Tuesday, April 28, 2020

THẢM HỌA CỘNG SẢN TỪ QUỐC HẬN ĐẾN VIRUS WUHAN

Thế giới đang đối mặt với THẢM HỌA CỘNG SẢN, gây cho hàng mấy trăm ngàn người trên thế giới mất mạng và kinh tế toàn cầu đình trệ, khủng hoảng bởi con cúm coronavirus mới. Nhà cầm quyền Bắc Kinh làm lây lan virus Wyham ra thế giới sau khi “che giấu nó trong 6 tuần”. ĐCSTQ còn ép WHO thay tên, đổi họ con virus Wuhan (dịch cúm Tàu) thành tên COVID-19 và đổi lỗi cho Hoa Kỳ hòng làm cho lịch sử quên đi tội ác của ĐCSTQ đối với nhân loại. Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của TT Trump đã phát biểu: “Bàn tay đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhuốm đầy máu tươi”. Đây là THẢM HỌC CỘNG SẢN của đầu thế kỷ 21.
Cách nay 45 năm ngày 30/4 miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt, đánh dấu cái ngày người dân nước Việt nước mất nhà tan. Đó là THẢM HỌA CỘNG SẢN trên quê hương nước Việt do CSVN gây ra vào cuối thế kỷ 20.
Ảnh hưởng đại dịch cúm Tàu, hiện tại chúng ta còn đang sống trong không gian cách ly xã hội (Stay home) và giữ khoảng cách (Social distancing) để chống lại thảm họa cộng sản gây chết người này. Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh bất thường: Tự do đi lại bị hạn chế, sinh hoạt xã hội ngưng lại và mỗi ngày chúng ta nghe thấy tràn ngập thông tin đại dịch về người chết, người bị lây nhiễm. Tại Hoa Kỳ thảm họa cộng sản bởi dịch cúm Tàu hình như đã đi qua cực đỉnh, đang có chiều hướng giảm dần và được khoanh vùng kiểm soát. Dù đại dịch đi qua và chấm dứt nhưng hậu qủa của nó sẽ còn lâu dài về mặt ảnh hưởng tâm lý xã hội trong mỗi người.
Chúng ta đang trong hoàn cảnh sinh hoạt cá nhân và xã hội bất thường này ít nhiều cũng làm cho tinh thần căng thẳng, lo âu vì đại dịch. Dù sao trong hoàn cảnh nào chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày Quốc Hận 30/4; là ngày nhắc nhở chúng ta không quên mối hận vong quốc, nước mất nhà tan.
Ngày 30/4/1975, mỗi người lính chúng ta có một hoàn cảnh riêng, có vị trí, tâm tư và suy nghĩ riêng. Với tôi tháng Tư Đen đang ở đâu và làm gì là câu chuyện tôi muốn được chia sẻ dưới đây.
Vốn là người lính thủy; cứ mỗi độ Xuân về tôi không thể nào quên những hình ảnh và biến cố của tháng Tư Đen tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Saigon (BTL/HQ) lúc ấy.
Rời đại học Khoa Học Saigon, tôi gia nhập vào khóa 21 sĩ quan hải quân giữa tháng 9 năm 1969. Đơn vị đầu tiên của tôi ở tận hải đảo xa xôi có tên gọi là Hòn Khoai hay hải đảo Giáng Tiên (Duyên đoàn 41 Poulo Obi), ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ, gió biển bốn bề…Nhà thơ Giang Hữu Tuyên, người bạn cùng khóa đã có hai câu thơ bất hủ khi Tuyên cùng với tôi thuyên chuyển về ZĐ41 Poulo Obi thuộc Vùng 4 Duyên Hải vào cuối năm 1970:
“Obi gió lạnh không tình sưởi,
Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm”.

Rời Obi tôi được biệt phái vài tháng cho Tác Chiến Điện Tử của Hoa Kỳ có căn cứ đồn trú trong hậu cứ Duyên đoàn 44 Hà Tiên (Trưởng toán HQ Xung kích), công tác thám sát hệ thống sensors vùng biên giới Việt- Miên (Kinh Vĩnh Tế). Sau đó tiếp tục thuyên chuyển đến các đơn vị Duyên đoàn 42 (An Thới-Phú Quốc), Hải đội Duyên phòng (HĐZP) của Vùng 4 và 5 Duyên Hải. Cuối năm 1974, tôi bàn giao PCF- HQ 3909 đang tuần tiểu vùng biển Hòn Tre-Rạch Gía cho một sĩ quan thuyền trưởng khác để thuyên chuyển về BTL Hạm đội, tân đáo Tuần duyên hạm HQ-611 có tên Trường Sa.
Vận nước đến thời đen tối. Tôi thuyên chuyển về HQ-611 Trường Sa vào lúc miền Nam đang dần dần co cụm lại trước sự tấn công xâm lược của quân cộng sản Bắc Việt: Miền Nam mất dần từ Vùng I đến mất Vùng II…Phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom, Saigon giới nghiêm, Bộ Tư lịnh Hải quân Saigon từ cấm trại 100% đến báo động đỏ. Cho đến một ngày….
BTL Hạm đội chỉ định tôi thay thế hạm trưởng Trương Qúy Đô (Khóa 10/NT) để chỉ huy Tuần duyên hạm HQ-611. Bấy giờ chiến hạm chúng tôi túc trực tại cầu A trước cổng BTL/HQ. Chiến hạm đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di tản như nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm và danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn được phép theo chiến hạm “Di tản ra Côn Sơn tránh Saigon bị pháo kích” (Mật lệnh của Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư lịnh Hạm Đội lúc ấy).
Sáng sớm ngày 8/4/1975 phi cơ F5-E do giặc lái Nguyễn Thành Trung (tên thật Đinh Khắc Chung) dội bom Dinh Độc Lập. Thượng sĩ TP Nguyễn Văn Chánh, quản nội trưởng của HQ-611 và tôi đang đứng uống cà phê sáng tại ban công bên hữu hạm của đài chỉ huy. Bỗng chúng tôi thấy chiếc phi cơ F5-E chúi xuống dội bom hướng Dinh Độc Lập rồi nó bay vút lên cao để lại cột khói đen từ phía dưới bốc lên cao. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra thì chiếc F5-E lại chúi xuống dội bom lần thứ hai, nó lại bay lên cao và đột nhiên nó hạ xuống thật thấp và lao thẳng về hướng HQ-611.
Trong chớp mắt chiếc F5 bay đến HQ.611. Tiếng gầm thét của động cơ phản lực F5-E bay ngang qua đài chỉ huy HQ.611 làm rung rinh cần antenna và hai lổ tai của tôi như bị nổ tung, ù điếc. Tôi bàng hoàng, chưa kịp có phản ứng thì chiếc F5-E trong chớp mắt đã biến mất về hướng Thủ Thiêm. Tôi hốt hoảng ra lệnh nhiệm sở tác chiến cùng lúc với tiếng còi inh ỏi hỗn loạn báo động của Biệt khu Thủ đô và BTL/HQ . Sau khi F5-E bắn phá kho xăng Nhà Bè, nó bay lên thật cao hướng đông Bắc, các chiến hạm trên sông Saigon đồng loạt tác xạ đuổi theo phi cơ địch. Thân tàu HQ.611 cứ rung chuyển từng hồi do những trái đạn bofore 40 ly của ổ súng sân trước mũi bắn đi…cho đến khi BTL/HQ ra lệnh ngưng bắn. Biến cố xảy ra trong vài phút. Chiếc phi cơ dội bơm là loại phản lực F5-E của Không quân VNCH; lúc ấy tôi cứ tưởng là “đảo chánh” khi HQ Trung tá Phan Ngọc Xuân (Khóa 10/NT), Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh của BTL/HQ ra khỏi cổng BTL dùng két-pi ra dấu cho tôi lên máy truyền tin:

-Nam, ngưng bắn đi. Mày muốn đi tù hả?
Chuyến công tác cuối cùng của HQ-611 vận chuyển một lô hàng từ Saigon ra Vũng Tàu chuyển cho Cơ xưởng hạm HQ.802 Vĩnh Long đang bỏ neo ngoài khơi. Ngoài xa có nhiều chiến hạm lớn nhỏ khác. Trưa hôm đó biển động mạnh, HQ-611 ngã nghiêng như trứng vịt, không thể nào cập vào HQ-802. Cho nên HQ.802 phải dùng cần cẩu bốc hàng. Sau đó HQ-611 quay về Saigon. Trên đường trở về bến chúng tôi thấy những chiếc tàu hàng khổng lồ trước kia chúng thường bỏ neo giữa dòng sông Saigon đang đi ngược chiều HQ-611 ra biển; trên những chiếc tàu hàng ấy có hàng ngàn người chen chúc từ mũi đến sau lái; nhiều người vẫy tay, vẫy nón chào “từ biệt” chúng tôi.
Vào một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi trên đài chỉ huy HQ-611 đang nằm tại Cầu A nhìn phía trước thấy chiếc sà lan gần bến đò Thủ Thiêm đang cố gắng tháo dây tách bến với hàng trăm người chen lấn trên sàn tàu. Từ trong bờ có rất đông người đang bơi ra sà lan, họ cố bám vào các trái độn, vào thành sà lan, trèo lên. Trên công viên, nhiều người đàn bà đang bán hàng rong, vội vã quăng gánh, bỏ thúng, hớt hãi chạy về hướng sà lan…Lâu lắm chiếc sà lan mới tháo được dây tách bến với dòng người còn đang cố sức bám víu thành tàu. Chiếc sà lan ì ạch ra được giữa dòng sông bỏ lại nhiều người đang cố bơi theo, bỏ lại những tiếng kêu la, hò hét cầu cứu muốn ra đi…Một thảm cảnh của tháng Tư Đen! Sau bảy năm tù cộng sản và tròn một năm sống dưới chế độ, tôi hiểu ra lúc ấy những ngày cuối tháng Tư tại sao người Saigon bỏ nước ra đi. Một trong những hình ảnh người dân Saigon hốt hoảng, tháo chạy là hình ảnh chiếc sà lan được kể ở trên mà tôi được chứng kiến; thì ra họ sợ Việt Cộng vào Saigon. Họ trốn chạy Cộng sản.
Chiều tối 26/4/1975 tôi tham dự buổi bàn giao Tư lịnh Hạm Đội giữa HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn và tân Tư lịnh Hạm đội HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê trên lầu hai của BTL/HQ. Buổi bàn giao diễn ra thật buồn bả trong tiếng kèn của nghi thức. Các hạm trưởng tham dự buổi lễ bàn giao với nét mặt đầy lo lắng trước lời chia tay của Đại tá Sơn thật cảm động và khó hiểu: “Những gì tôi làm sau này các anh em sẽ rõ!”…
Ngày 29/04/1975 quang cảnh của Saigon bổng nhốn nháo căng thẳng hẳn lên sau buổi chiều tối hôm qua Việt Cộng cướp 5 chiếc phi cơ A-37 do giặc lái VC Nguyễn Thành Trung hướng dẫn phi đội “Quyết Thắng” (của Việt Cộng) từ Phan Rang bay vào Saigon dội bom đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất, lửa khói bốc cháy đỏ rực một góc trời làm Saigon rung chuyển.
Buổi trưa 29/04/75 bầu trời ảm đạm, không chút nắng. Trên không trực thăng vẫn liên tục bay về hướng Đông ra biển. Nhiều trực thăng có đàn bà, trẻ con chen chúc sau lưng những người lính ngồi thòng chân ra hai bên hông cửa. Nhiều trực thăng hạ thấp xuống bến tàu, cánh quạt trực thăng xoay bốc cát bụi mù mịt và sau đó không tìm được nơi đáp phải bay lên cao và bay đi. Ngoài đường đông đảo dòng người và xe cộ đủ loại hối hả chạy về hướng bến tàu. Công trường Mê Linh đông nghẹt người và xe…
Buổi chiều 29/4 trên bầu trời tiếng trực thăng vẫn còn tiếp nối bay ngang. Thỉnh thoảng có những tràn súng M16 nổ ở hướng nhà hàng Mỹ Cảnh càng làm cho Saigon nhốn nháo, rối loạn lên trong cơn mưa chiều lác đác rơi bốc mùi hơi đất. Trên đài chỉ huy chúng tôi nghe qua tần số truyền tin tiếng ồn ào, hối hả của những lời yêu cầu hạm trưởng dời tàu…Giặc về! Saigon đang chạy loạn…
Trở lại BTL/HQ Saigon, từ sáng sớm 29/04/1975 cổng Công trường Mê Linh và Cường Để, hai lối đi vào BTL/HQ đã đóng kín bằng những vòng kẽm gai, có quân cảnh hải quân bồng súng đứng gác (Nội bất xuất ngoại bất nhập). Sau khi nhận lệnh chiều tối di tản từ BTL/HQ tôi trở về tàu thì gặp HQ Trung úy Võ Trường Xuân, người bạn cùng khóa (cựu thuyền trưởng PCF HQ.3909) tại hạm kiều, từ Hải vận hạm LSM HQ-402 Lam Giang sang HQ-611 gặp tôi. Chúng tôi lập kế hoạch đưa thủy thủ đoàn HQ-402 sang HQ-611 cùng di tản vì HQ-402 bất khiển dụng. Trung úy Xuân là sĩ quan trực HQ-402 hôm đó.
Hải quân đang cấm trại 100%, cho nên vào lúc 5 giờ chiều tôi phải ký hai sự vụ lệnh, một cho tôi và một cho Hạ sĩ CK Tô Nhật Hà để ra cổng Công trường Mê Linh. Trước khi rời tàu tôi không quên lấy khẩu colt 45 còn mới dắt vào bên hông phòng khi gặp bất trắc trên đường đi (Sau này tôi bất chấp lệnh giao nộp vũ khí của Việt Cộng và giữ nó tận đến khi vượt biên sau này mang theo). Rời tàu, tôi nhờ Hạ sĩ Hà lái xe đưa tôi về nhà tận Gia định để đưa gia đình xuống tàu…Tuy nhiên kế hoạch di tản của HQ-402 và HQ-611 không thành vì tôi gặp trở ngại trong gia đình khi đứa con gái đang bệnh nặng và người thân kẻ muốn đi, người không muốn nên tôi không kịp quay về tàu để có mặt tại điểm hẹn với Trung úy Xuân.
Qua bài viết “Đêm giang hành lịch sử” của Người Thủy thủ già tức niên trưởng Trần Hương (Khóa 9/NT), tôi được biết 7 giờ 30 tối ngày 29/04/1975 HQ Trung tá Trần Hương hộ tống Đô Đốc Tư Lịnh Hải quân Chung Tấn Cang, gia đình và đoàn tùy tùng xuống HQ-611 tại cầu A trước cổng BTL/HQ để ra biển. Nhưng không may HQ-611 không có hạm trưởng vì tôi không có mặt dưới tàu, nên ĐĐ Tư lịnh và đoàn tùy tùng chuyển sang chiếc tuần duyên hạm khác mang số hiệu HQ-601 Tiên Mới của Hạm trưởng Trần Minh Chánh (con trai trưởng của Cố Đô Đốc TL Trần Văn Chơn, cũng là SQHQĐB, anh K.1 và tôi K.2). Hạm trưởng Trần Minh Chánh đưa ĐĐ Tư Lịnh Cang và nhiều sĩ quan cao cấp của hải quân lên HQ-3 ngoài khơi Vũng Tàu. Sau đó HQ-601 quay trở về Saigon. Một bài viết trên website tài liệu hải quân của niên trưởng Trần Đỗ Cẩm (Khóa 11/NT) Tuần duyên hạm PGM-HQ-601 được mệnh danh là “SOÁI HẠM NHỎ NHẤT” trong đêm Hải quân VNCH di tản.
HQ-601 rời Cầu A không bao lâu thì có nhiều quân nhân của các quân binh chủng tràn xuống HQ-611. Họ có súng và đã dùng vũ lực cưỡng ép HQ-611 rời bến. Trên đường ra Vũng Tàu, HQ-611 bị vô nước và chìm. Đó là lời kể lại của anh em thủy thủ đoàn HQ-611 khi họ tập hợp tại nhà tôi vào sáng sớm 30/04/1975 để báo tin. Vào 10 giờ 30 sáng 30/04/1975 TT. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi tuyệt vọng, nghẹn ngào và uất hận. Nhìn anh em thủy thủ HQ-611 rời nhà tôi trong dáng thiểu não buồu hiu, mệt mỏi, áo quần ướt nhem xốc xếch, có anh mất cả giày vớ đi chân không sau một đêm vật lộn với con tàu vô nước đã làm cho lòng tôi quặn đau như cắt.
Sáng 30/4/1975, BTL/HQ vắng tanh, từ cổng BTL/HQ qua đến bên kia đường sách báo, áo quần, đồ đạt, xe cộ vứt ngổn ngang như đống rác khổng lồ. Tôi đứng tần ngần tại Cầu A, nơi hạm kiều của HQ.611 hôm qua với nổi buồn của người lính thủy mất tàu, mất đồng đội và mất tất cả.
Một mình tại bến tàu vắng tanh; bỗng có tiếng gọi tên tôi từ một PGM đang chầm chậm cập Cầu A. Tôi bắt dây cho chiến hạm của HQ.Trung úy Trần Văn Báu (K.7/OCS-Hoa Kỳ) cập cầu. Trung úy Báu là bạn thân cùng gia nhập Khóa 21SQHQ, ở cùng đại đội tại Quang Trung (ĐĐ.18C) và cũng cùng thời là thuyền trưởng của Hải đội 5 Duyên phòng. Thuyền trưởng Báu có biệt danh là “Báu bựa” hay “Báu đen”, từ đài chỉ huy (không còn nhớ số hiệu của tàu) Báu chạy xuống sân sau chiến hạm hỏi lớn bằng giọng Bắc kỳ quen thuộc thuở nào:
– Ê! Nam, mày đi không? Lên đi với tao.
Tôi trèo lên chiến hạm gặp Báu để giải bày lý do không thể đi với Báu vì không nỡ để lại vợ và hai con nhỏ. Giã từ Báu, tôi trèo xuống và tháo dây cho chiếc hạm của Báu tách bến. Chiến hạm lặng lẽ ra giữa dòng sông và dần dần đi xa. Lá Quốc kỳ VNCH sau lái tàu thỉnh thoảng rung nhẹ như nghẹn ngào giã biệt Saigon thân yêu. Đó là chiếc hạm PGM tuần duyên cuối cùng tôi còn thấy vào sáng 30/04/75 do trung úy Báu chỉ huy ra đi.
Thế là hết! Mộng hải hồ tan tành. Đời binh nghiệp của tôi bỗng chốc biến mất cùng với chiến hạm mang tên Trường Sa (Hồi ký “Số phận của Tuần duyên hạm HQ-611 Trường Sa trong đêm di tản” của cùng người viết).
Cứ mỗi năm vào tháng Tư Đen là mỗi lần hình ảnh chiến hạm HQ.611 theo hồi ức kéo về là mỗi lần tôi nghĩ đến số phận anh em thủy thủ đoàn của HQ-611; họ phải sống ra sao dưới chế độ bạo tàn Việt Cộng? Ai còn, ai mất?
Trường Sa! Hai chữ Trường Sa tên của Tuần duyên hạm HQ-611 còn mãi vấn vương ray rứt. Nhớ chiến hạm và thương lắm anh em thủy thủ đoàn, những người lính thủy trung kiên với quân chủng và thượng tôn kỷ luật đến tận giây phút cuối cùng của cuộc chiến.
Ở lại Việt Nam, tôi đi tù cộng sản hơn 7 năm. Ra tù tôi gặp lại HQ Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh (Khóa12/NT), cựu tùy viên Tư lệnh Hải quân thập niên 70 và cựu Chỉ huy phó Hải đội 5 Duyên phòng mà tôi có nhiều thời gian gắn bó với Thiếu tá Khanh. Giữa năm 1983 ông đã giới thiệu tôi đến một tổ chức vượt biên và chuyến đi đã thành công. Tôi đã đưa được gia đình và gần 100 thuyền nhân đến bờ Tự Do. Thiếu tá Khanh là một đàn anh hải quân mà tôi rất kính mến và gần gũi. Tôi coi ông như là một ân nhân trong suốt qúa trình quân ngũ, sau này và cho đến khi ông bị bạo bệnh qua đời tại California đúng vào ngày 30/4 cách nay hơn một chục năm.
Trong Ngày Quốc Hận 30/4, xin cho tôi được đốt nén hương tưởng nhớ đến cố HQ Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh và tưởng niệm đến những người lính anh hùng của VNCH đã nằm xuống vì đại nghĩa dân tộc cùng hàng trăm ngàn đồng bào vô tội đã bỏ mình trên biển cả và trong rừng sâu vì hai tiếng Tự Do.
Quốc Hận! Nỗi buồn vong quốc không quên cùng lòng căm thù giặc Cộng không nguôi. Hy vọng sau đại dịch Hoa Kỳ và hàng trăm quốc gia bị THẢM HỌA CỘNG SẢN trừng phạt Trung Cộng, thủ phạm của tội ác chống nhân loại.
Ngày 28/4 Cựu chiến lược gia của Nhà Trắng, ông Steve Bannon nói rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị cho trận chiến này, đây là một cuộc chiến vì tự do, và việc lật đổ ĐCSTQ sẽ mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho thế giới”. Mong lắm thay!
Còn ĐCSTQ thì còn CSVN và còn THẢM HỌA CỘNG SẢN.
Tưởng Niệm Quốc Hận lần tứ 45.

Phạm Quốc Nam

No comments:

Bút ký PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM do Thanh Tâm Film thực hiện

Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc ...