Thursday, February 11, 2016

Truyện ngắn NGƯỜI XƯA GIẤU MẶT by ĐIỆP MỸ LINH


http://raintransfers.com/Resimler/hava/01acd.jpg
Mẹ, chiến thắng cái giống gì mà bất cứ thứ gì của “bên thua cuộc” tụi nó cũng sợ hết vậy? Sợ từ âm nhạc, sợ sách báo cho đến sợ Thương Phế Binh, sợ nghĩa trang và “Ngụy” chết rồi mà tụi nó cũng còn sợ! Vậy mà kêu gọi hòa hợp hòa giải!


Trước khi từ giã nhau, Ngân Khánh nói với Yên Chi:
-Về bên đó gặp bồ sau. Nhớ đừng nói lại với ai về việc “cha cà chớn”, có vợ đẹp, con ngoan mà còn đi “tù ti tú tí”, nha.
Yên Chi cười, “Okay”. Quay lại, Yên Chi chưa kịp hỏi hai cháu nội – Paul và Diana – xem hai cháu đã chọn được món quà nào ưng ý chưa thì Luân, con trai của Yên Chi, học trường Bà Sơ từ nhỏ, hỏi:
-Măng! Đi “tù ti tú tí” là đi đâu?
Paul và Diana đến bên Yên Chi vừa khi Yên Chi đáp lời Luân:
-Là đi “có bồ có bịch” đó mà.
Paul và Diana chỉ nghe được “lỏm bỏm” tiếng Việt chứ không hiểu. Paul hỏi Yên Chi bằng tiếng Anh:
-“Ba Noi”! Đi “co bo co bit” là đi đâu?
Yên Chi đáp bằng tiếng Anh:
-Con còn con nít, đừng hỏi.
Paul nắm tay Diana, kéo đi:
-Đi, Diana! “Ba Noi” không nói thì anh em mình đi “co bo co bit”...
Paul chưa dứt câu, cả Yên Chi và Luân cùng phát âm một lúc “No!”. Hai đứa bé đều tròn mắt, hết nhìn “Ba Noi” lại nhìn Daddy. Yên Chi dịu dàng:
-Bà Nội nói rồi, người lớn mới được “có bồ có bịch”, hiểu chưa?
Paul kéo tay Luân:
-Đi, Daddy! Daddy đi với chúng con thì chúng ta có thể “co bo co bit”.
Luân cười lớn:
-Your Mommy không cho Daddy có bồ có bịch đâu.
Hai đứa bé đưa tay lên Trời, lắc đầu:
-Chịu thua tiếng Việt!
Thấy bốn người Việt mà đối thoại nửa Tây nửa Ta, khách qua đường hơi chậm bước, cùng với mấy người bán hàng đều cười. Ngại nhiều người để ý, Yên Chi nói nhỏ với Luân:
-Mình đi chỗ khác, con.
Vừa đi được một khoảng ngắn, Yên Chi chợt nghe thoang thoảng trong không gian tiếng Guitar văng vẳng một tình khúc mà Yên Chi rất thích. Yên Chi dừng bước, nhíu mày, lắng nghe. Yên Chi nhận ra tiếng Acoustic Guitar không phải từ radio. Chỉ vài giây sau, tiếng hát vang lên nho nhỏ, khàn khàn: “Some say love it is a river that drowns the tender reed. Some say love it is a razor that leaves your soul to bleed…”(1) Yên Chi dừng bước. Theo tiếng hát, Yên Chi cảm thấy nặng lòng vì niềm thương nhớ người xưa cuồn cuộn trở về. Yên Chi bước chầm chậm về hướng phát ra tiếng hát. Vừa lúc đó vợ của Luân xuất hiện, phát ngôn bằng tiếng Anh, vì tiếng Việt rất kém:


-Măng đi đâu vậy? Con xong chuyện rồi. Măng đi ăn trưa với chúng con.


-Măng chưa đói. Hai con với các cháu đi ăn đi; ăn xong trở lại đây đón Măng.


-Con sẽ điện thoại cho Măng khi chúng con ăn xong. Okay?
Yên Chi chưa kịp đáp “Okay” thì nghe tiếng Paul:
-“Ba Noi’! “Ba Noi” đi “co bo co bit” phải không?
Yên Chi lắc đầu, cười, khoát tay ra hiệu cho con cháu lên chiếc xe thuê.
Yên Chi chỉ qua khỏi vài gian hàng thì thấy vài người ngoại quốc đang đứng quanh một người đàn ông. Tiếng hát và tiếng đàn phát xuất từ nơi này: “…Some say love, it is a hunger, an endless aching need. I say love, it is a flower, and you it's only seed…”(2)
Khi còn cách mấy người ngoại quốc vài bước, Yên Chi thấy một người Á-Đông, tóc thưa và bạc phơ, ngồi trên chiếc ghế xếp. Ông mặc áo thun, quần ngắn. Cạnh Ông là chiếc nạn gỗ. Đến gần, Yên Chi thấy đôi chân và gương mặt của Ông đầy sẹo. Vết sẹo nơi môi của Ông giải thích cho Yên Chi vì sao có vài chữ Ông phát âm không chuẩn. Trước mặt Ông là một ghế nhựa; trên ghế để chiếc mũ cũ, xấp vé số và một tấm bìa dày, ghi: “Xin vui lòng tự chọn vé số và cho tiền vào chiếc mũ này. Please select the ticket(s) of your choice and put the payment into this hat”. Ông ôm chiếc Guitar cũ, say sưa theo tiếng hát xót xa của chính Ông: … And the night has been too lonely. And the road has been too long. And you think that love is only for the lucky and the strong...” (3) Vài người ngoại quốc và nhiều người Việt trông như du khách, khom xuống bỏ tiền vào chiếc mũ nhưng không lấy vé số.
Theo tiếng hát của ông bán vé số, Yên Chi tưởng như Yên Chi có thể thấy lại được hình ảnh Tuấn và Yên Chi bước chầm chậm trên bờ cát mịn trong những chiều Hè lộng gió bên bờ biển xưa. Những lúc đi bên nhau, “hai đứa” thường im lặng. Thỉnh thoảng “hai đứa” nhìn nhau, cười. Khi nào mỏi chân, “hai đứa” ngồi bên gốc dừa và Tuấn thường “ngân nga”: “Some say love, it is a river, that drowns, the tender reed. Some say love, it is a razor, that leaves, your soul to bleed…” Yên Chi nũng nịu: “Sao anh cứ hát bài này hoài, nghe buồn quá!” Tuấn chỉ im lặng, thở dài.
Không thể nào Yên Chi hiểu được tiếng thở dài của Tuấn. Đã nhiều lần, tại nhà Yên Chi,  Tuấn gặp những “cây đại thụ” đang cố chinh phục tình cảm Yên Chi. Thời gian đầu, khi mới quen Yên Chi tại nhà người Chú, Tuấn đã được Tuyết – con người Chú – cho biết rằng gia đình Yên Chi rất khó và Yên Chi là một cô gái rất khó chinh phục. Tuyết lại bảo, những “cây đại thụ” đang cố chinh phục Yên Chi đều theo học tại các đại học ở Saigon. Tuấn tự nhủ chàng phải cố chinh phục Yên Chi trong mùa Hè này; nếu không, hết Hè, Yên Chi sẽ trở vào Saigon học, Tuấn không an tâm.
Dù đã mấy mươi năm qua, Yên Chi cũng vẫn chưa quên được buổi chiều thứ Bảy, lúc gia đình sửa soạn cúng Ông Ngoại của Yên Chi thì Khánh đến thăm. Trong số những người theo đuổi Yên Chi, Bà Ngoại và Ba Má của Yên Chi đều biết Khánh là người ít nói và hiền nhất. Yên Chi cũng hiền và ít nói. Gia đình thầm mong Yên Chi “chịu” Khánh thì sau này vợ chồng Khánh Chi sẽ thuận hòa, hạnh phúc.
Khánh và Yên Chi cùng ngồi vào xa-lông trong khi Bà Ngoại, Ba Má và anh em của Yên Chi đều phụ với bà giúp việc chưng dọn hoa quả và thức ăn lên bàn để cúng ông Ngoại của Yên Chi. Yên Chi nhận thấy Khánh tỏ ra hơi lúng túng, không ngờ chàng đến không đúng lúc.
Khánh và Yên Chi vừa thăm hỏi được vài câu thì một chàng mặc quân phục trắng xuất hiện. Yên chi giới thiệu: “Thưa anh Khánh, đây là anh Tuấn, sinh viên sĩ quan Hải-Quân.” Xoay sang Tuấn, Yên Chi tiếp: “Thưa anh Tuấn, đây là anh Khánh, sinh viên Y Khoa.” Vừa bắt tay Tuấn Khánh vừa tỏ thái độ thân thiện: “Hay quá! Anh cả của tôi cũng là Hải-Quân. Tôi vào Saigon học, ở nhờ nhà anh ấy đó.” Tuấn cười: “Anh của anh tòng sự tại đâu ạ?” Khánh đáp: “Tại Bộ Tư Lệnh.” Tuấn cảm thấy không an tâm, vì nghĩ rằng “gốc” của Khánh rất “bự”! Tuấn để mũ “kết” lên bàn, xin lỗi Khánh để ra nhà sau chào Bà Ngoại, Ba Má và anh em của Yên Chi.
Thấy anh em của Yên Chi phụ bưng thức ăn lên bàn để cúng, Tuấn cũng vui vẻ bưng thức ăn, phụ với mọi người. Đợi Bà Ngoại, Ba Má và anh em của Yên Chi và Yên Chi thắp nhan, khấn vái xong, Tuấn nói: “Thưa Ngoại, thưa hai Bác, cho phép con thắp nhan cúng Ông Ngoại với.” Khánh và Yên Chi đều bất ngờ, nhìn nhau và Yên Chi thấy tội nghiệp Khánh vô cùng; vì Khánh không thể che giấu được sự lúng túng của chàng! Nhận ba cây nhan từ tay Má của Yên Chi, Tuấn đứng nghiêm, lâm râm khấn nguyện.
Sau khi gia đình cúng xong, Khánh nghĩ rằng – và hy vọng rằng – thế nào Ba Má của Yên Chi cũng sẽ mời Tuấn và chàng dùng cơm. Nhưng, vừa khi đó, Tuấn nói một cách rất chân thành: “Thưa Ngoại, thưa hai Bác, tháng này con chưa lãnh lương; Ngoại với hai Bác cho con ăn cơm với.” Khánh không thể ngồi nán lại được giây phút nào nữa!


Hành động của Tuấn hôm đám giỗ ông Ngoại chiếm ngay cảm tình của gia đình Yên Chi; nhưng cũng vẫn chưa chinh phục được Yên Chi.


Vài tuần sau, không biết có phải do sự sắp đặt của Tuyết hay không, Yên Chi được mời đến nhà Tuyết tham dự văn nghệ “bỏ túi”.


Trong số sinh viên và học sinh tham dự văn nghệ “bỏ túi” tại nhà Tuyết dường như ai cũng để ý đến bộ quân phục tiểu lễ của Tuấn. Nhiều nam sinh viên và học sinh còn hỏi thăm Tuấn về thể lệ và điều kiện để được thi vào Hải-Quân. Đến phần văn nghệ, mọi người đều “xung phong” ca hát. Tuấn vẫn ngồi lặng yên cho nên Yên Chi không biết Tuấn có khả năng văn nghệ hay không. Bất ngờ một anh nói vào micro: “Từ nãy giờ học trò tụi mình ‘hét’ đủ rồi. Bây giờ mời ‘ông nhà binh’. Các bạn đồng ý không?” Mọi người vỗ tay. Tuấn từ từ đến bên Piano, mở nắp đàn rồi xoay lại nói với mọi người: “Thưa các bạn, tôi xin hát tình khúc La Fontain Des Amours của John William để tặng các bạn và riêng tặng một người đã cho tôi diễm phúc được chia xẻ những giờ phút đầm ấm trong bữa cơm giỗ ông Ngoại.” Yên Chi ngạc nhiên, nhìn Tuyết. Tuyết giả vờ: “Ảnh ăn giỗ ở đâu tao đâu biết.”


Vừa nghe Tuấn dạo phân đoạn đầu, Yên Chi nhận ra Tuấn có ngón đàn piano rất tuyệt. Tuấn bắt vào:
Prés de la fontaine
La fontaine des amours
Si ton cœur est en peine
Tu vas te pencher un jour…


Yên Chi ngỡ ngàng, nhận ra giọng ca của Tuấn rất thiết tha, rất ngọt ngào. Tuấn vẫn say sưa theo tiếng hát, vờ như chẳng để ý đến Yên Chi:
… Je l'aime et qu'elle m'aime aussi
Et dans l'eau qui chante
Tu vois danser un beau jour…
Une image charmante


Vừa hồi tưởng đến đây, Yên Chi nhận ra ông bán vé số chuyển sang tình khúc Việt-Nam: “Chiều nay một mình đi trên đường cũ. Nhìn mây lặng lờ trôi theo làn gió. Tôi nhớ chiều nào đã xa xôi, hai đứa mình thường bước song đôi khi nắng giăng tơ vàng khắp lối…”(4)


