Wednesday, March 18, 2015

Cưỡi Sấm

Xin kính chuyển đến tất cả quý niên trưởng và chiến hữu vài chi tiết về cuốn phim Ride The Thunder. Kính mong quý vị đi xem và giúp chúng ta nói lên phần nào sự thật về cuộc chiến ở Việt Nam. Hiện tôi đang giữ 60 vé từ Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, xin liên lạc với tôi để lấy vé. Mỗi vé là $7 và chúng tôi hy vọng đạt được đích là 3,500 vé trong lần trình chiếu tại Westminster này.
Thành thật cảm ơn,
Trương Văn Song
Hội Trưởng Hội Hải Quân Cửu Long ​


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/204403-RideTheThunder-1-4.jpg

Một cảnh trong phim Ride The Thunder về trại tù cải tạo Nam Hà. (Hình: Fosters Films)
Ride The Thunder là một cuốn phim tài liệu, dựng theo nội dung cuốn sách có cùng tên, “Ride the Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph,” tạm dịch là “Cưỡi Ngọn Sấm: Câu chuyện về danh dự và vinh quang trong cuộc chiến Việt Nam,” phát hành năm 2009.
Cả sách lẫn phim đều là tác phẩm đầu tay của tác giả, và giờ đây, nhà sản xuất phim Richard Botkin.
Qua điện thoại, ông Richard Botkin cho nhật báo Người Việt biết, để viết sách và thực hiện phim, ông phải đọc cả 100 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, đi thăm Việt Nam 4 chuyến, để nghiên cứu, gặp gỡ và phỏng vấn nhiều nhân vật.
Giúp ông Richard Botkin thực hiện cuộn phim, ngoài đạo diễn Fred Foster, còn có nhiều khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, như nữ tài tử Kiều Chinh, trong vai trò một co-producer, cố vấn cho đội ngũ làm phim về lãnh vực nghệ thuật phim ảnh đằng sau ống kính.
Là một cuốn phim tài liệu “low budget,” Ride The Thunder không được quảng cáo rầm rộ, nhưng ông Richard Botkin tin chắc rằng tác phẩm của mình sẽ làm khán giả, nhất là những ai có dính líu đến Việt Nam, “xúc động.”
“Lý do, là vì câu chuyện được phim kể lại là chuyện thật, tiêu biểu của biết bao nhiêu người Việt tị nạn. Xem qua, hầu như ai cũng thấy hình ảnh của mình hay của người thân mình trong đó.” Ông Botkin nói.
Có ít nhất là một người đồng ý với ông.
“Cảnh về Quảng Trị làm tôi rớt nước mắt. Cha tôi trước kia phục vụ ở đó!” Một Facebooker ký tên Bình Nguyên viết trên trang Facebook của mình, sau khi xem khúc phim chiếu thử.
Cảnh được Facebooker Bình Nguyên nói đến là một cảnh tại Ðông Hà, Quảng Trị, vào Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972.
 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/204403-RideTheThunder2-4.jpg

Nữ tài tử Kiều Chinh  cùng nhà sản xuất phim Richard Botkin trong một cảnh quay tại Hawaii. (Hình: Fosters Films)
 
Huynh đệ chi binh
Trận chiến giữa hai bên lúc ấy ở trở nên ác liệt và vô cùng nguy kịch, khi Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị dồn vào tình thế trứng chọi đá, trước chiến thuật biển người của quân đội Bắc Việt.
“Chúng ta còn khoảng 700 quân sĩ. Phía bên kia sông, cộng sản có khoảng 20,000 người.” Người sĩ quan quân lực VNCH nói với đồng đội chung quanh bằng một giọng trầm buồn.
Ngồi đối diện ông trong ánh lửa đêm bập bùng, người cố vấn Mỹ, mồ hôi nhễ nhại, ánh mắt đẫm niềm lo lắng lẫn cảm thương, khẽ nói với người bạn đồng đội trong giây phút đó sẽ chia cùng một số phận:
“Nếu giữ được cây cầu, chúng ta sẽ bảo vệ được Ðông Hà.”
Không đáp lời, người sĩ quan VNCH lạnh lùng nói lớn, nét cả quyết không giấu hết được bi thương trên khuôn mặt.
“Lệnh của chúng ta là bảo vệ Ðông Hà, chúng ta chiến đấu ở Ðông Hà, và sẽ chết ở Ðông Hà!”
Chỉ qua những ánh mắt nhìn nhau ngắn ngủi, tài diễn xuất của hai tài tử đã cho khán giả cảm nhận được tình cảm huynh đệ chi binh gắn bó của hai người đồng đội khác chủng tộc, nhưng cùng một chiến tuyến. Ðó là tình cảm có thật của hai nhân vật có thật, cựu Trung Tá Lê Bá Bình, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và Ðại Úy John Ripley, một người trong nhóm cố vấn cho Tiểu Ðoàn 3, Thủy Quân Lục Chiến VNCH.
“Cây cầu” mà Ðại Úy John Ripley nói đến là cầu Ðông Hà, cây cầu kiên cố do công binh Hải Quân Hoa Kỳ xây bằng bê tông cốt sắt vào năm 1967, mà chỉ ít lâu sau, cả hai được cấp trên là Trung Tá Turley ra lệnh phá hủy, để ngăn chặn không cho chiến xa và thiết giáp của bộ binh Bắc Việt tràn vào Quảng Trị, và Huế.
 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/204403-RideTheThunder3-4.jpg

Một cảnh trong phim Ride The Thunder. (Hình: Fosters Films)
Ðại Úy John Ripley tình nguyện là người mạo hiểm phá cầu trong lúc hỏa lực của địch quân đang dầy đặc. Trước những cặp mắt theo dõi lo lắng và hồi hộp, ông nhận khối thuốc nổ nặng gần 500 lbs, bò dọc theo những thanh sắt dọc theo cầu, kiên nhẫn đặt từng thỏi mìn một. Trong lúc John Ripley gài mìn, Trung Tá Lê Bá Bình vừa bận rộn điều động 700 quân sĩ rải dọc theo hai bên cầu để bảo vệ đồng đội, vừa để mắt theo dõi từng động tác của người đồng đội chí thân.
Nhớ lại giây phút này, Trung Tá Lê Bá Bình kể với nhật báo Người Việt:
“Việc gài mìn không phải là việc của một cố vấn. Nhưng ông ấy làm vì tình cảm của mình, vì muốn làm một việc phi thường. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi yểm trợ bảo vệ ông. Vừa bắn, vừa nhìn ông, tôi vừa lo lắng. Chúng tôi bắn tác xạ tối đa về phía Việt Cộng, mình cố hết sức mình để bảo vệ, nhưng chiến tranh mà, ai đâu biết số kiếp ông như thế nào.”
“Ðặt xong bó mìn cuối cùng, ông ấy bò lên, hai chúng tôi nói thật lúc đó như tình nhân vậy, ôm chầm lấy nhau, thật chặt. Vừa ôm nhau vừa cảm ơn Trời Phật cho hai đứa còn sống sót.” Trung Tá Lê Bá Bình tâm sự.
“Ngày cuối cùng tôi gặp John Ripley ở Việt Nam là ngày chúng tôi từ căn cứ Ái Tử về dưỡng quân ở Thừa Thiên, Ripley mãn hạn về Mỹ cuối năm 1972. Ông Ripley là một người rất dễ thương, nụ cười luôn luôn ở trên môi. Lính (TQLC) rất thương ông. Ông rất mê thức ăn Việt Nam, nhất là món chả giò. Còn xuống bếp nói với tà lọt tôi chỉ cách làm chả giò, làm nước mắm cay để khi nào về nước, làm cho vợ ăn.”
Họ xa nhau một thời gian rất dài. Về nước Ðại Úy John Ripley được ban thưởng huy chương Navy Cross vì sự quả cảm trong việc phá hủy cầu Ðông Hà, rồi dần dà được thăng chức lên làm đại tá.
Trong khi đó, ở lại Việt Nam Trung Tá Lê Bá Bình tiếp tục trách nhiệm của một sĩ quan quân lực VNCH, rồi sau biến cố 30 Tháng Tư, bị giam cầm 12 năm trong các trại tù cải tạo.
Xa nhau ngàn dặm, và nhiều biến cố cuộc đời, không làm Ðại Úy John Ripley quên người đồng đội, và có thể nói là người đã giúp ông thoát lưỡi hái tử thần năm xưa, lúc điều động 700 chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến nã đạn vào quân địch.
Năm 2003, qua nhiều nỗ lực và quyết tâm của John Ripley, hai người tìm lại được nhau.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/204403-RideTheThunder4-4.jpg

Tác giả kiêm nhà sản xuất phim Ride The Thunder. (Hình: Fosters Films)
“Ngày John gọi điện thoại chúng tôi hét lên trong điện thoại vì mừng rỡ.” Trung Tá Lê Bá Bình kể. “Tôi ở San Jose, John cứ nhất định đòi mời tôi lên Washington, DC, Lúc đó, tôi còn bận lo kiếm cơm, làm gì có ngày nghỉ phép, làm gì có tiền đi đâu. Nhưng John cứ nằng nặc mời tôi qua.”
Ông kể tiếp:
“John bảo chính phủ còn nợ tôi một cái huy chương. Huy chương gì? Ði qua thì sẽ biết huy chương gì, do bộ trưởng Bộ Quốc Phòng thay mặt Tổng Thống Bush, trao cho. John nói.”
Thế rồi đùng một cái Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ gửi cho hãng của Trung Tá Lê Bá Bình một lá thư, yêu cầu tạo điều kiện cho ông đi Washington, DC, để nhận huy chương Silver Star, mọi phí tổn do Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đài thọ.
“Ngày được gắn huy chương, John cho tôi biết thêm một tin vui nữa là sau khi tôi trở về San Jose, sẽ có một trung tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tên là Richard Botkin đến tìm tôi, hỏi chuyện, để viết sách.”
 
Trả sự thật cho lịch sử
Ðược hỏi lý do viết thêm một cuốn sách rồi lại làm thêm một cuốn phim về Việt Nam, tác giả Richard Botkin nhắc lại câu nói bất hủ của cố Tổng Thống Nixon: “Không biến cố nào trong lịch sử Hoa Kỳ bị hiểu lầm hơn là chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến này trước đây bị tường trình sai lệch, và giờ đây được nhớ lại lại một cách sai lạc.”
“Gặp và nghe chuyện của Trung Tá Lê Bá Bình là chuyện tình cờ. Nhưng từ đó, tôi đã nghiên cứu nhiều vô cùng, đọc biết bao nhiêu tài liệu, cả trăm cuốn sách, và nói chuyện với rất nhiều người, để cuối cùng phải đi đến kết luận là, đa số sách viết sai về cuộc chiến này, sai về dữ kiện lịch sử, về con người, người dân, người lính VNCH và người cựu chiến binh Hoa Kỳ.”
“Tôi muốn thay đổi những nhận thức và ký ức sai lạc đó.”
Trả lời câu hỏi ông muốn thay đổi nhận thức gì, đâu là sự thật?
Ông Richard Botkin nói:
“Những người nói miền Nam thất thủ vì quân sĩ VNCH thiếu can trường, còn cựu binh Hoa Kỳ chỉ là những người trai trẻ bị tổng động viên, không có lý tưởng, là không hiểu đúng lịch sử. Người lính VNCH rất can trường, chiến đấu trong danh dự, và bạn họ, các chiến binh Hoa Kỳ xả thân vì yêu nước, vì chia sẻ lý tưởng chống cộng sản.”
“Sự thật những người lính quân đội Việt Nam Cộng Hòa là những người quả cảm. Không ai muốn ngừng chiến đấu cả. Miền Nam Việt Nam đã gần đoạt được chiến thắng rồi. Nhưng họ phải bỏ súng vì Hoa Kỳ quyết định không hỗ trợ, không viện trợ nữa, trong khi miền Bắc vẫn tiếp tục được Nga và Tàu hỗ trợ.”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/204403-RideTheThunder6-4.jpg

Hình bìa sách “Ride the Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph.” (Hình: Người Việt)
Còn nhiều sự thật nữa mà ông Richard Botkin muốn đưa lên màn ảnh. Sự thật về sự tàn ác của bên thắng cuộc tại những trại tù cải tạo. Sự thật về những người vợ có chồng đi cải tạo vừa bươn chải lo cho con, vừa đối phó với mọi khó khăn của cuộc sống, vừa bóp chắt thăm nuôi chồng, vừa mòn mỏi đợi chờ, cho đến ngày chồng hoặc được thoát khỏi ngục tù hay được tin chồng đã chết.
Ông Richard Botkin cho biết cũng vì mục đích trả lại sự thật cho lịch sử mà ông muốn biến cuốn “Ride the Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph” thành phim.
“Người Mỹ họ lười đọc sách lắm, cô thấy không? Vì thế tôi nghĩ chắc phải làm thành phim thì mới có nhiều người xem.”
“Ðây chỉ là một phim tài liệu loại ‘low budget,’ nhưng vẫn tốn khá nhiều tiền. Cá nhân tôi tài trợ 2/3 cho cuốn phim. Số còn lại, được một vài người góp sức.”
Cũng may, nhà làm phim Richard Botkin cho biết ông thấy ấm lòng khi được sự tiếp nhận nồng ấm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
“Chúng tôi làm việc trong tinh thần rất thân thương.”
Về điểm này, nữ tài tử Kiều Chinh tâm sự:
"Chúng tôi đến với nhau như một gia đình. Trong lúc quay phim, ông Richard Botkin có mặt từ ngày đầu đến ngày cuối. Sáng sớm ở Hawaii mọi người còn ngủ ông đã lái xe đi mua cà phê về cho mọi người uống. Trưa nóng ở sân quay, ông mang khay nước về mời từng người.”
Liệu cuốn phim Ride The Thunder rồi có thay đổi được những nhận thức và ký ức sai lạc về cuộc chiến và con người Việt Nam không?
Câu trả lời một phần nằm trong việc phim có được cộng đồng người Mỹ gốc Việt, trước tiên là ở quanh vùng Little Saigon đón nhận hay không. Theo quy luật phát hành phim của Hoa Kỳ, trong tuần lễ đầu tiên, một phim mới ra phải có ít nhất 3,500 người xem, thì mới được phát hành trên toàn nước Mỹ.
Vì thế, độc giả ở quanh vùng Little Saigon đừng quên dành thì giờ rủ nhau đi xem phim Ride The Thunder, sắp được chiếu suốt một tuần lễ, kể từ ngày Thứ Bảy, 28 Tháng Ba, 2015, tại rạp Regency, ở số 6721 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683.
Muốn biết thêm chi tiết về phim, xin vào trang web http://www.ridethethundermovie.com/
 
Nhớ đi xem phim này nhé các bạn.
 
Mùa Quốc Hận: Xem Phim Ride The Thunder
Vi Anh
Inline images 1
 
Phim Ride The Thunder (Cỡi Sấm) là một cuốn phim của người Mỹ viết truyện, làm phim, với người Việt là nhân vật, đóng phim, cố vấn nghệ thuật. Đó là một cuốn phim - có thể nói - trả lại chánh nghĩa cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam của người Việt, người Mỹ, trả lại danh dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Quân Lực đồng minh Hoa Kỳ mà bọn Phản Chiến Mỹ, bọn Thiên Tả Mỹ, bọn CS quốc tế đã gian xảo bôi tro trét trấu một cách vô lý và phi lý. Những nhà làm phim Mỹ, những cố vấn diễn xuất với tinh thần chánh trị chánh trực đã đầu tư tim óc, chạy theo kim đồng hồ để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật để trình chiếu lần đầu trong mùa Quốc Hận thứ 40 của người Việt tỵ nạn CS. Theo tập tục phát hành phim, nếu Phim Ride The Thunder chiếu đầu tiên, trong 1 tuần lễ có 3.500 người xem, thì sẽ phát hành toàn quốc Mỹ và có thể ở các nước nữa. Lúc đó chánh nghĩa của Chiến Tranh VN, danh dự quân lực Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ sẽ được nhận chân rộng rãi hơn nữa. Vì chánh nghĩa quốc gia, vì danh dự của quân đội, thiết nghĩ khán thính giả của vùng Little Saigon, sẽ giúp cho chánh nghĩa của Chiến Tranh VN, danh dự của quân nhân Việt Mỹ được nhân lên, phổ biến rộng ra, bằng việc mời bè bạn, thân nhân, gia đình, bà con cô bác đi xem để đạt được túc số 3.500 người trong một tuần, để phim có thể phát hành khắp nước Mỹ.

Phim Ride The Thunder (Cỡi Sấm) được công chiếu lần đầu tiên tại Little Saigon, suốt một tuần lễ kể từ ngày Thứ Sáu 27 tháng Ba năm 2015 đến ngày 2 tháng Tư năm 2015, tại rạp REGENCY THEATRES số 6721 Westminster Blvd Westminster, CA 92683.

Theo email và flyers của Bác sĩ Nha khoa Lý văn Quý, người từ lâu gắn bó, giúp rất nhiều cho việc hình thành phim này, “Đây là một cuốn phim dựa trên nhật ký trong tù cải tạo Nam Hà của Trung tá Lê Bá Bình, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 "Sói Biển" TQLC VNCH. Cuốn phim ca ngợi tình huynh đệ chi binh giữa người chiến binh VNCH và bạn đồng minh Hoa Kỳ là Đại úy John Ripley, cố vấn cho Tiểu Đoàn 3 TQLC VNCH. Họ đã cùng nhau lập chiến công vang dội, phá sập cây cầu Đông Hà và chận đứng được bước tiến của chiến xa Bắc Việt trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

“Sau đó cả hai đã phải chịu những hoàn cảnh nhọc nhằn do sự thiên lệch của giới thông tin báo chí thế giới. Khi trở về nước, John Ripley đã bị dư luận Hoa Kỳ lên án nặng nề, còn Trung tá Lê Bá Bình thì bị Cộng sản giam nhốt trong tù cải tạo 12 năm trời ròng rã. Tuy nhiên họ vẫn ngửơng mặt tự hào chưa từng thua trận ngoài chiến địa và đã hoàn thành sứ mạng đối với đất nước. Kết cuộc bi thảm của cuộc chiến Việt Nam nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của họ mà do những âm mưu chính trị của chính phủ Hoa Kỳ vào thời kỳ đó.

“Cuốn phim nói lên một phần sự thật của chiến tranh Việt Nam và đặc biệt trả lại danh dự cho Quân Lực VNCH và các chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

“Một điểm nổi bật trong cuốn phim này là lần đầu tiên những cảnh tù cải tạo với các chi tiết chính xác được đưa lên màn ảnh Hoa Kỳ và tố cáo trước dư luận thế giới sự tàn ác của Cộng sản đối với những thành phần làm việc cho chế độ cũ của Việt Nam Cộng Hòa.

“Đây là một cuốn phim không thể bỏ qua nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất nước!!!Một đoạn chiếu thử có thể xem tại đây: www.ridethethundermovie.com.”

Phim Ride The Thunder (Cỡi Sấm) theo hai tài liệu giới thiệu bằng tiếng Anh, là một cuốn phim về Chiến Tranh Viet Nam về danh dự và chiến thắng, có hình quốc kỳ Mỹ và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà.

Tài liệu thứ hai ở trên có hình một người Việt là tài tử Joseph Hieu và tài tử Eric St John, với quân phục Thuỷ Quân Lục Chiến, vẽ mặt rắn rỏi, đậm gió sương, nụ cười tự tin với tựa phim Ride The Thunder và câu giới thiệu A Viet Nam War story of Honor and Triumph (câu chuyện danh dự và chiến thắng về Chiến Tranh Viet Nam). Bên dưới là hình của tài tử này trong tù cải tạo của CS, đầu trần ướt đẫm mồ hôi đang kéo cái bừa thay cho trâu khi lao động khổ sai trong ngục tù CS. Dưới hình này là ngày 27 tháng 3, 2015 là ngày công chiếu đầu tiên.

Dưới chót cho biết phim Ride the Thunder sản xuất kết hợp với hãng Koster Films LLC Presents. Phim Ride the Thunder dựa trên cuốn sách Ride the Thunder của Richard Botkin. Diễn xuất: Joseph Hieu, Eric St John, Roy Megatran, Pierre Cuong Nguyen, Steve Son Nguyen. Excecutive Producer:Richard Botkin. Produced& Directed By Fred Koster. Screenplay: Fred Koster. Co Producer: Kieu Chinh. Co Producers Quy van Ly, Alan Vo Ford, Joseph Hieu. Director of Photography Carmen Cabana; Editor Brab Tooker. Music by Jason Downer. 
 
www. RIDETHETHUNDERMOVIE.COM

Phim Ride The Thunder (Cỡi Sấm) ra mắt khán thinh giả trong Mùa Quốc Hận thứ 40 của người Việt tỵ nạn CS. Có thể nói đây là một nỗi quốc hận bằng hình của quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà và của quân lực Mỹ, do Phản Chiến cấu kết với CS gây ra.

Xem Phim Ride The Thunder (Cỡi Sấm) để thấy cuộc di tản vô tiền khoáng hậu của người Việt Quốc gia là một quyết định đúng đắn, một hành trình gian khổ, chết chóc nhưng đầy thành công vinh quang, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt.

Xem Phim Ride The Thunder để thấy năm 2015 là năm thứ 40 của người Việt quốc gia, người Việt tự do, dân chủ không sống chung được với CS đang tạm chiếm nước nhà VN, đã làm được, đã đạt được những thành tích xuất sắc khó tưởng tượng nổi ở hải ngoại. Thưa nhiều lắm, quí giá lắm, trong lịch sử VN chưa hề có. Trong cái rủi phải rời xa đất nước nhà VN, người Việt hải ngọai có cái may xây dựng đựợc một Việt Nam Hải Ngoại. Bên cạnh thành công kinh tế chánh trị cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội Việt Nam Hải Ngọai, còn có một thành công xuất sắc là bảo tồn và phát huy nền văn hóa quốc gia VN, một nền văn hóa, một lối sống của người Việt Quốc gia, dân tộc, khai phóng, và nhân bản. Đó là một lối sống Việt Nam mới (nếu hiểu nghĩa văn hóa là lồi sống) nhờ tự do, dân chủ mà phát triển mọi mặt. Một thực thể đã hình thành, một Việt Nam Hải Ngoại đã phát sinh và hiện hữu so với cộng đồng quốc gia trong nước đang bị CS tạm chiếm.

Xem Phim Ride The Thunder để thấy để người Mỹ và người Việt chánh trực đã thành công xuất sắc trong việc quét sạch lớp bụi mờ mà Phản Chiến Mỹ đã phủ lên chánh nghĩa của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, danh dự của Quân Lực Mỹ, Việt khiến Hành Pháp Mỹ buộc Quân Lực Mỹ rút quân như thua trận ra khỏi thành, cúp viện trợ VN sau khi bắt tay được với TC, khiến VN Cộng Hoà bị bức tử trong ngày 30/4/75. Nhưng quân dân cán chính VNCH thua một trận, chớ không thua cuộc Chiến Tranh VN. Sau bao nhiêu gian khổ người Mỹ gốc Việt với tinh thần bất khuất làm lại một “cuộc chiến tranh khác” (other war), một cuộc chiến tranh chánh trị. Thành công ngoài sức tưởng tượng của nhân dân, chánh quyền Mỹ và nhân dân VN đồng bào trong nước. Đã giương cao lại ngọn cớ tự do, dân chủ nền vàng ba sọc đỏ ngay trên dất Mỹ. Đã lập nên một Việt Nam Hải ngoại, liên kết, phối hợp các cộng đồng người Việt ở Tây Âu, Úc châu, Mỹ châu, cảm nghĩ thuộc về nhau./.(Vi Anh)
  
  S Trương chuyển

No comments: