Thursday, January 5, 2012

Chiến lược Châu Á của Mỹ

NgV



Ngũ Giác Đài sẽ điều chỉnh chiến lược trong tình hình mới, xác định lại các ưu tiên quốc phòng sao cho phù hợp với khoảng 490 tỷ USD ngân sách sẽ bị cắt giảm trong vòng 10 năm tới.

Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng chiến lược quân sự mới sẽ được triển khai theo hướng phối hợp nguồn lực của các binh chủng hải, lục, không quân và thủy quân lục chiến. Mục tiêu nhắm tới là phá vỡ mọi mưu toan của các nước thù địch muốn ngăn cản không cho Mỹ tiến vào Biển Đông, vùng Vịnh Ba Tư hoặc những khu vực chiến lược khác.

Một cách chi tiết, theo nguồn tin trên, các đơn vị trong quân đội Mỹ phải chia sẻ các thông tin và năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như các công cụ về an ninh tin học, các khái niệm mới về tác chiến... Mỹ phải có khả năng ngăn chặn bất cứ phương tiện chống tiếp cận nào: từ loại tàu ngầm tấn công mà Trung Quốc đã chế tạo hay các tên lửa đạn đạo chống hạm mà Bắc Kinh và Teheran đang triển khai…


Hồi tháng 11/201, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái xác định sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ sang Châu Á-Thái Bình Dương, với việc loan báo nhiều bước mở rộng hợp tác thương mại và quân sự với những quốc gia trong vùng, trong đó có nhiều nước cùng chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.


Câu hỏi đặt ra là chiến lược mới của Mỹ sẽ ra sao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, và cụ thể là Biển Đông, vào lúc ngân sách quốc phòng bị siết chặt?


Theo hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta sẽ cho biết đường nét chính về cách thức quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện của mình tại vùng Thái Bình Dương: Đó là phối hợp chặt chẽ hai binh chủng hải quân và không quân trong chiến thuật mới mệnh danh là “không-hải chiến” (air-sea battle).

Kế hoạch này sẽ kết hợp những thế mạnh của hải quân và không quân để thực hiện những cuộc tấn công từ rất xa. Muốn thế, hai lực lượng này phải được trang bị bằng một thế hệ oanh tạc cơ và tên lửa hành trình, cũng như là loại máy bay không người lái (drone) mới được phóng đi từ tàu sân bay. Hải quân cũng đang gia tăng phát triển các loại tàu ngầm không người lái.

Theo một quan chức, dự thảo sẽ điều chỉnh chiến lược theo hướng Mỹ sẽ không còn dính líu với các hoạt động ổn định quy mô lớn, thời gian kéo dài kiểu như tại Iraq và Afghanistan, sẽ không đủ lực lượng có khả năng tham gia hai cuộc xung đột lớn cùng một lúc. Thay vào đó, Mỹ sẽ có thể tham gia một cuộc xung đột lớn và có khả năng đủ để triển khai lực lượng nhằm ngăn chặn một đối thủ tiềm năng.

Chiến lược mới sẽ tập trung vào khả năng sẵn sàng huy động nhanh chóng của lực lượng Phòng vệ quốc gia và các lực lượng dự bị cho những cuộc xung đột lớn. Chiến lược dự kiến sẽ vẫn duy trì cam kết tên lửa đạn đạo phòng thủ và ngăn chặn hạt nhân. Dự thảo quốc phòng mới cũng nhấn mạnh vai trò của các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong ngăn chặn xung đột.



Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 11 đã tuyên bố các bước mở rộng hợp tác thương mại và quân sự với những quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược đối ngoại của Washington hiện đang hướng trọng tâm trở lại ở châu Á. Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, Tom Donilon trong tháng 11 cho biết, chiến lược của Mỹ tại châu Á "không hề nhằm cô lập hay ngăn chặn bất cứ ai". Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tháng 11, hai bên đã đề cập tới tới vấn đề Biển Đông.


Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal số đề ngày hôm nay, chiến lược của Trung Quốc là ngăn chặn không cho hải quân Mỹ tiến lại gần các mục tiêu. Báo chí Trung Quốc gần đây đã tung tin là Bắc Kinh đã chế tạo được một loại tên lửa mới, gọi là DF-21D, có thể tấn công một con tàu đang di chuyển cách xa đến khoảng 1.700 dặm. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, loại tên lửa đó đã được thiết kế để bay ở một độ cao vượt quá tầm bắn của hệ thống chống tên lửa hành trình trên biển, nhưng lại đủ thấp để thoát khỏi hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo khác của Mỹ.

Ngay cả khi các hệ thống chống tên lửa của Mỹ có thể bắn hạ một hoặc hai chiếc hỏa tiễn chống hạm của Trung Quốc, một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ bằng cách phóng đi nhiều tên lửa cùng một lúc nhắm mục tiêu một chiếc tàu sân bay.
Như vậy, tên lửa Trung Quốc có thể buộc các hàng không mẫu hạm ở xa mục tiêu, làm cho chiến đấu cơ của Mỹ khó khăn hơn trong việc thâm nhập không phận Trung Quốc hoặc là để giành ưu thế trên không trong một cuộc chiến gần biên giới Trung Quốc.

Để đối phó với tình huống kể trên, hải quân Mỹ đang phát triển loại máy bay không người lái với tầm hoạt động cực rộng, có thể cất cánh từ tàu sân bay ở thật xa ngoài khơi, và có thể ở lâu trên không mà không gây hại cho phi công. Bên cạnh đó, không quân Mỹ còn yêu cầu được trang bị một phi đội máy bay ném bom không người lái, có khả năng hoạt động trên những khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương.

Tất cả những nhu cầu đó đòi hỏi ngân sách đáng kể. Tuy nhiên, với việc tổng thống Obama từng khẳng định nhân chuyến viếng thăm Úc tháng 11 vừa qua rằng “việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ không tác hại đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.


Giới phân tích cho rằng hai ngành Hải quân và Không quân Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cắt giảm ngân sách quốc phòng nói chung.

 
Nam Yết chuyển

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...