Friday, February 5, 2016

Một cuộc săn đánh tàu địch trên biển của HQ/VNCH by Phan Lạc Tiếp

HoangsaParacels: Đọc lại để nhớ lại đời hải nghiệp hào hùng, tính nhân đạo và tinh thần tôn trọng luật hàng hải quốc tế của HQVNCH mà chúng ta đã ra sức phục vụ.
 
Thưa các anh Thụy, Đời và Đoan. Như các anh đã thấy và ghi nhận. Cuộc xâm nhập của các anh từ Bắc vào Nam, chúng tôi đã theo dõi và biết rất rõ. Và Hải Quân chúng tôi luôn luôn tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Hơn thế nữa, dù ở thế thượng phong, chúng tôi sẵn sàng mở một cánh cửa để cho các anh có thể về với chúng tôi qua chính sách chiêu hồi. Cực chẳng đã, chúng tôi mới sử dụng vũ khí, và cũng chỉ giới hạn, rất giới hạn hỏa lực và thời gian tác xạ. Chúng tôi muốn cứu sống các anh tối đa. Khi tàu các anh đã chìm, chúng tôi đã cứu vớt các anh ngay và đối xử với các anh rất tử tế, nồng hậu. Một con tàu nhỏ, thiếu tiện nghi, và được huấn luyện sơ sài, không đáp ứng được các quy luật thông tin căn bản của luật hàng hải, họ đã cho các anh ra đi. Như thế thật là liều lĩnh và tàn ác.

Cuộc xâm nhập bằng đường biển của Cộng sản Hà Nội được chính thức khởi đầu vào ngày 30 Tết năm 1960, cho đến ngày 24 tháng 4 năm 1972 được coi là chấm dứt, bởi con tàu số 645 của Cộng sản Hà-Nội bị theo dõi và bị đánh chìm rất ngọan mục tại vùng biển Phú Quốc. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ4 của Hải Quân VNCH đã lập được chiến công này.

Trước khi đi sâu vào cuộc săn đánh tàu Cộng sản Bắc Việt, cần có một cái nhìn khái quát và kế hoạch xâm nhập của Hà Nội vào bờ biển Miền Nam. Suốt 12 năm dài, từ 1960 đến 1972, lực lượng xâm nhập đường biển của Hà Nội được tổ chức theo quy chế bộ binh. Từ năm 1960 đến 1964, lực lượng này còn nhỏ, được gọi là Đoàn 604. Lúc đầu là các thuyền gỗ nhỏ, trong tải trên dưới 10 tấn, sau là các tàu sắt lớn hơn, trong tải trên dưới 40 tấn. Các ghe loại này ngoài việc trang bị mot số vũ khí để tự vệ khi thật cần thiết, tất cả còn được trang bị các dụng cụ đánh cá như lưới, cào, vừa để ngụy trang, vừa để đánh cá và sản xuất nước mắm. Bắt đầu từ tháng 12 năm 1964, xã hội miền Nam có nhiều xáo trộn, cuộc chiến mỗi lúc mỗi thêm ác liệt, nhu cầu tiếp viện chiến trường miền Nam của quân đội Bắc Việt (dưới chiêu bài Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam), mỗi lúc mỗi thêm to lớn, Hà Nội thành lập Đoàn 125, và được cung cấp thêm nhiều tàu sắt có khả năng đi biển lâu ngày, trong tải cũng to lớn hơn, trên dưới 100 tấn. Suốt 12 năm đó, ở khoảng giữa một biến cố bột phát đã làm thay đổi tới cách xâm nhập của Hà Nội, đồng thời cũng là thời điểm mà Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ thay đổi kế hoạch phòng thủ bờ biển Việt Nam. Biến cố ấy là tàu số 143 của Cộng sản Hà Nội bị phát giác và đánh chìm tai Vũng Rô ngày 16 tháng 2 năm 1965. Theo tài liệu tịch thu được trên con tàu này, thì đây là chuyến thứ 23 của con tàu này xâm nhập bờ biển miến Nam. Hàng ngàn vũ khí và rất nhiều đạn dược của Cộng sản Bắc Việt đã bị tịch thu.

Kế hoạch phong tỏa, bảo vệ bờ biển Việt Nam Cộng Hòa
Khởi đi từ biến cố đó Hải Quân Việt Mỹ đã có một kế hoạch tỉ mỉ và hùng hậu bảo vệ bờ biển Việt Nam. Ngày 24 tháng 3 năm 1965, (hơn một tháng sau biến cố Vũng Rô). Kế hoạch Market Time đã được mở đầu. Kể từ lúc này, ngoài các ghe của các Duyên Đoàn, đóng tại cửa sông huyết mạch, kiểm soát và theo dõi các ghe tại sát các vùng nước nông, còn có các Hải Đội Duyên Phòng, được trang bị bằng các loại tàu nhỏ, có vận tốc cao, hỏa lực mạnh để chận xét các ghe thuyền trong vùng lãnh hải VNCH. Bên ngoài lãnh hải, 12 hải lý kể từ bờ lúc nước thấp nhất, còn có các chiến hạm loại lớn, tuần dương, để theo dõi và phát giác các ghe tàu khả nghi từ hải phận quốc tế. Xa hơn nữa, bao gồm cả vùng biển Đông từ bờ biển Phi Luật Tân phía Đông, vùng vịnh Bắc Việt cho mãi tận đến phía Nam là vùng lãnh hải của Mã Lai, Singapor, Thái Lan…, đều được sự kiểm soát của Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ. Ngoài các đơn vị cơ động nói trên, dọc theo bờ biển của VNCH còn có 16 đài kiểm báo, với các Radar cực mạnh, bán kính kiểm soát của Radar của các đài này đan kín nhau để bổ trợ cho việc kiểm soát bờ biển. Trên không phận, còn có các loại máy bay Không tuần để mau chóng theo dõi và phát giác các điểm di động khả nghi. Như thế, để chống lại sự xâm nhập các tàu bè Cộng sản Bắc Việt, bờ biển VNCH đã được bao kín. Chính tài liệu của Hà Nội đã phải xác nhận :”địch điên cuồng ngăn chặn phong tỏa hoạt động của Đoàn 125″.

Sau vụ Vũng Rô, lần lượt có thêm 13 vụ khác mà các tàu bè của Cộng sản Bắc Việt đã bị phát giác, săn đuổi và đánh chìm như:
- Cửa Tiểu ngày 8/1/1966
- Cửa Bồ Đề ngày 10/5/1966
- Ba Động ngày 20/6/1966
- Bồ Đề lần thứ hai ngày 1/1/1967
-Mũi Ba Làng An (Batangan) ngày 14/3/1967
- Sa Kỳ ngày 15/7/1967
- Đức Phổ ngày 1/3/1967
- Hòn Hèo gần Nha Trang ngày 1/3/1968
- Cửa Việt ngày 1/3/1968
- Bồ Đề lần thứ ba ngày 1/3/1968
- Cửa Cung Hầu ngày 22/11/1970
- Gành Hào ngày 12/4/1971
- Và vụ cuối cùng là ngày 24/4/1972 HQ4 đánh chìm tàu địch, tại vùng biển Phú Quốc.

Như thế, trong thời gian từ 1965 đến 1972, Hải Quân Việt Mỹ hợp tác hoạt động với nhau rất chặt chẽ. Các chiến hạm, chiến cụ mới, các cơ phận thay thế dồi dào, các cơ sở tiếp vận và sửa chữa ở dọc theo các vùng duyên hải, cũng như các Cơ Xưởng Hạm neo tại các con sông lớn, lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp các cơ phận thay thế và sửa chữa. Năng xuất hoạt động thật là cao. Nhiều ghe tàu của cộng sản Hà Nội xâm nhập, gần tới bờ biển VNCH đành phải quay trở lại, vì gặp các tàu bè miền Nam theo dõi, săn đuổi.

Trong cuốn lịch sử ‘Hải Quân Nhân Dân – Dự Thảo và Tóm Tắt,’ trang 139 – 194, của Ha Nội đã phải viết “11 chuyến vận chuyển nhưng chỉ 1 chuyến thành công, đưa được 60 tấn vũ khí vào mặt trận, còn 10 chuyến gặp địch bao vây, phong tỏa, phải quay về”. Qua lời ghi nhận của cộng sản Hà Nội nói trên, ai cũng thấy là Hải Quân VNCH, cũng như Hoa Kỳ, luôn luôn tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Nếu các tàu khả nghi chưa xâm nhập lãnh hải của mình, thì con tàu ấy chỉ bị theo dõi, mà không bị lục soát, tấn công. Vì thế, chúng mới quay về được khi không lọt được vào lãnh hải Việt Nam. Nhưng cuộc chiến mỗi lúc mỗi thêm ác liệt. Hà Nội đã dùng đủ mánh khóe gian manh, lừa bịp trên mọi lãnh vực để đưa người và vũ khí vào xâm lăng Miền Nam. Quân tử mãi, tôn trọng luật lệ mà chỉ lấy phần thua thiệt. HQ4 đánh tàu địch ngày 24 tháng 4 năm 1972 đã chính thức chấm dứt cuộc xâm lăng bằng đường biển vào Nam theo lối bình thường.

Hà Nội thay đổi lộ trình xâm nhập
Không thể xâm nhập bằng các ghe nhỏ vào bờ biển phía Đông được nữa. Hà Nội mở một con đường mới. Chúng đóng loại tàu sắt to lớn, có khả năng đi xa, đi lâu trên đại dương. Để mở đường “ngày 24 tháng 8 năm 1969, con tàu số 42 rời cửa biển Hải Phòng.

Trên chặng hải trình tàu đã qua vùng quần đảo Hoàng Sa, sau xuyên thẳng xuống vùng biển Đông Nam Á, vào vùng Tây Nam, rồi quay về căn cứ xuất phát vào ngày 9 tháng 9 năm 1969. Trong chuyến đi 22 ngày này, vượt qua chặng đường dài gần 4000 hải lý, chịu đựng đói khát, thiếu thốn và sóng gió trên biển cả, tàu 42 đã tìm được và mở ra một con đường chuyển vận mới trên biển từ Bắc vào Nam địch ít ngờ tới nhất” (LSHQ/NDVN, dự thảo và tóm tắt, trang 137 tài liệu của CS Hà Nội). Với con đường mới này Cộng sản Bắc Việt đã để lại các xác tàu tại Gành Hào, ngày 22/11/70 và Cung Hầu, ngày 12/4/71. Nhưng Hà Nội đã không biết rằng mọi phát xuất từ các cửa biển ở miền Bắc, hình ảnh các tàu bè của Hà Nội đã được cung cấp và lưu trữ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn. Các số tàu có thể sơn lại. Màu sơn có thể thay đổi. Nhưng kiến trúc con tàu, một cách tổng quát làm sao thay đổi trên đường xâm nhập. Nhất là các cửa sổ tròn kín nước. Có loại có 9 cửa, có loại có 12 cửa v.v… và cả đặc tính và vận tốc của các con tàu ấy cũng được theo dõi và biết một cách chính xác, để sẵn trong ngăn kéo trong Phòng Hành Quân Biển tại Sàigòn. Khi cần, sau khi phối kiểm, kèm theo Lệnh Hành Quân trao cho các chiến hạm thi hành.

HQ4 với thủy thủ đoàn gương mẫu đánh chìm tàu địch
Nằm trong chương trình chuyển giao cấp tốc (Accelerated Turnover to the Vietnamese: ACTOV), khu trục hạm HQ4 nguyên là một chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội, đang hoạt động tại Thái Bình Dương, mang số 334.

Đối với Việt Nam là một con số bù, không tốt. Ngày chuyển giao tại Guam, Hải Quân Trung tá Nguyễn Ngọc Rắc, Hạm trưởng với sự xắp xếp của Hải Quân Mỹ, cử 2 thủy thủ, 1 Việt, 1 Mỹ, sau một hồi còi nghi lễ, lấy cọ sơn xóa đi hai con số 3, nên con tàu chỉ còn lại số cuối là số 4. Khu trục hạm mang tên một vị tướng lẫy lừng họ Trần, Trần Khánh Dư. Thủy thủ đoàn được tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng. Sau Hạm trưởng là Hạm Phó Nguyễn Kim Khánh, khóa 11. Ông Khánh đã cho hay: “HQ4 lúc ấy vừa mới lãnh về, tất cả ở trong tình trạng toàn hảo. Tàu dài 305 bộ, rộng 36 bộ, độ sâu là 14 bộ, vận tốc tối đa là 21 gút. Tàu được trang bị hải pháo 76 ly 2 trước mũi, bắn bằng điện, do hai nhân viên phụ trách: Thượng Sĩ Điện Pháo Tân và xạ thủ chính là Trung Sĩ Trọng Pháo Huệ. Ở phía sau cũng có một dàn hải pháo 76 ly 2 nữa. Chưa kể các khẩu đại bác 20 ly dọc theo hai bên sàn tàu. Đó là những vũ khí trên mặt biển. HQ 4 còn có 6 ống phóng ngư lôi, một dàn thủy lựu đạn MK 15 để đánh tầu ngầm….

Nhân viên, lúc ấy với cấp số 170 người, đầy đủ 100%, rất thuần thục và gương mẫu”. Vẫn theo sự nhớ lại của Cựu Hạm Phó HQ4, Nguyễn Kim Khánh, ông nói : “trước ngày 22 tháng 4 năm 1972, Hạm trưởng tôi từ Bộ Tư Lệnh về, đem theo các tài liệu hành quân, với độ khẩn Hỏa Tốc. Ông ra lệnh cho đi chợ thật mau, gọi tất cả nhân viên về. Tất nhiên một số đi phép không có mặt. Mặc, 2 giờ chiều tàu rời Sài Gòn. Cẩn thận tối đa và tới cửa Cap St. Jacque lúc 5 giờ chiều. Với các chi tiết đã được cung cấp. HQ4 tiến thẳng ra vùng Vịnh Phan Thiết. Radar mở tối đa, bán kính bao vùng 32 hải lý. Chỉ sau mấy giờ đồng hồ, echo địch đã hiện ra. HQ4 lại gần tàu địch, với một phân đội hải hành sẵn sàng trong nhiệm sở tác chiến. Lúc ấy tàu địch ở ngoài hải phận quốc tế, cách bờ từ 25 đến 30 hải lý. Quan sát tàu, kiến trúc đúng như hình ảnh đã được cung cấp. Trên tàu địch chỉ có các ô vuông phủ lưới. Thấy bị theo dõi, tàu địch hướng mũi về phía Hồng Kông. Ta đi theo, xa xa trong tầm kiểm soát của Radar. Sau tàu địch đổi hướng vào vùng Cà Mau. Đợi cho địch vào sâu hơn nữa, ta xả hết máy theo sát nó. Sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, tàu địch ở giữa vùng biển từ Phú Quốc và đảo Thổ Châu. Trên tàu địch không treo quốc kỳ của bất cứ quốc gia nào. Tàu ta và tàu địch rất gần nhau. Ta đánh đèn hỏi, tàu địch vẫn giữ im lặng. Tàu ta đi sát hơn, dùng cờ hiệu hỏi, tàu địch vẫn lầm lì không phản ứng gì. Trên ống nhòm, hình dáng, bộ mặt các nhân viên trên tàu địch rất là Việt Nam. Không còn khả nghi gì nữa. HQ4 ở nhiệm sở tác chiến toàn diện. Và tất nhiên mọi diễn tiến đều được thông báo bằng âm thoại tới Trung Tâm Hành Quân tại Sài Gòn… Tàu ta, HQ4 dùng loa kêu gọi “các anh hãy dừng máy, kéo cờ trắng đầu hàng, chúng tôi sẽ cho các anh hưởng quy chế chiêu hồi…” Tàu địch hình như ở trong tình trạng hôn mê. Bỗng chúng kéo quốc kỳ Trung Cộng lên cột cờ… Hạm trưởng Nguyễn Ngọc Rắc rất tin tưởng vào các xạ thủ của khẩu 76 ly 2 tại mũi tàu. Ông nhắc : ” Khi cần, chỉ một mình khẩu này bắn thôi…” Tàu mình và tàu địch vẫn chạy song song, hướng mũi vào Phú Quốc. Và thật nhẫn nại, vừa theo sát, vừa bắc loa kêu gọi, tàu địch vẫn cứ lì. Lệnh từ chính Tư Lệnh Hải Quân, Đề Đốc Trần Văn Chơn bằng âm thoại:” Theo đúng luật hàng hải quốc tế, hãy bắn hai phát trước mũi tàu địch để cảnh cáo. Nếu tàu địch không ngừng máy, kéo cờ trắng, hãy bắn thẳng vào tàu địch.” Sau hai phát đại bác, tàu địch vẫn lầm lì tiến. Hạm Trưởng Nguyễn Ngọc Rắc ra lệnh:” Bắn thẳng vào đài chỉ huy.” Khẩu 76 ly 2 do xạ thủ Huệ bóp cò. Chỉ một phát, tàu địch nghiêng. Trên tàu địch tán loạn. Phát thứ hai, tàu địch bốc cháy và từ từ chìm trong vòng mấy phút. Các họng súng khác trên HQ4 đều hướng về tàu địch và chưa được lệnh bắn phát nào…”

Vẫn theo Cựu Hạm Phó Nguyễn Kim Khánh: “nhiệm sở thả *youyou loan ra. Trên các xuồng máy này đều có nhân viên trang bị súng nhỏ. HQ4 đã ngừng máy, biển êm. Hai xuồng được thả xuống tiến đến vùng biển, nơi các mảnh ván và các đầu người bơi lóp ngóp … . Sĩ quan trưởng toán báo cáo về HQ4. “Dạ thưa Hạm trưởng tất cả họ đều nói tiếng Việt Nam…” Báo cáo này được loan ngay về Trung Tâm Hành Quân tại Sài Gòn. Đô Đốc Chơn cười, và lấy khăn lau mồ hôi trên trán (ghi nhận này của người viết lúc ấy ở Sài Gòn.)

Vẫn theo ông Khánh, có hơn 10 nhân viên trên tàu của Hà Nội được vớt lên. Lúc ấy HQ4 vừa mới lãnh từ Mỹ về, thuốc lá Mỹ, cam, táo còn đầy. Ta đem ra mời các tù binh của tàu Bắc Việt. Tất cả đều ngồi im, từ chối. Sau Thượng sĩ Quân y, tên là Ân, nói : “Ông thầy phân tán họ ra, rồi hãy cho họ ăn”. Đúng như ông Ân đoán. Các tù binh Cộng sản Bắc Việt uống nước cam, ăn táo, ăn nho rất tận tình…”.

Hà-Nội đã viết gì về vụ này.
Theo tài liệu chính thức của Hà Nội: Lịch sử Hải Quân Nhân Dân Việt Nam, Dự Thảo Tóm Tắt, trang 140 nguyên văn như sau: “Trung tuần tháng 4, đoàn lại tiếp tục giao nhiệm vụ cho tàu 645 đưa một chuyến hàng nữa vào Quân Khu 9. Trên đường đi tàu đã lợi dụng mọi yếu tố bất ngờ vượt qua các tuyến tuần tiễu của địch gồm hàng chục tàu chiến, máy bay trinh sát của Mỹ và Ngụy. Đến ngày 24 tháng 4, khi tàu chuyển hướng vào bờ thì gặp địch và xảy ra chiến đấu. Với âm mưu nham hiểm định bắt sống tàu ta, bọn địch dùng mọi thủ đoạn chiến tranh tâm lý, dụ dỗ, mua chuộc và đe dọa hòng lung lạc ý chí cán bộ, chiến sĩ tàu 645. Sau một thời gian tác động, kêu gọi, chiêu hồi không được, bọn địch liền dùng đại bác bắn vào ta. Thực hiện kế hoạch đã bàn sẵn, tàu 645 chưa bắn trả lại vội, vừa dập lửa cứu máy vừa tiếp tục vận động bình thường để nghi binh nhử địch đến gần. Sau mấy loạt đạn 76,2 ly bắn tới tấp không thấy tàu ta phản ứng gì, chiếc tàu khu trục địch ngưng bắn tiến sát lên ngang hông tàu 645. Chỉ chờ có thời cơ ấy, tàu 645 bất ngờ tăng hết tốc độ nhắm thẳng tàu địch lao tới. Trong giờ phút quyết liệt một mất một còn với kẻ thù. Thiếu úy chính trị viên, bí thư chi bộ tàu 645. Nguyễn Văn Hiệu, đã bình tĩnh, tỉnh táo tổ chức, cho anh em rời tàu, căn dặn anh em tiếp tục chiến đấu vì miền Nam ruột thịt“. Tập tài liệu được biên soạn bởi 3 người : Phạm Hồng Thụy, Phạm Hồng Đời, Vũ Mạnh Đoan (không thấy có một vị Tiến Sĩ, hay một vị nào với học vị cao kiểm soát, hay trách nhiệm xuất bản như các cuốn tài liệu khác.)

Đôi lời nhắn gởi.
Thưa các anh Thụy, Đời và Đoan. Như các anh đã thấy và ghi nhận. Cuộc xâm nhập của các anh từ Bắc vào Nam, chúng tôi đã theo dõi và biết rất rõ. Và Hải Quân chúng tôi luôn luôn tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Hơn thế nữa, dù ở thế thượng phong, chúng tôi sẵn sàng mở một cánh cửa để cho các anh có thể về với chúng tôi qua chính sách chiêu hồi. Cực chẳng đã, chúng tôi mới sử dụng vũ khí, và cũng chỉ giới hạn, rất giới hạn hỏa lực và thời gian tác xạ. Chúng tôi muốn cứu sống các anh tối đa. Khi tàu các anh đã chìm, chúng tôi đã cứu vớt các anh ngay và đối xử với các anh rất tử tế, nồng hậu. Một con tàu nhỏ, thiếu tiện nghi, và được huấn luyện sơ sài, không đáp ứng được các quy luật thông tin căn bản của luật hàng hải, họ đã cho các anh ra đi. Như thế thật là liều lĩnh và tàn ác. Với con tàu nhỏ, chưa quá 100 tấn, gặp con tàu của Hải Quân Việt Nam, lớn gấp 20 lần tàu của các anh, với tất cả sự hùng hậu về hỏa lực và kỹ thuật, các anh khiếp đảm là lẽ đương nhiên. Chỉ nguyên đi gần chiến hạm của chúng tôi, với sức hút của trọng tải khối sắt gần 2000 tấn, đã làm các anh khó có thể giữ được bánh lái vững vàng. Khi đã bị bắn, tàu nghiêng và phát hỏa, đứng đã không vững, lấy sức đâu mà “…tàu 645 chưa bắn trả vội, vừa dập tắt lửa cúu máy, vừa tiếp tục vận động bình thường, để nhử địch tới gần…” Tôi chắc các anh, người viết bài, chưa có một chút kinh nghiệm nào về cuộc sống trên tàu chiến. Các anh quen phóng đại và tô hồng bừa bãi, nên đọc đoạn văn trên tôi buồn cười quá. Con tàu đã nghiêng, hầm máy đã cháy, khiếp lắm, chứ có đâu như đám rơm, đám rạ cháy lan trong góc bếp của các anh đâu mà dập lửa…Với anh “Nguyễn Văn Hiệu, chính trị viên, bí thư chi bộ tàu 645 “, trên thực tế, do các bạn tôi kể lại, thì từ 10 giờ sáng hôm 24 tháng 4 năm 1972 lúc con tàu của các anh bị HQ4 theo sát, anh ta đeo kính đen, ngồi ngoảnh mặt về phía HQ4, không động đậy. Tôi chắc là anh ta lúc đó, hãi quá “ướt cả quần”, nên không còn nhúc nhích gì được. Anh ta chết ngay, như tin anh phụ máy mà tôi hỏi lúc các anh này được đưa về Sài Gòn hôm 25 tháng 4 năm 1972. Anh này nói : “Tầu đi nâu quá, em hãi quá, khi tàu bị bắn cháy, em thấy đầu và phổi của anh Hiệu rơi xuống trước mặt em…” Thưa các anh trong ban Biên Tập của tập tài liệu trên. Điều thứ nhất là anh Nguyễn Văn Hiệu, bí thư chi bộ tàu 645, chết đúng 12 giờ ngày 24 tháng 4 năm 1972, tại vùng biển giữa đảo Phú Quốc và đảo Thổ Châu. Các anh nên thông báo cho gia đình anh Hiệu biết như thế để tiện bề cúng giỗ. Là một người đi biển, tôi thấy rằng thủy thủ của con tàu 645 đã phải có một niềm tin vững chắc lắm mới dám liều ra đi như thế. Niềm tin ấy đã được nhồi nặn với tất cả căm thù và sai quấy. Các anh ra đi để giải phóng miền Nam. Người lính miền Nam được các anh hiểu như là một loại người tàn ác và không có tình tự dân tộc… Các anh hãy bình tâm đọc lại và kiểm chứng các đoạn tôi ghi ở trên. Nếu chúng tôi muốn tiêu diệt các anh, các họng súng 20 ly trên tàu chỉ quét một lượt, các anh còn gì ? Khi vớt các anh lên, nếu muốn cho phi tang, quá dễ. Vậy mà các anh đã được nuôi dưỡng, đón tiếp như thế. Trừ một mình anh Hiệu, hơn 10 người của con tàu 645, đã được vớt. Và giờ đây, tất cả đất nước đã nằm trong tay các anh, các thủy thủ của con tàu 645, chắc đã được trở về đoàn tụ với gia đình. Thực tế, sau khi đất nước đã về tay các anh, những thủy thủ như các thủy thủ của con tàu 645 ra sao? Sao không thấy các anh nói đến. Các anh hãy nhìn lại quanh các anh, những thân nhân các anh, gia đình của các “chiến sĩ ngoan cường chống Mỹ cứu nước” hiện họ sống ra sao? Thực tế là câu trả lời cụ thể về cái lý tưởng mà những thanh niên miền Bắc đã liều thân đi vào chỗ chết. Hỡi các anh trong Ban Biên Tập của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hà Nội, chúng tôi, bằng tất cả tấm lòng tôn trọng sự thật, và rầt bình tĩnh mong được anh lên tiếng. Hãy trả sự thật lại cho sự thật.

Phan Lạc Tiếp

*youyou: Một loại xuồng nhỏ trên chiến hạm dùng để cấp cứu.

1 comment:

Vai trò của Mao Trạch Đông trong chiến dịch chiếm Hoàng Sa 1974 – Trần Trung Đạo

Luồng gió ngoại giao đã đổi chiều khi Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon bắt tay Mao ngày 21 Tháng Hai 1972. Chuyến viếng thăm Trung Cộng của N...