Monday, July 15, 2013

Tỵ Nạn và Cuộc Đời_Nguyễn Văn Phảy




Tây Đức, tháng 10 năm 1980, NVP, vợ và 2 con        

    Tháng 5 năm 2003: NVP, vợ và 3 con
 Lời mở đầu:Tỵ Nạn và Cuộc Đời - Phần 2: Cuộc Đời Mới“ nối tiếp Phần một: Lần Vựợt Biên Sau Cùng 23.06.1980 nhằm ghi lại quãng đời của một Gia đình Tỵ nạn cộng sản đến Tây Đức định cư với hai bàn tay trắng cũng như những năm tháng xây dựng Cuộc Đời Mới.


Phần 2

Cuộc Đời Mới


Định cư nơi xứ người:

Trong phòng chờ đợi tại phi trường Frankfurt am Main, Tây Đức sáng ngày 15.07.1980 giòng suy tư của tôi bị ngưng đọng khi một người Đức hướng dẫn đến và báo tin rằng hãy chuẩn bị tiếp tục hành trình đến nơi khác. Thế là chúng tôi lên máy bay. Hơn một tiếng đồng hồ bay, chúng tôi đặt chân xuống phi trường Duesseldorf (Düsseldorf) thuộc tiểu bang Nordrhein Westfalen, cách phi trường Frankfurt am Main khoảng 250 cây số đường chim bay. Sau đó, chúng tôi khoảng 50 người được một sinh viên Việt Nam du học năm 1971, hướng dẫn về trại tỵ nạn ở Unna Bergkamen bằng xe buýt. Chúng tôi ở trại tỵ nạn khoảng một tuần lễ thì được chính quyền thành phố Recklinghausen đến đón nhận và chở đi vào ngày 22 tháng 7 năm 1980. 



Sau gần 45 phút, xe chạy xuyên qua thành phố và trên xa lộ để  đưa gia đình tôi cùng 25 người đồng hương khác đến một phòng hội của nhà thờ Tin Lành tại thành phố Recklinghausen khoảng 13:00 giờ. Chúng tôi được chính quyền địa phương tiếp đón nồng hậu và cho ăn trưa. Mỗi người trong chúng tôi nhận mỗi phần ăn gồm có nửa con gà nướng, ổ bánh mì và lon coca cola. Chỉ trong một buổi đón tiếp rất bình thường và thân mật mà chúng tôi cũng được thành phố ưu đãi cho một phần ăn rất ngon miệng như thế. Vậy mà Phó Thị trưởng của thành phố Recklinghausen, ông Ramhorst, trong lời chào mừng chỉ nói rằng “các bạn ăn tạm lót lòng cho đỡ đói vì làm giấy tờ có thể lâu”. Tôi thầm nghĩ, người dân xứ tự do, tư bản sao mà sung sướng và giàu có quá vậy!. Tôi nhớ lại, khi còn ở trong “tù cải tạo” năm 1977, có lần được xem phim thấy một hoàng tử giả ở Tây Âu cầm đùi gà nướng vàng rói, ăn ngon lành làm cho hầu hết tù viên chúng tôi đều thèm thuồng và chảy nước miếng.



Sau 3 giờ làm giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ xin tỵ nạn cộng sản tại Tây Đức chúng tôi được phân chia đến các chỗ ở khác nhau trong thành phố. Gia đình tôi được đưa tới một căn phòng để chờ dọn đến một căn nhà khác đang được tân trang. Mặc dù gọi là tạm trú nhưng khi gia đình tôi được đưa đến nơi thì cũng nhận được tất cả những thứ cần dùng để nấu nuớng, đồ dùng để ăn uống và có cả giường, ra, mền, gối để ngủ. Ngay cả có giường ngủ và đồ dùng riêng cho 2 con trai tôi. Tất cả toàn là đồ mới. Chúng tôi cũng được giúp đỡ mở trương mục ngân hàng để cho cơ quan xã hội của thành phố chuyển tiền trợ cấp xã hội hàng tháng vào đó để chúng tôi sống. Sau gần 2 tháng, gia đình tôi được dọn đến căn nhà (Wohnung, Apartment, Flat) gồm 3 phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. Ngoài ra, có thêm một cái hầm để chứa dụng cụ đồ đạc. Lúc bấy giờ xã hội vẫn trả tiền thuê nhà cho gia đình tôi và trợ cấp tiền ăn uống cho cả gia đình.



Cuộc đời mới:

Kể từ tháng 10 năm 1980, Sở Lao Động (Arbeitsamt) thành phố Recklinghausen đã tổ chức cho những người tỵ nạn tại thành phố học tiếng Đức. Nơi học tại một phòng hội của nhà thờ Tin Lành gần nhà tôi ở khoảng 300 m. Mỗi ngày vợ chồng tôi thay phiên nhau giữ con và đi học. Mỗi ngày tôi học được 2 giờ học sinh ngữ Đức (khoảng 90 phút học). Khi đi học tiếng Đức, người tỵ nạn vẫn nhận được tiền trợ cấp, tương đương khoảng 85% của mức lương tối thiểu, cao hơn mức trợ cấp xã hội. Song vào đó, mỗi đứa con cũng nhận được tiền trợ cấp cho trẻ con. Khoá học tiếng Đức đầu tiên là 9 tháng. Sau đó gia hạn thêm 3 tháng nữa. Tồng cộng được một năm. Sau đó vợ tôi ở nhà trông nom các cháu. Hàng ngày, khi các cháu được gởi ở vườn trẻ thì vợ tôi cũng tìm một vài công việc ngắn hạn, vài giờ để làm. Những thời gian còn lại thì lo cho gia đình. Lúc bấy giờ người tỵ nạn được sự giúp đỡ một cách rất tận tình của thành phố. Sau khi học xong khoá tiếng Đức một năm thì người tỵ nạn, tuỳ theo khả năng và trình độ của mỗi người, mà được Sở Lao Động (Arbeitsamt) thành phố giới thiệu đến những Trung tâm Huấn nghiệp để được đào tạo chuyển nghề, tiếng Đức gọi là Umschulung, một thời gian khoảng từ 18 tháng đến 2 năm. Sau đó Sở Lao Động tìm kiếm và giới thiệu các hãng xưởng để người tỵ nạn có thể xin việc làm. Nhờ vậy mà hầu hết người tỵ nạn, sau khi đã theo học một khoá chuyển nghề thì đã tìm được việc làm. Những người chưa đi làm thì nhận tiền thất nghiệp khoảng 67 % của tiền lương tối thiểu trong vòng 2 năm. Sau đó người nào vẫn chưa tìm được việc làm thì nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, khoảng 53% của mức lương tối thiểu mặc dù họ chưa đi làm ngày nào ở xứ Đức cả. Nếu gia đình nào mướn nhà, trừ tiền ăn uống theo tiêu chuẩn xã hội tại Tây Đức, mà không đủ tiền trả tiền mướn nhà thì có thể đến cơ quan Trợ Cấp Thuê Nhà để xin trợ cấp thêm cho đủ sống. Các con cái thì được vào trường học mà không trả tiền gì cả. Còn những ai có đủ điều kiện và trình độ tiếp tục học đại học thì có thể nộp đơn xin học ở các đại học.



Sau 9 tháng học tiếng Đức đầu tiên, tôi tiếp tục thi vào năm dự bị đại học (Studienkolleg) để học tiếp. Tại Việt Nam, trước tháng 4 năm 1975 tôi đã học hết năm chót của chương trình Cử Nhân Luật Khoa, ban Công Pháp thuộc Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Tại Đức tôi được công nhận một nửa chương trình học (Vordiplom tương đương với Bachelor of Art) nhưng tôi tin rằng tôi không thể theo học ngành Luật tiếp tục được vì tiếng Đức mới được học chỉ có mấy tháng. Nói chung thì việc học nào, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không đơn giản. Nhất là đối với người tỵ nạn mới qua Đức đã lớn tuổi rồi và bấy giờ mới học tiếng Đức - một thứ ngôn ngữ mà đối với tôi rất là xa lạ và rất khó hiểu nếu so với tiếng Anh hay tiếng Pháp. Bây giờ lại mơ vào đại học nữa thì đã thấy khó khăn biết dường nào. Nghĩ lại cuộc đời, lớn lên trong thời chiến tranh loạn lạc, học hành thật là gian truân. Tôi càng suy nghĩ, càng đau lòng. Giờ đây tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Dù có trễ cũng còn hơn không. Nhờ có được văn bằng Tú Tài toàn phần ban B (Toán-Lý-Hoá) mà tôi được tuyển chọn vào sĩ quan Hải quân. Bây giờ có cơ hội học đại học (University) tại sao mình lại không học. Cứ thử khả năng và thời vận xem sao. Nếu không vượt qua được những kỳ thi hóc búa ở đại học thì đi xin việc làm khác cũng chẳng muộn. Cuộc đời mới được bắt đầu từ đó.


Bậc Đại Học:

Đối với sinh viên Việt Nam Cộng Hoà thì văn bằng tú tài toàn phần được công nhận tại Đức nhưng sinh viên phải tham dự kỳ thi nhập học gồm Toán, Lý, Hoá và tiếng Đức hoặc có thể theo học một năm Dự bị Đại học gọi là Studienkolleg dành cho các sinh viên ngoại quốc, gồm có 4 môn học: Toán, Vật lý, Hoá học và sinh ngữ Đức. Điều kiện để được học năm dự bị đại học nầy, sinh viên phải có bằng tú tài toàn phần và phải trải qua kỳ thi tiếng Đức.

   Tôi đã chọn lựa một năm học Studienkolleg tại Đại học Bochum ở tiểu bang Nordrhein Westfalen. Vừa học, vừa thi. Sau một năm, tôi tốt nghiệp năm dự bị đại học. Với văn bằng Dự Bị Đại Học sinh viên có thể xin học ở bất cứ Đại học nào (University, Technische Hochschule) tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Tôi đã ghi danh theo học ngành Điện Tổng Quát (Elektrotechnik) tại Đại học Duisburg. Sau khi tốt nghiệp năm Dự Bị Đại Học tôi phải làm thực tập 3 tháng ngoài kỹ nghệ liên quan đến ngành điện tổng quát trước khi nhập học.

   Sau 2 năm tôi tốt nghiệp một nửa chương trình học của đại học tôi nhận được văn bằng Vordiplom được xem tương đương với BS bên Mỹ thì tôi ghi danh học chuyên về Truyền Thông (Nachrichtentechnik) trong giai đoạn Hauptstudium (chuyên ngành).

   Tôi còn nhớ kỳ thi Toán của năm học đầu tiên ở đại học, tổng cộng có 146 sinh viên ghi danh tham dự thi nhưng chỉ có 18 sinh viên trúng tuyển. Kỳ thi rất hóc búa. Giáo sư Toán của Đại học Duisburg là những Giáo sư cũng đang dạy tại đại học nổi tiếng RWTH Aachen (Rheinisch-Westfaelische Technische Hochschule Aachen). May mắn cho tôi đã thi đậu trong kỳ thi Toán đó.



Ở đại học Duisburg mà tôi đã theo học, nếu sinh viên thi rớt bất cứ môn học nào 3 lần, dù thi rớt ở giai đoạn nào đi chăng nữa, ngay cả giai đoạn làm luận án ra trường cũng vậy, thì sinh viên đó sẽ bị loại ra khỏi ngành học và không được theo học ngành đó tại Tây Đức nữa. Như vậy công lao trong mấy năm cần cù đèn sách nay trở thành dã tràng xe cát. Hầu hết các môn thi đều xảy ra vào kỳ nghỉ hè từ trung tuần tháng 8 đến giữa tháng 10. Thí sinh có quyền ghi danh thi hay không.

Nếu thí sinh thi rớt môn học đó vào mùa hè thì phải thi tiếp vào thời gian nghỉ mùa đông khoảng tháng 3. Lẽ tất nhiên sinh viên không có nhiều thời gian để chuẩn bị vì còn phải theo học các môn khác. Không được bỏ qua môn thi vừa rớt. Nếu bỏ qua và không có lý do chính đáng thì được xem như hỏng môn đó lần thứ 2. Vì thế nếu sinh viên chuẩn bị chưa tốt cho môn thi sau khi học xong môn học, thường là một năm, vào mùa hè, thì không dám ghi danh thi ở kỳ thi đầu tiên. Vì lý do đó mà sinh viên học đại học tại Đức học khá lâu mới tốt nghiệp. 

Được biết, có nhiều sinh viên Việt Nam du học trước năm 1975 đã bị gãy gánh bậc đại học với nhiều lý do khác nhau. Có lẽ sinh viên theo học bậc đại học (University) tại Đức kéo dài quá lâu vì văn bằng tốt nghiệp là Cao học (MS, MA), hơn nữa sinh viên có nhiều khó khăn phải đối phó sau 30.4.1975 khi chế độ miền Nam Việt Nam bị sụp đổ.



Trong chương trình đại học (University) tại Đức có 2 giai đoạn. Giai đoạn một gọi là cử nhân bán phần hoặc kỹ sư bán phần (Vordiplom). Để đạt được văn bằng Vordiplom (Kỹ sư bán phần), trước hết sinh viên phải hoàn tất tất cả những điều kiện như các phần thực tập nhiều tháng ở ngoài kỹ nghệ cũng như ở phòng thí nghiệm cho một số môn học ví dụ như môn Vật Lý Đại Cương, môn Vật Liệu cho Điện và Điện Tử … và phải thi đậu tất cả các môn học tổng quát cho ngành học của mình được quy định trong giai đoạn một. Văn bằng Vordiplom được đánh giá tương đương như bằng BS ở Mỹ. Từ đó sinh viên mới được phép theo học các môn học ở giai đoạn 2 gọi là Hauptstudium. Khi theo học giai đoạn 2 sinh viên có thể lựa chọn những môn chuyên ngành, ví dụ như chuyên về lãnh vực Điện Truyền thông, Điện tử, Điện Kỹ nghệ, Điện tự động, ngay cả trong lãnh vực Điện toán.  Sau khi thi đậu tất cả các môn ở giai đoạn 2 kể cả phần thực tập ngoài kỹ nghệ thì sinh viên có thể tìm giáo sư theo ngành học để đỡ đầu làm luận án ra trường gọi là Diplomarbeit kéo dài khoảng 6 tháng hay lâu hơn tuỳ theo ngành học và khả năng của sinh viên.



Sau khi làm xong luận án và nếu giáo sư của bạn đồng ý thì chấm điểm đậu. Điểm luận án ra trường được cộng chung với điểm của tất cả môn thi ở giai đoạn 2 để được đánh giá cao thấp, bạn được xem như tốt nghiệp University hoặc Technische Hochschule (Đại Học Kỹ Thuật) và được cấp văn bằng Diplom Ingenieur (Văn bằng Kỹ sư, viết tắt Dipl.-Ing.). Với văn bằng nầy, kỹ sư có thể ghi chữ Diplom Ingenieur trước họ tên của mình và có thể làm luận án tiến sĩ gọi là Doktorarbeit (PhD). Thông thường những kỹ sư tốt nghiệp từ hạng điểm “Gut=good =B” trở lên thì có thể tìm một giáo sư Đại học (University) đỡ đầu làm luận án tiến sĩ. Thời gian làm luận án tiến sĩ tuỳ theo ngành học kéo dài từ 3 đến 6 năm. Luận án tiến sĩ thuộc dạng nghiên cứu, không phải thi cử các môn như ở các quốc gia khác. Sau khi Doktorant (nghiên cứu sinh tiến sĩ) đạt kết quả thì giáo sư đỡ đầu sẽ đồng ý trình ra Hội đồng Giáo sư khảo hạch về đề tài mà mình nghiên cứu. Thông thường thì gồm có 3 vị giáo sư. Nếu bạn được Hội đồng Giáo sư chấp thuận cho đậu thì bạn được cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành. Về kỹ thuật gọi là Dr. Ingenieur (viết tắt Dr.-Ing.. Hầu hết các đại học tại Tây Đức gọi là Universitaet (University) hay Technische Hochschule đều đào tạo kỹ sư có bằng Master trở lên ngoại trừ Đại học Chuyên nghiệp (Fachhochschule) chỉ đào tạo ra kỹ sư tương đương với BS tại Mỹ. Kỹ sư tốt nghiệp Đại học Chuyên nghiệp (Fachhochschule)  không được quyền ghi chữ Diplom Ingenieur trước họ tên mà chỉ được phép ghi sau họ tên trong ngoặc đơn để người ta có thể phân biệt: (Diplom Ingenier FH). FH là chữ viết tắt của chữ Đại học Chuyên nghiệp “Fachhochschule”. Kỹ sư tốt nghiệp Đại học Chuyên nghiệp không được quyền làm luận án tiến sĩ mà văn bằng kỹ sư chỉ được đánh giá tương đương như Vordiplom hoặc cao hơn một ít của đại học “University hoặc Technische Hochschule (Đại Học Kỹ Thuật)” nếu kỹ sư đó muốn ghi danh học tiếp ở University.



Hiện nay hệ thống giáo dục tại Đức quốc đã dần dần được thay đổi phần nào giống như hệ thống giáo dục của Mỹ. Bậc Trung Học chỉ kéo dài 12 năm thay vì 13 năm và bậc Đại học (University) có văn bằng Bachelor (Cử Nhân / Kỹ Sư) và Master (Cao Học hay Kỹ Sư bậc Cao Học). Sau khi có Master mới có quyền làm luận án tiến sĩ (PhD). Đại học Chuyên nghiệp (Fachhochschule) vẫn giữ nguyên.



Tại Tây Đức, lúc tôi theo học trước đây, sinh viên không phải trả học phí. Ngày nay sinh viên học đại học phải trả phần nào học phí (Studiengebuehr). Tổn phí về ăn ở thì sinh viên nào không có sự trợ cấp của cha mẹ có thể mượn tiền của chính phủ gọi là BAFoeG để ăn học. Sau 5 năm kể từ ngày ra trường, đi làm thì phải hoàn trả lại số tiền đã mượn nhưng không phải trả tiền lời.

      Bây giờ sinh viên được chính phủ tài trợ một nửa (50%) và sinh viên chỉ trả tiền một nửa (50%) tiền mượn mà thôi. Lúc tôi đi học, tiền mượn phải được trả lại 100% không có sự giúp đỡ gì của chính phủ.



May mắn thay, tôi đã tốt nghiệp đại học đúng với thời gian quy định cho ngành học của mình để có được văn bằng Kỹ sư (Diplom Ingenieur). Tôi cũng đã nhận được bằng ban khen của Đại học vì tốt nghiệp điểm tốt (good) và học đúng thời hạn quy định. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có việc làm.



Ngoài bậc Đại học, hệ thống đào tạo học sinh của CHLB Đức từ khi còn là một trẻ con ở Vườn Trẻ cho tới khi tốt nghiệp bậc Trung Học đóng vai trò khá quan trọng để góp phần xây dựng nước Đức để có một xã hội khá tốt đẹp về cuộc sống cho tới con người, nhằm đưa một nước Đức thua trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, toàn nước Đức bị tàn phá, đã vươn lên thành một trong những cường quốc giàu có và vững mạnh trên thế giới làm cho thế giới nể vì. Âu đó cũng nhờ vào Cấp Lãnh Đạo tài giỏi và khôn ngoan chọn đúng Định Chế Chính Trị Tam Quyền Phân Lập đích thực cùng với sự đóng góp của người dân CHLB Đức (West Germany trước năm 1990) và sau khi nước Đức Thống Nhất kể từ năm 1990.



Vườn Trẻ (Kindergarten):

Khi gia đình tôi vừa đến Đức một thời gian vài tháng thì đứa con đầu lòng của tôi được gởi vào vườn trẻ.

Trẻ con từ 3 tuổi đến 6 tuổi có thể được gởi vào vườn trẻ. Tiếng Đức gọi là Kindergarten mà ngay cả các nước ở Âu Mỹ cũng dùng từ nầy vì nước Đức là nước đầu tiên nghiên cứu và tổ chức xây dựng vườn trẻ ở Tây Âu. Ở đó có nhiều cô giáo được đào tạo đúng tiêu chuẩn giáo viên Sư Phạm để hướng dẫn trẻ con. Hầu hết các vườn trẻ do các tôn giáo lớn như Tin Lành hay Công giáo và của chính quyền đảm trách, tổ chức và xây dựng. Vào buổi trưa, trẻ con được gia đình đưa về nhà rồi buổi chiều đưa trở lại.

Những trẻ con nào mà cha mẹ bận đi làm suốt ngày, không có người đưa rước thì có thể được gởi vào một loại vườn trẻ khác gọi là Kinderhorte. Ở đây các cháu được ăn trưa và có giờ nghỉ. Tuy nhiên cha mẹ phải đóng tiền lệ phí hàng tháng.

Tại Tây Đức lớp Mẫu giáo được đưa vào chương trình năm cuối cùng của vườn trẻ, khi trẻ em tròn 5 tuổi . Ngoài thời gian học chữ, học viết, học vẽ, các em được học làm quen với cuộc sống ngoài xã hội. Ví dụ như có những trò chơi chung, sinh hoạt chung, làm việc chung hay đi thăm viếng tập thể v.v. Hiện nay có một số vườn trẻ được thí điểm giảng dạy bằng 2 ngôn ngữ Đức và Anh ngữ.



Bậc Tiểu Học (Grundschule):

Khi tròn 6 tuổi thì các cháu được giới thiệu vào các trường tiểu học. Nơi đây học sinh không phải trả học phí và do thành phố hoặc các tổ chức pháp nhân thuộc các tôn giáo đảm trách. Thời gian học ở trường tiểu học tại Đức kéo dài 4 năm. Mỗi lớp có khoảng 25 em. Học sinh học từ lớp 1 cho tới lớp 4. Trong thời gian học tập, học sinh được các thầy cô theo giỏi rất kỷ về năng lực học vấn của từng em qua những bài khảo sát để sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học thì học sinh được giới thiệu đến những trường học cao hơn. Các thầy cô phải được tốt nghiệp ở các Đại học Sư Phạm.



Bậc Trung Học (Gymnasium, Gesamtschule, Realschule, Hauptschule):



Sau khi tốt nghiệp ở bậc tiểu học, lúc đó học sinh đã tròn 10 tuổi. Học sinh có thể được nhà trường giới thiệu tiếp vào các trường trung học. Tuỳ theo khả năng học vấn của mỗi học sinh mà học sinh đó có thể được nhà trường bậc tiểu học giới thiệu đến học trường nào sau đây:

-          Trường Chính (Hauptschule): Học từ lớp 5 cho tới lớp 9. Loại trường nầy dành cho những học sinh học ở bậc tiểu học quá yếu kém. Sau khi tốt nghiệp Trường Chính, học sinh có thể được theo học những nghề như thợ mộc, thợ hồ v.v. mà không đòi hỏi trình độ học lực cao.

-          Trường Hướng Nghiệp (Realschule): Học từ lớp 5 cho tới lớp 10: Loại trường nầy dành cho các học sinh tương đối khá hơn và có ý muốn được học nghề từ năm 16 tuổi. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp lớp 10 học sinh có thể học thêm 2 năm nữa ở đệ nhị cấp được gọi là Fachoberschule để thi lấy bằng tú tài kỹ thuật (Fachabitur). Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể ghi danh học đại học chuyên nghiệp (Fachhochschule). Đại học nầy chỉ dành cho sinh viên theo học các ngành về kỹ thuật mà thôi. Thời gian học là 4 năm gồm cả thời gian làm thực tập ngoài kỹ nghệ và làm luận án ra trường.

-          Trường Trung Học Tổng Hợp (Gesamtschule): chỉ có ở một số tiểu bang mà thôi: Loại trường nầy dành cho học sinh tương đối khá hơn và theo học từ lớp 5 cho tới lớp 13. Học sinh có thể ở lại trường ăn trưa và buổi chiều học tiếp có sự giúp đỡ của giáo sư.

-          Trường Trung Học Phổ Thông (Gymnasium): Học từ lớp 5 cho tới lớp 13. Có nghĩa là từ 10 tuổi cho tới 19 tuổi. Trường nầy dành cho học sinh giỏi ở bậc tiểu học. Thông thường học sinh đến truờng mỗi ngày, học tới khoảng 14 giờ thì về nhà và làm bài tập tại nhà.



Bổ túc: Những năm gần đây (kể từ năm 2010) nhiều tiểu bang tại CHLB Đức đã thay đổi thời gian học ở Gesamtschule và Gymnasium chỉ đến lớp 12. Chương trình học của lớp 13 được chia đều cho các lớp 10, 11, 12.



Trong thời gian học ở các trường Chính, trường Hướng Nghiệp, những học sinh nào chịu cố gắng học giỏi cũng có cơ hội chuyển qua các trường Trung học Tổng Hợp hoặc Trung học Phổ Thông.

Sau khi tốt nghiệp các trường Trung học Phổ ThôngTrung học Tổng Hợp, học sinh có thể ghi danh trực tiếp vào đại học (University, Hochschule).



Có một vài ngành học ví dụ như ngành y khoa, sinh viên phải nộp đơn xin học Đại học tại một Trung Tâm Phân Phối Chổ Học của Liên Bang (ZVS: Zentralstelle fuer die Vergabe von Studienplaetzen) để được tuyển chọn. Bậc Đại Học tại Tây Đức có quyền tự trị tuỳ theo mỗi tiểu bang. Hầu hết là Đại học công lập.



May mắn cho các con của tôi sau khi học xong chương trình bậc tiểu học đã được vào học trường Trung học Phổ Thông (Gymnasium). Sau khi tốt nghiệp trung học Phổ Thông, các cháu đã vào thẳng đại học (University).



Nếu học sinh muốn theo học các ngành nghề tại CHLB Đức, trước hết phải có văn bằng tốt nghiệp một trong những trường Trung Học được nêu ra ở trên, tuỳ theo ngành nghề mà Trung Tâm Huấn Luyện Nghề Nghiệp (TTHLNN) yêu cầu. Sau đó phải xin một hãng xưỡng thâu nhận vào để được đào tạo. Ngày giờ được đào tạo ở trong hãng, vừa làm vừa học, được quy định rõ ràng. Thông thường là một nửa thời gian ở trong hãng, một nửa thời gian học lý thuyết ở TTHLNN. Thời gian đào tạo từ 2,5 rưỡi cho đến 3,5 rưỡi. 



Gia đình và Lời Tâm Tình:

     Vợ chồng tôi có 3 con: 2 trai, một gái. Bây giờ cháu trai lớn nhất (Kỹ sư, Diplom Ingenieur, MS) là Manager ngành IT (Information Technology) của hãng xưởng ngoại quốc tại Anh Quốc. Cháu trai thứ hai là Bác sĩ Chuyên Khoa Nội Thương. Đã có phòng mạch từ năm 2011, có vợ và 2 con: một gái, một trai.



(Tại Tây Đức muốn mở được phòng mạch Chuyên Khoa Nội Thương thì phải học 13 năm ở bậc Trung học phổ thông, 6 năm học Y Khoa tổng quát và sau khi tốt nghiệp Bác sĩ phải có ít nhất 6 năm làm việc ở bệnh viện Chuyên Khoa Nội Thương, vừa làm vừa học. Sau 6 năm phải có một kỳ thi khảo hạch của Hội Đồng Giáo Sư Y Khoa Bác Sĩ. Nếu thi đậu thì mới được cấp bằng Bác sĩ Chuyên Khoa (Facharzt) và được quyền mở phòng mạch với điều kiện Nghiệp Đoàn Bác Sĩ Tiểu Bang chấp thuận nếu nơi đó thiếu phòng mạch. Thông thường thì Bác sĩ hội đủ điều kiện mở phòng mạch chỉ có thể sang lại phòng mạch của những Bác sĩ tới tuổi về hưu). Chú thích nầy được cập nhật năm 2012 để độc giả hiểu thêm.



     Còn cháu gái được sinh ra tại Đức khi tôi đang làm luận án tốt nghiệp Đại học tại Duisburg, West Germany. Trong khi cháu theo học tại trường Trung Học Phổ Thông (Gymnasium) tại Đức, cháu có cơ hội qua Mỹ học qua chương trình trao đổi sinh viên, học sinh. Tại Mỹ cháu học nhảy lớp. Sau một năm rưởi theo học (6 tháng ở trường công và một năm ở trường tư), cháu đã tốt nghiệp trung học tại Mỹ lúc 16 tuổi ở vùng Dallas. Với 4 năm theo học bậc đại học cháu tốt nghiệp BS (Bachelor of Science) tại New York University – Stern School of Business, ngành Finance vào ngày 14 tháng 5 năm 2008. Lúc đó cháu 20 tuổi. Hạng tối ưu (cum laude) và được bằng ban khen của Đại học. Sau khi tốt nghiệp ĐH, cháu làm việc ở Ngân Hàng Đầu Tư nổi tiếng của Mỹ, Investment Bank Goldman Sachs tại Manhatten, New York City.



     Học tại Mỹ cũng rất khó khăn khi xin nhập học vào bậc đại học. Sinh viên muốn được các Đại học nổi tiếng như Harvard, Yale, Columbia, New York University, Pensylvania, Michigan…tuyển nhận vào theo ngành học mà mình chọn thì sinh viên ngoài việc học xuất sắc còn phải có những hoạt động xã hội khác. Năm học mà cháu gái phải cạnh tranh để được tuyển chọn vào New York University - Stern School of Business, ngành Finance, đại học chỉ nhận 3% của tổng số sinh viên nộp đơn xin vào học năm thứ 3. Trong số khoảng 1000 sinh viên nộp đơn chỉ có 30 sinh viên được tuyển chọn vì ngành Tài Chánh tại đại học nầy rất nổi tiếng nhất nhì tại Mỹ. Lệ phí học cho 9 tháng là 33,500$. Tiền thuê phòng (share) ở chung hàng tháng từ 1800$ đến 2000$ cho một phòng nhỏ, bếp và phòng tắm được sử dụng chung, trong cư xá sinh viên. Ngoài ra còn phải đóng tiền bảo hiểm sức khoẻ và nhiều thứ tiền khác của đại học. Tiền ăn thì sinh viên tự chi theo nhu cầu sống của sinh viên.



      

Hình cháu gái lúc 17 tuổi, trưởng phái đoàn gồm 8 sinh viên của Đại học, đang trước microphone của bục thuyết trình để trình bày về đề tài nghiên cứu của mình trong Đại Hội National Model United Nations (http://www.nmun.org) tại New York vào ngày 22 tháng 3 năm 2005. Đề tài do Liên Hiệp Quốc đưa ra đại cương “LHQ giúp đỡ quốc gia Madagascar, Nam Phi, như thế nào để quốc gia đó có thể phát triển?”. Đề tài nầy có khoảng 650 sinh viên và giáo sư tham dự đã được sự tán thưởng của tham dự viên dành cho thuyết trình viên.

Đại Hội National Model United Nations Conference được tổ chức mỗi năm trong vòng 5 ngày và quy tụ gần 3000 sinh viên và trên 200 giáo sư của các Đại học nổi tiếng tại Mỹ và trên toàn thế giới đến tham dự. Đại hội được chia thành 5 nhóm nghiên cứu những lãnh vực của các quốc gia thuộc 5 Châu trên thế giới để nghị sự. Tại Mỹ quốc có khoảng 50% trong tổng số sinh viên tham dự. Lễ khai mạc Đại hội được tổ chức tại Sảnh Đường của Liên Hiệp Quốc (UNO) và được Tổng Thư Ký LHQ chào mừng và khai mạc Đại Hội. Những đề tài nghị sự do Liên Hiệp Quốc đưa ra. Theo như mục đích của NMUN thì đây là cơ hội cho sinh viên tập lãnh đạo chỉ huy.  



     Ngoài ra vào tháng 11 năm 2005 cháu cũng đã làm trưởng phái đoàn gồm 8 sinh viên Đại học đến tham dự Đại hội American Model United Nation International tại Chicago, USA. ( http://www.amun.org/ ). Cháu cũng đã thuyết trình về đề tài “Tình hình Xã hội Quốc gia Kasachstan” thuộc Liên Hiệp Nga.



    Khi nói về gia đình, tôi cũng không quên đề cập đến người đàn bà can đảm lấy chồng là lính chiến hải quân và đã cùng đi chung trên con đường đời đầy thăng trầm.

Người ta nói hải quân bay bướm và lả lướt lắm. Chiến hạm cập nhiều bến, hải quân có nhiều người yêu. Điều nầy tuỳ theo mỗi bạn hải quân và mỗi người tình, người vợ của lính hải quân nhận định.



      

Ngày xưa trong thời chiến tranh, thì ai ai cũng nói đến sự hiểm nguy của cuộc đời lính chiến. Cũng có nhiều gia đình, nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con gái mình lấy chồng là các chàng trai dân sự mà thôi, để cho yên tâm. Lấy chồng lính trong thời loạn ly, chinh chiến thì sợ lắm. Sống nay chết mai, biết đâu mà lường. Từ nhận thức đó nên tôi cho rằng những cô gái nào trong thời chinh chiến, lấy chồng là lính chiến thì rất gan dạ, chấp nhận mọi hiểm nguy và sẵn sàng hy sinh, chịu đựng rất đáng được cảm phục.



…Lấy chồng thời chiến chinh

Mấy người đi trở lại

Lỡ khi mình không về

Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê…

(thơ HL)



     Người vợ lo cho chồng, và cũng là người mẹ lo cho con trong thời chiến tranh thì còn gì cao quý hơn trong cuộc đời!. Những cô gái đó, những người đàn bà đó gan dạ không thua gì lính chiến ngoài chiến trường.



     Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vào ngày 25.01.1975 tại Hội Quán Cây Tre ở đường Đinh Tiên Hoàng dành cho giới trẻ. Vào ngày 30.01.1975 nghi thức lễ cưới được chính thức tổ chức tại tư gia ở mặt tiền đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Sài Gòn và tại nhà hàng Lê Lai ở Sài Gòn dành cho quan khách. Đám cưới rất vui vẻ, có sự tham dự của bạn bè cùng khoá và các bạn Sĩ quan thuộc HQ503. Sau một tuần trăng mật ở Đà Lạt tôi trở lại chiến hạm và đi công tác cho tới ngày tàn cuộc 30.4.1975. Mời xem “Trận Chiến tại Vùng Cà Ná, Mũi Dinh Phan Rang ngày 18.4.1975”:




     Khi tôi bị vào “tù cải tạo” được 7 tháng ở Trảng Lớn, Tây Ninh thì vợ tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Rồi người vợ trong những năm tháng nuôi con chờ chồng, thăm nuôi chồng ở những trại “tù cải tạo” như ở Trảng Lớn, và Trảng Táo ở Long Khánh. Rồi những lần cùng chồng con vượt biển tìm tự do, vượt qua bao nhiêu nguy hiểm, bao nhiêu tháng ngày bị nhốt trong các nhà tù vượt biên của những lần vượt biên không thành công và rồi những năm tháng cùng nhau xây dựng cuộc sống mới nơi xứ người. Thế mới thấm thía và chứng minh lời nói bất hủ trong quân trường Sĩ quan Hải quân Nha trang: “chỉ có tinh thần là quan trọng”. Tất cả những gian nan khổ cực rồi cũng qua đi.



     Là một Phật Tử, tôi suy nghĩ theo triết lý nhà Phật, Thuyết Luân Hồi. Mỗi người trong chúng ta sống hiện nay có thể có liên quan tới kiếp trước. Do đó vợ chồng hãy an tâm tự tại mà sống. Kiếp trước 2 người có liên hệ gì với nhau nên kiếp nầy phải gặp nhau, sống với nhau để trả nghĩa ân tình.



     Trời cao có mắt thương người lính VNCH. Những cô gái lập gia đình với các chàng hải quân đã có nhiều cơ hội định cư ở hải ngoại nhờ vào khả năng đi biển của họ. Họ mang sở trường hải nghiệp mà các quân trường Hải quân đã đào tạo và trang bị cho họ năm xưa để lèo lái, hướng dẫn những chiếc thuyền nan mong manh đối với biển cả mênh mông, vượt trùng dương bát ngát để đi tìm Tự Do. Tuy vậy, có một số lớn đồng bào không được may mắn, thuyền ghe gặp bão, sóng to gió lớn, máy móc bị hư, thiếu nhiên liệu trên đường vượt biển đã phải bỏ thây nơi đại dương.

     May mắn hơn, đã có một số gia đình Sĩ quan QLVNCH được qua Mỹ định cư theo diện HO vì họ đã bị cộng sản nhốt tù trên 3 năm. Đó là hành động nhân đạo cao thượng của nhân dân và chính phủ Mỹ. Tôi xin được chia xẻ niềm vui với mọi người được may mắn đến bờ Tự Do.



     Gia đình tôi định cư tại Tây Đức kể từ tháng 7 năm 1980. Con cái thì cũng lớn hết rồi. Các cháu đã tốt nghiệp Đại học tại Đức cũng như tại Mỹ và đã có việc làm. Vợ tôi, hiện tại đi dạy nấu ăn cho người Đức lẫn ngoại quốc, cũng vui. Còn tôi đi làm bình thường. Mấy năm nữa sẽ về hưu. Cầu mong cho sức khoẻ tốt mà thôi. Cuộc đời đã trải qua quá nhiều thăng trầm như đường biểu diễn hình Sinus trong toán học được biểu diễn trong hệ thống trục toạ độ thẳng góc gồm trục tung (Y) và trục hoành (X), mà tung độ (Y) chỉ sự thăng trầm của cuộc đời theo thời gian của trục hoành (X).

            Ngoài những sinh hoạt trong Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn cộng sản, có những năm tôi đã được bầu làm Uỷ Viên Hội Đồng Tư Vấn Ngoại Kiều Thành Phố (Auslaenderbeirat) tại thành phố Recklinghausen có khoảng 115.000 dân. Nhờ vậy tôi đã học hỏi được nhiều cách sinh hoạt cũng như lối làm việc và giải quyết những vấn đề của các cấp lãnh đạo cũng như các chính trị gia người Đức thuộc thành phố. Trong hãng làm việc, tôi được bầu làm Uỷ Viên Hội Đồng Tư Vấn Công Nhân Xí Nghiệp (Betriebsrat) của hãng AtosOrigin thuộc vùng Frankfurt am Main, Germany. Với nhiệm vụ nầy tôi cũng thường xuyên đi họp nên cũng hiểu biết được lề lối làm việc của cơ quan bảo vệ công nhân ở một xứ kỹ nghệ phát triển như Đức quốc.



            Xứ Đức:    

Sống tại Đức, cũng xin ghi lại đôi dòng về nước Đức. Nói chung, mức sống của người dân tại Tây Đức khá tốt. Có thể nói rằng nước Đức là một trong những nước có nền kinh tế và kỹ thuật khá cao mặc dù sau Đệ Nhị Thế Chiến nước Đức bị đồng minh kềm hãm phần nào về mặt quân sự và phát triển vũ khí hay phương tiện chiến tranh. Mặc dù chỉ có khoảng 81 triệu dân nhưng nước Đức có số lượng vàng dự trữ được công bố trên thế giới, đứng hàng thứ 2 chỉ sau Hoa Kỳ mà thôi. Những sản phẩm trước khi nước Đức Thống Nhất năm 1990 đều được ghi “Made in West Germany” thì có thể nói rằng mặt hàng đó rất tốt, đã được thế giới ham thích vì phẩm chất khá nổi tiếng. Ngày nay sản phẩm của Đức vẫn còn được trọng dụng với xuất xứ “Made in Germany”.

   

Trước khi Đông Âu sụp đổ năm 1989 thì đời sống người dân Đức tương đối sung túc hơn bây giờ. Chính quyền Tây Đức phải đổi cái giá rất đắt cho sự thống nhất nước Đức vào ngày 03 tháng 10 năm 1990. Tính đến nay, năm 2008, Tây Đức phải chi tiêu trên 1150 tỷ Euro cho việc tái thiết phần đất Đông Đức đã bị cộng sản cai trị từ sau đệ nghị thế chiến cho tới năm 1990. Mỗi công nhân đi làm phải đóng tiền tái thiết đất nước. Ngoài ra Tây Đức cũng chi viện cho lính Nga để chúng rút khỏi vùng Đông Đức là 30 tỷ Đức Mã. Năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp tại Đức là 7,9 %.



Riêng về người Đức gốc Việt tại Đức cũng được dân chúng Đức có cái nhìn thiện cảm với sự thành công về học vấn của con cái họ. Những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của Đức như Die Welt, Der Spiegel … cũng đã tường thuật. Ngoài ra, ông Dr. Philipp Rösler (Roesler), người Đức gốc Việt đã làm rạng danh cho người Việt chúng ta. Kể từ ngày 13.5.2011 trong dịp Đại Hội Đảng Dân Chủ Tự Do Đức (Freie Demokratische Partei, FDP), Dr. Philipp Rösler được bầu làm Chủ Tịch đảng FDP. Đảng FDP liên minh với Union gồm có đảng CDU (Christische Demokratische Union) và CSU (Christische Sozialische Union) dưới sự lãnh đạo của bà Dr. Angela Merkel để nắm chính quyền tại CHLB Đức. Bà Dr. Merkel được Quốc Hội Hạ Viện (Bundestag) bầu làm Thủ Tướng. Ông Dr. Rösler làm Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Kinh Tế CHLB Đức. Dr. Rösler (Roesler) là một chính trị gia trẻ nhất của nước Đức giữ chức vụ quan trọng và cao quý như vậy. Như chúng ta biết, Dr. Rösler là người Đức gốc Việt. Năm 1973, khi ông được 7 tháng tuổi đã được một gia đình Sĩ quan Không quân (Pilot) của Quân Lực CHLB Đức nhận làm con nuôi từ một Cô Nhi Viện Khánh Hoà ở miền Nam Việt Nam. Nguyên do, khi tu nghiệp tại Mỹ, phi công Đức nầy có cơ hội quen biết với những phi công của Quân Lực Việt Nam Cọng Hoà. Sau khi đã tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam ông ta cùng vợ đã nhận con nuôi từ Việt Nam. Đó là bé trai Rösler. Với môi trường tự do dân chủ và phát triển, với sự hướng dẫn tận tình của cha mẹ nuôi, đặc biệt là người cha phi công Đức, ông Rösler đã học thành tài, tốt nghiệp Dr. Medizin và hoạt động trong đảng FDP từ thời còn là học sinh, sinh viên. Trước khi trở thành Phó Thủ Tướng, Dr. Rösler đã từng là Bộ trưởng Bộ Kinh Tế và là Phó Thống Đốc Tiểu Bang Niedersachsen và cũng là cựu Bộ Trưởng Bộ Y Tế Liên Bang Đức.



    Định chế chính trị tại CHLB Đức theo chế độ Lưỡng Viện gần giống như Đại Nghị Chế ở Anh quốc, gồm 2 viện: Hạ Viện (Bundestag) và Thượng Viện (Bundesrat). Hai nhân vật cao cấp nhất là Thủ Tướng và Tổng Thống. Hạ Viện bầu ra Thủ Tướng. Thông thường các đảng phái chính trị ở Hạ Viện phải liên minh với nhau để nắm quyền nếu một đảng không đủ túc số quá bán (>50%) của tổng số Dân Biểu được bầu. Muốn được vào Hạ Viện thì đảng phái chính trị đó phải có tối thiểu 5% số ghế Dân Biểu được bầu. Thủ Tướng có vai trò điều hành quốc gia, có quyền hạn như Tổng Thống ở các quốc gia theo Tổng Thống Chế như Mỹ hay Pháp. Còn Tổng Thống được bầu bởi Hạ Viện và Thượng Viện. Cương vị của Tổng Thống có tính độc lập. Sau khi được bầu vào chức vụ Tổng Thống thì phải phi đảng phái. Những công dân có đủ điều kiện được quy định của Hiến Pháp, có thể tự ứng cử hoặc được đề cử để được bầu vào chức vụ Tổng Thống. Vì vậy mà có khi Tổng Thống CHLB Đức không thuộc đảng phái chính trị nào. Thông thường thì các đảng phái trong Quốc Hội chọn lựa và đề cử ứng cử viên Tổng Thống. Tổng Thống CHLB Đức có quyền giải nhiệm chức vụ Thủ Tướng nhưng lại không có quyền điều hành quốc gia như Thủ Tướng.

Vấn đề an ninh quốc gia, tuyên chiến hay nghị hoà đuợc do Hội Đồng An Ninh Liên Bang (Bundessicherheitsrat: BSR) quyết định trước khi mang ra Hạ Viện bàn thảo. Với hệ thống Lưỡng Viện Chế, Quốc Hội Hạ Viện đóng vai trò rất quan trọng. Hội Đồng An Ninh Liên Bang gồm có 9 vị: Thủ Tướng, Giám Đốc (Chef, Chief) của Văn Phòng Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Bộ Trưởng Nội Vụ, Bộ Trưởng Tài Chánh, Bộ Trưởng Tư Pháp, Bộ Trưởng Kinh Tế, Bộ Trưởng Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế. Tuỳ theo nhu cầu, vị Tổng Thanh Tra Quân Đội (Generalinspekteur) có thể được mời làm cố vấn chuyên môn. Ngoài ra Giám Đốc của Văn phòng Tổng Thống cũng được mời tham dự cuc họp để quan sát với tư cách cá nhân.     



     Tại CHLB Đức, giai cấp công nhân ngành nghề được đào tạo rất kỹ về chuyên môn. Đi làm tại Đức, công nhân phải đóng nhiều thứ tiền như tiền thuế hành nghề, tiền bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phải đóng bảo hiểm sức khoẻ khoảng 15% của tiền lương hàng tháng. Ngoài ra công nhân đi làm phải đóng tiền để tái thiết Đông Đức. Nói chung tại Đức người công nhân bình thường khó làm giàu nhưng cuộc sống thoải mái, không bận tâm lắm cho sự thiếu ăn hay bệnh hoạn vì chính họ đã đóng các bảo hiểm khi đi làm.

     Các loại tiền bảo hiểm được đóng theo phần trăm (%). Lương càng cao, đóng bảo hiểm và thuế càng nhiều. Công nhân độc thân đóng thuế và bảo hiểm nhiều hơn người có gia đình…



     Tạm kết:

Đêm nay ngồi nơi gác lững (Galerie), mắt hướng về xa xăm, nhìn vành trăng khuyết, “vành trăng ai xẻ làm đôi”, bên những vì sao lấp lánh, những áng mây bay lững lờ theo gió thoảng, tôi thầm mong ước ngày nào trở về quê hương để thăm đồng lúa vàng, bờ ao, luỹ tre xanh thẳm.



Đến bao giờ trở về Việt Nam

Thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang

Đường mòn quanh co, ôm chân hàng tre thắm, nghe gió chiều nhẹ đưa…

 (Nhạc phẩm Đường về Quê Hương).



Càng suy nghĩ về Quê Hương Dân Tộc, làm sao tôi quên được xứ sở mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Nơi đó tôi đã cùng bạn bè trai lứa, cùng toàn dân miền Nam Việt Nam đã chiến đấu bảo vệ màu Cờ Vàng 3 sọc đỏ, biểu tượng cho Tổ Quốc Việt Nam, biểu hiện cho Chính Nghĩa Tự Do và có khoảng 250 ngàn chiến sĩ Quân Lực VNCH đã Vị Quốc Vong Thân. Làm sao tôi quên được những chiến sĩ và bạn bè cùng khoá Sĩ  Quan Hải Quân thuộc Quân Lực VNCH oai hùng, đã anh dũng chiến đấu chống lại đế quốc Trung Cộng xâm lăng quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19.01.1974.

Mời xem Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.01.1974:




Tôi và gia đình cũng cảm ơn chính quyền và dân chúng nước Cộng Hoà Liên Bang Đức đã và đang cưu mang chúng tôi, tạo cho tôi và gia đình nhiều cơ hội để tiến thân, sau khi cuộc sống của tôi đã bị dìm xuống tận cùng của vực thẳm sau ngày 30.4.1975 cho tới khi tôi vượt biên lần sau cùng năm 1980.

Và tôi cũng luôn nhớ mãi Ân Nhân của gia đình chúng tôi chính là Uỷ Ban Bác Sĩ Cấp Cứu người Đức đã thực hiện Con Tàu Cap Anamur để cứu khoảng 13 ngàn người Việt vượt biển tìm tự do ở biển Đông. Nếu vào cuối tháng 6 năm 1980 chúng tôi không được cứu vớt bởi tàu Cap Anamur thì không biết số mạng chúng tôi sẽ như thế nào ?.

Mời xem Tỵ Nạn và Cuộc Đời_Phần thứ nhất: Lần Vượt Biên Sau Cùng:




Nguyễn văn Phảy
Tây Đức, mùa nắng hạ 2008
(Bổ túc năm 2012)



No comments:

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ -Tác giả: Dr Hồ Hải /Dr Trinh Kim

Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghi...