Friday, March 13, 2015

Mỹ muốn Việt Nam ngưng cho máy bay Nga tiếp dầu ở Cam Ranh


HoangsaParacels: Chính sách cuả Bộ Chính Trị VC luôn chủ trương liên kết với quan thày Nga (Liên Xô cũ) và Trung Cộng để đối đầu với Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương. Lập trường đu giây, xảo trá, bắt cá hai ba tay cuả Cộng Sản Hà Nội đã gây thất vọng cho thiện ý cuả người Mỹ muốn giúp VN trở thành một nước dân chủ, cường thịnh.  


 


WASHINGTON DC (NV) .- Mỹ yêu cầu Việt Nam ngừng cho phép máy bay ném bom chiến lược của Nga được tiếp nhiên liệu từ căn cứ Cam Ranh, một dấu hiệu đang gây sức ép lên mối quan hệ đang ấm dần.



Máy bay ném bom chiến lược TU-95 bay biểu diễn trên bầu trời Moscow, phía bên trên giáo đường St. Basil trong ngày diễn binh Lễ Chiến Thắng 9-5. (Hình: ANDREY SMIRNOV/AFP/Getty Images)
Lời yêu cầu được một viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mô tả với hãng thông tấn Reuters vào lúc nhiều viên chức Hoa Thịnh Đốn cáo buộc các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga gia tăng các chuyến bay ở khu vực vốn vẫn đang nóng với chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc với Nhật, đồng minh của Mỹ, và các nước Đông Nam Á.

Tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, cho hãng tin Reuters hay rằng các máy bay ném bom của Nga thực hiện các chuyến bay “khiêu khích” gồm cả những chuyến bay quanh lãnh địa của Mỹ ở khu vực đảo Guam. Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự lớn trên đảo Guan.

Đầu Tháng Giêng 2015, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) loan tin lại một cách tế nhị theo tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/1/2015 cho biết trong năm 2014, máy bay ném bom tầm xa và máy bay tiếp dầu Nga bắt đầu thường xuyên hạ cánh tại các sân bay nước ngoài; trong đó, lần đầu tiên máy bay tiếp dầu của nước này sử dụng phi trường Cam Ranh của Việt Nam.

Loại máy bay tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga được mô tả trong bản tin TTXVN là loại máy bay tiếp dầu Il-78. Không thấy đề cập gì đến các loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa có khả năng mang bom nguyên tử như TU-95MS hay TU-160 có hạ cánh xuống phi trường Cam Ranh hay không.

Phi trường Cam Ranh là một phi trường quân sự cỡ lớn do Hoa Kỳ xây dựng hồi chiến tranh Việt Nam trước 1975. Nga đã được Hà Nội cho thuê căn cứ Cam Ranh gồm cả phi trường này từ năm 1979 đến năm 2002 làm căn cứ cho của Hải đoàn tác chiến cơ động số 17 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Sau đó, trả lại cho Việt Nam vì không thỏa thuận được về giá tiền thuê trong khi Nga đang có những khó khăn tài chính.

Tuy Hà Nội đã đưa tin máy bay chiến lược tầm xa của Nga đáp xuống Cam Ranh từ ngày 6 tháng Giêng 2015, đến nay, người ta mới thấy viên chức Mỹ mới xác nhận lần đầu tiên có sự hoạt động như thế, một trong những động thái biểu diễn sức mạnh quân sự của Nga quanh thế giới.

Tướng Brooks cho hay các máy bay ném bom của Nga bay quanh đảo Guam được tiếp dầu trên không từ các máy bay tiếp nhiên liệu đã bay đến từ căn cứ không quân chiến lược Cam Ranh vốn đã được Mỹ xây dựng và sử dụng thời chiến tranh Việt Nam.

Khi Hà Nội cho Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh, điều này phản ảnh lập trường phức tạp của CSVN trong cuộc chiến dằng co địa chính trị một bên là Nga và Trung Quốc và một bên là Mỹ, Nhật và một số đồng minh Đông Nam Á ở một bên.



Một góc phi trường Cam Ranh. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Trong chiến lược xoay trục về Á Châu, Hoa Kỳ cũng nhiều lần từng ngỏ ý muốn sử dụng lại căn cứ Cam Ranh nhưng mới chỉ được thỏa thuận cho ghé bảo trì một ít tàu tiếp liệu, không phải chiến hạm, mấy năm gần đây.

Hà Nội cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ muốn cải tiến mối quan hệ với Hoa Kỳ về mọi mặt, không chỉ riêng chuyện gia tăng mậu dịch, trong chiến lược đu dây giữa hai cường quốc. Một bên là sức ép quá lớn của Trung Quốc ngay bên cạnh, một bên là kẻ cựu thù còn nhiều nghi ngờ thiện chí.

Một trong những dấu hiệu là Việt Nam đạt thỏa hiệp “Đối tác toàn diện” với Mỹ khi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hoa Thịnh Đốn hồi Tháng Bảy năm 2013. Cuối năm ngoái, Hoa Kỳ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Những gì bán cho Việt Nam còn phải tùy thuộc sự chấp thuận của Quốc hội và tùy tình trạng nhân quyền có cải thiện hay không.

Hiện vịnh Cam Ranh được nhà cầm quyền Việt Nam đặt làm căn cứ cho đội tàu ngầm mua của Nga nhằm đối phó với các đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông. Ba chiếc đã trú đóng tại Cam Ranh và thường xuyên tập luyện trong khi ba chiếc còn lại được chuyển giao từ cuối năm nay đến năm 2016 trong gói mua sắm trang bị quốc phòng hơn $2 tỉ.

Ông Brooks nói với hãng tin Reuters trong cuộc phỏng vấn rằng các chuyến bay ghé Cam Ranh của Nga biểu lộ đồng minh thời chiến tranh lạnh của CSVN hoạt động như “những cái phá hỏng lợi ích của chúng ta và lợi ích của những nước khác”.

Khi được hãng Reuters hỏi về các chuyến bay của Nga ở khu vực, một số viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu giấu tên, nói Hoa Kỳ tôn trọng quyền của Việt Nam thỏa hiệp với các nước khác. Nhưng những viên chức này nói thêm rằng “Chúng tôi thúc giục các viên chức Việt Nam là phải bảo đảm rằng Nga không thể dùng sự tiếp cận căn cứ Cam Ranh để tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng các sự căng thẳng trong khu vực”.

Theo Reuters, nhà cầm quyền CSVN không trả lời ngay khi được yêu cầu bình luận về các kêu gọi từ phía Hoa Kỳ.

Tướng Brooks từ chối không cho biết tin khi nào thì những chuyến bay đó đã diễn ra và có bao nhiêu máy bay Nga đã đáp xuống Cam Ranh. Tuy nhiên, ông xác nhận có chuyện đó xảy ra sau khi Nga sát nhập khu vực Cremea của Ukraine hồi Tháng Ba năm ngoái, một vụ việc gây căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga.

Hồi năm ngoái, các phi cơ chiến đầu của khối NATO đã ngăn chặn hơn 100 lần các chuyến bay của máy bay Nga trên vùng biển Đại Tây Dương. Nhật Bản cũng từng loan báo ngênh chặn sự xâm phạm không phận nước này của máy bay Nga.

Trong sự gia tăng quan hệ giữa HoaThịnh Đốn và Hà Nội, ngoài các chức sắc ngoại giao, người ta còn thấy nhiều tướng lãnh Mỹ gồm cả Tổng tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đã đến Việt Nam. Việt Nam cũng xác nhận tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ đến Hoa Kỳ trong năm nay, một việc chưa từng có trong suốt 20 năm thiết lập bang giao. (TN) 


 
Nguồn: Nguoi-viet

No comments: