Wednesday, April 10, 2013

Những Mùa Xuân Ghi Dấu




Nguyễn văn Phảy, cựu sĩ quan Hải Quân Việt Nam, hiện cư ngụ tại Germany


Hình hải chiến Hoàng Sa do hoạ sĩ Tàu vẽ lại
  
Thời gian không dừng lại, cuộc đời trải qua bao nỗi thăng trầm. Mỗi độ Xuân về nơi xứ người làm cho tôi thêm ray rức. Ở đây làm sao có Xuân để đón. Khi Mùa Xuân về trên quê hương thì nơi tôi định cư là vào mùa Đông. Tuyết trắng phủ khắp không gian, trời rất lạnh. Nhiệt độ âm, khoảng - 5 cho đến -15 độ Celcius. Đôi khi, hệ thống lưu thông có phần tắt nghẽn. Với những phút suy tư về cuộc đời, về thời cuộc, tôi ghi lại đôi giòng những cảm nghĩ liên quan đến những mùa Xuân được ghi dấu trong tôi.




Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789:

   Hôm nay là ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Tỵ, 2013, đánh dấu Mùa Xuân Chiến Thắng cách đây 224 năm nhằm ngày 30 tháng 1 năm 1789 tức là ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu mà toàn dân Việt Nam luôn ghi nhớ.




 
Quang Trung Hoàng Đế





   Khi vua Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh, lúc đó vua Thanh là Càn Long. Vua Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị lấy cớ phò vua Lê Chiêu Thống trở lại Đại Việt, đem 20 vạn quân qua xâm lăng và chiếm đóng Thăng Long năm Mậu Thân, 1788. Được tin đó, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đóng đô ở Phú Xuân, tiến quân ra Bắc Hà.





   Trận Gò Đống Đa, đồn Ngọc Hồi vào đầu năm 1789 do Hoàng Đế Quang Trung lãnh đạo, chỉ huy khoảng 10 vạn quân Đại Việt  đánh bại 20 vạn quân Thanh để mang lại thái bình cho đất nước. Đó là mùa Xuân Chiến Thắng Kỷ Dậu huy hoàng của dân tộc Việt Nam.



Mùa Xuân Mậu Thân - Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 tại Huế:





   Khi gia nhập vào quân đội, tôi mới được nghe những bạn bè ở Thừa Thiên kể chuyện về Tết Mậu Thân 1968 tại Huế thật khủng khiếp quá. Với hoà ước ngưng chiến giữa cộng quân Bắc Việt và quân đội VNCH vào dịp Xuân về, toàn dân miền Nam hân hoan đón mừng Năm Mới. Trong khi mọi người ăn Tết an vui thái bình vào ngày mùng một thì rạng sáng ngày mùng hai, cộng quân phản bội hoà ước, bắt đầu tổng tấn công vào nhiều thành phố và xóm làng tại miền Nam. Riêng tại Huế, nhiều ngàn người bị giết chết bằng đủ kiểu cách, bị giết cá nhân cũng như bị giết tập thể. Thời điểm đó, quê hương tôi trận chiến cũng xảy ra nhưng ở mức độ không ác liệt như ở Huế. Năm 1968 tôi còn là một học sinh nên cũng chẳng để ý nhiều về cuộc chiến. Tôi chỉ nghe tin tức trên đài phát thanh nhiều hơn là đọc báo. Do đó nhiều hình ảnh tang thương của quê hương, cũng như cảnh chết chóc của đồng bào tại Huế tôi khó mà mường tượng. Khi lập gia đình, vợ tôi là người Huế và có 2 người chú ruột cũng bị cộng quân giết chết vào Tết Mậu Thân nên tôi mới hiểu nhiều hơn. Ra hải ngoại đọc thêm nhiều hồi ký, nhiều sách truyện của những tác giả là chứng nhân đã viết như “Giải Khăn Sô cho Huế” của Nhã Ca, tôi mới thấy được một cuộc chiến quá dã man, nhiều kiểu giết người không gớm tay.



Mùa Xuân Quý Sửu - Hiệp Định Đình Chiến Paris 1973:


   Rồi một mùa Xuân nữa lại trở về trong niềm hân hoan chờ đón của toàn dân miền Nam Việt Nam, mặc dù hình ảnh Tết Mậu Thân 5 năm về trước vẫn còn ấn tượng cho người dân Huế. Nhưng đối với các thành phố khác, không khí tiết Xuân đã làm cho lòng người hân hoan đón chào sau một năm dài vất vả với công ăn việc làm. Đặc biệt vào mùa Xuân năm ấy, dân tộc mình còn gì vui hơn khi được tin Hiệp Định Đình Chiến Paris vừa được ký kết vào ngày 27.1.1973 tức là ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Tý. Tin tức về Hiệp Định Đình Chiến được truyền đi nhanh chóng trên những phương tiện truyền thông. Chiến tranh tại Việt Nam được chấm dứt. Lúc đó tôi nghĩ ngợi mông lung. Có lẽ tôi cũng cùng tâm trạng như mỗi chiến sĩ quân lực VNCH trên khắp mọi nẻo đường đất nước, như mỗi tân binh, như mỗi sinh viên sĩ quan, ai ai cũng vui mừng khôn tả rằng hoà bình đến với quê hương Việt Nam. Mỗi người có thể dệt ước mơ cho mình một cuộc sống thanh bình thời hậu chiến.



   Riêng tôi thì mong ước tiếp tục cuộc đời sinh viên thuần tuý mà mình đã đến và đã xếp bút nghiên ra đi tòng quân cứu nước:

“Trả lại em yêu khung trời Đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”





   Bây giờ tôi sẽ trở lại con đường xưa yêu dấu, cố gắng học thành tài và mong rằng góp phần xây dựng quê hương thời hậu chiến. Một trời ước mơ đến với tôi ! Bạn bè tôi cũng vậy. Đứa nào cũng có văn bằng tối thiểu là tú tài 2 để được tuyển chọn vào quân chủng Hải quân Quân lực VNCH. Có bạn đã vào đại học được một, vài, ba năm trước khi bị động viên vào lính. Giờ đây, đất nước thái bình thì sẽ tiếp tục việc học trở lại để trở thành những chuyên gia với kiến năng đa hiệu, sẽ giúp ích cho xã hội, góp phần tái thiết quê hương - một quê hương  đã phải gánh chịu bao cảnh tang thương, ruộng vườn nhà cửa… bị tàn phá qua những năm dài chinh chiến. Thật là một tầng lớp nhân tài, những chuyên viên ưu tú của đất nước thời hậu chiến.






   Lúc bấy giờ tôi đang thụ huấn giai đoạn 2 tại trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Trước khi tôi được thuyên chuyển từ Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân Sài Gòn ra Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang thụ huấn, chúng tôi đã được huấn luyện căn bản quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung kéo dài 3 tháng. Tiếp theo là đi thực tập trên các chiến hạm của Hải Quân VNCH. Riêng tôi cũng đã được phân phối đi thực tập trên Hoả Vận Hạm HQ471 (2 tháng) và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 (7 tháng) để làm quen với biển cả cũng như học hỏi về hải nghiệp.

   Đi tàu biển tôi mới hiểu được cụm từ “cho cá ăn chè” hoặc “ôm sô”. Trên chiến hạm Nhật Tảo HQ10, nhóm SVSQ chúng tôi gồm có 10 bạn và được chia làm 3 ca (quart), còn gọi là phiên. Tôi trực thuộc một ca. Trưởng ca là HQ Thiếu uý Lê văn Từ, thủ khoa Khoá 19 SQHQNT ngành Chỉ huy. Trong thời gian đi thực tập trên chiến hạm, tôi đã học được rất nhiều điều hữu ích về hải nghiệp với sự chỉ dẫn tận tình của sĩ quan trưởng ca.

   Tôi còn nhớ vào một hôm biển động mạnh, trời mưa, tôi hết ca từ đài chỉ huy HQ10 đi xuống phòng ngủ, mặt mày hơi tái xanh vì khá mệt. Bạn bè hỏi thăm tôi rằng có “cho cá ăn chè” không?. Tôi không hiểu và hỏi: Hôm nay nhà bếp có nấu chè sao? Các bạn cười rộ. Một bạn thốt lên: Tụi nó hỏi mầy rằng biển động như vậy mầy có bị “mửa” không đó. Từ đó tôi mới hiểu cụm từ “cho cá ăn chè”.

   Trước khi gia nhập vào Hải quân tôi cũng thường nghe nhạc phẩm Hoa Biển của nhạc sĩ Hải quân Anh Thy. Khi đi thực tập trên chiến hạm ngoài biển khơi hàng tuần, tôi mới hiểu được hoa biển trong văn chương. Khi sóng nhẹ, hoa biển xuất hiện trên mặt biển dưới bóng trăng đêm với vẻ đẹp nên thơ, nhưng khi trùng dương dậy sóng, hoa biển được bắn tung toé lên đài chỉ huy của chiến hạm, nơi đâu cũng thấy toàn là hoa biển thì mới thấm thía về cuộc đời “thuỷ thủ và biển cả”. Nhưng đổi lại, đó là lúc tập luyện “sự nhẫn nại của con người và chắc chắn sẽ hữu ích cho cuộc đời” và cuộc đời tôi đã chứng minh và đã trải qua.





   Là sinh viên sĩ quan (SVSQ), vào mùa Xuân Quý Sửu chúng tôi đang mang cấp bậc tương đương Chuẩn uý (dấu hiệu Alpha Omega). Khoá đào tạo Sĩ Quan Hải Quân của chúng tôi kéo dài 2 năm. Chúng tôi được tiếp tục đào tạo chuyên môn gần 9 tháng nữa mới tốt nghiệp. Việc học hành nơi quân trường cũng khá gian nan. Những môn học như toán bậc đại học để ứng dụng vào lãnh vực điện tử, môn điện kỹ nghệ, môn điện tử, môn thiên văn học, quản trị học, lãnh đạo chỉ huy, nhiên liệu, cơ khí, hàng hải, Anh văn v.v. đủ làm cho mỗi sinh viên chúng tôi đừ người. Mỗi ngày có từ 6 đến 8 giờ học ở giảng đường. Ngoài ra còn có thêm thời gian luân phiên đi tham quan và thực tập trên các chiến hạm. Ngoài giờ ở phòng học, chiều về chúng tôi còn phải tập diễn hành nơi sân vận động của quân trường để chuẩn bị cho cuộc diễn hành mừng ngày Quân Lực 19.6.1973 tại Sài Gòn.





   Vào ban đêm, SVSQ chúng tôi lại phải vào giảng đường để ôn bài cho tới khuya, chuẩn bị cho những kỳ thi sau mỗi thời gian học. Tinh thần học tập của SVSQ cũng khá căng thẳng vì SVSQ nào cũng sợ thi bị rớt, nhất là vào kỳ thi tốt nghiệp. Đối với những SVSQ thi rớt ở giai đoạn 1 (sau 1 năm thụ huấn đầu tiên) thì cũng phải bị đưa ra đơn vị và mang cấp bậc Trung sĩ. SVSQ đó cũng phải chờ 2 năm, cách 1 khoá kế tiếp mới được về học lại từ đầu. Còn đối với SVSQ thi rớt ở kỳ thi tốt nghiệp thuộc giai đoạn 2 thì cũng phải bị đưa ra đơn vị với cấp bậc Chuẩn uý. Lẽ tất nhiên Chuẩn uý sẽ không được thăng cấp tự động mà phải chờ đợi khoá thứ 2 kế tiếp mới được trở về học lại 1 năm, rồi thi tốt nghiệp trở lại.




Biệt Điện Bảo Đại tại Nha Trang





   Vào một buổi chiều tối Xuân, tôi thuộc toán SVSQ đi ứng chiến tại Biệt Điện Bảo Đại nằm ở phía Nam thành phố Nha Trang gần trường Sĩ Quan Hải Quân, cách khoảng vài ba cây số. Biệt Điện được xây dựng trên ngọn đồi không cao lắm, đủ tầm nhìn ra khơi và hướng về phố thị. Nhìn ra biển, mặt nước xanh biếc. Cận bến bờ Cầu Đá là thương cảng Nha Trang, nơi đó chúng tôi có thể tập lái những chiếc ca-nô (yuyu), dùng để chở quân đổ bộ khi học về môn vận chuyển. Thấp thoáng những đợt sóng êm đềm lướt theo làn gió Xuân nhè nhẹ tạo thành những âm điệu rì rào rung cảm lòng người lữ thứ. Hướng về thương cảng, cách Biệt Điện khoảng 400 mét đường chim bay là Hải Học Viện Nha Trang được thành lập vào năm 1922. Từ năm 1969 Hải Học Viện trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, là nơi lưu trữ các dữ kiện về địa chấn học, chu kỳ thuỷ triều và hải lưu vùng biển Đông.

   Chung quanh Biệt Điện có nhiều loại bông hoa đua nhau nở rộ, màu sắc rực rở như chào đón chúa Xuân. Thêm vào đó, có nhiều cây cảnh, cành lá xum xuê, rất đẹp. Đặc biệt là loại cây hoa sứ, mùi thơm ngây ngất. Nhiều đàn chim se sẻ chiều tối tụ về tổ ấm trên những cành cây ca hót líu lo, đón chào mùa Xuân mới.

   Hướng về thành phố Nha Trang, bên cạnh là phi trường, ánh điện muôn màu như ngàn sao lấp lánh vào những đêm trăng mùa hè, toả sáng cả một phương trời phố thị thân yêu đang bừng lên sức sống. Con đường Duy Tân với những cột điện bên đường ẩn hiện trong những hàng cây dương liễu cao vút, vươn mình theo gió, chạy dọc theo bờ biển hình bán nguyệt với bải cát trắng xoá, lung linh như những ánh sao rơi. Xa xa nhìn về phía Bắc hướng cầu Hà Ra và cầu Bóng của thành phố Nha Trang, nhiều chiếc thuyền nan ẩn hiện với những ánh đèn trên mui ghe chiếu sáng như báo hiệu một cuộc sống thái hoà.





   Sau một đêm ứng chiến bình an, sáng thức dậy tâm hồn thật phơi phới. Tôi hít hơi thở thật sâu. Lồng ngực căng phồng, phổi tràn đầy không khí trong lành của gió biển vào Xuân trước vườn cây xanh tươi đâm chồi nở nhuỵ. Lòng mình khoan khoái biết bao hoà cùng với bướm lượn, hoa cười đón mừng chúa Xuân. Nàng Xuân đẹp quá, dễ thương quá, tôi thầm hát:



Nàng Xuân đến giáng Xuân diễm kiều thầm yêu ai đó

Nàng Xuân hởi với tôi hảy cùng cùng hoà tiếng tơ

Tôi đón Xuân với lòng thấm thiết

Tôi đón Xuân với niềm hân hoan

Tôi đón Xuân với tình bát ngát

Tôi với Xuân vô vàng niềm yêu

(Nhạc phẩm Nàng Xuân của Tôi của Nguyễn Hữu Thiết)





   Vào buổi sáng tinh sương, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ứng chiến, toán SVSQ chúng tôi trên đường từ Biệt Điện trở về quân trường gặp nhiều xe cộ chạy ngược chạy xuôi. Những khuôn mặt trai trẻ tràn đầy vui tươi, yêu đời trong những ngày đầu Xuân hiền hoà của miền Nam tự do.





   Trước những cảnh tượng đó, trong tôi hiện lên niềm vui khôn tả và thoáng chốc những vần thơ xuất hiện. Tôi đã chọn 3 chữ đầu làm tựa đề cho bài thơ:



Xuân Thanh Bình nay về trên đất Mẹ

Ngàn đoá hoa đua nở đón Xuân sang

Màu Xuân tươi nhuỵ thắm cánh mai vàng

Cây cỏ ướm mầm non Xuân Dân Tộc

Xuân nay về không còn nghe tiếng khóc

Bom đạn thù gây chết chóc thê lương

Mẹ Việt Nam giòng lệ hết trào tuôn

Màu chinh chiến phai nhoà trong dĩ vãng

Gió Xuân về bầu trời xanh quang đãng

Dân tộc mình hạnh phúc đón Xuân sang

Xuân vui tươi rộn rã khắp thôn làng,

Nơi phố thị hồi sinh bừng sức sống !

(Nguyễn Văn Phảy

Xuân Quý Sửu 1973 tại Nha Trang)





   Tâm trạng của tôi lúc bấy giờ tràn đầy niềm vui với mùa Xuân Thanh Bình hy vọng. Đó là mùa Xuân Quý Sửu 1973. Tôi luôn ước mong, tiếp nối sẽ là những mùa Xuân hiền hoà, Xuân an vui đến với quê hương và dân tộc Việt Nam. Đó là những mùa Xuân không chiến tranh, không bom đạn, không thù hằn, không tiếng khóc.

   Nhưng rồi, những tháng ngày kế tiếp trôi qua. Tôi và bạn bè đã thất vọng về Hiệp định Đình chiến Paris 1973. Chiến sự vẫn tiếp tục. Tin tức cho biết, những đoàn xe tăng T54, súng đạn của Liên Xô, Tàu cộng và của khối cộng sản đông Âu, được tiếp tục chuyên chở vào miền Nam cùng những đoàn quân trai trẻ, gồm nhiều bộ đội cộng sản Bắc Việt chưa tròn 18 tuổi. Tất cả phục vụ chiến trường nhằm thực hiện âm mưu thôn tính miền Nam của quốc tế cộng sản.





   Thế là theo thời gian, ước mơ hoà bình đều tan biến trong tôi và bạn bè. Khoá đào tạo Sĩ quan Hải quân Đệ Nhị Song Ngư của chúng tôi, ngày qua ngày vẫn được diễn ra như thường lệ.





   Ngày 19.6.1973, để biểu diễn sức mạnh của Toàn Quân Dân VNCH, khoá chúng tôi lên đường về Sài Gòn để diễn hành mừng Ngày Quân Lực. Đó cũng là niềm tự hào của quân chủng Hải Quân chúng tôi.








   Và rồi, sau 2 năm dài học tập, tôi cùng với 279 bạn bè cùng trang lứa, là những SVSQ với những năm dài thụ huấn hải nghiệp, đã chính thức tốt nghiệp với kỳ thi khá khó khăn. Có một số SVSQ bị hỏng trong kỳ thi mãn khoá. Một buổi Lễ Tốt Nghiệp được tổ chức rất trọng thể vào ngày 01.09.1973 tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang với sự tham dự và chủ toạ của đại diện chính phủ VNCH cũng như Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân và thân nhân của chúng tôi.





   Rồi từ đó chúng tôi chính thức mang lon Hải Quân Thiếu uý (dấu hiệu Omega) trên vai. Sau 1 tuần lễ nghỉ phép, với trọng trách của một tân Sĩ Quan Hải Quân, khoá chúng tôi được tung đi tân đáo trên các chiến hạm, ở các đơn vị duyên hải và giang đoàn khắp mọi nẻo đường đất nước.







   Tôi nằm trong danh sách 30 tân sĩ quan có số điểm thi tốt nghiệp cao nhất khoá, được đi thực tập tại Đệ Thất Hạm Đội Mỹ nên phải về Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn để chuẩn bị Anh ngữ nên không được đi phép 1 tuần. 





Mùa Xuân Giáp Dần - Hải Chiến Hoàng Sa 19.1.1974:


   Thắm thoát gần 1 năm Hiệp định Paris được ký kết. Vào những ngày đầu năm 1974, với sự hợp tác của Trung cộng, cộng quân Bắc Việt đã gia tăng tấn công trên đất liền tại miền Nam để làm suy yếu lực lượng đối kháng của quân lực VNCH. Thừa cơ hội, Mao Trạch Đông chỉ thị cho Đặng Tiểu Bình để họp bàn với các cấp lãnh đạo nhằm thực hiện cuộc hành quân biển để tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung cộng thành lập một lực lượng hải quân đặc nhiệm thật hùng hậu. Chúng chia làm 2 phân đội. Một phân đội tấn công đi trước gồm có 2 Liệp Tiềm Đỉnh (loại Hộ Tống Hạm) Kronstadt K271 và K274, 2 Tảo Lôi Hạm (loại Trục Lôi Hạm) 389 và 396 và 2 Liệp Tiềm Đỉnh khác là 281 và 282, cộng thêm những tàu đánh cá có vũ trang mang danh số 402 và 407… Một phân đội tiếp ứng khác theo sau cùng tiến ra quần đảo Hoàng Sa nhằm xâm lăng biển đảo của ta. Cuộc hành quân biển của Trung cộng do Phó Đô Đốc Phương Quang Kinh, Tư Lệnh Phó Hạm Đội Nam Hải Trung cộng chỉ huy.








Tổ lãnh đạo Trung cộng 6 người gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa. Đặng Tiểu Bình tuy là Phó nhưng lấn lướt luôn quyền của Thống Chế Diệp Kiếm Anh. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cũng tham gia điều động lực lượng.


Những chiến hạm của Hải quân Trung cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.






Phóng đồ điều quân của trận hải chiến Hoàng Sa quanh hai đảo Duy Mộng và Quang Hoà Đông.






Những chiến hạm của Hải Quân VNCH





Lúc bấy giờ Tuần Dương Hạm HQ16 của HQ VNCH đang tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa biết được nhiều tàu chiến cũng như những tàu đánh cá được ngụy trang vũ khí của TC xâm nhập vào nhóm đảo Nguyệt Thiềm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tức thì HQ16 báo cáo về Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải (TLV1DH), lúc đó Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải. Sau đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH đã chỉ định HQ Đại tá Hà Văn Ngạc (K5-SQHQNT) đương kim Hải Đội Trưởng Hải đội 3 tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải. Lúc bấy giờ TLV1DH là Tư Lệnh chiến trường và là vị Chỉ huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm gồm các chiến hạm đương nhiệm và tăng phái cho chiến dịch Hoàng Sa.




                                                                           Phó Đề Đốc Hồ văn Kỳ Thoại                HQ Đại tá Hà văn Ngạc                
                                                                                            Tư Lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải          Chỉ huy Trưởng Chiến Thuật (OTC)

   Khi Hải Quân Đại tá Hà văn Ngạc từ Sài Gòn ra đến Bộ TLV1DH thì Vị Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải chỉ định Hải quân Đại tá Hà văn Ngạc làm Chỉ huy Trưởng Chiến Thuật cho chiến dịch bảo vệ biển đảo gồm có các chiến hạm sau đây:

- Khu Trục Hạm HQ4, Hạm trưởng là HQ Trung tá Vũ hữu San (K11-SQHQNT)

- Tuần Dương Hạm HQ5, Hạm trưởng là HQ Trung tá Phạm trọng Quỳnh (K11-SQHQNT). HQ5 là Soái Hạm (OTC: officer in tactical command) vì HQ Đại tá Hà văn Ngạc hiện diện trên đó để chỉ huy chiến dịch.

- Tuần Dương Hạm HQ16, Hạm trưởng là HQ Trung tá Lê văn Thự (K10-SQHQNT) 

- Hộ Tống Hạm HQ10, Hạm trưởng là HQ Thiếu tá Nguỵ văn Thà (K12-SQHQNT).





     Tình hình chiến sự thời điểm đó rất căng thẳng. Áp lực của cộng quân Bắc Việt trên đất liền ngày càng gia tăng. Hải quân VNCH phải được phân tán mỏng ở các vùng duyên hải để ngăn chận Việt cộng xâm nhập bằng đường biển vào bờ ở miền Nam. Nhưng với quyết tâm bảo vệ biển đảo, không thể để một tấc đất nào lọt vào tay giặc phương Bắc như các bậc tiền nhân căn dặn, Hải quân VNCH đã giáng cho Hải quân Trung cộng một trận quyết liệt gây tổn thất nặng nề cho TC từ khoảng 10:25 phút đến khoảng 11:10 phút ngày 19.01.1974 tức là ngày 27 tháng 12 năm Quý Sửu mặc dù lực lượng ta yếu kém hơn so với lực lượng HQ Trung cộng.




Trong thời gian từ ngày 16.1.1974 đến 18.4.1974, có lần Khu Trục Hạm HQ4 ủi đụng tàu đánh cá TC mang số 407 được vũ trang khi chúng chạy chận đầu HQ4 để khiêu khích.





   Trong trận hải chiến 19.1.1974, tôi có 6 người bạn cùng khoá Đệ Nhị Song Ngư Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang hiện diện trên các chiến hạm. Tôi cũng được nghe các bạn bè hiện đang định cư tại hải ngoại đã tham dự trận Hải Chiến Hoàng Sa kể lại một số chi tiết về trận chiến.

   Để đối đầu với lực lượng Hải quân TC, lực lượng ta được phân chia trách nhiệm như sau:

   -  HQ16 >< T396
   -  HQ10 >< T389
   -  HQ 4 ><  K271
   -  HQ 5 ><  K274





   Theo như lời người bạn cùng khoá, HQ Thiếu uý Nguyễn Văn Quý trên HQ5 kể cho tôi nghe khi tôi qua Hoa Kỳ thăm viếng năm 2005 cũng như bạn cùng khoá Nguyễn Hoà Nguyên liên lạc với bạn Quý vào đầu năm nay đã ghi lại như sau:





“… HQ5 từ Vũng Tàu ra đến Hoàng Sa buổi chiều 18.1.1974. Biển Hoàng Sa lúc đó đang ở vào mùa biển một, biển phẳng lặng, êm, rất êm! HQ5 tức khắc nhập đoàn cùng với HQ4 và HQ16 đang có mặt tại chỗ, cả 3 chiến hạm vào nhiệm sở tác chiến, lập đội hình "biểu dương lực lượng". Các tàu Trung cộng thoạt đầu nhìn thấy đội hình các tàu của ta thì họ chạy dạt ra xa, e dè quan sát. Chỉ một lúc sau đó, họ cũng lập đội hình "biểu diễn giỡn mặt". Các tàu Trung cộng nhỏ hơn nhưng chạy nhanh hơn, chúng chạy lượn quanh, chạy chận đầu các chiến hạm của ta. Phía hữu hạm HQ5, có một chiếc tàu Trung cộng chạy xé sóng, đâm tới nguy hiểm, khi còn cách khoảng 100 mét thì nó thình lình đổi hướng chạy song song với HQ5. Trên tàu, lính Trung cộng cởi trần, múa may, chỉ trỏ, la ó khiêu khích, khiến các chiến sĩ của ta thấy vui rồi nổi nóng. Một trận đấu võ miệng hai bên, từ trên xuống dưới, mạnh ai nấy chưởi, tiếng Việt và tiếng Tàu bằng loa và bằng mồm đã diễn ra…”





* Toán công binh và nhân viên Toà Lãnh Sự Mỹ ông Gerald Kosh lên đảo Quang Hoà:


(Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, ông Jerry Scott là bạn của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, TLV1DH, là 1 cưụ Sĩ Quan HQ Mỹ, xin phép Đô Đốc Thoại cho ông Gerald Kosh theo HQ16 để biết Hoàng Sa. Sự thực Toà Lãnh Sự Mỹ có ý gì hay ông Gerald Kosh có làm việc cho CIA hay không thì vị TLV1DH không biết.)





   Theo như người bạn cùng khoá HQ Thiếu uý Phan Công Minh thuộc HQ5 tóm lược nhiệm vụ đưa toán công binh và cố vấn Mỹ vào đảo đêm 18.1.1974:





“… Sau nhiều lần kiểm tra đạt yêu cầu, Đại Tá Ngạc mới chính thức giao nhiệm vụ cho Thiếu uý Minh để đưa đoàn công tác lên đảo Hoàng Sa vào tối khuya ngày 18.1.1974.


    Cùng đi với Thiếu uý Minh có hai nhân viên cơ hữu HQ5 để lái ca nô (yuyu) và chống mũi. Trung uý Nguyễn minh Cảnh chỉ huy toán hải kích đi chung. Kéo theo sau là hai xuồng cao su do hai nhân viên hải kích cầm lái chở đoàn công tác công binh và một nhân viện toà lãnh sự Mỹ, Gerald Kosh. Vũ khí đem theo là mấy khẩu M16. Sau khi rời chiến hạm các chiến sĩ ta đi trong tình trạng im lặng vô tuyến mặc dù có mang theo một máy PRC 25. Đó là chỉ thị của Đại tá Ngạc nhằm bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc hành quân. Chỉ liên lạc vô tuyến khi cần thiết mà thôi. Gần một giờ trôi qua thì đảo hiện ra lù lù một đống đen ngòm trước mặt, ca nô giảm máy chạy từ từ tiếp cận đảo.


    Gần tới đảo, một nhân viên của đoàn công binh dùng đèn pin ra ám hiệu với đơn vị trên đảo, tất cả đều rất căng thẳng. Một ánh đèn pin lóe lên, tất cả hồi hộp, sau một loạt tín hiệu người liên lạc thốt lên:" phe ta"! tất cả thở phào nhẹ nhỏm. Trung uý Cảnh nói với Thiếu uý Minh : "anh em mình thoát nạn !". Sau khi đưa toán công binh lên đảo an toàn, HQ Thiếu uý Minh và 2 nhân viên cơ hữu quay trở lại chiến hạm. Trên đường về cũng hơi lo lắng nhiều, vì đêm tối như mực.





   Bạn Minh kể tiếp: “Tôi đã thi hành xong nhiệm vụ được giao phó. Chỉ một lần tiếp xúc với Đại tá Ngạc, tôi nhận thấy Ông là một vị chỉ huy có trách nhiệm, biết dự trù các tình huống, cẩn thận, trầm tĩnh biết cách sử dụng và động viên nhân viên dưới quyền, theo tôi biết ông thức gần sáng đêm để vạch kế hoạch cho cuộc hành quân tái chiếm các đảo đã bị Trung cộng lấn chiếm.”





   Sáng sớm ngày hôm sau là ngày 19.1.1974, nhận được thông tin từ Sài Gòn ra lệnh tái chiếm các đảo bị địch lấn chiếm. Các Sĩ Quan trưởng khẩu của những chiến hạm đều quyết tâm bắn chiến hạm địch trước. Tuy nhiên bộ chỉ huy hành quân cũng đã phân tích lợi hại, và đã thống nhất phương án đổ bộ lên đảo.



* Toán Hải kích từ HQ 5 vào đảo:

  HQ Thiếu uý Minh kể về toán Hải kích từ HQ5 vào đảo như sau:





    Khoảng gần 7 giờ sáng ngày 19.1.1974, HQ5 cho đổ bộ toán người Nhái Hải kích do Thiếu uý Đơn chỉ huy. Các người lính Hải kích bận quần sọt ở trần, võ trang súng M16, M18, M79 cả AK bá xếp và B40, đại liên M60, M72 và dao găm.

   Khi toán Hải kích tới đảo, Thiếu uý Đơn, trưởng toán, cho dàn hàng ngang chuẩn bị xung phong. Từ chiến hạm HQ5 Thiếu uý Minh thấy lính TC chạy ra ngăn. Thiếu uý Đơn giơ cao khẩu colt 45 hô xung phong. Một Hải kích tên Long cầm khẩu đại liên M60 xung phong nã đạn về phía địch, địch bắn trả từ những công sự đã bố trí sẵn. Quân ta anh dũng nhưng tình thế hoàn toàn bất lợi do địa hình hoàn toàn trống trải. Đội hình của toán đổ bộ còn nằm gần nửa người dưới nước biển. Hậu quả, Hạ sĩ Long tử trận, Thiếu uý Đơn cũng bị một viên đạn bắn trúng vào đầu, trong khi tay còn giơ cao khẩu colt 45 hô xung phong, vài nhân viên khác bị thương. Lúc nầy đạn thượng liên địch bắn xối xả, cày một lằn chắn ngang trước mặt toán đổ bộ, tạo thành một hàng rào chắn ngăn không cho toán đổ bộ tiến lên, nước bắn lên tung tóe, từ chiến hạm nhìn thấy rất rõ .


    Thấy tình thế bất lợi hoàn toàn, bộ chỉ huy hành quân đành cho lệnh rút quân về chiến hạm. Các nhân viên bị thương đưa sang HQ4, còn các tử sĩ được quàng tại kho thả bóng của HQ5. Bộ chỉ huy hành quân báo cáo về Sài Gòn. SG ra lệnh tạo điều kiện tái lập đầu cầu đổ bộ tiến chiếm lại đảo. Bộ chỉ huy hành quân trình phương án mới là sẽ tấn công các chiến hạm địch trước, vì tái đổ bộ là không thể thực hiện được, SG chấp thuận. Lệnh ban ra là các chiến hạm pháo lên đảo, nếu chiến hạm địch tấn công ta, chiến hạm ta sẽ bắn trả (phải tuân thủ qui chế ngoại giao quốc tế). Song tình hình thực tế không thể làm như vậy được. Đại Tá Ngạc trình phương án mới là cho HQ10 pháo lên đảo Quang Hòa, làm hiệu lệnh tấn công, tất cả chiến hạm ta sẽ đồng loạt tấn công địch trước. SG chấp thuận, lệnh tác chiến được triển khai chi tiết đến các chiến hạm, phân định mục tiêu rỏ ràng cho từng chiến hạm, từng trưởng khẩu. Lúc nầy các khẩu pháo của cả hai bên tham chiến đã đồng loạt chỉa thẳng vào nhau.





    Giờ G đã điểm, lúc nầy khoảng 10 giờ 25, trước đó ít lâu Đại Tá Ngạc cho mở máy âm thoại, tất cả hệ thống liên lạc đều nghe rõ tiếng pháo lịch sử phát ra từ chiến hạm Hộ Hống Hạm Nhật Tảo HQ10, mở màn cho cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 …(hết trích).





Hình minh hoạ của TC, diễn tả lúc lâm chiến giữa các chiến hạm TC và VNCH vào khoảng 10:30 phút ngày 19.1.1974.


Hình do báo chí TC phổ biến trên mạng giữa chiến hạm của HQ VNCH và của HQ TC



Những phát đạn đầu tiên:

   Theo như người bạn HQ Thiếu uý Phạm Thế Hùng trưởng khẩu đại bác 41 ly bên tả hạm cũng như HQ Trung uý Hà văn Ngân trưởng khẩu 76,2 ly trên HQ10 cùng thuật lại đại ý như sau:

“…Vào sáng ngày 19.1.1974, các chiến hạm chạy loanh quanh với nhau chừng 2 vòng, các chiến hạm của Trung cộng từ từ lảng ra xa hơn. Như một dấu hiệu khác thường, Hạm trưởng HQ10 liền xin lệnh trên cho mở bao súng, hạ nòng xuống, nạp đạn và đề phòng mọi bất trắc, nhưng lệnh trên không cho phép.
    Chừng nửa giờ sau, 2 trong 4 chiến hạm của Trung cộng xích lại chạy song song với nhau. Như một kinh nghiệm chiến trường thúc đẩy Hạm trưởng ra lệnh hạ nòng súng, tháo bao, nạp đạn sẳn sàng và quay súng về phía tàu Trung cộng.
    Ít phút sau, hai tàu Trung cộng này chạy gần sát vào nhau và thình lình cùng quay mũi song song tiến về phía HQ10, hướng 3:00 giờ.
    Hạm trưởng ra lệnh tất cả súng hướng về mục tiêu 1 và mục tiêu 2.
    HQ Trung uý Hà văn Ngân ở ụ súng lớn phía trước mũi (khẩu 76.2 ly) được lệnh nhắm vào mục tiêu 1.
    Hạm trưởng lại xin lệnh nổ súng một lần nữa nhưng được trả lời chờ Sài Gòn quyết định.
Thần kinh thật căng thẳng, 2 tàu Trung cộng cứ từ từ đến gần, khi còn cách khoảng 200 thước - 250 thước, Hạm trưởng hét lớn "Bắn". Tất cả hỏa lực trên tàu cùng nhả đạn. HQ10 khai hỏa đầu tiên do lệnh của chính Hạm trưởng ban ra.

Bên trái là phóng đồ 2 chiến hạm Trung cộng (389, 396) đang chỉa mũi thắng vào chiến hạm HQ10 để tận dụng tối đa hoả lực 2 bên chiến hạm của chúng để tấn công vào HQ10 trước khi trận hải chiến xảy ra. Ở vị thế nầy gần như một nửa hoả lực bên tả hạm HQ10 bị hạn chế tác xạ.

    Khoảng 5 phút sau, mục tiêu 1 (tàu Trung cộng) bốc khói mịt mù và lùi lại phía sau, tất cả hỏa lực trên chiến hạm HQ10 lại nhắm vào mục tiêu 2. HQ10 đến lúc này vẫn an toàn, đạn từ tàu Trung cộng bắn tới đều bay qua đầu hoặc nổ trên mặt nước trước mặt.
    Vài phút sau, mục tiêu 2 cũng bốc khói, mục tiêu 1 tuy còn chút khói bốc lên, chạy trở vào gần HQ10, bắn trả lại HQ10 và HQ10 bắt đầu trúng đạn của tàu Trung cộng.
    HQ10 bị trúng trái đạn đầu tiên ngay trên đài chỉ huy, Hạm trưởng cùng các sĩ quan và thủy thủ có nhiệm sở tác chiến trên đài chỉ huy chết hết, trừ Hạm phó bị thương nặng, bò xuống được sàn tàu…” (hết trích).

   Và cũng theo như bạn HQ Thiếu uý Phạm Thế Hùng trên HQ10 kể thì tinh thần chiến đấu của thuỷ thủ đoàn ở các chiến hạm ta rất anh dũng. Khẩu đại bác 42 ly bên hửu hạm do người bạn cùng khoá là HQ Thiếu uý Vũ Đình Huân làm trưởng khẩu đã đồng loạt nả những loạt đạn đầu tiên vào chiến hạm TC. Khoảng 5 phút đầu giao tranh, HQ10 chủ động làm cho chiến hạm địch bị thương nặng và lúng túng. Sau đó HQ10 bị trúng đạn ở hầm máy và đài chỉ huy. Không may, Thiếu uý Huân bị tử thương khi giao tranh vì khẩu đại bác 42 ly bên hửu hạm đối diện trực xạ với chiến hạm địch. Tức thì bạn Hùng đang là trưởng khẩu đại bác 41 ly ở tả hạm cầm khẩu M16 chạy sang khẩu 42 ly để tiếp tục bắn tàu địch. Theo như HQ Thiếu uý Hùng cho biết thì HQ10 đã bắn được nhiều quả hải pháo 76,2 ly vào chiến hạm TC. Có khá nhiều vỏ đạn 76,2 ly nằm rải rác tại giàn pháo 76,2 ly.

   Khi đài chỉ huy HQ10 bị trúng đạn, Hạm Trưởng cùng toàn thể nhân viên đi ca và nhiệm sở tác chiến trên đài chỉ huy tử thương, hầm máy cũng bị trúng đạn bốc cháy. Hạm Phó là HQ Đại Uý Nguyễn Thành Trí lúc đó cũng bị thượng nặng ra lệnh đào thoát. Tuy vậy, Hạ sĩ Lê văn Tây và Ngô văn Sáu đang tác xạ vào chiến hạm địch, không chịu rời nhiệm sở tác chiến ở khẩu đại bác 20 ly tại sân sau, để đào thoát. Trước khi nhảy xuống bè, Chuẩn uý Tất Ngưu cũng kêu gọi HS1VC Tây nhảy theo nhưng Hạ sĩ Tây từ chối và nói:  “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Chuẩn uý cứ nhảy đi.”.





   Tóm lại, theo như những lời kể của các bạn cùng khoá cũng như của HQ Trung uý Hà văn Ngân trưởng khẩu 76,2 ly trên HQ10 thì HQ10 khai hoả đầu tiên khi 2 Trục Lôi Hạm mang số 389 và 396 của TC chạy ủi thẳng góc vào hửu hạm HQ10, thay vì HQ10 tác xạ hải pháo lên đảo Quang Hoà để làm phát súng lệnh theo như kế hoạch của Bộ Chỉ Huy hành quân đề ra. Ngay sau khi HQ10 tác xạ vào chiến hạm TC thì tất cả súng của chiến hạm ta đồng loạt nả vào chiến hạm địch.



   Trên HQ4, người bạn cùng khoá là HQ Thiếu uý Nguyễn Phúc Xá cũng đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với kẻ thù TC.



Kết quả trận hải chiến:

- Trận hải chiến kéo dài khoảng trên 30 phút. Các chiến hạm VNCH không đuổi theo các chiến hạm Trung cộng khi chiến hạm TC bị thương nặng nên phải ủi vào bải đảo san hô gần đó. Ngược lại các chiến hạm Trung cộng cũng không đuổi theo các chiến hạm VNCH khi bị thương cũng như gặp trở ngại tác xạ rời vùng chiến đấu.

- Khi chiến hạm Trung cộng bị trúng đạn của ta, chúng ủi vào bãi san hô gần đó thì chúng cho xả những trái khói bịt bùng chiến hạm, để giảm tầm quan sát của ta.

- Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, 2 chiến hạm TC mang số 281 và 282 tăng viện vào vùng chiến bắn chìm chiến hạm Nhật Tảo HQ10 bất khiển dụng và đang lềnh bềnh tại vùng chiến.

- Ngoài ra, không có chiến hạm nào của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tiến vào nơi có cuộc giao tranh.


* Thiệt hại về phía HQ Việt Nam Cộng Hoà:






- Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bắn chìm. HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà với 42 quân nhân khác bị tử thương, trong đó có Hạm Phó HQ Đại uý Nguyễn Thành Trí. 32 người mất tích, 23 thủy thủ trôi dạt trên biển được tàu của hãng Shell vớt, 16 chiến sĩ khác trôi dạt trên thuyền cao su về đến Quy Nhơn.

- Hai Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5 bị hư hại, mỗi chiến hạm có hai chiến sĩ bị tử thương.

- Tuần Dương Hạm HQ16 bị trúng đạn nghiêng một bên, được lệnh quay về Đà Nẵng, có một chiến sĩ bị tử thương.

- Có 43 chiến sĩ trên đảo đã bị bắt làm tù binh, trong đó có cố vấn Mỹ, Mr Gerald Kosh, được đưa về Quảng Châu, sau đó được trao trả cho VNCH qua Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.



* Thiệt hại về phía Trung cộng:

 Theo tài liệu nghiên cứu của nhà biên khảo, Bác sĩ Trần Đại Sĩ ở Pháp, từng đi công tác tại Trung cộng thì cho biết sự thiệt hại của Trung cộng như sau:

-               Liệp Tiềm Đỉnh (Hộ Tống Hạm) Kronstadt, ký số 271, Hạm trưởng là Đại-tá Vương Kỳ Vy, tử thương. Chiến hạm K271 bị chìm.

-               Liệp Tiềm Đỉnh (Hộ Tống Hạm) Kronstadt, ký số 274, Hạm trưởng là Đại-Tá Quan Đức, tử thương. Đây là soái hạm của chiến dịch. Tư lệnh mặt trận là Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh phó Hạm đội Nam Hải của Trung cộng tử thương. Hộ tống hạm K274 bị hư hại nặng và ủi vào bãi san hô Quang Hoà. Sau đó được trục vớt đưa về đảo Hải Nam.

-               Tảo Lôi Hạm (Trục Lôi Hạm), ký số 389, bị chìm, Hạm trưởng là Trung tá Triệu Quát, tử thương.

-               Tảo Lôi hạm (Trục Lôi Hạm), ký số 396, bị hư hại nặng, Hạm trưởng là Đại-Tá Diệp Mạnh Hải, tử thương.

Ngoài ra còn có nhiều sĩ quan và binh sĩ TC bị tử thương.


Soái hạm HQ TC, K274 bị chìm sau khi ủi vào bãi san hô ở đảo Quang Hoà.

Tác giả: Nguyễn Văn Phảy


No comments: