Saturday, April 11, 2020

Covid-19: Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới chỉ là "cái loa" của Bắc Kinh ? Tú Anh

Tedros Adhanom Ghebreyesus, đảng viên Cộng Sản Ethiopia trước đây, được bầu làm giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới vào năm 2017. Christopher Black/WHO/Handout via REUTERS

Lòng quả cảm của nhân viên bệnh viện tiếp cận tử thần Covid-19 được vinh danh mỗi ngày. Pháp chuẩn bị ngân sách khổng lồ tài trợ các tập đoàn chiến lược. Tokyo khuyến khích xí nghiệp bỏ Trung Quốc. Người Á châu bị kỳ thị tại Mỹ. Bắc Kinh thao túng tổ chức Y Tế Thế Giới ... Các chủ đề liên quan đến dịch Covid-19 tiếp tục áp đảo thời sự quốc tế.

Thảm họa Covid-19 trên toàn cầu

Chưa thể xác quyết là làn sóng Covid-19 chựng lại, nhưng công lao của nhân viên y tế tiếp tục được vinh danh. "Làm việc với nỗi sợ trong lòng" là tựa của báo Libération. Les Echos cảnh giác "Bệnh viện Pháp lo ngại đợt dịch thứ hai". Trên trang nhất, Le Monde dành hàng tựa long trọng vinh danh giới bác sĩ chuyên khoa, đa khoa, sinh viên y khoa nội trú, y tá, nữ hộ sinh và nhân viên phụ trợ thấp nhất trong các bệnh viện Pháp ngày đêm cứu cấp, chăm nom bệnh nhân siêu vi corona.

Tại Mỹ, bên cạnh thông tin thượng nghị sĩ Bernie Sanders bỏ cuộc, ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden đại diện đảng Dân Chủ chạy đua với Donald Trump vào Nhà Trắng, Le Monde tập trung vào hai cộng đồng nạn nhân của Covid-19, nhất là người Mỹ gốc Châu Phi, chiếm đa số bệnh nhân. Nghèo, sức khỏe không tốt, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường nên dễ bị siêu vi Corona chủng mới quật ngã. Tại Chicago và Louisiana, người da đen chiếm 32% dân số và tỷ lệ tử vong lên đến 70%. Trung bình, cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi chiếm 14% dân số nhưng tỷ lệ nhập viện lên đến 33% vì Covid-19.

Bị tác hại gián tiếp là cộng đồng người Á châu. Như tác giả đã nói trong tựa "Người châu Á, nạn nhân của kỳ thị", dường như dù có thuộc thành phần xã hội nào, kể cả bác sĩ, y tá, người da vàng cũng có trường hợp bị kỳ thị. Một gia đình bị tấn công bằng dao, có người bị phun nước bọt kèm theo lời mắng "đồ Trung Quốc dơ bẩn". Sau vụ không tặc 11/09/2001, người Ả Rập cũng gặp tình cảnh tương tự nhưng tổng thống George Bush đã nhanh chóng đi thăm một nhà thờ Hồi giáo để đánh tan mối hoài nghi. Donald Trump không có một cử chỉ nào tuơng tự để bênh vực người châu Á. Chỉ đến khi bị chỉ trích dùng từ "siêu vi Trung Quốc" làm tăng thêm căng thẳng, tổng thống Mỹ mới không nói như vậy nữa và lên tiếng kêu gọi bảo vệ cộng đồng Á châu.

Về trị liệu, Libération đặt câu hỏi "Macron xuống tỉnh Marseille gặp chuyên gia siêu vi Raoult để làm gì ?" Le Figaro dự báo : Tổng thống Pháp sẽ cho dùng Hydroxy Chloroquine để trị bệnh viêm phổi do siêu vi corona gây ra.
Bằng cánh nào Trung Quốc kiểm soát WHO/OMS

Mục điều tra của Le Figaro tập trung vào hồ sơ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) mà Hoa Kỳ tố cáo là "đồng lõa" với Bắc Kinh, che giấu, thậm chí đưa tin thất thiệt về quy mô dịch viêm phổi chủng mới ớ Vũ Hán.

Trong bài "Làm cách nào Bắc Kinh giật dây Tổ Chức Y Tế Thế Giới ?", nhật báo thiên hữu phân tích do Washington không chú tâm đến hệ thống đa phương, Bắc Kinh khai thác cơ hội đẩy các quân cờ vào các định chế quốc tế để áp đặt chuẩn mực. Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp một số tổ chức như Cơ Quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Cho đến gần đây, Trung Quốc còn có người trong ban lãnh đạo Interpol. Một nhà ngoại giao Pháp cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát cả Liên Hiệp Quốc.

