc đi ăn cháo khuya… nhờ vậy tôi bớt căng thẳng trong những ngày đêm khổ cực túc trực yễm trợ cho lực lượng bộ binh vào dịp “đình chiến da beo”.

Hơn 2 năm rưỡi phục vụ ở HĐ2, tôi chỉ trực tiếp dưới quyền ông chừng hơn 6 tháng vì tôi trực thuộc LĐ22 Cam Ranh nhưng cũng là điều may vì Bộ chỉ huy HĐ ở Quy Nhơn đang phải chịu nhiều áp lực hơn và phần khác nó xa Nha Trang, quê hương yêu dấu của tôi. Sau khi LĐT là HQ Th/tá Trịnh Như Toàn rời LĐ22 thì tôi có xếp mới: HQ Đ/úy Nguyễn Ngọc Bích (Đệ II Bắc Giải). Qua 3 đơn vị và 5 cấp chỉ huy, hắc ám nhất là HQ Th/tá Nguyễn Thanh Thủy (K.12), chỉ huy trưởng ZĐ25. Ngược lại, anh Bích hiền như cục bột, tôi hay nói đùa rằng anh không cần tu cũng thành Phật bởi vì chính anh đã có “tâm Phật” trong lòng.
Ở xếp Cử, tôi học được nhiều điều từ công việc đến vui chơi, từ nhậu nhẹt la cà đến nhảy đầm tán gái, môn nào ông cũng thiện nghệ, nhưng quan trọng nhất là học cái phong cách bặt thiệp khi giao tiếp. Ông kết thân với nhiều người, nhiều giới khác nhau, không nề hà sang hèn, cấp bậc. Những dịp theo ông, tôi có cơ hội nghe những quan lớn nói về tình hình chiến sự, khó khăn của đất nước, biến động chính trị và bất ổn nội bộ… nhờ vậy tôi hiểu khá sớm so với lứa tuổi 25. Bây giờ, tuy đã “tám bó” nhưng ông vẫn còn phảng phất phong độ của những ngày trung niên sông dài biển rộng. Trải qua những năm tháng binh nghiệp, ông là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất vì phong cách chỉ huy và kinh nghiệm đời. Tình “thầy trò” không những thể hiện ở những kỷ niệm thời quân ngũ mà còn qua cách cư xử như người bạn vong niên, một “đại huynh” trong tình nghĩa giang hồ.
(Mỗi lần nghe tin tôi sang Mỹ họp mặt với các bạn, ông đều tìm gặp. Có lần dù sức khỏe kém nhưng ông vẫn đích thân lái xe từ Nam lên Bắc Cali để tham dự ĐH với đám đàn em chỉ để “xem tụi nó thế nào” dù chỉ vài giờ ngắn ngủi.)
2. Đám bạn LĐ và Các Khóa khác

Bạn bè tôi hầu hết đều cùng trang lứa, gia nhập quân đội khi ở tuổi đôi mươi, còn quá trẻ và hầu hết đều theo dạng “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao” một cách bất đắc dĩ, chỉ được huấn luyên quân sự nên ít am hiểu tình hình chính trị phức tạp lúc bấy giờ hoặc chưa đủ trình độ để đánh giá thời cuộc đúng mức. Một số khác cũng không màng để ý đến chuyện thời sự dù đã bắt đầu nhập cuộc, dần dà đời lính đã dạy cho từng con người bổn phận phải bảo vệ đất nước. Còn tôi, bây giờ ngẫm lại, không biết tôi yêu đất nước tôi từ lúc nào…

Tôi còn nhớ năm đầu ở Cam Ranh, cứ về bến là ăn nhậu, nhảy đầm, thằng Nguyễn Mỹ Thanh (OCS), Trưởng phòng Tiếp liệu của LĐ22/CR mỗi tối lái GMC đưa cả đám ra Cây số 9 để vui chơi, nhảy nhót “thâu đêm suốt sáng”. Mỗi chuyến công tác kéo dài 4 ngày rồi về bến nghỉ ngơi 2 ngày và cứ như thế, 2 ngày về bến là khoản thời gian thần tiên hầu như không có gì phải ưu tư lo lắng, cứ vui chơi ca hát râm ran như ve mùa hạ.
(Tôi gặp lại Thanh khoảng 1980 tại Sydney với một vợ hai con, bây giờ trông nó có vẻ cụ non, trầm ngâm ít nói.)


Về Cam Ranh chừng vài tháng, phần lớn đám LĐ đều xuống tầu và lần lượt đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng, WPB thì có Kiệm, Hà, Giác, Bá… (thay thế cho lứa trước gồm Quang, Cường…), PCF thì Mạnh, Thạch, Quang, Giác (1974)…

Trong đám xây lố cố LĐ về đây thì có lẽ tôi được thỏa mộng hải hồ sớm nhất, chừng một tuần sau ngày trình diện, tôi được thảy xuống HQ 714 đi thực tập. Chiếc WPB như anh em mình biết, nó chịu sóng gió rất giỏi nhưng lắc lư cũng “ba chê”. Nói là đi thực tập nhưng chuyến đi đầu nầy rất lạ (mà sau nầy tôi mới biết lý do) là vì không có thuyền trưởng, thuyền phó, không có sĩ quan ngoại trừ tôi. Trong hành trình của 4 ngày công tác đầu tiên, thì hai ngày đầu tôi chỉ có thực tập “ói”, ói mửa liên tục, ngồi ói, đứng ói, vô phòng nằm cũng ói. (Ôi, cho tôi gửi lời thán phục ông/bà nhà văn nào đã mô tả tình trạng lắc lư con tàu đi của kẻ say sóng bằng hình ảnh “mật xanh, mật vàng” thật tượng hình và chính xác!)

Chuyến nầy đi trục Nam, xuống Phan Thiết, mùa Bấc lại gặp ngày sóng gió tơi bời, không có nơi ẩn núp, không gặp ghe đánh cá để xin ăn, tôi bèn lục tìm đủ thứ để cho vào bụng, hết cơm nguội tới chuối mà nếu nhai được vỏ thì tôi cũng nuốt tuốt cho “ấm bụng” rồi đến dưa leo, chơi luôn khoai lang sống, mỗi 2 tiếng đồng hồ xuống thăm tủ lạnh một lần, còn nước thì nấu không kịp để uống… Lạ thay, những ngày sau đó tôi bắt đầu “quen sóng” và chịu đựng được. Cơ thể bắt đầu hòa nhịp với những đợt trồi hụp – dù đôi khi các lượn sóng nghịch ngợm cứ liên tục đổi tông hoặc chuyển điệu từ slow, tango, bibop… sang rock ‘n roll. Ngày về bến tôi hạnh phúc như thể vừa làm một chuyến viễn du nhiều tháng mới được lên bờ mặc dù bị “chơi” thêm một cú say đất, chân bước lạng quạng, mặt mũi bơ phờ tái mét…

Thằng Hoàng Hữu Mạnh cũng không khá gì hơn, mấy tuần đầu tôi thấy mặt mũi nó lúc nào cũng xanh xao, một phần vì lo lắng và ít ngủ vì trách nhiệm. Vậy mà về bến là nó rủ tôi ra Cây số 9, có khi ngồi đồng “thâu đêm suốt sáng”. Có lần nó và tôi, không biết “phạm húy” chuyện gì trong cơn trời đất lăn quay, bị đám du đãng TPB rượt đánh suýt ôm đầu máu… (Đến tận bây giờ, tôi cũng không rõ mình đã làm “mích lòng anh em” như thế nào. Có thể là một cái liếc mắt hay một lời chọc ghẹo cô chủ quán chăng? Tuy là lính tráng nhưng phần lớn anh em chúng tôi khi nhậu vẫn “quân phong, quân kỷ” lắm mà!)

Những ngày gần đây, tôi bắt gặp một câu nói thật ngộ nghĩnh “mê gái trong vòng trật tự” của đám LĐ nhằm ám chỉ thằng bạn tôi, Nguyễn Tấn Bá (TT/HQ 714). Quả thật… không trật một ly ông cụ nào, vì nó lúc nào cũng phải có một em và chỉ một mà thôi. Đó như là “nội quy sống” của Bá. Tôi là thằng ở xa mà có lẽ là đứa hiểu nó nhiều nhất vì lý do rất đơn giản: nó kể tuốt tuồn tuột cho tôi nghe mọi chuyện về đời nó, chẳng chừa bất kỳ một chi tiết nào… Bá rất chân tình, đơn giản, thật thà và… dường như chưa biết dối vợ bao giờ? (Mỗi lần đến LA và Cali, tôi đều được hai người bạn Hữu và Bá đưa đón, đi đến nơi về đến chốn vì sợ tôi “đi lạc”. Có lần vợ chồng Bá ngồi chờ cả 2 tiếng đồng hồ tại phi trường vì máy bay đến trễ, nhìn bạn lòng tôi không khỏi áy náy. Còn Hữu thì lần nào cũng tiễn chúng tôi ra tận phi trường, sốt sắng vui vẻ, nên chi lúc nào tôi cũng nợ tụi nó một lời cám ơn.)

Một thằng bạn ít nghe anh em nhắc đến hoặc vì hắn ít khi gần gủi trong các sinh hoạt chung, tôi muốn nói đến Cù Văn Kiểm. Tôi biết Kiểm trong lần biệt phái ra QN lần thứ 2, nó nhậu nhẹt rất sung và thường rủ rê tôi trong những ngày về bến. Tôi không để ý đến Kiểm vì cách chơi bạt mạng, buông thả đến độ bê bối mà vì bản tính tình nghĩa, không bỏ bạn bè lúc hoạn nạn và nếu cần có thể sống chết vì bạn, đây là điều tôi có thể minh chứng. Đôi khi vui miệng tôi nói nó chọn lầm đơi vị, nó ở Biệt Hải hoặc Người Nhái thì thích hợp hơn… Có những thằng trời sinh ra không phải để cho người khác uốn nắn, như LĐ Trần Quân AET chẳng hạn, người bạn một thời của tôi ở ZĐ 25, nó lầm lì ít nói, cá tính mạnh, không hề biết sợ, hết mình với bè bạn.. như thằng Kiểm, có điều thằng Quân sống với lý tưởng mạnh hơn, chỉ thay đổi theo nhận thức riêng của nó, mới đây nó đã hăng say “thuyết” cho tôi và thằng Bá hàng giờ đồng hồ về “đạo sống” của nó. Điều mà tôi vẫn mong chờ ở Kiểm…

Một anh chàng khác, Hồ Hoàng Hảo rất thân với tôi từ những ngày ở quân trường HQ/NT lúc thụ huấn K1 ĐB, là dân chơi kiểu “trưởng lão”, bậc thầy của tôi trong khoa “chinh phục bóng hồng” và nhờ bản tánh điềm đạm, chửng chạc, đã được CHT chọn làm Phát hướng viên, nên Hảo đã là một triệu phú, nắm bạc triệu trong tay khi còn rất trẻ..

Trong đám bạn nhậu thì La Ngọc Lăng (TT/HQ 717) là hợp ý tôi nhất. Nó rất hiền, ít nói, có thể ngồi cả ngày uống tì tì không cần mồi dù vẫn nốc cả bụm thuốc đau bao tử. Có lần bị cấm trại 100%, nó và tôi gặp nhau khi tầu vừa về bến, hai thằng kéo vô quán cóc cạnh BCH/LĐ uống liền 2 ngày đêm, ăn ngủ tại chỗ và rồi lãnh lệnh công tác đi tiếp… (Mới đây thôi, được ngồi bên thằng bạn hiền, là dân nhậu ngày nào, nhắc lại chuyện xưa thật vui và cũng thật cảm động. Cám ơn vợ chồng NN Nam đã cho mấy anh em HĐ2 mình một buổi hội ngộ nho nhỏ nhưng rất ấm tình đồng đội của thuở nào.)


Nguyễn Ngọc Nam OCS (TT/HQ 713) cũng để lại cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ, ghi dấu trên đầu bằng một vết sẹo nhỏ. Hai thằng hẹn nhau đi nhậu “cờ tây” ở bãi Ninh Diêm, gần Mũi Né. Khi đã ngà ngà say, tôi mượn xe Jeep của ông anh là Tiểu khu phó Ninh Thuận để đi Phan Rang nhậu tiếp. Nam dành lái và hắn ủi vào gốc dừa, tôi bị đập vào kính rách da đầu, máu chảy đầy mặt, hai thằng phải bỏ xe chạy ra tầu để băng bó. (Nhắc lại chuyện cũ, Nam cười khề khà và cho biết là bây giờ thì đã lái xe khá hơn lúc đó nhiều rồi. Hắn đã “chuộc tội” bằng 2 chầu nhậu trong 2 ngày liên tiếp tại tư gia hắn hồi năm rồi)
Thằng bạn thay đổi nhiều nhất có lẽ là Lê Chiến Thắng. Ngày xưa nó mỏng như con mực khô nhưng bây giờ nó có thể nhập đàn với Thành Voi. Ngày xưa đi nhậu là phải có nó, ngày nay hình như nó đã biến mất trong tập thể LĐ, nhớ lại, nó và tôi thường hay lang thang mỗi khi gặp nhau cuối tuần, khi bát phố tán gái, lúc bi-da cà phê…. Sau cuộc đổi đời có không ít người đổi thay vì nhiều lý do với tôi “một lời là bạn, một đời là bạn”!! (Nhờ Thắng Sún mà tôi có được vài tấm hình chứng minh mình là lính HQ đàng hoàng, vì chẳng ai tin thằng nhỏ con như tôi là kẻ từng lái Thần Tốc WPB, Phi Tiển PCF và đánh đấm ra trò.)

Nhờ cung bằng hữu, tôi có rất nhiều kỷ niệm với các bạn ở HĐ 2, nhưng có một thằng rất đặc biệt, kể từ sau ngày trình diện đơn vị, tôi chưa hề được trò chuyện, chưa một lần ngồi nhâm nhi ly bia, tán dóc chuyện đời nhưng tôi dường như lại biết nó khá rõ qua những giai thoại vui vui. Tôi chẳng màng những chuyện ấy là có thật hay thêu dệt, được anh em truyền miệng khi trà dư, tửu hậu, nó là San “Ma bùn”. Những giai thoại ly kỳ về anh chàng này thì… nói tới sáng cũng chưa hết; nào là tại sao nó được Chỉ huy trưởng cho làm Sĩ quan liên lạc Quân đoàn, chuyện nó mỗi lần về thăm đơn vị có trực thăng đưa đón, chuyện nó được lính bộ binh cõng khi rút chạy, chuyện “di tản chiến thuật” v.v.. Những chuyên nầy, nếu có, chắc phải đích thân nó kể mới lột tả hết buồn vui và hấp dẫn. Điều tôi phục nhất là nó có tinh thần chịu đựng rất cao, vượt qua được mọi khó khăn trong hoàn cảnh cô độc, làm việc hòa đồng với người xa lạ ở những nơi thật sự nguy hiểm. Hẳn nó phải có ý chí mạnh mẽ, bản lãnh lì lợm, khả năng xoay trở… Ở chặng đời này mà nó còn vượt qua những chướng ngại khắc nghiệt đó thì tôi tin rằng LĐ San có đủ yếu tố để thành công sau nầy.

Tôi được tin Tuấn Cọp vừa sum họp với gia đình bên Mỹ. Thật mừng cho nó, rốt cuộc cũng đã đến bến bờ tự do sau bao nhiêu lần trốn trại, vượt tù. Những ngày ở Quy Nhơn, anh em hay ganh tỵ với mối tình thật đẹp của Tuấn và Oanh, Đó là một cặp tình nhân rất tình tứ và lãng mạn. Ngày sập trời 30/4 đã cướp đi của nó cả lẽ sống và quyền sống, nên bây giờ anh em tự cho mình có bổn phận giúp đỡ trong những ngày đầu. Những thằng bạn thân nhất của nó từ những ngày mới vào lính như Hiệp, Ngưng… đều cũng đã trải qua những gian truân khắc nghiệt trong đời. (Tuấn ơi, tao cũng bắt chước Tông tông Obama xứ Cờ Hoa quê mới của mày, ông vừa đến thăm quê cũ của tụi mình mà “lẩy” một câu Kiều thay lời chúc bạn hết kỳ vận hạn: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời…” Trong tình thân, tao mong mầy hãy coi những ngày xui tháng hạn vừa qua “như giấc ngủ trưa”, gạt qua những phiền muộn, bẩn chật của 40 năm dài… để thong dong hội nhập vào đời sống mới, với con cái và bạn bè, với những ngày vàng còn lại “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”. Mong sẽ gặp lại mầy sớm nhất, có lẽ trong năm nay.)
3. Hải Trình Qui Nhơn-Cam Ranh

Phải nói, tôi có nhiều cơ may hơn các bạn cùng lứa vì tôi được phục vụ cho cả hai LĐ và có dịp đi khắp Vùng 2 duyên hải. Tháng 2/1973, tại Quy Nhơn, trong chuyến đi thị sát mặt trận phía Bắc, trên HQ 714 lần đầu tiên tôi nghe ông Tỉnh trưởng Quy Nhơn nói đến viễn cảnh chia cắt đất nước lần nữa, có thể mất đất đến đèo Hải Vân hoặc đèo Cả cho bọn MTGPMN theo như những bàn thảo tại Paris.

Tại Nha Trang, nhiều lần theo xếp Cử, tôi được ngồi chung mâm với Phó Đề đốc “Cao bồi” Nguyễn Thanh Châu, đang bị thất sủng, về làm Chỉ huy trưởng Trung tâm HL/HQ/NT. Tôi cũng có lần được lê la “chén tạc chén thù” cùng ông Tướng nổi tiếng Dư Quốc Đống, nguyên Tư lệnh Nhảy dù mà phải ra Đồng Đế để huấn luyện hạ sĩ quan, cả hai ông đều bị hạ tầng công tác nên đã thổ lộ sự bất mãn trầm trọng trong quân đội. Từ đó tôi đã cảm nhận được cuộc diện đất nước đang tới thời kỳ rối ren, đen tối!

Biệt phái ra Quy Nhơn lần nầy, với tôi nó là cả một sự thử thách cho đời lính biển. Cả 2 chiếc Coast Guard HQ 714 và HQ 719 cùng với những chiến hạm khác phải hoạt động 2 tuần liền bất kể ngày đêm, thời tiết để yễm trợ cho 2 trung đoàn biệt lập bị áp lực nặng của quân CS Bắc Việt đang tấn công vào dịp trước Tết với chiến thuật “lấn đất, giành dân” cố hữu. Về đây, trời quen đất lạ, dư âm sóng nước vẫn còn nhộn nhạo trong lòng, lại gặp mùa biển động, không nơi ẩn náu mưa gió trùng khơi, đôi lần lại phải ra tận Poulo Gambir để chở lính Bộ binh và giao hàng tiếp tế…

Chiếc 719 của thằng Cường “Đầu bạc” được trả về đúng ngày, còn tôi được xếp Cử ưu ái cho ở lại thêm 2 tuần nữa, chỉ một tháng thôi mà tôi học hỏi được khá nhiều điều. Qua đối thoại giữa ông Tỉnh trưởng Quy Nhơn với Bộ chỉ huy nhẹ trên tàu, tôi biết Hiệp định Paris sắp được “ký dù không kết” rồi đình chiến, rồi ngưng bắn dịp Tết… Chiều 30 Tết năm đó, lần đầu tiên tôi thấy cờ MTGPMN treo trong các làng đánh cá từ Tam Quan đến Bồng Sơn, chúng tôi biết những làng nầy có VC, chúng sống lẫn lộn trong dân để khích động, xúi dục.

Quá bực tức vì VC lợi dụng ngưng bắn để công khai lấn chiếm, tôi cho lệnh tác xạ dù biết là đang đình chiến. Những lần như vậy tôi tự trấn an mình, qua kinh nghiệm Tết Mậu Thân cho thấy bọn VC làm gì biết tôn trọng hiệp định. Tôi đoán chúng sẽ vi phạm đình chiến ngay sau HĐ Paris vừa ký chưa ráo mực, đây chỉ là cơ hội cho chúng chuẩn bị leo thang chiến tranh… Đám lính tôi được dịp, hưởng ứng một cách nhiệt tình và vui vẻ, có lẽ vì chiều 30 Tết sầu thảm làm gì có trò nào náo nhiệt hơn là đốt pháo bằng đạn thật. Đạn cối 81 nhắm vào những thân cây có treo cờ đỏ xa trong bìa rừng, còn đại liên 50 (20ly) thì rãi thẳng vào những cây nêu “vi-xi” vừa mới dựng lên vài giờ trước đó. Vài viên đạn lân tinh rơi vào đám lá dừa khô hoặc xuyên trúng cây rừng cháy sáng rực nhìn đã mắt và hả giận, mấy thằng em còn ăn ké xách M16 ria đạn xối xả thị uy… hăng máu chơi gần cạn thùng đạn, đến khi súng ống bắt đầu có dấu hiệu trở ngại tác xạ mới chịu ngưng.

Rồi ngày về bến mới khốn khổ, phải thức khuya để “chôm đạn” của mấy thằng PCF cặp kế bên, chiếc của thằng Bảy Bùi, Kiểm Cù bị chôm nhiều nhất mà chẳng hề hay biết – sáng ra tụi nó còn mời tôi đi uống cà phê, ăn sáng nữa mới đã chứ – lấy của mỗi chiếc một ít gọi là để “dằn thùng” vì không có lý do nào khai báo hết đạn, rồi cũng êm thắm… khổ mà rất dzui!

Sau đó, chúng tôi cũng có dịp vui khác, được dự tiệc thăng cấp Đại tá cho một ông Trung đoàn trưởng (Tr/đ 55 Biệt lập) rất trẻ chừng 35 tuổi, rất chịu chơi, tại một phòng trà lớn ở Quy Nhơn. Hơn 50 ông sĩ quan Hải Lục Không quân đủ cỡ tập hợp trong vũ trường làm đám dân chơi thường trực ở đây bị… rét đành rút lui trả sân chơi lại cho những người vừa trở về từ cõi chết. Rồi cao hứng còn đốt dép râu trên sàn nhảy, mùi cháy khét lẹt, rốt cuộc chỉ còn “ta với ta”, say xỉn dựa lưng nhau mà ngủ, gần sáng cả bọn phải chung nhau trả tiền thiệt hại cho nhà hàng.

Ngày chúng tôi được trả về Cam Ranh, đích thân ông Tỉnh trưởng đãi ăn sáng tại tư dinh, những dịp nầy đều có anh Cử. Phải thẳng thắn mà nhận rằng nhờ anh Cử mà đám sĩ quan cắc ké như chúng tôi được nể trọng và có thêm sự hiểu biết cần thiết.


Hè 1974, Chỉ huy trưởng vào họp tại BTL/V2. Trong buổi cơm chiều với đơn vị, ông ghé tai tôi bỏ nhỏ “Ê, mầy ra Quy Nhơn với tao. Đ.m mầy ở đây lâu rồi!” Tôi biết đó là lệnh và tôi cũng đánh hơi được là ông đã chuẩn bị cho tôi mọi thứ. Dù đang êm ấm ở Cam Ranh nhưng cũng phải khăn gói lên đường. Vài hôm sau tôi được lãnh tàu mới, nói là mới nhưng là mới đại kỳ, đặc biệt là được gắn cây đại liên đôi trên mui, kích hỏa bằng điện, điều khiển tự động từ phòng lái, nghe nói đây là món đồ chơi cuối còn sót lại trong kho, được “một đổi một” trước khi Mỹ rút quân, hầu hết những chiếc PCF khác trong HĐ2 dàn súng nầy đều cũ hoặc điều khiển bằng tay. Nhưng điểm mà tôi thích nhất là 2 máy mới toanh, một cái còn trong thùng và cái kia dùng để làm “mẫu” cho bọn cơ khí học lắp ráp. Trước khi hạ thủy, nó còn được “thổi cát, sơn lườn” bóng mượt.

Chiếc PCF nầy được hoàn chỉnh là một cố gắng hết mình của LĐ Tống Việt Thuật. Thằng Thuật, có thể nói là thằng thiệt thòi nhất trong đám LĐ ở Cam Ranh. Nó chỉ xuống tàu, đi biển được vài tháng đầu, thời gian còn lại được biệt phái “lái tàu Ụ”. Tàu Ụ là tàu đại kỳ, nó làm ‘thuyền trưởng tàu ụ” chuyên nghiệp, hễ tàu rời ụ, hạ thủy là được chỉ định sang chiếc khác vừa lên ụ và cứ thế… Bản tính nó có đôi chút “lề mề”, nhưng lại bất cần, nên chẳng mấy khi than phiền hoặc oán trách ai. Hồi đó, nó được mấy em ca-ve ngoài Cây số 9 kết, dạy cho mấy bước nhảy “tuyệt chiêu” để biểu diễn, lại còn làm cơm và đồ nhậu cho nó nữa, phải chăng đó là một sự đền bù cho thằng bạn “thiệt thà chịu nhiều xót xa”…. Thằng Hà, thằng Lăng đôi khi có cả Mạnh Hầu và tôi thường theo nó ra Cam Ranh “ăn cơm chùa, nhảy đầm chui” với một đám các em gái “gà nhà” mà không phải mua ticket, hồi đó sao mà ham vui quá đổi. (Bây giờ thằng Thuật đã “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi”, Hà thì biệt tăm “như hoa sóng tan trong đại dương”, chỉ còn thằng Lăng may mà mới vừa được gặp lại hồi năm ngoái, tháng 11/2015.)

Rời Cam Ranh trên đường về Quy Nhơn, anh Cử bảo tôi cập bến Nha Trang làm một màn từ giã thành phố biển thơ mộng nầy nhưng cũng không quên làm vài ly để ấm lòng trước khi xuống tàu đi tiếp. Về Quy Nhơn có “tàu nhanh, súng tốt”, tôi “quậy tới bến” từ Vịnh Sông Cầu tới Đầm Nước Ngọt, Deji… nơi nào cần đều có mặt. Điều đáng buồn là chỉ sau hơn 3 tháng, tôi đã gặp phải một tai nạn khủng khiếp đến nỗi tận bây giờ, đã 40 năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ rõ nhiều chi tiết. Ở đây tôi muốn chia sẻ cùng các bạn như một kỷ niệm đau buồn đã ảnh hưởng đến đời sống cũng như đời hải nghiệp của mình.

Đầu tháng 9/1974, tôi có chuyến công tác như thường lệ, khởi hành vào buổi trưa, lần nầy tầu rời bến cùng lúc với PGM 607 (Hạm trưởng là HQ Đ/úy Trần Vĩnh Trung K.15). Vì hoạt động chung vùng nên HT Trung đề nghị hai chiếc sẽ gặp nhau tại Bồng Sơn nơi có nhiều ghe dân cung cấp đồ nhậu. Khi đi ngang qua mũi Deji, nghe tiếng Bảy Bùi lên máy chào hỏi và căn dặn: “Giác nhí, mầy đi đâu dzậy? Lên phía trên hả, cẩn thận nha!” Nó cảnh báo rất đúng lúc. Hình như thằng Bảy đi vùng Echo, còn tôi thì hoạt động trục Bắc, nhưng khi công tác ở hai vùng nầy chúng tôi thường gặp nhau và nằm dưới chân thằng Kiểm Báo 201 nơi có ZĐ 21 trấn bên trong Vịnh Nước Ngọt nên được xem là vùng tương đối an toàn. Còn tôi thì lần nào lên công tác trục Bắc cũng ráng lết lên Tam Quan, nơi bọn đặc công thủy VC chọn Đầm Nước Mặn làm địa bàn huấn luyện và hoạt động, để thụt vài quả 81 gọi là ra mắt. Có lần vào chiều tối, bọn chúng ra bờ lưới cá bị tôi dùng đại liên bắn đuổi chúng đáp trả lại bằng AK 47, tôi thích những trò quấy phá như vậy, nên bọn nầy rất căm thù tàu tôi.

Trên đường đi tôi được lệnh chận xét 2 ghe muối lớn nên trễ hẹn với HQ 607. Tôi quyết định tấp vô gần bờ chạy một giò tà tà chuẩn bị bữa cơm tối. Tại đây tôi thấy 2 ghe nhỏ đang đánh cá nhưng khi cơm nước xong thì chúng biến mất. Bãi Sa Huỳnh dài hơn 30km là vùng cấm đánh cá, mùa gió Bấc rất nhiều con ruốc nên thỉnh thoảng ghe dân vào đánh bắt nên họ thường lẫn trốn khi thấy tầu HQ. Đến nửa đêm, tôi thả trôi định về lại Deji. Trên tàu, ngoài tôi còn có 4 nhân viên, chưa được bổ sung thuyền phó. Tôi và một đệ tử đang ngồi trong phòng lái trực ca khuya thì thình lình một tiếng nổ thật lớn vang lên làm rung chuyển cả tàu, nhìn vào trong phòng ngủ khói bụi mịt mù, tôi biết là tầu đã vướng mìn. Ngay tức khắc tôi chạy vòng ra sau lái để quan sát tình hình, cảnh tượng ở đó làm tôi thót tim, thùng đạn lớn đã bay mất, rào chắn an toàn quanh tàu đều cong vẹo, ngã lỏng chỏng, nhìn ngược lên thấy antenna của radar cũng ngã xuống treo lủng lẳng và nước biển đang ùng ục tràn vào hầm máy nghe như tiếng thác đổ…

Theo phản ứng tự nhiên, tôi bảo nhân viên trực đang đứng sau lưng chuẩn bị phao cấp cứu. Tôi chạy ngược về phòng lái, mấy nhân viên mặt còn ngái ngũ, ngơ ngác nhìn tôi , tôi hét lớn “đào thoát”. Như chợt tỉnh đứa ôm súng, đứa kéo máy PRC 25 chạy ra cửa. Đến lúc nầy tôi mới liên lạc Đài kiểm báo 201 báo cáo nhanh gọn tình hình: “GN bị mìn ở khoảng giữa bãi Sa Huỳnh, tầu đang bị vô nước, bất khiển dụng S.O.S!!” Tôi lặp lại tình trạng khẩn cấp một lần nữa rồi gọi cho HQ 607 và sau cùng là chiếc PCF gần đó. Vừa gác máy thì ĐKB gọi lại cho biết thằng 607 đang cách tôi 1 hải lý đã nhận lệnh và đang tìm đường tới.

Bỗng một tiếng động thật lớn nữa vang lên từ phía sau, thân tầu như bị giật lùi lại, tiếng nước ùa vào đẩy không khí ra khỏi hầm máy tạo âm thanh rợn người, tôi có cảm tưởng đang bị vật ngữa ra ghế. Thật nhanh, tôi nhoài người bám lấy khung cửa và chui ra ngoài. Lại thêm một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt, phần sau lái đã chìm lỉm làm mũi ngóc lên trời, tầu đã ngập nước hơn một nửa. Tôi nhìn xuống đoán chừng cách mặt nước khoản 3 mét, bên ngoài tối đen, nhờ sóng nhấp nhô tôi nhận ra đám lính đang nằm trên phao cách tôi không xa lắm, tôi phóng mình xuống nước và bơi nhanh đến phao. Chưa kịp định thần tôi đã nghe thêm tin xấu, cả PRC 25 và M16 đều bị sóng đánh ướt không xử dụng được, vậy là vừa câm vừa điếc và vừa bất lực…

Tôi quay người nhìn lại, tầu vẫn còn nổi một phần có lẽ nhờ không khí trong hầm mũi… Thêm một giọng hoảng hốt phát ra ngay sau lưng: “Ông thầy ơi có tiếng ghe đang chạy về hướng mình”. Tôi thật sự hãi hùng, tình hình đang diễn biến cực xấu cho thầy trò tôi. Tôi chồm người lên phao cố nghe ngóng… toàn thân chợt run lên như có một luồng điện cực lạnh chạy dọc theo sương sống, lạnh không vì gió mà vì âm thanh khác nhau của 2 chiếc ghe đang hướng về phía chúng tôi, càng lúc càng rõ hơn dù tiếng sóng rào rạt. Tôi biết chắc rằng đây là ghe của bọn đặc công thủy VC đang tìm bắt chúng tôi.

Tôi bảo tất cả nhảy xuống nước, bám dây phao cố bơi thật nhanh ra xa nhưng ác nỗi những ngọn sóng cao cả thước hợp cùng gió bấc đã mạnh hơn sức lực của 5 thằng cộng lại. May mà chiếc phao đã trôi cách tầu độ trăm thước, khoảng cách vừa đủ xa để chúng tôi tìm cách thoát khỏi sự săn lùng của bọn VC nhưng lại dạt gần hơn vào bờ, nơi chắc chắn đã có sẵn hàng chục khẩu AK-47 đang chuẩn bị “giàn chào”. Khi tầu nổ chỉ cách bờ chừng 500m, bây giờ chúng tôi bị sóng đẩy vào gần bờ hơn, có nghĩa là gần cửa tử hơn… Hai tia đèn pin từ những chiếc ghe VC liên tục quét qua lại trên đầu, rà soát động tĩnh trên mặt biển nhấp nhô.

Chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều ngụp đầu xuống nước khi bơi. Chúng đang chạy quanh và quan sát con tầu chìm, có lẽ không thấy người chúng lại rọi đèn về phía chúng tôi. Tôi quyết định trườn người lên chiếc phao đang ngập nước, mò lấy khẩu súng, mở khóa an toàn. Đến lúc nầy bắn hay không bắn thì cũng sẽ chết nhưng tôi không muốn bị bắt sống và bị chúng hành hạ để trả thù… Tôi cố tỳ người vào chiếc phao đang chòng chành, đưa nòng súng hướng về phía chiếc ghe đang chạy tới chỉ cách chúng tôi chừng 50 mét. Tôi thầm mong tình trạng “địch không thấy ta và ta cũng không thấy rõ địch” kéo dài thêm một chút để khẩu súng duy nhất ráo nước và… xài được. Thời gian như đông đặc lại và dài thêm ra, khiến nỗi hồi hộp và lo sợ tăng lên theo từng giây…

Bỗng một tiếng nổ vang lên rồi một vệt sáng đỏ lòe và tiếp theo là một tiếng nổ nữa. Mặt biển sáng rực, tôi giật bắn người suýt buông tay bám chiếc phao. Hai trái sáng vừa được ai bắn lên, tôi trông rõ ghe địch có 3 người, chỉ cách chúng tôi chừng 20 mét, một tên có súng trong tư thế đứng, hai tên còn lại ngồi cầm đèn pin và dầm lái. Tôi đưa súng lên tầm ngắm định bóp cò, bất ngờ một đợt sóng chụp tới xô tôi ngã nhào xuống lòng phao. Tôi cầm chắc mình đang đến gần cái chết hơn bao giờ hết khi phải trực diện với kẻ thù hung ác trong tình thế thật ngặt nghèo. Dù sợ điếng người nhưng tôi cố đưa mũi súng lên như để hăm dọa. Lạ thay, ghe địch hình như đang quay đầu bỏ chạy. Nó rời xa chúng tôi hơn một chút so với khoảnh khắc trước và cả 3 tên đều ngồi rạp xuống lòng ghe, cách đó không xa, chiếc thứ nhì cũng trong tình trạng như vậy…

Lúc ấy, tôi cũng vừa kịp nhận ra hai ngọn đèn pha thật sáng từ chiếc PGM đang rọi tìm chúng tôi dù khoảng cách cũng còn khá xa. Đến lúc nầy tôi mới hơi hoàn hồn, biết mình vừa thoát hiểm và còn sống sót… Không lâu sau chúng tôi được vớt lên HQ 607, đám lính mặt mày xanh mét, vì lạnh và vì sợ. Tôi cũng chẳng khá gì, đôi chân run rẩy đứng không vững, hai hàm răng nghiến cứng lại chẳng nói nên lời. Chúng tôi đã bị kiệt sức, có người đưa vào lòng tàu và đắp cho chiếc mền. Tôi thiếp đi trong cơn hôn mê hoảng loạn… Tôi không còn nhớ bao lâu sau đó chúng tôi lại được dìu xuống 2 chiếc Yabuta của ZĐ 21. Hai chiếc nầy có nhiệm vụ tuần tiễu quanh khu vực tầu chìm cho đến sáng.

Sau đó là công tác trục vớt, với sự tham dự của ZĐ 21, PCF, HQ 456, toán Người nhái Trục vớt. Sau 3 ngày đêm làm việc căng thẳng, tầu đã nổi lên nhưng từ xa trông giống như tầu ngầm. Ngày được kéo về Căn cứ Quy Nhơn chỉ còn tôi trên con tầu ngập nước, nằm co mình trong ụ súng trên mui. Ngữa mặt nhìn lên bầu trời xám mịt mây đen, tôi nghĩ rồi đời hải nghiệp cũng như đời riêng của mình rồi cũng sẽ đen tối như thế… Câu nói đùa “mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta” đã thành sự thật. Cơn mưa nặng hạt bắt đầu đổ xuống, tôi đưa tay vuốt mặt và nhận ra không phải chỉ là nước mưa mà còn là nước mắt. Tôi đã khóc tự lúc nào, nước mắt chảy dài theo từng giòng nước đổ xuống từ trời, dầm dề rơi vào lòng biển?!! Đời chiến binh ngoài những khổ cực chưa quen còn nhận thêm tủi hận, nhục nhằn… Âu đó cũng là cái giá phải trả trong “trò chơi” chiến tranh của những thằng sĩ quan trẻ chúng tôi.
(Trong kỳ ĐH/LĐ năm 2015 tại Houston, tôi bất ngờ được gặp người bạn đã cứu tôi trong đêm lâm nạn ở Sa Huỳnh. Kỳ Hội ngộ nầy tôi có một niềm vui lớn, vì phải sau hơn 40 năm mới xác định được ân nhân của mình là ai, quả thật sau khi thoát hiểm đầu óc và thân xác quá sức mệt mõi, rả rời nên tôi đã thiếp đi, không còn biết trời đất gì…Người lái chiếc HQ 607 là HQ Tr/úy Hạm phó Nguyễn Lê Đại, ông bạn LĐ của mình và cũng là người bạn cùng khóa với cá nhân tôi (K 6/69, K 1/ĐB). Ngồi phía sau hè Hội quán đêm warm-up, Đại cho biết là đêm đó anh đã cho tầu 2 máy tiến full lút ga, bắn trái sáng và vớt chúng tôi lên tầu. Đại kể thêm vài điều gì đó nhưng tôi không còn nghe rõ nữa, đầu óc mênh mang, tôi lặng người nhớ lại chuyện xưa…. mới đây tôi đã tìm và email cho Đại hỏi thêm vài chi tiết để viết lại câu chuyện này. Cũng nhân đây, tôi gửi lời tri ân chân thành đến những người bạn đã cứu cả tầu chúng tôi thoát hiểm, những người bạn đã tham dự hành quân bảo vệ chúng tôi trong công tác trục vớt trước khi tầu được kéo về vùng an toàn.)

Tôi đã lái tầu về bến hàng trăm lần trong niềm vui, lần nầy rời con tầu thân thuộc đầy thương tích, tôi đau nhói như chính mình đang mang vết thương quá đổi trầm trọng của nó. Những ngày trống rổng sau đó tôi nhớ biển quay quắt, nhớ con tầu cùng mình đùa giởn với sóng gió đại dương, nhớ những đêm hải hành lang thang ngoài biển khơi nhìn vào những rặng núi lờ mờ in trên nền trời thẫm như kim chỉ nam hoặc nhìn những đốm đèn tụ tập bên trong một phố thị nào đó để sưởi ấm lòng… tôi hoàn toàn sống trong nỗi hụt hẫng, những thói quen hàng ngày đã nhanh chóng thay đổi, những thú vui sau các chuyến công tác đã không còn, chỉ trơ lại một chuỗi ngày buồn chán, vô vị. Những kỳ vọng về tương lai mà tôi thường mơ ước tưởng chừng như vụt khỏi tầm tay, hơi thở đã bắt đầu lạc nhịp, từ trạng thái hăng say với ý nghĩ sẽ bảo vệ đất nước, nay tôi như kẻ ngoại cuộc chỉ biết đứng ngoài chứng kiến… Rất may là tôi đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn bi quan nầy nhờ có sự an ủi của xếp Cử, nhờ những thằng bạn luôn biết chia sẻ buồn vui đời lính và đời thường. Tôi có thể đã mất tất cả nhưng vẫn còn các chiến hữu và những thằng bạn chân tình bên cạnh…vì thế đến nay con tim tôi luôn có khoãng trống dành cho tình bằng hữu… (Những dịp sang Mỹ sau nầy tôi đều cố tìm gặp lại thầy, bạn. Tình vẫn đong đầy, vẫn còn nhiều điều để nhớ để thương. Cám ơn tất cả những người bạn HĐ của tôi.)

Điều đáng buồn nữa là phải rời HĐ2ZP, đơn vị mà tôi đã hăng hái chọn để khởi đầu cho nghiệp dĩ, oái ăm thay đó cũng là nơi kết thúc cuộc đời hải hồ của mình trong buồn phiền luyến tiếc… masy mà còn chút gì để nhớ để thương.
Vài ngày trước bước ngoặc lịch sử oan trái 30/4, tôi gặp Phước “Cò” K.22 tại cầu tàu Phú Quốc, lúc đó nó là thuyền trưởng PCF, được hoán đổi ra HĐ 5. Nó đưa tôi xuống tàu đang thả neo bên ngoài cảng, uống rượu chia tay. Hai thằng khi còn ở Cam Ranh thường hay cụng ly ở cái quán nhỏ cạnh cầu tàu trước giờ đi công tác, tôi tưởng sẽ rất khó để gặp lại nhau, có ngờ rằng “duyên” vẫn còn. Nó ốm, rất cao, hơi hô nên miệng lúc nào cũng cười. Vậy mà hôm đó tôi bị ánh mắt đăm chiêu, buồn bã của nó ám ảnh. Tôi lúc đó đang là Phó đài Kiểm báo 402, thường xuyên nhận lệnh của Bộ Tư lệnh và liên lạc với tầu Hạm đội nên biết được tình hình đang vô cùng căng thẳng. Tôi bảo Phước nên cẩn trọng và phải tìm đường vượt thoát. Giữa khuya, sau cơn say lúy túy, chẳng biết do một động lực nào, tôi bỗng phóng mình xuống biển, có lẽ như muốn tự thực hiện cho mình lời khuyên với người bạn…(Tháng 7 năm 2013, chẳng hẹn mà tôi được gặp lại Phước Cò khi được mời tham dự ngày họp mặt K.22 tại Seattle. Nó cười cười kể lại chuyện cũ, lần nầy nó “cứu vớt đời tôi” trong cơn tuyệt vọng. Nắm chặt tay bạn, tôi cũng cười cười: “Tao sống nhờ bạn mà, Phước.”)
4. Vài Dòng Tâm Sự…

Làm sao nói hết niềm vui và nỗi buồn của chiến tranh trong vài trang bút ký ngắn ngủi viết cho bạn bè này. Nhưng tôi tin, các bạn và tôi, không cần phải nói ra bằng lời mới chia sẻ cùng nhau những tiếng cười hào sảng của đời lính hoặc những giòng nước mắt tiếc thương cho người bạn vừa nằm xuống… Trong chiến tranh, cá nhân mỗi người dân hoặc lính có thể đã hy sinh rất nhiều, với hàng triệu người chết hoặc thương tật và một gia tài của mẹ đổ vỡ tang thương…

Nhưng, bây giờ nhìn lại, những mất mát kinh khủng đó có thể vẫn chưa thấm gì so với dư vị của ngày chúng ta giã từ vũ khí trong tức tưởi, đắng cay… Sau ngày 30/04/1975, chất cường toan mất nước mới thật sự ngấm vào lòng, ăn mòn từng tế bào tinh thần của nhiều người ở cả hai bờ chiến tuyến, trong đó có thế hệ chúng ta. Nói công bằng, “những chàng trai thế hệ” như chúng ta ngày đó cầm súng vì bổn phận của người dân trong cơn binh lửa chứ thật sự ít người hiểu được hết giá trị của những viên đạn giữ gìn đất nước, cho dân chủ và tự do. Bây giờ, nước cũng sắp mất rồi, nhận ra thêm đau lòng, tiếc nuối…

Hồi đó, khi còn là một người lính “sữa”, tôi đã cảm khái đến rưng rưng khi đọc một bài thơ (đã quên tựa, được đăng trên một tạp chí Quân đội) của ông nhà thơ Đại tá Hà Huyền Chi mà bây giờ còn nhớ được mấy câu:

“…Giặc đánh bằng biển người, Tôi xin làm biển lửa,
Nếu có hai cuộc đời, Xin hy sinh lần nữa…”

Không, tôi không muốn chiến tranh tái diễn tí nào trên đất nước mình nữa vì, như một danh tướng Mỹ từng nói “Không ai thù ghét chiến tranh bằng người lính già”. Nhưng, với một quê hương đang đắm chìm trong khổ nạn và nguy cơ mất nước hiển hiện trước mắt sau mấy chục năm dài dưới sự cai trị của “bên thắng cuộc”, lòng dạ người lính già như tôi – và tôi tin cả bạn nữa – sao không khỏi xốn xang.

Bút ký này xin được “phe ta” đón nhận như một góc kỷ niệm của đời lính, nơi đó chúng ta cùng phủi bụi thời gian để gợi lại trong ký ức những khuôn mặt, những mẩu chuyện đã làm nên đời mình. Mong rằng các bạn sẽ tìm thấy vài giây phút lâng lâng khi nhớ về một thời rất dễ thương và cũng thật tội nghiệp của những người “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung” thời đó.

Lời cuối của bài bút ký khá dài này tôi xin được dành cho một chuyện nhỏ và riêng. Đã là bạn, mình cũng cần phơi bày bụng dạ cho nhau, dù đôi khi những điều tôi nghĩ và nói có thể làm phật lòng vài người bạn thân thiết.

Sau ngày “Tháng Tư Gãy Súng”, tôi chưa một lần khoác lại lên người bộ quân phục Hải quân mà tôi một thời yêu thích. Mỗi dịp lễ lạc như Ngày Hoàng Sa và Trường Sa, Lễ Đức Thánh Tổ HQ… nhìn anh em bảnh bao trong bộ Tiểu hay Đại lễ trắng ngời màu hoa biển, lòng tôi bâng khuâng rộn rả với biết bao kỷ niệm. Nhưng đôi khi thấy các bạn diện bộ quân phục ấy chỉ để làm dáng hoặc nhảy nhót, lòng tôi lại dấy lên một chút ngậm ngùi vì bộ quân phục ấy – như những ân tình chiến hữu khác – là hình ảnh mà tôi trang trọng gìn giữ trong tim, là gia tài cuối đời còn lại của một người lính già gãy súng.
Hẹn gặp lại các bạn,

Giác (May 31, 2016)
Viết và tưởng nhớ đến thằng bạn cố tri – LĐ Tống Việt Thuật)
____________________________________________________________________________________

Vùng hoạt động của HĐ2 ZP vì quá dài nên được chia làm 2 Liên Đoàn. LĐ 21 tuần tiễu trục Bắc: từ cửa sông Tam Quan (ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi) xuống đến Vũng Rô (dưới chân Đèo Cả, thuộc tỉnh Phú Yên). Nếu tính theo đường chim bay thì vùng trách nhiệm dài trên 400 cây số mà BCH/LĐ nằm trên bán đảo Hải Minh, ngay chính giữa của đoạn đường nầy. Vì thế, ở phía Bắc, hầu hết PCF chỉ đi đến mũi Deji, nơi đặt Đài Kiểm báo 201 và bên trong là Đầm Nước Ngọt (Fresh Water Bay) có bản doanh của ZD/21, tính ra chỉ mới nửa đường tới cửa sông Tam Quan. Ở phía Nam cũng vậy, các chàng PCF nhà mình chỉ xuống tới cửa Sông Cầu là cùng.
Thật ra thì cũng có lý do khá chánh đáng. Ai cũng biết là dãy Trường Sơn đâm ra biển và chấm dứt tại tỉnh Phú Yên. Do núi đồi cao, trùng điệp nên liên lạc truyền tin khá khó khăn. Trước năm 1970, vùng nầy có 2 Đài Kiểm báo: ĐKB 201 tại Poulo Gambir và ĐKB 202 tại Núi Chop Chai, Tuy Hoà. Nhưng vì Poulo Gambir khá xa bờ, tiếp tế khó khăn nên BTL/V2 đã gom lại chỉ còn ĐKB 201 và đặt tại mũi Deji. Mùa biển động rất ít nơi êm ấm để tránh gió bão nên các bạn ta thường mằm dưới chân Deji, ít dám chui vào Đầm Nước Ngọt vì ở đó có ổ kiến lửa VC. Phía Nam, vùng Echo thì tắp vào Xuân Hải, Bãi Tràm nhưng chui vô Vịnh Sông Cầu là nhất, tối lén vô thị xã vui chơi một chút cũng rất đỡ buồn, nhưng phải tránh ZĐ 23. Tôi đã bị anh em ta “mét” một lần, tởn luôn! Ghiền lắm, hãy ráng lết thêm chừng tiếng đồng hồ xuống TP Tuy Hòa thì tha hồ thoải mái “lồm en”, còn lết tí nữa xuống Vũng Rô thì ấm hơn, chỉ sợ thiếu “nhiên liệu” thôi. Nhìn chung, LĐ 21 không khá bằng anh em LĐ 22, “xa mặt trời nên ít nóng” và có nhiều chỗ vui chơi, thú vị hơn nhiều. LĐ 22 chịu trách nhiệm trục Nam: vùng tuần tiễu trải dài từ bãi biển nổi tiếng thơ mộng Đại Lãnh (cực bắc tỉnh Khánh Hòa – nhìn vô Vịnh Vũng Rô) xuống tận Mũi Kê Gà (phía nam của thành phố Phan Thiết trù phú). Đây là vùng thiên đàng của Hải đội vì từ đầu đến cuối có nhiều nơi đẹp não nùng, nhất là các hòn đảo quanh TP Nha Trang, nơi tập trung nhiều chỗ vui chơi và ẩn nấp kín đáo. Đúng là trời đãi cho LĐ 22.

Khi chương trình ACTOV (Accelerated Turnover To The Vietnamese) bắt đầu đẩy nhanh “Việt Nam hóa chiến tranh” thì về phía Hải Quân, BTL/LLĐN 213 được hình thành tại Cam Ranh. CTF-115 (Coastal Task Force) có nhiệm vụ chuyển giao công việc lần lượt lại cho HQVN đảm trách. Vì thế trong năm 1970, HQ Mỹ bắt đầu chuyển giao các WPB, PCF lại cho LLĐN 213. Trước đây, các cuộc hành quân tuần tiễu trên biển của HQ Hoa Kỳ và HQ Việt Nam được phối hợp chung và đặt tên là Market Time Operation, theo đó, HQVN đảm trách tuần tiễu cận duyên (Inner Barrier) và HQHK đảm trách tuần tiễu viễn duyên (Outer Barrier). “Maeket Time Operation” là tiền thân của Hành quân Lưu động Biển tức Lực lượng Đặc nhiệm Duyên phòng 213 sau này nên Tư lệnh V2 ZH kiêm (213.2) được trực tiếp điều động HĐ2 ZP. (Vị Tư lệnh LLĐN.213 cuối cùng là Phó Đề đốc Nguyễn Hữu Chí và vị Tư lệnh V2 DH kiêm (213.2) cuối cùng là Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh.

Khi mới thành lập, Hải đội 2 Duyên phòng đồn trú tại Quy Nhơn, với lực lượng tuần duyên gồm 8 tuần duyên đỉnh (WPB) và 20 khinh tốc đỉnh (PCF).

HĐ2ZP được chia thành 2 Phân đội (sau nầy đổi tên thành Liên đoàn): PĐ 21 hậu cứ tại Quy Nhơn (bán đảo Hải Minh) gồm 14 PCF; PĐ 22 đóng tại Cam Ranh gồm tất cả 8 WPB (HQ 709, 713, 714, 717, 719, 720, 721, 725) và 6 PCF. Cấp số nhân viên của 1 WPB là 3 Sĩ quan và 8 Đoàn viên. Mỗi PCF là 2 Sĩ quan và 3 Đoàn viên.



No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...