Monday, February 29, 2016

Nhìn Những Mùa Xuân Qua...Viết Cho Xuân 16 by Giao Chỉ, San Jose


Tết đầu tiên tại Mỹ         
                                                                                             
Chắc hẳn bạn còn nhớ chúng ta hỏi nhau. Cái ngày 30 tháng 4 xấp ngửa đó, bác ở đâu? Bây giờ đến câu hỏi khác. Còn nhớ Tết đầu tiên ở Mỹ không ? Tương lai ta sẽ ra sao? Tương lai tuổi trẻ Việt Nam sẽ ra sao ?
Tết đầu tiên trên đất Mỹ vào đầu năm 1976, bọn tôi ở thị xã Springfield thuộc tiểu bang Illinois. Cuối năm vào chủ nhật, năm bảy gia đình tổ chức cúng Tất Niên dưới hầm nhà thờ thành phố. Cơm canh, quả trứng, chả giò quấn bằng vỏ Taco Bell mềm của Mễ. Gà luộc nhạt thếch chấm nước tương Nhật. Một cụ còn mặc áo jacket nhà binh trong trại tỵ nạn đừng ra khấn vái ông bà, cử tọa nước mắt giọt vắn giọt dài.
Ngoài trời mưa tuyết đổ xuống. Trong nhà bà cụ lần tràng hạt niệm Phật. Ông bà mục sư bảo trợ đọc kinh cầu nguyện. Đoạn kinh kính mừng tỵ nạn đoàn tụ trong tay Chúa. Nhưng không có gia đình nào đầy đủ mà vui mừng.
Chợt có tiếng khóc thật lớn từ phía mẹ con bà chánh án. Mỹ nghe nói ông tòa là nể lắm. Nhưng ông thẩm phán còn kẹt lại đang đi tù. Lạc loài ở đây chỉ có bà tòa trẻ và 2 đứa con thơ. Mới đầu chỉ có mẹ khóc, sau ba mẹ con cùng khóc. Tiếng khóc giao thừa thật ai oán não nùng. Ông mục sư nói rằng không ai được khóc khi chào mừng năm mới. Bà mục sư bèn cho nghe nhạc truyền thống vào đêm tân niên Hoa Kỳ. Hai anh lính mũ đỏ lạc lõng hát theo:
                                         Ò e Rô Be đánh đu, Tặc Giăng nhẩy dù, Zô Rô bắn súng
            Chết cha con ma nào đây, Thằng Tây nhẩy đầm, Thằn lằn cụt đuôi ...
Không khí trang nghiêm dở khóc dở cười.  Đó là cái Tết đầu tiên của chúng tôi ở Mỹ. Cá nhân vẫn còn đầy mặc cảm bỏ nước, bỏ quân đội mà đi. Đêm ngủ vẫn còn cơn ác mộng tưởng đang kẹt lại. Dù đã có cơ hội ra đi theo đúng hệ thống quân giai. Chờ cấp trên đi hết rồi tập họp anh em cho phép tùy nghi đi hay ở, nhưng mặc cảm thua trận rã ngũ tan hàng làm sao xóa bỏ.
Vào lính năm 1954 lúc đó ông trung tá Tây Cheviotte còn là chỉ huy trường Võ bị Liên quân Đà Lạt.. Bài giảng tác chiến chỉ còn nhớ 2 khẩu lệnh. Khi nào xung phong thì nghe hô En avant . Khi nào phải rút để bảo toàn chủ lực thì nghe lệnh Sauvé qui peut. Mạnh ai nấy chạy.
Tết 75 tại Việt Nam hăng hái hát Ly Rượu Mừng. Đến tháng Tư có lệnh đầu hàng. Đúng là lúc "Sauvé qui peut", mạnh ai nấy chạy.
Qua Tết 76 ở Mỹ sống mà như hồn lìa khỏi xác. Nghe tiếng khóc não nùng của gia đình chia cắt mà tủi hộ cho hoàn cảnh đoàn tụ riêng tư.         
Tết trong tù                                                                        
Sau này chúng tôi có dịp nghe kể lại câu chuyện cái Tết đầu tiên trong tù của một trung úy HO như sau. Anh nói rằng ngày mùng một Tết trại được nghỉ lao động. Cũng vào cái Tết trong tù đầu tiên 1976 tại miền Nam. Mọi người được một chén cơm với cá khô. Anh em ăn xong ngồi nói chuyện râm ran chợt ai nấy yên lặng ngó ra sân. Giữa trưa nắng và ngay giữa sân trại có anh tù đứng yên ngó xuống đất. Nhìn kỹ thấy dưới chân là tấm phên rách hình chữ nhật. Phía trên có 3 thanh củi khô. Ai cũng hiểu là anh tù đang đứng nghiêm chào cờ quốc gia. Dường như lính coi tù từ phía xa cũng thấy chuyện lạ nên đi tới. Coi như lễ chào cờ đầu năm đã xong, anh tù quay bước vào trại, chân gạt nhẹ mấy thanh củi khô. Nhưng sau này có người báo cáo nên người tù làm lễ chào cờ đầu năm bị dẫn đi mất tích.

Hội Tết vĩ đại tại San Jose    
                                                                                      
Về định cư tại San Jose chúng tôi họp bạn để tổ chức hội Tết đầu tiên cho cộng đồng tại miền Bắc CA. Lấy San Jose High school đón Xuân với hơn 10 ngàn lượt vào cửa năm 1982. Dân ta lúc đó có khoảng 20 ngàn người mà tính ra như vậy là quá thành công.
Những năm kế tiếp hội TẾT San Jose từ con sông nhỏ High school tìm cách bơi ra đại dương thuê ngay toàn thể Santa Clara Fair Grounds. Mỗi năm thêm vĩ đại. Có lần cả thống đốc CA về tham dự. Năm 1988 đạt kỷ lục trên 50 ngàn lượt vào cửa. Tiền lời lên đến 80 ngàn $US chia cho các hội đoàn sinh hoạt quanh năm.
San Jose mở đầu mọi thành tích sinh hoạt cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Thế giới Bolsa ở Nam Cali còn đứng hạng nhì phía sau. Ở đây có nhật báo đầu tiên, radio hàng ngày đầu tiên, TV chiếu hàng ngày đầu tiên và văn nghệ thì dài dài mỗi tuần. Phong trào cứu người vượt biển tuyên dương San Jose là thủ phủ của tình thương. Về hoạt động phục quốc thì San Jose là cái nôi của kháng chiến Hoàng Cơ Minh.
Phương diện chính trị thì toàn thể tướng lãnh họp mặt rồi đến lượt xuất hiện lần đầu của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Rồi quốc trưởng Nguyễn Khánh.
San Jose xây dựng kỳ đài đầu tiên cùng nhiều thành tích khác, trong đó phải kể đến các tổ chức diễn hành mỗi năm.Nhưng qua đến cuối thập niên 90 thì Nam Cali bắt đầu khởi sắc và qua mặt miền Bắc về đủ mọi phương diện. Thương mại, chính trị, văn hóa và xã hội. Hội Tết của sinh viên và cộng đồng miền Nam có đến cả trăm ngàn khách du xuân. Trong khi hội Tết San Jose xem chừng xuống cấp.
Về diễn hành miền Bắc đã đi những bước cuối cùng trong khi miền Nam vẫn còn tiếp tục. Đặc biệt về thế giới sân khấu nghệ thuật thì Nam Cali với Little Saigon có bảng exit vĩ đại thực sự trở thành thủ đô của hải ngoại. Các trung tâm Thúy Nga, Asia Vân Sơn hiện diện. Các nhật báo lớn nhất đều có mặt và tạo ảnh hưởng lớn lao cho toàn thể người Việt toàn cầu.
Hội Tết Sinh viên
Từ rất nhiều năm qua, miền Nam Cali có hội Tết sinh viên, có thi hoa hậu do tổng hội sinh viên tổ chức được nhiều sự tán thưởng và đồng hương ủng hộ. Ngày nay không thấy tổ chức hoa hậu tiếp tục nhưng hội Tết vẫn còn hiện diện. Thông thường các sinh viên thế hệ trẻ tổ chức nhẹ về chính trị và thương mại nhưng hướng về văn hóa truyền thống. Lẽ dĩ nhiên không thể nào bỏ được căn cước tỵ nạn cộng sản.
Riêng tại miền Bắc, từ 2 năm qua một hình thức kết hợp mới mẻ của thế hệ tương lai qua các hội sinh viên, Tết của tuổi trẻ đã bắt đầu tại San Jose. Hai trăm anh chị em từ sinh viên xuống đến học sinh đả ngồi lại thành ban tổ chức và chỉ Tết có 1 ngày chủ nhật với hơn 2.000 người tham dự.  Lẽ dĩ nhiên chỉ có hơn 2.000 người tham dự làm sao so sánh được thời kỳ cực thịnh của hội Tet Fairgrounds có 50  ngàn lần vào cửa hay Nam Cali có lần cả 100 ngàn lượt vào thưởng xuân.
Nhưng qua hội Tết của các em tuổi trẻ San Jose tôi nhìn thấy tương lai của mùa xuân vĩnh cửu. Hình ảnh đẹp nhất ghi nhận được không phải là các bài diễn văn của các viên chức chính quyền. Hình đẹp nhất là em gái tiểu học mặc váy đầm, quàng khăn xanh đứng chỉ đường cho xe ra vào parking. Những em bé thật bé mặc áo dài khăn đóng với bước đi chưa vững. Các cô gái trong ban tổ chức năng động chạy qua chạy lại. Trên sân khấu văn nghệ các em gái thay phiên làm MC song ngữ. Không có cô nào gọi là có tên tuổi. MC Bùi, MC Nguyễn, MC Trần Lê, rồi MC Phạm. Có tên mà coi như vô danh. Các ban văn nghệ chưa từng lên sân khấu Thúy Nga, Asia nhưng đầy ắp tình tự dân tộc. Đoàn vũ Cánh Chim Bách Việt thi đua với kịch nghệ của ban Sân Khấu Việt.
Với tuổi hồn nhiên mới lớn các em tham dự cuộc thi ăn hấp dẫn. Chương trình cũng có chào cờ, mặc niệm, rước cờ đầy đủ, nhưng các bạn tổ chức trả lời San Jose Mercury News là nhẹ phần chính trị, nặng về văn hóa. Dù nói vậy nhưng các em cũng cắm tràn ngập cờ vàng, mặc niệm chiến sĩ VNCH và luôn luôn không đi ngoài tinh thần quốc gia tỵ nạn cộng sản. Năm ngoái các cậu mua rẻ được một số đèn giấy màu đỏ treo loạn sân khấu bị các phụ huynh hỏi tội, năm nay anh chị em treo thật nhiều màu vàng. Các niên trưởng xem ra rất hài lòng, dù rằng tham dự rất ít. Phần hấp dẫn nhất là hội Tết Tuổi Trẻ bao gồm toàn tuổi trẻ có mặt. Như bài ca Tiếng chim gọi đàn. Các em đến giữa độ xuân về và thi nhau "Ăn Tết."
Vừa khai mạc xong là thi ăn chả giò. Thi đua thể thao chấm dứt là thi ăn bánh mì. Tiếp theo văn nghệ là thi ăn Rice cake (bánh Chưng). Suốt 1 ngày dài các em thi ăn bánh mì 3 lần, chả giò 3 lần, thi uống trà 2 lần và thi ăn dưa hấu 1 lần.
Ngày xưa thời kỳ 80, ban tổ chức còn "ăn welfare" nào ai dám mở cuộc thi toàn là ăn suốt ngày. Bây giờ các em giải thích rằng ông bà đã gọi là ăn tết thì thi ăn là phải đạo rồi. Cũng như lễ hội Hoa Kỳ thi ăn Hamburger và Hot Dog.
Tôi có dịp hỏi thăm các em tình nguyện trong ban tổ chức từ các đại học đến các trường trung học trong vùng. Hỏi rằng có hội đoàn nào hỗ trợ, hướng dẫn hay cố vấn không. Các em nói rằng chúng con họp lại tự làm lấy hết.
Hậu duệ hay không hậu duệ
Gần 2 triệu người Việt tại Hoa Kỳ, ngày nay đa số là công dân của một thế hệ mới, Thế hệ sau 1975. Trong nước cũng thế mà hải ngoại cũng vậy. Cuộc chiến chấm dứt 40 năm qua. Những đứa bé thuyền nhân qua Mỹ nay cũng đã là ông bà. Trong đó có cả ngàn các em thuyền nhân không cha mẹ. Các trẻ em sinh ra ở hải ngoại nay cũng đã yên bề gia thất. Nhiều chánh đảng, hội đoàn lo lắng cho tương lai đã tổ chức các thế hệ tiếp nối trở thành đoàn hậu duệ. Quý vị cao niên trăm tuổi muốn trao ngọn đuốc cho con trẻ nối tiếp đi vào tương lai. Xem ra các cháu có nhiều ngần ngại. Đuốc thiêng quá khứ không đốt ngọn lửa của thời hiện tại, mong gì cháy đỏ vào tương lai !!!

Trao không đúng đuốc, không đúng người, không đúng ngày giờ và không đúng chỗ. Con cháu chúng ta đã lần lượt tự đứng lên đốt ngọn lửa trẻ trung của thời hiện tại để bước vào tương lai. Các em thừa hưởng bài học thành công và thất bại của cha anh qua lịch sử để tự mình đi tới.
Sau 40 năm tinh thần binh nghiệp VNCH trong truyển thống gia đình để lại cho nước Mỹ 2 vị tướng lãnh, 30 cấp đại tá, hàng trăm sĩ quan, hàng ngàn binh sĩ. Các khoa học gia, các chuyên viên, các kỹ sư, các bác sĩ và các chính trị gia. Đã có người Việt trong Quốc hội Liên bang, các Tiểu bang và các thành phố. Little Saigon Nam Cali là 1 thí dụ. Ba thành phố Wesminster, Garden Grove, Fountain Valley quây quần quanh thủ đô Bolsa, nằm trong quận Cam hiện có 4 chính trị gia Việt Nam lãnh đạo. Ba vị thị trưởng 3 thành phố và 1 vị làm giám sát viên quận.
Tại Bắc Cali ngày xưa chúng ta chỉ mong với 10% dân số thì phải có 1 nghị viên. Ngày nay, San Jose có 2 nghị viên gốc Việt và đang hy vọng có thêm vị thứ 3. Thêm ba vị khác đang tranh cử Dân biểu cấp Tiểu bang. Trăm hoa đua nở trên khắp các lãnh vực. Thế hệ cao niên sau năm 75 thực ra không có điều gì đáng kể để cố vấn chỉ dẫn cho thế hệ kế tiếp. Cũng không thể đứng ra mà mơ mộng đào tạo các đoàn hậu duệ. Xin đành ghi nhận câu thành ngữ để đời. Con hơn cha là nhà có phúc.                                         
Năm 20 tuổi, tôi đọc nhiều bản văn của tiền bối gọi là nói với tuổi 20, chẳng còn nhớ là học được điều gì. Năm 30 tuổi đọc được vần thơ thơ mộng như sau. Lòng người trai 30, vui như trẻ lên mười, yêu như tuổi 17 và buồn như sắp 50. 
Bây giờ tuổi đá buồn 50 qua đã lâu rồi. 60 chỉ còn là kỷ niệm, thậm chí 70 cho đến 80 cũng đã trở thành quá khứ. Ngọn đuốc vinh quang có cầm trong tay bao giờ mà bảo trao cho hậu duệ. Bao năm qua, ta chẳng hề cố vấn chỉ dẫn cho lũ trẻ được điều gì mà sao chúng đã thành công rực rỡ. Bây giờ ta không đủ kiến thức để nói cho tuổi 20. Mà sao chúng nó tự mình xoay sở hay như thế.
Mùa Xuân năm nay nếu chúng tôi cùng ông bà có thắc mắc hỏi rằng vì sao con cháu chúng ta từ trong nước tuổi trẻ đấu tranh cho đến hải ngoại vươn lên cùng các sắc tộc chẳng kém ai. Sẽ nghe được phần trả lời hết sức dễ thương qua câu đồng giao mà tôi ghi lại từ miền Hậu Giang.
                                                           
                                                       Con cút cụt đuôi, ai nuôi mày lớn?
                                                       Dạ thưa bà, con lớn mình "ên".
Giao Chỉ, San Jose

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...