Hà Giang/Người Việt

WESTMINSTER, Calif. (NV)
- Tài liệu liên quan đến cuộc bố ráp đồng loạt, và lớn nhất từ trước đến nay, vào các “nhà hộ sinh Trung Quốc” cho thấy quyết tâm của nhà chức trách Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn làn sóng các bà mẹ có thai người Trung Hoa vào Mỹ, với mục đích sinh con.




Trang quảng cáo trên mạng Internet của YYUSA, dịch vụ đưa người Trung Quốc vào Mỹ sinh con. (Hình: Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ phổ biến)

“Ông ta, Chao Chen (chủ nhân của dịch vụ WWW.yyusa.com, có ba chiếc xe hơi, một Dodge Caravan bảng số..., một BMW bảng số..., một Audi bảng số..., có cả một đội ngũ nhân viên gồm tài xế, đầu bếp, thậm chí người chở đi shopping, để phục vụ khách hàng.”
“Tôi bước vào khu chung cư thì thấy một căn hộ mở cửa, trong đó có hai cái nôi. Tiếng trẻ em khóc oe oe vang lên trong hành lang.”
“Ồ, nhất định phải mua vé máy bay vào Hawaii. Vào LAX là nhất định bị lộ.” Ông Chen dặn kỹ tôi phải nói với người nhà.”
Ðó là vài đoạn trong tập tài liệu dày hơn 100 trang, do nhân viên điều tra chìm, Jefferey Eastman, viết lại.
Tuy các cuộc bố ráp vào ba địa điểm được gọi là “nhà hộ sinh Trung Quốc” tại Nam California vừa qua là do Cảnh Sát Sở Di Trú (ICE) thực hiện, việc theo dõi các đường dây này là sự phối hợp làm việc kéo dài một năm giữa các nhân viên chìm (undercover) của 4 cơ quan Bộ Nội An (DHS), Sở Thuế (IRS), Bộ Ngân Khố (Treasury Department) và Cảnh Sát Sở Di Trú (ICE).
Nhưng tại sao việc theo dõi các đường dây này lại cần phải có thám tử chìm của nhiều cơ quan đến thế? Sự tham gia của ICE thì còn có thể hiểu được, tại sao lại cần phải có Sở Thuế, Bộ Nội An và Bộ Ngân Khố?
Câu trả lời đầu tiên là sự bùng nổ của phong trào, với những con số làm người ta giật mình.
Trung Tâm Nghiên Cứu Di Trú (The Center for Immigration Studies) ước lượng rằng 40,000 trong số 300,000 trẻ em do người ngoại quốc sinh ra tại Mỹ hàng năm, đến từ các bà mẹ người Ðài Loan hay Trung Quốc du lịch vào Mỹ chỉ với mục đích này. Một thống kê khác cho biết, trong năm 2012, hơn 10,000 phụ nữ Trung Quốc du lịch vào Mỹ sinh con, so với khoảng 4,800 trong năm 2008.
Tại Quận Cam, California, chỉ riêng một dịch vụ hoạt động tại Irvine đã đưa hơn 400 sản phụ người Trung Quốc đến nhà thương Fountain Valley Hospital để sinh con, trong thời gian chưa đầy hai năm, tài liệu của tòa cho biết.
Nếu việc du lịch vào Mỹ để sinh con là một đầu tư có lời nhiều cho các gia đình Trung Quốc, thì đối với nước Mỹ, đó là một thất thoát lớn.
Một bà mẹ (Trung Quốc) muốn vào Mỹ sinh con, thường là thành phần giàu có, phải trả khoảng $40,000 đến $60,000 cho các dịch vụ này để được phục vụ “trọn gói” từ A đến Z, tùy theo gói này gồm những dịch vụ gì. Cũng vẫn theo tài liệu nói trên, phí tổn cho một sản phụ sinh con tại Fountain Valley Hospital, nếu không có bảo hiểm, là khoảng $28,000. Tuy nhiên, những người đến nhà thương này sinh con qua dịch vụ nói trên chỉ phải trả $4,000, vì được làm giấy tờ giả rằng họ là người có lợi tức thấp. Như vậy, trong khi tiền thuế của dân Hoa Kỳ phải đóng cho các chương trình y tế giúp người nghèo, thì chủ nhân của những dịch vụ này hầu như không bao giờ đóng thuế, hay đóng thuế rất ít cho nước Mỹ.
Một dịch vụ tiêu biểu của đường dây “du lịch sinh con” gồm xin Visa vào Mỹ, tạo các tài liệu giả (nếu cần) để xin Visa, kể cả giấy lương, chứng nhận việc làm, huấn luyện cách trả lời phỏng vấn tại tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, tìm giùm người xin Visa đi cùng, mua vé máy bay, chỉ cách đi qua cửa khẩu, lo nhà ở, phương tiện di chuyển, dẫn đi shopping, nấu nướng, tìm nhà thương, xin giấy khai sanh, và gần như ngay sau đó, xin passport cho người công dân Mỹ mới chào đời.
Phối hợp chặt chẽ với nhau và đội ngũ của họ cả tại Nam California, lẫn Trung Quốc, ba thám tử chìm Jefferey Eastman, Jared Harada, nhân viên Bộ Nội An, và Eric Blair, nhân viên ICE, qua tài liệu tòa, đã kể lại tỉ mỉ và sống động việc họ giả làm người cần đưa thân nhân từ Trung Quốc vào Mỹ sinh con ra sao.
(Kỳ tới: Hành trình của các bà mẹ Trung Quốc vào Mỹ sinh con)

Ði tìm trụ sở You Win USA
Sau cuộc bố ráp cách đây vài hôm của cảnh sát Sở Di Trú (ICE), hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Ba, khu chung cư “The Carlyle at Colton Plaza” tại Irvine, trụ sở của đường dây đưa phụ nữ Trung Quốc vào Mỹ sinh con, có tên là “You Win USA Vacation Resort,” vắng hơn mọi ngày.
Sơ đồ của “The Carlyle at Colton Plaza” tại Irvine, và các căn hộ (có khoanh tròn) của đường dây “You Win USA Vacation Resort,” hiện đang hoạt động tại đây. (Hình: Người Việt)
“Thường tôi hay thấy chiếc xe van chở nhiều bịch thức ăn vào đây giờ này, nhưng hai ngày nay không thấy,” ông Luke Ramirez, người làm việc bán thời gian trong bãi đậu xe đối diện với chung cư, nói với nhật báo Người Việt.
Tài liệu liên quan đến cuộc bố ráp dùng địa chỉ của chung cư để đặt tên cho nó, không biết có phải một phần là vì muốn giấu bớt sự sang trọng của “nhà hộ sinh Trung Quốc” cách Little Saigon chỉ hơn 10 phút lái xe này hay không.
Theo lời tường trình của cảnh sát chìm Jefferey Eastman, You Win USA Vacation Resort (website là www.yyusa.com giờ đã bị lấy xuống) hoạt động trong chung cư này.
Phải đến tận đây mới thấy được nơi các phụ nữ Trung Quốc này đang ở tạm, người chờ đến ngày sinh nở, người đã sinh con xong, đang chờ con cứng cáp, chờ lấy sổ thông hành và số an sinh xã hội cho con, rồi sẽ rời đất nước này với đứa con có quốc tịch Mỹ trong tay.
Khi bước vào văn phòng chung cư, tôi giả vờ hỏi mướn một căn hộ hai hoặc ba phòng ngủ, và yêu cầu cô Kristen Bell, nhân viên phụ trách, dẫn đi xem một nhà mẫu. Cô Kristen cố tình đưa khách đi qua phòng sinh hoạt, hồ bơi, cảnh đẹp không thua một khách sạn hạng sang, rồi dẫn vào một căn hộ trang hoàng hết sức thanh nhã. Ðẹp quá, thảo nào ông Chao Chen, chủ nhân của dịch vụ du lịch sinh con, gọi nó là một “trung tâm nghỉ dưỡng mùa Hè.”
“Tùy theo tầng, căn hộ hai phòng ngủ giá từ $2,700 đến $3,700/tháng, còn ba phòng ngủ giá từ $3,400 đến $3,800,” cô Kristen cho biết.
“Bao giờ thì mới có căn hộ hai phòng ngủ trống?” Tôi hỏi.
“Ồ, bà đến rất đúng lúc, đầu Tháng Tư, chúng tôi sẽ có một số người dọn đi,” cô trả lời, rồi nói thêm: “Khách phải ký hợp đồng mướn tối thiểu là sáu tháng.”

Hồ bơi trong chung cư “The Carlyle at Colton Plaza.” (Hình: livecarlyle.com)

Tôi hỏi xin một tờ “brochure,” lái xe xuống bãi xe dưới hầm dành cho người thuê nhà, đậu gần thang máy, chờ cơ hội vào nơi có các căn hộ, mà theo tài liệu của tòa án, các bà mẹ Trung Quốc đang sinh sống. Vừa đậu xe xong, cửa thang máy mở ra, một nhóm gồm một đàn ông, hai người đàn bà Á Ðông ăn mặc khá thanh lịch bước ra, nói tiếng Hoa líu lo. Cả hai người đàn bà đều có bầu, họ đi sau người đàn ông, vừa đi vừa kín đáo đảo mắt nhìn chung quanh. Thấy tôi ngồi trong xe, họ nhỏ giọng, rồi biến mất trong một cái xe nào đó.
Chợt khám phá ra là không có mã số để mở cửa, không thể lọt vào chung cư được, tôi trở ra xe ngồi, tìm cách vào tận bên trong.
Tài liệu của tòa án cho biết dịch vụ You Win USA Vacation Resort hiện mướn tất cả là 12 căn hộ của The Carlyle. Chiếu danh sách các căn hộ vừa bị bố ráp với sơ đồ của chung cư, tôi mới thấy sự khôn ngoan của ông Chao Chen.
Tất cả các căn hộ họ mướn đều là hai phòng ngủ. Văn phòng của ông Chao Chen ở giữa. Các căn hộ của dịch vụ You Win USA Vacation Resort rải đều ra ba cánh, hoặc ở sát cạnh nhau, hoặc ở cùng một vị trí, nhưng khác tầng.
Biết được các căn hộ của You Win USA ở đâu rồi, tôi trở lại văn phòng cho mướn nhà, hỏi những căn hộ sắp trống nằm ở đâu trong sơ đồ. Hay quá, cô Kristen chỉ vào ngay một khu của dịch vụ này. Tôi yêu cầu được tận mắt xem hành lang của khu đó.
“Không được vào trong cũng được, tôi chỉ muốn nhìn phương hướng, vì phong thủy,” tôi vừa cười, vừa giải thích với cô.
Ra khỏi thang máy không lâu, chúng tôi gặp hai người đàn ông Á Ðông nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, tay cầm một sấp thùng không đi phía trước. Bỗng một người đàn ông tiến lên gõ vào cửa căn hộ 318, kế “trụ sở” của ông Chao Chen ở số 315. Cửa mở rồi đóng lại rất nhanh, nhưng vẫn kịp để tôi nghe rất rõ tiếng trẻ em khóc, và tiếng một phụ nữ dỗ con.


“Phương hướng tốt không? Hai căn này chắc sẽ kịp cho bà dọn vào đầu Tháng Tư,” cô Kristen nói.
Không kịp nhìn thấy được gì trong phòng hết, và chưa bao giờ đi làm thám tử chìm, tim tôi bắt đầu đập loạn xạ, nhưng cũng bình tĩnh, miệng nói: “Ồ tốt lắm!” Trong khi đó, tôi thầm nghĩ, có lẽ bị bố ráp họ bắt đầu chuyển đi chỗ khác.
Hành trình vào Mỹ sinh con
Thường thì các phụ nữ khi biết mình có thai là bắt đầu dọn một căn phòng, chuẩn bị tìm mua giường nôi, sắm sửa quần áo, và tất cả mọi thứ lỉnh kỉnh khác để sẵn sàng chờ sinh con. Phụ nữ Trung Hoa thuộc thành khá giả chuẩn bị cho con một cách khác. Họ sẵn sàng bỏ ra từ $40,000 đến $60,000, thậm chí có trường hợp cả $80,000 để đầu tư cho tương lai con, và cả tương lai của gia đình, bằng cách biến con mình thành một công dân Mỹ.


Bên trong một căn hộ tiêu biểu tại chung cư “The Carlyle at Colton Plaza.” (Hình: livecarlyle.com)
Và những đường dây như dịch vụ You Win USA Vacation Resort của ông Chao Chen, tạo cơ hội cho họ đạt được, trước nhất là cho đứa con, giấc mơ Mỹ. You Win USA Vacation Resort có lẽ là một trong những tên hay nhất của các dịch vụ này. Ðể quyến rũ khách hàng, trang web hay tờ rơi của tất cả các dịch vụ này, theo các tài liệu tòa án nêu trên, đều giải thích những điểm lợi của việc vào Mỹ sinh con.
Trước tiên, luật pháp Mỹ quy định tất cả các trẻ em sinh ra ở Hoa Kỳ đều là công dân Mỹ. Thứ hai, trẻ em sinh ra ở Mỹ được hưởng các quyền lợi về y tế, và được đi học miễn phí từ mẫu giáo đến lớp 12. Khi lên đại học, học phí dành cho công dân Mỹ rẻ chỉ bằng 25% phí tổn dành cho du học sinh. Và quan trọng hơn cả, tất cả các công dân Mỹ, khi đến tuổi 21 có quyền nộp đơn bảo lãnh cho cha mẹ và anh chị em ruột thịt vào Mỹ. Sau này, khi đi làm, sẽ có cơ hội vào được những nơi chỉ có công dân Mỹ mới được làm.
Nhưng các phụ nữ có thai muốn du lịch vào Mỹ để sinh con phải vượt qua nhiều cửa ải, như nộp đơn và các tài liệu chứng tỏ mình đủ điều kiện xin visa vào Mỹ, phải trả lời làm sao để đậu phỏng vấn tại cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, nên du lịch vào nơi nào của nước Mỹ để đi lọt qua phi cảng dễ dàng.
Ba cảnh sát viên Jefferey Eastman, Jared Harada, và Eric Blair, qua những bản tường trình của họ, kể lại nỗ lực làm việc âm thầm gần cả năm trời, để theo dõi các đường dây này, cho chúng ta thấy rõ những khó khăn của từng chặng đường, và các mánh khóe các dịch vụ này dùng để giúp khách hàng của họ đạt được mục đích.
Xin visa vào Mỹ
Trong việc xét đơn xin visa vào Mỹ, điều khoản 214b của Luật Di Trú (INA) đòi hỏi các người nộp đơn phải vượt qua giả thiết của INA là tất cả những người muốn vào Mỹ đều muốn ở lại Mỹ. Muốn thuyết phục người xét đơn là mình sẽ không ở lại Mỹ, người nộp đơn phải chứng minh là mình có nhiều mối dây liên lạc chặt chẽ ở quê nhà, như có nhiều người thân, có công ăn việc làm, có tài sản đáng kể, v.v...
Thêm vào đó, người nộp đơn cũng phải chứng minh họ có mục đích chính đáng để vào Mỹ, là sẽ rời Mỹ vào một thời điểm nhất định, có khả năng tài trợ cho chuyến đi, và sẽ không trở thành gánh nặng cho nước Mỹ trong thời gian lưu trú ở đây.
(Kỳ tới: Mánh khóe của các đường dây du lịch sinh con)


––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com