Thursday, February 11, 2016

Chiến Thắng Của Cực Đoan by Vũ Linh

...Goldman Sachs trả bà Hillary 675.000 đô đọc ba bài diễn văn, một loại “phong bì”...

Cho tới hôm nay, nước Mỹ chỉ mới đi một hai bước đầu trong hành trình bầu vị lãnh đạo tối cao cuối năm nay. Con đường còn rất dài, chưa ai tiên đoán được cuối cùng ta sẽ thấy gì? Ai sẽ là tổng thống năm tới? Dù vậy, có một hình ảnh nổi bật rất rõ: nước Mỹ càng ngày càng phân hoá khi khối cử tri càng ngày càng đi về hai thái cực tả hữu.

Bên DC, cụ Bernie Sanders, thiên tả nhất từ sau Thế Chiến, đang gây khó dễ nặng cho bà Hillary, dù bà là một người cũng thuộc loại cấp tiến khá nặng, tuy chưa đến nỗi cực đoan quá mức. Tại Iowa, với gần 1.400 phiếu, bà Hillary thắng với đúng 4 phiếu. Tuy thua, nhưng thực tế, ông thiên tả cực đoan được coi như đại thắng. 84% giới trẻ dưới 40 tuổi bầu cho ông. Trong khi bên CH, hai người có nhiều hậu thuẫn nhất là ông tỷ phú Trump và TNS Cruz, là những ông thiên hữu cực đoan đang hùng hổ xách động khối cử tri cực hữu.

Chuyện gì đang xẩy ra? Nước Mỹ hoá khùng rồi sao?

Bên DC, ông Sanders là một thượng nghị sĩ cấp tiến cực đoan nhất, thiên tả nặng. Ông chủ trương tăng thuế đồng loạt cho tất cả thiên hạ kể cả giới trung lưu, nhưng “kẻ thù” cần phải triệt của ông là khối đại tài phiệt Wall Street. Ông chủ trương xẻ chặt các đại ngân hàng thành nhiều mảng nhỏ. Ông mạnh mẽ đả kích cả hai ông bà Clinton: ông chồng vì tội khi làm tổng thống đã thu hồi luật Glass-Steagall kềm chế các đại ngân hàng để họ trở thành những con khủng long quá lớn và quá mạnh không ai chống đỡ nổi những hành động ăn cướp của họ nữa; trong khi bà vợ thì là đồng minh vừa lo bảo vệ các tài phiệt vừa chià tay lấy bạc triệu của họ. Chẳng hạn đại ngân hàng Goldman Sachs trả bà Hillary 675.000 đô đọc ba bài diễn văn, một loại “phong bì” kiểu Mỹ. Theo CNN, trong 14 năm qua, hai ông bà Clinton đã lãnh 153 triệu tiền đọc diễn văn, chưa kể gần hai tỷ tiền yểm trợ Quỹ Clinton Foundation. Thông điệp chống tài phiệt đã được giới cực tả hoan nghênh hết mình từ ngày tổ chức Occupy Wall Street ra đời, bây giờ được ông Sanders nâng lên thành đề tài tranh cử tổng thống.

Ở đây, cũng cần nhắc lại năm 2008-09, cả hai chính quyền Bush và Obama đã phải đổ hơn 800 tỷ tiền thuế của dân để cứu các đại ngân hàng, trong khi các thủ phạm khủng hoảng, tức là các tay chủ tịch, tổng giám đốc các đại ngân hàng chẳng những chẳng ai bị trừng phạt gì, mà lại còn tiếp tục được nhận hàng triệu “tiền thưởng”. Cả nước tức giận, nhưng bộ trưởng Tài Chánh Tim Geithner của TT Obama giải thích “cần phải tôn trọng hợp đồng các vị này đã ký để lưu giữ họ, là những người có khả năng cao về kỹ thuật quản trị tài chánh”. Ông Geithner có vẻ như muốn bảo vệ tiền thưởng cho mấy ông tài phiệt, biết đâu chừng sau khi hết làm bộ trưởng sẽ cần nhờ mấy ông bạn vàng này cho job thơm với tiền thưởng cao? Trước ông Geithner là bộ trưởng Tài Chánh Henry Paulson của TT Bush. Ông này còn tệ hơn nữa, xuất thân là Chủ Tịch Tổng Giám Đốc đại ngân hàng Goldman Sachs, một trong những ngân hàng mang cả kho nợ xấu và các “công cụ tài chánh” bí hiểm đã gây điêu đứng cho thị trường tài chánh Mỹ.

Tất cả chỉ là một đám mà dân ta gọi là “cá mè một lứa” thôi. Thông điệp đả kích đám này của ông Sanders đã thu hút được rất nhiều cảm tình của người dân thường, là những người đi làm cả năm chưa lãnh được lương một ngày của các đại tài phiệt. Khối dân này cũng tức giận khi thấy TT Obama đã chẳng dám đụng đến đám tài phiệt cá tra này, trong khi ông bà Clinton thì rõ ràng cũng vẫn chỉ là... cá mè một lứa thôi.

Ông Sanders chủ trương mang chế độ xã nghiã vào nước Mỹ. Ông được sự cổ võ nhiệt liệt của giới trí thức thiên tả trẻ vì họ cho là bà Hillary hoặc là chưa đủ cấp tiến, hoặc là giả dối, mạo danh cấp tiến. Ông đòi tăng thuế nhà giàu tối đa để tăng trợ cấp cho bất cứ những ai có nhu cầu, hủy bỏ bảo hiểm y tế tư nhân để Nhà Nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho cả nước, miễn học phí toàn diện từ tiểu học đến đại học. Một “Ông Già Noel” rộng lượng nhất. Đừng ai hỏi ông lấy tiền đâu ra. Chính trị gia, nhất là khi tranh cử, đều có bùa phép khiến tiền trên trời rơi xuống như Khổng Minh có phép cầu mưa bão vậy. Trong chính sách đối ngoại, ông tố bà Hillary vẫn còn quá diều hâu, đã biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq, sau đó, khi làm Ngoại Trưởng thì đòi đánh Libya, Syria, v.v...

Bên CH, ông tỷ phú Trump lại là người tự đấm ngực là bảo thủ nhất cho dù trong quá khứ, tất cả mọi người đều biết ông là cấp tiến. Ông Trump đã từng chủ trương tập trung bảo hiểm y tế vào tay một Nhà Nước, đi xa hơn cả Obamacare, hô hào tự do phá thai, cổ võ kiểm soát súng ống, tăng thuế đồng loạt,… Toàn là những quan điểm nền tảng của khối cấp tiến. Cũng từng là bạn thâm giao với ông bà Clinton, đóng góp tiền mạnh cho Quỹ Clinton Foundation. Nhưng bây giờ thì ngửi thấy mùi bất mãn chống khối cấp tiến, ông thay quần áo, mặc bộ đồ bảo thủ cực đoan nhất. Chỉ trích Obamacare, chống phá thai, chống kiểm soát súng, đòi trục xuất tất cả hơn một chục triệu di dân lậu (trong khi hàng trăm di dân lậu làm việc trong các công ty xây cất và khách sạn của ông),… Nếu nói chính khách thời cơ thì ít người trắng trợn hơn ông Trump. Nói văn hoa thì gọi ông Trump là theo chính sách “dân tuý”, nói nôm na thì ông là vua mỵ dân, đồng thời cũng là người biết khai thác đúng mức và đúng lúc nỗi ấm ức và sợ hãi của dân da trắng. Vài tổ chức kỳ thị thượng tôn da trắng –white supremacist- đã hô hào ủng hộ ông Trump.

Ông Trump đang được khối bảo thủ cực đoan tôn thờ như người hùng. Chỉ vì ông đã triệt để khai thác được những đòi hỏi “sinh tử” của khối bảo thủ:

1) chống Obama và các chương trình cấp tiến lo tăng thuế để tăng trợ cấp: đây là điểm thu hút đại đa số giới trung lưu, nhưng cũng lôi cuốn khối lao động da trắng đang hăm he bỏ đảng DC;

2) chống khối di dân gốc Nam Mỹ cũng như từ Trung Đông: điểm này có hơi hám kỳ thị, thu hút được khối da trắng kỳ thị dĩ nhiên;

3) chống sách lược chống khủng bố cũng như chính sách đối ngoại yếu đuối của chính quyền Obama, khiến sự an toàn của dân Mỹ và an ninh của nước Mỹ bị đe dọa nặng;

4) chống những quái chiêu phải đạo chính trị do khối cấp tiến, nhất là truyền thông dòng chính, đang áp đặt lên thiên hạ: điểm này khá đặc biệt khi thăm dò cho thấy có tới 60% cử tri DC và cả khối da đen và da nâu cũng bực mình về phải đạo chính trị.

 
 
Dĩ nhiên là ông Trump chưa làm tổng thống nên chẳng ai biết ông sẽ làm những gì, chỉ cần biết ông đang lớn tiếng la hét những chuyện mà rất nhiều nghĩ mà không dám nói, hay nói quá nhỏ không ai nghe được. Và đó chính là lá bùa thu hút hậu thuẫn của ông Trump. Nếu quý độc giả tinh ý thì thấy cả bốn điểm thu hút của ông Trump đều bắt đầu bằng chữ “chống”, không có vẻ gì là tích cực, cũng không nói rõ sẽ chống bằng cách nào. Không cần biết, cứ chống cho ta, chuyện gì khác rồi tính sau.

TNS Ted Cruz còn đặc biệt hơn nữa. Bảo thủ cực đoan thứ thiệt chứ không mập mờ thời cơ như ông Trump. Đã từng chống đối cấp lãnh đạo đảng CH trong quốc hội ngay từ khi vừa mới đắc cử thượng nghị sĩ. Với một chương trình còn … toát mồ hôi hơn ông Trump, như đóng cửa Bộ Giáo Dục, hủy bỏ sở thuế IRS, thi hành một mức thuế lợi tức 10% duy nhất không có điều kiện đặc miễn gì để không ai trốn thuế được nữa, tăng thuế doanh thu –sales tax- lên tới 19%, thu hồi Omabacare, cấm hôn nhân đồng tính, cấm di dân Hồi giáo,…

So với ba ông này thì các ông bà ôn hoà khác đều... chỉ là bà con với ông Vũ Như Cẩn, nhạt hơn nước canh rau muống.

Điều đáng nói là cả ba ông Sanders, Trump và Cruz đều bị giới lãnh đạo và chính khách của cả hai đảng chống đối kịch liệt vì cả hai đều đi quá xa, đến mức hoang tưởng luôn. TT Obama nói bóng gió ông Sanders không có hy vọng gì nên tha hồ hứa trăng hẹn biển (TT Obama dường như không nhìn thấy hình ảnh của chính mình, vua hứa cuội của năm 2008!). Thống đốc Iowa suốt ngày lên tiếng kêu gọi dân Iowa đừng bỏ phiếu cho ông Cruz. Ông Trump tệ nhất, bị tạp chí National Review, cơ quan ngôn luận quan trọng nhất của giới bảo thủ, với những chính khách, chuyên gia và nhà báo bảo thủ nhất Mỹ, cho ra một số đặc biệt để đả kích ông Trump, tố ông không phải là bảo thủ mà chỉ là loại chính khách mỵ dân hoạt đầu theo thời cơ chủ nghiã, và ông Trump đang để lại tiếng xấu cho đảng CH và cả khối bảo thủ. Ta chỉ có thể thắc mắc nếu mấy ông này đắc cử tổng thống, làm sao làm việc với đảng phe ta, khoan nói tới đảng đối lập?

Nhìn vào bức tranh trên, những người được ủng hộ mạnh nhất lại là hai thái cực tuyệt đối. Làm sao giải thích cái tình trạng quái lạ, tréo cẳng ngỗng này?

Chính trị bây giờ chỉ có đỏ đậm và xanh đậm. Nước Mỹ bây giờ phân hóa, đi vào lưỡng cực tả hữu nặng hơn bao giờ hết. Đảng DC ngày càng ngả về tả, trong khi đảng CH ngày càng rẽ về hữu.

Thái độ này phản ánh một sự bất mãn, thậm chí nổi giận cùng tận của dân Mỹ. Tại sao lại có hiện tượng này? Có phải sự nổi giận đó phản ánh một sự bất mãn tột cùng đối với chính sách của TT Obama không? Có phải đây là gia tài lớn nhất TT Obama để lại cho hậu thế không? Nếu đúng vậy, thì quả là một miả mai trớ trêu lớn nhất lịch sử Mỹ khi ta nhớ lại TT Obama đã tranh cử và đắc cử dựa trên chiêu bài đại đoàn kết toàn dân, không còn một nước Mỹ trắng Mỹ đen, không còn một nước Mỹ xanh Mỹ đỏ,... mà chỉ còn một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên có nhiều cách diễn giải.

Khi bàn về sự nổi giận của dân Mỹ, một độc giả ủng hộ DC đã giải thích cho kẻ viết này: cử tri CH nổi giận vì họ mang nặng tính phe đảng, nhắm mắt chống TT Obama, còn cử tri DC nổi giận vì thấy quốc hội do CH kiểm soát chỉ giỏi phá đám, là phe cánh với tài phiệt. Tất cả chỉ vì những sai lầm của CH, không phải lỗi TT Obama.

Điểm thứ nhất, “cử tri CH nổi giận vì tính phe đảng” sao? Làm như thể chỉ có cử tri CH là mang tính phe đảng, còn cử tri DC thì không phe đảng vậy. Thật ra, cử tri CH đang nổi giận chẳng những chống TT Obama, mà cũng chống luôn cả giai cấp thống trị đảng CH, mà tiêu biểu là những thống đốc Jeb Bush, Chris Christie, John Kasich. Tại Iowa, số phiếu của cả ba ông này cộng lại chỉ hơn 5%, trong khi tổng số phiếu của hai ông Trump và Cruz là hơn 52%. Nói cử tri CH nổi điên vì tính phe đảng là chẳng nhìn thấy hay không hiểu gì về thực trạng chính trị Mỹ mà chỉ là ngụy biện mù quáng. TT Obama cũng không phải là tổng thống DC đầu tiên của Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên cử tri CH nổi khùng chống một tổng thống DC. Sao cử tri CH không nổi khùng dưới thời TT Clinton hay Kennedy?

Điểm thứ nhì, cử tri DC nổi giận vì thấy quốc hội do CH nắm đa số chỉ biết phá đám và phe cánh với giới tài phiệt. Cũng vậy, đây không phải là lần đầu CH kiểm soát quốc hội, tại sao bây giờ mới gọi là “phá đám”? Mà nghĩ cho cùng, tại sao CH kiểm soát được cả hai viện quốc hội? Có phải các dân biểu và nghị sĩ CH đều là do dân bầu không? Cử tri bất mãn vì CH phá đám? Hay cử tri bất mãn nên bầu cho CH để khóa tay phe cấp tiến? Đâu là con gà, đâu là quả trứng? Đảng CH đang nắm đa số tai cả hai viện quốc hội, sao có thể gọi đảng đa số là “phá đám”? “Phá đám” là danh từ chỉ có thể áp dụng cho một nhóm thiểu số thôi. Nói về phe cánh với tài phiệt, nhìn vào bạc tỷ ông bà Clinton nhận được thì biết ai phe cánh với tài phiệt. Tin mới nhất, tỷ phú George Soros mới ủng hộ bà Hillary thêm 6 triệu đô qua các quỹ “Super PACs” yểm trợ bà.

Bất kể lý do gì, trách nhiệm của TT Obama vẫn không thể chối cãi được. Những lập luận một chiều bạch hoá cho TT Obama quên mất tổng thống là người được dân bầu để giải quyết những khó khăn, để tạo đoàn kết toàn dân, chứ không phải là người tạo phân hoá, hay bất lực ngồi nhìn phân hóa rồi lo đổ thừa, giảng giải, chạy tội, trong khi mau mắn nhẩy ra đấm ngực khoe công khi có tin tốt.

Có một câu chuyện mang thật nhiều ý nghiã mà ta không nên quên.

Cuối năm 2008, sau khi TNS Obama đắc cử tổng thống, khối dân biểu và nghị sĩ CH đệ nạp lên tân tổng thống đắc cử một tờ trình trong đó ghi cả chục điểm quan tâm lớn nhất của khối bảo thủ CH. Một tuần sau khi tuyên thệ, TT Obama họp mặt với khối dân cử này và trình bày chương trình an bang tế thế của ông. Lãnh đạo khối CH, dân biểu Eric Cantor đọc xong, lên tiếng hỏi tân tổng thống sao không thấy có một câu nào về quan điểm và ý kiến của CH? Tân TT Obama trả lời ngắn gọn “Chúng tôi thắng!” We Won! Mở màn cho cuộc “đấu giao hữu” bằng một cái tát tai như vậy, làm sao mong chờ có sự hợp tác hay “hòa hợp hòa giải” giữa hai chính đảng?

Ở đây, thay vì TT Obama nhẩy lên ghế quốc trưởng, đứng trên hai đảng như TT Clinton đã làm qua sách lược “tam đầu chế” (triangulation: DC, CH, và tổng thống), của ông, thì TT Obama lại công khai đứng trong hàng ngũ DC, chống lại đảng CH. Nếu tổng thống không phải là quốc trưởng mà chỉ là chủ tịch đảng DC thì đảng CH chống ông là chuyện bắt buộc thôi.

Việc TT Obama lách quốc hội với Obamacare, hay qua mặt quốc hội như đánh Libya, cấm trục xuất di dân lậu, thỏa thuận với Iran và phê duyệt hiệp ước Liên Thái Bình Dương TPP, tất cả đều không giúp “hoà giải” gì với đối lập đang kiểm soát quốc hội. Với một thái độ khinh thường quốc hội như vậy, sao có thể trách CH không hợp tác. Mỹ có câu “Cần hai người mới nhẩy tango được” (Take two to tango).

Báo phe ta New York Times (30/1/2016) cho rằng “cả nước Mỹ thất vọng và bất mãn vì sự thoái hóa –decadence- của nước Mỹ”. Quả vậy, hiện nay, cả nước bớt tin vào tương lai, đại đa số cho rằng nước Mỹ đang đi trật hướng, văn hoá bị khủng hoảng khi các tôn giáo hiện hữu ngày một mất ảnh hưởng, chính trị phân hoá, tăng trưởng kinh tế èo uột, thất nghiệp có giảm nhưng chậm hơn rùa, đối ngoại thì bất lực nhìn Nga, Trung Cộng và ISIS bành trướng thế lực. Cả nước bực mình vì tình trạng ển ển xìu xìu, chẳng nạc cũng chẳng mỡ hiện hữu và muốn tìm giải pháp mới, không với ông cực tả Sanders thì với những ông cực hữu Trump hay Cruz.

Báo Wall Street Journal (31/1/2016) phân tích về những xáo trộn trong chính trị Mỹ hiện nay, đã cho rằng “TT Obama chính là động cơ tạo nên sự xôi sục này (“President Barack Obama is the catalyst that made everything boil over”).

Nếu muốn thấy bằng chứng cho tình tạng phân hoá hiện nay thì chỉ cần biết những tổ chức chính trị cực đoan nhất là Tea Party bên hữu, Occupy Wall Street bên tả, và Black Lives Matter của khối dân da đen, đều ra đời dưới thời của TT Obama.

Việc phân hoá và cực đoan hoá ngày càng trầm trọng là một tin rất đáng lo ngại. Trong tương lai, có nhiều triển vọng bà Hillary sẽ đắc cử tổng thống. Bà sẽ đối xử với đối lập CH như thế nào? Tình trạng có khả quan hơn không? Trong một cuộc tranh luận gần đây giữa các ứng viên tổng thống bên DC, trả lời câu hỏi “ai là kẻ thù của bà?”, bà Hillary nói ngay “đảng CH”.

Diễn đàn mạng cực tả Huffington Post nhận định trong tình trạng bất mãn nặng nề từ tả qua hữu hiện nay, việc bà Hillary hô hào “chúng ta đang đi đúng đường, cứ tiếp tục thôi” chỉ khiến thiên hạ phải gãi đầu gãi tai thôi.

Hai chính đảng không hợp tác với nhau mà chỉ lo đánh nhau thì kết quả sẽ không gì khác hơn là … ngày tàn của đại cường Cờ Hoa sau khi đã thống trị thế giới từ sau ngày chiến thắng Thế Chiến Thứ Nhất, là thế chiến đánh dấu sự xụp đổ của các đế quốc Âu Châu.

Cứ theo lý luận cùn mỗi khi ta thấy tin tốt, chuyện xẩy ra dưới tổng thống nào thì tổng thống đó chịu trách nhiệm, Bin Laden bị giết khi Obama làm tổng thống, công của TT Obama, đúng không? Như vậy, nói về gia tài chính trị, có phải sự phân hoá và ngày tàn của “đế quốc” Mỹ xẩy ra dưới tổng thống nào thì tổng thống đó chịu trách nhiệm, phải không? Đó chính là gia tài lớn nhất mà TT Obama để lại cho hậu thế không, bất kể giảng giải, đổ thừa hay bào chữa như thế nào. (07-02-16)

Ghi chú: Trong bài viết tuần trước, có viết sai South Carolina là tiểu bang tây nam. Dĩ nhiên SC nằm ở đông nam. Xin cáo lỗi cùng quý độc giả.

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
 
 
Song Truong chuyen

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...