Monday, June 10, 2013

Lực lượng Phòng vệ Nhật chuẩn bị thay tên, chuyển mình _NgV



Lực Lượng Phòng Vệ Nhật

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật (LDP) đã tán thành tái vũ trang trên quy mô lớn cho lực lượng hải quân và trên bộ của nước này.


Chương trình cải tổ sẽ tập trung vào việc thành lập quân đoàn Thủy quân lục chiến, nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không, cũng như trang bị cho quân đội và hải quân vũ khí hiện đại có thể tấn công các căn cứ hải quân của đối phương.
Theo báo Sự thật (Pravda) của Nga, hôm 30.5 vừa qua, Hội đồng Quốc phòng của LDP đã phê duyệt dự thảo tái vũ trang toàn diện lực lượng phòng vệ nước này. Đây là sự kiện nhằm mục đích đổi tên Lực lượng phòng vệ Nhật thành quân đội quốc gia đúng nghĩa.
Sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, người Nhật không được phép có lực lượng vũ trang chính thức. Nước này đã thông qua một hiến pháp mới hạn chế đáng kể năng lực quân sự của mình, ngay cả trong điều kiện tự vệ. Nhật không được phép sở hữu vũ khí tấn công, bao gồm cả máy bay ném bom cũng như hệ thống phóng tên lửa tầm ngắn và tầm xa.

Đổi tên Lực lượng Phòng vệ
left align image
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (trái) là một những nhà lý luận chính đứng sau chương trình tái vũ trang đại quy mô của Nhật

Các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và Gen Nakatani thuộc LDP là những nhà lý luận chính đứng sau chương trình tái vũ trang quy mô lớn của Nhật. Hiện nay, bản dự thảo chương trình cải tổ đã được phê duyệt và trình chính phủ xem xét. Ông Shigeru Ishiba tuyên bố rằng những hạn chế áp đặt sau chiến tranh liên quan đến quy mô các lực lượng vũ trang của Nhật đã lỗi thời từ lâu.
Thật vậy, Lực lượng Phòng vệ Nhật đã và đang tích cực phát triển. Hiện nước này xếp hạng thứ 5 trên thế giới về chi tiêu quân sự. Chi phí mua sắm vũ khí mỗi năm khoảng 44 tỉ USD, nhưng nước này không thể tham gia vào việc sản xuất, mua sắm tên lửa hành trình với tầm hoạt động khác nhau, kể cả máy bay ném bom chiến lược có khả năng tấn công quy mô lớn.
Báo Sự thật của Nga hôm 6.6 dẫn lời ông Ishiba cho rằng, đây chính là thời điểm Nhật có quyền chính thức thành lập một Quân đội Quốc gia đúng nghĩa. Tuy nhiên, ông nói thêm, điều đầu tiên là hiến pháp của nước này phải được sửa đổi để loại bỏ tên "Lực lượng phòng vệ".
Nếu thay đổi trong hiến pháp có hiệu lực, quân đội Nhật có thể tiến hành những cuộc không kích toàn diện nhằm vào các căn cứ quân sự của đối phương, cũng như tăng cường năng lực của các lực lượng phòng thủ tên lửa do tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Nhật cũng sẽ thành lập các đơn vị Thủy quân lục chiến có khả năng bảo vệ các đảo xa của Nhật ở Thái Bình Dương, như trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi Nhật giao chiến với đồng minh thân cận nhất hiện nay của mình là Mỹ.
Trước hết, nhà chức trách Nhật muốn giải quyết vấn đề về khả năng thực hiện các cuộc không kích vào căn cứ quân sự của đối phương. Sự xuống cấp nghiêm trọng trong mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên có thể buộc chính phủ Nhật phải tính tới khả năng xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân và tên lửa.
Nhưng trước hết, quân đội Nhật phải được trang bị tên lửa hành trình tầm ngắn và máy bay ném bom chiến lược. CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa thực hiện các cuộc không kích với mục tiêu là các căn cứ Mỹ trên đất Nhật. Bình Nhưỡng từng di chuyển các bệ phóng tên lửa tới bờ biển phía đông, và sẵn sàng để phóng bất cứ lúc nào.

Mối đe dọa Trung Quốc

Ngoài các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, nhà chức trách Nhật còn có những lo ngại khác trong khu vực. Mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi trong những năm gần đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc LDP đề xuất ý tưởng thành lập các đơn vị Thủy quân lục chiến. Trước hết, là các cuộc tấn công có thể xảy ra tại quần đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku, còn phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tại một hội nghị gần đây tại Potsdam (Đức), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công khai tuyên bố Nhật đã “đánh cướp” quần đảo này từ Trung Quốc và phải hoàn trả lại ngay. Ông nói rằng sau Thế chiến thứ 2, Nhật đã ký một tuyên bố trong đó cam kết sẽ trả lại tất cả các đảo bị chiếm đóng cho Trung Quốc. Và Trung Quốc bằng mọi giá sẽ lấy lại quần đảo này.
Đáp lại, chính phủ Nhật lên án lời tuyên bố của ông Lý Khắc Cường là đáng hổ thẹn. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho rằng tuyên bố từ phía Trung Quốc đã bỏ qua lịch sử, và Nhật không thể đồng ý với nước này trong bất kỳ cách thức nào. Ông Yoshihide Suga nói thêm rằng từ trước tới nay quần đảo Senkaku luôn là một phần lãnh thổ của Nhật cả trong quan điểm lịch sử và dân tộc.
Sau lời tuyên bố từ đại diện của Trung Quốc, nhà chức trách Nhật đã quyết định tăng cường trang bị cho các lực lượng vũ trang của mình bằng lực lượng xe chiến đấu đổ bộ AAV7 và máy bay V-22 Osprey của Mỹ.

Ông Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Viễn Đông (Nga), cho rằng vũ khí tấn công của Nhật có thể được triển khai bất kỳ hướng nào.
Ông Valery Kistanov nói: “Mục tiêu trước mắt sẽ là CHDCND Triều Tiên và dĩ nhiên sau đó là Trung Quốc. Việc gia tăng sức mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật là do sự tăng cường năng lực tên lửa hạt nhân từ phía Trung Quốc. Và dù sao đi nữa Nhật cũng sẽ tiếp tục chi tiêu hàng tỉ đô la vào ngành công nghiệp quân sự. Các chính trị gia và nhà phân tích chính trị Nhật cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Hai yếu tố này được coi là mối đe dọa trực tiếp đến Nhật, và vì thế nước này sẽ tích cực tái vũ trang".
Ông Valery Kistanov cũng lưu ý rằng việc sửa đổi hiến pháp của Nhật biểu lộ sự thắt chặt chính sách đối ngoại của nước này. "Thủ tướng Shinzo Abe là một người cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc. Ông ta tin rằng Nhật đã bị nhiều hạn chế về quân sự không xứng đáng, và điều đó cản trở nước này trở thành một cường quốc thật sự", ông Kistanov nói.

Báo Sự thật cho biết, chính phủ Nhật gần đây đã tăng mạnh chi tiêu vào các ngành công nghiệp quân sự. Nước này có kế hoạch nâng cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 bằng những bộ điều khiển thông minh JDAM của Mỹ nhằm tăng cường độ chính xác cho các vụ không kích.
Ngoài ra, trong năm tới, nhà chức trách Nhật có kế hoạch tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên của chiến đấu cơ tàng hình. Nước này đã đầu tư 470 triệu USD để chế tạo một chiếc máy bay "vô hình" đối với các hệ thống radar. Dự án đã được hãng Mitsubishi triển khai vào năm 2009. Theo đó, chiếc máy bay đầu tiên sẽ được đặt tên là "Sin-Sin" và được thực hiện theo công nghệ máy bay tàng hình của Mỹ.
Sự gia tăng chi tiêu quân sự đã gây ra nhiều lo ngại nghiêm trọng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất kế hoạch thành lập quân đội của Nhật. Một đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ trương rằng các nước châu Á và cộng đồng thế giới cần đặc biệt quan tâm đến những nỗ lực tăng cường lực lượng vũ trang của Nhật. Vị này lưu ý thêm rằng Nhật đã khởi động cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 ở châu Á.
Washington, ngược lại, chấp thuận các kế hoạch mở rộng chương trình quân sự của Tokyo. Mỹ hiện đang có 50.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật. Việc tăng cường năng lực quân sự của Tokyo sẽ cho phép Washington tăng cường quan hệ với Nhật và có được một bàn đạp thuận lợi để gây áp lực lên Trung Quốc.
Có nhiều nghi vấn sẽ xuất hiện trong trường hợp kế hoạch cải cách quân sự do LDP đề xuất được chính phủ thông qua và quốc hội Nhật phê chuẩn. Các nước châu Á hiện đang quan tâm nghiêm túc đến hoạt động của Nhật trong lĩnh vực quốc phòng với nhiều lo ngại.
Rõ ràng là việc Nhật tăng cường sức mạnh quân sự sẽ không góp phần làm giảm căng thẳng trong khu vực. Thực tế, nó sẽ tạo ra vòng xoáy mới của cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là ở các nước đã từng bị Nhật chiếm đóng trong Thế chiến thứ 2, sẽ không đứng ngoài cuộc chỉ để quan sát nước này thực hiện công cuộc tái vũ trang.

