1. Lời mở đầu
Trận tấn công tái chiếm Cửa Việt, Quảng Trị, vào cuối tháng giêng năm 1973, được khá nhiều bài viết kể lại. Một số bài do các sĩ quan trực tiếp tham dự thuật lại những gì họ đã trải qua như những chứng nhân; cũng có những tập hồi ký mà trận Cửa Việt được nhắc lại như một sự kiện lịch sử quan trọng đáng ghi nhớ vào thời điểm Hiệp Định Paris được cho ra đời một cách gượng ép, ngỡ ngàng mà thực chất chỉ là một bản án tử hình dành cho miền Nam Việt Nam không hơn không kém.
Mũ Xanh Tango |
Chiến tranh đã tàn cách đây 37 năm mà niếm đau vẫn còn âm ỉ. Hận thù giữa hai phe quốc cộng chưa nguôi. Người dân vẫn khổ và tiếp tục khổ cho đến bao giờ Đảng CSVN tan rã. Và mỗi lần đặt mình trong bối cảnh quê hương đang chiến tranh để kể hay viết lại một trận đánh mà bản thân đã từng tham dự, lòng cảm thấy nỗi đau bất tận hiện về bởi lúc đó là lúc phải nhắc đến chuyện bom đạn, giết hại nhau giữa con người và con người Việt Nam.
Sau tháng 4/ 1975, trước sự suy vong của vận nước, lịch sử và chiến sử đã được “kẻ chiến thắng” ghi chép theo thiên kiến ảnh hưởng bởi chính trị, tuyên truyền, bệnh nêu cao thành tích v.v. để cấu thành một “huyền sử” hơn là đi tìm sự thật cống hiến cho chiến sử, lịch sử một cách đàng hoàng, công bằng và liêm sĩ. “Huyền sử” ở đâu? Ai chứng minh những gì họ nói? Với những tài liệu như thế, thế hệ con cháu chúng ta sau nầy sẽ đánh giá sai lầm về khả năng và tinh thần chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ( QLVNCH ).
Bài viết muộn màng nầy không ngoài mục đích ghi lại trình tự các sự kiện đã xảy ra trong trận Cửa Việt một cách trung thực, và với tư cách người được giao trách nhiệm chỉ huy nổ lực chính tiến chiếm mục tiêu Cửa Việt, kẻ viết bài mong được mô tả lại “bức tranh toàn cảnh” của trận đánh nầy một cách khách quan, bổ sung thêm những điều chưa được nói đến hay có nói nhưng chưa đầy đủ, thậm chí có khi còn sai lạc.
2. Nhận lệnh
Khoảng 11 giờ trưa ngày 25/1/1973, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 kiêm Quân khu 1 (TL/QĐ1/QK1), đáp trực thăng đến thăm Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (BTL/SĐ/TQLC) đóng tại Quận Hương Điền, Thừa Thiên, và được Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC ( TL/SĐ/TQLC ), tiếp tại văn phòng riêng. Tôi được mời lên gặp Tướng Lân sau đó khoảng 15 phút; việc nầy ít khi xảy ra trong trường hợp khi có quan khách đến thăm. Tôi nghĩ chắc có vấn đề gì gấp và quan trọng mà Tướng Lân muốn chỉ thị cho tôi thi hành. Tôi vội cầm lấy tấm bản đồ xếp có bìa cứng đã được cập nhật đầy đủ tình hình về địch, ta, bạn và sẵn sàng để trả lời khi được hỏi đến. Thông thường ông hay hỏi về tình hình chung trong đêm gồm các sự thiệt hại quan trọng của ta qua các cuộc pháo kích hay chạm súng trên các tuyến phòng thủ, những thay đổi trong việc phối trí chiến xa của các Lữ Đoàn v.v.
Tướng Lân ngồi đối diện với Trướng Trưởng, một tấm bản đồ có vẽ ranh giới khu vực trách nhiệm hành quân của SĐ/TQLC, được trải sẵn trên chiếc bàn đặt ở giữa. Khi tôi vừa chào Tướng Trưởng xong thì Tướng Lân vào đề ngay. Ông cho biết là Sư Đoàn TQLC sẽ tổ chức cuộc tấn công lên Cửa Việt bằng hai cánh quân. Cánh bên phải làm nỗ lực chính gồm 2 tiểu đoàn TQLC (TD/TQLC) và Thiết Đoàn 20 ( TH/Đ 20 ) do tôi chỉ huy, tiến dọc theo các xóm làng bên bờ biển và sẽ chiếm Cửa Việt trước 08:00 giờ ngày 28/1/1973, thời điểm Hiệp Định ngưng bắn Ba Lê bắt đầu có hiệu lực. Cánh quân bên trái làm nỗ lực phụ gồm 1 tiểu đoàn TĐ/TQLC và Thiết Đoàn 18 do Lữ Đoàn 147/TQLC chỉ huy, tiến dọc theo Hương Lộ 603 lên hướng Bắc để yểm trợ bên sườn trái cho nỗ lực chính. Sắp xếp pháo binh để có hoả lực đủ mạnh yểm trợ trưc tiếp cho nỗ lực chính. Tuyệt đối giữ bí mật cuộc hành quân nầy.
Tướng Lân kết thúc phần ra lệnh và hỏi tôi có ý kiến gì không. Vì có sự hiện diện của Tuớng Truởng nên tôi không tiện trình bày dài dòng và tôi nói sẽ trình với Tướng Lân sau khi cùng với Bộ Tham Mưu Sư Đoàn (BTM/SĐ) hoàn tất kế hoạch cho cuộc hành quân nầy.
Tôi hơi có bất ngờ vì quả tình việc tấn công lên Cửa Việt cũng như sẽ có ngưng bắn nằm ngoài dự đoán của tôi trước khi bước vào trình diện Tướng Lân. Tôi cũng đang ở trong tâm trạng vừa lo lắng, vừa mừng thầm. Lo lắng vì nghĩ tới hai nỗ lực chính và phụ sẽ phải vượt qua hai Trung Đoàn 101 thuộc Sư Đoàn 325 Cộng Sản Bắc Việt (TRĐ 101/325 CSBV) và Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 320 CSBV (TRĐ 48/320 CSBV) đang phòng thủ theo chiều sâu truớc chạm tuyến TQLC. Hai trung đoàn nầy được tăng cường thành phần thuộc Trung Đoàn Chiến Xa 202. Mừng thầm vì sẽ “hết chiến tranh” trên quê hương cho dù qua bao kinh nghiệm quá khứ, ta khó có thể tin vào thiện chí của Cộng Sản Bắc Việt.
Thấy tôi chuẩn bị rời khỏi văn phòng, Tướng Trưởng, với bản tính cẩn thận, hỏi thêm: “Anh em nhắm có thể chiếm được Cửa Việt trước ngày giờ ấn định không” (sic)? Câu hỏi thật khó trả lời dứt khoát nhưng cũng giúp tôi nêu lên được một đề nghị là chúng tôi sẽ cố gắng, nhưng khi chiếm xong mục tiêu thì xin tăng cường thêm lực luợng. Tôi trả lời như thế vì tôi đoán cuộc hành quân có thể bị nhiều thiệt hại. Tướng Trưởng gật gù, suy nghĩ một lúc rồi nói thêm là cuộc hành quân nầy do lệnh của Tổng Thống và nếu cần, ông sẽ tăng cường thêm 1 Tiểu Đoàn Dù. (có lẽ Tướng Lân đã trình bày cho Tướng Trưởng biết là SĐ/TQLC đã phải dàn trải nhiều quân trên tuyến phòng thủ, chỉ còn lại TĐ4/TQLC đang làm trừ bị cho Sư Đoàn mà thôi).
3.Tình hình chung
Sau cuộc phản công tái chiếm Tỉnh Quảng Trị, lực lượng Quân Đoàn 1 đã đẩy lùi các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt (SĐ/CSBV) về phía bên kia Sông Thạch Hãn. Bên phía Tây Quốc Lộ 1, Sư Doàn Dù tiếp tục dồn mọi nổ lực mở rộng khu vực kiểm soát vào các căn cứ Barbara và Anne dưới áp lực của Sư Đoàn 304 CSBV. Bên phía Đông QL1, tuyến phòng thủ của SĐ/TQLC bắt đầu từ cầu sằt Quảng Trị, chạy dài phía Đông Sông Thạch Hãn, vòng lên phía Bắc đến Quận Lỵ Triệu Phong, đổi về hướng Đông Bắc qua Thôn Bích La Đông, tại đây tuyến phòng thủ chạy lên hướng Bắc dọc theo phía Đông Sông Vĩnh Định, đến Thôn Long Quang thì đổi về hướng Đông Bắc và chạy dài ra đến Biển Đông tại Làng Bình An. Tuyến nầy cũng là Tuyến Vàng do QĐ1 ấn định trong giai đoạn tấn công tái chiếm Quảng Trị. Đối diện với tuyến phòng thủ của TQLC từ Triệu Phong đến bờ biển tại làng Bình An, là SĐ 320 CSBV và TRĐ 101 thuộc SĐ 325 CSBV (TRĐ 101/325 CSBV) được tăng cường thành phần đơn vị chiến xa của TRĐ 202CX.
Theo tài liệu bắt được từ tù binh và hồi chánh viên có giá trị cao do Quân Đoàn 1 phổ biến, phía CSBV nghĩ rằng hiệp định ngưng bắn sẽ được ký kết tại bàn hội nghị Ba Lê, nên bắt đầu cuối tháng 10/1972, chúng cho phát động kế hoạch học tập việc áp dụng lệnh ngưng bắn trong quân đội và các cấp hành chánh xã ấp, thực thi những điều có lợi mà cụ thể nhất là “lấn đất giành dân’,” cấm cờ” và tuyên truyền. Đối với CS, ngưng bắn là “tạm nghỉ một thời gian”, sau đó tiến đến “giải phóng Miền Nam”. Phản ứng trước những hành động đó, Quân Lực VNCH đã mở các cuộc hành quân với mọi cố gắng chiếm lại các vị trí đã bị lấn chiếm, đồng thời cố thủ các phần đất còn đang nắm giữ trong tay.
Sau khi QLVNCH chiếm lại Quảng Trị ngày 16/9/1972, CSBV còn giữ được Thị Xã Đông Hà và một phần đất phía bờ Nam Sông Cửa Việt. Sông Cửa Việt là hợp lưu của hai con sông lớn quan trọng, Thạch Hãn và Miếu Giang, tại địa diểm cách bờ biển 10 cây số. Sông Thạch Hãn bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn, chảy qua thung lũng Ba Lòng, qua Thị Xã Quảng Trị rồi đổi về huớng Tây Bắc qua Quận ly Triệu Phong cũ, từ đây tiếp tục chảy thêm khoảng 10 cây số để gặp Sông Miếu Giang. Sông Miếu Giang cũng bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn, chảy qua Cam Lộ ( Sông Cam Lộ ), qua Thị Xã Đông Hà ( Sông Đông Hà ) để gặp Sông Thạch Hãn cách đó 3 cây số .
Cửa Việt là cửa khẩu chiến lược quan trọng mà CSBV đã sử dụng để chuyển vận tiếp liệu vào “điểm tập trung” Đông Hà bằng tàu, sau đó phân phối cho các đơn vị hành quân phía Nam và Bắc Sông Đông Hà ( Miếu Giang ). Các hải vụ chuyển hàng thường được thực hiện lúc ban đêm để tránh phi cơ quan sát của ta. Sông Miếu Giang còn “kết nối” với QL9 trên gần thượng nguồn, nên rất tiện cho CSBV chuyển hàng tiếp qua ngã Hạ Lào bằng đường bộ (QL9), nhập vào hê thống đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp tục đi vào cho đến miền Đông Nam Bộ.
Cuộc hành quân Cửa Việt được tổ chức nhằm chiếm vị trí thuận lợi có thể quan sát sự đi lại thuyền bè của CSBV ra vào Đông Hà, ngăn chận mọi nguồn tiếp liệu được chuyển từ miền Bắc vào bằng đường biển để nuôi dưỡng các Sư Đoàn CSBV đang tấn công QLVNCH.
4. Nhiệm vụ
a. Ngày N giờ G, Lực luợng đặc nhiệm Tango (LLĐN Tango) gồm thành phần nhị thức bộ binh chiến xa làm nổ lực chính, vượt tuyến xuất phát ( TXP ) mở cuộc tấn công và phải chiếm Cửa Việt trước 08:00 giờ ngày 28 /1/1973. Sau đó tổ chức phòng thủ an ninh, kiểm soát và ngăn chận mọi thuyền bè ra vào Cửa Việt nhằm chuyển vận tiếp liệu vào bên trong khu vực Đông Hà.
b. Ngày N giờ G, LĐ/147/TQLC, gồm thành phần nhị thức bộ binh chiến xa làm nổ lực phụ, vượt tuyến xuất phát chiếm các mục tiêu ấn định, bảo vệ an ninh sườn trái cho LLDN Tango tiến chiếm Cửa Việt.
5.Tổ chức lực lượng
1. Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango (Nổ lực chính).
a. Bộ Tư Lệnh LLĐN Tango.
- Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó SĐ/TQLC, Tư Lệnh.
- Trung Tá Nguyễn Văn Tá, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 20 CX M48 kiêm cố vấn chuyên môn binh chủng.
- Trung Tá Đỗ Đình Vượng, Tham Mưu Trưởng LLĐN Tango và Ban Tham Mưu.
- Trung Tá Trần Thiện Hiệu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh/TQLC (TĐ3/PB/TQLC) và BCH nhẹ, kiêm Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực (TTPHHL). Ngoài ra còn được Pháo Đội A 155 ly thuộc Tiểu Đoàn 44/ QĐ1 tăng cường hỏa lực và đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3/PB/TQLC.
- Toán Không Hải Yểm thuộc Đệ Thất Hạm Đội (đặt cạnh toán Cố Vấn TQLC, dưới sự điều động thống nhất của Thiếu Tá TQLC James R. Sweeney).
- Toán Biệt Đội Kỹ Thuật.
- Toán Quân Cảnh v.v
b. Cánh A.
-Tiểu Đoàn 4/TQLC, Trung Tá Nguyễn Đằng Tống, Tiểu Đoàn Trưởng.
-Tiểu Đoàn 4 /TQLC gồm Đại Đội 3 của Trung Úy Mai Văn Hiếu và Đại Đội 4 của Đại Úy Trương Tấn Tước. (về sau được tăng cường thêm Đại Đội 2 của Đại Úy Ngô Hữu Đức), Thiếu Tá Phạm Văn Tiền, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 4, chỉ huy.
-Thiết Đoàn Phó THĐ/20 CX M48, Thiếu Tá Hoàng Kiều, phối hợp chỉ huy kiêm cố vấn chuyên môn binh chủng.
-Chi Đoàn 3/ THĐ/20 CX M48, Đại Úy Lê Bá Nam, Chi Đoàn Trưởng.
-Chi Đoàn 2/18 Thiết Kỵ Thiết Vận Xa M113 ( CHĐ/2/18/TK TVX M113 ), Đại Úy Nguyễn Quang Minh, Chi Đoàn Trưởng.
c. Cánh B.
-Tiểu Đoàn 2/TQLC, Thiếu Tá Trần Văn Hợp, Tiễu Đoàn Trưởng.
-Tiểu Đoàn 2/TQLC gồm Đại Đội 2 của Đại Úy Từ Đức Thọ và Đại Đội 4 của Trung Úy Trần Đình Công, Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/TQLC chỉ huy.
-Thiếu tá Hoàng Kiều, Thiết Đoàn Phó THĐ/20 CX M48, sẽ phối hợp chỉ huy và cố vấn chuyên môn binh chủng, trong giai đoạn 2.
-Chi Đoàn 1/THĐ/20 CX M48, Đại Uý Đặng Hữu Xứng Chi Đoàn Trưởng.
-Chi Đoàn 2/17 Thiết Kỵ Thiết Vận Xa M113 (CĐ 2/17/TK TVX M113 ), Đại Úy Trần Cảnh, Chi Đoàn Trưởng.
d.Trừ bị.
- Cánh A TĐ4/TQLC ( về sau tăng cường lên cho Cánh A LLĐN Tango thêm Đại Đội 2/TQLC để giữ an ninh cho mục tiêu A, đồng thời phụ trách việc tản thương về phía sau ).
- Chi Đội 1/1/15TK và một số Thiết Vận Xa M113.
2. Lữ Đoàn 147/TQLC (Nổ lực phụ).
a. Bộ Chỉ Huy LĐ 147/TQLC.
- Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ Đoàn Trưởng.
- Trung Tá Phan Văn Sỹ, Thiết Đoàn Trưởng THD 18 kiêm cố vấn chuyên môn binh chủng
- Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn và Ban Tham Mưu.
- Trung Tá Đặng Bá Đạt, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2PB/TQLC. Ngoài ra còn được Pháo Đội B 155 ly (yểm trợ tổng quát cho SĐ/TQLC) tăng cường hỏa lực cho TD2/PB/TQLC.
- Đại Đội Viễn Thám.
- Các đơn vị yểm trợ chuyên môn v. v.
b. Cánh A.
-Tiểu Đoàn 5/TQLC, Trung Tá Hồ Quang Lịch, Tiểu Đoàn Trưởng.
-Cánh B.
- Đại Đội 4 của Đại Úy Đỗ Trung Giao (mũi tấn công chính) và Đại Đội 1 của Trung Úy Hồ Văn Chạnh (mũi tấn công phụ) do Đại Uý Ngô Thành Hữu, Tiểu Đoàn Phó chỉ huy.
- Chi Đoàn 1/18/TK CX M41
- Chi Đoàn 3/ THĐ/18/TK TVX M113.
c.Trừ bị.
- Đại Đội 3/TĐ5/TQLC của Trung Úy Trần Thanh Tùng.
6. Quan niệm hành quân.
1. Giai đoạn 1, LLĐN Tango áp dụng chiến thuật nhị thức bộ binh chiến xa, sử dụng Cánh A tiến chiếm mục tiêu A và B . Giai đoạn 2, từ mục tiêu B, Cánh A yểm trợ Cánh B tiến lên sau phía bên trái, để chiếm mục tiêu C về hướng Tây cách hơn 2 cây số. Sau đó Cánh A và B cùng tiến song song lên hướng Bắc để chiếm mục tiêu T (Tango), trong đó có căn cứ Hải Quân Cửa Việt.
Do cuộc hành quân được hạn định thời gian không quá 25 giờ kể từ khi vượt tuyến xuất phát, phải chiếm xong mục tiêu Cửa Việt, việc thanh toán các chốt nhỏ không quan trọng của địch cũng như việc tản thương sẽ do các toán quân đi sau giải quyết.
2. Cùng lúc, nổ lực phụ do LĐ 147/TQLC chỉ huy, tiến chiếm các mục tiêu D,E và F, bảo vệ an ninh sườn trái cho LLĐN Tango.
3. Hoả lực yểm trợ:- Từ 22:00G ngày N-1 đến 05:00 ngày N, B52 oanh kích 4 mục tiêu trong khu vực hành quân, và 3 mục tiêu khác về phía Tây Nam Gio Linh và phía Đông Bắc Đông Hà để phá hủy các vị trí nghi ngờ có đặt pháo binh của CSBV.
- Hải Pháo Hoa Kỳ từ Đệ Thất Hạm Đội tác xạ vào các mục tiêu do LLDN Tango đề nghị qua hệ thống cố vấn, từ 20:00G ngày N-1 đến 08;00G ngày N.
- Pháo Đội A và B 155 ly thuộc TĐ44 sẽ yểm trợ tăng cường cho TĐ2/PB và TĐ3/PB/TQLC theo kế hoạch dự trù và theo yêu cầu tùy theo diễn biến của tình hình.
7. Diễn tiến
1. Ngày N giờ G.
- Do thời tiết có nhiều sương mù hạn chế tầm nhìn xa, nên giờ vượt tuyến xuất phát bị chậm lại 20 phút.
- Đúng 06:50G ngày 27/1/1973, gần một trăm chiến xa và thiết vận xa của cả hai nổ lực chính (LLĐN Tango) và phụ (LĐ/147/TQLC) đồng loạt nổ máy, mang theo gần sáu trăm chiến sĩ TQLC (4 Đại Đội), vượt tuyến xuất phát, hăm hở tiến về hướng mục tiêu phía trước. Không bao lâu thì tiếng súng bắt đầu nổ. Cùng lúc, các vị trí trên toàn chạm tuyến khác của ta cũng nổ súng theo nhằm cho địch không thể xác định được đâu là hướng tấn công chính.
Bên nổ lực chính, pháo binh được lệnh di chuyển tác xạ về phía sau các vị trí tiền đồn của địch đang bị quân ta tràn ngập nhanh chóng. Các toán tiền đồn địch bị tấn công bất ngờ nên nổ súng lấy lệ rồi bỏ chạy về phía sau. Đoàn chiến xa và thiết kỵ thuộc Cánh A tiếp tục thận trọng tiến quân, vừa tránh các hầm hố, mìn bẫy, vừa sử dụng hỏa lực cơ hữu yểm trợ cho nhau để cùng tiến về mục tiêu A (Làng Thanh Hội) dưới hỏa lực súng cối, hỏa tiễn chống chiến xa và pháo binh của địch.
Khoảng gần 10:00 giờ, BCH hổn hợp Cánh A báo về BTL/LLĐN Tango là thiết vận xa chuẩn bị cho TQLC hạ chiến để cùng nhau phối hợp, yểm trợ hổ tương tiến vào chiếm mục tiêu. Cuộc tiến quân rất nhịp nhàng mặc dù đôi lúc, qua hệ thống truyền tin để theo dõi tin tức nội bộ các đơn vị hành quân, ta không sao tránh khỏi nghe được những lời qua lại như “ai vào mục tiêu trước, ai vào sau, hoặc giả sao thiết vận xa cho TQLC hạ chiến quá sớm, tức còn cách mục tiêu khá xa” v.v. Đây là những trở ngại thường xảy ra giữa chiến xa, thiết kỵ và bộ binh tùng thiết trong bất cứ cuộc hành quân nào; lý do dễ hiểu là đôi lúc chiến xa, thiết kỵ hay bộ binh tùng thiết không cùng một ý niệm chung về việc nhận định tính chất, hình dạng hay khoảng cách mục tiêu lúc hai bên nổ súng, trong khi thực tế ngoài địa thế mục tiêu cũng không hẵn như thấy vẽ trên bản đồ. Tuy nhiên với sự phối hợp tế nhị và linh động giữa Thiếu Tá Tiền và Thiếu Tá Kiều, mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa mà không cần đến sự can thiệp của BTL/LLĐN Tango.
Khoảng 11:00 giờ, BCH hổn hợp Cánh A báo cáo đã chiếm mục tiêu A, bắt sống vài chục tù binh chính quy và du kích, tịch thu một số vũ khí. Lệnh cho tiếp tục tiến về mục tiêu B (Làng Vĩnh Hoà 1 ), thương vong của ta và tù binh sẽ đươc giao lại cho bộ phận thuộc TĐ4 đi sau lo liệu. Tiểu Đoàn 2 /TQLC, Chi đoàn 1 / 20 CX và Chi Đoàn 2/17/TK được lệnh chuẩn bị thi hành kế hoạch giai đoạn 2 để chiếm mục tiêu C khi quân ta thanh toán xong mục tiêu B .
Bên nổ lực phụ (LĐ/147/TQLC), Cánh B của TĐ5/TQLC tại khu vực Long Quang đang gặp khó khăn do bị hỏa lực mạnh mẽ của các đơn vị thuộc TRĐ 48/320 CSBV khống chế từ hướng Tây tức sườn bên trái, và được bố trí trong hệ thống phòng thủ kiên cố. Tôi ( kẻ viết bài ) cảm thấy lo ngại vì nếu Cánh B TĐ5/TQLC không thể tiến nhanh hơn để chiếm mục tiêu E (Thôn Lệ Xuyên) thì địch có thể sẽ dùng điạ điểm nầy làm bàn đạp tăng cường lực lượng từ phía Tây và phản công các cánh quân ta bên bờ biển.
Khoảng 12:00 giờ, Cánh A/LLĐN Tango báo cáo chạm địch nặng tại mục tiêu B và đang bị cầm chân tại chỗ, tuy nhiên sẽ điều động tiến lên. Pháo binh 130 ly địch từ khu vực Tây Nam Gio Linh và Tây Bắc Đông Hà tác xạ vào toàn khu vực hành quân; vị trí Pháo Đội F của Đại Úy Trương Công Thuận đóng tại Gia Đẳng II cũng bị trúng đạn: xe hư hỏng, kho đạn bị cháy, cũng may là người và vũ khí vô sự. Tôi yêu cầu hải pháo phản pháo vào các vị trí nghi ngờ có đặt pháo binh của CSBV. Thiếu Tá TQLC James R. Sweeney, Trưởng toán cố vấn, cho biết hải pháo rất sẵn sàng yểm trợ tối đa vì đây là ngày cuối cùng họ được làm việc với TQLCVN, hơn nữa họ cũng không muốn mang đạn dư về nhiều.
Quá trưa, Cánh A báo cáo địch tăng cường thêm bộ binh và chiến xa tại mục tiêu B. Tình hình nầy cho thấy địch quyết tâm không để ta tiến xa hơn về Cửa Việt. Đôi bên giằng co, giữa thủ và công, nhiều lúc thật quyết liệt để giành lấy mục tiêu B có tính cách quyết định về sự mất còn của Cửa Việt chỉ cách đó không đầy 5 cây số đường chim bay. Một chiến xa và một TVX M113 của ta bị loại khỏi vòng chiến do hỏa tiễn AT3 và sung 82 ly không dật của địch. Về TQLC tùng thiết, ta có thêm một số thương vong cần được chuyển về phía sau.
Lúc nầy bên LĐ/147/TQLC, “Cánh B/TĐ5 chỉ tiến được khoảng nửa cây số, chưa chiếm hoàn toàn mục tiêu D. Do có một chiếc thiết giáp M41 mà tài xế bị tử thương, cứ tiếp tục di chuyển cán lên tuyến phòng thủ của địch khiến chúng hốt hoảng bỏ chạy. Thừa dịp, quân ta tràn lên chiếm vị trí nói trên. TĐ5/TQLC cũng có xin phi cơ lên vùng yểm trợ dọc theo sườn bên trái cho Cánh B/TĐ5, nhưng không hiểu vì lý do gì chờ mãi mà không được thỏa mãn” (đoạn trong ngoặc kép đựọc viết theo lời kể trong thư của Trung Tá Hồ Quang Lịch, cựu Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5/TQLC, đề ngày 26/10/2010 để góp ý).
Trời sắp sửa tối, BTL/LLĐN Tango báo về cho BTL/ SĐ/TQLC biết tình hình bên Cánh A của LLĐN Tango không tiến triển khả quan, hiện đang có kế hoạch sẽ đánh đêm. Tôi mời Trung Tá Nguyễn Văn Tá, Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20CX, sang trung tâm hành quân (TTHQ) để cùng bàn thảo kế hoạch tấn công ban đêm. Chúng tôi cùng đồng ý sẽ sử dụng Chi Đoàn 1 /20CX, Chi Đoàn 2/17TK và 1 Đại Đội của TĐ2/TQLC tùng thiết, thành lập một lực lượng xung kích (LLXK). Lợi dụng yếu tố bất ngờ và đêm tối cùng với khả năng di động nhanh, hỏa lực mạnh, LLXK sẽ mở một trục tấn công dọc theo bờ biển cách phía Đông mục tiêu A và B tứ 300 đến 400 thước, lúc thủy triều xuống. Lực lượng nầy sẽ thọc sâu lên Cửa Việt và tấn công thẳng vào mục tiêu T (Tango) dưới sự yểm trợ hỏa lực tối đa của pháo binh và hải pháo. Tôi cũng không quên nhắc nhở Trung Tá Tá dành lại một số chiến xa và TVX M113 vừa phải, để tổ chức thêm một lưc lượng trừ bị xung kích (LLTBXK) với một đại đội tùng thiết thứ hai của TĐ2/TQLC, sẵn sàng tiếp ứng cho mọi truờng hợp khẩn cấp, bất cứ lúc nào và ở đâu. Kế họạch chiếm mục tiêu C được hủy bỏ do nhiệm vụ khẩn cấp phải có mặt trên Cửa Việt trước 08:00 giờ sáng ngày mai, 28/1/1973. (Nếu tiếp tục tấn công theo kế hoạch sơ khởi thì có thể bị chậm lại lâu dài). Riêng tại mục tiêu B, hai Đại Đội/TĐ4/TQLC tiếp tục cầm chân địch, không để bị tràn ngập trong đêm.
Sau đó Thiếu Tá Tiền, lúc bấy giờ đang ở khoảng giữa mục tiêu A và B, được lệnh về BTL/LLĐN Tango (cách mục tiêu A ba cây số rưởi về hướng Đông Nam) để nhận lệnh gấp. Tôi cho Thiếu Tá Tiền biết về tổ chức và nhiệm vụ của LLXK trong đó Đại Đội 4/TĐ2/TQLC của Trung Úy Trần Đình Công được chỉ định tùng thiết. (Thiếu Tá Kiều thì nhận lệnh với Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20CX). LLXK nầy cũng sẽ đặt dưới sự kiểm soát hành quân cùa BCH/Cánh A hổn hợp.
Đúng 22:30 giờ, LLXK xuất phát. Hải Pháo tiếp tục tác xạ hủy diệt mục tiêu T (Tango) và ngọn đồi 12 có rừng dương xanh bao phủ nằm về phía Nam căn cứ hải quân khoàng 2 cây số, được nghi ngờ là BCH Trung Đoàn 101/325 đóng tại đó thể theo tin tức của tù binh. Pháo binh TQLC 105 ly và Pháo binh 155 ly/ TĐ44/QĐ1 tác xạ dọc theo phía Tây trục tiến quân của LLXK để yểm trợ sườn bên trái cho lực lượng nầy. Một lần nữa, lực lượng phòng thủ CSBV bị bất ngờ trước LLXK do Chi Đoàn 1/20CX dẫn đầu.
Ngày N+1 (28/1/1973).
Sau 8 giờ đồng hồ vượt qua nhiều chướng ngại vật thiên nhiên hoặc do địch thiết lập, diệt nhiều vị trí chốt, LLXK vừa nổ súng yểm trợ cho nhau, vừa tiến lên Cửa Việt. Cuối cùng chiếc chiến xa dẫn đầu đến Cửa Việt khoảng 6:30 giờ. LLXK nhanh chóng chuyển đội hình thành hàng ngang, hướng về phía Tây, tức tốc di chuyển và nổ súng tấn công vào các vị trí phòng thủ khu vực căn cứ hải quân. Lực lượng phòng thủ của địch bị bất ngờ vừa nổ súng vừa rút lui về phía trong căn cứ và khu vực đồi 12 có rừng dương xanh bao phủ. Vài chiến xa T-54 và chiến xa lội PT- 86 (hoặc PT- 75) từ rừng dương xông ra tác xạ để yểm trợ cho quân phòng thủ của chúng, thì bị chiến xa ta hạ ngay. Thiết vận xa M113 liền cho TQLC tùng thiết hạ chiến để tiến về căn cứ hải quân Cửa Việt dưới sự yểm trợ trực triếp của hỏa lực cơ hữu và của chiến xa M48.
-07:45, Thiếu Tá James R. Sweeney, Trưởng Toán Cố Vấn TQLC, sang báo cho tôi biết pháo hạm đã ngưng yểm trở và sẽ rời vùng vì hết nhiệm vụ. Tôi nhờ ông ta chuyển lời cám ơn đến pháo hạm đã tận tình yểm trợ liên tục cho các lực luợng hành quân trong suốt thời gian qua.
Tôi trở về TTHQ, lòng bồn chồn lo lắng: không còn bao lâu nữa thì đến giờ ngưng bắn, liệu anh em trên Cửa Việt có hoàn thành được nhiệm vụ mà cấp trên đã giao phó không? Có chiếm xong mục tiêu Cửa Việt không? Tại BTL/SĐ/TQLC Tướng Lân thỉnh thoảng cũng liên lạc với tôi để biết rõ thêm tình hình.
-08:00 giờ, qua máy truyền tin, với giọng xúc động pha lẫn niềm vui, Thiếu Tá Tiền báo cho tôi biết là toán tiên phong của Đại Đội 4/TD2/TQLC đã cấm cờ tại cổng căn cứ Hải Quân Cửa Việt trước đó 2 phút, tức vào lúc 07:58 giờ ngày 28/01/1973. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Tôi không quên gửi lời khen ngợi tất cả các đơn vị thuộc LLĐN Tango đã “làm nên lịch sử” trong những giây phút phù du còn lại trước khi Hiệp Định Ba Lê ngưng bắn có hiệu lực. Được tin nầy, Thiếu Tướng TL/SĐ/TQLC gọi điện thoại qua máy siêu tần số để khen ngợi tất cả các đơn vị đang hành quân. Ông cho biết sẽ đến thăm BTL/LLĐN Tango và cũng sẽ có buổi họp báo tại đây vào lúc 10:00 giờ.
Thiếu Tá James R. Sweeney, với nét mặt hân hoan, sang trung tâm hành quân gặp tôi để chúc mừng tin vui quân ta đã chiếm Cửa Việt. Nhân tiện ông cũng cho biết toán cố vấn sắp sửa rời BTL/LLĐN Tango vì nhiệm vụ của họ đã chấm dứt theo lệnh cấp trên và cũng theo các điều khoảng được ấn định trong Hiệp Định ngưng bắn Ba Lê. Tôi sang nơi làm việc của toán cố vấn, bắt tay từ giả từng người với lời cám ơn họ đã giúp LLĐN Tango cho đến giờ phút chót, đồng thời chúc họ được nhiều may mắn trên đường về Hoa Kỳ trước khi trở lại Hương Điền để gặp Tư Lệnh TQLC, Thiếu Tướng Lân. Cuộc chia tay vội vã, không nghi thức nào được chuẩn bị truớc, nhưng đầy cảm động. Trong phút chót, họ nhìn tôi với vẻ ái ngại, có lẽ trước cái không khí “nửa hòa bình, nửa chiến tranh” nầy, họ thầm hiểu kể từ đây chúng tôi sẽ thiếu vắng mọi phương tiện yềm trợ hỏa lực chiến lược hay chiến thuật, nếu chẳng may “hòa bình thật sự” sẽ không đến với nhân dân Miền Nam.
Lợi dụng ngưng tiếng súng (theo tinh thần Hiệp Đinh Ba Lê), các đơn vị CSBV đã tập hợp dân chúng phần đông là phụ nữ, người già, từ các nơi xa như Gio Linh, Cam Lộ, Hương Hóa v.v., trong đó chúng không quên cài thêm “bộ đội” và du kích, với cờ “mặt trận giảỉ phóng miền Nam” trên tay, tiến gần các đơn vị ta, đến đâu họ cấm cờ đến đó, miệng luôn yêu cầu “hoà bình rồi, các anh buông súng và về với gia đình đi”. Giữa mùi thuốc súng còn phản phất, quyện lẫn trong sương mai, hai bên binh sĩ “Quốc Cộng”, chừng như đã bị căng thẳng quá nhiều bởi không khí chiến tranh dai dẳng, giờ đây có dịp bày tỏ “niềm vui hoà bình”, cho dù có tính cách nhất thời, gượng gạo, bằng cách mời nhau thuốc lá, cà phê, mì gói v.v. Giữa hoạt cảnh bi hài đó, các cấp chỉ huy của họ luôn đòi gặp các cấp chỉ huy của ta để khiếu nại ta “vi phạm” hiệp định ngưng bắn. Tình trạng nầy không chỉ xảy ra trên Cửa Việt, mà trên toàn tuyến của SĐ/TQLC, bất cứ chỗ nào có ta đóng quân. Đặc biệt tại làng Đồng Bào phía Nam của TĐ5/TQLC khoảng 6 cây số, cũng là khu vực phòng thủ của TĐ105/ĐPQ Quảng Trị đang tăng phái cho SD/TQLC, khoảng 500 dân chúng, du kích lẫn “bộ đội” CS cũng đã lấn sâu vào vị trí trong thế “cài răng lược” và cấm cờ Mặt Trận GPMN. TD105/ĐPQ lúng túng không biết giải quyết như thế nào, khiến TQLC phải gửi lực lượng đến can thiệp, chận đứng. Mãi đến chiều, bằng lời lẽ ôn hòa đến áp lực mạnh mẽ, dứt khoát, có lúc phải đe dọa, đơn vị TQLC mới thuyết phục họ ra khỏi tuyến phòng thủ của TĐ105/DPQ. Với chiêu bài “nhân dân đấu tranh”, CSBV luôn đẫy nhân dân về phía trước làm bia đỡ đạn, trong khi QLVNCH, với lòng vị tha nhân ái được rèn luyện từ các quân trường, từ các cấp chỉ huy đơn vị, từ căn bản bảy điều giáo lệnh Quận Đội, không bao giờ và cũng không nỡ long nào nổ súng vào đồng bào. Hãy nhớ lại cảnh tàn sát của CSBV từ Mậu Thân Huế, từ đại lộ kinh hoàng v.v. ta mới thấy rõ dã tâm của con người CS.
BTL/SĐ/TQLC ra lệnh cấm các đơn vị tiếp xúc với dân chúng và binh lính CSBV bất cứ dưới hình thức nào, cũng như phải đề cao canh giác trước những thủ đoạn tuyên truyền có ảnh hưởng đến tình thần chiến đấu và tâm lý của binh sĩ ta, đăc biệt không để địch dùng mánh khoé tìm hiểu về lực lượng và cách phối trí quân của ta.
-Khoảng 09:30, toán kỹ thuật trình cho BTL/LLĐN Tango một công điện được gửi đi từ Biệt Đội Kỹ Thuật SĐ/TQLC, cho biết đã dò nghe được tin CSBV sẽ tăng cường lực lượng kể cả chiến xa để phản công ta tại Cửa Việt. Tôi liền báo cho Thiếu Tá Tiền và Trung Tá Tá, Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20CX, tin nói trên để chuẩn bị đối phó. Tôi cũng chia sẻ thêm là địch có thể sử dụng một trung đoàn của SĐ 320/CSBV đang có mặt tại phía Bắc Chợ Sãi, tăng cường để phản công ta trong vòng 3 đến 4 tiếng, tuy nhiên họ chưa có lực luợng chiến xa đủ mạnh để có thể “chọi” lại chiến xa của ta. Có thể địch sẽ dùng pháo binh để tiêu hao tiềm năng ta trước.
-Tại BTL/LLĐN Tango, sau cuộc họp báo và trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí VN và ngoại quốc dưới sự hướng dẫn của đại diện QĐ1, Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC chấp thuận cho họ bay đi quan sát tình hình trên Cửa Việt bằng trực thăng. Tôi phải dặn dò các phi công là nên bay ngoài biển cách bờ càng xa càng tốt, nhưng đủ để các phóng viên quan sát và chụp ảnh, và cũng không được vượt quá phía Bắc Cửa Việt để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra nếu CSBV tác xạ phòng không hoặc hỏa tiễn SA7. Rất may phái đoàn phóng viên báo chí đã trở về an toàn…
Về phía CSBV, khi hay tin Cửa Việt bị mất, Bộ Tổng Tư Lệnh (BTTL), Bộ Tư Lệnh Mặt trận Trị Thiên (BTL/MTTT), còn gọi là MT B5, phản ứng ra sao? Xin trích và phiên dịch một đoạn trong quyển sách của Đại Tướng CSBV Võ Nguyên Giáp “The General Headquarters in the Brilliant Spring Victory” (Tổng Hành Dinh trong mùa xuân đại thắng), do nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2003 tại Hà Nội, trang 58 – 59 như sau: “Vào đêm 27/1/1973, quân đội bù nhìn (puppet army) đã trắng trợn tác xạ vào vị trí binh sĩ ta tại Cửa Việt, Quảng Trị, bằng tất cả pháo trên bộ và ngoài chiến hạm. Lợi dụng pháo binh bắn phá, chúng sử dụng 200 chiến xa cùng xe bọc thép, và Lữ 147 Lính Thủy Đánh Bộ ( theo cách nói của CSBV, Lữ tức Lữ Đoàn, tác giả phụ chú ) từ Gia Đẳng, Mỹ Thủy, lên chiếm Hải Cảng. Chỉ trong một đêm duy nhất chúng đã chiếm được khu vực mà chúng không thể chiếm trong nhiều tháng trước đây.
Mất Cửa Việt thì Đông Hà, Miếu Giang và Quảng Ngang sẽ bị trực tiếp đe dọa.Tuyến đường vận tải chiến luợc Trường Sơn cũng sẽ nằm trong tình thế bị đe dọa. Thành quả Chiến Dịch Quảng Trị năm 1972 sẽ bị tổn hại trầm trọng.
Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn, Tư Lệnh Chiến Dịch năm 1972, điện thoại cho Cường, Chỉ Huy Trưởng Khu Cửa Việt:
-Đồng chí có biết Cảng Cửa Việt bị mất chưa?
-Dạ chúng nó lấn chiếm một ít khu vực. Chúng tôi đã cử người đến gặp Lữ Trưỏng để phản đối việc nầy.
Bằng giọng gay gắt Tấn nói tiếp: Chúng gửi cả Lữ chiến xa và Lữ lính thủy đánh bộ để chiếm cảng Cửa Việt không phải để nghe đồng chí phản đối. Tôi ra lệnh đồng chí phải chiếm lại cảng ngay. Rõ chưa?
-Dạ rõ.
-Vậy hãy chấp hành ngay lệnh nầy. Tại sao đồng chí lo chúng ta vi phạm Hiệp Định mà không nhìn thấy phía địch hiện đã xóa bỏ nó rồi sao?
Sau đó Tấn gọi điện hỏi ý kiến BTTL. Tôi (Giáp) nói:
-Hãy chiếm lại vị trí đó ngay đi. Hãy gửi chiến xa T54 của Đại Tá Đào Huy Vũ ( lúc bấy giờ là chỉ huy trưởng lực lượng thiết giáp ). Hảy chiếm lại bằng mọi giá.
-Dạ rõ! Xin hứa. Tôi sẽ gửi tất cả gia đình Huy Vũ để mở các cuộc tấn công phối hợp với Đào Dũng và Cường. Xin đừng lo. Cuộc tấn công sẽ đạt kết quả mỹ mãn.
Liền sau đó, Tấn ra lệnh Lữ Chiến Xa 203 cùng pháo binh mở cuộc tấn công phối hợp. Tấn cũng ra lệnh cho các sư đoàn khác tuyển thêm 9 tổ chống tăng. Cao Văn Khánh và Đoàn Tuế, hai Phó Tư Lệnh Mặt Trận, xuống trực tiếp chỉ huy”.(hết trích).
Tình hình trên Cửa Việt trở nên căng thẳng vào gần trưa khi dân chúng, như có một mật lệnh nào đó, đã lần lượt tản ra và rút về hướng sau đồi dương và căn cứ Hải Quân. Sự kiện dân chúng rút đi khỏi nơi họ tụ tập chỉ xảy ra trên Cửa Việt, còn các nơi khác thì không thay đổi. Rõ ràng họ đang có chuẩn bị gì đây.
BTL/SĐ/TQLC thông báo cho LLĐN Tango biết là QĐ1 đang can thiệp để yêu cầu Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám sát (UBKSGS ) tức ICCS (International Commission of Control and Supervision), đến nơi để “xác nhận” là đã có sự hiện diện của LLDN Tango trên Cửa Việt từ lúc trước khi có lệnh ngưng bắn.
Vài nét khái lược về nhiệm vụ của UBKSGS (cũng như dựa vào chút ký ức còn sót lại về Hiệp Định Genève năm 1954) có thể được hiểu như sau: điều tra và giải quyết những tranh chấp, kiểm soát những vi phạm do các bên khiếu nại, giám sát để bảo đảm các bên thi hành đúng đắn các điều khoản của Hiệp Định ngưng bắn. BTL/LLĐN Tango có nhiệm vụ thông báo cho các đơn vị hành quân biết về việc nầy. Trong thâm tâm, tôi nghĩ ta đã quá chủ quan tin tưởng vào Ủy UBKSGS sẽ có thể dễ dàng giải quyết được điều gì khi đến Cửa Việt, chưa kể họ (phía thành viên phe CS) còn viện lý do tình trạng thiếu an ninh mà trì trệ không đến.
Trước nguy cơ địch có thể mở cuộc phản công, các đơn vị trên Cửa Việt lo phối trí lại lực lượng, tu bổ thêm vị trí phòng thủ, đồng thời xin bổ sung đạn dược, nhiện liệu cho chiến xa, thực phẩm, nước uống v.v. BTL/SĐ/TQLC cho biết QĐ1 sẽ chỉ thị cho Hải Quân cùng Nguời Nhái thi hành nhiệm vụ nầy ngay trong đêm tại Cửa Việt bằng quân vận đĩnh (LCM) với điều kiện bãi đổ bộ phải được bảo đảm an ninh. Suốt đêm chờ đợi, tuy nhiên đơn vị hành quân không liên lạc được bằng vô tuyến với các quân vận đĩnh. Sáng hôm sau thì BTL/QĐ1 cho biềt do biển động, sóng to nên Hải Quân và Người Nhái không thực hiện được cuộc đổ bộ.
Ngày N+2 (29/1/73).
Khoảng 04:00 giờ sáng, các đơn vị trên Cửa Việt báo cáo về LLĐN Tango, địch đang pháo kích và sau đó tấn công, nhưng bị đẫy lui nhanh chóng. Trước tuyến phòng thủ còn nhiều xác chết bỏ lại. Hỏa tiển AT3 và 82ly không giật, từ trong rừng dương và bờ Bắc Sông Cửa Việt thỉnh thoảng vẫn tìm cách hạ chiến xa hoặc TVX M113 của ta. Như thế, “hòa bình” chì có vỏn vẹn 16 giờ đồng hồ trên Cửa Việt.
08:00 giờ. Tôi quyết định gửi thêm LLXK thứ hai do Đại Đội 2 của Đại Úy Từ Đức Thọ tùng thiết, lên tăng cường trên Cửa Việt và đặt dưới quyền kiểm soát hành quân của BCH Cánh A hổn hợp. Sự tăng cường thêm lực lượng nhằm mục đích tăng thêm phần nào “thế quân bình” giữa ta và địch, đồng thời cũng nâng cao tình thần anh em đang chiến đấu trên tuyến đầu. Dọc đường LLXK phải chọc thủng 2 chốt ngoài bờ biển thuộc Làng Thanh Hội và Vĩnh Hoà 1 để tiến lên Cửa Việt.
