Nhà văn Nguyễn Thanh Việt (ảnh: Literary Hub) |
“Tôi không đến Việt Nam với hy vọng sẽ cảm thấy nơi đây ngay lập tức trở thành nhà của mình hay sẵn sàng hôn lên đất mẹ. Tôi mong đợi được đến đây với tư cách của một người ngoại quốc, và tôi đã làm như vậy.” Nguyễn Thanh Việt đã viết như thế trên trang web chính thức của ông cách đây 5 năm, sau Tết truyền thống ở Việt Nam. Bài viết có tựa đề “On (not) being a Vietnamese” (tạm dịch: Về việc (không) là người Việt Nam) đã thể hiện những suy nghĩ của nhà văn về gốc gác Việt của mình, về những kỷ niệm trong những tháng ngày ông quay trở về Việt Nam, cũng như về những thế hệ người gốc Việt mới đang sinh sống trên đất Mỹ.
Nguyễn Thanh Việt đã nhận giải thưởng danh giá Pulitzer năm nay ở
hạng mục Tiểu thuyết với tác phẩm đầu tay “The Sympathizer” (Cảm tình
viên). Ông sinh ra ở Việt Nam và sang Mỹ cùng gia đình năm 1975. Hiện
Nguyễn Thanh Việt đang tham gia giảng dạy tại trường Đại học Southern
Califfornia (Đại học Nam California). Ngoài giảng dạy và viết lách, ông
còn là một nhà phê bình văn hóa cho tờ The Los Angeles Times, biên tập
viên một blog dành cho cộng đồng nghệ sĩ Việt Nam xa quê.
Sau đây là bản lược dịch bài viết này của ông:
“Tết đã qua, những ngày lễ tết này càng làm cho tôi phải suy nghĩ
nhiều hơn về việc tôi có phải là người Việt Nam không. Tôi không mấy
quan tâm đến câu hỏi này lắm, bởi không thể có câu trả lời đúng cho nó,
và cũng bởi ngụ ý của nó là điều khiến tôi để tâm hơn.
Câu hỏi này bao gồm cả những hàm ý về những thứ rất Việt Nam, chẳng
hạn như: Bạn là người Việt nếu phân biệt được phở nào ngon và phở nào
không ngon, bạn là người Việt nếu yêu thích một nhãn hiệu nước mắm nào
đấy, bạn là người Việt nếu khóc mỗi khi nghe Khánh Ly hát, bạn là người
Việt nếu biết Modern Talking là ai, bạn là người Việt nếu… Danh sách này
sẽ còn rất dài. Thế nhưng câu hỏi về gốc gác có ý nghĩa như thế nào chỉ
gây hứng thú với tôi bởi những lý do ẩn chứa đằng sau nó.
Tháng trước tôi đã tham dự một bữa tiệc đón Tết và có trò chuyện với
một học giả trẻ người Việt mới từ Việt Nam sang. Chúng tôi đã nói chuyện
khoảng hơn 10 phút, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Khi bạn ấy hỏi tôi, “Anh
không phải là người Việt đúng không?” thì bất chợt tôi lại nhớ về một
bữa tối khác với một nhóm các chuyên gia nghiên cứu người Việt. Tại đó,
một sinh viên trẻ đang theo học tiến sĩ cũng mới từ Việt Nam sang, sau
một hồi trò chuyện, đã nói với tôi rằng: “Anh trông không giống người
Việt mấy”.
Hồi xưa tôi đã từng đến Việt Nam nhiều lần, sau khi nghe thấy tôi nói
một chút tiếng Việt thì mọi người ở đây đã ồ lên “Tiếng Việt của anh
tốt quá!” Điều này có nghĩa họ không coi tôi là một người Việt, vì chẳng
có ai lại khen tiếng Việt của một người Việt cả. Tôi nghĩ rằng điều này
cũng tương tự như một anh Tây nói tiếng Việt ở Việt Nam. Mọi người sẽ
đối xử với anh ta rất chu đáo nếu như anh ta nói với họ bằng tiếng Việt
một câu đại loại như “Làm ơn đưa tôi đến chợ Bến Thành”.
Khi còn là một đứa trẻ ở San Jose, cha mẹ bắt tôi phải theo học tại
một trường dòng dành cho người Việt vào mỗi Chủ Nhật. Hồi đó tôi hầu như
còn không nói được bất kỳ từ tiếng Việt nào. Tại thời điểm ấy, mọi
người quan niệm rằng, nếu không nói tiếng Việt tại lớp học thì không
phải là người Việt.
Có lẽ áp lực của những người còn quá xa lạ với cuộc sống tại Mỹ đã
khiến những người Việt ở đây phải tự chứng minh gốc gác của mình. Hệt
như một tiểu hành tinh va vào Trái Đất, những người này làm tất cả để
bảo vệ bản sắc và văn hóa Việt. Vì vậy, họ thường tổ chức những lễ hội
và lễ nghi tại nơi công cộng và trường học. Đó là những nơi mà quy định
phải là người Việt Nam rất rõ ràng. Nếu bạn cảm thấy mình thuộc về nơi
này, thì đó là nhà của bạn.
The Sympathizer – Tác phẩm đoạt giải Pulitzer 2016 ở hạng mục Tiểu thuyết
Nhà là nơi an ủi, là nơi mọi người chào đón bạn, gọi tên bạn, đảm bảo
rằng bạn không túng thiếu. Nhà cũng là nơi mọi người thấu hiểu đến mức
có thể đặt vào vị trí của bạn, thậm chí là nơi mọi người thù ghét bạn,
trút những giận dữ vào bạn.
Không ai có thể nhào nặn bạn giống với những người Việt khác. Tôi nhớ
khi mình còn đang học lớp hai, những đứa trẻ người Việt tại trường học
San Jose đã lập ra các băng nhóm và đánh nhau trên sân trường nhằm tranh
giành địa bàn. Những người Việt đã mang theo ngôi nhà của họ đi khắp
nơi.
Tôi không đến Việt Nam với hy vọng sẽ cảm thấy nơi đây ngay lập
tức trở thành nhà của mình hay sẵn sàng hôn lên đất mẹ. Tôi mong đợi
được đến đây với tư cách của một người ngoại quốc, và tôi đã làm như
vậy. Vấn đề duy nhất là những người Việt, một khi biết được tôi là ai
thì họ lại muốn tôi phải cảm nhận và hành động như một người bản xứ.
Ngược lại, với những vấn đề liên quan đến tiền bạc thì họ lại coi tôi
như một người nước ngoài.
Nhưng đó là khoảng thời gian rất lâu về trước. Hiện tại, người Việt
đã định nghĩa lại gốc gác của họ, bởi những gì mà người Việt làm ở Việt
Nam phải hoàn toàn thuần Việt. Một số người Việt rất giàu, họ hoàn toàn
có thể làm bất cứ điều gì mà những người giàu trên toàn thế giới đã làm,
chẳng hạn như ăn một bát phở trị giá 35 USD hoặc lái chiếc xe
Lamborghini trên đường phố Sài Gòn. Thế nhưng bạn không thể lái xe ở bất
kỳ nơi nào trong Việt Nam với tốc độ nhanh hơn 50 km/giờ.
Bởi vậy hành động lái xe trên đường phố mặc dù có thể giống người
nước ngoài, thế nhưng nó vẫn rất thuần Việt. Trong khi đó ở Mỹ, đã có
một thế hệ người Mỹ gốc Việt mới được hình thành. Một số người muốn tổ
chức các chương trình nhằm bảo tồn văn hóa Việt Nam. Mặt khác, một số
khác lại có nhu cầu được tìm hiểu về nền văn hóa của họ, hoặc ngắm nhìn
văn hóa như một cổ vật trong viện bảo tàng, yên tĩnh và trường tồn.
Tuy nhiên những người Mỹ hiện đại không nhất thiết phải đội những bộ
tóc giả nặng trịch, đội mũ ba sừng hay sở hữu nô lệ để chứng tỏ nền văn
hóa Mỹ. Chúng tôi đã vượt qua những khuôn mẫu đó và hạnh phúc khi thấy
James Franco đại diện cho văn hóa Mỹ tới toàn thế giới. Thế nhưng hơn 10
năm nay tôi chưa hề tham dự một chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam.
Điều này thôi thúc tôi tò mò muốn biết những sinh viên gốc Việt được
sinh ra tại Mỹ sẽ múa quạt trong trang phục nông dân sẽ như thế nào.
Thế hệ chúng tôi cũng đã từng làm vậy trong khi hầu hết đều chưa bao
giờ được biết đến cảm giác đi chân trần trên một cánh đồng lúa. Lớn lên ở
San Jose trong những năm 80 đầy khó khăn, tôi còn không biết một cánh
đồng lúa trông như thế nào. Ý niệm của tôi về văn hóa Việt Nam chỉ là
con người Việt Nam rất thông minh và tháo vát. Họ vẫn miệt mài làm việc
trong khi đã nhận được tiền phúc lợi và tem phiếu lương thực. Đó là
chương trình văn hóa mà tôi muốn xem.
Tila Tequila là một người mẫu, ca sĩ gốc Việt nổi tiếng trên đất Mỹ (ảnh:Irish Examiner)
Ngày nay thế hệ trẻ gốc Việt được sinh ra tại Mỹ không nói tiếng
Việt, cũng không hề bận tâm tới suy nghĩ của những người da trắng, lại
càng không thực sự quan tâm đến việc họ có là người Việt hay không. Thi
thoảng tôi có gặp những người này ngoài đời, hoặc chỉ ngắm nhìn họ từ
xa. Tila Tequila chẳng hạn. Cô ấy không bao giờ nhận mình là người Việt,
thế nhưng ở một chừng mực nào đó, cô ấy lại là người Việt trong cách cư
xử của mình.
Tôi đã nhìn thấy nhiều người như Tila ở Sài Gòn và San Jose, luôn
muốn được bứt phá. Tôi nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ rất nhiều người Việt như
vậy. Họ là người Việt, nhưng lại không phải là người Việt. Họ chỉ nhận
mình là người Việt, hoặc từ chối chỉ nhằm nhượng bộ trước những câu hỏi
về nguồn gốc của mình. Bởi vậy, nếu ai đó hỏi tôi có phải là người Việt
Nam hay không, tôi sẽ trả lời họ rằng “có và không”, và chờ đợi một câu
hỏi khác.
Theo Tin Nhanh
Trich Haingoaiphiemdam.com
No comments:
Post a Comment