Friday, April 1, 2016

Cuộc "hàn huyên" giữa chiến hạm Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông

HoangaParacels:  Bài tường thuật chán như cơm nếp nát. Thái độ ỡm ờ cu cả hai phía Mỹ và Tàu đã chứng minh sự thiếu thành thật của cộng sản Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Cuộc "hàn huyên" giữa chiến hạm Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông
Đại tá Curt A. Renshaw, chỉ huy tàu USS Chancellorsville, ngồi trên ghế thuyền trưởng trong buồng lái
trong khi các cộng sự của ông chuẩn bị để xuất phát từ Sepanggar, Malaysia, bước vào hoạt động tuần tra biển Đông.
Trong bài viết đăng trên tờ New York Times (Mỹ) hôm nay, 31/3, phóng viên Helene Cooper đã thuật lại cuộc "gặp gỡ" giữa một tàu Hải quân Mỹ và chiến hạm Trung Quốc trên biển Đông.
 
"Gặp gỡ" trên biển Đông
Hồi tuần trước, khi tuần dương hạm USS Chancellorsville (CG-62) của Mỹ tiến vào vùng biển quần đảo Trường Sa thì nhận được lời cảnh cáo qua kênh liên lạc radio, "yêu cầu đội Snoopie rời khỏi".
Trong khi các thủy thủ "đội Snoopie" (theo cách gọi của đối phương-PV) bước vào trạng thái giới bị, một tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện từ phía đường chân trời.
Chiến hạm Trung Quốc xuất phát từ đá Vành Khăn (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm trái phép-PV), tiến về hướng tàu Mỹ.
Khiến các sĩ quan và thủy thủ trên tàu Mỹ kinh ngạc hơn, là một máy bay trực thăng cất cánh khỏi tàu hộ vệ Trung Quốc.
Thiếu úy Anthony Giancana cố gắng liên lạc với trực thăng Trung Quốc qua radio: "Đây là chiến hạm Hải quân Mỹ trong tình trạng phòng vệ. Xin chuyển sang tần số 121.5 hoặc 243."
Theo sau đó là cảm giác bất an của các sĩ quan Mỹ. Phía Trung Quốc không phản hồi.

Nhân viên trên tàu USS Chancellorsville theo dõi các màn hình radar. (Ảnh: NYT)
Nhân viên trên tàu USS Chancellorsville theo dõi các màn hình radar
Phóng viên Helene Cooper mô tả, sự im lặng từ trực thăng Trung Quốc làm bầu không khí mỗi lúc một căng thẳng.
Cuối cùng, chiếc máy bay vẫn không phản hồi liên lạc từ tàu Mỹ mà trở về tàu hộ vệ, sau khi đã "quần thảo" nhiều vòng trên đầu USS Chancellorsville. Tàu chiến Trung Quốc tiếp tục tiến tới.
Khi trực thăng Trung Quốc tiếp cận, Đại tá Curt A. Renshaw - thuyền trưởng tàu USS Chancellorsville - đã ngay lập tức  tới buồng lái để thảo luận phương án cùng các cộng sự.
Trên một bục gần ghế thuyền trưởng, một cuốn "Tàu chiến của Jane" (Jane’s Fighting Ships) được mở tới trang 144, phía trên là hàng chữ "tàu hộ vệ Trung Quốc".
Khi tàu chiến Trung Quốc tiến vào cự ly 10 km và có thể quan sát được bằng mắt thường, trên radio của tàu Mỹ vang lên giọng nói bằng tiếng Anh mang khẩu âm Trung hoa: "Chiến hạm 62 của Hải quân Mỹ... Đây là chiến hạm 575 của Hải quân Trung Quốc."
Từ đây, một màn "vũ đạo ngoại giao" tinh tế bắt đầu, Helene Cooper thuật lại.
"Đây là chiến hạm 62 của Hải quân Mỹ. Chào buổi sáng. Thật là một ngày đẹp trời trên biển. Hết."
Không có phản hồi.
"Đây là chiến hạm 62 của Hải quân Mỹ. Chào buổi sáng. Đúng là một ngày đẹp trời để ra biển. Hết."
Vẫn không có phản hồi.

Tàu hộ vệ Trung Quốc (ở phía xa) đã bám theo chiếc USS Chancellorsville trong phần lớn thời gian tuần tra của tàu Mỹ trên biển Đông, trước khi Trung Quốc thay bằng một tàu khu trục. (Ảnh: NYT)
Tàu hộ vệ Trung Quốc (ở phía xa) đã bám theo chiếc USS Chancellorsville trong phần lớn thời gian tuần tra
của tàu Mỹ trên biển Đông, trước khi Trung Quốc thay bằng một tàu khu trục
Màn "chào hỏi" bằng tiếng Hoa
Thuyền trưởng Renshaw yêu cầu Thiếu úy Niles Li, một trong vài sĩ quan biết nói tiếng Hoa, liên lạc với phía Trung Quốc. "Họ không thể giả vờ không biết tiếng Hoa được," ông nói.
"...Hôm nay là một ngày nắng đẹp rực rỡ trên biển. Hết," Li nói bằng tiếng Hoa qua radio.
Đến lúc này, phía Mỹ mới nhận được phản hồi bằng tiếng Hoa: "Thời tiết hôm nay rất đẹp. Rất vui được gặp các anh trên biển."
Li đáp lại: "Đây là chiến hạm 62 Hải quân Mỹ. Thời tiết đúng là rất đẹp. Cũng rất vui khi gặp các anh. Hết."
Kết thúc màn "chào hỏi" bằng tiếng Hoa, phía Trung Quốc chuyển sang dùng tiếng Anh để hỏi về thời gian USS Chancellorsville rời cảng để ra biển, nhưng Thuyền trưởng Renshaw khẳng định "chúng tôi không trả lời vấn đề này".
Hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc, trang bị đầy đủ tên lửa, ngư lôi và hỏa lực hạng nặng, đã duy trì trạng thái "giằng co" trên biển Đông như vậy, thi thoảng hàn huyên về vấn đề... thời tiết.

Cuốn sách Tàu chiến của Jane được các sĩ quan Mỹ dùng để tham khảo. (Ảnh: NYT)
Cuốn sách "Tàu chiến của Jane" được các sĩ quan Mỹ dùng để tham khảo
Để kiểm tra tàu Trung Quốc có "bám đuôi" hay không, chiếc Chancellorsville chuyển hướng và các sĩ quan Mỹ quan sát phản ứng.
Một cấp dưới thông báo với Renshaw: "Họ (tàu Trung Quốc-PV) vừa chuyển hướng!". USS Chancellorsville chính thức có một "cái đuôi".
Nhưng trong bao lâu? Phía Trung Quốc tiếp tục đưa ra một câu hỏi "không thể trả lời" khác về thời gian thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên biển.
Đại tá Renshaw cho biết, thông báo thời gian hàng hải dự kiến cho người Trung Quốc đồng nghĩa với việc "thừa nhận quyền của Bắc Kinh", trong khi như vậy không còn là "tự do hàng hải".
"Tất cả hành trình của chúng tôi đều rất ngắn, bởi vì chúng tôi rất thích khoảng thời gian trên biển của mình, bất kể là đã rời cảng được bao lâu rồi. Hết" - ông Renshaw trả lời khéo léo trước đòi hỏi của Hải quân Trung Quốc.
"Đã rõ. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các anh trong vài ngày tới" - tàu hộ vệ Trung Quốc xác nhận.
Bước sang ngày tiếp theo, Trung Quốc đã cử một tàu khu trục thay cho tàu hộ vệ và đeo bám USS Chancellorsville cho đến nửa đêm thứ Năm (24/3), khi chiến hạm Mỹ rời khỏi khu vực biển Đông.
 

                                                                                                                    Hải Võ - 31/03/2016
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

No comments:

Tin Nhanh

Nga đưa nhiều tàu chiến và không quân bay lượn gần đó và Đan Mạch bất lực. Sự thật Greenland còn sống sót đến ngày hôm nay còn NATO và Mỹ ở ...