BEN NGO/BBC VIETNAMESE - Bóng tàu USS Ronald Reagan qua khung cửa sổ của tàu chuyên chở trong ngày mưa dầm
Phóng viên BBC Tiếng Việt ghi vội kinh nghiệm "hiếm có" khi đặt chân lên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan neo đậu ở cảng tại Manila, Philippines, hôm 7/8.
Chiến hạm của Mỹ ghé thăm cảng ở Philippines sau khi tàu này cùng một số tàu tuần dương của Hoa Kỳ tiến vào Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng tại Bãi Tư Chính vẫn đang tiếp diễn.
LE DO/BBC VIETNAMESE Phóng viên Ben Ngô tại quầy bán đồ lưu niệm trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Chiến hạm này được đặt theo tên của vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 40. Vào buổi lễ hạ thủy năm 2001, đây là tàu chiến đầu tiên được đặt theo tên của một vị cựu tổng thống Mỹ vẫn còn sống ở thời điểm đó.
Khẩu hiệu của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan là "hòa bình thông qua sức mạnh", một thông điệp nhiều ý nghĩa trong bối cảnh người dân Việt đang ngóng đợi các tin tức mới nhất về Bãi Tư Chính cũng như các diễn biến khác tại Biển Đông.
Thủy thủ đoàn trên tàu chiến này được ghi nhận lên đến 5.000 người, trong đó có khoảng 300 người là người Mỹ gốc Phi.
Phải chăng với đa số người Việt, hình ảnh và sự hiện diện của một chiếc tàu chiến Mỹ dễ đem lại sự tin tưởng và an tâm vì sứ mệnh của họ là "giúp mang lại an ninh và ổn định trong khu vực".
Với một người Việt, ngay cả trong giới làm báo, quả là không dễ có cơ hội được đặt chân lên một tàu chiến của Mỹ, nhất là USS Ronald Reagan (CVN-76), chiếc hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, chở theo hơn 70 chiếc tiêm kích F/A-18, trực thăng và máy bay do thám.
Vào cuối ngày 6/8, khi yêu cầu tháp tùng phái đoàn báo chí lên thăm tàu được chấp thuận, tôi và một đồng nghiệp lập tức lấy chuyến bay cuối cùng trong ngày đến Manila.
Khi xuống sân bay Manila vào lúc gần 4:00 sáng hôm 7/8, tôi có chút e ngại khi dự báo thời tiết báo hiệu sẽ mưa dầm cả ngày, trong lúc sẽ phải ra bến cảng để lên tàu trung chuyển ra USS Ronald Reagan.
BEN NGO/BBC VIETNAMESE - Có nhiều thủy thủ gốc Á châu trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Buổi trưa cùng ngày, khoảng hơn 20 phóng viên quốc tế đã tập trung ở bến cảng, với vẻ phấn khích, dù thời điểm đó, trời mây vần vũ, báo hiệu một chuyến hải trình không mấy êm đềm.
Ngay khi các phóng viên vừa lên tàu trung chuyển, trời đổ mưa to.
Những con sóng lớn vỗ hai bên mạn tàu khiến cho chặng đường này dự định khoảng 36 phút đã kéo dài hơn một giờ.
Rồi thì cuối cùng tôi đã thấy bóng dáng USS Ronald Reagan uy nghi, sừng sững hiện ra trong tầm mắt.
Cảm giác thật khó tả, bất giác tôi nhớ đến chuyện hồi tháng 3/2018, người dân Đà Nẵng cũng như dân Việt Nam từng háo hứng đón hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ năm 1975.
Ấn tượng đầu tiên là việc đón tiếp giới truyền thông diễn ra khá trang trọng, các sĩ quan, binh sĩ và nhân viên đứng hai bên chào đón phóng viên từ cầu thang dẫn lên chiến hạm đến nơi tổ chức họp báo.
Do các lối đi trên chiếc tàu này khá chật hẹp, cầu thang giữa các tầng khá dốc nên phóng viên đã được báo trước là hạn chế mang theo hành lý, vật dụng cồng kềnh.
Không ngoài dự đoán, cuộc họp báo của Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan diễn ra với các câu hỏi xoay quanh chủ đề căng thẳng ở Biển Đông và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này.
Chuẩn Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Lực lượng 70 thuộc Nhóm Tác chiến Tàu Sân bay 5 nói với các phóng viên rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ giúp đem lại an ninh và ổn định, cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao giữa các quốc gia đang có yêu sách tại Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt, Chuẩn Đô đốc Karl Thomas nói ông hy vọng "một ngày không xa", USS Ronald Reagan sẽ ghé thăm Việt Nam.
Ông cũng xác nhận với các phóng viên: "Các tàu chiến của Trung Quốc lảng vảng quanh USS Ronald Reagan hôm 6/8. Chúng tôi tiến hành hoạt động hàng hải này một cách ôn hòa và chuyên nghiệp, và kỳ vọng các bên khác cũng thế."
Với câu hỏi nếu gặp hải quân nước khác trên vùng biển này USS Ronald Reagan sẽ xử lý ra sao, Chuẩn Đô đốc Karl Thomas nói:
''Tôi có thể trả lời rằng rằng nhiệm vụ của một tàu chiến là phải biết được có những gì xung quanh mình. Chúng tôi luôn phải xác định, từ khoảng cách xa nhất có thể, những tàu cũng đang di chuyển trong vùng biển quốc tế cùng với chúng tôi."
''Chúng tôi có nhiều phương pháp để xác định những việc khác. Chúng tôi muốn sử dụng tất cả các phương tiện đang có để có nhận thức rõ ràng về không gian xung quanh."
Bản BEN NGO/BBC VIETNAMESE - Chuẩn Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Lực lượng 70 thuộc Nhóm Tác chiến Tàu Sân bay 5 tại cuộc họp báo trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Do chuyến đi này khá gấp gáp, một giới chức của USS Ronald Reagan nói với tôi rằng việc sắp đặt cho cuộc phỏng vấn người gốc Việt đang phục vụ trên trên tàu "là bất khả thi".
Trong lúc tôi hơi thất vọng, bất chợt một giọng nói vang lên bằng tiếng Anh: "Này anh phóng viên, tôi là người gốc Việt nè, mẹ tôi là người Việt."
Quả là hay không bằng hên.Bản BBC VIETNAMESE - Cô Erica Bechard, một trong những người Mỹ gốc Việt trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Cô Erica Bechard, đặc trách truyền thông của USS Ronald Reagan, nói với tôi rằng cô có người mẹ đơn thân quê ở Quy Nhơn. Bà mong muốn con gái toại nguyện với giấc mơ được phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ.
Cô đã lên tàu từ tháng 10/2018.
"Tôi luôn cố gắng cho giấc mơ của mình. Tôi tự hào là người Mỹ gốc Việt và cũng mong muốn có lần về thăm quê hương."
Cô tâm sự là không biết nhiều tiếng Việt do chủ yếu chỉ nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh.
Khi được yêu cầu nói tiếng Việt, cô gái cười rất tươi và nói trước ống kính: "Mẹ ơi, con cám ơn mẹ!".USS RONALD REAGAN
Các phóng viên chỉ có khoảng hơn một giờ dự họp báo và thực hiện phỏng vấn chớp nhoáng trên tàu.
Một ấn tượng khác với tôi là quầy bán đồ lưu niệm khá bắt mắt, nhưng có vẻ không thu hút người mua.
Nhìn quầy này, tôi chợt nhớ đến chuyện hồi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ghé Đà Nẵng, khoảng 1.500 chiếc bật lửa Zippo in chữ USS Carl Vinson CVN 70 và "Gold Eagle" (Đại bàng Vàng) kèm theo hình ảnh con chim được chọn làm biểu tượng của tàu sân bay đã được những người tới thăm "mua sạch".
Sau đó, người ta thấy rất nhiều mẩu rao bán lại với giá cao sản phẩm này trên mạng.
Còn trong chuyến thăm tàu USS Ronald Reagan, các phóng viên nhìn chung có vẻ "hờ hững" với mặt hàng có thể là "bán được giá hời" ở Việt Nam. BBC VIETNAMESE - Quầy bán đồ lưu niệm trên hàng không mẫu hạm... vắng người mua
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi chắc rằng mình sẽ nhớ mãi chuyến thăm tàu này, dù hành trình khá vội vã.
Một số bạn của tôi trên mạng xã hội cũng trầm trồ khi biết tôi có dịp được đặt chân lên chiến hạm Mỹ trong lúc hình ảnh của nó đang được mọi người chia sẻ nhiều.
Phải chăng với đa số người Việt, hình ảnh và sự hiện diện của một chiếc tàu chiến Mỹ dễ đem lại sự tin tưởng và an tâm vì sứ mệnh của họ là "giúp mang lại an ninh và ổn định trong khu vực".
Nhất là trong bối cảnh có nhiều quan ngại của người dân về tình hình tại bãi Tư Chính cũng như tại Biển Đông.
Kết thúc chuyến đi, bất chợt tôi ao ước một ngày không xa, tôi sẽ lại đặt chân lên USS Ronald Reagan hoặc một hàng không mẫu hạm khác của Hoa Kỳ, trên hải phận Việt Nam.
No comments:
Post a Comment