Saturday, July 27, 2013

Hoàng Sa Hành - Nguyễn Hữu Nhật


1.
Đá ở dưới lòng sông nước chảy chẳng mòn,
sóng bao đời nay vẫn vật vã
trên giòng Hát giang
thương tiếc Hai Bà chân yếu tay mềm,
trầm mình, trôi theo vận nước
Nước mất, nhà tan, người phải chết
chết mà những nét chân mày cong vút
còn dựng ngược thêm lên, hỏi trời
có thấu chăng cái ác của quân nghịch tặc,
Song hai tay buông xuôi
nên lưỡi kiếm hết còn ngang dọc


2.
Ngọn kiếm ấy, người đời sau dựng lại,
ánh thép xanh bay múa đẹp bao vòng,
hạt mưa sa không lọt,
chưa đủ cho người đem lòng tin cậy,
Quan Tể Tướng nhà Trần,
Trần Thủ Độ, tên người thay cho một lời nhắc nhở,
triều Trần hãy nhớ mà giữ lấy cái đầu,
ông chỏ vào một nơi biết suy nghĩ
rồi cất lời, với tất cả tấm lòng,
Theo lẽ sống còn của nhà Phật,
dạy đời vô-úy, đừng sợ mất nước,
chỉ sợ mất những cái đầu yêu nước,
vô-úy bởi thương dân, ông sợ cái trong đầu nhà vua,
chiếc đầu của cả nước,
ý chí chẳng bền lâu, liều cất tiếng:
‘’đầu thần đã rơi xuống đất đâu mà bệ hạ phải sợ!’’
3.
Mọi con sông từ nguồn riêng cùng chảy ra biển,
giòng Hát giang hòa với nước sông Bạch Đằng,
thấm mồ hôi, nước mắt và máu
bao người thay phiên nhau dựng nước
Kể từ đấy biển càng mặn,
đá Hoàng Sa nằm nẻ toác dưới chân người,
đi đất, về phương Nam mở cõi sống đời
đất vẫn vậy, nhưng sau lưng người đông quá,
sinh ra chật,
Đá gội sương đêm cùng móc sớm
mưa chiều ong óng lệ trông như đổ mồ hôi
chim hải âu bay trắng xóa,
những miếng trời thiên thanh dưới cánh rộng,
cũng hóa ngọc trong mắt cười
4.
Đem hình ảnh đẹp, đuôi con mắt nheo,
ra làm mẫu may cờ, cờ đuôi nheo
theo gió Đại Nam, thời nào cũng chỉ chờ
quất vào mặt quân phương Bắc
Người lính thú đất Cao Bằng xưa ăn măng trúc,
lòng ngay thẳng các bậc quân tử
trong dân gian, không biết chữ nhất
ngang hay dọc, vẫn ngấm tận hồn lẽ sống,
tìm thấy niềm vui trong nỗi khổ,
nói cho đúng biết cùng ai mà phàn nàn
5.
Người lính trận miền Nam đi giữ đảo
mỗi sợi mì gói, thay cơm, như một giòng lệ
nhớ nhà, xa, Hoàng Sa ôi Hoàng Sa, Trường Sa,
Trường Sa, cát thay con, đá thay vợ…
Mắc võng dù nằm ca vọng cổ,
đôi khi khóc như ông Sáu Lầu đã khóc,
xót thương cho những người yêu nước
đêm xuống thuyền đi đầy,
giặc đánh trống dong đoàn tù ra đảo vắng
khuya một đời, bao người vợ ‘’vọng cổ hoài lang’’,
Hễ nghe thấy tiếng trống lại nhớ chồng,
sáu câu, vì thế dẫu mùi,
tình thơm hoa bưởi trẻ trung
đến già cũng cứ buồn rười rượi
ngóng trông…
6.
Bóng ma những người tù trở về,
dưới mái nhà xưa, thấy ảnh thờ mình
trên bàn sương khói ảo, hồn không biết
thế giới nào, mình từng sống dọc ngang,
Lòng thương nhớ của người thân
theo năm tháng mòn dần,
dẫu chỉ còn nhỏ như đốm lửa cây nhang,
nhưng không gì dập tắt nổi,
nhang tàn lại thắp!
Hồn ma những người lính miền Nam
chết trận ngoài đảo, không trở về,
nhập vào miếu cô hồn xóm Giếng ở Hoàng Sa,
cát vàng, nắng cũng vàng
gió thổi, cát va vào cát, chìm trong nắng,
vàng đập vào vàng…
7.
Gió vang lời rền rĩ,
giặc cướp nước hôm nay,
lại là những người cùng chí hướng,
đồng chí, với một số ‘’anh chị em’’ trong nhà,
dòi từ trong xương dòi ra,
cửa toang cánh cửa, hỏi lấy gì ngăn gió chướng *
Đạn phá tung bao cát, xuyên nát bờ máu vãi,
cát vàng và máu đỏ cùng nhuộm bóng chiều tà
ngả sang sắc da cam, tai tái màu cà-rốt phơi
sóng đập vào ghềnh đá, bật ra, dội vào,
gieo khắp mười phương cánh hoa bọt trắng
Đường cùng, không lối thoát,
ba người một gốc dừa,
đâu lưng nhau lại, biển với người
cùng đánh giặc, thứ giặc biển-người
mất tất cả nụ cười lẫn tiếng khóc…
8.
Tiếng súng nửa đêm về sáng,
thay cho tiếng trống,
vợ ngóng chồng đi lính thú thời này,
mòn con mắt dõi mong ngày hòa bình,
buồn biết ngóng phương nao ?
Vẫn phải sống, nuôi con đến ngày khôn lớn,
làm người tử tế, lòng không đành hóa đá
chiếc bóng đời, âm thầm, lặng lẽ,
góp phần chung, cùng giữ nước
nâng mình lên cao…
9.
Đêm mưa rơi trên đảo Hoàng Sa
trong vườn Đầu lâu, quân phương Bắc gọi là bãi Sọ ngụy,
những người lính trận miền Nam,
các tấm bia thịt sống, đỡ đạn pháo thuyền Tàu đỏ,
vì nước quên mình, chết đứng không hề nhắm mắt!
Sáng hôm sau, vào một năm nào đó,
đầy vơi nước mắt, hốc sọ sâu thèm ngó nhìn trời
chim hải âu vẫn thảnh thơi đời thú vật
chỉ có gió Hoàng Sa khô không khốc,
nắng rạn vỡ đất Trường Sa, cát lầm, lửa tắt
đá đổ mồ hôi, lạnh kiếp người…
Nguyễn Hữu Nhật

No comments: