Sunday, January 22, 2012

Trận hải chiến Hoàng Sa và nước mắt của vị Tư Lệnh Hải Quân



Lê Văn Thự 
Tháng 12-2008


Lời mở đầu: 
Tài liệu này đã được viết và phổ biến hạn chế đến một số bạn hữu tại Yukon,  tiểu bang Oklahoma Hoa Kỳ vào năm 1997. 
Trước khi gởi đến website để nhờ phổ biến, tôi đã xem lại và sửa đổi một vài chi tiết.
Tôi viết tài liệu này dựa trên những gì tôi còn nhớ  khi đảm nhận chức vụ Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Vùng I Duyên Hải trong thời gian xảy ra biến cố Hoàng Sa.  
Ngày 19-1-1974 tôi đã có mặt thường trực tại Trung Tâm, vì vậy nên những câu trao đổi giữa Tổng Thống Thiệu và Đô Đốc Thoại tôi vẫn còn nhớ cũng như hình ảnh của vị Tư Lệnh Hải Quân gục đầu rơi nước mắt khi nghe tin HQ 10 bị chìm tôi không bao giờ quên.
Ngoài ra lời kể lại từ các chiến sĩ đào thoát trên HQ 10 khi trở về Đà Nẵng về cái chết của người bạn cùng khoá với tôi là cố HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí vẫn còn in sâu trong trí nhớ tôi.
Vào những ngày cuối năm Qúy Mão (tháng 1- 1974), tình hình chiến sự giữa ta và Việt Cộng hơi tạm lắng dịu; ở nội địa như thế, nhưng ngoài quần đảo Hoàng Sa (HS) bọn Trung Cộng (TC) đã có hành động xâm lấn lãnh thổ của ta.

Ngày 15-1-1974 Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 của Hải Quân VNCH khởi hành ra HS. Chiến hạm chở theo phái đoàn Công Binh của Quân Đoàn I có nhiệm vụ khảo sát và nghiên cứu để xây một phi trường cho loại phi cơ vận tải cở nhỏ có thể đáp và cất cánh. Phi trường được dự trù xây trên đảo  Hoàng Sa (Pattle) là đảo lớn nhất trong nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo HS. Trên đảo này hiện có một Trung đội Địa Phương Quân của Tiểu khu Quảng Nam trấn giữ và có vài nhân viên điều hành đài khí tượng trực thuộc Nha Khí Tượng ở Sài Gòn.

Sau khi HQ 16 đưa toán Công Binh lên đảo thi hành nhiệm vụ, chiến hạm tuần tiểu chung quanh trong khi chờ đợi toán người này hoàn tất công tác sẽ đón họ trở lại tàu quay về Đà Nẵng. Trong khoảng thời gian này , nhân viên đi phiên của HQ 16 đã phát hiện có 2 tàu TC nằm gần đảo Cam Tuyền (Robert).

Thoạt đầu, họ tưởng là tàu đánh cá của Đài Loan, nhưng khi tiến lại gần thấy rõ tàu mang cờ TC. HQ 16 đánh đèn và yêu cầu họ rời khỏi hải phận của VNCH, nhưng tàu TC vẫn không nhúc nhích. HQ 16 bèn dùng loa phóng thanh và xử dụng nhân viên gốc Trung Hoa biết nói tiếng Tàu để báo cho 2 tàu TC biết đây là lãnh thổ của VNCH , nhưng cũng không đạt được kết quả. Sau đó HQ 16 tiếp tục di chuyển về hướng Đông và quan sát thấy trên đảo Quang Hòa (Duncan) có đài quan sát và lính TC mặc quân phục đã chiếm đóng đảo không biết từ lúc nào.

Tất cả mọi việc xảy ra đã được HQ 16 báo cáo về TTHQ/HQ/VIDH và nơi đây đã lập tức báo cáo về Bộ Tư Lịnh Hải Quân (BTL/HQ). Ngay sau đó BTL/HQ ra lịnh Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 tăng phái cho VIDH để nhận chỉ thị lên đường ra HS và HQ 4 đến vùng hoạt động ngày 17-1.

Cũng trong ngày 17-1, Tư Lịnh Hải Quân VIDH chỉ thị HQ 10 và HQ 5 khởi hành công tác HS. Khi đi  HQ 5 có chở theo HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc cùng toán Biệt Hải của Sở Phòng Vệ Duyên Hải và toán Người Nhái thuộc Liên Đoàn Người Nhái. Nhiệm vụ của HQ 5 và HQ 10 là để tăng cường cho HQ 4 và HQ 16.

Sáng ngày 18-1? (1),  Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm BTL/VIDH. Tổng Thống Thiệu đã được Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại TL/VIDH thuyết trình về tình hình quần đảo Hoàng Sa hiện có tàu và quân lính TC xuất hiện.

Sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu rời BTL/VIDH để tiếp tục chương trình thăm viếng Vùng II Chiến Thuật.

Sáng ngày 19-1, thi hành lịnh hành quân của TL/VIDH, Đại Tá Ngạc chỉ thị cho toán Người nhái và toán Biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hòa đang có quân TC chiếm đóng để yêu cầu bọn chúng rời khỏi đảo và xem phản ứng của chúng như thế nào. Nhưng khi lực lượng ta tiến vào đảo đã bị chúng nổ súng trước (chúng có công sự chiến đấu) và bên ta có 2 người tử thương. Toán đổ bộ nhận được lịnh rút lui trở về chiến hạm.

Cũng trong lúc này, từ Đà Lạt Tổng Thống Thiệu gọi điện thoại về TTHQ/HQ/VIDH hỏi :” Tình hình Hoàng Sa như thế nào rồi ?” TL/HQ/VIDH Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trả lời trực tiếp với Tổng Thống Thiệu :” Ta đổ bộ lên đảo có quân TC đã bị chúng bắn trả gây cho ta 2 tử thương” liền theo đó Tổng Thống Thiệu hỏi :”Như vậy Hải quân đã làm gì chưa?” Câu hỏi ngắn gọn của Tổng Thống Thiệu đã đưa Đô Đốc Thoại đến quyết định khai hỏa. 

Lúc 10 giờ sáng ngày 19-1-1974, TL/VIDH ra lịnh khai hỏa cho Đại Tá Ngạc, sau đó Đại Tá Ngạc phân phối nhiệm vụ các chiến hạm như sau : HQ 10 tác xạ lên đảo có quân TC (đảo Quang Hòa), HQ 4, 5 và 16 tác xạ vào các chiến hạm địch. Lịnh khai hỏa đã không được thi hành ngay lập tức vì Đại Tá Ngạc cứ xin thượng cấp xét lại chỉ thi với lý do là tàu của địch tốc độ nhanh, hỏa lực mạnh trong khi tàu của ta tốc độ chậm, hỏa lực kém.

Xét tới xét lui, cuối cùng TL/VIDH dứt khoát là không cứu xét nữa và yêu cầu Đại Tá Ngạc phải ra lịnh khai hỏa.

10 giờ 25 phút, các chiến hạm ta đồng loạt khai hỏa. Ngay lập tức TTHQ/HQ/VIDH gọi qua  TTHQ/Sư Đoàn I/KQ yêu cầu cho phi cơ F5A bay ra HS (đã được Chuẩn Tướng Khánh Tư Lịnh SĐI/KQ chấp thuận từ trước) nhưng đã được trả lời là  phi cơ F5A không thể chiến đấu ở HS vì F5A chỉ đủ nhiên liệu bay ra và bay về, không đủ nhiên liệu bay quần trên không.

Vào lúc giữa trưa, Tư Lịnh Hải Quân Đề Đốc Trần Văn Chơn vào TTHQ, HQ 5 báo cáo về TTHQ kết quả sơ khởi HQ 10 bị bốc cháy và đang chìm,  khoảng 70 thủy thủ đoàn của HQ 10 chết ngay lúc ban đầu trong đó có Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. Thủy thủ đoàn còn lại đang đào thoát bằng 4 bè tập thể. Về phía địch có 1 tàu bốc cháy. 

Nghe tin xấu về HQ 10, Đô Đốc  Trần Văn Chơn quá xúc động , ông gục đầu vào máy KW 58 nước mắt chảy dài.

Cũng trong thời gian này, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng gọi qua TTHQ  khuyến cáo nên ra chỉ thị cho các chiến hạm của ta trở về Đà Nẵng kẻo phi cơ MIG 21 và MIG 23 của TC cất cánh từ đảo Hải Nam sẽ oanh tạc đánh chìm . 

Được tin này TL/HQ ra lịnh HQ 4, HQ 5 và HQ 16 rời HS trở lại Đà Nẵng.

Tại trận chiến, chỉ còn lại HQ 10 đang từ từ chìm. Số thủy thủ đoàn xuống 4 bè đào thoát đang xuôi theo dòng nước, trong đó có Hạm Phó Nguyễn Thành Trí. Vì vết thương quá nặng và không được băng bó kỷ lưởng nên máu từ vết thương của HP  chảy ra hoài và cá mập cứ theo bám sát phía sau bè. Có lẽ biết trước là sẽ không sống thêm được bao lâu nữa nên HP Nguyễn Thành Trí đã bảo các nhân viên trên bè : ” hãy thả tôi xuống biển, nếu không cá mập cứ bám theo, các anh cũng sẽ chết hết.” Và ông đã hy sinh ngay trong đêm đầu tiên trên biển, các nhân viên đã đợi đến sáng để làm lễ thủy táng cho vị Hạm Phó của họ. (2)

Các bè vẫn tiếp tục trôi theo dòng nước, mặc dù các chiến hạm tuần tiểu ngoài khơi và phi cơ quan sát của Không quân cố gắng tìm kiếm , nhưng chẳng có kết quả.

Sau hơn 4 ngày trôi dạt trên biển Đông, các chiến sĩ HQ 10 đã được một thương thuyền Hòa Lan cứu vớt ngoài khơi Đà Nẵng và cũng vì hành động nhân đạo này vị Thuyền Trưởng và thủy thủ đoàn đã được chánh phủ VNCH trao tặng huy chương Nhân Dũng Bội Tinh.

Trận hải chiến đã mấy mươi năm trôi qua , quần đảo Hoàng Sa vẫn còn trong tay giặc phương Bắc, mặc dù lúc bấy giờ ta đã quyết tâm chiến đấu  nhưng cũng không giữ được. Trong trận hải chiến, hải quân VNCH đã ở thế bất lợi vì địa thế xa hậu phương, các chiến hạm của ta do Hoa Kỳ viện trợ đã được xử dụng từ đệ nhị thế chiến nên tốc độ chậm. hỏa lực kém. Dù biết thế nhưng chúng ta cũng phải đánh để chiếm lại lãnh thổ đã bị TC cưỡng chiếm và để thi hành quân lịnh.

Trận hải chiến này đã nói lên vài điểm chính yếu dưới đây :

- Đã chứng tỏ cho thế giới thấy tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH nói chung và Hải Quân nói riêng không phải như một vài giới chức có tước quyền của người bạn đồng minh Hoa Kỳ thời bấy giờ cho là quân đội ta thế này thế nọ. Họ chỉ nhìn vào một số binh sĩ vô kỷ kuật, một nhóm Sĩ Quan mất tác phong, kém đạo đức và một vài vị Tướng lãnh bất tài, hèn nhát, tham nhũng mà vội kết luận xấu về QL/VNCH.

- Đã cho thấy là Thủ Tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng đã vì lá cờ đỏ búa liềm mà vô lương tâm ký văn kiện nhượng đảo Hoàng Sa cho bọn Trung Cộng.

- Đã chứng tỏ cho tất cả chiến sĩ Hải Quân VNCH thấy được tình huynh đệ chi binh qua những giọt nước mắt của vị Tư Lịnh Hải Quân đã nhỏ xuống khi nghe tin Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 chìm.

- Đã cho thấy sự hy sinh cá nhân để cho đồng đội được sống còn ( Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bảo nhân viên thả mình xuống biển).

HQ Đại Úy Lê Văn Thự Trung Tâm Trưởng TTHQ  Vùng I Duyên Hải 1973-1975

CHÚ THÍCH:
- (1) tôi không nhớ chính xác về ngày giờ Tổng Thống Thiệu đến VIDH
- (2)  theo lời thuật lại từ các nhân viên HQ 10 sau khi họ được đưa về Đà Nẵng.

Bạn Huỳnh Đề, Oklahoma  chuyển

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...