“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Câu ca dao quen thuộc này cũng đã nói lên nét nổi bật nhất của con gái Hà Thành là ở sự thanh lịch, trang nhã chứ không chỉ dừng lại ở nhan sắc. Sự duyên dáng nằm ở cách đứng, cách ngồi, nằm ở sự lựa chọn trang phục một cách tinh tế, ở cách trò chuyện, cách cười đùa…
Con gái Hà Nội, đặc biệt khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức thường được dạy dỗ rất nghiêm khắc từ nhỏ. Các cô phải biết bếp núc, nữ công gia chánh, biết ý tứ, lễ phép nhưng không được quên nhiệm vụ học hành.
Khi gặp người lớn phải thưa gửi rõ ràng, “vâng, dạ, cảm ơn…”, khi gặp người nhỏ thì nhã nhặn, lịch sự, kể cả những phép tắc rất nhỏ trong ăn uống như ăn chuối phải bẻ làm đôi các cô cũng được dạy dỗ chu đáo.
Con gái Hà Nội rất giản dị và tinh tế trong cách lựa chọn trang phục, bởi cái sự “sang” của các nàng xuất phát từ bên trong chứ không phải từ tấm áo tấm quần. Ở các cô có một sự tự tôn về bản thân nên người ta thường nghĩ các cô kiêu chảnh, như một đóa hoa đủ sắc đủ hương nhưng nở ở một nơi không thể với tới.
Cái cốt cách kiêu kỳ ấy trở thành một đặc trưng của con gái Hà Thành, khiến cho những gã si tình chỉ dám trộm nhìn rồi đem các nàng vào thơ, vào nhạc. Như nhà văn Băng Sơn đã từng viết:
"Cứ dăm năm lại có một lớp con gái trẻ Hà Nội lớn lên, đẹp hơn trước. Phụ nữ Hà Nội đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Đó là một điều thật đẹp, thật vui. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xõa ngang vai, bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè"
Những năm đầu của thế kỷ trước, người dân Thủ đô thường nhắc đến “Tứ mỹ Hà thành” với sự tự hào vì nhan sắc của những tiểu thư này thiên hạ khó ai bì kịp, gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy.
Ngoài ra, Hà Nội ngày ấy còn ghi nhận những cái tên nổi bật có nhan sắc làm xao xuyến bao gã trai si tình. Nàng Bạch Thược chính là một trong những "đóa hoa" đó. Nàng sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Bố bà là cụ Phạm Hữu Ninh, từng là Tham tán phủ toàn quyền nhưng đi theo tiếng gọi của Cách mạng, cụ đã bỏ việc về mở trường tư.
Là con út trong một gia đình toàn con gái, bà được cả nhà cưng chiều, nâng niu hết mực. Đặc biệt, bà không sống theo khuôn phép cũ. Bà thích mặc quần áo con trai, chơi đánh bi, đánh đáo, và không hề biết đến thêu thùa, nấu ăn như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa.
Lớn lên được học trường Tây và tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội, bà ngày càng chứng tỏ được sự thông tuệ của mình. Vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính đặc trưng của một cô gái Hà Nội đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn.
Những người con gái Hà Thành trang nhã và thông minh không phải đã hoàn toàn biến mất. Họ vẫn âm thầm làm những công việc giản dị như tất cả những thân phận phụ nữ khác ở chốn phồn hoa đô thị này.
Thay cho lời kết, xin được trích một đoạn trong bài tản văn của tác giả Vũ Thế Thành – một người Sài Gòn nhưng vô cùng yêu Hà Nội:
“Tôi nhớ, năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: "Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…". Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: "Thưa bà, bà là người Hà Nội?". "Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây".
Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội kiểu xưa. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.
Tuệ Phong.
No comments:
Post a Comment