Friday, August 23, 2019

Những Năm Tại Trường Hải-Quân Pháp (École Navale de Brest) Đặng Cao Thăng

Lời giới thiệu: Cựu Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng, nguyên Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông Ngòi, xuất thân khóa I Hải-Quân tại Brest. Ông là người có công rất lớn trong việc phổ biến rộng rãi đến thanh niên và sinh viên Việt-Nam những cái hay, cái đẹp của một quân chủng còn quá mới mẻ trong thời kỳ phôi thai của Quân-Đội V.N.C.H. Ông cũng là một trong những sĩ quan Hải-Quân Việt-Nam đầu tiên đã tuyển mộ, huấn luyện và đào tạo khóa 8 sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang.

Vào đầu năm 1952, khi có thông cáo tuyển mộ khóa sinh đi Pháp học để phục vụ cho Hải-Quân Việt-Nam, tôi nộp đơn ngay. Nếu tin số tử vi thì có thể nói tôi có sao Thiên Di chiếu mệnh. Vì từ nhỏ cho đến khi vào quân đội, tôi không học ở trường nào được lâu. Bị động viên vào Trường Sĩ-Quan trừ bị Nam-Định được vài tuần, tôi lại có mặt trong số hai mươi người tình nguyện vào học Pháo-Binh, Công-Binh và Truyền-Tin tại trường Thủ-Đức. Ra trường được mấy tháng tôi đã thay đổi nhiệm sở hai lần.
Tháng 6 năm 1952, khi đang phục vụ tại Bộ-Chỉ-Huy của một tiểu đoàn Công-Binh đóng tại tỉnh Nam-Định, tôi được lệnh về Hà-Nội để dự kỳ thi tuyển mà tôi đã nộp đơn từ hồi đầu năm. Về Hà-Nội, trong mấy ngày chờ kỳ thi viết, tôi dành hết thì giờ cùng mấy người bạn thân đi lang thang khắp những phố phường của Hà-Nội cổ kính, Hà-Nội quyến rũ, Hà-Nội thướt tha mà tôi đã vô cùng thương yêu trong gần hai năm cuối của cuộc đời học sinh và sinh viên của tôi.

Trúng kỳ thi viết, tôi được gửi vào Saigon thi vấn đáp. Khi kết quả sau cùng được công bố, tôi được trả về Hà-Nội để từ biệt gia đình rồi trở lại Saigon làm thủ tục xuất ngoại. Trước khi lên đường, sáu người chúng tôi đến trình diện ông Tổng-Trưởng Quốc-Phòng – tôi không nhớ là ai – và vị Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân Đội – Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh – để nhận huấn từ bằng tiếng Pháp về tầm quan trọng của việc gửi chúng tôi đi học đối với tương lai Hải-Quân Việt-Nam.

Chúng tôi đến phi trường Orly vào giữa tháng Chín, sau gần 24 tiếng đồng hồ bay trên chiếc phi cơ chuyên chở khế ước cho quân đội Pháp. Vì trường Hải-Quân Pháp tháng Mười mới nhập học cho nên chúng tôi được gửi trong trại tạm trú của Bộ-Hải-Quân Pháp – giống như trại Bạch-Đằng II của Hải-Quân Việt-Nam. Sau khoảng một tuần, chúng tôi đi xe lửa đến thành phố Brest. Vẫn còn sớm cho nên chúng tôi được gửi lên Tuần-Dương-Hạm Tourville, một chiến hạm đã giải giới và đang neo tại vịnh Brest để làm Huấn-Luyện-Hạm cho các Chuẩn-Úy Hải-Quân trừ bị.

Trường Hải-Quân Pháp tọa lạc trên một đỉnh đồi thuộc thành phố Brest, nhìn ra Đại-Tây-Dương. Trường bị hư hại khá nhiều trong trận thế chiến thứ II; vì vậy, việc huấn luyện sinh viên sĩ quan tạm thời được dời về căn cứ Hải-Không-Quân tại làng Lanvéoc Poulmic. Làng này cũng nằm trong vịnh Brest, thuộc miền Bretagne, cách thành phố chừng một giờ lái xe.

Bretagne là vùng nghèo nhất nước Pháp và làng Lanvéoc Poulmic có lẽ là một trong những làng nghèo nhất của vùng Bretagne. Xung quanh căn cứ lâu lâu mới thấy vài căn nhà nhỏ, lụp xụp, không điện, không nước máy. Dân chúng sống về nghề chăn nuôi và trồng táo.
Trường Hải-Quân Pháp tạm thời này gồm những dãy nhà hai tầng, dài, chạy song song, giống Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang, nhưng lớn hơn, dài hơn và cũ hơn.

Trước dãy nhà là một sân cờ mênh mông; giữa sân cờ sừng sững một cột cờ thật cao. Đây là loại cột cờ cấu trúc như thường thấy trên các tàu buồm thời cổ, với nhiều thanh ngang và những chiếc thang giây treo từ ngọn tới chấm đất. Nếu Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Việt-Nam có một khu dành để huấn luyện khóa sinh về giây nhợ, về neo, về tiểu đỉnh đặt tại Cầu-Đá, thì Trường Hải-Quân Pháp cũng có Cầu-Đá, nhưng gần trường hơn, lớn hơn, nhiều tầu và thuyền hơn.

Cách trường khoảng ba bốn cây số là sân bay. Từ thế chiến thứ II, Hải-Không-Chiến giữ vai trò quyết định trên biển cả, cho nên môn học Hải-Không-Chiến chiếm một khoảng thời gian lớn trong chương trình huấn luyện Hải-Quân của các cường quốc.

Ngày của khóa sinh bắt đầu khá sớm. Năm giờ rưỡi, hồi kèn báo thức inh ỏi đã lôi chúng tôi khỏi giấc ngủ êm đềm. Chúng tôi có mười lăm phút để tỉnh dậy, cuộn chiếc võng lại cho gọn gàng trước khi treo lên. Khóa chúng tôi có 100 sinh viên ngủ trong hai căn phòng lớn. Có lẽ để giữ truyền thống, thay vì giường, sinh viên sĩ quan ngủ võng. Mười lăm phút sau hồi kèn báo thức là thời gian náo nhiệt ít thấy trong ngày. Hàng trăm thanh niên đang thời ham ăn, ham ngủ bị dựng dậy khi trời bên ngoài còn tối và rất lạnh, thi nhau càu nhàu, la hét, chửi thề. Nhiều cậu dậy trễ, vật lộn với những chiếc mền, những tấm khăn trải giường, cố gắng làm sao cuộn chúng vào chiếc võng cho tròn trịa,

Như một phép lạ, khi hồi kèn thứ hai nổi lên, trật tự được vãn hồi; vì kèn chưa chấm dứt là các vị Losses – tên sinh viên sĩ quan đặt cho những hạ sĩ quan cán bộ, tiếng tắt của Molosses, loại chó khó tính và dữ như Pitbulls của Mỹ – đã đột nhập ngay. Vô phúc cho cậu nào chậm chân, lảng vảng trong phòng ngủ, hoặc chủ nhân của những chiếc võng không gọn gàng ngay ngắn, là được ghi tên vào sổ phạt liền!

Sau ít phút để rửa mặt, một hồi kèn nữa giục giã chúng tôi đi tập thể thao. Những hồi kèn! Xin đừng tưởng chúng giống nhau, và phát âm tùy theo hứng của các vị “kèn sĩ”. Sự thật chúng khác nhau, có bài bản cẩn thận, có cung có bực, nhưng đối với chúng tôi, chúng đều đáng ghét như nhau; vì chúng gay gắt, thúc dục và theo chúng luôn luôn là các vị Losses tinh mắt với những cuốn sổ phạt mở rộng.

Giờ thể thao dành để tập chạy nhảy, đánh banh cho những sinh viên sĩ quan có năng khiếu được tuyển mộ vào các đội thể thao của Trường. Đối với đại đa số, trong đó có tôi, không có năng khiếu gì, thể thao là chạy việt dã.

Trong sương mai lạnh ngắt, chúng tôi chạy trên những con đường khúc khuỷu, lên dốc, xuống đèo, vượt qua những căn nhà im lìm được ngăn cách bởi những bức tường đá xếp, hay băng ngang những cánh đồng cỏ, trước con mắt lãnh đạm của các chú bò. Vì là một người Việt-Nam có chiều cao trung bình, tôi phải cố gắng lắm mới theo được đoạn hậu của những bạn cao hơn tôi vài tấc.

Về đến trường phải thay quần áo thật nhanh mới kịp giờ học. Một hồi kèn (lại một hồi kèn!) kêu chúng tôi tập họp để điểm danh. Quân phục làm việc của chúng tôi là quân phục dành cho tân binh Hải-Quân. Quần ống rộng, áo chui cổ có yếm đằng sau. Mùa Hè chúng tôi mặc quần áo may bằng vải thô màu xám; mùa Đông thêm một bộ tương tự bằng nỉ xanh đậm mặc lồng bên trong. Khác với tân binh, chúng tôi đội mũ lưỡi trai.

Sinh viên được chia từng toán – gọi là poste – được hướng dẫn bởi một toán trưởng, dưới sự hướng dẫn của một Đại-Úy, được một vị Losse phụ tá. Mỗi toán có một phòng học. Mỗi sinh viên có một bàn gồm nhiều ngăn để đựng sách vở và một tủ đựng quân trang.

Chúng tôi xếp hàng tại sân cờ theo toán, toán trưởng báo cáo quân số cho các vị Losses trực nhật; các vị Losses báo cáo lên Đại-Úy trưởng phiên. Tiếp đến là thanh tra quân phục. Đây là giờ phút thật đáng ngán. Quần áo không sạch, ghi tên trong sổ phạt; giày không đánh bóng, sổ phạt; tóc dài, sổ phạt; râu không cạo, sổ phạt, v. v…Tôi có người bạn cùng poste có bộ râu cứng và rậm, đã nhiều lần là nạn nhân!

Điểm danh chấm dứt, chúng tôi xếp hàng đi tới lớp học. Nếu môn học là lý thuyết, sinh viên học trong phòng học chung; nếu là môn thực hành, sinh viên được chia ra nhiều toán.

Hải-Quân Pháp muốn sĩ quan của họ là một cấp chỉ huy, một nhà hàng hải và một kỹ sư. (Ra trường, sĩ quan được cấp bằng Ingénieur de l’École Navale). Ngoài những môn cần thiết cho người đi biển như vận chuyển tàu, thiên văn, khí tượng, hàng hải, chúng tôi còn phải học về kiến trúc chiến hạm, hải pháo, điện lý thuyết và kỹ nghệ, các loại động cơ, các loại máy dùng điện tuyến để quan sát không gian (Radar), các loại máy dùng âm thanh để theo dõi dưới nước (Sonar).

Ngoài ra chúng tôi cần một số giờ quan trọng dành cho việc học về hàng không. Ngoài lý thuyết về kiến trúc phi cơ, chúng tôi có những buổi thực tập phi hành trên những loại máy bay Junker của Đức, tập lái phi cơ quan sát – chỉ lái trên trời thôi, khi lên và xuống phi đạo, huấn luyện viên lấy lại cần điều khiển. Sinh viên sĩ quan có thể ghi tên vào Aéro Club của Trường, tập lái để lấy bằng. Nếu tôi nhớ không lầm, hai sĩ quan Việt-Nam tốt nghiệp Trường Hải-Quân Pháp có bằng lái máy bay.

Các môn học do giáo sư dân chính, cán bộ Hải-Quân tốt nghiệp tại các trường kỹ sư dân sự hoặc sĩ quan tốt nghiệp từ Trường Hải-Quân Pháp đảm nhiệm.

Vì giáo sư nào cũng thấy môn học của mình là cần thiết và phải được hiểu thấu đáo, cho nên môn học nào cũng đầy những công thức, những phương trình, những giải tích. Trước sự “tấn công” của những cơn lũ lý thuyết đó, sinh viên tìm ra những phương pháp ngăn đỡ. Sinh viên dành nhiều thì giờ và nỗ lực cho những môn có hệ số cao, và cố gắng vượt trên điểm số loại của các môn kém quan trọng. Phương pháp này chỉ dành cho đại đa số mà thôi; một số nhỏ cao thủ – cỡ 10% của khóa – thập bát ban võ nghệ, ban nào cũng tinh thông.

Trong số giáo sư của Trường, tôi nhớ có hai vị rất đặc biệt. Một vị là giáo sư dân chính dạy toán. Dạy toán tại Trường Hải-Quân Pháp là một công việc không mấy hứng thú. Vì, sau khi đậu tú tài toán và trước khi tham dự kỳ thi tuyển, sinh viên sĩ quan phải trải qua lớp chuẩn bị hai, ba năm về toán và khoa học, nhờ vậy, phần nào sinh viên cũng đạt đến mức bảo hòa đối với các loại kiến thức này. Lý do khác quan trọng hơn là hệ số của môn toán thấp.

Giáo sư toán gầy, cao, dáng người khắc khổ. Giang sơn của Ông giới hạn ở bục giảng và bảng đen. Ông đi đi lại lại trên bục, dừng lại để viết các công thức trên những khoảng trống còn lại của bảng đen, mắt không nhìn xuống lớp học. Chỉ ít phút sau khi giờ học bắt đầu, nhiều câu chuyện được trao đổi rì rào ở những hàng ghế cuối lớp học. Với thời gian, lời nói chuyện lớn dần và lan lên những hàng ghế trên. Thầy cứ tiếp tục đi đi lại lại, giảng đều đều, mắt nhìn về vùng xa xôi trong khi học trò “họp chợ” ồn ào phía dưới. Hết giờ học, Thầy và trò cùng gấp sách ra khỏi lớp, kiến thức trò nhận của Thầy chẳng được bao nhiêu.

Giáo sư thứ hai là một Hải-Quân Thiếu-Tá, dạy về môn hàng hải thiên văn. Ông thấp, mập mạp, tóc cắt ngắn, bộ quân phục cũ kỷ bó sát lấy thân hình tròn trịa. Hàng hải thiên văn có hệ số rất cao, sinh viên lại rất khớp trước bốn khoanh vàng nơi cổ tay áo của Ông. Trong Trường, cấp bậc Đại-Úy thì nhiều, nhưng cấp Tá thì hiếm. Lớp của giáo sư này luôn luôn im lặng như tờ. Định vị trí bằng các thiên thể có thể tìm hiểu qua nhiều cách thức tương đối đơn giản; nhưng vị giáo sư này đã chọn hình thức khó khăn nhất, mệt nhọc nhất. Như một siêu nhân truyền lại những thuyết bí hiểm cho lớp người trần tục có trí thông minh hạn chế, khi thì kiêu kỳ khinh bạc, khi thì mỉa mai châm biếm, Ông đã hướng dẫn chúng tôi qua các giai đoạn và cách thức mà những người thủy thủ từ ngàn xưa dùng để tìm vị trí con tàu trên biển cả mênh mông.

Những sĩ quan Hải-Quân theo học tại Trường huấn luyện Hải-Quân Pháp vào những năm cuối của thập niên 50 – như giáo sư Lê-Phụng – có lẽ đã nhận ra phần nào đặc tính của hai vị giáo sư kể trên.

Chúng tôi được nghỉ trước hai bữa cơm và được phép vào câu-lạc-bộ uống cà-phê hay uống bia. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi về poste để tự học cho đến 10 giờ tối. Hồi kèn chót trong ngày cho phép chúng tôi đi ngủ. Chăng võng xong, chúng tôi thiếp đi sau hơn 12 tiếng đồng hồ thể xác và tinh thần bị dằn vặt tận tình.

Trong thời gian học, hằng tháng có những ngày thực tập đi biển. Những chiến hạm xử dụng để sinh viên thực tập thuộc phân đội Trục-Lôi-Hạm Đại-Dương được biệt phái cho Trường. Những chiến hạm này trọng tải cỡ 1.000 tấn, chạy chậm nhưng có khả năng chịu sóng gió rất cao. Kinh hoàng có lẽ là trạng từ đúng nhất để mô tả tâm trạng của chúng tôi trong những chuyến đi biển đầu tiên.

Bán đảo Bretagne nằm ở giao điểm biển Manche và Đại-Tây-Dương. Thiên nhiên hình như đã tập trung về đây những ngọn sóng lớn nhất, những cơn gió bạo nhất để dằn mặt các anh chàng thủy thủ tập sự đang mơ màng những chuyện hải hồ lẩm cẩm. Tàu vừa nhô ra cửa vịnh Brest là những con sóng như trái núi xông tới. Những con sóng này chồm lên, đè mũi tàu xuống, tung hàng khối nước vào các sinh viên sĩ quan đang trực phiên trên đài chỉ huy; cùng lúc đó, những cơn gió lạnh ngắt, đôi khi mang theo những trận mưa đá, quất xối xả vào mặt mũi, vào thân hình ướt sũng của chúng tôi. Trong cơn say sóng, dạ dày là bộ phận chịu cực hình nhiều nhất. Chúng tôi thay nhau đến “thăm viếng” những chiếc “xô” mà thủy thủ đoàn đã tiên liệu, đặt rải rác trên đài-chỉ-huy để tống ra đủ loại mật xanh, mật vàng!

Dần dần mùa Đông qua, biển cũng dịu đi, những chuyến đi biển tuy chưa đem lại hứng thú, nhưng cũng chịu được.

Năm đầu của chúng tôi sắp hết và ngày ra trường của khóa đàn anh sắp tới.

Một đêm, trong lúc chúng tôi ngủ say, những tên đàn anh lặng lẽ xâm nhập, và – cùng một lúc – họ cắt đứt giây võng của chúng tôi. Vừa la hét họ vừa hất tung tóe những chiếc võng, chiếc mền và khăn trải giường của chúng tôi. Trong cơn ngủ say, bị rớt đau như trời giáng, sau khi khóa đàn anh bỏ đi, chúng tôi vừa thu nhặt đồ ngủ vừa chửi bới các tên đàn anh “thiếu giáo dục”.

Một buổi khác, khóa đàn em chúng tôi được lệnh hành quân đêm. Khi về thấy đèn đuốc sáng trưng và những chiếc võng của chúng tôi đã được nối thành những sợi giây dài cả trăm thước, treo từ ngọn cột cờ đến các góc sân cờ.

Đêm mãn khóa của khóa đàn anh có buổi văn nghệ do chính họ thực hiện. Khán giả là Bộ-Chỉ-Huy của Trường và hai khóa sinh viên. Trong những vở kịch, sinh viên đàn anh đã diễu các cán bộ của Trường bằng cách bắt chước và khuếch đại bộ tịch, cách ăn nói, đi đứng của họ. Tất cả mọi người, kể cả những người bị diễu, đều cười hả hê. Kết thúc buổi văn nghệ, toàn thể hội trường đã đồng ca những bản ca truyền thống của Trường; nhạc trầm hùng, nhưng lời ca của người đi biển thì khá mặn mòi và hơi tục(!).

Để kết thúc năm thứ nhất trước khi đi nghỉ Hè, tất cả khóa sinh được tham dự chuyến viễn du mùa Hè.

Phân đoàn Trục-Lôi-Hạm đưa chúng tôi lên phía Bắc, ghé bến Anvers thuộc Bỉ; tại đây chúng tôi dùng xe lửa lên thăm kinh đô Bruxelles; sau đó chúng tôi tới Amsterdam, được đi xem những cánh đồng Tulipes mênh mông, sặc sỡ và các đập ngăn nước vĩ đại của Hòa-Lan.

Rời Hòa-Lan, chúng tôi trực chỉ thành phố Bergen của Na-Uy. Trên đoạn đường này chúng tôi có dịp thực tập hàng hải thiên văn. Khi tôi vào nghề, các vì sao hãy còn là những hướng đạo viên tin cẩn nhất của người đi biển. Dưới bầu trời trong của đêm biển Bắc, từ những chòm sao đặc biệt gọi là bảy cái mốc của trời, chúng tôi tập nhận diện các vì sao. Có những sao xanh, những sao đỏ, có sao sáng rực như kim cương và cũng có sao vàng vọt, yếu ớt, mong manh. Những ngôi sao có danh xưng của các vị trong thần thoại Hy-Lạp và có những ngôi sao mang tên người tình của các chàng thủy thủ một thời đam mê.

Càng đi về phương Bắc, ngày càng dài hơn và đêm ngắn đi. Bờ biển Na-Uy hiện ra trong một buổi sớm, như những bức thành đen, uy nghi và thẳng đứng, đôi khi bị chia cắt bởi các khía dài từ trên xuống mặt nước. Thành phố Bergen đã giang tay mở rộng đón tiếp chúng tôi. Sống qua những đêm dài lạnh lẽo của miền gần Bắc Cực và cách xa các khu dân cư khác, cho nên người dân Bergen rất hiếu khách.

Rời Bergen, chúng tôi tiếp tục đi lên phía Bắc và tiến vào các Fjords. Đó là những nhánh biển, dài hằng trăm dậm, thật đẹp, thật khúc khuỷu mà cũng thật sâu, nằm giữa hai vách đá dựng đứng. Trong đệ II thế chiến, một số chiến hạm Đức dùng các Fjords này để trốn phi cơ của hàng-không mẫu-hạm Anh.

Rời Na-Uy, chúng tôi quay mũi về phương Nam và dừng ở trạm chót của chuyến đi là thành phố Edinburg, thuộc Tô-Cách-Lan. Dưới chân lâu đài cổ kính của thành phố này, chúng tôi đã được xem một cuộc biểu diễn vũ điệu Tango tuyệt vời.

Trở về Brest, chúng tôi khăn gói lên đường đi nghỉ Hè. Trong năm, chúng tôi có một số ngày nghỉ, tương đối ngắn. Thường thường chúng tôi cố gắng về Paris, để cùng bạn bè đến Boulevard Saint Michel, nơi tập trung của sinh viên Paris. Chúng tôi la cà tại các quán trên hè phố. Buổi sáng ngồi nhấm nháp rượu khai vị, ngắm người qua lại rồi đến các quán cơm Tầu hay Việt-Nam rãi rác tại Quartier Latin ăn trưa. Nếu túi tiền cạn thì chui xuống xe điện ngầm đi ăn mì bình dân ở ga Lyon. Tạm quên những hồi kèn, những ông Losses, những buổi đi biển, những ngày vất vả từ sáng đến tối, tôi chìm mình vào bầu không khí tràn ngập thơ và nhạc nơi kinh thành của nghệ thuật và nghệ sĩ.

Kỳ nghỉ Hè tương đối dài. Chúng tôi theo làn sóng người xuống bờ biển miền Nam nước Pháp. Đặt bảng doanh tại câu-lạc-bộ sĩ quan trên đường Promenade des Anglais ở thành phố Nice, chúng tôi lang thang thăm viếng các thành phố thuộc miền Côte d’Azur.

Nghỉ Hè xong, chúng tôi trở lại làng Lanvéoc Poulmic với một tư thế khác. Chúng tôi đã trở thành khóa đàn anh. Những ngày học đều đặn trôi qua. Các hồi kèn dường như bớt gắt gỏng. Các vị Losses đối xử có vẻ nể nang hơn. Những chuyến đi biển kéo dài thêm. Sóng và gió cũng chẳng làm chúng tôi phiền hà nữa.

Trước khi ra trường, chúng tôi tham dự một chuyến đi bằng máy bay dài hai tuần lễ để thăm những căn cứ quan trọng của Hải-Quân Pháp tại các nước Bắc Phi, lúc đó vẫn còn là thuộc địa của Pháp.

Mãn khóa vào mùa Hè năm 1954, sau một thời kỳ nghỉ, chúng tôi trở lại Brest. Cùng với những sinh viên tốt nghiệp Trường Quân-Y Bordeaux, các ủy viên Hải-Quân tốt nghiệp tại Toulon và một số sĩ quan trường Polytechnique tình nguyện sang phục vụ Hải-Quân, khóa chúng tôi lên Tuần-Dương-Hạm Jeanne d’Arc và Khu-Trục-Hạm hộ tống để tham dự một chuyến đi dài.

Tuần-Dương-Hạm Jeanne d’Arc giống một du thuyền hơn là một chiến hạm. Trong tám tháng dài chúng tôi đóng vai sứ giả thiện chí của Hải-Quân Pháp. Đoạn đường dài gần bằng chu vi trái đất đã đưa chúng tôi đến thăm các thành phố thuộc 24 quốc gia. Chúng tôi vượt Đại-Tây-Dương từ Đông sang Tây, ghé New York, rồi lại từ Tây về Đông, đi quanh lục địa Phi-Châu, dừng lại thăm những thuộc địa của Pháp và Bồ-Đào-Nha rồi vòng qua mũi Hảo-Vọng để vào Ấn-Độ-Dương. Chúng tôi ghé Madagascar, sau đó tới đảo Réunion, nơi có mộ vua Thành-Thái; tại đây tôi gặp một bác sĩ đã từng làm Tổng Tưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim. Điểm cực Đông của chuyến đi là đảo Tích-Lan. Từ Colombo, chúng tôi lên xe lửa đi thăm Kandy, kinh đô cũ của đảo, nơi có tượng Phật nằm khổng lồ, tạc bằng đá.

Trên đường về, chúng tôi thăm thành phố Ras Tanura, thủ đô dầu lửa của xứ Á-Rập Saudi, lúc bấy giờ hãy còn là một thị trấn nhỏ trên bờ Hồng-Hải, giáp sa mạc. Vượt kinh đào Suez, chúng tôi vào Địa-Trung-Hải đến Israel, đất của Kinh Thánh. Chúng tôi viếng Bethléhem, nơi Chúa chào đời, và thành phố Jerusalem, lúc này còn bị chia đôi và đang ở trong thời kỳ chiến tranh. Ghé thành phố Istanbul của Thổ-Nhỉ-Kỳ, chúng tôi đi trên chiếc cầu nối liền Châu-Âu và Châu-Á. Len lõi qua những quần đảo thuộc Hy-Lạp, chúng tôi ghé đền Athens và được đi thăm những di tích của nền văn minh sáng chói một thời. Tại đây chúng tôi được tiếp đón Quốc Vương Paul khi Ông xuống thăm chiến hạm.

Trong giai đoạn chót của chuyến đi, chúng tôi dọc theo bờ biển phía Đông của Ý-Đại-Lợi, đến thăm Venise, thành phố của kinh đào và những chiếc thuyền gondoles. Trên đường đi, chúng tôi thấy mờ mờ hỏa diệm sơn Vésuve, mọc lên cao vút trên mặt biển như chiếc tháp.

Tám tháng trời xê dịch, tuy không đi bằng chân mà sao gối cũng thấy chồn! Cánh chim giang hồ bay liên tục gần 40 ngàn dậm đã khá mệt mỏi. Chúng tôi vui mừng khi con tầu tiến vào hải cảng Brest trong sự đón tiếp ồn ào của các chiến hạm hiện diện.

Vài hôm sau, các tân sĩ quan Hải-Quân Việt-Nam lên đường về Paris, chờ ngày hồi hương.

Giã từ làng Lanvéoc Poulmic nhỏ bé và âm thầm, giã từ miền Bretagne khắc khổ và chịu đựng, giã từ thành phố Paris rực rỡ mà không kiêu kỳ, chúng tôi trở về để bắt đầu cuộc hành trình 20 năm phục vụ Hải-Quân V.N.C.H.




No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...