Wednesday, July 31, 2013

Hồi Ký Lãnh Tàu - Nguyễn Ngọc Quỳnh


Lời giới thiệu: Cựu Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh xuất thân khóa II Trường Hải-Quân Pháp tại Brest. Mời độc giả hãy cùng “Ngưới Lính Biển chuyên nghiệp” Nguyễn Ngọc Quỳnh khơi lại những kỷ niệm sống thật ở những khía cạnh tốt đẹp nhất trong đời Hải-Quân.



Lãnh tàu là điều mơ ước của nhiều lính biển, kể cả kẻ viết bài này. Đó là dịp tốt để thực hiện mộng hải hồ, vượt đại dương, khám phá nhiều chân trời mới lạ và cũng là dịp du lịch nước ngoài miễn phí.

Nhưng, lệnh chỉ định lãnh tàu đến với tôi không đúng lúc. Vì, lúc đó, ngày 5 tháng 2 năm 1962, tôi đang ở San Diego, chờ ngày hồi hương. Sau một năm du học và gần tám năm hải vụ liên tục, tôi không mơ gì hơn là trở về với gia đình và phục vụ ở đơn vị bờ một thời gian. Nhưng đã trót vướng vào nghiệp hải hồ, tôi không thể từ chối một chuyến lênh đênh nữa.

Chiến hạm tôi sắp lãnh là Dương-Vận-Hạm Cam-Ranh HQ 500. Ngày bàn giao được dự trù vào giữa tháng 4. Trong khi chờ đợi, tôi theo học các khóa huấn luyện về hành quân thủy bộ tại Coronado; vì hành quân thủy bộ là nhiệm vụ chính của các Dương-Vận-Hạm.

Khi tôi tới Hải-Quân Công-Xưởng San Francisco thì thủy thủ đoàn từ Việt-Nam đã đến vào ngày hôm trước. Tôi rất mừng khi gặp họ và được sống lại trong bầu không khí của một đơn vị Hải-Quân Việt-Nam sau một năm xa cách. Tôi cũng mừng vì có một bộ-tham-mưu và thủy thủ đoàn khá hùng hậu.

Bộ-tham-mưu gồm có các anh Nguyễn Ngọc Rắc, Đinh Vĩnh Giang, Lê Văn Thì; Đặng Trần Du, Hạm-Trưởng và Hoàng Nam, Cơ Khí Trưởng. Mặc dù từ nhiều đơn vị khác nhau tới, chỉ trong một vài ngày chúng tôi đã tạo được tinh thần đồng đội và tình tương thân. Đó là yếu tố cần thiết giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, mệt nhọc trong những ngày tháng sắp tới.

Huy hiệu DVH Cam Ranh

Chiến hạm lúc đó sắp hoàn tất chương trình tái trang bị sau một thời gian dự trữ bao kín (mothball). Chúng tôi làm quen với chiến hạm và tiếp tay vào việc tái trang bị. Hải-Quân Hoa-Kỳ biệt phái một toán huấn luyện lưu động để giúp đỡ nhân viên chiến hạm từ lúc đó cho tới khi chiến hạm rời bến, đưa chúng tôi hồi hương. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều nhờ sự chỉ dẫn tận tình của toán huấn luyện lưu động này. Mặc dù nhiều nhân viên chiến hạm khá thành thạo tiếng Anh, nhưng sự liên lạc giữa hai bên trong vài tuần đầu cũng khá… mỏi tay, vì phải bổ túc bằng “thủ hiệu quốc tế!”

Lễ trao chiến hạm được tổ chức trọng thể, với sự có mặt của đại diện hai chính quyền Việt-Mỹ. Phía Việt-Nam là một vị đặc sứ từ Tòa Đại-Sứ Việt-Nam Cộng-Hòa tại Washington, D.C. Phía Hoa-Kỳ là Đô-Đốc Tư-Lệnh Hải-Khu 12. Nhiều phóng viên báo chí và truyền hình Hoa-Kỳ đến làm phóng sự.

Ngay sau lễ bàn giao, chiến hạm bắt đầu tuần lễ huấn luyện trắc nghiệm và làm quen (Shakedown Training). Đúng như nghĩa tiếng Mỹ, trong tuần lễ này chiến hạm bị “quần” rất kỹ, từ nhân viên đến máy móc và dụng cụ, xem có gì trục trặc để bổ khuyết, tu chỉnh. Toán huấn luyện lưu động rất hài lòng về sự hăng hái và khả năng học hỏi của thủy thủ đoàn; nhưng cũng rầu về thói coi thường các biện pháp an toàn của lính biển Việt-Nam.

Trong một lần thực tập tác xạ phòng không, một viên đạn đại bác 20 bị tịt ngòi, nằm trong buồng súng. Biện pháp an toàn là xịt nước lạnh lên thép súng, phủ một tấm bố lên súng rồi nhân viên tránh xa ra, chờ một chốc cho đạn nguội mới lấy ra. Nhưng, khi nhân viên đang phủ tấm bố lên thì anh Trung-Sĩ hỏa đầu vụ đi ngang; có lẽ vì kinh nghiệm chiến đấu của anh trên sông ngòi với đại liên, anh cho rằng biện pháp an toàn đó là “bày đặt, mất thì giờ”, anh bèn phóng tới, mở ngay cơ bẩm, móc viên đạn nóng ra ném ngay xuống biển!

Lần khác, trong cuộc thực tập tiếp tế dầu ngoài biển giữa hai chiến hạm đang chạy song song, nhân viên phải tập cách tháo ống dẫn dầu khẩn cấp, phòng khi có nguy cơ hỏa hoạn hoặc địch sắp tấn công. Một lần, dây cột đầu ống dầu không tháo ra được, phải cắt đứt ở phía ngoài thành tàu chừng hơn một sãi tay. Huấn luyện viên Mỹ đang giúp một nhân viên cột giây an toàn, mang áo phao, nón nhựa để ra cắt, thì, một “đấng” Hạ Sĩ mình trần trùng trục, không mũ, không phao, leo ra ngoài thành tàu để cắt một cách rất…anh hùng! Sĩ quan phụ trách chỉ biết “khóc thét” vì ngăn không kịp!

Sau tuần huấn luyện, những sửa chữa cần thiết được làm ngay tại San Francisco; phần còn lại sẽ được thực hiện tại San Diego.

Chiến hạm rời vịnh San Francisco vào một buổi sáng đẹp trời. Cầu Golden Gate nổi bật trên nền trời xanh thẫm, điểm một vài cánh hải âu trắng. Nhớ lại mấy tuần trước, chúng tôi qua cầu để ra khơi thực tập, cầu chìm trong sương mù hoặc mưa bụi. Tiếng còi báo sương mù the thé hòa với tiếng gió ù ù và dòng nước triều chảy xiết khiến cầu có vẻ “đáng sợ” hơn nhiều. Đây là cảm giác mà khi lái xe trên mặt cầu phẳng phiu, thẳng tắp, khó mà hình dung ra được.

So với tuần lễ huấn luyện Shakedown, hải trình đi San Diego thật êm ả, dễ chịu. Hải hành dọc theo bờ biển California vào giữa mùa Xuân thấy cảnh trí rất đẹp. Chắc không ai trong chúng tôi nghĩ rằng có ngày mình sẽ nhận nơi này làm quê hương thứ hai.

Đến San Diego chúng tôi tiếp tục sửa chữa, trang bị, huấn luyện và chuẩn bị hành trình hồi hương. Chương trình huấn luyện gồm một tuần huấn luyện tổng quát và một tuần huấn luyện chuyên về hành quân thủy bộ.

Phần huấn luyện chính xác được đặt nặng vào sự chính xác hải hành, chính xác tác xạ, v. v…Qua tuần này, mọi người mới nhận thấy từ trước tới nay mình làm việc quá đại khái. Sở dĩ Hải-Quân Hoa-Kỳ đòi hỏi độ chính xác cao vì kinh nghiệm chiến tranh cho họ thấy đó là vấn đề sinh tử. Chẳng hạn như khi chiến hạm hải hành qua một bãi mìn – có thể là một vùng biển rộng hàng chục hải lý – phải theo đúng lối đã rà mìn. Lối này thường hẹp, nếu lạng quạng ra ngoài một chút là có thể về trình diện Đại-Hải Long-Vương.

Hành quân thủy bộ có vẻ mới lạ đối với chúng tôi; vì, tuy nhiều người trong chúng tôi đã phục vụ trên các tàu đổ bộ, có lẽ chưa ai được huấn luyện đầy đủ và kỹ lưỡng về chiến thuật này. Chúng tôi tập ủi bãi ngày, ủi bãi đêm, ủi bãi với cầu nổi, ủi bãi với một máy, ủi bãi không dùng tay lái, ủi bãi không neo, ủi bãi chính xác, v. v…

Để tiến vào bãi đổ bộ, tàu phải chạy theo một hành lang rất hẹp, nếu lệch ra ngoài có thể đụng vào chiến hạm bạn ở hành lang bên cạnh, hoặc lạc vào khu chưa rà mìn. Chiến hạm còn phải ủi bãi đúng từng phút. Giờ giấc phải chặt chẽ như vậy vì trước khi tàu vào bãi, hải pháo và phi cơ bạn phải tác xạ cho địch không ngóc đầu dậy được mà bắn chận tàu. Tác xạ này chỉ ngừng đúng bốn phút trước khi tàu chạm bãi. Nếu tàu vào sớm, sẽ “ăn” đạn của bạn; nếu vào muộn, địch sẽ ngóc đầu dậy để tấn công ta. Tất cả công tác khó khăn đó được thực hiện tại bờ biển lạ, thường là vào ban đêm, không có hải đăng.

Chúng tôi ủi bãi chính xác đến độ các huấn luyện viên Mỹ phải ngạc nhiên. Có lẽ vì nghĩ rằng tôi “ăn may” cho nên họ yêu cầu các sĩ quan khác làm thử, và ai cũng đạt kết quả tốt. Chúng tôi được sắp hạng cao hơn các chiến hạm Mỹ cùng tập dượt trong tháng đó. Đạt được thành quả tốt đẹp đó có lẽ nhờ sự cố gắng của tất cả nhân viên chiến hạm: Từ người giữ tay lái đến người điểu chỉnh tốc độ máy, từ người xử dụng radar đến người xác định vị trí trên bản đồ, v. v… Ai nấy đều muốn tỏ cho huấn luyện viên Mỹ thấy rằng lính biển Việt-Nam, nếu được huấn luyện và có phương tiện thì cũng không kém ai.

Ngoài nỗ lực chung, cũng phải kể đến một vài cái “tủ” hay mẹo vặt, hay nói một cách văn chương là một vài “sáng kiến độc đáo” của chúng tôi. Thí dụ như nếu chỉ dùng radar, chiến hạm sẽ khó chạy đúng trục của hành lang đổ bộ. Khi tới gần bãi, dù trong đêm tối, với ống dòm, tôi cũng cố tìm ra một vài dấu vết đặc biệt của dãy cột điện trên bờ, hiện lờ mờ trong ánh sáng của thành phố San Diego ở chân trời xa, và nhờ đó điều chỉnh được chính xác hơn vào mấy phút chót. Thử lại một vài lần thấy đúng, tôi bèn bỏ nhỏ cho các sĩ quan cái “tủ” đó. Các huấn luyện viên Mỹ không hề biết có sự “huấn luyện” nội bộ bí mật này.

Để bảo toàn an ninh, chiến hạm phải che tối hoàn toàn để địch ở trên bờ không trông thấy, kể cả khi mở cửa đổ bộ ra. Một huấn luyện viên Hoa-Kỳ đứng trên bờ sẽ quan sát kỹ lưỡng về điểm này. Để kiểm soát chu đáo, một nhân viên chiến hạm có sáng kiến là cho tiểu đỉnh chạy quanh tàu trước khi tàu tiến vào bãi để xem còn sót ánh đèn nào ló ra không. Nhờ vậy tránh được nhiều khuyết điểm mà đứng trên tàu không thấy được.

Điểm đặc biệt là những “tủ” này do nhân viên các cấp, các ngành tìm ra. Do đó chúng tôi “khám phá” một điều là: Dân Việt-Nam không biết có thông minh hơn các dân tộc khác hay không, nhưng chắc chắn là “khôn vặt” hơn.

Khi hoàn tất giai đoạn huấn luyện, chúng tôi mới thấy thấm mệt. Có nhiều ngày liên tiếp chúng tôi phải dậy thật sớm để tập từ trước khi mặt trời mọc, rồi thức đến khuya để tập đổ bộ ban đêm. Nhiều đêm chỉ ngủ độ năm tiếng, rồi ngày làm việc khoảng mười sáu tiếng, mà vẫn tỉnh táo, nếu không là dễ xảy ra tai nạn.

Sang giai đoạn sửa chữa và tiếp liệu, chúng tôi mới nghĩ tới chuyện đi bờ, giải trí, mua sắm, nghỉ ngơi.

Tuy nói là “nghỉ ngơi” nhưng chúng tôi cũng rất bận rộn trong việc sửa chữa và tiếp liệu; vì phải hoàn tất trước ngày khởi hành hồi hương. Không những chiến hạm cần có đủ vật liệu và thực phẩm cho một hải trình dài một phần ba vòng trái đất, trong khoảng 50 ngày, mà còn phải dự phòng đồ tiếp liệu, nhất là cơ phận thay thế, về lâu dài; vì đây là Dương-Vận-Hạm đầu tiên của Hải-Quân Việt-Nam cho nên Trung-Tâm Tiếp-Liệu chưa có đủ vật liệu riêng cho loại tàu này.

Có hai điều khó: Một là số lượng nói trên vượt ra ngoài cấp số quy định. Hai là kho tiếp liệu địa phương không đủ để cung cấp kịp thời những vật liệu mà tàu xin cấp. Với sự giúp đỡ của toán huấn luyện lưu động, chúng tôi tạm thỏa mãn được nhu cầu bằng cách này hay bằng cách khác. “Cách khác” ở đây có nghĩa là ra ngoài thể thức hợp lệ của Hải-Quân Hoa-Kỳ. Hai lối thông dụng nhất là “midnight requisition” (tạm dịch là xin cấp phát nửa đêm) và “ngoại giao”.

“Xin cấp phát nửa đêm” là tìm cách lấy vật liệu mà không theo đúng thủ tục cấp phát hoặc không được phép. Nói nôm na là “thuổng” hay “cầm nhầm”. Cần phải nói ngay là thuổng cho chiến hạm dùng chứ không phải làm của riêng. Mặc dầu vậy, lúc đầu chúng tôi cũng không dám làm vì sợ bị túm thì mang tiếng. Nhưng sau, chính toán huấn luyện lưu động khuyến khích và “huấn luyện” chúng tôi, vì cách này cũng rất thịnh hành trong Hải-Quân Hoa-Kỳ. (Nếu vị nào không tin, xin xem phim Operation Pettycoat, do Tony Curtis đóng vai một sĩ quan có biệt tài về “xin cấp phát nửa đêm”) Chẳng hạn như chiến hạm có bốn LCVP mà không có bệ đặt để tu bổ, mặc dù theo cấp số có thể xin Hải-Quân Công-Xưởng thực hiện. Vì quá cận ngày, không thể làm kịp, toán huấn luyện lưu động  đã xúi chúng tôi lấy ngay bệ có sẵn của Hải-Quân Công-Xưởng San Diego để trên cầu tàu.

Họ “đạo diễn” như sau: Khoảng nửa đêm, chờ cho xe của sĩ quan trực Hải-Quân Công-Xưởng vừa đi tuần qua, nhân viên điện khí lên tắt đèn cầu tàu, nhân viên vận chuyển khuân bệ xuống chiến hạm, nhân viên giám lộ đứng trên cao canh chừng.

Phương pháp “ngoại giao” được thực hiện bằng ngân khoảng tiếp tân của chiến hạm và cũng được toán huấn luyện lưu động cổ võ. Những buổi tiếp tân hoặc bữa ăn thân mật được tổ chức để cảm ơn toán huấn luyện lưu động đã giúp đỡ chiến hạm, nhưng các giới chức có thẩm quyền về sửa chữa hoặc tiếp liệu cũng được mời. Nhờ vậy, nhiều thủ tục cấp phát hoặc thực hiện công tác được dễ dàng và mau chóng hơn nhiều. Chúng tôi gọi đây là “hối lộ hợp pháp”. Cũng nhờ phương pháp này chúng tôi chiếm cảm tình của các sĩ quan một chiến hạm bên cạnh và họ đã “đáp lễ” bằng một cầu thang nhẹ bằng nhôm mà nhân viên vận chuyển từng mơ ước; vì khiêng nhẹ hơn và đỡ nguy hiểm hơn những cầu thang bằng sắt.
http://rvnscale.freeforums.org/download/file.php?id=2736&mode=view

Một trong những chuẩn bị quan trọng cho chuyến hồi hương là hàng hải. Thái-Bình-Dương là đại dương lớn nhất và không một ai trong chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về các bến và vùng biển này. Với đoạn đường hơn 8,000 hải lý và với tốc độ trung bình non mười hải lý một giờ, cộng với thời gian ghé bến ba lần, hải trình sẽ dài hơn một tháng rưỡi. Khởi hành gần cuối tháng Sáu, chúng tôi sẽ tới miền Tây Thái-Bình-Dương vào hạ tuần tháng Bảy, đúng vào mùa bão lớn ở vùng biển này.

Huấn thị hải hành và khí tượng về đoạn đường sắp đi là một chồng sách dày cộm mà tôi biết sẽ không đủ thời giờ đích thân ngồi đọc từng chi tiết và nhiều chi tiết không thể bỏ qua được. Và đây là lúc thấy sự lợi ích của sự phân nhiệm. Theo thường lệ trên chiến hạm, nội vụ và quân kỷ là phần nhiệm của Hạm-Phó. Hải hành được giao cho sĩ quan đệ tam. Biết khả năng của mỗi sĩ quan tôi thấy cần vượt ra ngoài thông lệ đó. Anh Du, Hạm-Phó, là một trong những “cây” hải hành cao thủ của Hải-Quân; trong khi đó tính “đại từ bi” của anh có lẽ không hợp với nhiệm vụ “ông Ác” của trưởng ban nội vụ. Do đó, anh Du và anh Rắc vui vẻ hoán chuyển chức vụ trưởng ban hải hành và trưởng ban nội vu với nhau. Cả hai tỏ ra xuất sắc trong chức vụ mới này.

*       *

*

Đoạn đường San Diego – Pearl Harbor dài mười một ngày với thời tiết và biển khá đẹp. Trước khi khởi hành, chúng tôi nhận được chỉ thị phải báo cáo nếu trông thấy loé sáng trên trời đêm khi tới gần Hạ-Uy-Di. Tuy chỉ thị không nói rõ, nhưng tôi biết lúc đó Hoa-Kỳ đang trắc nghiệm những vụ nổ nguyên tử trên thượng tầng khí quyển. Những vụ nổ này có thể chận đứng sự truyền luồng sóng điện trong một thời gian.

Một đêm, tôi đang ngủ trong phòng ngủ hải hành (sea cabin) ngay dưới đài chỉ huy, thì anh Rắc, sĩ quan đương phiên, báo cáo là thấy ánh sáng lóe trên trời về hướng Tây Nam. Khi tôi lên đến đài chỉ huy thì chỉ còn thấy một đóm sáng nhỏ, nhưng cả nền trời bắt đầu chuyển sang màu cam giống như ráng chiều, mặc dù lúc là khoảng hai giờ sáng. Chúng tôi thấy có một cảm giác lạ lùng và rùng rợn! Sau này, khi anh Rắc qua đời vì bệnh ung thư máu, tôi mới nhớ lại vụ thấy ánh sáng nguyên tử và thắc mắc không rõ có phải vì ảnh hưởng phóng xạ nguyên tử hay không!

Theo lệnh hải hành, chiến hạm chỉ ghé Pearl Harbor ba ngày. Nhưng bơm nhớt của tàu bị nóng, cần sửa chữa ngay. Lúc đó là đầu tháng Bảy, tài khóa cũ đã hết mà ngân khoản sửa chữa dành cho tài khóa mới chưa được chấp thuận, cho nên Hải-Quân Công-Xưởng Pearl Harbor đề nghị chúng tôi ở lại thêm ba hoặc bốn ngày nữa. Vậy là chúng tôi được nghỉ tại Hạ-Uy-Di một tuần lễ.

Trong thời gian chúng tôi ở Hạ-Uy-Di, cụ Mai Thọ Truyền, hội trưởng Hội Phật-Giáo Việt-Nam, có ghé qua trên đường công du. Chúng tôi mời Cụ tới thăm chiến hạm và dùng cơm chay. Khi nghe nói lễ trao chiến hạm tại San Francisco, ngoài vị Tuyên-Úy Công-Giáo còn có một Tu-Sĩ Phật-Giáo tới làm lễ, Cụ không tán thành, cho rằng việc cầu an cho chiến hạm, tức là một chiến cụ, không thích hợp với giáo lý của đạo Phật. Chúng tôi phải giải thích rằng đây là lễ cầu an cho thủy thủ đoàn chứ không phải cho chiến hạm.

Sau bảy ngày xả hơi, chúng tôi rời thiên đường hạ giới để tiếp tục hải trình hồi hương với chặng đường dài nhất. Vì thấy đoạn đường tương đối dài, tôi phân vân không biết có nên theo đường trực hành để tới Guam cho đỡ dài, hay theo đường tà hành cho giản tiện, nghĩa là cứ theo đúng một hướng, thì có lệnh phải đi chếch lên phía Tây Bắc, tới gần quần đảo Midway rồi hãy đổi hướng để trực chỉ Guam. Chỉ thị này được ban hành có lẽ để chiến hạm tránh xa vùng thử bom nguyên tử ở phía Nam Midway. May thay, hải trình này lại rất gần đường trực hành, cho nên tuy phải đi vòng mà đường lại ngắn hơn. (Xin lỗi quý vị không quen thuộc với khoa hàng hải, vì phải đọc những lý luận lẩm cẩm này của dân đi biển).

Đối với hầu hết chúng tôi, đoạn đường Hạ-Uy-Di – Guam, mười bảy ngày, có lẽ là đoạn đường dài nhất trong cuộc đời lênh đênh của mình. Nếu Hải-Quân giúp chúng tôi học được đức kiên nhẫn thì đây là bài học dài nhất. Để phá tan sự nhàm chán và buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày, không trông thấy gì khác hơn là chân trời phẳng lặng bốn phía, ngoài việc trực phiên hải hành và tu bổ chiến hạm, chúng tôi phải kiếm ra những việc khác. Hữu ích nhất là việc học. Các sĩ quan và hạ sĩ quan thâm niên chia nhau huấn luyện nhân viên về chuyên môn cũng như văn hóa. Anh văn và toán là hai môn mà nhiều nhân viên muốn học.

Nhờ sàn tàu rộng, có nhiều trò giải trí và thực phẩm đầy đủ cho nên cuộc sống cũng dễ chịu. Môn giải trí đặc biệt có tính cách truyền thống Hải-Quân là lễ xuyên-nhật-đạo. Chiến hạm vượt qua đường đổi ngày vào khoảng một phần ba đoạn đường đi Guam. (Lịch thêm một ngày khi tàu vượt qua đường đổi ngày) Trên sàn chính có căng một sợi giây tượng trưng cho nhật đạo, hai bên có một số nhân viên hóa trang làm binh cua, lính cá của Đại-Hải Long-Vương. Nhân viên nào chưa hề qua đường đổi ngày – bằng tàu chứ không phải bằng máy bay –  sẽ bị đám binh cua, lính cá xịt nước đầy mình rồi rắc bột và đẩy cho chui qua giây nhật đạo giữa tiếng reo hò của bạn bè. Sau đó mỗi người được cấp một bằng xuyên-nhật-đạo do Đại-Hải Long-Vương ban. Lễ này có lẽ đã phỏng theo lễ xuyên-xích-đạo mà Hải-Quân các nước thường làm.

Đây là những thành tích mà thủy thủ thường tự hào. Ngoài nhật đạo và xích đạo, người ta còn ghi thành tích khi vượt qua ba mũi đất cực Nam (tức mũi Hảo-Vọng ở Phi-Châu, mũi Horn thuộc Nam Mỹ và mũi Tây Nam ở Úc) khi tới Nam Cực bằng tiềm thủy đỉnh lặn dưới lớp băng.

Ban hải hành, các sĩ quan trực phiên và tôi có môn giải trí là hàng hải thiên văn. Vì hải hành xa bờ và dụng cụ hải hành điện tử hơi thô sơ, chúng tôi tin vào hải hành bằng tinh tú hơn. Hằng ngày, đều đặn như một nghi lễ, chúng tôi định vị trí rạng đông, vị trí mặt trời, vị trí hoàng hôn và một đôi khi vị trí đêm bằng mặt trăng.

Làm điểm rạng đông và hoàng hôn tương đối chính xác nhất và cũng thơ mộng nhất; vì đây là lúc chúng tôi đo và ngắm trăng sao. Các nhà thiên văn quan sát tinh tú bằng con mắt khoa học; các văn nhân, thi sĩ ngắm sao bằng con mắt lãng mạn; dân hải hồ nhìn trăng sao bằng cả hai con mắt đó. Chúng tôi dùng kính lục phân để đo cao độ tinh tú, rồi tính toán và kẻ đường vị trí, trong khi đó vẫn mơ ước lấy được “ngàn sao trên trời, kết  thành chuỗi ngọc em đeo”. Khi tìm sao trời trong các nhóm Tiểu-Hùng-Tinh, Song-Nam, Nam-Tào hay các hành tinh, để đo cao độ, chúng tôi thường nghĩ đến cuốn Les Lettres de Mon Moulin với chú mục đồng thả hồn lên bầu trời lấp lánh sao đêm…

Chúng tôi nhìn vết bọt trắng sau lái tàu để phỏng tính độ giạt và cũng tưởng tượng đó là những bông hoa biển nở sau gót con tàu. Người thủy thủ không lấy mộng làm thực, hoặc lấy thực làm mộng, nhưng trong tâm trí họ, thực và mộng đã giao duyên với nhau.

Một môn giải trí khác được chúng tôi thực tập vài ba ngày một lần là nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở phòng tai – cứu hỏa, cứu thương, cứu thủy – nhiệm sở đào thoát, v. v… Đây vừa là nhu cầu an ninh vừa là một cách làm cho đời sống hằng ngày trên chiến hạm bớt đơn điệu. Cũng để tránh đơn điệu, chúng tôi luôn luôn thay đổi đề tài thực tập và thay đổi giờ tập.

Một trò tiêu khiển khá phổ thông là đem quà mua được ra ngắm nghía và khoe nhau. Nhiều người cho rằng thủy thủ sống đời giang hồ nên ít chung tình. Thật là oan Thị Kính! Cứ nhìn mấy chàng lính biển nâng niu mấy hộp phấn son, quần áo, kể cả…đồ lót nữa, mới thầy rằng “càng đi xa anh càng nhớ em”. Các thủy thủ “bố trẻ con” thì say sưa chơi thử đồ chơi mua về cho con, say sưa đến độ không biết bố khoái hơn hay con khoái hơn!

Nhờ những trò giải trí vừa kể, chúng tôi đã vượt qua đoạn đường dài nhất mà không cảm thấy buồn chán. Thời tiết tốt đều, biển khá đẹp, xứng đáng với tên Thái-Bình-Dương, khiến cho chuyến đi này khá hứng thú.

Khi gần tới Guam, thời tiết trở nên xấu. Đây là lúc cần định vị trí thiên văn hơn hết để đáp bờ cho chính xác thì mây mù đã đuổi trăng sao và mặt trời đi chơi chỗ khác. Mưa rào khắp nơi khiến màn ảnh radar trắng xóa, không còn thấy bờ đâu nữa. Hải trình như vậy vào ban đêm, giữa vùng biển lạ, nhiều đảo nhỏ - quần đảo Mariana - và dòng nước chảy mạnh, quả là vất vả. Kể ra, chúng tôi có thể chạy chậm lại để chờ sáng mới bắt đầu đáp bờ cũng được, nhưng coi bộ ai cũng nóng lòng tới bến sau một chặng đường khá dài, nên đành chịu khó vận dụng hết kinh nghiệm hải hành chính xác để tiến tới Guam ngay trong đêm đó.

Sáng sớm, khi tàu tới ngoại cảnh thì trời đẹp trở lại. Ở đây hải đồ nội cảng được bỏ trắng vì lý do an ninh.

Khi chiến hạm cặp bến, một đoàn trẻ em thuộc gia đình Hải-Quân Mỹ đón tiếp chúng tôi bằng những chuỗi hoa đeo cổ (lei) và các vũ điệu Hạ-Uy-Di. Họ đón tiếp nồng hậu và đưa chúng tôi đi xem thắng cảnh. Đáng kể nhất là Trung-Tâm Kiểm-Báo miền Tây Thái-Bình-Dương. Trung tâm này được đặt tại đây vì vùng này là nơi xuất phát của hầu hết các trận bão tiến về phía Phi-Luật-Tân, Việt-Nam, Trung-Hoa hoặc Nhật-Bản. Nhờ có phương tiện đầy đủ như máy bay, đài radar, hệ thống liên lạc với các đài khí tượng, v .v…Trung tâm phát giác các trận bão mới phát sinh, đặt tên cho chúng, theo dõi, tiên đoán hướng đi, tốc độ và thông báo cho các quốc gia và tàu bè chạy trong vùng. Chính những bản tin khí tượng này đã bảo vệ Hải-Quân chúng ta hằng năm trong mùa bão. Cuộc thăm viếng này được chúng tôi chú tâm đặc biệt, vì đoạn đường sắp tới nằm trong vùng bão và mùa bão cũng bắt đầu. Chúng tôi đã học hỏi khá nhiều về những trận bão giết người này.

Sau ba ngay nghỉ bến, chúng tôi đến Guam với thời tiết đẹp. Nhưng chỉ nửa ngày sau đã được báo tin có một trận bão phát sinh ở phía trước chúng tôi và được khuyến cáo chạy chậm lại một chút để tránh biển xấu. Chính trận bão này đã tàn phá miền Trung Phi-Luật-Tân trước khi chúng tôi tới. Mới chạy chậm được hơn một ngày thì lại có tin một trận bão khác mới ra đời và theo sau gót chiến hạm. Chúng tôi phải tăng vận tốc để giữ khoảng cách giữa hai trận bão. Sau khi được nghe giảng dẫn tường tận về các trận bão nhiệt đới tại Trung-Tâm Kiểm-Báo với tất cả những gì đáng sợ về chúng, để rồi đi vào vùng này, chúng tôi có cảm tưởng như đi đêm vào nghĩa địa sau khi nghe kể chuyện ma! Và bây giờ lại có hai con ma kèm sandwich chúng tôi nữa. Tuy nhiên đây chưa phải là điều đáng sợ. Điều mà chúng tôi e ngại nhất là khi chui qua eo San Benardino để vào nội hải Phi-Luật-Tân mà con ma sau đuổi kịp và con ma trước nằm chềnh ềnh gần đó thì hết lối chạy.

Cũng may, khi chúng tôi tới gần Phi-Luật-Tân thì trận bão trước đã tan, còn trận bão sau đã bye bye, chạy vòng lên hướng Bắc. Nhìn vết tàn phá của trận bão trước tại Phi, với nhiều tàu bè bị đưa lên cạn hoặc nhận chìm, mới thấy hú vía.

Chiến hạm ghé Subic Bay ba ngày trước khi về Saigon. Đây là chuyến tàu vét cho những ai còn nặng nợ với Navy Exchange, cũng như đối với ban tiếp liệu của chiến hạm vì đây là căn cứ tiếp liệu cuối cùng của Hải-Quân Mỹ trước khi chúng tôi hồi hương.

Đoạn đường chót của hải trình hồi hương cũng là đoạn đường ngắn nhất. Tại Subic cũng như trên đoạn đường này chúng tôi phải làm sạch sẽ trong ngoài và sơn phết lại chiến hạm để về Saigon với bộ mặt bảnh bao hơn. Tuy là đoạn đường ngắn nhất nhưng ai nấy đều có vẻ nóng lòng, hồi hộp chờ mong ngày tới quê nhà,

Để mọi người khỏi sốt ruột, anh Du, trưởng ban hải hành hằng ngày thông báo cho mọi người qua hệ thống phóng thanh các chi tiết về vị trí, khoảng đường còn lại và ngày giờ phỏng định đến bến. Khi anh báo rằng sắp trông thấy bờ biển Việt-Nam vùng Phan-Thiết, mọi người đều đổ lên sàn chính để canh. Khi mới trông thấy bờ ai nấy đều reo hò. Có lẽ ngày xưa, khi Columbus thấy Châu-Mỹ, thủy thủ đoàn cũng chỉ mừng đến thế là cùng!

Vì lý do kỹ thuật và thời tiết, chiến hạm về đến Saigon trễ hơn giờ dự trù chừng bốn tiếng, khi cập cầu trời đã tối. Dòng nước không thuận tiện, mà trong lòng lại hồi hộp khi thấy thân nhân nóng lòng chờ đợi trên bờ, chúng tôi cảm thấy khá vất vả. Tuy nhiên trong lòng ai cũng vui, và người vui nhất có lẽ là tôi, vì đã trở về sau hơn một năm rưỡi xa nhà.

Hải trình dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của chúng tôi chấm dứt với hồi còi giải tán nhiệm sở vận chuyển. Tính ra chiến hạm đã vượt qua khoảng chín ngàn hải lý, trong 52 ngày, xuyên qua đại dương lớn nhất, sâu nhất và cũng … thiên đàng nhất. Nhưng đối với tôi, cái nhất…nhất là thủy thủ đoàn và bộ-tham-mưu chiến hạm. Đó là niềm hãnh diện của tôi trong suốt thời gian nhận lãnh chiến hạm, huấn luyện và hoạt động với Hải-Quân Hoa-Kỳ. Tinh thần trách nhiệm và cầu tiến của nhân viên chiến hạm đã khiến toán huấn luyện Hải-Quân Hoa-Kỳ phải nể vì. Trước khi chia tay tại San Diego, vị sĩ quan trưởng toán huấn luyện lưu động đã nói với tôi: “Ông có thể tự hào là đã có một thủy thủ đoàn học hỏi nhanh và thực hành rất đúng. Thú thật với ông, khi tôi mới gặp họ ở San Francisco, tôi không ngờ là họ lại có thể đạt được kết quả huấn luyện tốt đẹp như vậy.”

Lời khen trên được nhắc lại để riêng tặng tất cả nhân viên đã cùng tôi nhận lãnh Dương-Vận-Hạm Cam-Ranh, HQ 500, cách nay hơn một phần tư thế kỷ. Giờ đây một số đã vĩnh viễn nằm xuống, một số còn kẹt lại quê nhà, và số còn lại may mắn thoát ra được hải ngoại. Ước mong chúng ta sớm có ngày tái ngộ trên quê hương thanh bình và tự do để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời sông biển.


Nam Ye1tcêhuyển

No comments:

Cuộc chiến ngầm của Nga chống lại ngành vận tải biển phương Tây-Elisabeth Braw

Việc cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho Houthi đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ của luật hàng hải. Nga – và China dường như đã được hưởng lợi từ ...