Monday, April 10, 2017

Hồi Ký của Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến Tháng Tư Đen Và Binh Chủng Mũ Xanh

Cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, biệt danh Tango, sinh năm 1935, nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH từ 1972 cho tới cuối ngày 30 Tháng Tư 1975, đã trải qua 13 năm tù cộng sản, tới Hoa Kỳ theo chương trình HO., hiện định cư tại Houston, Texas cùng vợ và 4 con.
blank
Ngày 18 tháng Ba 1975, Đại tá Trí là Tư Lệnh Mặt Trận Tây Bắc Huế. Ngày 20-3, từ tuyên Mỹ Chánh trở vào vẫn nguyên vẹn. Mọi cuộc tấn công của Quân Bắc Việt vào phòng tuyến Thuỷ Quân Lục Chiến dọc hành lang sông Bồ và khu vực Cổ Bi đều bị đẩy lui. Nhưng rồi, chỉ 10 ngày sau những lệnh rút quân hoảng loạn từ thượng cấp, Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến tại Vùng I chiến thuật với quân số chừng 11,000, khi được Cơ Xưởng Hạm 802 đưa về đến Vũng Tầu, chỉ còn khoảng 4,000 binh sĩ.Sau đây là chuyện Tháng Tư Đen, trích từ hồi ký "Ngày Tháng Không Quên", của Đại Tá Nguyễn Thành Trí kể về những ngày giờ sau cùng của binh chủng mũ xanh thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.


Khoảng 09:30 ngày 28-4-75, giờ tuyến phòng thủ của hai Lữ đoàn đều bị pháo kích. Trước tuyến LĐ258/TQLC địch cho chiến xa dẫn đường, Bộ binh theo sau, tiến vào vị trí của TĐ6/TQLC. Một phần khu vực của TĐ4/TQLC cũng bị tấn công. Cùng lúc, Sư đoàn 304 CSBV cũng tấn công vào tuyến của LĐ468/TQLC. Các tiểu đoàn thuộc LĐ468/TQLC đã sử dụng pháo binh tác xạ chính xác vào đội hình của địch khiến chúng phải chạy lui về phía sau. Ta bắt được một tù binh thuộc một đơn vị của SĐ304 CSBV. Riêng bên LĐ258/TQLC, địch cũng không thể tiến lên được trước hỏa lực mạnh mẽ của chiến xa và bộ binh của ta. Phi cơ lên vùng yểm trợ và oanh kích hữu hiệu vào đội hình của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Địch đã phải rút lui về phía Đông, bỏ lại hai chiến xa do chiến xa ta bắn cháy. Theo cung từ của các tù binh bị bắt, lực lượng tấn công gồm Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 270) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 266). Hai trung đoàn này thuộc Sư đoàn 341 CSBV.

Khoảng 14:00 giờ, Tướng Lân gọi điện thoại hỏi tôi về tình hình tại Biên Hòa ra sao. Tôi trình ông biết là tuyến phòng thủ của hai Lữ đoàn đang chịu áp lực nặng nề của Sư đoàn 341 và 304 CSBV. Cho tới giờ này anh em vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Trong dịp này ông lưu ý tôi hãy chuẩn bị tư tưởng vì có thể SĐ/TQLC sẽ phối hợp với "lực lượng bạn" (?) để bảo vệ an ninh trục lộ từ Biên Hòa về Vũng Tàu. Ông không nói thêm mục đích của công tác nói trên cũng như từ đâu có lệnh đó. Tôi không thể hỏi thêm gì dài dòng vì đang trên đường dây điện thoại và nhận thấy mọi việc cần phải được giữ bí mật trong lúc này. Trước khi chấm dứt điện thoại, Tướng Lân khuyên tôi nên đưa gia đình ra Vũng Tàu, ông sẽ lo liệu trong trường hợp phải di tản. Tôi cám ơn về sự quan tâm của ông, nhưng tôi chưa có ý định cho gia đình đi trong lúc này. Tôi suy nghĩ miên man về những gì Tướng Lân vừa cho biết liên quan đến việc bảo vệ an ninh Quốc lộ 15. Trên thực tế cả Quân đoàn 2 CSBV gồm 3 Sư đoàn đang kiểm soát phần lớn Quốc lộ 15 đi Vũng Tàu. Muốn giải tỏa cần phải có một lực lượng lớn hơn và hành quân trong nhiều ngày với hỏa lực yểm trợ hùng hậu. Mặt khác phải có kế hoạch ngăn chặn Quân đoàn 4 tấn công vào Biên Hòa trên Quốc lộ 1, chưa kể Quân đoàn này còn có khả năng tăng cường cho Quân đoàn 2 CSBV trên Quốc lộ 15 bất cứ lúc nào.

Khoảng 15:00 giờ, Đại tá Lương, Tham mưu trưởng QĐIII, báo cho tôi biết là BTL/QĐ sẽ di chuyển về trại BCH Thiết giáp ở Gò Vấp vào lúc 16:00 giờ. Trước khi rời Biên Hòa ông muốn biết bên TQLC có cần gì không. Ông cho biết thêm là Trung tâm hành quân Quân đoàn vẫn còn để lại một toán nhỏ để làm việc. Tôi cám ơn ông và cho biết chúng tôi chưa cần gì bây giờ.

Buổi tối thì nghe tin Tổng thống Trần Văn Hương bàn giao chức vụ cho Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố rằng ông muốn hòa giải, tôn trọng Hiệp định ngưng bắn 1973, và đề nghị ngưng bắn để thương thuyết… Làm sao Cộng sản chịu ngồi xuống thương thuyết khi chúng đang ở thế mạnh?

Ngày 29-4-75, tôi được lệnh đến họp tại BTL/SĐ18BB vào lúc 12:00 giờ. Hiện diện gồm có Tướng Toàn, Tư lệnh QĐIII, Tướng Đảo, Tư lệnh SĐ18BB, Tướng Khôi, Tư lệnh LĐ3KB, và tôi. Sau khi nghe qua phần trình bày của các vị Tư lệnh và tôi, Tướng Toàn chỉ thị cho các đơn vị rút về gần Biên Hòa và Long Bình để tuyến phòng thủ được bảo vệ chặt chẽ và hữu hiệu hơn. Để có sự thống nhất chỉ huy, do hai LĐ/TQLC khi về vị trí mới thì nằm trong khu vực trách nhiệm của cả LĐ3KB ở phía Bắc và SĐ18BB ở phía Nam, nên LĐ258/TQLC sẽ được tăng phái cho LĐ3KB và LĐ468/TQLC sẽ được tăng phái cho SĐ18BB. Tướng Toàn lưu ý thêm là tôi vẫn chịu trách nhiệm chỉ huy cho đến khi nào các LĐ/TQLC về đến vị trí mới đầy đủ; khi đó phải báo cho ông biết.

Về đến BCH tôi chưa kịp mời các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ đến họp về việc rút quân thì địch lại mở cuộc tấn công vào khu vực của TĐ6 và TĐ16/TQLC. Lần tấn công này của địch có vẻ mạnh mẽ hơn. BCH nhẹ SĐ/TQLC liền xin phi cơ lên vùng yểm trợ đồng thời ra lệnh cho Liên đoàn BĐQ sẵn sàng tiếp ứng trong trường hợp cần thiết. Sau vài giờ kịch chiến, địch thấy không thể nào phá được tuyến chặn của ta hai bên Quốc lộ 1, trong khi bị phi cơ ta oanh kích trúng phía sau đội hình nên chúng đành phải rút lui. Trước tuyến của TĐ/16TQLC địch bỏ lại hai chiến xa còn đang bốc cháy.

Khoảng 15:30 giờ, tôi họp các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ để phổ biến kế hoạch rút quân và tái phối trí để bảo vệ căn cứ Long Bình và thị trấn Biên Hòa. Các LĐ/TQLC phải đoạn chiến và rút về phía sau từ 10 đến 12 cây số. Liên đoàn BĐQ di chuyển vào bên trong căn cứ Long Bình, tiếp tục làm trừ bị. Thành phần chiến xa tăng phái cho các đơn vị không gì thay đổi. BCH nhẹ SĐ và BCH/LĐ/468 vẫn đóng tại chỗ. Sau khi các LĐ/TQLC về đến tuyến phòng thủ mới thì sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của LĐ3KB (đối với LĐ258/TQLC) và SĐ18BB (đối với LĐ468/TQLC). Phải có kế hoạch yểm trợ Pháo binh bắn chận khi cần thiết trong lúc rút quân. Tôi lưu ý các đơn vị trưởng là địch đang tấn công dữ dội vào hai Đại đội Nhảy dù có nhiệm vụ bảo vệ cầu Đồng Nai và căn cứ Hải quân cách Long Bình vài cây số về hướng Tây Nam.

Khoảng 18:00 giờ, sau nhiều lần phản công tái chiếm một vài vị trí đã bị mất, hai Đại đội Nhảy dù đã phải rút lui trước lực lượng đông đảo của đơn vị thuộc đoàn 116 đặc công của địch. Đường về Sài Gòn trên xa lộ qua cầu Đồng Nai đã bị cắt. Giờ đây chỉ còn lại chiếc cầu Đại Hàn duy nhất bắc qua sông Đồng Nai trên Quốc lộ 1 còn sử dụng được để về Sài Gòn, do hai Đại đội Nhảy dù khác đang bảo vệ.
blank
Di Tản Từ Cam Rang Tới Vũng Tàu, Tháng 4-1975. Tàu Hải quân Việt nam số hiệu HQ-504 từ Miền Trung tới Cảng Vũng Tàu ngày 3 tháng 4-1975, chở hơn 7,000 lính và dân di tản. Tất cả các thành phố cảng phía bắc của Vũng Tàu lúc này đều đã thất thủ, và Vũng Tàu đã đón hơn 20,000 người di tản từ Cam Ranh qua các tàu Hải quân. (Photo STAFF/AFP/Getty Images)

Khi cầu xa lộ Đồng Nai bị chiếm, lực lượng Địa phương quân có nhiệm vụ canh gác các cổng ra vào, kho tiếp liệu, kho đạn… trong căn cứ Long Bình đã tự động rời bỏ vị trí, nhất là khi địch pháo kích vào dữ dội. Một vài cuộc chạm súng giữa một số binh sĩ giữ an ninh còn lại với các toán đặc công địch đã xãy ra tại một vài địa điểm khác nhau trong căn cứ. Lúc bấy giờ thật khó lòng mà xác định được nơi nào là bạn, nơi nào là địch. Tôi gọi điện thoại cho Đại tá chỉ huy trưởng căn cứ Long Bình nhưng không ai trả lời. Tôi gọi qua Trung tâm hành quân QĐIII tại Biên Hòa (toán liên lạc) để thông báo về tình trạng an ninh trong căn cứ Long Bình không còn kiểm soát được nữa và yêu cầu trình lên thượng cấp để có biện pháp trước khi tình hình trở nên xấu hơn. Một sĩ quan tại Trung tâm hành quân cho biết không còn ai có thẩm quyền tại đây; anh nói thêm Tướng Toàn đã lên trực thăng lúc 15:00 giờ và BTL/QĐIII ở Gò Vấp cũng không ai biết ông hiện đang ở đâu. Lúc bấy giờ nhiều tiếng súng nổ vang về hướng Biên Hòa. BCH nhẹ SĐ báo cho tôi biết một lực lượng địch đang tấn công vào phía Bắc sân bay Biên Hòa. Độ hơn nửa giờ thì địch bị lực lượng LĐ3KB và BĐQ đẩy lui.

Trước đi trời tối BCH nhẹ SĐ và BCH/LĐ468/TQLC di chuyển về khu vực gần cổng trại, cửa đi ra thị trấn Biên Hòa để việc phòng thủ được dễ dàng hơn đồng thời cũng kiểm soát được cổng ra vào quan trọng này. BCH Liên đoàn BĐQ cũng di chuyển theo về gần đó. Tại khu vực này một số văn phòng làm việc vẫn còn để máy lạnh, điện vẫn bật sáng, các máy điện thoại vẫn còn có thể sử dụng được bình thường, nhưng nhân viên chẳng còn ai cả. Mọi thứ vẫn còn bày biện trong văn phòng hay trên bàn làm việc chứng tỏ nhân viên đã rời khỏi nơi này không lâu lắm. Bức ảnh chụp gia đình của một Hạ sĩ quan Mỹ vẫn còn để nguyên trên một nóc tủ đựng hồ sơ, có lẽ trong lúc gấp rút anh ta đã quên mang theo bức ảnh kỷ niệm này.

Trong buổi họp lúc 12:00 giờ, khi nhận được lệnh rút khỏi tuyến phòng thủ về bảo vệ vòng đai gần Biên Hòa và Long Bình, chắc ai cũng tự hiểu rằng đây mới chỉ là giai đoạn một. Giai đoạn kế tiếp sẽ có thể là phòng thủ phía Tây sông Đồng Nai, rồi từ đó nếu tình hình nặng hơn, sẽ rút về quanh Sài Gòn. Nhưng giờ đây SĐ18BB, TQLC, LĐ3KB và các đơn vị khác trong khu vực, sẽ phải tự quyết định cách hành động tùy theo sự biến chuyển của tình hình, nhưng chắc chắn không thể nằm lại vòng đai phòng thủ lâu hơn khi không có cấp cao hơn để chịu trách nhiệm về sự thống nhất chỉ huy.

Trong những ngày qua nổ lực của Quân đoàn 4 CSBV trên Quốc lộ 1 có phần mạnh mẽ và tập trung hơn do nhu cầu cấp bách của Quân đoàn này phải kết hợp kịp thời với các cánh quân từ các hướng khác để cùng tiến về tổng công kích Thủ đô Sài Gòn. Quân đoàn này tập trung 3 Sư đoàn cứ đánh thẳng từ Đông sang Tây với ý định sau khi chiếm Trảng Bom thì tiếp tục tiến về Biên Hòa và Long Bình rồi sau đó về Sài Gòn. Trong khi áp lực của Quân đoàn 2 CSBV trên Quốc lộ 145 chỉ mạnh mẽ tại khu vực Trường thiết giáp trong lúc đầu với Sư đoàn 304, nhưng không thể nào tiến xa hơn về hướng Long Bình vì gặp phải tuyến phòng thủ của LĐ468/TQLC và lực lượng Thiết giáp. Riêng Sư đoàn 3 và 325 CSBV thì lo tấn công Long Thành và Bà Rịa. Sau khi chiếm được Long Thành thì Sư đoàn 325 CSBV phải tiếp tục băng qua Quốc lộ 15 tiến về hướng Tây Nam để chiếm Nhơn Trạch mà chúng đã có kế hoạch sẽ đặt pháo 130 ly tại đây bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi Sư đoàn 3 CSBV sau khi chiếm Bà Rịa thì tiếp tục triển khai đội hình về hướng Vũng Tàu.

Trong một ký sự lịch sử của Sư đoàn 7 CSBV (Binh đoàn Cửu Long) do nhà xuất bản Quân Đội nhân dân ấn hành tại Hà Nội năm 1986, có ghi đoạn nói về nhiệm vụ của Quân đoàn 4 CSBV như sau: "0 giờ ngày 30 tháng 4 cuộc tổng công kích vào Sài Gòn sẽ bắt đầu. Để cùng với tất cả các cánh quân tiến về Sài Gòn, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 quyết tâm đánh chiếm khu liên hợp công nghiệp Biên Hòa trước 0 giờ đêm nay. Sư đoàn 6 được lệnh bỏ các vị trí, các căn cứ còn lại ở Hố Nai, tiến đánh bên trái đường số 1, đánh chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 Ngụy và cầu Ghềnh, thọc sang bên kia sông chiếm đầu cầu giữ bàn đạp. Sư đoàn 341 chiếm sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 7 không chờ sang bên kia cầu mới tác chiến, mà phải đột phá tiếp trại tù Hố Nai, đục phăng cái lá chắn của địch ở Tam Hiệp, cố gắng đưa hết đội hình sang bờ Tây sông Đồng Nai trong đêm nay"… Xem qua đoạn trên, ta thấy lực lượng địch tấn công Hố Nai trong mấy ngày qua gồm các đơn vị của 3 Sư đoàn khác nhau xa luân chiến: đầu tiên là Sư đoàn 341, kế tiếp là Sư đoàn 6 và cuối cùng là Sư đoàn 7 CSBV. Nhưng chúng không thể nào vượt qua nổi tuyến phòng thủ của LĐ258 và lực lượng chiến xa của LĐ3KB.

Khi thấy LĐ258 và 468/TQLC đoạn chiến để rút về vòng đai Biên Hòa và Long Bình vào buổi chiều, địch đưa chiến xa và Bộ binh tiến vào Hố Nai trong đội hình tác chiến. Chúng tưởng rằng lực lượng phòng thủ đã rút về phía Tây sông Đồng Nai để lập tuyến phòng thủ ở đây. Không ngờ chưa ra khỏi thị trấn Hố Nai thì đã bị lực lượng phòng thủ chận đánh vào lúc 23:00 giờ. Trong ký sự lịch sử của Sư đoàn 7 CSBV có đoạn ghi trận đánh này như sau: "Bộ đội ta tiến lên trong màn đêm mưa pháo địch. Khi Trung đoàn 3 Sư đoàn 6 ra khỏi Hố Nai, tiến về Nam Biên Hòa, thì Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 (đây là Trung đoàn 165 của Sư đoàn 7, xin đừng lầm với Trung đoàn 165 của sư đoàn 312 mà ta đã đụng độ nhiều lần ở Quảng Trị năm 1972-1975) có 4 xe tăng dẫn đầu, thuộc phân đội đi đầu của Sư đoàn, cũng bắt đầu tiến vào Hố Nai. Đội hình lọt vào giữa hai dãy phố. Trung đoàn trưởng ra lệnh cho xe tăng nổ máy vọt lên. Nhưng bốn chiếc xe tăng vừa tiến lên được một đoạn thì bổng từ hai bên sườn và cả trước mặt nhiều chớp lửa xanh lè lóe lên, từng quả đạn đỏ lừ vun vút lao tới bốn chiếc xe tăng ta. Trung đoàn trưởng lệnh súng cối 120, pháo 85 giá súng bắn trả. Bốn khẩu pháo xe tăng cũng nhả đạn, nhưng mới bắn được vài quả đạn thì ba chiếc trúng hỏa tiển chống tăng của địch bốc cháy… Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Trung đoàn trưởng vừa báo cáo xin chỉ thị của Sư đoàn vừa tổ chức đội phá phòng tuyến… Sư đoàn trưởng phóng xe Honda tới hỏi luôn: "Tình hình ra sao rồi? Gặp khó khăn phải không? Một thằng tù binh vừa khai trước mặt Trung đoàn là LĐ258 lính thủy đánh bộ. Chủ yếu là Tiểu đoàn 6 với 60 xe tăng của Lữ kỹ binh 3 đấy". Trung đoàn trưởng Trần Quang Diệu báo cáo vắn tắt tình hình rồi trình bày ý định tác chiến của Trung đoàn. Sư đoàn trưởng gật đầu: "Tổ chức đánh ngay đi không muộn". Nhưng cũng như các cuộc tấn công trước, địch cuối cùng cũng phải rút lui về Đông với thiệt hại nặng nề mà không thể nào "đục phăng cái lá chắn" của lực lượng phòng thủ.

Khoảng 03:00 giờ ngày 30-4-75, LĐ258/TQLC báo cho BCH nhẹ SĐ một số chiến xa của LĐ3KB chạy qua cầu Đại Hàn để qua phía tây sông Đồng Nai và xin ý kiến. Tôi trả lời hãy giữ liên lạc chặc chẽ với LĐ3KB và thi hành theo sự điều động của LĐ3KB (vì LĐ258/TQLC đang được tăng phái cho LĐ3KB), tuy nhiên phải báo cáo mọi diễn tiến cho BCH nhẹ SĐ/TQLC để tiện theo dõi. Lúc bấy giờ BCH nhẹ SĐ, BCH/LĐ468/TQLCvà Liên đoàn BĐQ vẫn còn đóng trong căn cứ Long Bình. Tình hình có vẻ lắng dịu trong tiếng pháo kích cầm chừng của địch.

Khoảng 03:30 giờ, LĐ258/TQLC báo cáo bắt đầu di chuyển về phía Tây cùng với một số chiến xa của LĐ3KB và sẽ bố trí bên phía Tây sông Đồng Nai. Tôi gọi qua BTL/SĐ18BB để gặp Tướng Đảo, nhưng không ai trả lời. Tôi ra lệnh cho LĐ258/TQLC để lại một Tiểu đoàn bảo vệ phía Đông cầu Đại Hàn cho đến khi LĐ468/TQLC và Liên đoàn BĐQ rút qua hết.

Khoảng 06:30 giờ, khi các đơn vị thuộc LĐ468/TQLC qua gần hết cầu Đồng Nai thì BCH nhẹ SĐ, BCH/LĐ468/TQLC và Liên đoàn BĐQ bắt đầu di chuyển qua phía Tây Sông Đồng Nai. Hai Đại đội Nhảy dù vẫn còn canh gác cầu này. Điều đặc biệt là địch không còn mở ra cuộc tấn công nào nữa mặc dù các đơn vị của ta quan sát vẫn thấy chúng thấp thoáng cách khoảng 3 cây số về hướng Đông. Vào lúc này qua hệ thống máy ANPCR25, LĐ468/TQLC liên lạc được với SĐ18BB và được biết Tướng Đảo cùng với lực lượng của ông đang bố trí tại nghĩa trang quân đội trên xa lộ, cách cầu Đồng Nai hơn bốn cây số về hướng Tây Nam. Trong khi tôi băn khoăn chờ đợi xem có lệnh gì kế tiếp thì Trung tá Huỳnh Văn Lượm, Lữ đoàn phó LĐ258/TQLC đến gặp tôi trên Quốc lộ 1 gần đầu cầu Đại Hàn và cho tôi biết Bộ tổng tham mưu nhờ LĐ3KB làm trung gian chuyển lệnh cho các đơn vị như sau: TQLC về căn cứ Sóng Thần (CCST), LĐ3KB về Gò Vấp chờ lệnh tiếp. Không nghe nói lệnh cho SĐ18BB như thế nào, có lẽ Sư đoàn này nhận lệnh thẳng từ Bộ tổng tham mưu rồi. (Lúc bấy giờ Trung tướng Vĩnh Lộc là Tổng tham mưu trưởng QLVNCH. Ông vừa nhận chức vụ này vào chiều hôm qua.)

Tôi cảm thấy có điều gì không ổn bởi lẽ trong khi chiến trường đang sôi động, khoảng hơn 16 Sư đoàn địch đang siết chặt vòng vây vào Sài Gòn từ nhiều hướng, sao lại có lệnh cho TQLC về căn cứ Sóng Thần, hậu cứ của Sư đoàn? BTL/QĐIII giờ đây coi như không còn ai có thẩm quyền giải quyết được gì nữa. BCH nhẹ SĐ/TQLC thông báo lệnh này cho Liên đoàn BĐQ và yêu cầu Liên đoàn này liên lạc với các đơn vị liên hệ để có phương tiện di chuyển đến nơi nào tùy nghi. Nhiệm vụ tăng phái của Liên đoàn BĐQ cho BCH nhẹ SĐ/TQLC được coi như chấm dứt kể từ giờ phút ấy.

Tôi không nắm vững được tình hình của SĐ5BB ở hướng Tây Bắc Biên Hòa lúc bấy giờ ra sao. Nếu như cả Quân đoàn 1 CSBV tiếp tục ép xuống phía Nam dọc theo Quốc lộ 13, thì SĐ5BB sẽ khó lòng giữ được Bến Cát: Tỉnh Bình Dương, quận Lái Thiêu rồi sẽ mất. Cộng quân sẽ nhanh chóng tiến chiếm ngã ba Lái Thiêu và Quốc lộ 1. Căn cứ Sóng Thần nằm giữa Biên Hòa (phía Đông) và Lái Thiêu (phía Tây) sẽ trở thành một mục tiêu hoàn toàn bị cô lập. Sau khi thỏa luận với các cấp chỉ huy của hai Lữ đoàn và một vài Tiểu đoàn đang có mặt, tôi ra lệnh cho LĐ258/TQLC đưa một thành phần về thẳng trại Lê Thánh Tôn, bản doanh của BTL/SĐ/TQLC tại Sài Gòn, như là thành phần tiên phong để chuẩn bị nơi đóng quân cho các đơn vị. Sở dĩ chúng tôi có sự lựa chọn này là vì các lý do như sau: thứ nhất là để tránh trở thành mục tiêu bị cô lập tại căn cứ Sóng Thần như đã nói ở trên. Nếu địch tấn công và ta phải chống trả để cố thủ, thì các trại gia binh chung quanh đó sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng tai hại. Tại Sài Gòn vẫn có các trại sau đây mà các đơn vị TQLC có thể về tạm đóng quân: đó là trại Lê Thánh Tôn, trại Nguyễn Văn Nho và trại Cửu Long. Thứ hai là các thương bệnh binh đang điều trị tại bệnh viện Lê Hữu Sanh, tức bệnh viện của SĐ/TQLC tại CCST, cũng cần được di tản về Sài Gòn để họ được an toàn hơn. Thứ ba là nếu như Sài Gòn thất thủ, TQLC có thể rút về V4CT tương đối dễ dàng để cùng với lực lượng Quân đoàn IV tiếp tục chiến đấu.
blank
Di Tản Từ Cam Rang Tới Vũng Tàu, Tháng 4-1975. Tàu Hải quân Việt nam số hiệu HQ-504 từ Miền Trung tới Cảng Vũng Tàu ngày 3 tháng 4-1975, chở hơn 7,000 lính và dân di tản. Tất cả các thành phố cảng phía bắc của Vũng Tàu lúc này đều đã thất thủ, và Vũng Tàu đã đón hơn 20,000 người di tản từ Cam Ranh qua các tàu Hải quân. (Photo STAFF/AFP/Getty Images)

Đoàn xe chở thành phần về Sài Gòn do Thiếu tá Quách Ngọc Lâm, trưởng ban 4 LĐ258/TQLC chỉ huy. Trong khi không thể liên lạc được với BTL/QĐIII và Bộ tổng tham mưu, BCH nhẹ SĐ/TQLC tạm có cách giải quyết riêng hầu tránh được mọi nguy hiểm cho các đơn vị được chừng nào hay chừng ấy. Do quân xa tập trung được có hạn, nên các đơn vị của hai Lữ đoàn chỉ sử dụng được những phương tiện hiện có trong tay, tiếp tục chuyển quân về căn cứ Sóng Thần theo phương cách con thoi, sau đó sẽ có kế hoạch di chuyển về Sài Gòn. Vấn đề là làm sao rời khỏi phía Tây sông Đồng Nai càng nhanh càng tốt để tránh thiệt hại do địch pháo kích. Thời gian di chuyển từ Biên Hòa về CCST khoảng 30 phút theo đội hình đoàn xe.

Khoảng 09:30 giờ, BCH nhẹ SĐ/TQLC về đến CCST. Tôi ngạc nhiên khi thấy đoàn xe của Thiếu tá Lâm còn đang đậu trên xa lộ trước cổng CCST, binh sĩ xuống xe bố trí hai bên đường. Thiếu tá Lâm chạy đến cho tôi biết là có cuộc đụng độ dữ dội giữa địch và lực lượng ta tại khu vực ngã ba Lái Thiêu - Quốc lộ 1 và cầu Bình Triệu. Do đó đoàn xe phải quay đầu trở lại. Tôi cảm thấy đầy lo âu và thất vọng.

Toán Quân cảnh và binh sĩ canh gác nơi cổng ra vào CCST vẫn làm việc bình thường, quân phục gọn gàng, trông thật hùng dũng và kỷ luật, thể hiện tác phong đứng đắn của những chiến sĩ trong Binh chủng Mũ xanh. Tại BCH/CCST tôi gặp Trung tá Hoàng Ngọc Bảo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Truyền tin TQLC, Thiếu tá Tô Văn Cấp, Chỉ huy phó CCST và một số anh em sĩ quan khác. Mọi người tỏ ra đăm chiêu nhưng sau đó có vẻ yên tâm khi thấy các đơn vị hành quân di chuyển về càng lúc càng đông đảo. Tôi tìm cách gọi điện thoại về Vũng Tàu để trình cho Tướng Lân về tình hình đang xãy ra tại Biên Hòa cũng như tại CCST, nhưng đường dây không còn liên lạc được nữa.

Khoảng 10:00 giờ hơn, Trung tá Bảo từ ngoài cửa văn phòng bước nhanh vào và bằng một giọng trầm hẳn xuống, buồn bã, đầy xúc động, anh báo cho tôi: "Trình Đại tá mình đầu hàng rồi!" Tôi sửng sốt hỏi lại ngay: "Hả? Anh nói sao?" Trung tá Bảo nói tiếp: "Tổng Thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên cáo yêu cầu Quân lực VNCH hãy ở tại chỗ, tránh nổ súng và chờ lực lượng giải phóng đến bàn giao".

Tin sét đánh ngang tai. Tôi bàng hoàng không biết phải nói gì với mọi người đang có mặt, dù chỉ một câu thật ngắn ngủi; bởi quả tình tôi chưa hề chuẩn bị một chút tâm tư hay suy nghĩ nào cho những phản ứng trước một sự thật phũ phàng đến như thế; bởi mới hôm qua đây, bao nhiêu anh em vừa mới nằm xuống nơi chiến trường phía Đông không xa lắm, cũng chỉ vì hai chữ "DANH DỰ - TỔ QUỐC"; bởi hai chữ "đầu hàng" hay những cụm từ tương đương với ý nghĩa đó, không bao giờ có trong bất cứ binh thư sách vở nào nơi các quân trường… Nhưng biết làm sao đây, bao nhiêu anh em đang nhìn tôi như chờ đợi một giài đáp.

Tôi cho mời tất cả các đơn vị trưởng đang có mặt trong căn cứ đến họp để chính thức thông báo về lời tuyên cáo của Tổng thống Dương Văn Minh. Trước mặt mọi người tôi có vài lời vắn tắt như sau: "Chắc các anh em đã nghe lời tuyên cáo của Tổng thống, cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao của Quân lực VNCH. Chúng ta không thể làm gì hơn. Vi là quân nhân, chúng ta phải tuân theo kỷ luật. Yêu cầu các anh em hãy cố gắng tiếp tục đưa đơn vị của mình về CCST, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đồng thời giải thích cho họ rõ những điều tôi vừa nói để tránh mọi trường hợp đáng tiếc có thể xãy ra. Sau đó anh em có thể cho đơn vị giá súng vào kho và ra về với gia đình. Tôi xin gởi đến tất cả các anh em và gia đình lời chúc bình an và nhiều may mắn. Xin cám ơn tất cả anh em về sự chiến đấu anh dũng và không mệt mỏi trên mặt trận phía Đông Biên Hòa trong những ngày vừa qua"… Có những cặp mắt buồn bã nhìn nhau im lặng… và tôi cũng đã nghẹn ngào, không thể nói thêm được gì hơn.

Tôi nhờ Trung tá Bảo gọi bệnh viện Lê Hữu Sanh để tôi hỏi thăm về tình trạng thương bệnh binh ra sao. Một Y tá cho biết Bác sĩ Trần Công Hiệp, Y sĩ trưởng bệnh viện, hiện đang chữa trị cho các thương binh ở khu giải phẫu. Không muốn làm phiền Bác sĩ Hiệp trong lúc ông đang bận săn sóc thương binh, tôi hỏi anh Y tá số thương binh tại bệnh viện hiện giờ là bao nhiêu. Anh cho biết là khoảng gần tám chục người, không kể trên mười thương binh khác trong tình trạng nặng, được chuyển từ mặt trận Biên Hòa về khuya hôm qua và đã được khẩn cấp đưa đi bệnh viện Cộng Hòa điều trị. Bác sĩ Hiệp và các Y tá nam cũng như nữ, vẫn còn tận tụy săn sóc thương binh cho đến giờ phút cuối cùng này. Họ đã chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm, lương tâm của những chiến sĩ quân y TQLC. Sự hiện diện của họ trong lúc này đã xoa dịu phần nào nỗi đau trên thể xác lẫn tâm hồn của các thương bệnh binh. Bên cạnh những bàn tay "Từ mẫu" ấy, các thương bệnh binh hẵn cũng đã tìm được chút niềm an ủi, cảm thấy ấm lòng trong giờ phút đau buồn và tủi nhục nhất của đất nước.

Đến trưa thì Bác sĩ Hiệp cho phép các thương bệnh binh và y tá được rời khỏi bệnh viện Lê Hữu Sanh. Các thương binh, kẻ chống nạng, người trên xe lăn, các y tá và bệnh binh còn đi được, thì dắt díu hoặc cõng những thương binh khác, đã nhất quyết rời khỏi bệnh viện vì không muốn chờ kẻ thù đến sỉ nhục hay hành hạ mình. Vâng! Đã đến lúc những thương binh TQLC nói riêng và QLVNCH nói chung, thấy cần phải thể hiện tính khí khái, lòng can đảm và làm bất cứ điều gì mà họ có thể làm được, để bảo vệ danh dự và uy tín của tập thể, mặc dù họ biết chính họ là những kẻ thua thiệt hơn ai hết.

Trong giờ phút đầy lo âu và tuyệt vọng này, làm sao quên được những chiến hữu của chúng tôi hiện đang bị bắt làm tù binh hay còn lẩn trốn nơi nào đó ngoài Thừa Thiên và Đà Nẵng. Họ sẽ nghĩ gì khi biết rằng QLVNCH giờ này đã phải ngẩn ngơ buông súng, đầu hàng một cách nhục nhã theo lệnh của Tổng thống VNCH. Họ còn bám víu vào niềm hy vọng nào để tiếp tục phấn đấu trong hoàn cảnh đầy tối tăm ấy? Vợ con và gia đình họ rồi sẽ ra sao? Và cũng mỉa may thay, tôi cũng chưa có được câu trả lời nào dứt khoát cho trường hợp của chính bản thân mình…

Khoảng 15:30 giờ, Trung tá Bảo đến khuyên tôi nên ra về vì Căn Cứ Sóng Thần lúc ấy cũng đã vắng vẻ. Chúng tôi cùng một số anh em khác lên chiếc xe Jeep của Trung tá Bảo và hướng ra cổng trại. Điếm canh và vọng gác nơi cổng ra vào CCST lúc bấy giờ cũng đã bỏ trống…

Mũ Xanh Nguyễn Thành Trí

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...