Wednesday, April 20, 2016

Dương Vận Hạm LST Vũng Tàu HQ503


blank

Mỗi năm đến ngày 18.04 thì lòng tôi cảm thấy buồn và hồi tưởng lại trận chiến tại vịnh Cà Ná, Mũi Dinh ở Phan Rang chiều ngày 18.04.1975. Trận chiến đã gây tử thương cho 4 sĩ quan Hải quân và 2 nhân viên Giám lộ cùng 18 nhân viên khác thuộc thuỷ thủ đoàn HQ503 bị thương. Trong số đó có Hạm trưởng HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc cũng bị mảnh đạn găm vào đầu và phải chịu sự đau nhức cho đến ngày lìa đời năm 2005 tại Hoa Kỳ.
Nói về chiến hạm HQ503 cũng có những chuyện vui buồn riêng theo định mệnh của chiến hạm mà tôi đã phục vụ lâu nhất của đời binh nghiệp.

Lai lịch của chiến hạm:
Chiến hạm HQ503 nguyên là Dương Vận Hạm của Hải quân Mỹ, là một loại chở quân trang quân dụng, quân cụ, xe tăng, đại bác và binh lính dùng để đổ bộ trong những cuộc hành quân ven biển….

Chiến hạm hạ thuỷ vào ngày 14.03.1944 và chính thức được đặt tên là  USS LST 603 (Landing Ship Tank) tại New Oreon, LA ngày 05.04. 1944. Trong thời đệ nhị thế chiến, chiến hạm LST 603 tham gia hoạt động tại Âu Châu, Phi Châu và Trung Đông. Kể từ ngày 12.05.1955 chiến hạm vào nằm ụ tạm ngưng hoạt động cho đến ngày 08.06.1966 mới được tân trang và tái hoạt động. Từ 14.09.1966 đến 20.03.1969 chiến hạm đã liên tục tham gia những cuộc hành quân và công tác tại bờ biển miền Nam Việt Nam.

blank

Chiến hạm có chiều dài khoảng 100 m, chiều ngang 15,24 m. Trên chiến hạm được trang bị 2 khẩu đại bác 40 ly đôi ở trước và sau chiến hạm. Có 4 khẩu 40 ly đơn. Tuỳ theo nhu cầu của mỗi chiến hạm LST, 12 khẩu đại bác 20 ly hoặc ít hơn được trang bị trên chiến hạm.

Ngày 04.04.1969 chiến hạm được bàn giao cho Hải quân VNCH và mang tên Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ503.

blank

Năm 1970 chiến hạm đã tham gia công tác di tản Việt Kiều từ Cam Bốt hồi hương.
Công tác 4 tháng đầu năm 1975 và trận chiến tại vịnh Cà Ná, mũi Dinh ngày 18.04.1975:
Kể từ đầu năm 1975 chiến hạm phải đảm trách rất nhiều công tác để chuyên chở quân cụ, di tản quân dân cán chính v.v. từ miền Trung vào miền Nam.

blank

Sau khi Phan Rang thất thủ vào ngày 16.04.1975, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi với biệt danh là Vương Hồng đã liên lạc với chiến hạm HQ503 lúc đó là OTC (vì Hạm trưởng HQ503 có cấp bậc cao nhất, HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc nên đảm nhiệm Chỉ huy trưởng chiến thuật). Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cho biết đang lẩn trú trên núi nằm ở giữa mũi Dinh và vịnh Cà Ná. Chiến hạm HQ503 và các chiến hạm hiện diện trong vùng có nhiệm vụ dùng hải pháo ngăn chận địch quân tràn vào Phan Thiết cũng như phải cứu vớt quân cán chính từ bờ đang tìm cách di chuyển ra biển để lên các chiến hạm. Lúc bấy giờ chiến hạm HQ503 đã cứu vớt được hơn khoảng 350 quân dân cán chính. Nhưng rất tiếc việc tiếp cứu Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi không thành công. Ra hải ngoại tôi mới được biết tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã bị cộng quân bắt trước khi chiến hạm HQ503 bị bắn. Lúc đó chiến hạm nghĩ rằng tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang còn trên núi ở giữa mũi Dinh và vịnh Cà Ná.  

Vào chiều ngày 18.04.1975, khi chiến hạm đang vào gần bờ để tiếp tục cứu vớt quân cán chính chạy tỵ nạn cộng sản từ bờ đổ xô ra biển ở giữa mũi Dinh và vịnh Cà Ná thì bị cộng quân dùng đại bác 105 và 155 ly của quân lực VNCH ở những căn cứ tại Phan Rang sau khi bị thất thủ, chúng đem ra eo biển Cà Ná và bắn trúng HQ503 . Mặc dù chiến hạmHQ503 bị trúng pháo trên 10 quả như ở trên đài chỉ huy, 2 bên hông tàu và phía sau chiến hạm nhưng chiến hạm không bị chìm. Nhờ có sự phản pháo đại bác 76,2 ly và 127 ly từ các chiến hạm bạn đang hiện diện trong vùng chiến như HQ3, HQ17, HQ11, HQ231…(lúc nầy OTC là Hạm trưởng HQ17) cùng với những nỗ lực của thuỷ thủ đoàn HQ503 đã sửa chữa kịp thời hệ thống lái tay thay thế cho hệ thống tay lái điện đã bị địch pháo hư hại, chiến hạm HQ503 từ từ tiến ra khỏi vùng chiến. Về phía cộng quân không biết thiệt hại như thế nào mà chúng đã ngưng pháo theo HQ503 đang tiến dần ra khơi.

Sau khi chiến hạm rời khỏi vùng chiến, với sự trợ giúp của chiến hạm HQ11, chiến hạm HQ503 đã di chuyển về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Sài Gòn để được sửa chữa cấp tốc. Về tới Sài Gòn, chiến hạm đã mua sắm 3 tháng ẩm thực để chuẩn bị đi công tác dài hạn. Rất tiếc chiến hạm chưa được sửa chữa xong thì lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn ban ra lúc 10:00 giờ ngày 30.04.1975 làm cho hầu hết thuỷ thủ đoàn HQ503 bị kẹt trở lại. Vào tháng năm 1975 tất cả Sĩ quan của chiến hạm phải trình diện và bị đưa vào "tù cải tạo". Còn nhân viên cơ hữu thì mỗi người một phương.
Ra hải ngoại mới biết, vào chiều tối ngày 29.4.1975  Hạm trưởng Nguyễn Văn Lộc đang dưỡng bịnh tại nhà thì được thân hữu thông báo nên Hạm trưởng Nguyễn Văn Lộc đã cùng gia đình rời nhà để xuống chiến hạm khác cùng di tản ra Côn Sơn trong đêm 29.4.1975.

Sau 30.4.1975 CSVN tiếp tục sửa chữa chiến hạm HQ503 và sử dụng. Được biết chiến hạm HQ503 đã bị Hải quân Trung cộng bắn chìm ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988?

Các Hạm trưởng của chiến hạm LST HQ503:
Hạm trưởng đầu tiên nhận lảnh chiến hạm LST HQ503 là cố HQ Trung tá Trần Văn Chỉ (K6 SQHQNT). Sau đó là cựu HQ Trung tá Đặng Trần Du (K4 SQHQNT), rồi đến HQ Trung tá Trần Đình Trụ (K8 SQHQNT), HQ Trung tá Nguyễn Thái Lai (K8 SQHQNT), HQ Trung tá Trần Trọng Hải (K11 SQHQNT), HQ Trung tá Dương Bá Thế (K10 SQHQNT) và cuối cùng là cố HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc (K11 SQHQNT) làm hạm trưởng.

Những câu chuyện liên quan HQ503:
Vào khoảng giữa năm 1973, HQ503 đã chở sinh viên Dược Khoa từ Sài Gòn ra Nha Trang để viếng thăm Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, đặc biệt thăm viếng Trường Sĩ Quan Hải Quân khoá 24 và khoá 25 đang thụ huấn. Trong những ngày thăm viếng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, Liên Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân năm đó gồm có khoá 24 và khoá 25 đã tổ chức đêm văn nghệ dạ vũ để đón mừng khách quý nhất là những nữ sinh yêu kiều từ Đại học Dược Khoa ra thăm viếng.

Sau khi tốt nghiệp khoá 24 SQHQNT ngày 01.09.1973 tôi đã chọn HQ503 làm đơn vị phục vụ vì tôi yêu thích biển cả, thích đi thăm các quân cảng và những thành phố xinh đẹp thân yêu của miền Nam ở các vùng duyên hải. Mới xuống chiến hạm tôi được Hạm phó giao trách nhiệm làm Trưởng Ban Văn Thư cùng với HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp (Khoá 1 OCS) làm Trưởng Ban Nội Vụ. Thời gian đầu tiên tôi đi ca (quart), nhiệm sở hải hành chung với HQ Trung uý Điệp. Mấy tháng sau, HQ Trung uý Nguyễn Huệ, Trưởng ban Giám Lộ kiêm Thám Xuất rời đơn vị, tôi được nhận nhiệm sở Trưởng Ban Giám Lộ Kiêm Thám Xuất nên không cùng đi chung phiên với HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp. Nếu không, tôi cũng không biết số phận của tôi ra sao trong trận chiến ngày 18.04.1975 vì phiên hải hành của HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp gồm có 3 sĩ quan và 2 nhân viên Giám lộ kiêm Thám xuất tất cả đều bị tử thương trên đài chỉ huy của chiến hạm.   

Mặc dù chiến hạm HQ503 được Hải quân VNCH sử dụng không lâu năm nhưng có nhiều câu chuyện tình khá lãng mạn, đáng nhớ. Những nhân viên nào thuộc thuỷ thủ đoàn của chiến hạm mà đưa người yêu, dù quen lâu hay mới quen xuống thăm chiến hạm khi về bến thì trước sau gì cũng đều trở thành những nàng dâu của chiến hạm.

Tôi xuống chiến hạm phục vụ chưa đầy 2 năm nhưng chứng kiến 4 cặp tình nhân là những sĩ quan Hải quân trên chiến hạm đã dắt dìu người tình lên thăm viếng và đã gắn bó với nhau thành duyên chồng vợ.
Điển hình như HQ Trung uý Huỳnh Văn Tiếp đưa người yêu xuống thăm viếng chiến hạm thì sau thời gian ngắn đã tổ chức đám cưới với sự tham dự của tất cả sĩ quan của chiến hạm HQ503. Nghe nói sau 30.4.1975 Trung uý Tiếp bị đi „tù cải tạo“ mấy năm. Sau khi được trả tự do vợ chồng Trung uý Tiếp đi vượt biên và mất tích.
HQ Trung uý Nguyễn Huệ cũng đưa người yêu là chị Ánh xuống chiến hạm rồi cũng kết duyên chồng vợ. Đầu năm 1975 HQ Trung uý Huệ được qua Mỹ, thành phố Monterey, California du học MS (153 tuần lễ) theo chương trình đào tạo bậc cao học cho những sĩ quan HQ nào có văn bằng cử nhân. Trung uý Huệ tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, rồi chuyển sang quân chủng Hải quân VNCH. Văn bằng được xem tương đương Cử nhân khoa học thực nghiệm. HQ Trung úy Huệ mới nhập học vào ngày 22.03.1975 tại Học viên Hải quân ở Monterey thì ngày 30.04.1975 là ngày cuối cùng Trung uý Huệ phải rời học viện vì chế độ VNCH sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1983 chị Ánh mới được bảo lãnh từ VN sang Mỹ để đoàn tụ.   
HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp cũng đưa người yêu xuống thăm chiến hạm và sau đó nên duyên chồng vợ. Rất đau buồn, sau khi đám cưới không lâu HQ Trung uý Điệp hy sinh vì Tổ quốc.
Riêng cá nhân tôi cũng vậy. Đầu năm 1974 đưa người yêu xuống chiến hạm thăm viếng. Sau đó người yêu quyến luyến con tàu và biển cả mênh mông. Đám cưới của chúng tôi đã được tổ chức vào đầu năm 1975 tại Sài gòn với sự tham dự của nhiều bạn bè trên chiến hạm. Nếu không có ngày 30.4.1975, hy vọng tôi cũng sẽ có dịp sang Monterey để theo học bậc cao học do học viện Hải quân Mỹ tại Monterey tổ chức.
Đặc biệt trên chiến hạm HQ503 có HQ Trung uý Nguyễn Thái Hùng là trưởng ban nhạc ngoài đời và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trên chiến hạm nên những tiệc đám cưới của chúng tôi đều do bạn Hùng điều khiển phần văn nghệ dạ vũ thật tuyệt vời. Rất cảm ơn bạn Nguyễn thái Hùng. Hiện giờ bạn Hùng định cư tại Hoa Kỳ sau chuyến vượt biển thành công vào thập niên 80.

Ngày nay, mỗi nhân viên thuỷ thủ đoàn thuộc HQ503 đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Mỗi người đều có hoàn cảnh và cuộc sống riêng tư. Tuy vậy, 41 năm trôi qua, mỗi năm đến ngày 18 tháng Tư, có lẽ mỗi người trong chúng tôi mãi không quên dành những  giây phút tưởng niệm đến các sĩ quan và nhân viên của thuỷ thủ đoàn HQ503 đã Vị Quốc Vong Thân và luôn cầu mong cho những chiến sĩ còn lại trên cõi đời nầy luôn bình an.

KS Nguyễn Văn Phảy
Cựu Trưởng ban Giám lộ kiêm Thám xuất HQ503
Germany 2016

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...