Friday, January 6, 2012

Chuyên gia Nga nói tường tận về chiến lược hải quân của TQ


(GDVN) - Hải quân Trung Quốc đang thực thi những chiến lược và nhiệm vụ cụ thể để vươn mạnh ra đại dương. Tờ “Bình luận quân sự độc lập” Nga đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Alexander Shihundorf và Nicholas Jiebin của Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản - Viện Viễn Đông – Viện Khoa học Nga cho rằng, do sức mạnh Hải quân Trung Quốc được tăng cường, phòng tuyến trên biển của TQ tiếp tục mở rộng và củng cố, tiền tuyến phòng thủ trên biển cũng bắt đầu mở rộng ra đại dương.

Ba hạm đội trên biển
Các chuyên gia Nga cho rằng, Hải quân là một trong ba quân chủng lớn độc lập của Quân đội Trung Quốc, có trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân nằm tại Bắc Kinh. Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London-Anh thống kê cho hay, đến năm 2010, Hải quân Trung Quốc có tổng số 215.000 quân, lực lượng dự bị có tính tổ chức là 40.000 quân.
Các binh chủng chủ yếu bao gồm lực lượng tàu nổi, lực lượng tàu ngầm, lực lượng không quân, lực lượng phòng thủ bờ biển và lực lượng thủy quân lục chiến, ngoài ra còn có lực lượng phòng không, lực lượng đặc nhiệm, cơ quan hậu cần.
 
Tàu khu trục 054A của Hạm đội Nam Hải - Trung Quốc
Về thể chế tổ chức, Hải quân Trung Quốc do 3 hạm đội cấu thành, gồm: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Hạm đội là quân đoàn chiến dịch, chiến lược chính của Hải quân Trung Quốc, Thủy cảnh khu là binh đoàn chiến thuật, chi đội tàu chiến (tương đương trung đoàn) và đại đội tàu chiến (tương đương tiểu đoàn) là lực lượng chiến thuật.
Hạm đội Hải quân Trung Quốc có các khu vực hoạt động là các vùng biển tương ứng hay vùng biển xa chiến lược, mỗi hạm đội thực hiện nhiệm vụ trong một khu vực phòng thủ nhất định, trong thời bình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, khi chiến tranh xảy ra làm nhiệm vụ tác chiến.
Theo các chuyên gia Nga, Hạm đội Bắc Hải có tiền duyên khu vực hoạt động từ đường bờ biển biên giới Trung-Triều (sông Áp Lục) đến thành phố cảng Liên Vân, giáp giới với Quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh và Tế Nam, kéo ra phía đông, bao gồm biển Bột Hải và Hoàng Hải. Hạm đội Bắc Hải có 9 khu vực phòng thủ bờ biển, có Bộ Tư lệnh ở Thanh Đảo và các căn cứ ở Lữ Thuận và Uy Hải.
Hạm đội Đông Hải có khu vực hoạt động từ thành phố cảng Liên Vân đến huyện Đông Sơn, điểm cực nam của tỉnh Phúc Kiến, giáp giới với Quân khu Nam Kinh, kéo sang phía đông, bao gồm biển Hoa Đông. Hạm đội Đông Hải có 7 khu vực phòng thủ bờ biển, có Bộ Tư lệnh tại Ninh Ba và các căn cứ ở Thượng Hải, Hàng Châu, Ôn Châu, Phúc Châu, Hạ Môn.
 
Hạm đội Đông Hải tập trận
Còn khu vực hoạt động của Hạm đội Nam Hải được tính từ huyện Đông Sơn – Phúc Kiến đến biên giới Trung-Việt, bao gồm các tỉnh, thành phố duyên hải Trung Quốc, Đặc khu Hành chính Hồng Kông, biển Đông, eo biển Đài Loan, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippinese và kéo ra ngoài biển.
Chiến lược chủ yếu
Chuyên gia Nga cho rằng, mục tiêu giai đoạn một của Kế hoạch hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc là tạo điều kiện giữ vững tăng cường sức chiến đấu một cách ổn định, xây dựng được cụm chiến đấu tàu chiến có mô hình tác chiến tốt, hoạt động có hiệu quả trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, gồm đảo Ryukyu, quần đảo Philippinese, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông.
Mục tiêu giai đoạn hai của Kế hoạch này là, đến năm 2016, tăng cường mạnh mẽ sức chiến đấu cho Hải quân Trung Quốc, có thể tiến hành hoạt động hiệu quả ở phạm vi chuỗi đảo thứ hai, hoạt động tự do ở quần đảo Kuril, đảo Okinawa, quần đảo Mariana, quần đảo Caroline, New Guinea, biển Nhật Bản, biển Philippinese và quần đảo Indonesia.
 
Tàu Thẩm Dương 051C số hiệu 115 của Hạm đội Bắc Hải
Về lý luận, Hải quân Trung Quốc coi chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ hai là khu vực địa lý cơ bản của phòng tuyến trên biển Trung Quốc. Trên cơ sở phân tích chi tiết các chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là chiến tranh Iraq và Nam Tư, các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đã đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược quân sự quốc gia giai đoạn mới, trong đó một nội dung chủ yếu là chủ động phòng ngự.
Dựa trên chiến lược phòng ngự chủ động trên biển tương ứng, Hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ chủ yếu là chống lại sự xâm lược biển gần từ đại dương, bảo đảm phòng không duyên hải và phòng ngự chống đổ bộ, ngăn chặn đối phương chiếm ưu thế chủ đạo ở khu vực duyên hải Trung Quốc, thiết thực bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển;

tạo điều kiện an ninh để bảo vệ các hoạt động trên biển cũng như các hoạt động khác của Trung Quốc ở lãnh hải, khu kinh tế, thềm lục địa và khu vực biển xa; tạo điều kiện tốt cho các quân chủng khác hoạt động ở hướng duyên hải; bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển quan trọng; bảo đảm an ninh trên biển cho các tàu thuyền và cơ sở dân sự của Trung Quốc.
Lực lượng hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc cần tiến hành ngăn chặn hạt nhân tin cậy, đề phòng xâm lược hạt nhân và chiến tranh quy mô lớn có sử dụng vũ khí thông thường, bao gồm vũ khí chính xác cao có hiệu quả tác chiến tương đương vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nguyên tắc chỉ đạo chiến lược phòng ngự chủ động của Hải quân Trung Quốc còn yêu cầu phối hợp hiệu quả và tiến hành các hành động trên biển, quy định các loại hình tác chiến tiến công và phòng ngự, chủ yếu là tổ chức phong tỏa trên biển và chiếm đoạt đảo, tiến hành nhảy dù và tác chiến đổ bộ, phá hoại tuyến đường giao thông trên biển, tiến hành tấn công các mục tiêu của đối phương trên biển, tiêu diệt cụm chiến đấu tàu chiến của đối phương, bảo vệ các căn cứ cảng biển đóng quân, tiến hành tác chiến phòng không và chống đổ bộ, bảo đảm an toàn hàng hải.
Nhiệm vụ chính trị ở nước ngoài
Các chuyên gia Nga cho rằng, cùng với sự phát triển của lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển và việc triển khai tuần tra chiến đấu thông thường của tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược của Trung Quốc, bảo đảm cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược tác chiến ổn định ở khu vực triển khai, hoàn thành thuận lợi phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm - một trong những chức năng chính của Hải quân Trung Quốc.
Với việc tăng cường uy tín và ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc và tiếng nói của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác tăng lên, Hải quân Trung Quốc đã bổ sung thêm nhiệm vụ hỗ trợ Liên Hợp Quốc tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình, gây sức ép cho các bên xung đột thực hiện hòa bình.
 
Căn cứ tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc
Nhiệm vụ này đã được ghi nhận trong các thỏa thuận quốc tế song phương hoặc đa phương. Thông qua phương thức tổ chức tập trận chung trên biển với nước khác, Hải quân Trung Quốc thực hiện chức năng quốc tế này, bao gồm tập trận cứu trợ trên biển, sơ tán các thuyền viên gặp nạn, ứng phó với sự cố kỹ thuật, vận chuyển vật tư nhân đạo và trang bị hạng nặng, giúp tái thiết các công trình và nhà ở khu vực thiên tai. Tiến hành hợp tác tấn công cướp biển hay độc lập tiến hành hộ tống cũng có tác dụng quan trọng.
Với việc sức mạnh tổng thể và vị thế cường quốc thứ hai thế giới của Trung Quốc được nâng lên, Hải quân Trung Quốc còn đảm đương nhiệm vụ phô trương sức mạnh của Trung Quốc với bên ngoài, qua đó bảo đảm cho Trung Quốc hiện diện quân sự ở các đại dương trên thế giới (có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc), tập trung thông qua các hoạt động có tính chất phi quân sự để tuyên truyền phương châm chính trị của Trung Quốc, gây ảnh hưởng lên các nước khác.
Đặc điểm có tính chất quân sự rõ ràng chủ yếu là tập trận, huấn luyện và tiến hành các chuyến thăm, trong đó bao hàm nhân tố sử dụng hoặc răn đe sử dụng vũ lực nhằm tác động đến một quốc gia hay nhóm quốc gia nào đó, buộc đối phương phải nhượng bộ. Hơn nữa trong tương lai không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
 
Trung Quốc đang phát triển tàu sân bay
Theo các chuyên gia Nga, để loại bỏ tính chất can dự của khái niệm “điều động binh lực”, các nhà hoạt động quân sự Trung Quốc thường nhấn mạnh, hành động này không nhằm để bảo đảm sự hiện diện quân sự lâu dài ở nước ngoài, mà nhằm có được khả năng điều động binh lực tới các khu vực đặc biệt.
Báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc hàng năm của Mỹ cho rằng, cấp cao Trung Quốc từng nhấn mạnh, khả năng điều động binh lực là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sức mạnh quân sự và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Theo đó, cần sử dụng các biện pháp có thể, nhanh chóng nâng cao khả năng tiến hành cơ động nhanh chóng lực lượng và vũ khí của quân đội ở tất cả các hướng lục, hải, không quân.
Những năm gần đây, Trung Quốc và các nước Đông Á, Đông Nam Á khác xảy ra xung đột ngày càng kịch liệt trong tranh chấp chủ quyền biển đảo và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa. Các nước này không chỉ được Mỹ ủng hộ, mà còn được Mỹ cam kết bảo vệ quân sự, khiến cho Trung Quốc phải thận trọng hơn khi quy hoạch khu vực phòng thủ của các hạm đội;

căn cứ vào tình hình khách quan như sự thay đổi của tình hình thế giới và khu vực về quân sự, chính trị và kinh tế, sự xuất hiện của vũ khí mới, sự tăng cường sức chiến đấu của vũ khí trang bị hải quân và phương thức sử dụng mới, Trung Quốc tiến hành điều chỉnh tương ứng một cách thích hợp.
Vịnh Bột Hải, Hoàng Hải và eo biển Đài Loan
Các chuyên gia Nga cho rằng, vịnh Bột Hải có vị trí địa lý, hình dáng đặc biệt, đã trở thành khu vực phòng thủ trên biển rất tốt, không những khiến cho các tàu nổi và tàu ngầm của đối phương khó tiếp cận được, hơn nữa còn là khu vực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm khá lý tưởng.
Đồng thời, tàu chiến Trung Quốc có thể tự do ra vào biển Hoàng Hải, hỗ trợ cho Hạm đội Bắc Hải có thể kiểm soát hiệu quả Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Hải quân Hàn Quốc và các hoạt động của tàu chiến Mỹ (triển khai ở các căn cứ tại Nhật Bản) ở biển Hoàng Hải.
 
Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược 094
Do Mỹ-Nhật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tác chiến, cộng với khả năng tham gia của Hàn Quốc, một nhiệm vụ rất quan trọng khác của Hạm đội Nam Hải là ngăn chặn tàu chiến của các nước này tiến vào khu vực có thể đánh chặn được tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa của Trung Quốc.
Các chuyên gia Nga cho biết, vấn đề Đài Loan vẫn là vấn đề mà Trung Quốc rất lo ngại và tiếp tục quan tâm, mặc dù những năm gần đây, bầu không khí căng thẳng hai bờ đã giảm xuống rõ rệt. Mặt khác, chính phủ Tổng thống Obama tuyên bố chuẩn bị bán cho Đài Loan vũ khí trị giá lên tới gần 6 tỷ USD, bao gồm UH-60, hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3, tên lửa chống hạm Harpoon.
Để ủng hộ Đài Loan xây dựng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo và trinh sát tự động hóa, Mỹ còn cung cấp cho Đài Loan hệ thống xử lý thông tin đa năng phức tạp nhất về công nghệ. Ngoài ra, Mỹ còn chuyển nhượng không hoàn lại cho Hải quân Đài Loan tàu quét mìn hiện đại.
Điều làm cho Trung Quốc bất an hơn là, Đài Loan còn gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tác chiến của Mỹ-Nhật.
Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp ứng phó, ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp, chỉ rõ cần toàn lực ngăn chặn Mỹ cuốn vào xung đột eo biển Đài Loan trong bất cứ tình huống nào.
 
Trung Quốc đã phát triển thành công máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, để ứng phó với mối đe dọa Mỹ can thiệp vấn đề Eo biển Đài Loan, cần phải tiếp tục ra sức tăng cường sức mạnh hải quân, đặc biệt là mở rộng phạm vi đáp trả, bảo đảm có được khả năng tiêu diệt cụm chiến đấu tàu chiến đối phương khi tiếp cận khu vực tác chiến Tây Thái Bình Dương, đồng thời tích cực xây dựng cụm chiến đấu tàu chiến duyên hải của Trung Quốc.
Trung Quốc sử dụng “lực lượng chống can dự” chủ yếu nhằm ngăn chặn thế lực bên ngoài can thiệp xung đột eo biển Đài Loan, được sử dụng các loại lực lượng, vũ khí để tiến hành các hoạt động phong tỏa, bảo đảm đoạt được quyền kiểm soát khu vực eo biển Đài Loan, ngăn chặn cụm chiến đấu tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực chiến đấu theo giả thiết hoặc thực tế.
Để hoàn thành nhiệm vụ chống can dự, Trung Quốc có kế hoạch sử dụng toàn diện các lực lượng, vũ khí trang bị, sử dụng các thủ đoạn như trên không, mặt biển, dưới biển, phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy, tác chiến điện tử và tác chiến thông tin, xây dựng và hoàn thiện sách lược vận dụng linh hoạt các lực lượng và vũ khí trang bị, cuối cùng hình thành hệ thống tác chiến đa tầng độc lập với nhau, bảo đảm cho khu vực hoạt động có hiệu quả của Trung Quốc bao trùm Tây Thái Bình Dương - vùng biển nước sâu trên 1.500 km.
Giáo sư Đại học Quốc phòng Mỹ Bernard Coward cho rằng, trong 10 năm tới, cùng với Không quân, Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ là công cụ chủ yếu tác động đến nhà cầm quyền Đài Loan.
 
Tập trận phóng thẳng tên lửa
Nếu Trung Quốc có thể triển khai thuận lợi tuần tra và phong tỏa cho dù chỉ có hơn 10 tàu ngầm hạt nhân đa năng, duy trì trong vòng 1 tháng, Đài Bắc chắc chắn sẽ đưa ra quyết định tốt nhất là đàm phán với Bắc Kinh, chứ không triển khai các hoạt động chiến đấu quy mô lớn.

Nhưng các nhà lý luận quân sự TQ hoàn toàn không loại trừ khả năng thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời tính đến phương án hành động tác chiến liên hợp giữa các quân chủng, bảo đảm toàn diện tiến hành đổ bộ liên hợp hải, không quân ở ven bờ Đài Loan.
Trong các chiến dịch đổ bộ bờ biển, Hải quân sẽ đóng vai trò mang tính quyết định, Lục quân, Không quân và Lực lượng Nhảy dù Bộ binh Trung Quốc cũng sẽ tham gia. Hải quân cần bảo đảm các trang bị đổ bộ trên biển, hộ tống lực lượng đổ bộ đến khu vực đổ bộ, chiếm lấy trận địa trên bờ biển, đồng thời tạo điều kiện có lợi cho Lực lượng đổ bộ của Hải quân,

Lực lượng Nhảy dù Bộ binh của Không quân đổ bộ ở ven bờ Đài Loan, yểm trợ cho lực lượng đổ bộ phòng bị sự tấn công từ trên biển và trên không của đối phương, bảo đảm an ninh trên biển và trên không cho khu vực xuất phát, vùng biển vượt qua và khu vực đổ bộ, chế áp lực lượng phòng ngự chống đổ bộ của đối phương, triển khai các hành động chống tàu ngầm, quét mìn, ủng hộ và bảo đảm cho đổ bộ chiếm đóng bờ biển, đồng thời tích cực cấp cứu và sơ tán thương binh.
Biển Hoa Đông - cửa ngõ trên biển
Các chuyên gia Nga cho rằng, mục tiêu chủ yếu của chiến lược xây dựng hiện đại hóa và phát triển lâu dài của Hải quân Trung Quốc là tăng cường sức chiến đấu cho các lực lượng, nâng cao và hoàn thiện trình độ xây dựng các lực lượng có chất lượng, bảo đảm ngăn chặn Mỹ can thiệp vào tình hình khó dự đoán ở eo biển Đài Loan.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng và thực tế hơn là ngăn chặn quân đội Mỹ điều động lực lượng tới khu vực có ý nghĩa rất quan trọng đối với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, chủ yếu là biển Hoa Đông, đặc biệt là eo biển Đài Loan và vùng biển xung quanh.
 
Hộ tống trên đại dương
Chuyên gia Nga cho rằng, biển Hoa Đông luôn được coi là cửa ngõ trên biển của Trung Quốc, hiện biển Hoa Đông cũng được Trung Quốc gọi là khu vực quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược mang tính nguyên tắc đối với việc bảo đảm an ninh quân sự quốc gia.
Biển Hoa Đông hội tụ nhiều tuyến đường giao thông trên biển quan trọng, có tài nguyên hải sản và nghề cá phong phú, khu vực thềm lục địa còn có trữ lượng dầu khí và kim loại hiếm phong phú.
Tại khu vực này, Trung-Nhật luôn có xung đột gay gắt trong vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư. Mùa hè năm 2010, tàu chiến của Cục Bảm đảm An ninh Biển Nhật Bản đã dùng vũ lực bắt giữ tàu cá và thuyền viên của Trung Quốc, khiến cho quan hệ hai nước tụt dốc nhanh chóng. Tàu chiến hai nước thường xuyên đối mặt và không nhượng bộ lẫn nhau tại khu vực này.
 
Hải quân lục chiến tập trận đột kích trên biển
Quy mô hiện diện của tàu chiến TQ ở biển Hoa Đông, gần đảo Điếu Ngư lớn hơn một chút so với Nhật Bản, hơn nữa tàu chiến Trung Quốc hầu như thường trú ở đó.
Để xác lập đặc quyền của mình ở khu vực thềm lục địa biển Hoa Đông, gần đây Trung Quốc tích cực khảo sát và nghiên cứu tình hình đáy biển Hoa Đông, phía chính quyền giải thích là hoạt động này nhằm thăm dò dầu khí, nhưng trên thực tế còn có thể là đang xây dựng sơ đồ chi tiết về sự thay đổi độ sâu đáy biển và thềm lục địa đáy biển. Điều này rất quan trọng trong bảo đảm cho hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.
Chuyên gia Nga cho rằng, đầu năm 2010, 10 tàu chiến Hải quân Trung Quốc (gồm tàu khu trục trang bị tên lửa) đã đi vào khu vực đảo cực nam của Nhật Bản về phía tây, máy bay trực thăng tuần tra của Trung Quốc 2 lần bay sát trên không gần tàu khu trục Nhật Bản.
Một khi Trung-Nhật bùng phát xung đột, và lại không thể nhanh chóng hòa giải, Mỹ có thể can thiệp. Trong tình hình đó, sự phát triển của tình hình sẽ rất nguy hiểm, quy mô chiến tranh khu vực có thể sẽ mở rộng. Trên thực tế, đằng sau tranh chấp trong vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư, đã phát hiện 4 mỏ dầu khí lớn ở khu vực thềm lục địa của hòn đảo này.
 
Thường xuyên tập trận đổ bộ
Các chuyên gia nhận định, trữ lượng dầu khí của nó có thể sẽ đóng vai trò tương đối quan trọng đối với cung ứng năng lượng cho Trung Quốc hoặc Nhật Bản trong thời gian khá dài. Mặc dù năm 2006, Trung-Nhật từng đạt được thỏa thuận gác lại tranh chấp, cùng khai thác các hòn đảo tranh chấp, nhưng xung đột nghiêm trọng giữa hai bên đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Biển Đông và eo biển Malacca
Các chuyên gia Nga cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài, đặc biệt là năng lượng, thiết bị công nghệ cao và linh kiện có liên quan.
Tuyến đường giao thông trên biển chủ yếu để đưa dầu mỏ nhập khẩu từ vịnh Péc-xích về Trung Quốc, phải chạy qua Eo biển Malacca và biển Đông, đây cũng là tuyến đường quan trọng chiến lược để hàng hóa Trung Quốc đi ra thị trường thế giới.
 
Tàu chiến Lan Châu và Côn Lôn Sơn hoạt động trên Ấn Độ Dương
Vì vậy, hai khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu phong tỏa eo biển Malacca có thể phá hoại tự do thương mại của tuyến đường giao thông ở biển Đông, chắc chắn khiến cho kinh tế Trung Quốc rơi vào khó khăn, cuối cùng đe dọa đến sự ổn định của Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng, Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy hòa bình. Để bảo đảm hệ thống căn cứ cảng trong khu vực hoạt động ngày càng mở rộng của cụm chiến đấu Hải quân Trung Quốc, Trung Quốc không chỉ tích cực tiến hành xây dựng hiện đại hóa các căn cứ hải quân hiện có, mà còn đang xây dựng các căn cứ mới và căn cứ tiền duyên.
Hiện nay, căn cứ lớn nhất của Hải quân Trung Quốc được xây dựng ở vịnh Á Long, khu vực lân cận Tam Á, tỉnh Hải Nam. Ở đây bảo vệ nghiêm ngặt, có thể đồng thời neo đậu một số tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược và tàu ngầm hạt nhân đa năng, cũng như các tàu nổi cỡ lớn như tàu sân bay.
Các công trình ngầm của căn cứ đầy đủ, có thể bảo đảm cho tàu ngầm đa năng phóng ra biển qua 3 đường hầm, bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển rất quan trọng. Công trình này không chỉ có thể bảo đảm khả năng sinh tồn và tính ổn định trong chiến đấu khá cao của tàu ngầm Trung Quốc, hơn nữa còn có thể bí mật triển khai cụm tấn công tàu ngầm, răn đe đối phương tại khu vực chiến lược quan trọng nhất, đặc biệt là biển Đông.
Các chuyên gia Nga cho rằng, gần đây Trung Quốc còn coi trọng vấn đề xây dựng căn cứ neo đậu của hải quân ở ven bờ Ấn Độ Dương. Để củng cố vị thế của mình ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Sri Lanka cung cấp viện trợ kinh tế xây dựng khu cảng biển Hambantota, tích cực viện trợ xây dựng cảng biển container và hạ tầng cơ sở tương ứng.
 
Tên lửa hạm đối không SA-N-6 trang bị cho tàu chiến 051C
Động thái tham gia xây dựng cảng nước sâu Gwadar – Pakistan của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Cảng biển này có vị trí chiến lược rất quan trọng, cách biên giới Pakistan và Iran chỉ 70 km, cách eo biển Hormuz 400 km, là nơi tuyến đường biển xuất khẩu dầu mỏ của các nước vùng Vịnh phải đi qua.

Hải quân Trung Quốc nếu đóng quân tại cảng biển này, sẽ bảo đảm an toàn cho tuyến đường biển nhập khẩu dầu mỏ của mình, đồng thời kiểm soát tuyến đường biển cung ứng dầu khí của các nước Đông Nam Á, hơn nữa phần nào còn có thể hạn chế tự do hoạt động của Hải quân Mỹ.

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6