Monday, April 8, 2013

Thế giới không ưa TQ về Hoàng Sa?


Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc

Dư luận quốc tế không đồng tình Trung Quốc đòi sở hữu gần như toàn bộ Biển Đông
Bản tin của BBC News Online về việc Trung Quốc sắp đưa du khách ra quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa đăng hôm Chủ nhật ngày 7/4 đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các độc giả trên khắp thế giới.
Đến nay bản tin này đã thu hút trên 200 lượt bình luận, một con số lớn trên BBC News.

Đa phần các ý kiến của độc giả Anh quốc và khắp nơi trên thế giới không đồng tình với yêu sách của Trung Quốc.
Nhưng cũng có một số người biện luận cho đòi hỏi của Trung Quốc và so sánh tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Hoàng Sa với sự chiếm hữu của Anh đối với quần đảo Falklands nằm sát Argentina mà được nước này cho là của họ với tên gọi Mavinas.
Một số độc giả bày tỏ quan ngại về sự bành trướng của Trung Quốc với tương lai thế giới. Tuy nhiên cũng có người bàng quan không quan tâm đến việc ‘du lịch ở một hòn đảo cách chúng ta hàng ngàn cây số’.
BBC Việt ngữ chọn lọc một số ý kiến giới thiệu với độc giả. Để đảm bảo tính khách quan của những ý kiến quốc tế này chúng tôi xin giữ nguyên chữ Paracel để gọi quần đảo Hoàng Sa.
Tên của những người đưa ra bình luận được in đậm ngay ở trên.
wideangle
Với đòi hỏi chủ quyền rõ ràng là phi lý như thế (bằng chứng địa lý hoàn toàn chống lại yêu sách này), Trung Quốc chỉ đang khuấy động xung đột mà thôi.
Có lẽ có cách đàm phán nào đấy để đạt được thỏa thuận chia sẻ tài nguyên một cách công bằng và hợp lý.
RMBowie
Đây phải chăng là điều mà Rome đã làm trong 100 năm cuối trước khi họ sụp đổ?
Tàu cá của Trung Quốc trên Biển Đông
Trung Quốc đang từ từ gặm nhấm để bành trước ra thế giới?
Asbadaseachother
Ồ. Cái gì thế này... một nước đòi sở hữu các hòn đảo cách xa họ đến hàng trăm dặm...? Sao nghe giống như Anh quốc với quần đảo Falkland vậy..., hay là Đan Mạch với Greenland, Hoa Kỳ với Guam và Pháp với French Guyana.
David Gussie
Trung Quốc làm cái gì họ muốn. Không có cường quốc nào muốn đối chọi với siêu cường tuyệt đối mới của thế giới thể như là thế giới phương Tây và toàn bộ các quốc gia dân chủ đang sợ Trung Quốc vậy.
Leader
Trung Quốc đã dùng sức mạnh của mình để ức hiếp các nước láng giềng xung quanh. Những gì mà họ tuyên bố là chủ quyền của họ là không thể chấp nhận được. Khi các nước Asean tìm cách đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, Trung Quốc cảm thấy lo sợ và đe dọa các nước này chỉ nên dừng lại ở tranh chấp song phương. Trung Quốc thật là đáng xấu hổ. Chúng ta không bao giờ để cho điều này xảy ra.
ahojanen
Nếu nhìn sơ qua thì yêu sách chủ quyền đường chữ U của Trung Quốc trông ngớ ngẩn và kiêu ngạo. Động thái mới nhất này là dấu hiệu của chủ nghĩa đế quốc mới.
Peter
Vấn đề ở đây là chừng nào các yêu sách chủ quyền này mới chấm dứt? Một khi họ đã chiếm ưu thế với các yêu sách hiện tại thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đây là tình hình rất đáng lo ngại mà Liên Hiệp Quốc cần giải quyết trước khi bạo lực xảy ra. Luật biển và đường biên giới lãnh hải theo quy định của Liên Hiệp Quốc cần phải được tôn trọng.
Jericoa
Bắc Hàn đang lu loa lên để đánh lạc hướng dư luận như thể người đồng minh này của Bắc Kinh đang tạo ra một màn sương để che chắn cho việc cướp đất.
Chào đón đến thế giới của những con người địa chính trị. Trung Quốc nhập tiệc hơi trễ nhưng người Anh, người Pháp và người Mỹ đã làm những việc như thế này trong hàng trăm năm và Trung Quốc chỉ đơn giản là bắt chước như họ đã bắt chước nhiều thứ khác.
Thành phố Tam Sa của Trung Quốc ngày khánh thành
Nhiều người cho rằng Tam Sa và Biển Đông chỉ là những bước đầu trong chiến lược của Trung Quốc
dagiang
Quần đảo Paracel chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc đã chiếm nó từ tay người Việt Nam. Trung Quốc không có bằng chứng pháp lý gì chứng tỏ chủ quyền của họ. Do đó họ chẳng bao giờ muốn đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.
Gremlin657
Đây là cách mà Trung Quốc đang từ từ gặm nhấm những gì mà họ cho là của họ hay những gì mà họ muốn trong tương lai, chẳng hạn như những gì đang diễn ra ở châu Phi. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Họ đang từng bước nhưng chắc chắn biến những vùng giàu tài nguyên trên thế giới thành bộ phận của đế quốc của họ. Bây giờ đâu phải là năm 1713 mà bỏ qua hành động này được?
toysoldier
Trung Quốc đã từng là cường quốc thống trị trong khu vực trong hàng ngàn năm, Với tư cách là một nước độc lập, nước này đã kiểm soát vùng biển trong khu vực ít nhất cho đến trước năm 1421. Trong khi đó, Philippines, Việt Nam đều là những nước trẻ bị các nước thực dân phương tây như Pháp và Tây Ban Nha đô hộ và xây dựng. Các nước này chỉ giành được độc lập trong vòng nửa thế kỷ qua và tranh chấp giữa họ với Trung Quốc chỉ mới xuất hiện gần đây.
jojo
Tôi thích đồ ăn Trung Quốc cũng như dịch vụ và các sản phẩm chất lượng cao của họ. Tôi chỉ biết là con tàu du lịch này có tiêu chuẩn năm sao và tôi đã đăng ký đi tour trên tàu. Câu cá, bơi lội, lặn biển... cái gì cũng có cả. Tuyến du lịch này chắc chắn sẽ thúc đẩy kinh tế Trung Quốc và tôi ủng hộ điều đó.
Gary
Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là Trung Quốc không cần phải xâm lược để có dầu và tài nguyên. Họ chỉ cần ‘tuyên bố chủ quyền’ thôi.
RyanHall
Trung Quốc tìm thấy những hòn đảo này vào thế kỷ 15 và đặt dưới quyền quản lỹ của mình cũng như vẽ chúng trên bản đồ. Vào lúc đó, tất cả những nước mà giờ đây đang đòi chủ quyền đều không thể đi quá bờ biển của họ 100 km. Hãy kiểm tra lại thư tịch của triều Minh, triều Thanh và của Trung Hoa Dân Quốc trước năm 1949. Đâu có ai tranh cãi về ‘đường chín đoạn’ mà tại sao bây giờ lại tranh chấp?
Trung Quốc đã cố gắng đối xử tốt và có tình có lý với các nước láng giềng trong vòng hai thập kỷ qua – ‘hãy gạt tranh chấp và cùng nhau khai thác’ – rõ ràng đề xuất này chẳng hề được các nước nhỏ lắng nghe cho nên giờ đây Trung Quốc chỉ đơn giản là đang mất kiên nhẫn và mấy kẻ nhỏ bé đang bắt đầu kêu khóc...
Tàu hải giám Trung Quốc
Trung Quốc đang dùng sức mạnh tiền bạc và quân sự để đạt những gì họ muốn?
world service fan
Bước ban đầu trong đại kế hoạch đã được miêu tả trong tác phẩm ‘Khi Trung Quốc thống trị thế giới’ của tác giả Martin Jacques.
Cuối cùng thì cả Đông Á cũng bị Trung Quốc tuyên bố là của họ theo chứng cớ lịch sử. Việt Nam luôn làm cho họ phải nhức đầu khi nước này nhất quyết phải là một quốc gia riêng biệt. Trung Quốc sẽ thống trị Đông Á và Đông Á trở thành thế lực thống trị thế giới. Tôi nghĩ đó chính là ý tưởng chủ đạo của cuốn sách của Martin Jacques.
Californication
Phạm vi 12 hải lý, hay ít hơn 12 hải lý trong những vùng biển có chiều rộng ít hơn 24 hải lý giữa các quốc gia, là thuộc về chủ quyền của nước sát bên. Hơn nữa, mỗi nước còn được 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Đó là lý do tại sao mà tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không thỏa đáng. Yêu sách của họ đối với Biển Đông chẳng khác nào người Mỹ đòi chiếm trọn vịnh Mexico hay Pháp đòi sở hữu toàn bộ eo biển Manche và Biển Bắc.
vonBraun
Các trận chiến năm 1979, 1984 và cuộc đột kích vào Quần đảo Spratly hồi năm 1988. Giải phóng quân Trung Quốc vẫn chưa xong chuyện đâu. Họ còn phải xây dựng cả một đế chế Thái Bình Dương mà ở đó có rất nhiều của cải dưới lòng biển.
imind
Trung Quốc đang dùng sức mạnh của mình với thế giới, mua chuộc những nước nhỏ, thậm chí là mua được các nước châu Âu.
Đó là điều mà họ đang làm với các hòn đảo có tranh chấp.
Chúng ta là đồng lõa làm cho Trung Quốc trở thành con quái vật như ngày nay.
Hãy chấm dứt mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất và làm cho thế giới an bình hơn mà không có kẻ bắt nạt.
Bill Walker
Phải chăng con tàu đó đang chở 1.000 du khách của Giải phóng Quân Trung Quốc đang muốn tận hưởng một vài tuần lễ nghỉ mát ngoài đảo?
Người Việt Nam tưởng nhớ trận hải chiến Hoàng Sa
Việt Nam được xem là một đối thủ khó chịu của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông
toasty
Tôi luôn ngạc nhiên làm sao mà Trung Quốc lại làm được những chuyện như thế mà không bị làm sao. Họ đòi sở hữu Paracel và những hòn đảo khác trên cơ sở là trong lịch sử chúng từng là của họ. Nếu suy luận như thế thì những vùng lãnh thổ trước đây chưa từng là của Trung Quốc giờ đây có thể đòi quyền độc lập. Tôi tự hỏi liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao nếu ai đó nói Mãn Châu nên là một quốc gia độc lập?
powermeerkat
Những cộng đồng dân cư được gọi là dân bản xứ của châu Mỹ thực ra là những người di cư đầu tiên đến đây từ vùng đông bắc Siberia nếu xét trên bằng chứng di truyền không thể phủ nhận được.
Họ đã băng qua cây cầu tự nhiên nối liền hai bờ của eo biển Bering và lúc đó cũng không có mặt lực lượng tuần tra biên giới của Hoa Kỳ ở Alaska khoảng 15.000 năm trước đây.
Vậy liệu vị tướng tình báo KGB Vladimir Putin có thể đòi chủ quyền với toàn bộ Tây bán cầu?
typicallistener
Hãy coi chừng. Trung Hoa đang tỉnh giấc. Ai sẽ chống lại nó đây. Chỉ một vài hải lý từ bờ biển của họ rồi từ từ được đẩy ra xa cho đến họ chiếm trọn.
Patrick Lemaire
Trong vòng 100 năm qua, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với nhiều nước nằm giáp giới họ và họ đã thực hiện đồng hóa người dân ở những vùng lãnh thổ đó. Sẽ là hoàn toàn logic để Trung Quốc tiếp tục ức hiếp nước khác để chiếm đoạt lãnh thổ hợp pháp của họ. Thậm chí họ còn đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một số khu vực ở miền bắc Canada.

No comments: