Friday, August 9, 2019

Hải Quân Chiến Binh : Từ Bờ Đến Biển


Tân khoá sinh Phạm Viết Khiết, Đại Đội 19D, Tiểu Đoàn Trương Tấn Bửu
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (năm 1970)

Mẹ tôi dắt thằng con duy nhất di cư vào Nam tìm tự do, như cả triệu người miền Bắc đã trốn tránh gông cùm Cộng Sản, khi đất nước chia đôi năm 1954. Chúng tôi định cư tại quận Bình Đại, tỉnh Bến Tre với gia đình ông ngoại. Như các thiếu niên vô tư khác, tôi chỉ biết đi học và rong chơi hay đá banh cùng chúng bạn, lúc rảnh rỗi bọn tôi nô đùa trên sân vận động quận lỵ và mong được xem những trận túc cầu chung kết, dưới sự chủ toạ của trung úy quận trưởng Quách Thế Tường (sau lên đại tá), tay cầm cây “Can” với 2 mai vàng sáng chói, ngồi oai vệ trên khán đài danh dự. Bậc trung học, hằng ngày tôi đi học ngang qua đại đội Quân Vận, cũng thấy một tiểu đội lính dàn chào, với súng ống và đai nịt gọn gàng. Kèn đồng thổi bài khai quân hiệu, rồi bài chào thượng cấp; trung uý đại đội trưởng xuống xe jeep, tay cầm cây “Can”, mặt nghênh 45 độ, duyệt hàng quân mỗi sáng khi ông đến văn phòng làm việc. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về nghề nghiệp và chức vị trong xã hội. 
Tôi mơ ước, lớn lên sẽ làm “Quan Hai và cầm cây Can”.
Vừa học các chứng chỉ chuyên khoa tại Khoa Học và đi dạy Toán Lý Hóa cho vài trường trung học tại Sàigòn, nhưng tôi không mấy tha thiết với nghề gõ đầu trẻ, cũng không có định hướng về một nghề nghiệp hay chuyên môn nào cả cho tương lai của mình. Mùa Thu năm 1969, Nguyễn Văn Bút (Bút mập, OCS-4), bạn học tại Khoa Học Sàigòn, người đã giới thiệu tôi đi dạy học, rủ tôi đi với hắn đến Trung Tâm Tuyển Mộ Hải Quân. Trên đường đi, hắn ba hoa chích choè, tán gẫu về hình ảnh của một hạm trưởng trí thức, đẹp trai và oai phong chỉ huy một chiến hạm. Sau đó, hắn phán: “Tướng mày làm hạm trưởng là hết xẩy. Mày to con, tướng nhà binh, các em sẽ mê như điếu đổ”. Bút khích tướng và cho tôi uống nước đường. Mũi tôi phồng to như muốn nổ tung. Đang phân vân, Bút bồi thêm: “Mày cứ nộp đơn vào Hải Quân với tao. Khi họ gọi, không đi thì thôi. Ai bắt mày? Mày được miễn dịch vì lý do gia cảnh mà!”. Tôi siêu lòng và điền đơn xin gia nhập khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân.


Khóa 21 có 3 đại đội đi thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung gồm các đại đội 18C, 19D và 20E thuộc tiểu đoàn Trương Tấn Bửu, liên đoàn B, trại Châu Văn Tiếp, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau giai đoạn huấn luyện về căn bản quân sự và cá nhân chiến đấu, toàn bộ đại đội 20E (270 SVSQ) sẽ thụ huấn tại trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và trám chỗ khoá 19 vừa ra trường. Các đại đội 18C và 19D thì một số đi OCS, số còn lại Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) gửi học tại quân trường Bộ Binh Thủ Đức.


Năm tháng khổ cực nơi quân trường Bộ Binh rồi cũng qua mau, ngày ra trường sắp đến, các bạn sinh viên sĩ quan Bộ Binh đi hành quân chiến dịch và chuẩn bị ra trường. BTL/HQ đón chúng tôi về, nên không có cơ hội ở lại tiếp thân nhân và bạn bè trong ngày vui mãn khóa, và vinh dự “quỳ xuống Sinh Viên Sĩ Quan… Đứng dậy Tân Sĩ Quan”, cùng bắn tên khắp 4 phương trời, tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ của người trai thời chinh chiến, như các bạn đồng khóa. Xe GMC Hải Quân thả chúng tôi xuống trại Bạch Đằng II, tôi vẫn mang quân phục tác chiến Bộ Binh và Alfa Thủ Đức, đầu đội mũ nồi đen với huy hiệu “Cư An Tư Nguy”; lủi thủi theo bạn bè đi mua cặp lon Thích Phú vàng chói, có “sợi chỉ trinh” còn nguyên vẹn. Bạn nào có vợ hoặc tình nhân, nhờ em gắn lon dùm, còn tôi tự gắn lên cầu vai và cười thầm: “Sẽ có ngày mình cũng lên Quan Hai và cầm Can…Oai lắm! Nên chẳng ai dám gắn lon cho mình, kể cả Tổng Thống… Hehehe”
Ngày mãn Khoá Thủ Đức, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa.

Ngày 20 tháng 8 năm 1970, chúng tôi tập họp tại Câu Lạc Bộ Nổi để chọn đơn vị. Một lần nữa, BTL/HQ không cho tôi và 10 tân sĩ quan khác được chọn đơn vị theo thứ tự cao thấp khi tốt nghiệp, mà tôi bị chỉ định đơn vị theo nhu cầu (tử vi của tôi có sao Lưu Đày chiếu mạng). Những ai có bằng cấp Luật Khoa, Văn Khoa và Khoa Học phải tân đáo các Trung Tâm Huấn Luyện Sàigòn, Cam Ranh và Nha Trang. Nguyễn Kim Sa, Bùi Thọ Xung và tôi phải ra Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang (TTHLHQ/NT). Tôi được chỉ định làm phụ tá hiệu trưởng trường Chuyên Nghiệp Hải Quân, Hải Quân Thiếu Tá Trương Văn Đăng (K.11). Chạy đàng trời cũng không khỏi nắng, tôi không biết làm sao tránh được nghề dạy học. Cũng may, phòng Tổng Quản Trị gọi tôi về học khóa Communications Officer do Hải Quân Mỹ huấn luyện.


Mãn khóa truyền tin, tôi thuyên chuyển về Duyên Đoàn 28 (ZD 28) tại Phan Thiết, gặp đông đủ các sĩ quan gốc Chiến Binh, Nha Trang và OCS. Quân trường Thủ Đức đã đào tạo tôi thành trung đội trưởng bộ binh, với những thao dượt hành quân cấp trung đội và đại đội: tấn công, phòng thủ, độn thổ phục kích, dạ hành, vượt sông và nhị thức Bộ Binh Thiết Giáp (Tùng Thiết). Các đội hình hành quân: hàng dọc, hàng ngang và quả trám. Những bài học về địa hình: vòng cao độ, các loại đồi yên ngựa, đồi trọc, đường thông thủy và xác định điểm đứng bằng phương giác từ. Học về lệnh hành quân và tham mưu cấp tiểu đoàn, v.v… Với những kiến thức Bộ Binh này, tôi sẽ làm được gì cho quân chủng Hải Quân?


Duyên đoàn có vài ba máy AN/PRC-25 và một máy AN/VRC-46, chỉ có bấy nhiêu máy thì cần gì đến một sĩ quan truyền tin như tôi, hạ sĩ quan và thủy thủ vô tuyến giải mã công điện được rồi. Tới phiên làm sĩ quan tuần tiễu, tôi hướng dẫn 4 chiếc ghe Yabuta (ghe Thiên Nga) đi tuần dọc theo bờ biển của Mật khu Lê Hồng Phong, từ Mũi Né đến Phan Rí Cửa hay tuần tiễu Mật khu Rừng Lá, từ cửa sông Mường Mán (Cà Ti) - Phan Thiết, đến Mũi Kê Gà. Chúng tôi lái ghe Yabuta như dân “dã cào”, chẳng theo hải trình gì cả, cứ nhắm song song bờ biển mà chạy. Trên ghe Yabuta đâu có dụng cụ hải hành, nên dù tôi có hải nghiệp cũng thế thôi, chẳng làm được gì hơn. Không có hải hành tập đội, vận chuyển chiến thuật, nhiệm sở phòng tai, nhiệm sở vận chuyển, nhiệm sở tiếp tế hay nhiệm sở tác chiến gì cả. Nếu gặp Việt Cộng thì cứ nả đạn vào nó. Các loại súng tại duyên đoàn thì tôi quá quen thuộc, đã bắn mờ người tại trường bộ binh, như: M16, M60, M72, M79, đại liên 30 và 50. Trên ghe Yabuta không có súng cối, tại hậu cứ có 1 cây, nhưng ụ súng cối lại không đúng tiêu chuẩn như trường bộ binh đã dạy tôi. Súng cối phải để trong hố sâu khoảng 1 thước, đường kính khoảng 2 thước, trên miệng hố có đánh những tiêu mốc A, B, C, D, v.v… Rồi phải cân bằng bọt nước và cách đặt tiêu mốc chuẩn bị cho những hỏa tập cận phòng. Nói gì đến xạ biểu, tôi sợ có nhiều người không biết làm sao phân biệt thế nào là đầu đạn khói, đầu đạn trái sáng hay đầu đạn nổ nữa chứ. Một ghe chở dân đụng đá ngầm tại cửa biển Phan Thiết (sông Mường Mán). Chỉ huy trưởng ra lệnh tôi dẫn ghe duyên đoàn đi cứu, trời tối đen như mực, tôi xin duyên đoàn bắn trái sáng cho tôi vớt dân. Một quan vác ngay đạn nổ bắn vào chúng tôi, nước văng tung toé mà cửa biển vẫn tối thui. Rất may, không ai chết!


Về duyên đoàn được vài tháng, chỉ huy trưởng chỉ định tôi đi lãnh Duyên Kích Đỉnh 3207, “Ferro-ciment” đầu tiên cho đơn vị. Chúng tôi về Hải Quân Công Xưởng chơi cả tháng, chờ họ ráp radar, la bàn và thử máy đường trường như các chiến hạm mỗi khi sửa chữa tiểu kỳ hay đại kỳ vậy. Trên đường về Phan Thiết, chúng tôi cập cầu Vùng III Duyên Hải, nghỉ qua đêm. Các anh em hải quân ra xem rất đông. Lạ quá! Tàu bằng ciment, có người còn đến rờ vào thành tàu nữa chứ. Tôi lại rất sợ, tàu ciment mà đụng đá ngầm thì chìm rất nhanh, vì tàu nặng và không nhảy sóng mà còn chúi mũi múc nước vào là khác. Tàu cũng có cửa kín nước để che hầm máy, nhưng chỉ là nấp che bằng gỗ, nước tràn vào dễ dàng. Mặc dù có radar và la bàn, nhưng duyên kích đỉnh cũng chẳng có dụng cụ làm “point”. Được cung cấp hải đồ, tôi vẽ hải trình để chạy theo la bàn và radar. Nếu có một la bàn tay của bộ binh, tôi sẽ định vị trí con tàu một cách dễ dàng và chính xác hơn. Tàu đi cận duyên, định vị trí cũng giống như bộ binh xác định điểm đứng thôi. Từ ngoài biển dễ nhận ra các đỉnh núi, các mũi hay hòn đảo. Trong khu rừng trùng điệp, khó khăn nhận định các đường đỉnh, đường thông thủy, các vòng cao độ, các loại đồi yên ngựa, đồi trọc, các khe suối và các độ cao của từng đỉnh núi. Những yếu tố trên cộng với việc sử dụng phương giác từ thì có thể xác định được điểm đứng. Ngoài ra, còn phải biết phân loại rừng số 1 (rừng già) và rừng số 2 (dương xỉ, ô-rô). Đi biển lạc dưới 12 hải lý cũng không sợ lắm, vì ống nhòm có thể nhìn xa đến 12 hải lý cơ mà. Đi biển lại không phải tránh chướng ngại vật như sông ngòi, núi rừng hay hầm hố. Bộ Binh mà lạc vài trăm thước là lọt ổ phục kích, vào phòng tuyến địch hay ăn đạn Pháo Binh và “bomb” của Không Quân như chơi.


Tôi phục vụ duyên đoàn gần một năm, Hải Quân Thiếu Tá Võ Công Mạnh (K.13) thuyên chuyển từ Căn Cứ Hải Quân Cam Ranh về làm chỉ huy trưởng. Thiếu tá Mạnh để ý nhiều đến việc phòng thủ đơn vị, ông gọi tôi vào hỏi: “Anh nghĩ gì về phòng thủ của duyên đoàn?”. Tôi trả lời: “Thiếu tá cho tôi vài tên đặc công, tôi có thể phát nát đơn vị này”. Tôi nói như vậy, vì hậu cứ duyên đoàn là 1 trong 3 villa của Tây để lại, nằm sát cạnh nhau tại bãi biển Thương Chánh, Phan Thiết. Ba villa được sử dụng cho duyên đoàn 28, ty Khí Tượng và ty Quan Thuế. Vị trí khá đẹp cho tư gia hay cơ quan hành chánh, nhưng không thích hợp với một cơ quan quân sự, vì rất khó phòng thủ.


1- Mặt Bắc: cổng chính của duyên đoàn rộng thênh thang, 2 xe GMC đi lọt, từ cổng vào tới văn phòng duyên đoàn chỉ cách 20 thước, không hàng rào cản. Chúng tôi ngáp ngủ, dân đi ngoài đường hay nhân viên của ty Khí Tượng đối diện bên kia cũng thấy. Ty Quan Thuế lại nằm lọt trong khu doanh trại, giữa văn phòng của duyên đoàn và khu sĩ quan độc thân, chỉ cách biệt một hàng rào kẽm gai thưa thớt, mà người ta có thể chui lọt. Tôi đề nghị: đơn vị nên bịt kín cổng chính lại, vì cơ quan quân sự phải an toàn và bí mật. Rồi mở cửa hông nhỏ hẹp hơn, dùng ngựa cản, cùng tăng cường giây kẽm gai giữa duyên đoàn và ty Quan Thuế.


2-Mặt Đông: giáp biển, dễ phòng thủ vì có xạ


trường. Tôi đề nghị: đặt 2 vọng gác với đại liên có thể tác xạ cánh quạt, bao vùng theo kiểu đan lưới, yểm trợ lẫn nhau, vì xạ trường rất tốt.


3-Mặt Nam: giáp bờ sông Mường Mán, ghe dân 


đậu sát hàng rào phòng thủ. Tôi đề nghị: dùng đại liên, lựu đạn và M79, vì xạ trường rất giới hạn. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ đưa cầu tàu của duyên đoàn về đây, vừa gần hậu cứ, lại còn là lực lượng phòng thủ mặt Nam rất hữu hiệu (cầu tàu của duyên đoàn 28 cách xa hậu cứ hơn 1km, cạnh công viên của tỉnh Bình Thuận)


4-Mặt Tây: nhà dân quá sát hàng rào phòng thủ.


Tôi đề nghị: tăng cường tối đa lựu đạn và M79 vì không có xạ trường, chỉ có thể đánh theo kiểu đặc công.


Vị trí hậu cứ của duyên đoàn 28 được chọn lựa không hợp lý cho một cơ quan quân sự, sát với cư dân nên khó phòng thủ, đề nghị của tôi chỉ là những vá víu cho phù hợp với hoàn cảnh địa dư mà thôi. Thiếu tá Mạnh gật gù: “Hải Quân cho anh đi học Bộ Binh cũng không uổng”. Các bạn cùng khóa phục vụ tại giang đoàn sẽ có dịp thi thố chiến thuật bộ binh nhiều hơn tôi, vì họ thường đi hành quân hỗn hợp Hải Quân và Bộ Binh. Trong cuốn Hải Sử, đọc bài “U Minh Hung Hiểm” của Nguyễn Đình Sài hay “Liên Đoàn 5 Tuần Thám” của Nguyễn Văn Ơn, hai tác giả có đề cập đến “Chiến Thuật Tiệm Tiến khi bị tấn công”. Đây là chiến thuật phản phục kích mà chúng tôi đã học tại quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Huấn luyện viên chiến thuật dạy rằng: “Khi bị phục kích, phải dùng hỏa lực tối đa áp đảo tinh thần và xung phong thẳng vào địch quân, để tìm con đường sống. Nằm xuống hay chạy là làm bia cho địch bắn”. Khi giang đoàn bị phục kích, dùng “chiến thuật tiệm tiến” và ủi bãi vào bờ sông lại còn có ưu thế ẩn núp nữa. Đó là chiến thuật căn bản bộ binh, mà ai xuất thân từ Thủ Đức hay Võ Bị Đà Lạt đều phải thực tập. Nếu được phục vụ tại các đơn vị xung kích như: Biệt Hải hay Người Nhái, chúng tôi sẽ có nhiều dịp áp dụng các bài thực tập hành quân tuần tiễu, đột kích, thám kích, phục kích và tấn công hơn. Tôi rất mến mộ thiếu tá Mạnh và ông cũng biết sử dụng tài mọn “Chiến Binh” của tôi, nhưng duyên đến quá muộn màng vì tôi phải giã từ ông lên đường về trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang thụ huấn hải nghiệp.


Đầu năm 1972, chúng tôi lại lũ lượt kéo nhau về quân trường Nha Trang.
Lễ mãn khoá Khoá I Đặc Biệt Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang (năm 1972)

Những năm tháng chiến đấu trên các sông ngòi hung hiểm đã biến các con “Nòng Nọc” thuở xưa thành “Cóc Tía”. Dày dạn phong sương và ngang tàng, chứ không ngơ ngáo như những ngày đầu tạm trú Bạch Đằng II. Kiểm điểm lại, chúng tôi đã mất đi một số bạn bè, họ đã chiến đấu dưới màu cờ sắc áo của quân chủng và đã bỏ mình vì tổ quốc, mà không được thụ huấn hải nghiệp như lòng họ mong ước khi nhập ngũ. Bộ chỉ huy quân trường Nha Trang thông cảm hoàn cảnh éo le của “đám con dại” hay tại khóa này có Trần Minh Chánh, con trai trưởng của Tư Lệnh theo học, mà chúng tôi rất dễ thở. Thật ra, Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Dinh (K.13), tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Sĩ Quan Đặc Biệt, từng chiến đấu nhiều năm tại giang đoàn và bị trọng thương trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Bình Dương, đã áp dụng một nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy rất khôn khéo, khi ông phải đương đầu với cả một tiểu đoàn sĩ quan, xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt, Thủ Đức và Giang Cảnh, đã tác chiến nhiều năm tại các đơn vị đầy nguy hiểm như Người Nhái, Biệt Hải, Điện Thám, Duyên Đoàn hay các Giang Đoàn tác chiến như:Thủy Bộ, Ngăn Chận, Xung Phong, Tuần Thám,Trục Lôi, Hộ Tống, v.v…
Tôi muốn trở thành sĩ quan hải quân ngành chỉ huy và có thể phục vụ hữu hiệu tại hạm đội, nên tôi cần phải học hỏi và thăng tiến nhiều về: Chỉ Huy - Tham Mưu - Hải Hành - Vận Chuyển. Vì vậy, sau khi thụ huấn hải nghiệp, tôi xin xuống Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư - HQ 4, mới lãnh về từ đảo Guam, vừa oanh liệt bắn chìm chiếc tàu mang số 645 của Bắc Việt giữa vùng biển Phú Quốc và đảo Thổ Châu, với hy vọng có nhiều cơ hội thực tập về hải hành.


Trên tờ Lướt Sóng, Hải Quân Đại Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh, cựu Tư Lệnh Vùng III Sông Ngòi, đã viết về kỷ niệm đi lãnh Dương Vận Hạm đầu tiên - HQ 500, lúc còn mang cấp bậc đại úy: “BTL/HQ đã chỉ định trung úy Nguyễn Ngọc Rắc làm sĩ quan hải hành và trung úy Đặng Trần Du làm sĩ quan nội vụ. Nhưng hạm trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh đã hoán chuyển nhiêm vụ giữa hai trung úy này”. Tôi thích thú với câu chuyện trên, vì Hải Quân Đại Tá Đặng Trần Du là thầy dạy tôi khi theo học khóa Tham Mưu Trung Cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Sàigòn, ông uyên bác và hiền từ như Đức Phật, khó mà đóng trọn vẹn vai Ông Kẹ Nội Vụ được. Hải Quân Đại Tá Nguyễn Ngọc Rắc là hạm trưởng lúc tôi tân đáo HQ 4. Chúng tôi thường thì thầm với nhau là hạm trưởng Nguyễn Ngọc Rắc-Rối, tướng ông uy nghiêm, đủ biết đại tá Quỳnh đã chọn lựa đúng người làm sĩ quan nội vụ như thế nào. Oái ăm thay! Khi tôi trình diện đại tá Rắc, ông lại chỉ định tôi làm sĩ quan nội vụ. Đại tá Rắc thấy tôi to con, da ngăm đen và có thể đóng trọn vẹn vai Ông Kẹ, nên muốn “truyền chức” cho tôi chăng? Như vậy, tôi chính là sĩ quan nội vụ “chân truyền” của đại tá Quỳnh (nói theo kiểu kiếm hiệp). Tôi vui vẻ nhận nhiệm vụ này, vì trên chiến hạm, ngoài hạm trưởng và hạm phó, sĩ quan nội vụ là người có uy với nhân viên, là cơ hội để tôi thực tập chỉ huy. Tôi đóng vai Ông Kẹ cũng không đến nỗi tệ nên phải làm sĩ quan nội vụ suốt thời gian ở HQ 4, qua 3 đời hạm trưởng: Hải Quân Đại Tá Nguyễn Ngọc Rắc (K.7), Hải Quân Trung Tá Nguyễn Quang Tộ (K.6) và Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San (K.11). Thậm chí, khi về phòng Phân Tích Hệ Thống và Quản Trị Chương Trình - BTL/HQ (PTHT/QTCT/BTL/HQ), ngoài chức vụ chính là sĩ quan thống kê, tôi phải kiêm nhiệm thêm sĩ quan nội vụ. Đừng nói đến nhân viên, ngay cả đám sĩ quan chúng tôi cũng sợ hạm trưởng Nguyễn Ngọc Rắc, có lần ông khuyến khích tôi: “Muốn trở thành cấp chỉ huy giỏi, anh nên làm sĩ quan nội vụ”.

Tôi không sai lầm khi xin xuống HQ 4, vì chiến hạm có một đội ngũ nhân viên cơ hữu rất hùng hậu và gương mẫu. Các sĩ quan trưởng phiên đều thâm niên và kinh nghiệm, đã từng làm hạm trưởng hay giang đoàn trưởng trước khi đi lãnh tàu. Hàng hạ sĩ quan giỏi về chuyên nghiệp, nhân viên rất kỷ luật và thuần thục (sĩ quan nội vụ khoẻ re). HQ 4 là chiến hạm lớn, một trong hai khu trục hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, hải quy và truyền thống hải quân được áp dụng triệt để và nghiêm chỉnh. Chiến hạm có khu sĩ quan riêng biệt gồm: phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ. Tôi chịu trách nhiệm về quân phong quân kỷ trên chiến hạm, nên bất cứ lúc nào cũng mặc quân phục chỉnh tề như sắp có thanh tra đi bờ tại quân trường, chỉ trừ khi tôi đi ngủ. Quần áo thẳng nếp, “bút nịt” không bao giờ hở “lỗ bơm” và điều chỉnh ngay ngắn không được ló ra ngoài mép “zipper”, cột giây giầy đúng kiểu sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Tôi chưa hề bắt gặp nhân viên bỏ áo ngoài quần hay đi dép trong giờ làm việc, ngay cả khi chiến hạm đi tuần dương. Phụ tá cho tôi là Hải Quân Trung Úy Trần Văn Minh (K.25, Võ Bị Đà Lạt), cũng rất chỉnh tề và gương mẫu. Tôi thâm niên hơn trung úy Minh 1 năm, nhưng chưa bao giờ trung úy Minh gọi xách mé, luôn luôn xưng hô theo cấp bậc. Trung úy Minh có bằng Nhảy Dù và đai đen Thái Cực Đạo, về sau làm tùy viên cho Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Hạm Đội. Trách nhiệm của sĩ quan nội vụ phải phân chia ca (quart) trực và các nhiệm sở: vận chuyển, phòng tai, tiếp tế và tác chiến. Vì vậy, tôi phải học hỏi về phần vụ các nhiệm sở, biết rõ khả năng chuyên nghiệp của từng nhân viên, nắm vững quân số và tìm người thay thế khi họ vắng mặt. Đáo nhậm HQ 4 vào Mùa Hè Đỏ Lửa, lúc chiến trường sôi động nhất, chiến hạm ban hành nhiệm sở tác chiến như cơm bữa. Nhiều ngày chiến hạm bắn suốt đêm, yểm trợ hải pháo cho 2 mặt trận Sa Huỳnh và Cửa Việt. HQ 4 còn được biệt phái đi chung với hạm đội Mỹ, phong tỏa vịnh Bắc Việt. Chúng tôi tuần tiễu từ Hải Phòng đến đảo Hải Nam và có cơ hội thực tập nhiệm sở tiếp tế ngoài khơi với chiến hạm Mỹ. Tôi thích thú lấy ống nhòm nhìn vào vịnh Hải Phòng, vì gần 20 năm về trước, tôi mặc quần thủng đáy, xuống “tàu há mồm” di cư vào Nam tìm tự do cũng tại chính hải cảng này. Chiến hạm lúc đó có khá nhiều sĩ quan: đại tá hạm trưởng (K.7), thiếu tá hạm phó (K.11), 1 thiếu tá trưởng phiên (K.12, cựu hạm trưởng), 1 đại úy trưởng phiên (K.13, cựu hạm trưởng), 2 đại úy khóa 14 (1 cơ khí trưởng, 1 phụ tá), 1 đại úy trưởng phiên (K.15, cựu giang đoàn trưởng), 1 đại úy khóa 16, 1 trung úy khóa 18, 2 trung úy khóa 19, 2 trung úy khóa 6/69, 1 trung úy khóa 1/70, 2 trung úy khóa 20, 1 trung úy khóa 25 Võ Bị Đà Lạt, 2 thiếu úy khóa 22 và 2 thiếu úy khóa 23. Dù đông đảo sĩ quan như vậy, nhưng HQ 4 luôn luôn hải hành với 3 ca (quart), tôi đi ca với Hải Quân Đại Úy Lâm Khả Thanh (K.15), ông là cựu giang đoàn trưởng Ngăn Chận, thích uống café đậm và hút thuốc lá liên miên. Sau này đại úy Thanh làm hạm trưởng Tuần Duyên Hạm (PGM), ông thường rủ tôi đi chơi khi tàu nghỉ bến, vì chúng tôi rất hợp “gu” với nhau. Giám lộ phải bắt “tốp” để điều chỉnh đồng hồ mỗi ngày, hạm trưởng Rắc ra lệnh làm “point” thiên văn vào lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn, vì Commandant Rắc muốn chúng tôi thuần thục và đừng quên thiên văn. Phụ tá đại úy Thanh ít lâu, tôi được chỉ định xuống làm trưởng phiên Trung Tâm Chiến Báo (CIC), điều khiển nhân viên thám xuất giải toán vận chuyển chiến thuật, tính toán hướng đi của các “echo” và dự tính khoảng cách gần nhất của chiến hạm với các “echo” ấy, rồi báo cáo lên sĩ quan trưởng phiên đài chỉ huy. HQ 4 có radar khá mạnh, bán kính bao vùng lên tới 32 hải lý, đôi lúc chúng tôi phải thay thế Đài Kiểm Báo khi radar của họ bất khiển dụng.

Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư - HQ 4 là USS Forster - DER 334
Destroyer Escort - Radar Picket của Hải Quân Hoa Kỳ

Tuần dương lâu ngày nên rất buồn, đa số các sĩ quan giải trí bằng cách chơi “domino”. Tôi sưu tầm các bài toán vận chuyển chiến thuật rắc rối, nhiều khi phải vẽ thêm các “vector” rồi dùng các định đề toán học mà chứng minh như giải toán hình học. Tôi mang ra đố nhân viên thám xuất, ai giải được tôi sẽ bao chầu ăn sáng khi tàu nghỉ bến. Vừa giải trí lành mạnh lại được nhân viên thám xuất nể trọng. Khi các sĩ quan trưởng phiên thâm niên thuyên chuyển đi làm hạm trưởng, tôi được chỉ định thay thế. Trục tuần tiễu của chiến hạm tuần dương thường xa đất liền và chúng tôi có dịp đặt chân lên nhiều hòn đảo xa xôi của Việt Nam như: Hoàng Sa, Trường Sa, Cù Lao Thu, Cù Lao Ré, quần đảo Côn Sơn, v.v… Không một hòn đảo nào mà không có bước chân chúng tôi. Thời hạm trưởng Nguyễn Quang Tộ, tôi dẫn một toán gồm 6 nhân viên lên 1 hòn trong quần đảo Trường Sa để xây bia chủ quyền: “Republic of Vietnam” và dựng cột cờ vàng 3 sọc đỏ tại đây. Vài ngày sau chúng tôi quay trở lại xem bia chủ quyền đã khô chưa, Đài Loan hạ cờ của mình xuống, chơi “1 bãi” rồi kéo cờ của họ lên. Tôi ra lệnh kéo cờ Đài Loan xuống và cho lại “6 bãi” để trả thù. Làm trưởng phiên trên HQ 4 khoảng một năm, khả năng hải hành của tôi đã vững vàng, tôi lại ao ước được vận chuyển cập cầu và tách bến. HQ 4 là chiến hạm lớn, ngay cả hạm phó cũng chưa được cập cầu, nhằm nhò gì đến các sĩ quan trưởng phiên như tôi. Tôi bắt đầu thực tập vận chuyển “hàm thụ” mỗi khi cập cầu hay tách bến. Tôi cũng quan sát tình trạng tại cầu tàu, gió, nước và bắt đầu vận chuyển “hàm thụ”, rồi so sánh với cách cập cầu của hạm trưởng, nếu thấy khác thì tôi tìm hiểu xem tại sao hạm trưởng lại cập cầu như vậy. Mỗi lần tàu nghỉ bến, tôi thấy các hạm phó Tuần Duyên Hạm (PGM) cập cầu như “để”. Tôi phát thèm và quyết định xin thuyên chuyển xuống PGM để được vận chuyển “thực thụ” chứ không phải “hàm thụ” nữa. Bạn bè trên HQ 4 ai cũng bảo tôi điên, đang làm trưởng phiên trên khu trục hạm mà lại xin xuống PGM làm chi? Hạm trưởng Vũ Hữu San cũng không muốn tôi đi và phê: “không thuận” vào tờ đơn xin thuyên chuyển. Tôi vẫn quyết tâm xin xuống PGM, vì mục đích trau dồi khả năng hải hành của tôi đã hoàn tất. Bây giờ tôi muốn thực tập về vận chuyển chiến hạm.


Phục vụ trên HQ 4 qua 3 đời hạm trưởng với hơn 20 sĩ quan và quân số chiến hạm khoảng 170 người, chúng tôi đã cùng nhau đồng lao cộng khổ trong 2 mặt trận Cửa Việt và Sa Huỳnh vào Mùa Hè Đỏ Lửa. Tôi quý mến tất cả mọi người với nhiều kỷ niệm vui buồn. Nhưng hôm nay, tôi phải từ giã khu trục hạm Trần Khánh Dư - HQ 4, đúng vào ngày chiến hạm đi đánh trận Hoàng Sa. Trên cầu tàu Đà Nẵng, tôi đứng nghiêm chào hạm trưởng cùng toàn thể nhân viên và tháo giây cho tàu tách bến. Tôi ra phi trường lấy máy bay về trình diện hạm đội, tân đáo Tuần Duyên Hạm Tây Sa - HQ 615 (PGM-80 của Hải Quân Hoa Kỳ), vừa đụng nặng tại Năm Căn, hạm phó bị thương ở đầu và cần người thay thế.

Tuần Duyên Hạm Tây Sa - HQ 615 là USS PGM-80 của Hải Quân Hoa Kỳ

Nhân viên trên HQ 4 gương mẫu bao nhiêu thì nhân viên HQ 615 lại bê bối bấy nhiêu. Tuần duyên hạm là 1 chiến hạm nhỏ, hạm phó làm cả công việc của sĩ quan hải hành và nội vụ nữa. Tôi phải đương đầu với vài nhân viên nghiện ngập xì ke hay ăn cắp vặt và lấy nhớt của chiến hạm đi bán, kiếm tiền đi hút. Tàu nghỉ bến, họ thường trốn trực nhật đi chơi hay về nhà. Tôi trình bày với hạm trưởng và xin được áp dụng kỷ luật để chấn chỉnh tình trạng này. Hạm trưởng chấp thuận, tôi tập họp nhân viên tại sân sau và nói vắn tắt: “Tôi được thuyên chuyển xuống đây làm hạm phó. Tôi có bổn phận của tôi và các anh cũng có bổn phận của các anh. Chúng ta hãy giúp đỡ nhau hoàn thành bổn phận của mình”. Tôi cũng nói về tình trạng ăn cắp vặt, vô kỷ luật trên chiến hạm và tôi quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này. Tuần sau, có người lấy sơn viết lên sàn tàu: “WHEC 20”, vì họ đều biết tôi thuyên chuyển từ khu trục hạm xuống đây. Một hôm tàu nghỉ bến, tôi đang đứng bên thành tàu tán gẫu với sĩ quan trực, một nhân viên vô kỷ luật nhất trên chiến hạm, đang phiên trực mà nhảy xuống cầu tàu, rồi quay lại nói với sĩ quan trực:“Tôi về nhà và ngày mai sẽ trở lại”. Tôi ra lệnh anh quay trở lại tàu và anh đã lấy M16 bắn một tràng xuống sông Sàigòn. Tôi giật súng lại và đá anh ta té xuống sàn tàu, rồi nhốt vào hầm sơn. Anh ta xỉu lên xỉu xuống vì trời quá nóng, mà nằm trong hầm sơn rất khó chịu. Hạm trưởng gọi anh ta lên và dọa sẽ phạt nặng hơn, nhưng tôi xin tha cho anh ấy. Xuống HQ 615 với chủ tâm để được hạm trưởng huấn luyện về vận chuyển và tôi đã nói rõ điều mong ước của mình khi trình diện tân đáo. Vì vậy, chuyến công tác đầu tiên trên HQ 615, tôi phải chứng tỏ khả năng hải hành của mình với hạm trưởng. Tôi lái tàu khi giang hành, ra khỏi Vũng Tàu, tôi cẩn thận làm point trước khi đổi cấp và căn dặn các sĩ quan trưởng phiên gọi tôi 15 phút trước khi đến điểm đổi đường. Hạm trưởng, Hải Quân Thiếu Tá Hoàng Xuân Bái (K.13) đã quan sát tôi suốt chuyến hải hành và thiếu tá Bái đã làm tôi ngạc nhiên khi tàu đến Phú Quốc, ông ra lệnh: “Anh cập cầu”, rồi lên ghế hạm trưởng ngồi quan sát hạm phó làm vận chuyển lần đầu tiên trong đời hải nghiệp. Tôi đã thực tập cập cầu “hàm thụ” rất nhiều lần trên HQ 4 (cả 3 vị hạm trưởng trên HQ 4 đều cập cầu rất giỏi), nên tôi cập cầu không mấy khó khăn. Sau đó, tôi nhận được sự phê bình của hạm trưởng Bái: “Anh ngưng máy hơi sớm, vào mạnh hơn chút nữa. Không bể cầu tàu đâu mà sợ, nếu tàu có móp về Hải Quân Công Xưởng gò ra”. Ngay sau khi cập cầu, hạm trưởng Bái chỉ thị cho tôi: “Lấy dầu xong, anh vận chuyển tàu đi lấy nước”, rồi ông rời chiến hạm lên phòng hành quân Vùng IV Duyên Hải nhận chỉ thị. Tôi phải vận chuyển tàu một mình, không có sự hiện diện của hạm trưởng. Tôi cảm phục hạm trưởng Bái, vì ông chịu chơi và rất thương đàn em. Kỷ luật trên chiến hạm mỗi ngày một khá, nhân viên vui vẻ làm việc và tàu sạch sẽ hơn (tôi xin hạm trưởng không bắt nhân viên gõ sét hàng ngày khi đi tuần duyên. Nhưng khi cần, cả tàu ra gõ sét, kể cả hạm phó, đôi khi hạm trưởng cũng ra gõ sét nữa). Một hôm biển êm, gió lặng, hạm trưởng ra sân sau uống café và tâm sự với tôi: “PGM giao cho trung úy như anh được rồi, thiếu tá như tôi hơi phí”. Nếu xem lịch sử của HQ 615, các hạm trưởng lúc tàu mới lãnh về đều là cấp bậc trung úy cả. Tôi được sự thương mến của thiếu tá Bái và ông đã cho tôi 100 điểm trong kỳ phê bình điểm hàng năm, với ý kiến của hạm trưởng: “Hạm phó có đầy đủ khả năng: hải hành, vận chuyển và chỉ huy thay thế hạm trưởng khi cần”.


Thiếu tá Hoàng Xuân Bái được thuyên chuyển làm hạm trưởng Hoả Vận Hạm và Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Đình Lâm (K.12) thay thế. Một hôm, hạm trưởng Lâm chỉ thị tôi phải vận chuyển tàu rời cầu, cho PGM cập phía trong ra đi công tác, vừa ra giữa sông và định quay vào cập cầu trở lại thì tàu chết máy. Đang lúc nước lên và chảy rất xiết, tôi phải thả trôi và đưa tàu cập cầu Tân Cảng (New Port) bằng giây và với sức đẩy của nước thủy triều. Thật là vất vả và khó khăn khi vận chuyển tàu mà không dùng đến chân vịt. Tôi gọi về phòng hành quân hạm đội, xin nói chuyện với hạm trưởng và mời ông ra Tân Cảng vận chuyển chiến hạm trở về cập cầu H, nhưng thiếu tá Lâm ra lệnh:“Anh cứ mang tàu về”. Nhân viên cơ khí sửa được 1 máy, tôi ì ạch đưa tàu trở lại và cập cầu với 1 chân vịt, vì cập nước ngược nên cũng không khó khăn lắm. Sau đó tuần duyên hạm Tây Sa - HQ 615 vào ụ sửa chữa đại kỳ.


Phục vụ tại hạm đội mà gặp lúc tàu đại kỳ là thiên đàng, vì được ở Sàigòn vài tháng và sinh hoạt như đơn vị bờ, tha hồ rong chơi với bạn bè. Tôi đã có chủ đích tự huấn luyện theo OJT (On-Job-Training) về Hải Hành - Vận Chuyển - Chỉ Huy - Tham Mưu, nên tôi làm đơn xin đi học khóa sĩ quan Tham Mưu Trung Cấp (mặc dù tôi rất tiếc thời gian tàu đang đại kỳ). Tàu nằm ụ trong Hải Quân Công Xưởng, rất an ninh, việc canh gác cũng nhẹ nhàng và hạm trưởng cho nhân viên thay phiên nhau đi phép thăm gia đình. Trong khi chờ đợi được chấp thuận theo học khóa tham mưu thì phòng Phân Tách Hệ Thống và Quản Trị Chương Trình (Operations Research and Management systems) - BTL/HQ gửi công điện: “Cần tuyển dụng sĩ quan, cấp bậc trung úy trở lên, có bằng cấp khoa học và ít nhất 2 năm hải vụ”. Tôi đủ điều kiện theo tinh thần công điện và được hạm trưởng Lâm chấp thuận, phòng Phân Tích Hệ Thống gọi tôi về phỏng vấn (có lẽ là đơn vị duy nhất có phỏng vấn khi xin thuyên chuyển). Người phỏng vấn tôi là Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đình Điều (K.9, trưởng phòng), sau đó tôi còn bị phỏng vấn bởi Hải Quân Thiếu Tá Bùi Tiến Hoàn (K.13, phó trưởng phòng). Đây là phòng khá đặc biệt, không thuộc khối nào mà trực thuộc thẳng Tư Lệnh Hải Quân. Operations Research, phát xuất từ Hải Quân Hoa Kỳ thời Đệ Nhị Thế Chiến, sau này trở thành một ngành học của nhiều đại học dân sự, có cử nhân và cao học về Operations Research. Phòng này tương đối mới mẻ với Hải Quân Việt Nam, trưởng phòng đầu tiên khi mới thành lập là Hải Quân Đại Tá Nguyễn Vân (Khóa 1 Brest, 2 bằng cao học: Điện và Operations Research) và trưởng phòng cuối cùng là Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đình Điều (K.9, cao học Operations Research). Là quân nhân, chúng ta ai cũng quen thuộc với “ra lệnh và thi hành lệnh” theo hệ thống quân giai, vì vậy tôi rất ngạc nhiên nghe trung tá Điều nói: “Khi tôi giao công việc, anh có bổn phận sưu tầm, nghiên cứu, phân tích dữ kiện để tìm ra phương pháp khả thi và hữu hiệu nhất. Nhưng khi tôi và anh bất đồng ý kiến, chúng ta sẽ thảo luận để tìm ra một giải pháp chung”. Tôi hãnh diện được phục vụ tại đây vì công việc nặng về khoa học, có tính cách nghiên cứu, mà cấp trên lại tôn trọng thuộc cấp và nhất là tinh thần dân chủ khi làm việc. Về phòng Phân Tích Hệ Thống chưa được một tháng, BTL/HQ chấp thuận cho tôi học khóa sĩ quan Tham Mưu Trung Cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân - Sàigòn. Mãn khóa, tôi được thuyên chuyển về lại phòng Phân Tích Hệ Thống, trong khi các khóa sinh khác phải phục vụ tại hạm đội, theo lệnh của Đề Đốc Tư Lệnh Lâm Nguơn Tánh (tôi được lên bờ, vì vừa phục vụ liên tiếp 2 chu kỳ tại hạm đội).
Trung tá Điều cho tôi chọn lựa 2 projects sau đây:
1.Dinh Dưỡng
2.Chiến hạm tuần tiễu như thế nào để tiết kiệm nhiên liệu và xác xuất khám phá tàu địch nhiều nhất.

Tôi chọn đề tài 2, vì tôi muốn tìm hiểu và học hỏi thêm về cơ khí và radar. Là sĩ quan hải quân ngành chỉ huy, tôi rất yếu kém về cơ khí và đã bị một hạ sĩ quan Cơ Khí qua mặt khi tôi phục vụ trên HQ 615. Một hôm, tàu cập bên tả hạm tại cầu tàu của Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận An Thới, mũi tàu hướng vào đất liền, trong bờ có rất nhiều đá cho khỏi bị soi mòn bởi sóng biển, tôi phải vận chuyển tàu rời cầu và ra lệnh: “Tháo hết giây, tả lùi một”, nhưng anh cơ khí cho 2 máy tiến full với hy vọng cho tàu đâm đầu vào bờ đá. Khoảng cách từ tàu vào bờ rất ngắn, tôi chỉ còn một giải pháp duy nhất là lấy hết tay lái bên mặt đưa mũi tàu ra khơi, rất may mắn, lái tàu sát ghềnh đá nhưng chân vịt không chém đá. Tôi lái tàu ra khơi và cho thả neo để sửa chữa, vì tôi nghĩ rằng hầm máy bị trục trặc. Neo vừa cắn, anh ta lại cho 2 máy tiến full, tàu chạy quanh mỏ neo vẽ 1 vòng tròn, giây neo cuốn chân vịt và máy ngưng. Tôi gọi về phòng hành quân Vùng IV Duyên Hải, báo cáo hạm trưởng và xin người Nhái ra tàu gỡ giây neo cuốn chân vịt. Đêm hôm trước, khoảng 1 giờ sáng tôi lên boong tàu và bắt gặp anh cơ khí mang 1 “can” nhớt định đi bán, bị tôi la mắng, nên anh ta muốn cho tôi thân bại danh liệt chăng? Sau đó, hạm trưởng cho anh ta lên an ninh quân đội và thuyên chuyển khỏi tàu. Đọc cuốn sách “Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine” (nguyên tác: The Caine Mutiny của Herman Wouk, do Đệ Nhất Song Ngư dịch thuật và xuất bản), tôi không nghĩ các hạm trưởng trên chiếc Trục Lôi Hạm Caine là “mát”, khi bắt các sĩ quan tân đáo chiến hạm phải viết “report” về máy móc cùng các hoạ đồ phòng ốc trên tàu, mà theo tôi rất cần thiết cho một sĩ quan mới xuống chiến hạm. Nếu chiến hạm bị tai nạn, bị thủy lôi hoặc bị cháy, còn biết đường mà chạy. Lúc tân đáo HQ 4, tôi thường hay đi lạc, cả tuần sau mới quen. Nếu rành rẽ về nguyên tắc cơ khí sẽ không bị nhân viên qua mặt, như tôi đã bị trên HQ 615. Với project này, chúng tôi phải sang Hải Quân Công Xưởng sưu tầm tài liệu về các loại máy của chiến hạm, sự liên hệ giữa vận tốc và nhiên liệu. Chúng tôi cũng phải tìm hiều các loại radar, bán kính bao vùng của đài kiểm báo và các chiến hạm. Những dữ kiện này, giúp chúng tôi xác định các trục tuần tiễu, chiến hạm chạy vận tốc nào sẽ ít tốn kém nhiên liệu và xác xuất khám phá tàu địch nhiều nhất. Nhiều khi chúng tôi phải viết thảo chương điện toán bằng ngôn ngữ Fortran, rồi đưa sang Trung Tâm Điện Toán nhờ họ “chạy” dùm. Nhiều lúc nhớ tàu, tôi ghé lại thăm chiến hạm cũ và dự tính sẽ xin trở lại hạm đội, vì tôi muốn phục vụ tại hải đội Chuyển Vận, trên các Dương Vận Hạm (LST) để học hỏi thêm về ủi bãi. Một lần về thăm HQ 615, tôi gặp hạm trưởng mới là Hải Quân Thiếu Tá Phạm Văn Diên (K.14), trước kia là sĩ quan hải hành và cũng là sĩ quan trưởng phiên trên HQ 4, người đã rủ tôi học thi bằng Cận Duyên Thuyền Trưởng tại trường Hàng Hải Thương Thuyền. Thiếu tá Diên đã trách tôi tại sao xin thuyên chuyển đi nơi khác, mà không ở lại HQ 615 làm hạm phó cho ông.


Tôi may mắn hơn các bạn bè phục vụ tại các quân binh chủng khác, vì quân chủng Hải Quân luôn tạo cơ hội cho tôi học hỏi, ngay cả khi tôi phục vụ đơn vị nào nhàm chán, không thích, cũng dễ dàng cho tôi xin thuyên chuyển. Khi gia nhập hải quân, tôi nghĩ mình xui xẻo, vì không được học hải nghiệp ngay. Nhưng nghĩ lại, khóa tôi rất hên vì từ ngày nhập ngũ cho đến khi xong hải nghiệp là 3 năm, đã được huấn luyện và thực tập (OJT) đầy đủ cả về Bộ Binh lẫn Hải Quân, để có thể phục vụ hữu hiệu từ bờ đến biển. Nếu so sánh với các khóa OCS hay các khóa Nha Trang thường niên, chỉ được huấn luyện thuần túy về hải nghiệp mà thôi. Ra trường bộ binh, chúng tôi đồng loạt về các đơn vị bờ: giang đoàn, duyên đoàn, người nhái hay biệt hải. Học xong hải nghiệp, chúng tôi cũng đồng loạt đi các đơn vị biển: hạm đội hoặc hải đội. Vì vậy, các sĩ quan của khóa Lưu Đày đều có hải vụ, tính cho đến ngày “đứt phim”, 30/04/1975. Quân đội Hoa Kỳ đã đào tạo ra các sĩ quan đa năng như: tốt nghiệp học viện Hải Quân Hoa Kỳ tại Annapolis, Maryland, họ có thể phục vụ Hải Quân hay Thủy Quân Lục Chiến. Sĩ quan tốt nghiệp Võ Bị West Point cũng có thể phục vụ Hải Quân hay Bộ Binh. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng đào tạo các sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt từ khóa 25 trở về sau, có thể đi Bộ Binh hay Hải Quân. 


Tôi hân hạnh quen biết Hải Quân Đại Tá Bùi Hữu Thư, Tham Mưu Phó Quân Huấn, cha đẻ của các chương trình huấn luyện sĩ quan Hải Quân tại Thủ Đức và OCS, một lần vui miệng, tôi than với đại tá: “Tại sao em tình nguyện vào Hải Quân, mà anh lại đày em đi học quân trường Bộ Binh Thủ Đức?”. Đại tá Thư mỉm cười và trả lời: “Hải Quân cho cậu đi học cả 2 quân trường. Còn gì nữa?”. Tôi cười trừ, vì đại tá Thư nói rất đúng.

Hải Quân Việt Nam có những đặc thù và khác biệt với Hải Quân Thế Giới, vì Việt Nam có một bờ biển dài 2500km và một hệ thống sông ngòi chằng chịt. Trong quân chủng Hải Quân, trước sau gì chúng tôi cũng phải phục vụ ngoài biển cả bao la hay trên sông ngòi hung hiểm và “Chúng tôi là những sĩ quan xuất thân từ các khóa Lưu Đày, đã được quân chủng Hải Quân huấn luyện đầy đủ và đa năng, để có thể phục vụ hữu hiệu trên mọi chiến trường, từ Bờ đến Biển”.

Bây giờ, tôi đã 60 tuổi đời, tóc đã muối tiêu và râu đã bạc. Thế mà, tôi mới chỉ thực hiện được một nửa giấc mơ của thời niên thiếu. Tôi đã lên tới “Quan Hai Tàu Thủy”, nhưng vẫn chưa được cầm “Can” chỉ huy! Chờ kiếp 
 
 Phạm Viết Khiết
(Khóa 1/70 - Trung Đội 111 - Đại Đội 11 - Tiểu Đoàn 1)
Tài Nguyên Khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân
Quân Trường Thụ Huấn
Khóa 1/70 - Communications Officer, U.S. Navy - Khóa 1 ĐB/NT - Tham Mưu Trung Cấp
Đơn Vị Phục Vụ
TTHLHQ/NT - Duyên Đoàn 28 - HQ 4 - HQ 615 - Phòng PTHT/QTCT/BTL/HQ


No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...