Sau khi tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và nối kết mạng 5G, Trung Quốc tiếp tục mưu toan biến các định chế quốc tế thành công cụ phát triển ảnh hưởng, kết hợp liên minh vi phạm nhân quyền với châu Phi chống lại phương Tây. Trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi UA do Bắc Kinh xây cất cho nên đừng ai lấy làm ngạc nhiên khi chủ tịch UA bênh vực giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Ethiopia còn có một vị thế đặc biệt đối với Trung Quốc, theo nhà phân tích Valérie Niquet. Những nhân vật lãnh đạo hiện nay đều là cựu cộng sản. Cũng nhờ Trung Quốc mà Tedros Adhanom Ghebreyesus, đảng viên Cộng Sản trước đây được bầu làm giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới vào năm 2017. Từ đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới luôn luôn nói rập khuôn Bắc Kinh "như con két". Tổ Chức Y Tế Thế Giới không đóng vai trò của mình mà chỉ làm theo ý muốn của Bắc Kinh, do vậy không cho Đài Loan làm quan sát viên.

Trong vụ dịch Covid-19, các nước Tây phương không che giấu bực tức vì Bắc Kinh một mặt núp dưới chiêu bài ngoại giao y tế cộng đồng, sử dụng quân cờ là các nước thân Trung Quốc, vừa phát huy ảnh hưởng vừa tìm cách viết lại lịch sử đại dịch tại Vũ Hán. Đối với chuyên gia Valérie Niquet, không nên ảo tưởng Bắc Kinh sẽ thay đổi. Chúng ta đã cho Trung Quốc những quyền lực mà họ không xứng đáng nhận. Nhận rồi thì họ cố bám. Trung Quốc không tôn trọng luật chơi. Tuy Washington đôi khi cũng ngang ngược như Bắc Kinh, nhưng không thế đánh đồng Mỹ với Trung Quốc. Siêu vi corona gây hại cả thế giới xuất phát từ Trung Quốc. Do vậy, phải chỉ đích danh thủ phạm kể cả việc thành lập một toà án quốc tế.
Tokyo cũng ngán ngẩm Bắc Kinh

Trang kinh tế Les Echos nhắc đến hai sự kiện : Pháp sẽ sử dụng ngân sách 100 tỷ euro để cứu nguy nền kinh tế suy thoái trong cơn đại dịch. Trong số này, 20 tỷ euro là để hỗ trợ cho các công ty chiến lược. Nhật Bản chơi bạo hơn, thông báo ngân sách 1.000 tỷ đôla để vực dậy kinh tế và tài trợ cho các công ty Nhật quyết định bỏ Trung Quốc. Từ tháng 01/2020, nhiều tập đoàn Nhật Bản bị lao đao vì các khu công nghiệp ở Hoa lục đóng cửa. Họ cho biết sẽ tìm một nơi khác làm ăn.
Phục Sinh trong vòng vây siêu vi corona

Phục Sinh lại đến trong tình trạng thế giới đảo điên, con người đang ở đâu phải ở nguyên tại đó, hạn chế đi lại, hạn chế tụ họp. Không hẹn mà nên, La Croix và Le Figaro cùng nói đến Giáo hội gia đình vì Phục Sinh năm nay thật là đặc biệt ai ở nhà nấy, không đi lễ nhà thờ mà cầu nguyện tại gia. Nhật báo công giáo nhắc lại lời Jesus : Hễ có 2 hay 3 người họp lại cầu nguyện nhân danh ta thì ta sẽ ở đó với họ. Le Figaro không quên những người lớn tuổi sống trong các nhà dưỡng lão. Tại Pháp, hơn 4.000 người đã chết trong đợt dịch virus corona. Già yếu, cộng với cô đơn do tác động của dịch bệnh, nhiều bô lão đã xuôi tay đầu hàng số phận.

Cũng mang số phận hẩm hiu trong cơn đại dịch là các tù nhân. Với tựa "Lãnh hai bản án", Libération đưa độc giả đến các nhà tù ở Brazil, Côte d' Ivoire và Indonesia tìm hiểu tình cảnh của tù nhân đã bị mất tự do mà còn bị cách ly.
Vũ khí hóa học : Damas khó chối

Libération cũng không quên hồ sơ vũ khí hóa học ở Syria với tựa : Chính quyền Damas đối mặt với cáo trạng. Lần này thì chế độ Bachar al Assad và đồng minh Nga khó chối. Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học công bố hôm thứ Tư 08/04/2020 kết quả hai năm điều tra chứng minh Damas là thủ phạm dùng hai loại khí độc là Chlore và Sarin trong các vụ oanh kích ở Latané năm 2017.

Vào thời điểm đó, Matxcơva đã làm mọi cách cản trở báo cáo của một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc bằng những lý giải linh tinh và cuối cùng là phủ quyết. Thế nhưng, Tây phương và nhất là Pháp quyết tâm phản công. Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học nhập cuộc dẫn đến kết quả như đã nói ở trên.

Về tác động địa chính trị, Les Echos cho rằng trong ngắn hạn, đại dịch Covid-19 sẽ làm những nước thuộc diện đang phát triển dở sống dở chết. Các nước Tây phương từ tâm trạng xem thường dịch bệnh lúc đầu nay theo chính sách mạnh ai nấy lo. Tuy nhiên, Les Echos hy vọng siêu vi Corona sẽ bị khắc phục, cũng bằng những phân tử li ti. Khi đó, trật tự thế giới cũ sẽ tái hồi.

No comments:

Bình luận: Trump nói không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” là ám chỉ ĐCSTQ

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock) Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’ Tổng thống...