BTL/SĐ/TQLC (theo đề nghị của BTL/LLĐN/Tango) đã can thiệp với Quân Đoàn xin phi cơ oanh kích vào các khu vực đặt pháo về phía Tây Nam Gio LInh và Tây Bắc Đông Hà, nhưng chẳng những lời yêu cầu không được thỏa mãn mà Quân Đoàn còn chuyển thêm lệnh từ Trung Ương (Tổng Thống) là phải cố gắng giữ Cửa Việt trong khi chờ UBKSGS đến. Còn việc không gửi Không Quân lên hoạt động là chỉ sợ sẽ vì phạm Hiệp Định ngưng bắn, vã lại ta cũng đang khiếu nại CSBV đã và đang vi phạm Hiệp Định.
Khoảng xế trưa, do Hải Quân và Người Nhái không thực hiện được việc tiếp tế, Chi Đoàn 1/17/TK của Đại Úy Tạ Quang Trung cùng với một đại đội TQLC, hộ tống đoàn xe “tiếp tế khẩn cấp”, dưới quyền chỉ huy tổng quát của Thiếu Tá Pham Cang, Tiểu Đoàn Phó TĐ9/TQLC, trực chỉ đến khu vực ấn định (giữa làng Bình An và mục tiêu B) để tạm thời phân phối tiếp tế cho các đơn vị, đồng thời nhận thương vong, tù binh và chiến lợi phẩm do các đơn vị chuyển giao để mang về phía sau. Đoàn xe tiếp tế rời khỏi vùng hành quân khoảng 16:00 giờ, bình yên vô sự.
Sau khi Đại Đội 2/TĐ2/TQLC lên đến Cửa Việt thì thay ngay vị trí cho ĐĐ4/TĐ2/TQLC được rút về phía Đông Nam ít trăm thước, cùng nhau phối hợp với chiến xa và thiết vận xa để phòng thủ theo lệnh của BCH Cánh A hổn hợp.
Ngày N+3 (30/1/73)
Sáng sớm LLĐN Tango lại thêm một lần nữa được lệnh phải cố gắng giữ Cửa Việt để chờ UBKSGS đến, đó là lệnh từ Trung Ương. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi qua, chỉ nghe tiếng pháo từ trên Cửa Việt vọng về, thỉnh thoảng một vài trái lại rơi vào tuyến phòng thủ của LLĐN Tango hay bay ngang qua rồi rơi ngoài biển. Có ở tuyến đầu mới thấu được sự chịu đựng phi thường của các anh em đang chiến đấu, hiểu được nỗi khổ tâm của các cấp chỉ huy trực tiếp phài giải thích lý do sao chúng ta không có phản ứng tích cực nào. Các tuần dương hạm, các tiền phong đĩnh (Monitor), các hộ tống hạm v.v. được trang bi các loại đại bác 127 ly, 105 ly, 76 ly của hải quân ta đâu? Sao không thấy xuất hiện để phối hợp với các lực lượng trên bộ, vừa bắn phá vào mục tiêu địch, vừa nâng cao thêm tinh thần quân sĩ ta? Bầu trời Cửa Việt cũng vắng bóng các phi công anh hùng ngày nào khi quân ta tái chiếm Quảng Trị. Chúng ta rất cần đến “tai nghe mắt thấy” từ trên không để có thể đập tan đội hình, phá vỡ mọi nổ lực tăng cường của địch từ mọi hướng. Giờ đây chiến xa M48 và thiết vận xa M113 là “linh hồn” của đoàn quân ta trên Cửa Việt.
Theo quyển “Sư Đoàn 320B” xuất bản sau nầy, các đơn vị tham chiến trận Cửa Việt gồm có (trang 122-135): ngoài các Trung Đoàn 27, 48, 64 thuộc SĐ/320 và Trung Đoàn 101/325, còn có thêm các Trung Đoàn 24 thuộc SĐ/304, Trung Đoàn 271 độc lập, thành phần chiến xa của Trung Đoàn 202 và Lữ Đoàn 203, các đội chuyên môn chống CX AT3.
Như vậy địch hiện diện 6 trung đoàn trong vùng, thêm thành phần chiến xa của TRĐ 202 và LD 203 và các đội CCX AT3. Đó chưa kể còn Trung Đoàn 66/304 được chỉ định làm thành phần trừ bị cho trận đánh tuy chưa vào vùng (“Sư Doàn 304” Tập II, trang 219).
Khoảng 23:30 giờ, sau một vài đợt tấn công nhưng không thành của địch, Thiếu Tá Tiền báo cho tôi biết về tình hình mấy ngày qua anh em đã sử dụng đạn dược khá nhiều nhưng bổ sung chưa đầy đủ, luơng khô, nước uống cũng thiếu, một số chiến xa và thiết vận xa cũng bị hư hỏng…Tôi hiểu được ý Tiền muốn đề nghị gì. Tôi không muốn để Tiền tiếp tục, e rầng việc “cơ mật” bị tiết lộ. Tôi nói xa xôi nhưng dứt khoát với Tiền là hãy chuẩn bị, phối hợp chặt chẻ với Kiều, tức Thiết Đoàn Phó/ THĐ 20,” làm ăn” cho có lớp lang thứ tự. Hà Nội, tức ám danh đàm thoại củaTrung Tá Hiệu, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3/PB/TQLC, sẽ bảo đảm an toàn bên phía sườn Tây…Bao giờ bắt đầu thì cho báo cho tôi biết.
Liền đó tôi yêu cầu Trung Tá Hiệu chuẩn bị hỏa lực ngăn chận kể cả màn khói, để bảo vệ sườn Tây của cánh quân ta, trường hợp có một cuộc rút lui. Tôi cũng báo cho Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20 biết về câu chuyện giữa tôi và Tiền vừa rồi. Anh chỉ nói rất tiếc vì chúng ta không còn cách nào hơn.
Ngày N+4 (31/1/73).
Tôi vẫn túc trực bên trung tâm hành quân để theo dõi tình hình. Khoảng 02:00 giờ Lạng Sơn, tức Tướng Lân, gọi máy cho tôi để hỏi han tình hình anh em trên nầy với vẻ lo lắng. Tôi cũng trình bày những khó khăn, thiếu thốn mà các đơn vị đang gặp phải trên Cửa Việt, điều đó tất nhiên cũng có ảnh hưởng đến tinh thần. Tướng Lân cũng khuyên tôi nên đi ngủ để lấy sức vì ông biết tôi đã thức trắng mấy đêm liền. Ông cũng nói xa gần phải cẩn thận đừng để anh em bị thiệt hại nhiều.
Viêc gì đến đã đến. Sáng sớm tôi được báo địch tấn công mạnh và sau đó không lâu thì được tin lực lượng hành quân triệt thoái khỏi Cửa Việt. Địch mở thêm một hướng phản công bằng bộ binh có chiến xa yểm trợ nhằm vào mục tiêu B với ý đồ cắt đứt đường rút lui của ta từ trên Cửa Việt. Tại đây chiến xa ta và 2 Đại Đôi/ TĐ4/TQLC đã chận đứng, đồng thời phá hủy 2 CX T-54 hoặc T-34. (xin xem Sơ đồ vị trí các cụm phòng thủ.). Cuộc hành quân được coi như kết thúc vào lúc 18:00 giờ, sau khi các đợn vị cuối cùng về đến khu vực tập trung liên hệ để kiểm điểm lại quân số và chiến cụ.
8. Kết quả
Về thiệt hại ta và địch của cuộc hành quân được ước luợng như sau:
Ta:
a. Thương vong: khoảng 160 ( kể cả 35 bên Chiến xa và thiết kỵ).
b. Mất tích: 65, trong số có 5 của đơn vị chiến xa hay thiết kỵ. (Các anh em nầy được xác nhận bởi Trung Úy Vũ Chí Công, Đại Đội Phó ĐĐ2/TĐ2/TQLC, là cùng bị bắt với anh ta trong buổi sáng 31/1/73, theo thư góp ý đề ngày 10/5/2012).
c. Chiến xa: khoảng 6 chiếc M48 và 18 chiếc TVX M113, tất cả hư hỏng do pháo kích hay AT3 gây ra, còn bỏ lại chiến trường.
d. Vũ khí cá nhân: trên 100 khẩu đủ loại.
Ghi chú: Cũng cần nói thêm thiệt hại của TĐ5/TQLC bên nổ lực phụ, như sau:
Ta có 11 tử thương (trong số có 1 của thiết giáp), 20 bị thương. Về địch thì không rõ mặc dù sau khi ngưng bắn,TRD/48 CSBV có xin đi nhặt xác. Ngoài ra ta tịch thu khoảng 30 vũ khí cá nhân và cộng đồng. (Thông tin nầy do Trung Tá Hồ Quang Lịch, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5/TQLC, gửi thư góp ý).
Địch:
a. Tử thương: khoảng 200 xác đếm được. Theo Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, thì thương vong của CSBV lên đến 1.000 người (theo tác phẩm “Những ngày cuối cùng của VNCH” mà ông là tác giả, trang 58).
b. Bị bắt: 45 trong số có 7 nữ du kích có võ trang.
c. Vũ khí cá nhân và cộng đồng: trên 150 khảu.
d. Chiến xa bị ta bắn hạ: khoảng 10 chiếc T-34 ( hoặc T-54 ) và PT-76 (hoặc PT-85).
e. Căn cứ hải quân bị thiệt hại nặng nề do B52, hải pháo và pháo binh của ta.
9.Thay lời kết
Nhiệm vụ được giao phó cho LLĐN Tango trong trận hành quân tái chiếm Cửa Việt gồm 2 phần rõ rệt: (1) Phải chiếm Cửa Việt trước 08:00 giờ ngày 28/1/1972, nghĩa là 25 giờ sau khi vượt tuyến xuất phát. (2) Tổ chức phòng thủ an ninh, kiểm soát, ngăn chận mọi tàu bè ra vào Cửa Việt. Phần thứ nhất, LLĐN Tango đã hoàn thành tốt đẹp. Phần thứ hai, ta phải triệt thoái sau 3 ngày chịu áp lực nặng nề của CSBV, đặc biệt dưới hỏa lực 130 ly gần như liên tục mà ta không thể sử dụng phượng tiện nào để làm câm họng pháo của địch.
Kế hoạch tấn công Cửa Việt được thực hiện trong thời gian khá gấp rút để đáp ứng với yêu cầu phải vượt tuyến xuất phát lúc 06:30 giờ ngày 27/1/73 (chỉ trong vòng 1 ngày rưỡi kể từ khi nhận lệnh). Là lực lượng Tổng Trừ Bị của QLVNCH, chúng tôi đã quen giải quyết bất cứ mọi tình huống bất ngờ, khẩn cấp nào mà thương cắp đã giao phó. Nhưng trường hợp đánh lên Cửa Việt lại rơi vào thời điểm đặc biệt Hiêp Định ngưng bắn Ba Lê ra đời, nghĩa là “hết chiến tranh”, đồng thời chỉ còn mấy hôm nữa là Tết Nhâm Tý đến. Đối với phong tục cổ truyền, ngày Tết rất thiêng liêng trong tình cảm Việt Nam. Chúng tôi không kịp có thì giờ để cho anh em học tập, chuẩn bị tư tưởng, tâm lý trước khi xuất quân.
Ngày thứ hai chiếm Cửa Việt, tức 29/1/1973, sau khi biết có sự tăng cường của các đơn vị CSBV để phản công, tôi có đề nghị về BTL/SĐ/TQLC yêu cầu QĐ1 ra lệnh cho hải quân có kế hoạch giúp nâng cao tinh thần quân ta đang đối diện với địch. Hải quân có thể tổ chức các cuộc hành quân thủy bộ giả, biểu dương lực lượng ngoài khơi, hay tích cực hơn, sử dụng các đại bác trên chiến hạm tác xạ vào các mục tiêu trên bờ Bắc sông Cửa Việt. Lực lương hành quân cũng không có ý đòi hỏi phương tiện tản thương và tiếp tế bằng trực thăng vì biết ở đấy hỏa tiền tầm nhiệt SA7 và phòng không của địch bố trí dày đặc, mà chỉ mong mấy chiếc quân vận đĩnh (LCM) thấp thoáng xa khơi, có lẽ đang chờ biển lặng để vào tiếp tế, bạo gan một lần, trực chỉ vào bờ để “tiếp hơi, tiếp sức” cho anh em đang chiến đấu, đóng góp phần nào nhiệm vu trong cuộc hành quân đặc biệt nầy. Nhưng than ôi.. đành chịu cảnh “cám treo để heo nhịn đói”!
Sự vắng bóng Không Quân ta trên bầu trời, đã cho phép CSBV ngang nhiên tự tại dùng phà chuyển quân, chiến xa để tăng cường lực lượng phản công chúng ta. Chúng ta đã mất đi một ưu thế trên chiến trường Miền Nam lúc nào cũng được coi như vô địch. Thật mĩa mai và nghịch lý!
Trong “cơn nguy biến”, chúng ta không tung ra được ngón đòn “bí hiểm” nào đó để lấy lại thế quân bình cho “trận thư hùng”, nâng cao tinh thần quân sĩ. Chúng ta đã vì quá tuân thủ HD Ba Lê để rồi đành “khoan nhượng” đối với CSBV. Nếu cứ nghĩ khi chiếm xong Cửa Việt rồi có thể yên thân ngồi chờ UBKSGS đến xác nhận, thì chúng ta đã coi thường sự tráo trở của những kẻ chuyên sống bằng luật rừng. Triệt thoái khỏi Cửa Việt là một sự chọn lựa “chẳng đặng đừng”, cần thiết để bảo vệ sinh mạng, bảo toàn quân chiến cụ của quân ta, cho dù hậu quả có ra sao đối với người có trách nhiệm chỉ huy cuộc hành quân Cửa Việt sau nầy. Rất tiếc việc triệt thoái do thiếu phối hơp chặc chẻ, thi hành gấp rút bởi tình hình căng thẳng của chiến trường, đã gây khá nhiều bất lợi chiến thuật và thiệt hại về sinh mạng, vật chất cho các đơn vị, thậm chí còn “bỏ quên” 65 chiến hữu ở lại sa trường để rồi khi chiến đấu hết đạn họ đành chịu bị bắt.
Có nhận xét cho rằng do cuộc triệt thoái bị thất bại ‘”nên không ai trong các đơn vị TQLC đã tham dự cuộc hành quân được ban thưởng”. Điều nầy không đúng, nhiều quân nhân tham dự đã được thăng cấp hoặc ân thưởng Anh dũng bội tinh từ cấp Quân Đội đến Sư Đoàn.. Ngoài ra toàn thể các đơn vị nằm trong LLĐN Tango đều được ân thưởng huy chuơng tập thể Hoa Kỳ do Bộ Trưởng Lục Quân ký: “Valorous Unit Award”.
Với bài viết muộn màng nầy, tôi xin nghiệng mình tưởng niệm các anh hùng đã nằm xuống trong trận Cửa Viêt, đồng thời vinh danh các chiến hữu đã cùng LLĐN Tango “làm nên chiến sử” hào hùng trong những giây phút cuối cùng truớc khi hiệp định ngưng bắn Ba Lê ra đời. Cho dù có những phê phán, nhận xét về hậu quả trận đánh không giống nhau do vị trí, quan diểm, mục đích.. khác biệt nhau, trận Cửa Việt vẫn được coi như một “bi tráng khúc” vang cao bất tận của các chiến sĩ mũ xanh, kỵ binh và thiết kỵ anh hùng bên bờ Nam Sông Cửa Việt trong bốn ngày bão lửa ấy.
Mũ Xanh Tango
http://hoiquanphidung.com/
No comments:
Post a Comment