Saturday, July 27, 2013

Tại sao Obama lại tiếp Chủ tịch nước Việt Nam?

John Sifton
photo123-622.jpg
Người Việt ở Mỹ biểu tình chống Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang bên Toà Bạch Ốc, sáng hôm 25 tháng 7.
Photo: RFA
Hôm nay, Tổng thống Barack Obama tiếp một vị khách bất thường tại Nhà Trắng: Chủ tịch nước Việt Nam, Trương Tấn Sang. Theo Nhà Trắng, trong số các đề tài nghị sự, sẽ có lĩnh vực thương mại và bang giao chặt chẽ hơn về an ninh và quốc phòng. Nhân quyền cũng nằm trong chương trình, nhưng với chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” về Châu Á của chính quyền Obama, sẽ có một câu hỏi là liệu Obama sẽ gây áp lực mạnh đến độ nào với người lãnh đạo của một nhà nước có hệ thống độc đảng đã cắm rễ bấy lâu.

Việt Nam có thành tích tệ hại và ngày càng xấu đi về nhân quyền, được đánh dấu bằng sự đàn áp có hệ thống đối với các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, kiểm duyệt báo chí và đè nén quyền của người lao động. Do ngày càng cảm thấy bất an về khả năng nắm giữ quyền lực của mình, Đảng Cộng sản cầm quyền đã gia tăng đàn áp những người dân lên tiếng chất vấn việc làm của chính quyền hay kêu gọi bầu cử dân chủ.

Lần gần đây nhất Nhà Trắng tiếp một lãnh đạo Việt Nam là vào năm 2008. Kể từ đó đến nay, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù ngày càng nhiều những người bất đồng chính kiến, blogger và lãnh đạo tôn giáo – những người bị các tòa án do Đảng điều khiển xử với các mức án tù ngày càng nặng hơn. Số người bị kết án qua các phiên tòa chính trị trong sáu tháng đầu năm 2013 đã vượt quá tổng số của cả năm 2012, vốn đã cao hơn con số trong các năm 2011 và 2010.

Điều tệ hại hơn là, việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến mới chỉ là một mặt của các vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam. Các vi phạm và lạm dụng ở đó còn bao gồm cả việc công an tra tấn và làm chết người, tịch thu đất đai không qua một quy trình pháp lý và đền bù thích hợp, và đàn áp các nhóm tôn giáo tự phát và các sắc dân thiểu số. Những người đi xe máy tranh cãi với cảnh sát thì bị đánh. Đất đai của nông dân bị cướp. Những người dân có tín ngưỡng bị ép buộc từ bỏ tín ngưỡng. Các sắc dân thiểu số bị đàn áp vì đã tập hợp chống lại nạn kỳ thị. Rất nhiều người Việt Nam là nạn nhân của tệ bạo hành không có ai kiểm soát này, mang thương tích nếu cố thách thức nó hoặc bị ép phải câm lặng chấp nhận.

Chính quyền Obama biết rõ các vấn đề đó, và cam đoan sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc đối thoại với chính quyền Việt Nam. Và sự thực thì đúng như vậy. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thường xuyên can thiệp và tạo sức ép với Việt Nam về các vụ liên quan đến nhân quyền, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có tổ chức đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam. Nhà Trắng đã cam kết với các nghị sĩ Quốc hội và các tổ chức nhân quyền rằng quan ngại về nhân quyền sẽ được “nêu” trong chuyến thăm này.

Nhưng vẫn chưa rõ là liệu họ có nêu các vấn đề và trường hợp cụ thể, và có bày tỏ một cách công khai hay không? Trong diễn văn công khai, liệu Obama có nêu các trường hợp cụ thể, như trường hợp của nhà bất đồng chính kiến bị kết án Cù Huy Hà Vũ, blogger trực ngôn Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và luật sư Lê Quốc Quân, một người phê bình chính phủ Việt Nam kiên định, hiện đang chờ ra tòa với tội danh “trốn thuế” ngụy tạo, hay không?

Ngôn từ mạnh mẽ trong diễn văn của tổng thống là điều rất quan trọng. Vào tháng Năm năm 2012, Obama đã nhắc tới Nguyễn Văn Hải trong phát biểu vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới, khen ngợi lòng can đảm của ông bất chấp một “đợt đàn áp rộng khắp nhằm vào báo chí công dân ở Việt Nam.” Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần nêu quan ngại về Lê Quốc Quân – sự can thiệp này có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến ông được thả trong lần bị bắt trước đây. Những phát ngôn công khai như vậy có tác dụng như một thông điệp gửi tới những nhà hoạt động dũng cảm ở Việt Nam rằng thế giới đang đứng bên cạnh họ, và gây sức ép khiến chính quyền Việt Nam phải đổi hướng.

Tuy nhiên, xét đến cùng, chỉ nêu các vấn đề về nhân quyền thôi thì chưa đủ. Câu hỏi thực chất là liệu chính quyền Obama có sẵn sàng tạo sức ép bền vững và thực thi các biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nhân quyền của Việt Nam ở phương diện rộng lớn hơn hay không. Nếu thất bại trong việc giải quyết vấn đề ở diện rộng – và đi xa hơn hành động can thiệp trong một số trường hợp cụ thể - sẽ có nguy cơ gây hiệu ứng ngược khiến Hà Nội càng dạn dĩ hơn: làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng họ vẫn có thể đạt được điều họ muốn từ phía Hoa Kỳ mà chỉ cần mất câu nói đầu môi chót lưỡi về nhân quyền mà thôi.

Vào ngày 24 tháng Bảy, một ngày trước chuyến thăm, một số tổ chức công đoàn và lao động của Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ ngừng đàm phán thương mại về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam cho đến khi các vấn đề chủ chốt về nhân quyền được giải quyết. Một số nghị sĩ Quốc hội cũng đã yêu cầu Nhà Trắng cân nhắc khả năng này.

Vài năm trước đây, chính phủ Mỹ hy vọng rằng việc mở rộng đàm phán thương mại và đối thoại chiến lược về quân sự sẽ có tác dụng khích lệ chính quyền Việt Nam thay đổi, và có lẽ sẽ nới lỏng bớt gọng kìm độc tài. Giờ đây, ta thấy rằng niềm hy vọng đó đã bị đặt nhầm chỗ.

Rõ ràng chính sách của Hoa Kỳ cần phải thay đổi – vấn đề là thay đổi như thế nào. Đã đến lúc Hoa Kỳ cần bắt đầu kết nối quan hệ kinh tế và các lĩnh vực khác với những cải cách cụ thể về nhân quyền. Và thông điệp về chính sách này phải được thể hiện rõ ràng và công khai. Bước đi đầu tiên là Obama cần chỉ thị cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nêu công khai các yêu cầu thiết yếu của mình trong quá trình đàm phán TPP, để những người lao động và công dân ở Việt Nam – cũng như ở Hoa Kỳ - có thể yên tâm rằng các quyền cơ bản của người lao động được đảm bảo.

Nhưng chính quyền Obama cũng nên tự đặt cho mình một câu hỏi cơ bản hơn: Liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục làm ăn như không có chuyện gì xảy ra với một chính quyền quốc gia đang hình sự hóa các hành vi kêu gọi dân chủ và không có biểu hiện gì hướng tới cải cách hay không?

John Sifton là Giám đốc Vận động Ban Á Châu thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tài khoản trên Twitter là: Twitter @johnsifton.

 

No comments:

Cuộc chiến ngầm của Nga chống lại ngành vận tải biển phương Tây-Elisabeth Braw

Việc cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho Houthi đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ của luật hàng hải. Nga – và China dường như đã được hưởng lợi từ ...