Tuesday, April 26, 2016

41 năm 'ngược dòng lịch sử' tác giả Nguyễn Viện

Bài học đầu tiên của tôi về cách mạng là hãy sống như cừu và nói như vẹt -Nguyễn Viện.Chia sẻ

Image copyrightGetty
Trong tháng 4/2016, người dân đón nhận ít nhất hai thông tin chính thức: thứ nhất công an ở Hà Nội nhổ nước bọt vào mặt một cô gái, thứ hai công an ở thành phố Hồ Chí Minh đánh anh bán hàng rong "chấn thương sọ não".
Một thông tin không chính thức khác, lực lượng an ninh đánh tơi tả chị Trần Thị Hồng (vợ Mục sư Nguyễn Công Chính đang ở tù) tại Gia Lai.Trong mấy năm qua, theo báo cáo chính thức, đã có hàng trăm người chết trong đồn công an. Không kể biết bao vụ đàn áp đánh đập những người bất đồng chính kiến.Có lẽ cũng chẳng cần phải tìm hiểu nguyên nhân lý giải gì về hiện tượng “còn Đảng còn mình” đang trở nên bình thường này.Tháng 4, dù để vui hay buồn, tung hô hay oán hận, cũng thường là dịp để người dân nhìn lại một mốc lịch sử. Ngày giải phóng, năm 1975.

'Sống như cừu, nói như vẹt'

Tôi chỉ muốn kể những chuyện hài (ra nước mắt).
Trước 30/4/1975 ít ngày, Tướng Nguyễn Cao Kỳ về Xóm Mới (Gò Vấp) đăng đàn nói chuyện với dân chúng “Bắc kỳ di cư Công giáo” tại sân nhà thờ Thái Bình (ngay trước cửa nhà tôi, hồi ấy) về việc ăn mắm tôm chống Cộng đến cùng.
Rút cục ông tướng này chống Cộng đến đâu, chắc ai cũng biết. Người dân nói chung, ở đâu cũng chỉ là đám đông cho các nhà chính trị “xúi trẻ con ăn cứt gà”.
Ông Kỳ chạy kịp, người dân miền Nam ở lại, không ít người bị “phỏng giái”.


Theo Wikipedia: “Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các đảng phái “phản động”.
Theo Phạm Văn Đồng, con số người phải trải qua giam giữ sau ngày 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện. Tính đến năm 1980 thì chính phủ Việt Nam xác nhận có 26.000 người vẫn còn giam trong trại.
Tuy nhiên một số quan sát viên ngoại quốc được trích dẫn trên Wikipedia, ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam. Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam.”
Bản thân tôi cũng bị học tập cải tạo ba ngày tại cơ quan (vì lúc ấy tôi chỉ là một công chức hạng bét). Điều đáng nói ở đây, cho dù là một y tá, bác sĩ, nhà giáo hay một công nhân lao động chân tay… ai cũng phải nhận mình có tội với cách mạng. Một sự sỉ nhục quá mức cần thiết.Nói chung, tất cả những ai phục vụ trong chế độ cũ, bất kể địa vị, ngành nghề đều là kẻ có tội và phải học tập cải tạo ít nhất từ ba ngày đến trên 10 năm.
Bài học đầu tiên của tôi về cách mạng là hãy sống như cừu và nói như vẹt.

'Kinh tế mới'

Sau học tập cải tạo là đánh “tư sản mại bản”: Tất cả mọi chủ doanh nghiệp sản xuất hay thương mại đều bị cho là có tội với nhân dân. Tài sản của họ vì thế bị tịch thu hoặc trưng mua, tất cả nhà cửa và hàng hóa.
Cùng lúc, nhiều gia đình bị ép buộc đi “kinh tế mới”.
Hậu quả của chính sách triệt tiêu sản xuất và thương mại tư nhân của nhà nước cách mạng là đẩy nền kinh tế quốc gia đến vực thẳm. Dân chúng thiếu đói từ hạt muối đến nắm cơm. Nông thôn hay thành thị, toàn dân phải ăn độn.

Image copyrightPD
Image captionNhiều bản nhạc của Phạm Duy hiện vẫn chưa được cấp phép ở Việt Nam

Một bi kịch khác của giải phóng mà tôi cho là điển hình của cái gọi là xã hội chủ nghĩa: ai không đói khổ cũng phải làm ra vẻ nghèo hèn cho phù hợp với cách mạng, từ cái ăn đến cái mặc. Thời ấy, tôi có người bạn đã làm giàu nhanh chóng nhờ buôn bán thuốc nhuộm vải. Tất nhiên khi có tiền, bạn tôi phải vội tìm đường vượt biên, cũng như hàng triệu người khác phải đâm đầu xuống biển tìm tự do, thà chết còn hơn sống với Cộng sản.
Không chỉ quần áo, cuộc sống con người cũng bị nhuộm đen. Từ anh trí thức đến một người thất học, không trừ một ai, đều có một nỗi sợ hãi đến hèn hạ khi làm công dân của chế độ mới.
Để tồn tại, cho đến bây giờ người ta vẫn sống hai mặt. Bởi nói một sự thật đồng nghĩa với “nói xấu chế độ”. Đi tù. Làm gì, nói gì cũng có thể đi tù. Ngay cả ông Tây, nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880 – 1918), tác giả của “Mùa Thu Chết” (Phạm Duy phổ nhạc) cũng bị kết án phản động kia mà.

'Ngược đường lịch sử'

Mới đây, tôi được anh Hạ Đình Nguyên kể lại việc anh bị kiểm điểm vì dám tổ chức cho đoàn viên Thanh niên nhảy đầm, trước 1980. Tôi cũng không bao quên cảnh tượng ông cán bộ sếp cơ quan tôi, đặt chiếc xe đạp mới mua lên… giường, rồi đứng nhìn ngắm.
Không thể kể hết chuyện bi hài trong những năm đầu sau giải phóng.
Lúc ấy, tôi thường tự hỏi: Tại sao người ta có thể ngu muội theo đuổi một chủ nghĩa làm bần cùng con người từ kinh tế đến nhân phẩm như thế?
Để tránh sụp đổ, năm 1986, chính sách cai trị được sửa chữa, người ta gọi là “Đổi mới”. Thật ra, “đổi mới” là gì? Có phải nó là cái gì mới có tính sáng tạo hay chỉ là tháo gỡ chính cái rào cản của “giải phóng”, “cách mạng”… mà họ đã dựng nên trói buộc cuộc sống trong giáo điều, rồi lập lại một phần cái rất cũ về kinh tế của xã hội loài người mà chính phủ miền Nam đã từng áp dụng?


Sau hơn 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước, tuy xã hội cũng đã có những người rất giàu, nhưng cũng không thiếu người đói rách.
Bên cạnh cái hào nhoáng của những kẻ hãnh tiến khoe của, người dân Việt Nam hiện nay phải mang một gánh nợ công không nhỏ, tiềm ẩn một nguy cơ phá sản toàn bộ nền kinh tế quốc gia, cùng với một nền chính trị hà khắc và một nguy cơ mất nước đang càng ngày càng rõ về tay Trung Quốc.
Tôi học được bài học thứ hai của giải phóng: Mọi chuyện cứ để Đảng và nhà nước lo.
Giờ đây, cái bánh vẽ “giải phóng”, “cách mạng”, “chủ nghĩa Cộng sản” có lẽ đã vỡ vụn, nhưng những kẻ mượn danh nó để trục lợi thì vẫn ngang nhiên ngược đường lịch sử, đi về phía man rợ, bất chấp mọi nguyện vọng chính đáng của người dân về một thể chế tiến bộ hơn cho quyền con người.
Trong mọi thứ danh xưng, tôi không thấy từ nào mỉa mai hơn hai chữ “giải phóng”. Vì chính nó là một loại kim cô “ngụy” nhất, “phản động” nhất trong lịch sử nhân loại. Nó nhốt con người vào “trại súc vật”.
Chắc chắn rằng, cuộc “giải phóng” của chủ nghĩa Cộng sản là con đường lòng vòng tốn kém xương máu nhân dân nhất, chỉ để quay lại điểm trước khi nó bắt đầu.
Đau đớn thay, người Việt Nam vẫn còn tiếp tục phải đi lòng vòng và chưa biết đến bao giờ mới quay lại được với lộ trình chính của nhân loại. Con đường hướng đến phát triển, tự do và nhân phẩm.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống tại TP. HCM, Việt Nam.


41 năm 'ngược dòng lịch sử'

No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...