Yên Chi tự hỏi, làm thế nào một ông bán vé số lại có ngón đàn Tây Ban Cầm “nhuyển” và lại chọn những tình khúc tuyệt vời đến như vậy? Bất ngờ điện thoại cầm tay của Yên Chi “rung”. Yên Chi “Allo”. Giọng Luân:
-Chúng con ăn rồi. Măng đang ở đâu?
-Sao ăn nhanh vậy? Măng đang đứng nơi gốc cây bàng, cách chỗ hồi nãy khoảng ba bốn gian hàng.
-Dạ, hai đứa nhỏ đòi ăn McDonald’s cho nên chúng con mua đem theo. Con thấy cây bàng rồi. Chúng con tới ngay. Có bác Ngân Khánh tìm Măng nữa đó.
Yên Chi “Okay”, cúp điện thoại. Vừa bước về ông bán vé số Yên Chi vừa mở ví, có ý lấy tiền cho vào mũ của ông bán vé số, thì chiếc xe thuê dừng lại. Yên Chi cầm ít tiền lẽ, chưa kịp biếu ông bán vé số thì Ngân Khánh vội vàng mở cửa xe, reo vui:
-Yên Chi! Bồ biết tui mới gặp ai không?
Yên Chi lắc đầu. Ngân Khánh tiếp:
-Tui gặp Tuyết hồi đó cùng học ở Văn Khoa với bồ đó.
-Rồi sao? Có tin gì về Tuấn không?
-Có. Tuyết nói Tuấn bây giờ cơ cực lắm…
Yên Chi chụp vai Ngân Khánh:
-Bồ biết, mấy mươi năm qua tôi liên lạc với hầu như tất cả các Hội Hải-Quân ở ngoại quốc để hỏi về Tuấn mà không ai biết cả!
-Làm sao người ta biết được mà nhờ! Tuấn “của bồ” vẫn còn ở Việt-Nam!
-Tại sao Tuấn không xin đi diện H.O.?
-Tôi quên hỏi Tuyết chuyện đó. Có thể số năm Tuấn bị ở tù không đúng tiêu chuẩn của Mỹ. Ai biết được. Nè, địa chỉ của “chàng”, tìm gặp “chàng” mà hỏi. Tui đi nhen. Về bển gặp.


-Tại sao bồ không rủ Tuyết đến gặp tôi?


-Tuyết phải trở về kinh tế mới ngay, vì đó là chuyến xe chót.


-Cảm ơn bồ nhiếu lắm, nha.


Cầm mảnh giấy do Ngân Khánh trao, Yên Chi run tay, mở cửa xe không được. Chú tài vói tay mở cửa giùm. Yên Chi ngồi vào ghế bên phải của chú tài xế, lòng rộn ràng, quên bẳng tiếng hát và hình ảnh của ông bán vé số. Xe chạy được một khoảng ngắn, Yên Chi nhận ra mấy tờ bạc còn trong tay, vội thốt lên: “Oh, no!” Luân hỏi:


-Măng bị gì vậy?
-Măng quên cho tiền ông bán vé số.
Từ ngày Bố Mẹ ly dị rồi Bố về Việt-Nam lấy vợ trẻ, lúc nào Luân cũng chăm lo cho Yên Chi và cố gắng làm vui lòng Mẹ. Luân bảo tài xế quay lại gốc cây bàng. Xe quay trở lại. Gốc cây bàng còn đó nhưng ông bán vé số không còn!
*       *
*
Trên đường lần mò trở về “nhà!” Tuấn lờ mờ thấy vài người mặc quân phục rằn ri, mũ xanh, mũ nâu, mũ đỏ, vừa từ con hẽm nhỏ đi ra. Tuấn dừng bước, hỏi:
-Các anh chắc là Lính Cộng Hòa?
-Chi vậy? Hỏi để báo công an hả?
-Đâu có. Vì tôi thấy lờ mờ các anh mặc quân phục của lính mình.
Nghe hai tiếng “lính mình” một anh đáp:
-Bộ “cha” cũng…lính mình, hả?
-Vâng. Mấy anh đi đâu mà vui vậy?
-Dui gì! Hôm nay là ngày giỗ của Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh “dùng” IV đó, cha.
Chợt nhớ ngôi chùa nhỏ trong hẽm là nơi thờ Hương Linh của Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tuấn bảo:
-Vậy là các anh làm lễ Tưởng Niệm Tướng Nam xong rồi, phải không? Thôi, chào các anh. Tôi vào chùa thắp cho Ổng nén nhan.
-Không được đâu. Tụi nó đuổi mọi người đi hết rồi.
Giữa khi Tuấn bàng hoàng, chưa biết phải nói gì thì một anh Mũ Đỏ lầm bầm:
-Mẹ, chiến thắng cái giống gì mà bất cứ thứ gì của “bên thua cuộc” tụi nó cũng sợ hết vậy? Sợ từ âm nhạc, sợ sách báo cho đến sợ Thương Phế Binh, sợ nghĩa trang và “Ngụy” chết rồi mà tụi nó cũng còn sợ! Vậy mà kêu gọi hòa hợp hòa giải!
Nói xong, mấy người “lính cũ” kéo nhau đi, lưu lại trong lòng Tuấn nỗi xót xa vô vàn!
Nhìn quân phục rằn ri và những chiếc mũ đỏ khi ẩn khi hiện trong dòng người lao động của xóm nghèo, Tuấn tưởng như chàng có thể thấy lại hình ảnh bi hùng năm nào trên bờ biển Nha-Trang khi Dương Vận Hạm Qui-Nhơn, HQ504, ủi bãi ngay trước Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Nha-Trang. Cửa đổ bộ vừa hạ xuống, từng đoàn quân Mũ Đỏ, bước ra trong tiếng reo hò vang dội của đồng bào chạy loạn từ miền Trung vào; vì những người này – cũng như Tuấn và tất cả sinh viên sĩ quan Hải-Quân – đều nghĩ rằng “đỗ” quân Dù xuống Nha-Trang là chính quyền V.N.C.H. muốn giữ Nha-Trang. (5) Tuấn mừng thầm và nghĩ chàng sẽ được cơ hội “đi bờ”, đến nhà Yên Chi, tìm hiểu xem tình trạng của nàng và gia đình nàng như thế nào!
Niềm hy vọng của Tuấn vừa nhen nhúm thì, hôm sau, tất cả sinh viên sĩ quan được lệnh tập họp tại sân cờ. Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn sinh viên sĩ quan điều động tất cả sinh viên chạy bộ xuống Cầu-Đá để được Hải Vận Hạm Hậu Giang, HQ406, di tản vào Saigon.
Suốt đoạn hải hành đầu đời, Tuấn bị sóng nhồi thì ít mà lo lắng, xót xa và thương nhớ Yên Chi thì nhiều!
Về đến Saigon, phân đội của Tuấn được lệnh cùng với đơn vị Thủy Quân Lục Chiến án ngữ tại Thảo Cầm Viên, bên này cầu Thị Nghè để chận bước tiến của địch quân, nếu địch quân phá vỡ vòng đai tại Hàng Xanh do Thủy Quân Lục Chiến án ngữ.
Sáng 30 tháng Tư, địch quân – có xe tăng yểm trợ – phá vỡ vòng đai Hàng Xanh! Thủy Quân Lục Chiến tại Hàng Xanh, một số hết đạn, tự tử tập thể; một số bị đẩy dạt về Thảo Cầm Viên, được đơn vị sinh viên sĩ quan Hải-Quân và Thủy Quân Lục Chiến án ngữ nơi đây tiếp sức. Tất cả đều chống trả mãnh liệt. Nhưng, nhiều quân nhân…hết đạn!
Trong khi các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và sinh viên sĩ quan Hải-Quân án ngữ tại Thảo Cầm Viên chiến đấu trong điều kiện cạn kiệt đạn dược thì xe tăng Việt Cộng lừng lững tiến qua cầu Thị Nghè. Quá tuyệt vọng, vài nhóm Thủy Quân Lục Chiến choàng vai nhau, tự tử tập thể! Tiếng lựu đạn của Thủy Quân Lục Chiến tự tử tập thể khiến Việt Cộng nghĩ rằng quân V.N.C.H. đang kháng cự. Xe tăng hạ nòng súng, bắn trực xạ…
Sau khi đoàn thiết giáp và quân Việt Cộng đi xa, đồng bào túa ra đường. Kẻ quàng khăn đỏ “hồ hởi” reo hò. Người dân thầm lặng nhặt xác quân nhân tử trận để vào nơi cao ráo. Quân nhân bị thương được giúp đỡ tạm.
Trong khi khiêng quân nhân bị thương, vài người thầm thì: “Xem chỗ nào kín đáo một tý để giấu mấy ông bị thương; nếu không, tụi Việt Cộng thấy được là tụi nó ‘thịt’ mấy ổng liền chứ tụi nó không tha đâu!” Nhìn quanh, thấy bên kia đường là cư xá sĩ quan Hải-Quân, nhiều người đề nghị nên đưa quân nhân bị thương sang đó để được giúp đỡ và che chở.
Trong cư xá sĩ quan Hải-Quân, Khánh đang lo âu, theo dõi tin tức đài BBC. Từ khung cửa sổ lầu hai nhìn sang Thảo Cầm Viên, chị dâu của Khánh bảo: “Chú Khánh ơi! Hình như người ta khiêng người chết hay người bị thương vào cư xá kìa.” Khánh đến bên cửa sổ, nhìn. Sau khi nhận biết tình hình, Khánh bảo Khánh phải xuống tầng dưới xem có ai cần giúp đỡ hay không. Khánh cũng khuyên chị dâu và các cháu chuẩn bị sẵn sàng, đến tối mà vẫn không thấy anh của Khánh về thì Khánh sẽ tìm cách đưa gia đình di tản. Khánh đã nhờ người mướn ghe rồi.
Xuống tầng dưới, thấy nhiều quân nhân bị thương được để nơi hành lang, Khánh chạy ngược lên, lấy tủ thuốc nhỏ đựng những thứ thuốc cấp cứu, đem xuống. Trong khi cùng vài người băng bó cho thương binh, Khánh thấy người mặc quân phục Hải-Quân mang bảng tên Tuấn. Khánh hỏi thăm và Tuấn cũng nhận ra Khánh. Với trình độ hiểu biết của một sinh viên Y Khoa, Khánh cho Tuấn biết tình trạng của Tuấn không nguy hiểm đến tính mạng; tuy nhiên, vì nhiều vết thương ở mặt và bắp chân, Khánh ngại rằng gương mặt của Tuấn sẽ biến dạng và bắp thịt chân có thể tạo ảnh hưởng khó khăn cho Tuấn khi đi chuyển. Tuấn chỉ biết im lặng, thở dài!
Khuya 30-04-75, trước khi cùng gia đình kín đáo rời cư xá, lên ghe di tản, Khánh vào những căn nhà mà chủ nhà đã di tản, tìm những hộp thuốc cấp cứu và đem xuống tặng cho các thương binh. Khánh cũng không quên đem theo quần áo dân sự để tặng thương binh. Khánh dùng kéo cắt quân phục và giúp thương binh mặc thường phục. Trước khi từ giã thương binh để đem tất cả quân phục vất xuống sông, Khánh bắt tay Tuấn. Tuấn nắm tay Khánh thật lâu: “Anh Khánh! Tôi có một yêu cầu nhỏ, mong anh giúp tôi.” Khánh đáp: “Anh cứ nói. Tôi sẽ hết lòng giúp anh trong khả năng của tôi.” Tuấn cúi đầu ngần ngừ chốc lác rồi bảo: “Nếu anh gặp Yên Chi, xin anh đừng cho Yên Chi biết rằng anh đã gặp tôi trong tình huống này!” Giọng Khánh đượm nhiều xót xa: “Vâng. Tôi hiểu. Nhưng, thưa anh, cho đến giờ phút này tôi cũng chưa biết tình trạng của Yên Chi, gia đình của Yên Chi cũng như gia đình tôi ngoài đó có thể di tản được hay không!” Tuấn thở dài: “Tôi bị cấm trại từ khi quân mình rút khỏi cao nguyên cho nên tôi cũng chẳng biết gì!” Khánh im lặng. Thật lòng Khánh không nỡ để những người Lính đã chống trả đến viên đạn cuối cùng phải nằm đây, trong tình trạng này; nhưng nghĩ lại, Khánh thấy rằng chàng cũng không có điều kiện và phương tiện để giúp những thương binh này! Khánh chỉ biết thở dài, quay gót…
*
*        *
Cảm thấy áy náy trong lòng, Tuấn cầm tay Lụa, tha thiết nói với Lụa mà cũng như tự dặn lòng hãy cố quên bóng dáng xưa:
-Lúc nào anh cũng biết ơn và thương yêu em. Nếu không có tình thương yêu của em, anh nghĩ không thể nào anh có thể vượt qua được nghịch cảnh.
Lụa nguýt yêu Tuấn:
-Thôi đi! “Dợ” chồng bao nhiêu năm rồi mà anh cứ nói cái giọng đó “woài”, nghe “ghét” “wá” hà!
Hai vợ chồng cùng cười. Lụa tiếp:
-Anh coi “diết” thơ ra nước ngoài, tìm mấy ông Hải-Quân xin giúp đỡ để có tiền mổ cườm mắt; anh để lâu “wá” coi chừng bị mù đó.
-Anh thuộc vào lứa con muộn màng của đại gia đình Hải-Quân cho nên chẳng quen biết ai. Những thằng cùng khóa đa số kẹt lại; những thằng đã vượt biên thì anh không biết địa chỉ. Nhưng, em à! Anh còn đi khập khểnh, còn thấy lờ mờ, còn bán vé số kiếm lời phụ với em thì anh còn may mắn hơn nhiều thương phế binh bị tàn phế nặng nề. Anh nghĩ như vậy để tự cảm thấy mình còn “may mắn!”
Đã quen với tính tự lập và an phận của Tuấn, Lụa lắc đầu:
-Bởi “dậy”, sinh hai thằng con có khác anh chút nào đâu!
-Khác chứ.
-Khác gì, nói coi.
-Anh thích âm nhạc; hai đứa nó không thích.
-Thời buổi này bươn chải đầu ngược đầu xuôi còn không đủ sống mà anh đòi dạy tụi nó đờn ca, ích lợi gì?
-Ích lợi chứ sao không?
-Ích lợi gì?
-Nhờ anh đàn hát mà em thương anh. Em đem hạnh phúc đến cho anh và em cho anh hai thằng con “ngon lành”.
-Còn anh cho em hai đứa con cao, to, đẹp trai giống anh.
-Mặt anh như vầy mà đẹp trai nỗi gì nữa, em!
-“Xời”, mặt anh mà “hỏng” như “dậy”, anh đâu thèm lấy em!
-Nói bậy rồi! Anh lấy em vì anh thương em mà em cũng thương anh nữa, phải không?
Lụa cảm thấy bồng bột yêu chồng, giọng nũng nịu:
-Ai nói “dới” anh tui thương anh “dậy”?
-Em chứ ai. Đừng làm bộ quên, cô nương. Thôi, anh vô nghỉ một chút.
Trong khi Tuấn đi vào sau tấm màn, ngả lưng lên manh chiếu, Lụa cảm thấy lòng bồi hồi nhớ lại thời mới lớn, ra chợ phụ Mẹ bán cháo lòng để nuôi em trai đi học; vì Ba đã tử trận. Khi đi ngang ông bán vé số – nhiều người đồn Ông là sĩ quan “Ngụy” – nghe giọng hát nghẹn ngào của Ông, Lụa cảm thấy “buồn muốn chết”! Thỉnh thoảng, nếu cháo bán không hết, Mẹ của Lụa dừng lại, múc cho ông bán vé số một tô. Mấy lần đầu, ăn xong, ông bán vé số đưa tập vé số, bảo Mẹ con của Lụa lấy vé số “trừ” tiền tô cháo. Mẹ từ chối. Ông ấy bảo nếu Mẹ không lấy vé số thì Ông sẽ không dám ăn cháo nữa. Từ đó, Mẹ đành lấy một vé số mỗi khi múc cháo cho ông. Và cũng từ đó Ông mới cho biết Ông tên Tuấn.
Đôi khi nghe Tuấn hát tiếng gì chứ không phải tiếng Việt, Lụa hỏi. Tuấn bảo tiếng Anh, nếu lời ca bằng tiếng Anh; nếu lời ca bằng tiếng Pháp, Tuấn đáp đó là nhạc Pháp. Nghe như vậy, Mẹ hỏi dò về hoàn cảnh gia đình của Tuấn. Tuấn bảo chỉ còn ông chú bị tù, nhà cửa, tài sản của chú bị “cách mạng” tịch thu và gia đình bị đuổi đi kinh tế mới. Hiện tại, ban ngày Tuấn bán vé số, tối ngủ ở ga xe lửa. Mẹ mời Tuấn về ở chung trong căn nhà ọp ẹp, mỗi tối dạy cho Lụa và đứa con trai học. Từ đó, tình cảm nảy sinh trong lòng Tuấn và trong lòng Lụa…
Lụa chưa kịp hồi tưởng lại những lời văn hoa khi Tuấn ngõ lời yêu thương thì chiếc xe xích lô dừng gần cửa. Một thiếu phụ trông rất quý phái, khuôn mặt phúc hậu, bước xuống, quay lui, dặn bác xích-lô chờ. Thiếu phụ đi về hướng Lụa. Đến cửa, thiếu phụ nhìn Lụa, mĩm cười, gật đầu chào. Lụa chào lại. Thiếu phụ hỏi:
-Thưa, có phải đây là nhà của ông Tuấn không ạ?
Đã được Tuấn dặn trước, Lụa đáp:
-Tuấn nào, tui “hỏng” biết.
Thiếu phụ mở ví, nhìn lại địa chỉ trên mảnh giấy mà Ngân Khánh đã đưa lúc xế trưa rồi hỏi:
-Dạ, có phải địa chỉ nhà này là 701/15/34/96 hay không, thưa bà?
Nhận ra giọng “Huế lai” của Yên Chi, Tuấn ngồi giậy, lắng nghe, lòng nát tan! Trong những mảnh vụn của trái tim tan vỡ, Tuấn nhận ra có nhiều mảnh sậm màu vì hằn rõ niềm ăn năn Tuấn dành cho Lụa – người vợ mộc mạc đã hết lòng thương yêu chàng!
Lụa đáp:
-Phải. Nhưng “hỏng” có ai tên Tuấn ở đây hết.
Nghĩ có thể, vì hoàn cảnh, Tuấn phải đổi tên, Yên Chi hỏi:
-Nếu không có người tên Tuấn, bà làm ơn cho tôi gặp người đàn ông ngụ tại địa chỉ này, được không ạ?
-Ảnh đi làm chưa “dìa”.
-Bà vui lòng cho biết bao giờ ông về để tôi trở lại?
-Trời Đất! Tui nói ở đây “hỏng” có ai tên Tuấn mà bà “hỏng” tin tui sao?
-Dạ, không phải tôi không tin bà; nhưng tôi xin được gặp người đàn ông ngụ tại địa chỉ này, may ra ông ấy biết tin ông Tuấn.
Vì đã được Tuấn căn dặn và cũng vì ngại sẽ khó đối đáp với thiếu phụ này, Lụa phải nói cứng:
-Ông chồng tui lo làm ăn đầu tắt mặt tối, không quen biết ai đâu, bà đừng mất công. Xin lỗi, tui phải đi nấu cơm chiều để ảnh “dìa” ảnh ăn.
Nói xong, Lụa đóng cửa lại trước ánh mắt thất vọng của Yên Chi.

Bác xích-lô đạp chầm chậm dọc bờ biển. Mặt trời khuất dần trên đỉnh núi xa. Khi xích-lô chạy ngang Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân, Yên Chi cúi mặt, thở dài, lòng chĩu nặng xót xa!

Xích-lô đến gần cuối đường Trần Phú, Yên Chi ra dấu cho bác xích-lô dừng lại. Yên Chi trả tiền rồi chầm chậm đi xuống bờ cát. Gần đến mé nước, Yên Chi cúi xuống xách đôi dày và đếm từng bước dọc bờ biển xưa.


Đi được một đoạn ngắn, Yên Chi dừng bước, nhìn ra khơi. Biển lặng. Quanh nàng, ngoài tiếng sóng òa vỡ lao xao, không còn một âm thanh nào khác. Trong bóng chiều cô tịch, Yên Chi tưởng như thấy được hình bóng Tuấn, mặc quân phục tiểu lễ trắng, chờn vờn trong những tia nắng hắt hiu cuối trời. Trong thinh lặng, Yên Chi tưởng như có thể nghe được tiếng hát nồng nàn của Tuấn vang vọng trong không gian: “Tôi đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương… Tôi thương nhớ ngày qua trên bến hoàng hoa hay những đường xa. Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười, mắt say sưa thắm mộng đời…Nhớ, nhớ đêm nào trên bến hoàng hoa hai đứa kề nhau, không nói một câu, như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào, như thầm hẹn nhau mùa sau…Tôi vẫn đi, lòng thương nhớ…”(6) Chữ “nhớ” cuối bài được Tuấn hát cao hẳn một bát trình – octave – và ngân dài như bất tận, như xoáy sâu vào tâm thức u hoài của Yên Chi.


Xa thật xa, cuối tầm mắt không còn thơ dại của Bà, Yên Chi thấy hình ảnh Tuấn nhạt dần, nhạt dần trong khi bóng hoàng hôn len lén trở về, phủ kín khung trời thân yêu!


ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com


1-2 và 3 .-  The Rose của Bette Midler
4.- Người Đi Chưa Về của Hoàng Trọng
5.- Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi của Điệp Mỹ Linh
6.-Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng

No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...