Tuesday, April 23, 2013

Mỹ chuẩn bị kế hoạch chiến tranh chống Trung Quốc?_NgV

left align image


Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết Mỹ và các nước đồng minh châu Á, đặc biệt Úc và Nhật Bản, đang thúc đẩy các kế hoạch chuẩn bị chiến tranh chống Trung Quốc.
 
 
Tài liệu của ASPI được tiết lộ ngày 15/4 mang tên “Kế hoạch chiến tranh không thể tưởng tượng: Trận chiến trên không-trên biển và tác động đối với Úc”, bao gồm các nội dung kế hoạch chuẩn bị chiến tranh chống Trung Quốc. Tài liệu cho biết chiến lược cho trận chiến trên không-trên biển được phát triển ba năm qua của Lầu Năm Góc là bộ phận không thể thiếu trong chính sách "trở lại" châu Á của Chính quyền Obama nhằm ngăn chặn Trung Quốc trên tất cả các mặt trận ngoại giao, kinh tế, thương mại và quân sự.
 
Trong khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, Chính quyền Mỹ quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để bổ sung cho sự suy giảm kinh tế và ngăn chặn Trung Quốc trở thành một thách thức đối với sức mạnh của Mỹ tại châu Á và trên thế giới. Nhà phân tích Ben Schreer của ASPI cho biết Lầu Năm Góc đang toan tính một chiến lược quân sự nhằm phát động và đánh thắng trong cuộc chiến tranh lớn chống Trung Quốc.
Trận chiến Không-Biển là chiến lược phòng thủ chống lại cuộc tấn công mạnh mẽ của Trung Quốc - một phản ứng trước những khả năng phát triển quân sự ngày càng tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang làm xói mòn sự thống trị trên biển của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ngũ Giác Đài dự định phát động một cuộc chiến tranh chủ yếu sử dụng các loại tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa nhằm phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự và bao vây phong tỏa làm tê liệt kinh tế Trung Quốc mà không cần xâm lược. Tài liệu của ASPI mô tả Trận chiến Không-Biển sẽ đối phó với các chiến lược của Trung Quốc "bằng cách đáp trả một cuộc tấn công mở đầu của Trung Quốc, sau đó tiến hành một chiến dịch làm tê liệt các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của PLA, sử dụng các loại tên lửa phá hủy các hệ thống vũ khí trên bộ và phong tỏa từ xa các tàu thuyền thương mại của Trung Quốc ở eo biển Malacca cũng như các nơi khác". Tài liệu nhận định: "Cuộc chiến có thể leo thang nhưng dưới ngưỡng chiến tranh hạt nhân". Nghĩa là, Mỹ sẽ không để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân đầy đủ.


Tuy nhiên, nhà phân tích Schreer của ASPI cho rằng chiến dịch làm tê liệt các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của PLA có thể dẫn đến nguy cơ Trung Quốc phản ứng quyết liệt, kể cả sử dụng các loại vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, nếu Mỹ phá hủy khả năng theo dõi các tên lửa đang trên đường bay tới mục tiêu, Trung Quốc sẽ cho rằng đây là một cuộc tấn công hạt nhân và có thể phản ứng bằng vũ khí hạt nhân.
Đến nay, các kế hoạch chuẩn bị cho chiến lược Trận chiến Không-Biển của Ngũ Giác Đài không chỉ dừng lại trên giấy tờ. Thực tế, Mỹ đã và đang tổ chức lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể cả tăng cường các căn cứ quân sự tiền phương để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa, bố trí lực lượng rộng lớn hơn trong khu vực, tập trung 60% tài sản của hải quân Mỹ ở châu Á và phát triển một thế hệ vũ khí mới nhằm phát động một cuộc chiến tranh trên biển và trên không bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đồng thời, lợi dụng Triều Tiên như một cái cớ, Mỹ đang hợp tác với Nhật Bản xây dựng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trong khu vực để sẵn sàng đáp trả cuộc chiến tranh hạt nhân của Trung Quốc. Lầu Năm Góc xác định Nhật Bản và Úc là trung tâm trong các kế hoạch chiến tranh và hai nước "sẽ trở thành đồng minh tích cực trong suốt chiến dịch". Nhật Bản sẽ được coi là tuyến đầu của bất cứ cuộc chiến tranh nào với Trung Quốc và các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, đặc biệt ở Okinawa, là một bộ phận quan trọng trong các kế hoạch bao vây phong tỏa các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc, đồng thời quân đội Nhật Bản sẽ là lực lượng bổ sung cần thiết cho quân đội Mỹ.
Tài liệu của ASPI cũng chỉ ra những tác động của chiến tranh đối với Úc - nơi được coi là một căn cứ quan trọng của các chiến dịch, đặc biệt khi Mỹ tăng cường bao vây phong tỏa kinh tế Trung Quốc bằng cách cắt đứt các tuyến đường biển quan trọng qua khu vực Đông Nam Á. Cách đây không lâu, Chính phủ Công đảng Úc cho phép Mỹ triển khai Lực lượng Đặc nhiệm TQLC ở Darwin và mở cửa các căn cứ khác cho tàu chiến và máy bay Mỹ đồn trú. Mặc dù Thủ tướng Úc Julia Gillard đánh giá thấp tầm quan trọng của Lực lượng TQLC Mỹ, nhưng ASPI cho rằng lực lượng Mỹ tại Darwin có thể đóng vai trò kiểm soát các tuyến đường biển ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Mỹ đang tiếp tục gây áp lực buộc Chính phủ Úc phát triển các khả năng quân sự như trang bị các loại tàu ngầm có khả năng hoạt động tầm xa để chống lại hải quân Trung Quốc.

Kế hoạch chuẩn bị chiến tranh của Mỹ đang đẩy các nhà lãnh đạo Úc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi vì lâu nay Úc vẫn lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế nhưng cũng dựa vào sức mạnh quân sự Mỹ nhằm bảo vệ các lợi ích của Úc ở châu Á. Mặc dù tài liệu của ASPI cũng như Lầu Năm Góc cho rằng chiến lược Không-Biển chỉ nhằm mục đích phòng thủ, nhưng rõ ràng để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền Obama đang tìm cách thổi bùng những điểm nóng nguy hiểm trong khu vực, kể cả bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng khác bằng cách khuyến khích các đồng minh Nhật Bản và Philippines nỗ lực theo đuổi các tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Tuy nhiên, như nhà phân tích Schreer của ASPI nhận định, Chính phủ Úc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tham gia các kế hoạch chuẩn bị chiến tranh của Mỹ. Sách Trắng Quốc phòng năm 2009 của Chính phủ Công đảng Úc đã xác định "Úc có khả năng sẽ cùng Mỹ phát động một cuộc chiến Không-Biển chống Trung Quốc". Nhà phân tích Schreer kêu gọi hai chính phủ phải tuyệt đối bí mật các kế hoạch chiến tranh và đề nghị Chính phủ Úc ủng hộ chiến lược Trận chiến Không-Biển mặc dù không lên tiếng ủng hộ công khai chiến lược.
Petrotimes (theo Wsws.org)

Tham khảo thêm

Planning the unthinkable war: 'AirSea Battle' and its implications for Australia
Australia and AirSea Battle

No comments: