Trong niềm tiếc thương vô hạn, bạn của bạn của bạn của bạn tôi, đã qua đời vì miếng thịt chó, cho nên xin quý vị sau khi đọc bài viết, nếu có bình luận, thì vui lòng không sử dụng ngôn từ khiếm nhã.
Đi cùng người bạn đến viếng bạn của bạn của bạn của bạn vừa qua đời, trong không gian mịt mờ hương khói kia, thật khiến sỏi đá cũng đau lòng. Tôi phải cố cắn chặt môi để nén cơn xúc động và nhiều người khác đến viếng. Nhưng rồi, tiếng khóc của người mẹ của người vừa khuất, làm cho hơn nửa số người có mặt lúc này, òa theo. Người mẹ ấy vừa khóc vừa nói:
- Con ơi là con! Con chết vì miếng thịt chó, sao người mẹ này không đau lòng hả con?! Con ơi là con!
Đỉnh điểm của thương đau, không ai không thể không khóc, bao gồm cả tôi, bởi tiếng khóc của người mẹ càng về sau chỉ còn là tiếng nấc uất nghẹn, giọng bà đứt quãng:
- Con ơi là con! Phải con học tập bác Hồ vĩ đại, thì con đã không đi trộm chó, mà ra cớ sự.
Tôi ngừng khóc hẳn, bởi khi nghe bà nói, tôi toát mồ hôi lạnh, khóc thế nào được nữa. Quái lạ, giỡn chơi hoài, bác Hồ muôn ngàn kính yêu của tôi, liên quan gì đến chuyện ăn trộm chó của con bà. Tôi cố kìm sự giận dữ, nghĩ người ta tang gia bối rối, niệm tình chứ không là không xong với tôi đâu.
Thế nhưng, biểu thị nét mặt của tôi đã cố che giấu, vẫn không qua được một ông cụ lớn tuổi, ông liền đi đến, nhẹ giọng bảo (Có lớn giọng thì cũng chẳng ai nghe, vì người ta đang khóc. Còn khóc vì nghe nhắc bác Hồ hay khóc người chết vì trộm chó, ai mà biết):
- Tôi hiểu tâm trạng chú em. Tôi cũng vậy. Con bà ấy chết vì nhà bên ăn thịt chó, lại không mời, nó mới đi ăn trộm chó để mần thịt ăn. Nên bà ấy khóc con chết vì chó. Bà bảo phải nó học tập bác Hồ vĩ đại của chúng ta, là có lí do, chứ không phải như con bà đi ăn trộm chó. Chú em còn trẻ, chắc không biết chuyện rồi, số là bác Hồ có lần không được mời ăn thịt chó, nhưng bác là người vĩ đại, không mời vẫn cứ đến ăn chó.
Cơn giận lúc nãy đang đốt cháy tâm can tôi, giờ như có xăng vừa được giảm mạnh 90 đồng, nên chăng cụ ông này đổ cả tẹt vào lửa giận, bùng lên sáng rực như ngọn đuốc Lê Văn Tám, tôi gầm lên:
- Ông nói gì, ông bảo bác Hồ lại đi ăn chực chó à! Khốn nạn đến thế là cùng.
Xong tôi ngoay ngoảy bờ mông nhỏ thôi, chứ không như chị Tòng Thị Phóng mô, rồi tôi ra về, nhưng vẫn còn kịp nghe, ông cụ chép miệng: - Bọn trẻ bây giờ, không có tìm hiểu về tấm gương bác Hồ gì hết trơn hết trọi. Đáng tiếc! Thật đáng tiếc!
Cũng chính vì câu nói vọng theo của ông cụ, khiến tôi suốt quảng đường về, tâm trạng vô cùng bất an, chẳng nhẽ mình đã trách sai ông cụ rồi ư?! Để giải tỏa mối hoài nghi, tôi tìm kiếm có hay không chuyện ông cụ nói. Ôi tôi đã phụ một tấm chân tình.
Quả thật vậy, theo ông Lê Giản, kể lại trong tác phẩm "Những chuyện vui và cảm động về Hồ Chủ tịch" do NXB Công an nhân dân, Hà Nội, xuất bản năm 2000, thì câu chuyện như sau:
"Vào đầu năm 1946, khoảng thời gian mà chúng ta chuẩn bị cho phái đoàn đi dự Hội nghị hiệp thương với Pháp ở Đà Lạt. Có các đồng chí từ miền Nam được cử làm đại biểu ra Hà Nội họp để toàn đoàn thống nhất quan điểm, lập trường và hành động trong cuộc họp. Một hôm có mấy đồng chí quen biết đến thăm chúng tôi và yêu cầu phải tổ chức buổi liên hoan bằng thịt chó để chúc đoàn đi công tác thắng lợi. Chúng tôi vui vẻ nhận lời và hẹn đến 11 giờ trưa mời các đồng chí đến thưởng thức. Anh Hoàng Mỹ (Trần Hiệu) ra sức trổ tài nấu ăn. Đúng giờ đã hẹn nhưng không thấy ai đến. Tôi gọi điện ra Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính Phủ) nơi Bác Hồ làm việc. Qua điện thoại, anh Vũ Đình Huỳnh nhỏ nhẹ trả lời: “Các anh ấy còn đang họp”. Sốt ruột, 15 phút tôi lại gọi điện hỏi và nghe tiếng anh Huỳnh. Anh Hoàng Mỹ băn khoăn vì sợ thức ăn nguội lạnh mất ngon. Sau lần gọi điện thoại thứ ba thì anh Huỳnh bỗng gọi điện báo: “Họp xong rồi, chúng mình sẽ đến ngay đây”
Sau này tôi mới biết hôm ấy Bác định kéo dài thời gian họp bàn xong công việc nhưng cứ thấy chốc chốc lại có người gọi điện thoại và anh Vũ Đình Huỳnh (lúc ấy là thư ký của Bác) nhỏ nhẹ trả lời, Bác mới hỏi: “Có việc gì mà ai đó cứ gọi điện thoại liên tục như vậy?” Anh Huỳnh phải nói thật: “Dạ thưa Bác, có mấy anh em miền Nam hẹn với anh Lê (tức là tôi – Lê Giản) 11 giờ đến ăn thịt chó, mãi đến không thấy ai đến nên anh Lê gọi”. Bác cười vui vẻ, nói: “Có chuyện ấy à? Vậy thì để chiều họp tiếp, bây giờ nghỉ để các chú đi kẻo sai hẹn, Bác không được mời nhưng cũng sẽ đến.
Thế rồi chúng tôi nghe tiếng còi xe và mở cổng. Bác đến thật, cùng đi với Bác có anh Kháng, tổ bảo vệ. Chúng tôi ra đón chào, Bác cười, gật gật đầu và tiến lên đi trước, vòng xung quanh ngắm cảnh nhà một lượt rồi mới vào tỏng. Cùng lúc ấy, mọi người đã đến đông đủ. Ngồi vào bàn ăn, mọi người nâng chén chúc Bác sức khỏe và ăn ngon miệng. Vui cười rạng rỡ, Bác nói: “Cảm ơn các chú đã chúc Bác những điều lành, Bác cũng xin các chú sau khi làm xong công việc thì tranh thủ tổ chức vui chơi cho thoải mái, cho đầu óc được thảnh thơi, con người được thư giãn. Các chú tưởng Bác chỉ biết vui đầu vào công việc hay sao. Tuy rất bận nhưng Bác vẫn dành thì giờ để tập thể dục, để ngắm cảnh làm thơ, để đánh cờ tiêu khiển”.
Rồi Bác thân mật trách: “Các chú chỉ khi nào có công việc gì khó mới chạy đến Bác, còn có các cuộc vui lành mạnh ấm cúng như hôm nay thì các chú đâu nghĩ đến Bác, mời Bác cùng chung vui? Thịt chó là món ăn độc đáo của Việt Nam và nhiều nước châu Á, Bác lấy làm lạ thấy có người Việt Nam không biết ăn thịt chó”.
Nghe Bác Hồ mà chúng tôi tỉnh cả người. Sự thực là chúng tôi chưa hiểu hết về Bác. Chúng tôi rất tôn kính Bác nhưng chưa biết yêu Bác, cứ tưởng Bác là con người khắc khổ, nghiêm nghị mà chưa thấy được Bác cũng chính là một con người bình dị, giàu tình cảm, xử sự rất thân mật với mọi người xung quanh, quan điểm quần chúng sâu sắc, dễ chinh phục lòng người.
Bữa đó Bác chỉ ngồi nhâm nhi với chúng tôi có một lát thôi, uống cạn chén rượu, nếm một vài món, rồi nói là phải về, kẻo các chú bảo vệ ở nhà sốt ruột mong chờ. Anh em chúng tôi cố giữ Bác ở lại không được, biết rằng Bác ra về một phần vì ngại sự có mặt của Bác sẽ làm chúng tôi phải dè dặt, giữ ý tứ, mất tự nhiên. Tiễn Bác lên xe rồi, chúng tôi trở lại bàn ăn, mỗi người một lời, một ý, chuyện nở như ngô rang."
Nhưng tôi đa nghi, thì đây không còn chối cãi được nữa, GS Chu Hảo trong bài viết "Cha tôi kể chuyện bác Hồ", đăng tờ Lao Động Online, ngày 1/11/2010, câu chuyện thứ 3, trong bài báo như sau:
"3. Hồi ấy cánh bác Lê (Giản) và ba cuối tuần hay rủ nhau đi ăn thịt chó. Có lần đã tập trung đông đủ cả thì lại thiếu bác Lê còn bận việc gì đấy bên văn phòng của Bác. Mấy lần điện thoại réo, bác Lê cứ thì thầm “Sắp xong, sắp xong, ra ngay đây... “. Bẵng đi ít lâu, một hôm Bác đến nhà bác Lê ăn cơm tối, cánh “thịt chó” có mặt đông đủ cả. Bác bế chị con út bác Lê vào lòng và nựng: “Lớn lên cháu đừng làm chủ tịch nước nhá! Làm chức to thế khi cỗ bàn rôm rả như ăn thịt chó người ta chẳng rủ mình đâu!”. Thì ra “Ông Cụ” lại biết tuốt. Cả hội vừa toát mồ hôi, vừa cười vui vẻ... Bác luôn hóm thế đấy!"
Lúc này, tôi đã khóc rống lên vì thương bác Hồ thèm thịt chó mà họ không mời. Thêm vào đó, là sự ân hận vì nói lời không phải với cụ ông lúc nãy. Bằng tinh thần AQ học được của lãnh đạo cấp cao, tôi tự an ủi mình, dẫu sao thì bác Hồ cũng đến ăn chó, đừng khóc nữa. Và, viết kể lại chuyện này, hi vọng cụ ông đọc được, và tha lỗi cho tôi. Cho dù ông cụ không đọc được, thì tôi cũng thấy nhẹ lòng hơn nhiều lắm, bởi có mọi người làm chứng, tôi đã tin bác Hồ ăn chực chó rồi đó.
Thế mới hay, vĩ nhân trong thiên hạ có những việc họ làm thật vĩ đại biết bao, bởi mấy ai có thể làm được như họ. Khó. Khó quá. Khó biết bao. Khó hơn cả xây dựng con đường tiến lên thiên đường. Mà dưới con mắt những đứa ngu si như tôi làm sao hiểu hết, chuyện họp hành quốc gia đại sự lại không thể nào bằng miếng chó, mà chó chực chứ nào phải miếng chó mời.
P/s: Cấm tất cả icon mặt cười.
No comments:
Post a Comment