Friday, April 29, 2016

'Tháng Tư đen' và thủy triều đỏ by Nguyễn Hùng


Image copyrightExpress Newspapers Hulton Archive Getty Images
Image captionMỗi tháng Tư là dịp gợi nhớ những ký ức 'đỏ' hay 'đen'
Lại một dịp tháng Tư nữa đã đến và chuẩn bị qua đi.
'Tháng Tư đen' thường được ghi nhớ với cờ vàng ba sọc đỏ ở nhiều nơi tại hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, và ngày 30/4 được kỷ niệm với cờ đỏ sao vàng ở trong nước Việt Nam.

Tháng Tư gợi lại cho hàng triệu người cảnh hoảng loạn tại miền Nam, nhiều gia đình ly tán, dòng người đổ ra biển trong những tháng, năm sau đó lên tới cả triệu. Hàng trăm ngàn người làm mồi cho cá.
Có người hôm trước còn làm tư lệnh hải quân, ít lâu sau tới Hoa Kỳ chỉ còn là người dọn vệ sinh.
Có gia đình, như Đại úy gốc Việt James Văn Thạch nói với tôi dịp 30/4 năm ngoái, có tới hơn 80 người lần lượt tới Hoa Kỳ.
Có những người như Tướng Lê Minh Đảo, người quyết định không ra đi và cũng không để gia đình rời đi, chịu 17 năm giam cầm trong các trại cải tạo khác nhau.
Ở Việt Nam hiện nay người ta chỉ cho phép tồn tại ký ức đỏ với "chiến thắng oanh liệt" và "non sông về một mối". Không hề có cái gọi là 'tháng Tư đen'.
"Cuộc chiến nào cũng diễn ra hai lần, lần đầu trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức," cây viết Phạm Vũ Lửa Hạ dẫn lời ông Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn 'Cảm tình viên', nguyên tác tiếng Anh 'The Sympathizer' vừa đoạt giải Pulitzer danh tiếng.
Ông Lửa Hạ cũng dẫn Milan Kundera: "Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu tranh của ký ức chống lại sự quên lãng."

Thủy triều đỏ

Ở thời hiện tại, cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực có thể hiểu là cuộc đương đầu của những người muốn bóc trần sự thật và các quan chức muốn đưa ra một nửa sự thật hoặc thậm chí những lời nói dối trần như nhộng.
Tháng Tư năm nay một thứ trưởng Việt Nam nói "thủy triều đỏ" có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế.
Ngay lập tức các nhà khoa học và các nhà bình luận đã chỉ ra rằng đây là điều không thể xảy ra vì cái gọi là "thủy triều đỏ" có thể thấy bằng mắt thường và gần như không thể khiến các loại cá sống ở tầng đáy biển chết hàng loạt như trong hơn ba tuần qua.

Image copyrightSTR AFP GETTY IMAGES
Image captionCá chết ở bốn tỉnh xảy ra trong hơn ba tuần qua nhưng chưa có nguyên nhân

Lý do còn lại hiện nay là cá bị nhiễm độc do các hoạt động của con người nhưng chưa có kết luận cụ thể nào về vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống của ngư dân đã khiến cả trăm ngàn người ký thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp.
Và cũng có thư ngỏ kêu gọi người dân xuống đường ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào Chủ Nhật này để bảo vệ môi trường tự nhiên.
41 năm sau khi có độc lập tự do, người dân vẫn không có quyền xuống đường bày tỏ chính kiến theo tinh thần của Hiến pháp.
Họ cũng không thể lập hội để bảo vệ mình và bảo vệ những người sống ở dưới đáy của xã hội.
Trong cuốn 'Cảm tình viên', nhà văn Nguyễn Thanh Việt dẫn lời Karl Marx nói rằng những người bị áp bức và không thể tự đại diện cho bản thân phải có những người đại diện cho họ.


"Không sở hữu tư liệu sản xuất có thể dẫn đến chết yểu, nhưng không sở hữu cách thức đại diện cũng là một dạng tử thần," ông Việt viết.
Nhiều người giàu sụ ở Việt Nam ngày nay được gọi là "tư bản đỏ" và họ có tiền, có quan hệ và có kiến thức để tiếp tục làm giàu.
Nhưng những người thấp cổ bé họng, vốn chiếm phần đông dân số, lại không có cả ba điều này.
Người dân đã được sở hữu tư liệu sản xuất trong hơn 30 năm qua nhưng họ vẫn không có quyền được đại diện đúng mức qua các tổ chức dân sự và phi chính phủ, các luật sư và các nhà làm luật tại Quốc hội.
Việt Nam vẫn luôn nói muốn trở thành nước công nghiệp giàu có nhưng nếu không có cơ chế để người dân yên ổn làm giàu hợp pháp thì lấy đâu ra nước mạnh?
Nguyễn Hùng

No comments:

Tin Nhanh

Nga đưa nhiều tàu chiến và không quân bay lượn gần đó và Đan Mạch bất lực. Sự thật Greenland còn sống sót đến ngày hôm nay còn NATO và Mỹ ở ...