Saturday, December 14, 2019

Vai trò chữ Quốc Ngữ và nguy cơ bắc thuộc lần thứ 5

Vũ khí nào để chúng ta bảo tồn nòi giống khi bị lệ thuộc giặc Tầu lần thứ 5 là nỗi lo ngại của những người quan tâm tới tình hình đất nước. Nỗi lo ngại này ngày càng tăng dưới sự cai trị của đảng cộng sản.
Trong hơn 2000 năm lập quốc cuối cùng của Việt Nam, giặc Tầu luôn luôn có dã tâm xâm chiếm nước ta, và chúng đã thực hiện được 4 cuộc chiếm đóng cùng với nhiều chiến dịch quân sự tấn công khác kéo dài cho tới hiện nay (2019).

Là dân Việt Nam, ai cũng biết 1000 năm Bắc Thuộc, và không ít người biết câu hát của Trịnh Công Sơn “Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu…” Thực ra bốn lần bắc thuộc không liên tục mà chính xác là 970 năm trải dài trong 1538 năm, khởi đầu từ năm 111 trước tây lịch cho tới năm 1427 khi Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan quân Minh.

Trong bốn lần bị nô lệ giặc Tầu đó, dân Việt Nam đã nhiều lần anh dũng nổi lên dành lại nền độc lập.

1-
150 năm Bắc thuộc lần I : Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng vào năm 40 sau tây lịch chấm dứt gần 150 năm Bắc Thuộc lần thứ I, lệ thuộc nhà Hán.

2-
500 năm Bắc thuộc lần II : Nhưng chỉ 3 năm sau, năm 43 sau Tây Lịch, nhà Đông Hán sai Mã Viện mang quân đánh bại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, khởi đầu giai đoạn Bắc Thuộc lần thứ 2 kéo dài 500 năm. Lần nô lệ này chấm dứt vào năm 542 với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, tức Lý Nam Đế, tái lập nền tự chủ với nhà Tiền Lý.

3-
300 năm Bắc thuộc lần III : Nhưng nền tự chủ lần này chỉ kéo dài được 61 năm. Năm 603, giặc Tầu bấy giờ là nhà Tùy lại mang quân sang xâm chiếm nước ta, bắt được vua của ta lúc bấy giờ là Lý Phật Tử mang về Tầu. Nước ta lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 kéo dài thêm 300 năm nữa. Cho tới năm 934, khi Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng, đã đánh đuổi được quân Nam Hán ra khỏi đất nước, chấm dứt Bắc thuộc lần thứ 3.

4-
20 năm Bắc thuộc lần IV: Nhưng năm 1407, dưới thời cai trị của Hồ Quí Ly rồi sau đó là Hồ Hán Thương, nhà Minh mang quân sang xâm lăng nước ta bắt được Thượng Hoàng Hồ Quí Ly và vua Hồ Hán Thương cùng toàn thể gia quyến giải về Tầu, khởi đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư, kéo dài 20 năm cho tới ngày 22 tháng 12 năm 1427 khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh.

Mặc dù vậy, cho tới ngày nay, giặc Tầu vẫn luôn mang ý đồ xâm lăng nước ta cho nên chúng đã thực hiện các cuộc tấn công sau đây:

1- Năm 1788, dựa theo lời cầu viện của Lê Chiêu Thống, Nhà Thanh mang quân xâm lăng nước ta nhưng đã bị Vua Quang Trung đại phá vào trưa mùng 5 tết 1789.

2- Cuộc xâm lược Việt Nam lần cuối cùng trong thế kỷ 19 là cuộc xâm lăng được chỉ huy bởi Phùng Tử Tài dưới thời Từ Hy thái hậu, nhà Mãn Thanh. Cuộc xâm lược này thường bị lãng quên vì không bị người Việt đánh bại mà bị thực dân Pháp đánh bại khi Pháp buộc được nhà Mãn Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân 1885, theo đó nhà Mãn Thanh buộc phải chấp nhận mất toàn bộ chư hầu Việt Nam. (Khôi Nguyễn, Đại học Oregon- Alexandre de Rhodes và sự tưởng tượng về lịch sử cận đại của nền sử học Việt Nam)

3-Năm 1974, thừa lúc hai miền Nam-Bắc Việt Nam có nội chiến, rợ Tầu đã đánh chiếm đảo Hoàng Sa, lúc đó dưới quyền cai quản của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam.

4- Năm 1979, giặc Tầu lại mở cuộc chiến biên giới phía Bắc hòng xâm lăng nước ta nhưng thất bại. Thực ra trong khoảng thời gian 1979-1991, giặc Tầu mở nhiều cuộc tấn công lấn chiếm biên giới và biển đảo của Việt Nam. Người ta gọi giai đoạn này là Xung đột Việt-Trung 1979-1991 (wikipedia). Kể từ năm 1979, có ít nhất sáu đợt giao tranh lớn diễn ra tại một số điểm trên biên giới Việt-Trung, là các đợt tháng 6 và tháng 10 năm 1980, tháng 5 năm 1981, tháng 4 năm 1983, tháng 4 năm 1984, tháng 6 năm 1985 và đợt từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 1 năm 1987. Tất cả các cuộc giao tranh trên đều do Trung Quốc gây hấn trước. Năm 1988, giặc Tầu còn đưa hải quân tiến chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà điển hình là trận hải chiến đẫm máu ở đảo Gạc Ma với 64 chiến sĩ hy sinh và 9 chiến sĩ bị giặc bắt.

5-Từ nhiều năm nay, giặc Tầu lại liên tục dùng hải quân xâm phạm hải phận của ta, cấm dân ta khai thác tài nguyên dầu hỏa và đánh bắt cá trong khu vực lãnh hải thuộc chủ quyền của ta, thậm chí đã nhiều lần gây thương vong cho ngư dân Việt.

Điểm qua lịch sử bang giao Việt Nam-Trung Quốc như trên, người dân Việt nào cũng dễ nhận thấy dã tâm trường kỳ của bọn Tầu là QUYẾT CHIẾM CHO BẰNG ĐƯỢC TRỌN VẸN VIỆT NAM.

Tuy nhiên, trong tình hình quốc tế hiện nay, khó có thể có trường hợp một nước lớn mang quân trực tiếp xâm chiếm một quốc gia khác như thời thế chiến thứ Hai trở về trước. Bởi vậy giặc Tầu lâu nay đã thay đổi chiến lược. Chúng dùng sức ép quân sự ở mức độ hạn chế đủ để tránh mang tiếng là kẻ gây chiến của nước mạnh ăn hiếp nước yếu, nhưng đủ để đe dọa buộc VN phải nhượng bộ dần dần về lãnh hải, lãnh tổ và cả trên các lãnh vực khác như ngôn ngữ, ngoại giao, chính trị, nội trị, hành chánh, kinh tế, tài chánh, văn hóa & giáo dục và kể cả tư pháp để dần dần thiết lập chế độ Bắc thuộc lần thứ 5.

Dân Việt chúng ta hiện nay đang bị giặc Tầu xâm lăng bằng những biện pháp “nhẹ nhàng”, tầm ăn dâu, được gia tăng dần dần như con ếch bị luộc trong thí nghiệm của Edward Wheeler Scripture thực hiện năm 1897. Trong thí nghiệm đó, khi ném con ếch vào một nồi nước đang sôi, con ếch sẽ nhẩy ra (phản xạ). Nhưng thay vì vậy, người ta bỏ con ếch vào một nồi nước ấm, con ếch ở yên (mà có khi còn khoái trá). Sau đó nhiệt độ nồi nước được gia tăng thật chậm thì con ếch sẽ ở yên cho tới khi nó bị luộc chín. Dân Việt ta hiện nay dường như đại đa số không biết mình đang bị nô lệ dần dần như con ếch đang bị luộc.

Dưới áp lực quân sự có giới hạn, giặc Tầu đã ép buộc đảng cộng sản phải ký những thỏa ước bán nước như thỏa ước nhượng một diện tích lớn vùng biên giới phía bắc, trong đó có Ải Nam Quan và thác Bản Dốc.

Ngoài ra, tổng quát hơn, giặc Tầu đã buộc đảng cộng sản phải ký thỏa ước bán nước Thành Đô. Toàn dân chưa ai biết nội dung của thỏa ước này vì đảng cộng sản cương quyết giấu kín (nếu không bán nước thì tại sao phải dấu kín?), mặc dù trên công luận nhiều thành phần dân chúng đã yêu cầu công bố thỏa ước. Muốn rõ thêm về mật ước Thành Đô nên đọc Hồi ký của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ.     
Mặc dù mật ước Thành Đô được dấu kín, nhưng nội dung của nó đã được thấy áp dụng trên nhiều lãnh vực như:

Ngôn ngữ:
Cộng sản không dám gọi đích danh Trung Quốc trong những hành động bắn giết ngư dân Việt hay đưa tầu hải cảnh xâm phạm lãnh hải Việt Nam mà chỉ gọi là tầu lạ.
Đảng CS không cho dân chúng dùng chữ “KHỰA” vì cho rằng đó là một từ ám chỉ Tầu.

Bang giao quốc tế:
Đảng cộng sản đã không dám kiện giặc Tầu xâm chiếm bất hợp pháp biển Đông như Philippines đã làm thành công.
Không dám lên tiếng rõ ràng và mạnh mẽ phản đối những hành động xâm phạm hải phận Việt Nam của giặc Tầu.

Nội Trị: Đảng cộng sản đang thực hiện mọi biện pháp hà khắc nhất để triệt tiêu tinh thần yêu nước chống giặc Tầu từ trong chứng nước như:

-Triệt hạ các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược.

-Bắt, khởi tố và kết án nặng nề trên dưới 10 năm tù những facebooker chỉ lên tiếng một cách ôn hòa bày tỏ tình yêu nước chống giặc Tầu.

-Bắt bỏ tù những người mặc áo có hàng chữ NO U hay hình Đường Lưỡi Bò bị gạch chéo, hoặc có in hai chữ Hoàng Sa & Trường Sa.

-Bắt truy tố và kết án những người biểu tình chống đối dự luật ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

-Cản phá những người dân làm lễ tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam thuộc cả hai miền Nam -Bắc hy sinh trong các trận hải chiến chống giặc Tầu xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành chánh:

-Đưa sang Tầu huấn luyện những cán bộ lãnh đạo nhà nước kể cả những cán bộ lãnh đạo tuyên huấn.

-Hình thành những đặc khu kinh tế trong đó chủ yếu dành nhiều ưu đãi cho Tầu.

-Cho dân Tầu tự do nhập cảnh Việt nam không cần chiếu khán. Do đó hiện nay đã có nhiều triệu người Tầu tràn vào VN mà nhà cầm quyền không kiểm soát được. Số người này thậm chí còn làm ăn lâu dài, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Đây chính là âm mưu Tầu hóa dân Việt, một sự xâm lăng không tiếng súng nhưng bền bỉ và chắc chắn.

Tài chánh: 
Đảng CS đã đánh mất chủ quyền tài chánh khi cho phép dùng tiền Tầu một cách chính thức bằng văn bản pháp lý trong mọi giao dịch kinh tế và kết ước công & tư; một biện pháp không nước nào áp dụng.

Văn hóa & giáo dục: 
Cho lập các Viện Khổng Tử, thực chất là cơ quan xâm lăng văn hóa của giặc Tầu.
Áp dụng chương trình dậy tiếng Tầu ở bậc trung học, mặc dù thứ tiếng này không thực dụng trong việc học hỏi văn minh, khoa học phương tây. Nhập cảng các sách học của Tầu có bản đồ ghi chú hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Tâu.

Kinh Tế:

-Áp dụng những nguyên tắc đấu thầu nhằm ưu tiên cho các nhà thầu Tầu thực hiện đa số chương trình xây dựng hạ tầng quan trọng như sân bay, đường sắt, quốc lộ mặc dù thực tế đã thấy rõ tất cả các công trình do Tầu thực hiện đều chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, dối trá, và chóng hư hỏng.

-Cho giặc Tầu đấu thầu thực hiện những con đường huyết mạch đồng thời cho thuê đất dài hạn tại những khu vực trọng điểm về an ninh mà chính quyền không được vào kiểm soát hành chánh.

Tư pháp:
Mất chủ quyền tư pháp khi ban hành đạo luật dẫn độ sang Tầu những tên Tầu phạm pháp tại VN, một điều hoàn toàn trái với những nguyên tắc phổ thông của quốc tế tư pháp.

Nguy hiểm hơn hết, với những hoạt động gián điệp của giặc Tầu xâm nhập vào chính quyền nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Úc và Âu châu vừa tố cáo, người Việt dễ nhận ra rằng giặc Tầu đã cài cắm tay sai và gián điệp sâu rộng trong thượng tầng định chế của Việt Nam để chi phối mọi chính sách cấp nhà nước.

Tóm lại, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản hiện nay, tổ quốc đã và đang mất dần đất đai, lãnh hải; dân tộc đang bị Tầu hóa, văn hóa & giáo dục đang bị Tầu chi phối, kinh tế đang bị giặc Tầu kiểm soát, tư pháp đang bị lệ thuộc, quân đội đang bị Tầu khống chế thể hiện qua chiến lược quân sự 4 không của Việt Nam. Trước tình hình nguy cấp, nhiều thành phần yêu nước lên tiếng kêu gọi đoàn kết chống giặc Tầu đều bị bắt bớ đánh đập tàn nhẫn và truy tố, kết tội vô luật pháp với những bản án nặng nề cả chục năm tù hòng bẻ gẫy mọi ý tưởng chống Tầu. Sự lệ thuộc Tầu qua mật ước Thành Đô đã rõ ràng và đã được ông Đặng Xương Hùng, một nhà ngoại giao cao cấp đào tị tại Thụy Sĩ xác nhận trong bài Thành Đô – Đặc khu – Sách trắng Quốc phòng công bố ngày 28/11/2019 trên báo Tiếng Dân.

Con đường lệ thuộc Tầu lần thứ 5 gần như chắc chắn. Trong tình thế đó, người Việt chúng ta có vũ khí gì để bảo tồn nòi giống?

Việc dùng vũ lực để đánh đuổi quân Tầu xâm lược ra khỏi đất nước trong tình hình quốc tế ngày nay là điều gần như chắc chắn không thể áp dụng. Một khi đã lệ thuộc thì chắc chắn giặc Tầu sẽ bắt chúng ta sử dụng tiếng Tầu và chữ Tầu làm ngôn ngữ chính hòng xóa hết bản sắc dân tộc của chúng ta.
Chúng ta chỉ còn mỗi hy vọng là CHỮ QUỐC NGỮ sẽ giúp chúng ta bảo vệ giống nòi chống sự Tầu hóa.
Và thật là may, việc học chữ Tầu sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức của cả một đời người mà chưa chắc thông thạo. Ngay cả dân Tầu mà lâu không đọc và viết chữ Tầu cũng còn quên. Trong khi đó, việc học chữ Quốc Ngữ chỉ mất khoảng một tháng là đã đọc thông, viết thạo. Do đó dù bị bắt buộc xóa bỏ, chữ Quốc Ngữ vẫn sẽ tồn tại mãi mãi. Nhất là hiện nay cộng đồng người Việt hải ngoại đã lên tới mấy triệu người, và trong tương lai sẽ còn sinh sôi nẩy nở nhiều hơn nữa, sẽ là cái nôi duy trì chữ Quốc Ngữ. Cùng với internet và kỹ thuật số hóa (digital), văn chương – văn hóa bằng chữ Quốc ngữ sẽ được duy trì và phát triển.

Chính vì thấy trước tầm quan trọng của chữ Quốc ngữ trong việc duy trì nòi giống Việt, giặc Tầu đã vận động phong trào phá nát hệ thống chữ Quốc ngữ bằng việc cho bọn tay sai đưa ra hình thức chữ viết mới, thay thế cho chữ Quốc Ngữ đang sử dụng (tên giáo gian Bùi Hiền). Nhưng phong trào này đã bị dư luận chống đối quyết liệt.
Trước nguy cơ mất nước gần như chắc chắn như vậy, phương tiện để giải phóng đất nước trong tương lai chỉ còn là chữ Quốc Ngữ. Với tính chất giản dị, dễ học sẽ giúp người Việt Nam duy trì được văn hóa và tinh thần dân tộc để tạm thời sống “độc lập” trong vòng lê thuộc, không bị Tầu hóa toàn diện, chờ ngày giải phóng quê hương.

Nguyễn Tường Tâm 

No comments:

Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

Vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng “gây chấn động dư luận" và “có màu sắc chính trị”, hai nhà quan sát từ Vi...