Monday, January 16, 2012

Ký ức Hoàng Sa dần dần được tái hiện


Bốn trong số các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.
Bốn trong số các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.

Thanh Phương
Cách đây gần đúng 38 năm, ngày 19/01/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra ác liệt. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chống trả anh dũng, nhưng vì tương quan lực lượng bất lợi, nên cuối cùng đã không bảo vệ được quần đảo này.

Tổng cộng 74 binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, trong đó có hạm trưởng hộ tống hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà. Nhiều binh sĩ khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và sau đó được trao trả cho Việt Nam Cộng Hòa, thông qua Hồng Thập Tự Anh ở Hồng Kông.
Những binh sĩ bảo vệ Hoàng Sa đó đã bỏ mình vì Tổ Quốc cách đây gần 40 năm, nhưng cho tới nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vẫn chưa vinh danh họ, trong khi đây là yêu cầu của ngày càng nhiều người Việt trong và ngoài nước.
Trong một thời gian dài, vấn đề hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong giai đoạn trước năm 1975 gần như là một đề tài cấm kỵ, cho nên cả một mảng lịch sử của quần đảo này không được ai nhắc tới. Nếu chỉ học theo các sách giáo khoa lịch sử chính thống, thế hệ trẻ bây giờ ít ai biết được Hoàng Sa đã từng được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý như thế nào, Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo này bằng những thủ đoạn gì và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng ra sao để bảo vệ mảnh đất này của Tổ quốc. Lý do đơn giản là Hà Nội chưa bao giờ công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, một chính thể, mà chỉ gọi là “ngụy quyền” “chính quyền bù nhìn” hay lịch sự hơn là “chính quyền Sài Gòn”.
Mãi đến gần đây, để biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ( "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc"), ngày 20/7/2011, tờ Đại Đoàn Kết buộc phải công nhận rằng, vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa”, chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Theo lập luận của tờ Đại Đoàn Kết, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. Cho nên, công hàm Phạm Văn Đồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa và cách diễn giải của phía Trung Quốc về bức công hàm là “xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”.
Gần đây, vào cuối tháng 11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên tuyên bố công khai là năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ông Dũng nhìn nhận là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.
Như vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được thực thi liên tục và công lao đó một phần không chỉ là thuộc về những binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và tử trận trên biển, mà còn thuộc về những người đã sống và làm việc trên quần đảo này từ 1956, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiếp nhận quyền quản lý Hoàng Sa, cho đến năm 1974 khi Trung Quốc cưỡng chiếm.
Chỉ đến gần đây, ký ức về thời kỳ đó mới bắt đầu được tái hiện. Đáng ghi nhận nhất là Tuổi Trẻ Online vào tháng 9/2009 đã đăng tải một loạt bài “Hoàng Sa, tường trình từ 35 năm sau”, ghi lại lời kể, suy tư của những người đã từng chiến đấu vì Hoàng Sa cách đây gần 40 năm.
Thật thì phải gọi là “Hoàng Sa, tường trình từ 34 năm sau”, vì tác giả Bùi Thanh, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã viết và đăng trên blog của ông từ đầu năm 2008. Sau khi biên soạn lại và đăng được 2 kỳ, báo Tuổi Trẻ cáo lỗi độc giả vì không thể đăng tiếp kỳ sau, nhưng không nói rõ lý do. Sau đó, một số trang mạng đăng tiếp hai kỳ còn lại đã được công bố trên blog của nhà báo Bùi Thanh.
Ngày 9/1 vừa qua, một tập “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được ra mắt độc giả tại Viện Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên có một tài liệu ghi lại lời kể của những nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa hoặc đã tham gia chiến đấu khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực. Một cử chỉ đáng ghi nhận của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, nhưng quá muộn màng, vì nhiều nhân chứng lịch sử khác đã không còn trên cõi đời để được an ủi phần nào qua cuốn kỷ yếu này. Một số trích đoạn của “Kỷ yếu Hoàng Sa” đã được tờ Tuổi Trẻ Online bắt đầu đăng tải từ hôm qua.
Nhân đây, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người vẫn dồn rất nhiều tâm trí cho việc nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng và về Biển Đông nói chung:
RFI: Thưa tiến sĩ Nguyễn Nhã, với tư cách là nhà nghiên cứu về Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, theo ông biết thì gần đây ở Việt Nam đã có những tư liệu, những nghiên cứu mới về Hoàng Sa?
Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi có thể xem năm 1975 là một cái mốc quan trọng, khi có Tập san Sử Địa, số đặc biệt về Hoàng Sa. Đến năm 2003, khi làm luận án tiến sĩ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã tổng kết một giai đoạn dài nghiên cứu về Hoàng Sa.
Sau đó đã có rất nhiều tài liệu được phát hiện và theo tôi, một trong những cái quan trọng là phát hiện chính sử thời Lê Trịnh, tức là Đại Việt Sử Ký Tục Biên, với những thông tin về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Gần đây, có nhiều văn bản các chính quyền địa phương cho biết việc thực thi chủ quyền như là ở Quảng Ngãi hay Huế. Chủ yếu là nói đến những hoạt động của thủy quân, nhưng với sự hỗ trợ của những người ở Bình Định hay Quảng Ngãi, tức là dân binh, những người đã đi Hoàng Sa rất nhiều. Tức là ngư dân trước đây họ đi ( Hoàng Sa ) rành hơn là thủy quân, cho nên họ phải nhờ đến những người như là đà công, tức là những người lái tàu, thuyền, quen đi biển. Có khá nhiều văn bản về điều này đã được tìm thấy, như ở Quảng Ngãi vừa rồi.
Ngoài ra, gần đây có rất nhiều những tài liệu của phương Tây, trong đó có cả các bản đồ, được lưu trữ ở các nước đó. Trang mạng hoangsa.org đã lưu trữ khá nhiều những tài liệu đó. Theo những tài liệu phương Tây, vào năm 1816, Hoàng Sa chính thức thuộc về Cochinchine, tức là Đàng Trong. Tôi thấy ngày càng có nhiều tài liệu như thế, nhưng những chi tiết thật là mới thì không có nhiều. Tất cả đều chứng minh cho sự thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
RFI: Tuy không có những tài liệu thật sự mới, nhưng những tài liệu về Hoàng Sa có vẻ như bắt đầu được hệ thống hóa lại ở Việt Nam để mọi người dễ tiếp cận hơn, chẳng hạn như cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được phát hành. Ông nhận định thế nào về nội dung cuốn kỷ yếu này?
Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Trước đây, người ta đã trưng bày những hình ảnh tài liệu ở số 132 Yên Bái, Đà Nẵng, trụ sở Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa. Vừa rồi người ta công bố chính thức cuốn kỷ yếu đó. Nội dung mới của cuốn này là lời kể của những nhân chứng về những hoạt động làm việc ở Hoàng Sa. Suốt từ thập niên 50 đến 70, có rất nhiều nhân viên làm việc ở đó, dưới các thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, rồi đến thời Việt Nam Cộng Hòa.
Trong một thời gian dài người ta đã thu thập lời kể của những nhân chứng còn sống, qua đó thể hiện Việt Nam đã quản lý như thế nào, nhân viên đã làm việc như thế nào ở Hoàng Sa. Liên quan đến khí tượng thủy văn thì hiện còn rất nhiều tài liệu ở các thư viện hiện nay về hoạt động của Đài Khí tượng Hoàng Sa trước đây.
RFI: Vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Theo ông thấy thì gần đây chính quyền đã có những hành động gì để phần nào ghi nhận công lao của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống khi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa?
Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Về sự kiện 1974, cụ thể là hai ngày 19 và 20/01/1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa, ngay từ khi làm luận án tiến sĩ về quá trình xác lập chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã đề nghị phải vinh danh liệt sĩ cho tất cả những ai hy sinh tại Hoàng Sa. Gần đây, báo Đại Đoàn Kết và một số viên chức cũng đã đề cập đến vấn đề đó.
RFI: Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lần đầu tiên công khai lên án Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa trước đây. Đây có phải là một bước tiến trong lập trường của Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, tức là thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền đã quản lý Hoàng Sa cho đến năm 1975?
Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Theo tôi, chính trị khác với học thuật, sử học. Sự thật chỉ có một, lịch sử chỉ có một mà thôi. Nhưng về ngoại giao, khi nào đề cập đến thì phải có thời điểm, thời cơ nào đó. Vừa rồi, chúng ta đã có một thời cơ để chính quyền nói rõ hơn. Khi mà đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa, thì không sớm thì muộn cũng phải lên án việc một quốc gia khác dùng vũ lực để chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam. Mà khi đã khẳng định chủ quyền của mình thì phải tìm cách lấy lại.
Hoàng Sa là một vấn đề rất lâu dài. Nhưng tôi vẫn thường nói rằng, Việt Nam đã từng bị 1.000 năm Bắc thuộc, nếu phải chờ đến 1.000 năm thì có thể kiên trì đến thành công. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói rằng thời này là thời điện tử. Tôi cũng tin như vậy. Nhưng lịch sử thì không thể nào biết trước được. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong việc lấy lại Hoàng Sa, nhưng không biết là khi nào thôi.
RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Nhã.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã
 
15/01/2012
 
 Trích RFI

No comments: