Saturday, December 28, 2019

Hoàng Sa và những kỷ niệm – Tam Giang Hoàng Đình Báu

Trong suốt chiều dài lịch sử của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, người lính biển cho đến giờ phút nầy vẫn không bao giờ quên trận hải chiến Hoàng Sa giữa HQ/VNCH và HQ/Trung Cộng. Mặc dù người lính biển đã tham dự biết bao trận đánh với Cộng quân khắp các vùng duyên hải và sông ngòi nhưng khi nhắc dến trận Hải Chiến nầy có người lính biển nào mà không khỏi ngậm ngùi thương tiếc,
xúc động đến bàng hoàng hay hãnh diện vì đã góp phần xương máu cho tổ quốc Việt nam thân yêu. Riêng tôi khi nói đến Hoàng Sa tôi lại mường tượng được một khung trời, một giải đất màu xanh xanh nhỏ xíu giống cái đuôi mắt lá răm của nàng thôn nữ Việt Nam nằm thon thả giữa trời và nước trong xanh.
Trời Cali lành lạnh bắt đầu một mùa đông thật sự đưa tội về lại kỷ niệm những ngày giá lạnh trên biển đông năm 1964 với Hải Vân Hạm Hương Giang [HQ 404] đang chuyển một đại đội ĐPQ từ thành phố Đà Nẵng ra thay thế một đại đội ĐPQ khác đang trú đóng ở đảo Hoàng Sa hơn 6 tháng trời.
HAI VAN HAM HUONG GIANG HQ404 LSM..jpg
Nhìn những người lính chiến nai nịt gọn gàng đang ngồi im lặng trên sàn tàu, tôi cũng cảm nhận đôi phần tâm sự của họ khi vừa mới xa gia đình, xa người yêu, xa bạn bè và xa cả thành phố thân thương Đà Nẵng. Họ đến Hoàng Sa không biết đây là lần thứ mấy, riêng tôi đây là lần đầu tiên đến viếng Hoàng Sa… Chiến hạm khởi hành lúc 6 giờ chiều thì 3 giờ sáng radar chiến hạm bắt được echo của đảo. Chiến hạm giảm tốc độ chờ trời vừa sáng là nhiệm sở vận chuyển, rồi chiến hạm từ từ vừa ủi bãi vừa cập cạnh chiếc cầu gãy mà từ lâu vẫn còn nằm trơ trọi như muốn thi gan cùng sóng gió với những chân cầu đứt mất một nửa, còn một nửa thì han rỉ, cong queo.
Khi đại đội ĐPQ rời khỏi chiến hạm để đổ bộ lên đảo, tôi nhanh chân theo họ rồi tách ra chạy một vòng quanh đảo để thỏa mản những mơ mộng, những háo hức lúc còn ở ghế nhà trường về một hoang đảo xa xăm nào đó với bao huyền thoại về đời sống hoang dã của những chàng thủy thủ bị đắm tàu trôi dạt vào nơi hoang đảo nầy mà ngay cả khi làm Sĩ Quan trực phiên trên đài chỉ huy HQ 404 tôi cũng chỉ thấy đảo qua ống nhòm như một vệt xanh mỏng manh nhô lên khỏi mặt biển mà thôi.
Buổi sáng không khí ở đảo mát dịu, trên trời không một đám mây báo hiệu những ngày thật đẹp của biển Đông, những bầy hải âu bay lượn tìm mồi quanh những làn sóng trắng xóa bắn tung tóe trên những bãi san hô. Dưới nước cạnh các ghềnh đá lác đác mấy người lính ĐPQ đang mò ốc hay câu cá,họ phải tranh thủ để khi cơn nắng cháy da ập vào ban trưa thì tất cả vào nghỉ trong những căn hầm do quân đội Nhật xây trước năm 1945 để chống lại quân đội Pháp. Đi vòng quanh đảo mất nửa tiếng, Tôi ghé vào một pháo đài của Nhật trên đó còn để lại một khẩu đại liên khổng lồ đã rỉ sét đặt trên giá súng cao hướng ra biển. Bên cạnh là đài khí tượng do Pháp xây trong thời Pháp thuộc nhưng nay không còn nhân viên khí tượng nào còn làm việc ở đó nữa. Lúc tôi đến thì đài khí tượng trở thành phòng truyền tin của đại đội ĐPQ.
Ty khi tuong tai dao Hoang Sa cua VNCH.jpg
Toán lính mới đến thay thế thì toán lính cũ chuẩn bị rời đảo để lên chiến hạm.Tốp lính cũ nầy mệnh danh là người về từ hoang đảo, gầy như những người tù ở xà lim mới ra, da đen sậm, tóc dài dến tận vai, râu ria lỡm chởm, bộ quân phục xanh lá cây trở nên dày cứng loang lổ những lớp muối trắng phau.
Ngoài hành trang mang theo, người lính nào cũng đem theo về một túi cá khô, vi cá, sò biển hay các thứ hải sản mà họ đã câu đựoc hay mò tìm được dưới các hang đá hay san hô rồi đem phơi nắng thật khô. Trong suốt thời gian canh giữ hải đảo, ngoài giờ trực gác họ không có việc gì làm ngoại trừ việc đi dọc quanh đảo để kiếm thức ăn như cá, tôm, cua; đôi khi có cả rùa biển hay còn gọi là con vít mà có con cân nặng cả trăm ký lô. Rùa biển ăn không hết lại xẻ ra phơi khô đem về làm quà cho gia đình hoặc bán đi để có thêm chút phụ vào tiền lương ít ỏi của họ.
Ðây là giờ phút vui nhất của người lính chiến vừa hoàn tất nhiệm vụ giữ đất, giữ nước và trở về nhà như người lính thú đời xưa phải ba năm trấn thủ lưu đồn mới được về thăm gia đình sau bao năm tháng dài vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt,với thiếu thốn trăm đều. Rồi chỉ một đêm lắc lư, biển sẽ ru họ vào những giấc mộng tuyệt vời để sáng hôm sau họ gặp lại cảnh cũ người xưa.
Như vậy trong suốt thời gian phục vụ HQ 404, tôi được đi công tác Hoàng Sa 3 lần, đến giữa tháng giêng năm 1974 chiến hạm HQ 403 của tôi lại được lệnh ra công tác Vùng 1 Duyên Hải trong lúc đang diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa. Tôi theo dõi trận đánh qua đài phát thanh Saì Gòn từ lúc hai bên giàn trận, gờm tay súng cho đến lúc mặt đối mặt tấn công nhau bằng đủ mọi loại súng có sẵn trên tàu.
f6cbb-HoTongHamNhatTao_HQ10
Những tin tức trên đài phát thanh BBC,VOA và những công điện nhận được từ BTL/HQ về trận đánh đã làm nức lòng người lính biển nhưng khi được biết chiến hạm HQ 10 bị địch bắn chìm với hạm trưởng, hạm phó và nhiều chiến sĩ hải quân tử trận thì tôi lặng người, cả tàu cũng lặng người đi!
Bốn vị hạm trưởng của bốn chiến hạm tham dự trận Hoàng sa đều là các bạn quen thân từ trước với tôi như hạm trưởng Lê văn Thư [HQ16], anh học trên tôi một lớp ở Huế, vào Hải Quân Nha Trang trước tôi một khoá, nhưng nhà anh và nhà tôi lại ở cùng chung một xóm. Đến khi ra trường tôi lại phục vụ trên cùng Hộ Tống Hạm Vạn Kiếp [HQ 02]mà anh là sĩ quan dệ tam.
khu truc ham tran khah du hq-4, der
Hạm trưởng Ngụy văn Thà [HQ 10] quen biết lúc hai đứa cùng học lớp tham mưu cao cấp ở TTHL/ HQ Sài Gòn. Còn hạm trưởng Vũ hữu San [HQ4] và hạm trưởng Phạm trọng Quỳnh [HQ 5] thì cả hai đều là bạn cùng khóa và cùng ở chung một khu nhà mà anh em lúc còn sinh viên sĩ quan gọi là xóm Nhà Lá.
Tất cả bốn vị hạm trưởng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa mà tôi quen thân như nói ở trên đều là những hạm trưởng giỏi, có tư cách lãnh đạo và tinh thần kỷ luật cao. Tôi nghĩ nói những điều đó ra đây cũng bằng thừa nhưng biết mà không nói là một điều đáng trách vì những cấp chỉ huy dù nhỏ hay lớn mà có tinh thần tự trọng và kỷ luật cao thì lúc đối mặt với kẻ thù không bao giờ họ chiụ khuất phục hay nao núng. Huống chi kẻ thù đó lại là kẻ xâm lược từ phương Bắc thì chắc chắn không một ai trên chiến hạm lại không chiến đấu một mất một còn với quân thù.
Tuan Duong Ham Tran Binh Trong HQ5 .
Vậy thì không lấy thắng hay bại mà luận anh hùng vì thắng hay bại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan bên ngoài tác động vào mà tôi không muốn bàn đến ở đây.
Trước hết xin thắp nén hương lòng cho các chiến sỉ Hoàng Sa đã Vị Quốc Vong Thân. Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam đời đời ghi ơn các anh. Còn các thủy thủ đoàn năm đó, nay phần đông đã quá lục tuần, một số đã yên nghỉ trong lòng đất khắp bốn phương trời, một số đang chiến đâú với bệnh tật, cô đơn và nghèo khó.
Trong số những thủy thủ đoàn còn lại nầy, tôi xin nói rằng các bạn đã làm cho tất cả người lính biển VNCH hãnh diện vì các bạn đã đóng một vai trò xứng đáng trong trận Hải Chiến Hoàng Sa.
TUAN DUONG HAM LY THONG KIET HQ16.
Tuy vậy nỗi đau đớn của người đi biển vẫn còn lảng vảng đâu đây vì nghĩa vụ chưa tròn, vì những lời phê phán thiếu chính xác mặc dầu chúng ta đã chiến đấu hết mình. Sau ba thập niên nhiều tài liệu tối mật quốc phòng của cả các bên đã được phơi bày. Mới đây trên những trang internet của đối phương Trung Cọng ngoài việc ca ngợi Hồng quân Cọng sản, cũng có nhắc đến vai trò tác chiến của Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư [HQ 4] oai hùng dũng mãnh như ba chiến hạm khác xung trân ở Hoàng Sa.
Trong cõi tận cùng của ước mơ, ai mà không mong đợi những lời công bằng, những lời phải lẽ hầu được an ủi trước khi nằm xuống thanh thản. Một lần nữa các chiến sỉ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã làm tròn bổn phận mà quốc gia giao phó, trong khi cọng sản Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng vì”Mở miệng mắc quai.”
Nhưng các sĩ phu Bắc Hà mà đại diện là Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang đã hết lời ca ngợi Quân Đội Viêt Nam Cọng Hòa trong trận chiến với Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, ông còn đề nghị xây một đài kỷ niệm để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến đó.
Trên ba chục năm rồi, hãy quên đi những chi tiết nhỏ nhặt. Toàn thể người lính biển chỉ còn nhớ có một đều là chúng ta đã chiến đấu chống ngoại xâm giống như cha ông chúng ta đã làm và trận Hải Chiến Hoàng Sa là trận hải chiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chống ngoại xâm trên vùng biển Thái Bình Dương. Riêng tôi vẫn nhớ đảo Hoàng Sa như đôi mắt lá răm màu xanh nâu của người con gái Việt Nam.
Hoàng Sa

Em gái Hoàng Sa
Em đẹp như bài ca
Thân em dài thon thả
Nằm giữa biển trời xanh
Gối đầu lên sóng bạc
Em nằm cạnh Việt Nam
Sáng hôm tàu ta đến
Em mơ màng từ xa
Mặt trời lên chói lọi
Em phơi mình kiêu sa
Da thịt em vàng óng
Ta ôm vào ngất ngây
Em thì thào sóng vỗ
Em quyện vào thiết tha
Em Hoàng Sa!
Ta quen em từ dạo đó
Ta yêu em từ đây
San hô làm đồ cưới
Ốc vỏ kết tình thâm
Thời gian bao mộng đẹp
Tưởng chừng như trăm năm
Hôm nay ta nhớ em
Hoàng Sa như giấc mộng!

Tam Giang Hoàng Đình Báu

No comments:

Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

Vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng “gây chấn động dư luận" và “có màu sắc chính trị”, hai nhà quan sát từ Vi...