Saturday, December 28, 2019

Phạm Kim Ngọc: 'Một con người và kinh tế gia can đảm' - Quốc Phương

Hội nghị

Bản quyền hình ảnhVOA TIẾNG VIỆT/BÙI VĂN PHÚ
Image captionGiáo sư Tường Vũ giới thiệu cựu Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Đức Cường, bên trái, cựu Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc và cựu Thứ trưởng Canh nông Trần Quang Minh trong một Hội thảo về Việt Nam học năm 2019 tại Hoa Kỳ.

Người lãnh đạo nền kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với nhiều thành tựu quan trọng, ông Phạm Kim Ngọc, vừa qua đời gàn đây tại Sài Gòn ở tuổi 92.

Nhân dịp này, BBC Việt ngữ có cuộc phỏng vấn qua bút đàm với ông Nguyễn Đức Cường, cựu Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ của VNCH và Giáo sư Vũ Tường, nhà nghiên cứu Chính trị học tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, mà dưới đây là nội dung:
BBC: Đâu là những đóng góp quan trọng, có y' nghĩa nhất của ông Pham Kim Ngọc cho Việt Nam Cộng Hòa và nền kinh tế của VNCH, thưa các ông?
Ông Nguyễn Đức Cường:Đóng góp quan trọng nhất của ông Phạm Kim Ngọc là khai trương kỷ nguyên dầu hỏa cho đất nước. Ông Ngọc đã gặp được ba cái may mắn như sau:
Thứ nhất, ông được trợ giúp kỹ thuật một cách tận tình và tài giỏi của ba chuyên viên Ba Tư (Iran) do chính phủ dưới thời vua Shah Pahlavi viện trợ miễn phí vì ông Ngọc là bạn cùng trường với ông Tổng Trưởng Tài Chánh của chánh phủ Ba Tư khi du học tại Đại học Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics).



Nếu không có viện trợ kỹ thuật của Ba Tư mà phải dùng trợ giúp kỹ thuật của các công ty Hoa kỳ thì chúng ta sẽ gặp phải sự chống đối của các dân biểu phản chiến trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Những người này cho rằng tìm được mỏ dầu sẽ tạo ra cớ cho chính phủ Nixon tiếp tục giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ các mỏ dầu. Nếu Quốc Hội Mỹ làm khó dễ thì các công ty Mỹ sẽ không tham gia hoặc chấm dứt trợ giúp kỹ thuật, như vậy công cuộc tìm kiếm dầu hỏa của chúng ta sẽ bị chậm lại rất nhiều
Thứ hai, chúng ta đã tìm thấy vết dầu sau khi đào hai giếng. Theo các thống kê về tìm kiếm dầu hỏa, có khi phải đào tới mấy chục giếng mới tìm thấy dầu hỏa, và nhiều giếng nữa mới được biết mỏ dầu đủ lớn để có thể khai thác thương mại. Giếng Bạch Hổ là giếng thương mại đầu tiên khám phá dưới thời Việt-Nam Cộng Hòa mà sau này cho biết thuộc về mỏ dầu khổng lồ, có tầm vóc quốc tế, trị gía nhiều tỷ Mỹ Kim.
Thứ ba, Việt-Nam Cộng Hòa được sự hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ của các công ty dầu hỏa lớn nhất nhì thế giới như là Esso, Shell vào cuộc gọi thầu khai thác dầu hỏa ngoài khơi vì họ có tài chánh mạnh, khả năng kỹ thuật cao và tổ chức lớn để khai thác dầu hỏa ngoài khơi. Trong hai lần gọi thầu chúng ta thâu được gần 50 triệu Mỹ Kim. Nếu ông Ngọc nghĩ tới việc thành lập một công ty quốc doanh để tìm và khai thác dầu như nhiều quốc gia khác đã làm, thì chương trình này sẽ không đem lại những kết quả khả quan như đã thấy.


Việt Nam Cộng HòaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionViệt Nam Cộng Hòa và lịch sử giai đoạn VNCH đã được phản ánh thiếu khách quan do nhiều nguyên nhân, theo nhà nghiên cứu từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ

Giáo sư Vũ Tường: Đóng góp của ông Phạm Kim Ngọc không chỉ giới hạn ở việc khai thác dầu mỏ. Giai đoạn khi ông Ngọc làm Tổng trưởng Kinh tế là giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế của Việt nam Cộng hoà khi chính phủ Mỹ bắt đầu rút quân. Vấn đề không chỉ là sự giảm dần chi tiêu và viện trợ của Mỹ ở miền Nam Việt nam, mà còn là vấn đề phải gấp rút tăng quân số của Quân lực Việt nam Cộng hoà để tự đảm trách việc chiến đấu thay quân Mỹ trong bối cảnh chiến tranh mở rộng.
Trong thời gian trước đó, khả năng thu thuế của nhà nước Việt nam Cộng hoà rất hạn chế, mà tăng thuế không phải dễ dàng. Đã vậy từ năm 1964 Việt nam Cộng hoà chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự và tự do báo chí, và từ năm 1967 có Quốc hội được bầu cử khá dân chủ. Không phải chính phủ Nguyễn Văn Thiệu muốn gì là có thể làm nấy mà những quyết sách phải được Quốc hội phê chuẩn và chịu búa rìu dư luận.
Nhờ những chính sách và biện pháp kinh tế quyết liệt do Bộ Kinh tế ban hành, nhà nước và kinh tế Việt nam Cộng hoà đã không sụp đổ trong tình hình khó khăn đó. Dĩ nhiên kinh tế miền Nam Việt nam vẫn không thoát khỏi sự lệ thuộc nặng nề vào viện trợ Mỹ, nhưng nếu chúng ta biết miền Bắc Việt nam đang nhận viện trợ từ khối Cộng sản tương đương hàng tỷ đô la hàng năm để dốc toàn lực vào chiếm cho được miền Nam, nếu Việt nam Cộng hoà có thể tồn tại mà không lệ thuộc Mỹ mới là chuyện lạ.

Để lại bài học gì?

BBC: Đằng sau những đóng góp trên, ông Phạm Kim Ngọc có thể hiện tư tưởng nào quan trọng nhất, kể cả về mặt tư duy kinh tế, lãnh đạo và quản trị mà có thể coi là bài học?
Ông Nguyễn Đức Cường: Tôi có thể khẳng định rằng ông Ngọc là cha đẻ của hệ thống kinh tế tiến bộ và hiện đại cho đất nước, dựa trên những căn bản cốt lõi sau đây: (i) Thả lỏng giá cả để thị trường định đoạt trong lãnh vực hối xuất, lãi xuất và hàng hóa, (ii) Xóa bỏ hoặc giảm bớt các kiểm soát để hàng hóa và dịch vụ được di chuyển dễ dàng và bớt phí tổn.



(iii) Khuyến khích lãnh vực tư nhân đầu tư, không đầu tư thêm vào các công ty nhà nước, (iv) Tạo một nền pháp lý vững chắc và rõ ràng để người đầu tư tin tưởng, thí dụ Luật Đầu Tư, Luật Dầu Hỏa, Luật Khung cho phép Hành Pháp uyển chuyển thay đổi hối xuất và lãi xuất.
(v) Thành lập những định chế cần thiết để thi hành luật lệ, như là Uỷ Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ, Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, Uỷ Ban Đầu Tư, Trung Tâm Dịch Vụ Đầu Tư, Viện Định Chuẩn, Khu Chế Xuất, Tổng Cuộc Dầu Hỏa, Tổng Cuộc Thực Phẩm Quốc Gia, phát triển khu Kỹ Nghệ Biên Hòa (thường gọi là SONADEZI); và
(vi) Quản trị kinh tế bằng các biện pháp vĩ mô ban hành tại trung ương, được áp dụng đúng mức, hợp thời và minh bạch.
Một số biện pháp trên đã được thi hành đầy đủ trong những năm 1971-1973, nhiều năm trước khi các quốc gia yếu kém về kinh tế buộc phải áp dụng do sự đòi hỏi của tổ chức tín dụng hay thương mại quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hay Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO).
GS Vũ Tường: Những chính sách do ông Phạm Kim Ngọc và đồng sự cùng thời với ông thể hiện tinh thần kỹ trị và tư tưởng tôn trọng cơ chế thị trường, quyền sở hữu tư nhân, và định chế xã hội dân chủ. Cụ thể là: quản trị kinh tế vĩ mô bằng các chỉ tiêu và phương pháp kỹ thuật; sử dụng cơ chế thị trường để điều tiết hành vi cá nhân và phát triển kinh tế ở cấp vi mô; tôn trọng và phát huy quyền sở hữu tài sản tư nhân như một động lực phát triển kinh tế; và chấp nhận trách nhiệm giải trình chính sách đối với dư luận, các cơ quan dân cử, và các tổ chức quốc tế.
Về cốt lõi đây là các nguyên tắc căn bản của việc điều hành kinh tế tư bản hiện đại trong đó Nhà nước đóng vai trò tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế không phải để phục vụ quyền lực và lợi ích Nhà nước, đảng phái, hay quan chức mà để phục vụ xã hội và phát triển nguồn lực xã hội.

Điều gì còn phù hợp?



Ông Phạm Kim Ngọc (bên phải) và ông Nguyễn Đức CườngBản quyền hình ảnhVOA TIẾNG VIỆT/NGUYEN DUC CUONG
Image captionÔng Phạm Kim Ngọc (bên phải) và ông Nguyễn Đức Cường trong một sự kiện

BBC:Nhìn lại đóng góp, vai trò và di sản của ông Phạm Kim Ngọc, có điều gì để lại cho Việt Nam và kinh tế Việt Nam ngày nay mà vẫn còn phù hợp?
Ông Nguyễn Đức Cường: Trước hết, kỷ nguyên dầu hỏa do ông Ngọc để lại là một di sản khổng lồ để lại cho đất nước, tri giá nhiều tỷ Mỹ Kim, không thể chối cãi được. Kế đến, các biện pháp kinh tế tài chánh đã giải thích trong câu hỏi số 2 đều thích nghi trong mọi giai đoạn, kể cả giai đoạn hiện tại vì đó là căn bản cốt lõi của nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó.
GS Vũ Tường: Việt Nam đã cải tổ nửa vời để thoát khỏi khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội bao cấp kiểu Stalin-Mao dưới thời Lê Duẩn. Sau đó đường lối kinh tế chung trong hơn 3 thập niên qua là cải tổ vừa đủ với mục tiêu không phải để hoá rồng mà là để cho Đảng Cộng sản tiếp tục giữ được vai trò lãnh đạo. Với đường lối đó, chính sách kinh tế hướng vào mở rộng thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài để bóc lột lao động chất lượng thấp; tận thu từ xã hội để nuôi bộ máy chính trị cồng kềnh tham nhũng; và tập trung nguồn lực nhà nước vào nuôi doanh nghiệp quốc doanh là sân sau của quan chức. Theo cách làm này, Nhà nước và các quan chức được hưởng lợi chính, sau đó mới đến xã hội.



Để hoá rồng, Việt Nam cần từ bỏ đường lối cải cách nửa vời với mục tiêu phục vụ Đảng cầm quyền như hiện nay. Mục tiêu tối hậu của chính sách kinh tế phải là tăng cường phục vụ xã hội và nguồn lực xã hội. Thay vì sợ dân giàu, phải nghĩ là dân giàu (giàu nhờ sản xuất ra của cải dịch vụ xã hội, không phải giàu nhờ bán buôn chụp giựt và khai thác quan hệ với quan chức để tham nhũng bất chính) thì nguồn lực Nhà nước mới dồi dào, và kinh tế mới tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Thay vì dùng chính sách kinh tế để phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền và quan chức, cần đề cao lợi ích quốc gia. Nan đề chính của toàn xã hội Việt Nam là đảng cầm quyền đang hưởng lợi trực tiếp từ đường lối cải cách nửa vời nói trên nên không có quyết tâm chính trị để giải quyết tận gốc di sản của chế độ công hữu đất đai, thu hẹp việc can thiệp vào quản lý kinh tế và điều hành doanh nghiệp, cũng như chấp trách nhiệm giải trình trước xã hội qua các đại biểu thực sự của dân chúng.

Thế ứng xử sau 30/4?

BBC: Cuối cùng về mặt nhân cách, nhân thân, con người, quý vị có thể nhận xét hay chia sẻ gì về ông Phạm Kim Ngọc, nhất là lựa chọn thế ứng xử của ông với thời cuộc liên quan đến Việt Nam, trong đó có cả những thay đổi trong quản lí, quản trị vĩ mô nền kinh tế - xã hội ở Việt Nam, từ sau 30/4/1975 đến khi ông qua đời?


Sinh viên VNCHBản quyền hình ảnhTHANH DANG
Image captionSinh viên Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa (hình minh họa)

Ông Nguyễn Đức Cường:Tôi được biết ông Phạm Kim Ngọc trên nửa thế kỷ, khoảng 52 năm. Ông Ngọc là một người can đảm, dứt khoát trong đường lối và tư tưởng về kinh tế tài chánh đồng thời cũng rất uyển chuyển trong việc áp dụng, sẵn sàng nhận trách nhiệm và các rủi ro của chức vụ. Ông Ngọc đã làm Tổng Trưởng Kinh Tế nhiều năm nhất trong thời Việt-Nam Cộng Hòa.
Tôi làm việc dưới quyền ông Ngọc gần năm năm, từ lúc ông tham gia nội các Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ với chức vụ Uỷ Viên Kinh Tế được bảy tháng, và sau này tham gia nội các Đại Tướng Trần Thiện Khiêm với chức vụ Tổng Trưởng Kinh Tế bốn năm, trong một giai đọan rất khó khăn của đất nước: lạm phát phi mã, ngân sách thiếu hụt trầm trọng, viện trợ giảm sút, ngoại tệ dự trữ gần cạn, dân tị nạn tràn ngập các thành thị để tránh bom đạn, quân đội đồng minh rút đi để lại thất nghiệp và tình trạng kinh tế sút giảm. Tôi thiết nghĩ ông Ngọc đã làm trọn nhiệm vụ một cách khả quan.
Sau tháng 4 năm 1975, ông Ngọc sống một cách ẩn dật tại bang Virginia. Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây ông Ngọc bắt đầu tham gia vào các buổi hội thảo để ông trình bầy về đường lối chính sách kinh tế của ông thời Việt-Nam Cộng Hòa, như buổi hội thảo tại Đại học Berkeley tại California tháng 10 năm 2016, hội thảo tại Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas tháng 4 năm 2019, và hội thảo tại Đại học Oregon tại Eugene, Oregon tháng 10 năm 2019.
Những công trình và thành quả của ông Ngọc đã được đăng ở chương 3 trong cuốn sách tựa đề "The Republic of Vietnam 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building", do Cornell University Press phát hành tháng giêng năm 2020. Cuốn sách này đăng lại tất cả các bài đã được trình bày tại buổi hội thảo ở Đại học Berkeley.
GS Vũ Tường: Tôi không có ý kiến gì về câu hỏi này.
BBC: Xin cảm ơn quý vị đã trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50920144

No comments:

Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

Vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng “gây chấn động dư luận" và “có màu sắc chính trị”, hai nhà quan sát từ Vi...