Nếu phải chọn một nơi để viết, để nhơ đến, để “giữ thơm quê Mẹ”, chắc tôi sẽ chọn Nha Trang. Tôi không được sinh ra ở đó, tình yêu lớn nhất của tôi cũng không nẩy mầm ở đó, nhưng nơi đó tôi đã lớn lên, đã khai mở những suy tư đầu đời và đã bắt đầu biết “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”.
Sau khi học xong bậc trung học, tôi rời Nha Trang ngay và đi, trước tiên là Sài Gòn để tiếp tục việc học, sau đó nhiều nơi khác, để rồi thoảng hoặc trở về thăm Ba Mẹ vài ngày, rồi cũng lại bỏ đi. Cái tơ tưởng đến một Sài Gòn hoa lệ mà tôi chưa từng biết đến, cũng như giấc mộng được là sinh viên lúc đó, đã ám ảnh tôi, khiến tôi rời Nha Trang mà lòng chưa biết ngậm ngùi luyến tiếc. Về sau, nhiều khi nghĩ lại, lòng tôi bồi hồi hối hận, nhất là từ khi đặt chân lên con tàu nho nhỏ, đi vào biển cả tìm tự do. Nha Trang lúc đó đã trở thành một mất mát vĩnh viễn. Tôi nào đâu biết bạn bè trường trại của thời trung học chính là những gì đã khắc ghi trong lòng những đường nét khắc sâu đến khắc khoải. Nha Trang với nhiều người, có thể chỉ là một thành phố vùng duyên hải với nắng gay gắt, với đất cát nóng bỏng và với nước uống lờ lợ. Thế thôi! Với tôi Nha Trang còn nhiều hơn, nhiều lắm! Trường trại, lớp học, sân vận động, thầy cô, bạn bè, kỷ niệm... Những thầy Cung Giũ Nguyên, Trần Phước Hải, Tôn Thất Tuệ, Hoàng Tường... Những bạn Thái Quang Thành, Trần Đình Khoa, Cao Thị Đồng Phước, Võ Văn Hóa... Những bà chị tinh thần Lê Phương, Bích Đào, Hồng Ngọc... và cả những bóng mát của hai hàng keo trước trường Võ Tánh... Tất cả, từ khi nào không biết, đã đi vào da thịt xương máu của tôi. Đi vào một cách tự nhiên và ngọt ngào như những nhánh sông nhỏ chảy vào lòng biển. Biển Nha Trang sâu lắm. Sâu vời vợi như nỗi nhớ nhung ngậm ngùi của tôi về một quê hương đánh mất. Màu nước biển xanh ngắt vào những chiều hè trời trong ngợp nắng. Bầu trời hè trong suốt của biển Nha Trang ít khi in hình những vầng mây che nắng. Buổi trưa, tựa lưng vào thân dừa cong cong ven bờ biển, mắt khép kín lại, tôi chắc bạn sẽ nghe tiếng sóng vỗ như những điệu nhạc êm êm và nghe gió biển thổi vời vợi qua mặt dịu mát, mịn màng như những tà áo dài còn e ấp thoang thoảng bay ngang. Cho những cành dừa e ấp xôn xao. Cho nắng trưa hè bớt đi oi ả. Và cho người nghe dịu ngọt yêu thương. Nhưng biển Nha Trang không phải chỉ có thế. Dọc theo bãi biển phía Bắc còn có Hòn Chồng hơi trơ trọi, thách thức, và vẫn còn đó huyền sử của một bàn tay in sâu trong đá. Bàn tay của Nguyễn Ánh? Huyền sử không là sự thật nhưng cũng là làm lòng ta bâng khuâng. Phải không? Phía trên Hòn Chồng là giòng tu Lasalle kín đáo, nơi đào tạo các sư huynh. Phía bắc nữa là Đồng Đế với quân trường. Nơi đây ai đã trải qua thời gian huấn nhục chắc sẽ không bao giờ quên bài học “đi dây tử thần”. Còn nữa. Ai còn nhớ không tượng lính đứng “thao diễn nghỉ” nơi bãi Nằm? Ai còn nhớ không hai câu thơ của người lính nào đó mà mỗi lần lẩm bẩm đọc lên, tôi nghe buốt xót trong từng thớ thịt làn da:
Sau khi học xong bậc trung học, tôi rời Nha Trang ngay và đi, trước tiên là Sài Gòn để tiếp tục việc học, sau đó nhiều nơi khác, để rồi thoảng hoặc trở về thăm Ba Mẹ vài ngày, rồi cũng lại bỏ đi. Cái tơ tưởng đến một Sài Gòn hoa lệ mà tôi chưa từng biết đến, cũng như giấc mộng được là sinh viên lúc đó, đã ám ảnh tôi, khiến tôi rời Nha Trang mà lòng chưa biết ngậm ngùi luyến tiếc. Về sau, nhiều khi nghĩ lại, lòng tôi bồi hồi hối hận, nhất là từ khi đặt chân lên con tàu nho nhỏ, đi vào biển cả tìm tự do. Nha Trang lúc đó đã trở thành một mất mát vĩnh viễn. Tôi nào đâu biết bạn bè trường trại của thời trung học chính là những gì đã khắc ghi trong lòng những đường nét khắc sâu đến khắc khoải. Nha Trang với nhiều người, có thể chỉ là một thành phố vùng duyên hải với nắng gay gắt, với đất cát nóng bỏng và với nước uống lờ lợ. Thế thôi! Với tôi Nha Trang còn nhiều hơn, nhiều lắm! Trường trại, lớp học, sân vận động, thầy cô, bạn bè, kỷ niệm... Những thầy Cung Giũ Nguyên, Trần Phước Hải, Tôn Thất Tuệ, Hoàng Tường... Những bạn Thái Quang Thành, Trần Đình Khoa, Cao Thị Đồng Phước, Võ Văn Hóa... Những bà chị tinh thần Lê Phương, Bích Đào, Hồng Ngọc... và cả những bóng mát của hai hàng keo trước trường Võ Tánh... Tất cả, từ khi nào không biết, đã đi vào da thịt xương máu của tôi. Đi vào một cách tự nhiên và ngọt ngào như những nhánh sông nhỏ chảy vào lòng biển. Biển Nha Trang sâu lắm. Sâu vời vợi như nỗi nhớ nhung ngậm ngùi của tôi về một quê hương đánh mất. Màu nước biển xanh ngắt vào những chiều hè trời trong ngợp nắng. Bầu trời hè trong suốt của biển Nha Trang ít khi in hình những vầng mây che nắng. Buổi trưa, tựa lưng vào thân dừa cong cong ven bờ biển, mắt khép kín lại, tôi chắc bạn sẽ nghe tiếng sóng vỗ như những điệu nhạc êm êm và nghe gió biển thổi vời vợi qua mặt dịu mát, mịn màng như những tà áo dài còn e ấp thoang thoảng bay ngang. Cho những cành dừa e ấp xôn xao. Cho nắng trưa hè bớt đi oi ả. Và cho người nghe dịu ngọt yêu thương. Nhưng biển Nha Trang không phải chỉ có thế. Dọc theo bãi biển phía Bắc còn có Hòn Chồng hơi trơ trọi, thách thức, và vẫn còn đó huyền sử của một bàn tay in sâu trong đá. Bàn tay của Nguyễn Ánh? Huyền sử không là sự thật nhưng cũng là làm lòng ta bâng khuâng. Phải không? Phía trên Hòn Chồng là giòng tu Lasalle kín đáo, nơi đào tạo các sư huynh. Phía bắc nữa là Đồng Đế với quân trường. Nơi đây ai đã trải qua thời gian huấn nhục chắc sẽ không bao giờ quên bài học “đi dây tử thần”. Còn nữa. Ai còn nhớ không tượng lính đứng “thao diễn nghỉ” nơi bãi Nằm? Ai còn nhớ không hai câu thơ của người lính nào đó mà mỗi lần lẩm bẩm đọc lên, tôi nghe buốt xót trong từng thớ thịt làn da:
Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ.
Em nằm chờ đợi đến thiên thu.
Bãi Nằm vẫn chờ đợi, cô đơn lạnh lẽo nhưng không khuất tất, tuyệt vọng. “Đến thiên thu!” Chờ đợi những người lính anh dũng trở về. Chờ đến thiên thu. Nhưng tượng lính đã không còn nữa. Tượng đã bị giật sập. Ngã xuống, uất ức và tức tưởi như miền Nam thân yêu của chúng ta. Rồi sẽ có ngày... Có phải vậy không? Đi trở lại phía nam dọc theo bờ biển, con đường Duy Tân tươi mát với những luống cỏ xanh xen lẫn những bụi dương cách khoảng được tỉa xén vuông vức chia đường làm hai. Ven đường phía biển, những bụi dương thấp ngang đầu đủ kín đủ mát cho những cặp tình nhân thỏ thẻ. Phía bên kia đường là hàng dừa với những tàu lá đảo chao rì rào trước gió, làm tăng thêm vẻ đài các cho những ngôi biệt thự kín cổng cao tường. Đi xa hơn chút nữa, cũng theo hướng nam, sẽ thấy đường vô phi trường. Rồi căn cứ không quân, trưởng huấn luyện sĩ quan không quân. Tiếp tục đi nữa, sẽ thấy căn cứ huấn luyện hải quân. Vào những cuối tuần, dọc theo bờ biển, những chàng sinh viên sĩ quan hải quân cũng như không quân với sắc phục chỉnh tề, tà tà đi dạo với các cô em nữ sinh áo trắng. Có biết bao chàng học sinh đã đau khổ vì bỗng có một ngày, vâng, bỗng có một ngày, thấy người yêu của mình đi bên cạnh các chàng sinh viên sĩ quan nào đó. Thời chinh chiến mà. Hình ảnh của một quan hai quan ba bao giờ cũng hấp dẫn hơn những thằng học sinh trung học tay trắng phải không? Cuối đường về phía nam là Cầu Đá. Nơi đây có Hải Học Viện với hàng ngàn loại cá biển đủ màu sắc. Tôi chợt nhớ đến thầy Phan Văn Tần, dạy tôi sử địa, có lúc làm việc ở Hải Học Viện này. Hình như thầy tốt nghiệp ở Sorbonne thì phải. Ngoài khơi Cầu Đá không xa lắm là Bãi Miếu. Nhỏ nhắn và rất đẹp. Chói chang nhưng kín đáo. Chói chang với một vòng bãi cát trắng phau bao bọc bãi. Kín đáo với lúm rừng xanh ngát ở giữa bãi. Ra chơi bãi Miếu một ngày thôi cũng đủ nghe quên đi những nhọc nhằn hệ lụy trong kia. Người ta sẽ thấy thực sự hòa mình với thiên nhiên, sẽ đón nhận những tia nắng rực rỡ ấm áp cũng như những làn gió mát ngất ngây tinh khiết. Sẽ không còn thấy tranh giành. Sẽ không còn nghe những phiền toái. Mà thôi. Biết đến bao giờ về thăm biển!Nha Trang không chỉ có biển. Nha Trang còn có những rặng núi đồi nho nhỏ, nên thơ và dễ thương lạ. Trên đỉnh núi hay bên triền đồi rải rác những đền, chùa cổ kính thanh tịnh. Tôi vẫn thường theo bạn bè lên núi Hải Đức và chùa Hải Đức để xem phong cảnh và để dỗ lòng thanh thản. Vào những ngày rằm, khách thập phương lên lễ chùa đông lắm. Nhưng muốn vui thì phải vào đêm rằm tháng tư. Già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo... lũ lượt dắt nhau, chen lấn nhau, gọi tìm nhau... cùng nhau lên núi viếng chùa. Trăng soi con đường đất chạy quanh trên núi rõ nồm nộp. Nhìn xuống sườn núi phía dưới, vạn vật im lìm say ngủ. Tiếng chuông chùa ngân nga theo tiếng lắng đọng của lòng người. Không gian bao la hơn. Thời gian dịu vợi hơn. Lòng người sâu thẳm hơn. Những khi ấy, cõi lòng tôi bỗng nổi dậy cái khao khát được sống cảnh hạc nội mây ngàn, xa thật xa nơi một bến bờ u tịch nào đó. Để quên đi cái nhọc nhằn của kiếp con người. Nhưng quên thế nào được! Trí nhớ nhiều khi chính là nỗi dằn vặt cuối cùng của con người! Cũng chính là nơi chùa Hải Đức này, Phạm Công Thiện đã có lần lưu lại để nghiên cứu về thiền hay triết học. Nghe nói như vậy. Lúc đó tôi có lõm bõm đọc Phạm Công Thiện. Thú thực lúc đó trong lứa tuổi trung học, tôi không hiểu gì nhiều về tư tưởng của họ Phạm. Chỉ thấy lạ và lập dị. Lúc các cậu học sinh bắt đầu thấy mình lớn theo các bài triết học, chỉ một yếu tố “lạ” cũng đủ “ăn tiền” rồi! Vả lại yếu tố thời thượng cũng là một hấp lực đối với lứa tuổi của tôi lúc ấy.
Qua khỏi chùa Hải Đức, đi theo tỉnh lộ chính, sẽ đến quận lỵ Vĩnh Xương trước khi đến Phủ và quận lỵ Diên Khánh cũng được gọi là “Thành”. Hồi trước có cái thành lính Tây ở đây. Thành cách tỉnh ly Nha Trang chừng hơn mười cây số. Trước khi đến Thành, phải qua một cây cầu gọi là Cầu Thành dài khoảng 200 thước. Dưới cầu, vào những tháng hè, nước cạn, có chỗ thấy cát. Chính nơi đây giặc Pháp đã xử tử nhà cách mạng Trần Quí Cáp. Lúc ở Nha Trang, vào những ngày cuối tuần, tôi thường đi xe đạp lên thăm chị Hai của tôi có chồng tại Phủ. Không lần nào là tôi không đạp ráng đến Thành, đi ngang cây cầu, nhìn xuống lòng sông. Không biết để làm gì. Tôi chỉ nghe sờ sợ và buồn buồn nhớ đến câu chuyện do Nội kể lại về Trần Quí Cáp. Những nhà cách mạng, những người yêu nước dâng hiến cả đời họ cho dân tộc để rồi sau đó ngậm ngùi ra đi trước khi được nhìn thấy đất nước và dân tộc mình độc lập tự do. Có nhà cách mạng chân chính nào của xứ sở chúng ta đã được hưởng cái hạnh phúc to lớn đó chưa? Và lối bày tỏ lòng biết ơn duy nhất của các thế hệ sau dành cho họ sau khi họ đã hy sinh có lẽ chỉ là việc dùng tên tuổi của họ để gọi một con đường hay một trường học. Thế thôi. Chỉ có thế thôi. Vậy mà theo những thăng trầm của lịch sử, tên những con đường cũng có ngày thay đổi hay xóa bỏ! Chao ôi là ngậm ngùi!Nói đến ngậm ngùi, làm sao quên được Tháp Bà trên một ngọn núi thấp nằm bên hông Cầu Bóng. Tháp Bà trong ngậm ngùi buồn tẻ lắm. Như những xóm cồn lẻ loi ở ngay phía dưới nơi dòng sông lủi thủi đi vào lòng biển. Vào những ngày Tết, bá tánh thường lên Tháp Bà để cúng, xin xăm, bàn xăm. Ai xin được quẻ xăm thượng thượng thì mừng lắm. Hạ hạ dĩ nhiên là không vui. Còn trung bình thì tạm an ủi. Người lớn như vậy, trẻ con thì biết gì đâu. Tôi chạy nhảy rong chơi xung quanh tháp hay lấp ló nơi cửa tháp len lén tò mò nhìn tượng Bà. Tượng Bà luôn luôn có ánh sáng chiếu lên ở bất cứ thời điểm nào của ngày theo các lỗ nhỏ xuyên qua tháp. Tháp là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho kỹ thuật xây cất đặc biệt của người Chiêm Thành. Một khối khổng lồ như vậy mà không cần phải có ci-men kể cũng lạ. Nghe nói tháp được xây đắp khởi đầu từ một loại khoáng chất dưới thể bột hay được nghiền thành bột, trộn với nước, mật ong, vôi và đường... Đắp tới đâu người Chiêm Thành xưa chạm khắc đến đó, rồi chất củi xung quanh để nung lên toàn khối. Đây chỉ là một lối giải thích trong nhiều lối giải thích khác mà thôi. Dù sao thì cũng là dấu tích của một nền văn minh đã chìm hẳn vào quá khứ. Một quá khứ nghẹn ngào, im lìm, không trỗi dậy được khỏi lớp bụi thời gian. Có ai viếng thăm Tháp Bà mà không nghe ngậm ngùi luyến tiếc? Có thể không biết luyến tiếc cái gì, nhưng lòng vẫn nghe như vậy biết sao! Nha Trang còn nhiều thắng cảnh khác để nhớ để thương. Gần thì có chợ Đầm, Mã Vòng, Phước Hải, Xóm Bóng... Xa thì có Hòn Yến, Ba Ngòi, Đèo Rù Rì... Nhiều lắm. Còn nhiều lắm. Nhưng cảnh mà không có tình lồng vào cũng chỉ là cảnh trơ trọi, buồn tẻ. Và tình mà không có cảnh để bám mầm bám rễ thì tình cũng bơ vơ. Lòng tôi với cảnh vật Nha Trang đã hòa đồng quấn quít. Những chùm kỷ niệm, mơ mộng, nô đùa, hờn giận... của tuổi học trò sẽ chẳng là gì nếu như những thứ đó không chạy vào ký ức và trú ẩn ở đó. Nếu như sự hiểu biết là nền tảng của trí tuệ thì nỗi nhớ niềm thương chính là gia tài của tình cảm con người. Nhớ về một kỷ niệm không hẳn để tiếc nuối mà nhiều khi là để cho cái hiện tại đỡ đi chút ngậm ngùi. Tôi biết sẽ không bao giờ sống lại được những giờ trưa nghỉ học, cùng lũ bạn phá phách đứng góc đường Bá Đa Lộc đế ngắm các “em” trường Nữ hay trường College. Các em trường Nữ mặc áo dài trắng, e ấp, thẹn thùng. Hàn Mạc Tử có câu thơ “áo em trắng quá nhìn không ra”, chẳng lẽ đã đứng ở đây? Các em trường College mặc áo đầm đủ mầu sắc, tự nhiên hơn, kiểu cách hơn và dạn dĩ hơn. Rồi những buổi tựu trường với bàn tán xôn xao về thầy cô, lớp học, bạn bè, hay những ngày thi cử với lo âu, hy vọng, vui buồn... Những buổi trưa hè oi ả đi lang thang dưới hàng keo già ven đường Lê Thánh Tôn ngang Quân Y Viện lòng rộn ràng theo tiếng ve sầu kêu inh ỏi, hay leo lên gốc cây đa chằng chịt rễ ở Nhà Thờ Đá ngay ngã sáu để thả hồn tận đâu đâu. Những buổi học thêm Pháp văn chiều chủ nhật với thầy Võ Dự hay những tối học thêm với Thầy Hoàng Tường gần đường Phước Hải. Những kỷ niệm phá phách, chọc ghẹo, hồn nhiên. Tiếp đến những cuộc xuống đường chống chánh phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo vào hai năm 62, 63. Những lần bãi khóa. Những bữa ăn chay vội vàng trong chùa Bồ Đề. Những biểu ngữ, những khẩu hiệu... Tất cả những thứ đó như vẫn chất chứa chằn chịt quyến luyến trong tôi. Và vui hơn nữa là những họp mặt trong các “thi văn đoàn” mà đoàn viên thuộc các lớp tuổi đệ lục, đệ ngũ hay cùng lắm là đệ tứ... Tôi còn nhớ có người bạn chép tay mấy chục bài thơ tình của Nhất Tuấn (chuyện chúng mình) để tặng người yêu. Người con gái Huế với mái tóc thề và giọng nói vuốt ve nhẹ nhàng chắc cũng đã say mơ. Người con gái ấy một ngày theo gia đình dọn đi Lâm Đồng, đã mang theo tập thơ chép tay đó như một tư trang. Bây giờ nàng không còn nữa. Biết đâu núi rừng cao nguyên không vì thế mà buồn thêm. Nha Trang còn những ngày gió bão, mưa dầm dề, nước lũ từ những ngọn núi đổ quang làm ngập ruộng ngập bờ đến tận Mã Vòng. Người lớn lo lắng nhưng đám con nít thì nô đùa thỏa thích. Có đứa đã cỡi xe đạp chạy ào ào trên những con đường ngập nước, cố tình làm nước tung tóe lên những vạt áo dài trắng trên những lề đường. Anh thương vạt áo trắng phau, một chiêu nước đục ố màu áo em! Và cuối cùng Nha Trang với tôi còn là những ngày từ Sài Gòn về lại để rồi nhớ quay quắt Sài Gòn, nhớ con đường Gia Long, nhớ hai hàng me đường Nguyễn Du... bởi vì những khung cảnh đó đã được một mái tóc thề cho thêm quyến rũ. Và còn nhiều nữa, làm sao viết hết! Bây giờ tôi không còn được trở về Nha Trang mà Nha Trang trở về với tôi trong ký ức. Ký ức nhiệm màu e ấp. Ký ức không màu sắc nhưng sao vẫn đậm đà. Đậm như màu xanh thẳm của biển vào một ngày nắng rất trong, ở đó, ký ức là những vầng mây bên kia mặt biển. Rồi sẽ hiện về có lẽ vào đêm. Âm thầm. Dịu vợi.
Nguyễn Bá Dĩnh
No comments:
Post a Comment