Monday, January 2, 2012

Đệ Nhất Nam Dương Ra Khơi của Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông

Tổng Thống Ngô Đình Diệm trao kiếm cho thủ khoa Lê Bá Thông 

Ba chiếc Trục Lôi hạm HQ 114, HQ 115 VÀ HQ 116 đang hải hành theo đội hình hàng dọc, khoảng cách giữa chiến hạm là 400 thước, hướng 070 độ, trên đường sang Subic Bay gần thủ đô Manila của Phi Luật Tân.

Mục đích của chuyến du hành này là vừa để cho 49 Sinh viên Sĩ quan khóa 10 SQHQ/NT "Nam Dương I" thực hành những bài học về nghề đi biển và thăm viếng trường Võ Bị Quốc Gia Phi Luật Tân tại Bagio City, vừa đem các tàu vớt mìn này đi "khử từ trường". Theo truyền thống Hải Quân VNCH, 12 chòm sao trên vòng Hoàng Ðạo (Zodiac) được luân phiên dùng để đặt tên cho các khóa SVSQ. Chòm sao thứ mười mang tên Nam Dương nên khóa 10 SVSQ có tên là Nam Dương I hay Ðệ Nhất Nam Dương. Hết 12 khóa, sang tới chu kỳ 2, các khóa kế tiếp cũng vẫn mang tên các chòm sao nhưng với số II hay Ðệ Nhị đi kèm, thí dụ như khóa 22 SQHQ có tên là Nam Dương II hay Ðệ Nhị Nam Dương.
Lê Bá Thông cùng các bạn cùng khóa thuộc toán 1 trên chiếc HQ 114 đang thực tập cờ đèn dưới sự hướng dẫn bởi một Thượng sĩ Giám lộ của chiến hạm.
Biển hôm nay động thật mạnh, cường phong vi vút trên mặt nước mù khơi làm lá cờ vàng ba sọc đỏ bay kêu phần phật trong gió biển. Sóng chếch từ hướng mũi phía tả hạm, phủ qua boong tàu, bay tung tóe qua đài chỉ huy. Chiếc chiến hạm lớn bằng gỗ lắc lư theo nhịp sóng, mũi tàu nhấc lên cao khỏi đợt sóng bạc đầu, rồi thân tàu dằn thật mạnh xuống mặt nước khi trườn qua những lượn sóng dài.
Thông và các bạn Sinh viên cảm thấy khó chịu, bụng cồn cào dữ dội, cơn say sóng kéo dài như không muốn dứt. Thỉnh thoảng họ chạy đến chiếc xô bằng nhôm để cạnh chân cột radar, thay nhau nôn ọe, rồi trở lại tiếp tục bám víu vào sợi dây xích, vào cột sắt để giữ thăng bằng và kéo những lá cờ hình tam giác lên cao tận cột cờ, ra tín hiệu cho tàu bạn trong đội hình thi hành mệnh lệnh của vị Hải Ðội trưởng. Hai Sinh viên khác cũng đang thực tập đánh đèn cho chiếc tàu phía trước, vừa chớp đèn trả lời cho chiến hạm chỉ huy này.
Mùa gió "đông bắc" chỉ bắt đầu thổi mạnh trên biển Nam Hải vào đầu mùa đông và tiếp tục đến cuối tháng hai. Nhưng năm nay có phải để thử sức chịu đựng của 49 chàng thanh niên Sinh viên khóa Nam Dương I, đã chọn sóng nước làm nhà, mây gió trời đại dương làm mái hay không, mà trong mùa gió "đông bắc" năm 1962 này, những trận cuồng phong vẫn kéo dài mãi cho đến khi chuyến du hành thực tập hải nghiệp qua Phi Luật Tân vào tháng ba, biển cũng còn động mạnh.
Trong suốt thời gian hải hành từ Nha Trang đến vịnh Manila, biển động liên miên, có thể hơn cả biển "cấp 3". Mùi tanh mằn mặn của nước biển hòa với mùi dầu Diesel của máy tàu, cọng thêm nhịp lắc đặc biệt của loại chiến hạm rà mìn đã làm cho Thông và các bạn cùng khóa khổ sở vì bị say sóng, nôn mửa thật nhiều. Vì thế mọi người không ăn uống gì cả trong suốt chuyến đi biển và cũng không thực tập được chi hết, người nào người nấy trở nên mệt nhọc và chán nản với giấc mộng hải hồ.
Tuy vậy vào buổi sáng đẹp trời hôm đó, vầng dương vừa ló dạng trên biển đông khi ba Trục Lôi Hạm Hải Quân Việt Nam, từ từ tiến vào vịnh Manila của nước bạn, tất cả 49 Sinh viên Sĩ quan trong bộ tiểu lễ Hải Quân màu trắng vẫn nghiêm chỉnh sắp hàng đứng dàn chào trên boong tàu.
Ðây là giây phút hãnh diện của người chiến sĩ Hải Quân sau một chuyến hải hành ra khơi đầy sóng gió, trở về bến trong đội hình oai hùng và kiêu dũng.
Những chiếc xe buýt màu xám của Quân đội Phi Luật Tân đang chạy chậm rãi trên con đường đèo, ngoằn ngoèo quanh rặng núi cây lá màu xanh bàng bạc nhìn xuống vịnh Manila.
Lê Bá Thông ngồi trên ghế của chiếc xe buýt dẩn đầu, cạnh anh Hạ Sĩ tài xế người Phi, nhìn ra cánh cửa. Từ xa những làn mây mỏng tựa khói sương đang tỏa ra trên ngọn núi cao vời vợi.
Thông là Sinh viên Sĩ quan Liên Ðại đội trưởng chỉ huy hai Ðại đội Sinh viên khóa 10 SVSQ/HQ và khóa 11 SVSQ/HQ thụ huấn tại Trung Tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang. Khóa 10 SQVS/HQ đang theo học năm cuối và dự trù sẽ tốt nghiệp vào đầu mùa hè năm nay. Do đó chuyến xuất ngoại đầu tiên và cuối cùng của những lính biển trẻ tuổi này, là một kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi Sinh viên Sĩ quan.
Xe đã lên đến trạm nghỉ chân trước khi tiếp tục đi nốt đoạn đường một phần ba còn lại để đến trường Võ Bị Quốc Gia Phi Luật Tân trong thành phố Bagio của Phi Luật Tân.
Bagio City là một thành phố du lịch nghỉ hè nhỏ nằm về phía bắc của Manila, khí hậu mát mẻ như thành phố Ðà Lạt của Việt Nam. Trong chuyến du hành thăm viếng này, Sinh viên khóa 10 được hướng dẫn bởi các Sĩ quan thuộc Trung tâm Huấn luyện như Ðại úy Kinh, Hiệu trưởng, Sĩ quan Huấn luyện viên về môn Hàng hải thiên văn như Ðại úy Hưng, Ðiện tử như Ðại úy Nhàn, Ðiện kỷ nghệ như Ðại úy Hòa...
Hầu hết các Sĩ quan vừa nói trên đã xuất thân từ trường Sĩ quan Hải Quân Brest tại Pháp, trở về nước vào năm 1956 khi Pháp và chính phủ của Tổng thống Ngô Ðình Diệm trục xuất các Sĩ quan du học và phục vụ tại hai Quốc gia này ra khỏi nước của họ.
Trạm nghỉ chân đầy rẫy hàng quán giải khát giống như trên đỉnh đèo Hải Vân tại quê nhà, mà Thông thường xuống xe đứng chờ đoàn xe hành khách từ phía ngược chiều chạy lên đỉnh núi, rồi cùng chạy xuống đèo hoặc là về Huế hay xuống Ðà Nẳng, vì xe chỉ chạy một chiều trên con đường nhựa nhỏ xíu.
Những cô gái Phi Luật Tân nhỏ nhắn trong bộ váy tây phương đầy màu sắc rực rỡ trố mắt nhìn những chàng trai xứ lạ, đang vồn vã mời mua mấy hột "bơ lút"- hột vịt lộn - và nước dừa tươi.
Sau khi nghỉ mệt một lúc, đoàn xe lại tiếp tục chạy ngang qua dinh thự nghỉ mát tại Bagio của Tổng Thống Magsaysay, rồi tiến vào trường Võ Bị Quốc Gia Phi Luật Tân tọa lạc gần đó.
Những Sinh viên Sĩ quan Phi to lớn trong bộ đại lễ màu xám, nút đồng, mủ cao, trông giống như quân phục của Sinh viên trường Võ Bị West Point tại Hoa Kỳ, đứng nghiêm dàn chào phái đoàn Sinh viên Việt Nam nhỏ con đang ngập ngừng và đói bụng.
Bửa cơm trưa đơn giản do trường Võ Bị khoản đãi tại phạn xá rộng rãi, không đủ thỏa mãn cơn đói cồn cào của những thủy thủ. Lê Bá Thông và các bạn thắc mắc tại sao những Sinh viên này ăn ít như vậy mà vẫn to cao như lực sĩ đô vật, chắc là thuộc loại "cua sáng trăng, óp xọp" rồi đây.
Sau khi tham dự buổi thuyết trình ngắn ngủi trong thính đường của Sĩ quan đại diện Bộ Tham mưu của trường, Thông hướng dẫn bạn đồng khóa theo các Sĩ quan Huấn luyện viên di thăm viếng phòng học, phòng ngủ của Sinh viên và xem họ tập điền kinh trên sân vận động trang bị đầy đủ tiện nghi của trường Võ Bị.
Trong khi các Sinh viên thăm viếng trường Võ Bị, các Hạm trưởng Trục Lôi hạm đưa tàu đi "khử từ trường" tại vịnh Subic Bay và đã trở về cập cầu tại bến tàu Manila.
Những ngày sau đó Thông cùng các bạn thăm viếng thủ đô nước Phi Luật Tân, mua vài đồ vật kỷ niệm để về tặng Minh, đang ngóng chờ người chồng lính biển tại căn nhà ở Chụt với Thanh Nhàn và Thanh Trang, hai cô con gái dễ thương của đôi vợ chồng trẻ.
Trong chuyến hải trình trở về Nha Trang, trời thương những người thanh niên đang lo âu say sóng, nên biển thật êm chứ không như chuyến đi. Vì thế Sinh viên cảm thấy hơi yêu biển trở lại và cũng thực hành nghề nghiệp được nhiều hơn.
Mỗi buổi sáng khi vầng dương chưa ló dạng từ chân trời xa, ánh sáng vừa le lói qua khóm mây hồng nhạt, Thông và các bạn tập đo sao trời để định vị trí chiến hạm. Thông đứng trên đài cao chiến hạm thỉnh thoảng thấy vài vì sao rơi trên biển, anh khấn nguyện Phật Trời phù hộ cho quê hương Việt Nam được sống trong thanh bình thịnh vượng và người dân Việt khỏi phải chịu cảnh thương tan do tai họa chiến tranh đã và đang kéo dài trên mảnh đất Mẹ cằn cổi.
Tay cầm chiếc "Sextant", hình tam giác, đo chiều cao của những vì sao chính, Thông cảm thấy như người thủy thủ tiền phong trước đây đã lái tàu buồm, đi khám phá thế giới mới. Sau khi đọc cao độ của ba ngôi sao khác nhau cho anh bạn cùng khóa, hai người đi vào phía trong đài chỉ huy, ghi tọa độ trên hải đồ và báo cáo vị trí chiến hạm cho vị Hạm phó đang đi phiên và chỉ huy tàu.
Ba Trục Lôi hạm đổi qua đội hình hàng ngang theo thứ tự từ bên trái sang phải: HQ 114, HQ 115 rồi HQ 116 để Sinh viên thực tập đánh cờ đèn và hải hành chính xác. Bờ biển Việt Nam đang hiện dần trên mặt kính radar cách xa 35 hải lý về phía trước mặt đội hình.
Còi nhiệm sở vệ sinh vang dội, tất cả Thủy thủ đoàn và Ðại đội Sinh viên khóa 10 SVSQ/ HQ vội vã chùi rửa sàn tàu, chuẩn bị về cặp bến tại Cầu Ðá, Nha Trang và chấm dứt một chuyến hải hành nhiều kỷ niệm.
Trên bầu trời xanh lơ, những đám mây trắng bềnh bồng trôi về phía chân mây cuối trời. Từng con hải âu bay sau lái buông tiếng kêu rời rạc của một loài chim biển, bạn đường của những thủy thủ và chiến hạm vượt đại dương.


* * *
Hôm ấy ngày thứ bảy vào một buổi sáng nhiều nắng ấm của mùa hè năm 1962, ngày trọng đại có liên hệ đến cả cuộc đời của 45 chàng thanh niên đã chọn một sự nghiệp cho mình.
Những Sinh viên Sĩ quan khóa 10 SQHQ Nha Trang sắp chính thức trở thành Sĩ Quan thuộc Quân chủng áo trắng. Một Hải Quân vừa tròn 10 tuổi kể từ ngày thành lập vào năm 1952.
Quân số lúc đầu chỉ có vào khoảng trên dưới 1000 thủy thủ mà nay chỉ sau một thập niên, đã lên tới gần 6000 gồm Sĩ quan, Hạ Sĩ quan và thủy thủ, chưa kể Thủy Quân lục chiến mà trên nguyên tắc, thống thuộc tổ chức chỉ huy của Hải Quân như trong hệ thống quân giai của các Quân đội trên thế giới nhất là Quân đội Hoa kỳ.
Ngày tốt nghiệp của khóa 10 SQHQ đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong chương trình tuyển mộ và huấn luyện Sĩ Quan Hải Quân.
Với trình độ văn hóa cấp Ðại học và chương trình huấn luyện cải tiến hai năm được cập nhật hóa và áp dụng bao gồm sự dung hòa các tài liệu của các quân trường Hải Quân Brest của Pháp và Annapolis của Hoa Kỳ. Sinh viên có cơ hội thực tập các dụng cụ hải hành và các loại hải pháo tối tân của thập niên 60. Vì thế Ðại úy Hiệu trưởng trường Sinh viên Sĩ quan đã thường hãnh diện tuyên bố, khóa 10 SVSQ/HQ này là những "Class A Midshipman".
Vì sự đặc biệt này, ngày tốt nghiệp của khóa 10 SVSQ/HQ/NT lại hãnh diện được sự chủ tọa danh dự của chính ông Ngô Ðình Diệm, Tống Thống nước Việt Nam Cộng Hòa. Một đặc ân và vinh dự chưa có khi nào xảy ra tại quân trường Hải Quân Nha Trang, kể từ ngày thành lập vào tháng 8 năm 1952.
Sự quan trọng của ngày mãn khóa này đã được quân nhân các cấp tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân và tại Trung tâm Huấn luyện Nha Trang chuẩn bị chu đáo và cẩn mật.

Quân trường được trang hoàng rực rỡ với những lá cờ Hải Quân đủ màu, phất phới bay trong gió sớm ban mai, thổi vào từ vịnh Nha Trang, tại đây từ xa đang bỏ neo về phía đảo Hòn Lớn là các Hộ Tống hạm (PCE) và Trợ Chiến hạm (LSSL). Ủi tại bãi biển trước Trung tâm Huấn luyện là hai chiếc Dương Vận hạm (LST) và Hải Vận hạm (LSM) treo cờ đèn lộng lẫy. Tất cả nhân viên trong quân phục Ðại lễ trắng, kiểm soát lần cuối công tác vệ sinh, quét dọn và chuẩn bị các cơ sở Quân trường mà họ đã lo thi hành hơn hai tuần lễ vừa qua.
Vào khoảng 9 giờ sáng, khi mặt trời vừa lên cao về hướng Cầu Ðá, trong bầu trời màu xanh dương, không một gợn mây, tiếng loa phóng thanh bắt đầu thông báo là đoàn xe Tổng Thống và các Dân biểu, Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam đã đến gần cổng Trung Tâm Huấn luyện.
Lê Bá Thông là Sĩ quan thủ khoa khóa 10 SQHQ, đang nghiêm chỉnh, hồi hộp đứng trước Ðại đội Sinh viên, trong hàng ngũ chỉnh tề.
Hai trong bốn chiếc mô tô hộ tống xe Ngô Tổng Thống vừa tiến vào cổng chính của Trung tâm. Những quan khách thuộc phái bộ Ngoại giao đoàn, các Tướng lãnh Quân Binh chủng bạn...trên khán đài chính đều đứng dậy chào vị Tổng Thống khi ông bước xuống chiếc xe du lịch màu đen tuyền bóng loáng.
Vị Ðại úy chỉ huy Ðại đội SVSQ/ HQ khóa 11 và Tiểu đoàn thủy thủ dàn chào hô lớn:
-" Tất cả chú ý... Nghiêm... Súng chào... Bắt."
Tất cả toán quân dàn chào đồng loạt nhịp nhàng bắt súng trường Garant gắn lưởi lê bóng nhoáng lên chào vị Nguyên Thủ Quốc Gia.
Tiếng nhạc quân hành trổi lên từ ban Quân nhạc đứng cạnh Ðại đội Sinh viên Sĩ Quan khóa 11.
Tổng Thống Diệm được Hải Quân Ðại tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam và Hải Quân Thiếu tá Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện đón mời lên trên khán đài, đứng trước quan khách tham dự.
Thiếu Tá Chỉ huy buổi lễ tuyên bố:
-" Lễ chào Quốc kỳ bắt đầu."
Ban Quân nhạc cử bài Quốc caViệt Nam trong khi lá cờ vàng ba sọc đỏ to lớn được kéo lên từ từ, phất phới bay trên ngọn kỳ đài giữa sân cờ chính của Trung tâm Huấn luyện Hải Quân.
Một phút mặc niệm bắt đầu, mọi người cúi đầu im lặng trong khi ban Quân nhạc trổi lên bài Chiêu hồn Tử sĩ.
-"Phút mặc niệm chấm dứt, kính mời Tổng Thống và quý vị quan khách an tọa".
Thiếu tá xướng ngôn viên vừa xướng lên trên máy phóng thanh, sau đó tuyên bố là Ðại tá Tư Lệnh Hải Quân đại diện Quân chủng sẽ đọc diễn văn chào mừng Tổng Thống và trình bày sơ qua chương trình Huấn luyện Sinh viên Sĩ quan Hải Quân.
Thông đứng trước hàng ngũ chỉnh tề của Sinh viên Sĩ quan cũng ở tư thế "nghiêm" trong khi Ðại tá Tư Lệnh đọc diễn văn. Mọi người vỗ tay sau khi Ðại tá Quyền chấm dứt lời chào mừng.
Vị Ðại úy chỉ huy Tiểu đoàn dàn chào hô lớn:
-"Thao diễn... nghỉ..."
-"Tống Thống Việt Nam Cọng Hòa ban chỉ thị cho các Sinh Viên Sĩ quan, xin kính mời Tổng Thống".
-"Tiểu đoàn...nghiêm..."
Tiếng nhạc quân hành trổi dậy rồi ngưng khi Ngô Tống Thống đứng lên, bước đến máy vi âm ban huấn từ:-
-"Sinh viên Sĩ quan khóa 10 Hải Quân thân mến..."
Bài diễn văn kéo dài trong vòng 15 phút, với giọng nói chậm rãi và nghiêm nghị uy phong, trầm bổng của người Huế, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã khích lệ Sinh viên, khơi dộng lòng yêu nước của mỗi người, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của Sĩ quan Quân đội Việt Nam Cọng Hòa, đồng thời đề cập đến hiểm họa xâm lăng với ý đồ đưa dân tộc Việt Nam vào con đường nô lệ Cộng sản Quốc tế của tập đoàn lãnh đạo miền Bắc.
Lê Bá Thông cảm động chăm chú nghe huấn từ của Ngô Tổng Thống, người hùng mà Ðiền, anh họ của Thông đã nhắc nhở khi lên nhà cha mẹ Thông để gửi gấm hai con theo học ở Huế, cách đây hơn 10 năm.
Nhìn vị cựu Thượng Thư Bộ Lại trong bộ Âu phục màu trắng, vẫn còn mạnh khỏe oai phong mặc dù đã hơn 61 tuổi, mái tóc cắt ngắn đen tuyền, thân hình thấp và dáng đi hơi vội vã, với tia nhìn làm người đối diện phải kính nể, Thông cảm thấy bồi hồi thán phục và cảm động trước những lời nói chân tình của vị Nguyên Thủ Quốc Gia đồng hương. 



Thông nguyện trong lòng mình kể từ giờ phút này anh ta sẽ giữ mãi tinh thần Quốc Gia chân chính trong tâm khảm. Thông bỗng thấy hình như đã chọn cho mình một hướng đi trên con đường bảo vệ quê hương, dân tộc và đã đặt ưu tiên cho cuộc đời nhiều thử thách của anh: đó là Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm.
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vừa chấm dứt bài huấn từ, quan khách vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt khi ông trở về ghế ngồi.
Giây phút quan trọng của cuộc đời Hải nghiệp đã đến với Sinh viên Sĩ quan khóa Nam Dương I , đó là lễ gắn cấp bậc Hải Quân Thiếu úy cho 45 Sinh viên Sĩ quan khóa10 SQHQ, lễ trao kiếm Danh dự cho Sĩ quan thủ khoa và lễ tuyên thệ của các tân Thiếu úy."
Lê Bá Thông hồi hộp khi nghe vị Sĩ quan xướng ngôn viên tuyên bố trên loa phóng thanh:
-"Lễ gắn cấp bậc cho Sinh viên Sĩ quan Hải Quân khóa 10 bắt đầu."
Vị Ðại úy chỉ huy Tiểu đoàn dàn chào hô lớn:
-"Sinh viên Sĩ quan khóa 10 theo lệnh tôi... Quỳ... xuống." 




Tất cả Sinh viên khóa Nam Dương I đồng loạt quỳ xuống.
Từng toán Sĩ quan Hải Quân đến sau lưng của Sinh viên gắn những cặp lon lên vai cho các tân Hải Quân Thiếu úy trong khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và quan khách trong nước và ngoại quốc đứng nghiêm trang chứng kiến sự diễn tiến của buỗi lễ.
Tiếng vị Ðại úy chỉ huy Tiểu đoàn dàn chào lại vang lên:
-"Các tân Sĩ quan...Ðứng... lên."
Tất cả 45 tân Hải Quân Thiếu úy hãnh diện đứng dậy.
Sau khi hoàn tất buỗi lễ gắn cấp bậc, các vị Sĩ quan được chỉ định trở về vị trí cũ rồi Thông cảm thấy trống ngực mình đập mạnh khi nghe Sĩ quan xướng ngôn viên tuyên bố:
-"Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa trao kiếm Danh dự cho Sĩ quan thủ khoa Lê Bá Thông".
Thông rời đoàn quân, đi thẳng người, tiến lên đứng nghiêm chỉnh trước khán đài, đưa tay lên vành nón chào Tổng Thống và quan khách đang vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Rồi tất cả đều im lặng khi Ngô Tổng Thống từ từ bước xuống khán đài, đến đứng trước Sĩ quan thủ khoa, nhìn thẳng vào mắt Thông đang cảm thấy người mình run nhẹ khi ánh mắt Thông chạm phải tia nhìn hiền từ, nhân hậu, nghiêm nghị, ân cần của người Tổng Thống kính yêu.
Hải Quân Trung Úy Mai Mộng Liễn, Trưởng Phòng CTCT/TTHL/HQ, hai tay cẩn thận ôm một chiếc gối lớn bọc nhung đỏ rua vàng, trên có để thanh kiếm Danh dự, truyền thống, chạm hình Long Hổ ở bao kiếm, từ từ tiến đến đứng bên cạnh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Trước sự chứng khiến của quan khách, Tổng Thống nước Việt Nam Cọng Hòa hai tay cầm thanh kiếm Danh dự, trịnh trọng trao cho Sĩ quan thủ khoa Lê Bá Thông, trong khi Ðại tá Hồ Tấn Quyền Tư Lệnh Hải Quân trong bộ Ðại lễ trắng, ngực mang đầy huy chương, đang đứng phía bên tay mặt của Thông, nghiêm nghị nhìn diễn tiến của buổi lễ.
Các nhiếp ảnh gia báo chí thuộc các tờ báo trong và ngoài nước kể cả tập san Thế giới Tự do chụp hình lia lịa và liên tục khi Sĩ quan thủ khoa hai tay hãnh diện nhận thanh kiếm Danh dự trao từ Ngô Tổng Thống. Sau đó Thông mang kiếm vào thắt lưng bên hông trái. Xong rồi Thông bước lui ba bước, rút lưỡi kiếm bóng loáng lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời ra khỏi bao kiếm, hùng dũng oai nghiêm đưa mũi kiếm thẳng lên trời, kéo vào ngay trước khuôn mặt mình, rồi hạ kiếm xuống một góc 45 độ từ thân hình về phía tay mặt, mũi kiếm cũng 45 độ chĩa xuống đất trong vị thế trình kiếm để chào vị Tổng Thống của nước Việt Nam Cọng Hòa.
Lê Bá Thông chào kiếm một cách thành thạo vì anh đã tập chào trong rất nhiều ngày trước đây dưới sự hướng dẫn của Sĩ quan Huấn luyện viên nghi lễ của Quân trường.
Tổng Thống Diệm gật đầu như chấp nhận sự chào kính của Sĩ quan thủ khoa rồi trở lên khán đài.
Thông thu kiếm Danh dự về, đưa lên trước mặt rồi tra lưỡi kiếm vào trong bao, xoay ngược thanh kiếm vào vị thế di hành, mũi kiếm chĩa xuống đất về phía trước mặt. Sau đó Thông quay 180 độ và đi trở về đứng trước đội hình của các tân Thiếu úy, chờ làm lễ tuyên thệ. Xướng ngôn viên tuyên bố trên loa phóng thanh:
-"Lễ tuyên thệ của các tân Sĩ quan bắt đầu." 






Lê Bá Thông quay lại hướng về Ðại đội Sĩ quan dõng dạc ra lệnh:
-"Sĩ quan Hải Quân khóa 10 theo lệnh tôi ... Quỳ ... xuống..."
Tất cả các tân Thiếu úy đồng loạt răm rắp quỳ xuống, dỡ chiếc nón, để trên đầu gối trái, tay mang đôi găng trắng dựa nhẹ trên nón "cát két".
Thông xoay nửa vòng trở lại hướng mặt về khán đài chính, quỳ xuống, đặt mũi thanh kiếm dựa trên mặt đất chĩa về trước, dỡ chiếc nón "cát két", để trên đầu gối trái, ngửng đầu nhìn thẳng chờ lệnh.
Tiếng kèn từ ban quân nhạc bắt đầu trỗi lên, rồi ngưng lại.
Lê Bá Thông và các tân Sĩ quan khóa Nam Dương I đưa cánh tay mặt lên cao, bàn tay mặt thẳng lên trời, rồi hô to lời tuyên thệ cùng một lúc:
-"Thề luôn luôn nêu cao Danh Dự Quân đội... Hy sinh vì Dân tộc... Trung thành với Tổ quốc...Xin thề..."




Ngô Tổng Thống đứng trên khán đài chính chấp nhận lời thề vang dội oai hùng của các Sĩ quan khóa 10 Hải Quân Việt Nam.
Sau đó Tổng Thống cùng quan khách, gồm những Dân biểu, Nghị sĩ và đại diện Ngoại giao đoàn, các Tướng lãnh thuộc Quân Binh chủng trong và ngoài nước chuẩn bị chứng kiến lễ diễn hành của tân Sĩ quan, Ðại đội Sinh viên Sĩ quan khóa 11 SQHQ và Tiểu đoàn Tân binh thủy thủ qua trước khán đài Danh dự.
Tiếng nhạc quân hành trỗi lên rộn rã như thúc giục lòng kiêu hãnh của các chàng trai đang hiên ngang, hùng dũng đi qua trước vị Nguyên thủ Quốc Gia, quan khách Danh dự và thân nhân yêu mến của tân Sĩ quan.
Những người thân này cũng rất hãnh diện và vui sướng khi thấy chồng con, anh em của mình đã trở thành Sĩ quan của một Quân chủng nổi tiếng hào hùng, oai dũng; những Hạm trưởng tương lai của một hải quân trẻ trung đang trên đường bành trướng nhanh và tối tân hóa với các phương tiện hiện đại của Hải Quân trên thế giới văn minh.
Mai đây các chiến hạm tối tân với hỏa lực hùng hậu phù hợp với chiến trường duyên hải Việt Nam, sẽ được chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam từ Hải Quân Hoa Kỳ theo kế hoạch viện trợ của chính phủ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống John F Kennedy. Ông là một người có tiếng ủng hộ mạnh mẽ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm từ thuở ông Diệm còn lưu lạc tại tiểu bang New Jersey, được sự giúp đỡ của Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield và được bảo trợ khi tạm trú tại nhà thờ của Giám mục Spellman.
Trong tương lai, vào tháng 10 năm 1962, các tân Sĩ quan sẽ được đi thực tập trên các chiến hạm thuộc Ðệ thất Hạm đội Hoa Kỳ đang tuần tiểu trên biển Thái Bình Dương, sẽ có dịp ghé thăm viếng những hải cảng tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo, thành phố Kyoto, Osaka... Hải đảo lịch sử và căn cứ Mỹ tại Okinawa và nhiều nơi khác nữa.
Ngày ra trường của Sĩ quan Hải Quân là buổi lễ cuối cùng mà Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chủ tọa vì sau đó với tình hình căng thẳng trên các chiến trường đang sôi sục từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu.
Thêm vào đó sự chống đối của các tướng lãnh từ cuộc đảo chánh hụt trước đây đã không cho phép Ngô Tổng Thống có thì giờ chủ tọa các lễ lạc mãn khóa nữa.



(Kỷ niệm Khóa 10 SQHQ/NT trong ngày tốt nghiệp 14 tháng 7 năm 1962)

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6