Nhật muốn “copy” Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ
left align image

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (Reuters photo)
Sau khi đảng LDP cầm quyền thông qua kế hoạch cải cách quốc phòng, nội các Nhật Bản lại phê chuẩn dự luật thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia.Chính phủ Abe ngày 7/6 đã thông qua dự luật thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm tăng cường quyền kiểm soát của Thủ tướng về chính sách đối ngoại, khi Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Thủ tướng Abe muốn thành lập một hội đồng theo khuôn mẫu Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng để tập trung thu thập thông tin và tăng tốc độ ra quyết định.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã đưa ra một cấu trúc cho phép Nhật Bản giám sát toàn diện an ninh của đất nước”.
Dự luật này sẽ được trình lên kỳ họp hiện nay của Quốc hội Nhật Bản (kết thúc vào ngày 26/6) để có thể phê chuẩn ban hành trong một phiên họp đặc biệt vào mùa thu.
Việc thành lập một cơ quan an ninh quốc gia đã trở nên bức thiết do những đe dọa gần đây của Triều Tiên và do vụ đột kích bắt cóc con tin đẫm máu tại một nhà máy khí đốt tự nhiên ở Algeria. Trong vụ này, 10 công dân Nhật Bản đã bị thiệt mạng.
Ở Biển Hoa Đông, tranh chấp biển đảo đã leo thang đến mức Bắc Kinh và Tokyo đưa máy bay chiến đấu và tàu tuần tra giám sát lẫn nhau, dẫn đến nguy cơ một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn.

Một dự luật tương tự đã từng được trình lên Quốc hội Nhật Bản cách đây 6 năm, khi ông Abe giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng dự luật này đã bị hủy bỏ, sau khi Thủ tướng Abe phải từ chức.
Trong khuôn khổ Hội đồng An ninh Quốc gia, thủ tướng, chánh văn phòng nội các, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng sẽ gặp gỡ thường xuyên để đề ra chiến lược, trong khi các bộ trưởng có liên quan sẽ được triệu tập để đối phó với các tình huống khẩn cấp.

Các bộ ngành sẽ được yêu cầu nhanh chóng cung cấp thông tin quan trọng để giúp Hội đồng An ninh Quốc gia đóng vai trò chỉ huy trong việc đề ra chính sách an ninh và xử lý các trường hợp khẩn cấp quốc gia.
Hội đồng an ninh gồm 9 bộ trưởng hiện nay đã bị chỉ trích là quá cồng kềnh, mất nhiều thời gian để chia sẻ thông tin quan trọng.
Trong một động thái nhằm thúc đẩy khả năng quốc phòng của Nhật Bản, Thủ tướng Abe cũng đã đề xuất sửa đổi hiến pháp hòa bình hiện hành do Mỹ soạn thảo để nới lỏng những hạn chế đối với quân đội.

Nhà phân tích Koichi Oizumi, giáo sư Đại học Aomori Chuo Gakuin, cho biết sự ra đời của Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ là một bước đi đúng hướng, nhưng Nhật Bản vẫn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đào tạo các chuyên gia tình báo.
Giáo sư Oizumi nói: “Điều quan trọng là đào tạo con người, một quá trình tiêu tốn thời gian và tiền bạc. Người ta có thể thiết lập một hệ thống, nhưng làm thế nào mà hệ thống này hoạt động được, nếu không có nhân lực thích hợp?”
Chánh văn phòng Nội Yoshihide Suga cho biết hồi cuối tháng năm, chính phủ Nhật Bản đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng chưa đưa ra được quyết định cụ thể.


Nam Yết chuyển

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...