Tuesday, December 31, 2019

Biển Đông: Các nước nhỏ có thể buộc Bắc Kinh phải dè chừng - Trọng Thành

Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via REUTERS


Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà, với ''ưu thế quân sự áp đảo'' tại khu vực và sức mạnh kinh tế đang lên. Các quốc gia láng giềng, bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, đang rơi vào thế bất lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, các nước nhỏ vẫn có phương tiện buộc Bắc Kinh phải dè chừng. Trên đây là nhận định của một cựu chỉ huy Hải Quân Nhật Bản, phó đô đốc Yoji Koda.
Trong bài ''Japan’s Options in the South China Sea'' đăng tải trên mạng The Diplomat, ngày 09/12/2019, hai tuần trước chuyến công du của thủ tướng Nhật đến Trung Quốc, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định cho dù Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về quân sự tại Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực, vẫn có nhiều dư địa để hóa giải thách thức Trung Quốc tại vùng biển này.

Một điểm then chốt mà bài viết lưu ý là các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa quy mô đang trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với tất cả các lực lượng khác tại Biển Đông. Đặc biệt kể từ năm 2015, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các sân bay lớn trên đảo Phú Lâm (Woody island) ở quần đảo Hoàng Sa, và ba đảo nhân tạo khác ở quần đảo Trường Sa. Quân đội Trung Quốc đã triển khai các phi cơ tiêm kích J-11 và oanh tạc cơ H-6K tại đảo Phú Lâm, và các phương tiện này cũng có thể sớm được triển khai tại ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Subi (SubiReef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef).

Trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình quân sự kiên cố, và triển khai nhiều phương tiện và vũ khí hiện đại như radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, pháo, các phương tiện chiến tranh điện tử. Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự tại Biển Đông đúng vào khoảng thời gian đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này bị một tòa án quốc tế bác bỏ (năm 2016, với vụ kiện của Philippines).

Tuy nhiên, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định các hòn đảo được quân sự hóa nói trên hoàn toàn không phải là những pháo đài bất khả xâm phạm. Tại khu vực Biển Đông, Quân Đội Trung Quốc cũng hoàn toàn không phải một ''siêu nhân'' (superman), vì nhiều lý do. Tác giả đặc biệt lưu ý đến chiến lược ''vô hiệu hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc'' là biện pháp cần được ưu tiên.

Ông Yoji Koda nêu ''bài học đau đớn'' của nước Nhật đế quốc trong thời gian Thế Chiến Hai. Mọi căn cứ trên các hòn đảo xa hậu phương tại khu vực Thái Bình Dương của Nhật đều không thể trụ lại trước các cuộc tấn công của Hải Quân và lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật ví các hòn đảo xa hậu phương mà Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông chỉ như ''những khúc củi khô'', khi chiến sự nổ ra.

Trong hiện tại, ở Biển Đông, Quân Đội Mỹ vẫn có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn các thách thức của Quân Đội Trung Quốc, tuy nhiên, các nước láng giềng ven bờ bị Trung Quốc chèn ép, đặc biệt là Việt Nam và Phiippines, có thể buộc Bắc Kinh phải trả giá rất lớn trong việc tìm cách đối phó với các đe dọa, hoặc nhắm trực tiếp vào các hòn đảo xa xôi ở quần đảo Trường Sa, hoặc nhắm vào nguồn cung cấp hậu cầu cho các đảo nhân tạo này.

Lợi thế của Việt Nam là bờ biển nằm sát đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Lợi thế của đảo lớn Palawan của Philippines là nằm sát quần đảo Trường Sa. Chỉ cần Việt Nam và Philippines bố trí các tên lửa trên đất liền đúng vị trí, với tầm bắn đủ để trúng vào các đảo nhân tạo, thì cục diện của cuộc chơi đã thay đổi. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ chẳng khác nào ''một đàn ếch tuyệt vọng trước một con rắn lớn'', theo ví von của tác giả bài viết.

Riêng đối với Việt Nam, còn có một chiến lược khác, để buộc Trung Quốc phải lo sợ. Đó là sử dụng sáu tầu ngầm lớp Kilo để cô lập đảo Phú Lâm, được coi là thủ phủ của Trung Quốc tại Biển Đông (hòn đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền). Trong trường hợp này, khả năng tiếp tế của Trung Quốc cho các đảo Trường Sa sẽ trở nên hết sức khó khăn. Các biện pháp được miêu tả nói trên có thể là tương đối không đáng kể, thế nhưng chúng sẽ buộc Quân Đội Trung Quốc phải tăng cường nỗ lực và cái giá phải trả sẽ vượt quá các nguồn lực hiện có.

Tác giả cũng cảnh báo là cần phải hết sức chú ý các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng tình hình quốc tế đang sôi sục với nhiều điểm nóng, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Bắc Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân hay phong trào phản kháng Hồng Kông, để âm thầm thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này.

Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khép lại bài viết với nhận định là Hoa Kỳ và Nhật Bản đương nhiên sẽ phải có các biện pháp kiên quyết với Trung Quốc, thế nhưng cục diện ở Biển Đông cũng đồng thời phụ thuộc nhiều vào các quốc gia trong vùng. Với chiến lược kể trên liên quan đến các đảo nhân tạo Trung Quốc kiểm soát, các nước nhỏ có thể trở thành một sức mạnh đáng sợ buộc một đại cường phải dè chừng.

No comments: