Saturday, April 4, 2020

Phản ứng khi Thủ tướng kêu gọi chống dịch như ‘giải phóng miền Nam’ Diễm Thi, RFA


Một góc Sài Gòn năm 2016
Photo courtesy of Dzung Dolinh

    Coronavirus đang lan tràn toàn cầu. Đó là đại dịch. Chính phủ của mỗi quốc gia phải có kế hoạch chống dịch phù hợp với tình hình nước họ. Việt Nam không là một ngoại lệ. Đa số người dân Việt Nam đồng lòng và hợp tác với chính phủ trong cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng 29 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chống dịch như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7 tháng 4 năm 1975 là phải thần tốc, táo bạo; phải tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.
Phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về tinh thần phòng chống dịch liên quan đến ký ức 30 tháng 4 khiến người dân phản ứng.
Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng đánh giá cách kêu gọi tinh thần chống dịch của ông Nguyễn Xuân Phúc như giải phóng miền Nam:
“Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và Mỹ giúp đỡ Việt Nam rất là nhiều. Cứ nhắc lại những chuyện đó như là khơi lại những vết thương.
Mình là người sát với dân nên mình hiểu họ mất lòng tin rất là nhiều với chính phủ nên họ không để ý những phát biểu của chính phủ. Họ ý thức rất tốt, họ chia sẻ, đùm bọc nhau, không trông mong gì đến chính phủ. Dù trên bề mặt họ không nói gì nhưng họ nắm rất vững tình hình.”
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và Mỹ giúp đỡ Việt Nam rất là nhiều. Cứ nhắc lại những chuyện đó như là khơi lại những vết thương. - Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 được cộng sản Bắc Việt gọi là ngày họ giải phóng người dân miền Nam khỏi sự kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Bản thân chữ “giải phóng” được hiểu là giúp cho một số người nào đó thoát ra khỏi một tình trạng xấu xa tồi tệ. Với hầu hết người dân miền Nam Việt Nam, tình trạng sống của họ trở nên tồi tệ với hàng triệu người bị đẩy lên vùng kinh tế mới, bị tập trung cải tạo, bị đánh tư sản và hàng triệu người phải vượt biển tìm tự do…cho nên họ không chấp nhận cụm từ “giải phóng miền Nam”. Họ rất nhạy cảm với cụm từ này.
Ông Ngô Trường An hiện sống tại Đà Nẵng từng sống qua hai chế độ, chứng kiến sự thay đổi ở miền Nam sau ngày 30 tháng năm 1975, nêu suy nghĩ của mình với RFA về phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc qua ứng dụng facebook messenger:
“Ông ta phản lại chủ trương hòa hợp hòa giải mà đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện (cứ cho là vậy đi). Tôi nghĩ, ông này xưa nay phát biểu lung tung. Ông nói mà không biết mình đang nói gì, và có thể, ông chẳng nghĩ gì trước khi nói trước công chúng.
Hầu hết những người lãnh đạo đều như vậy. Rập khuôn, giáo điều, tuyên truyền một kiểu như nhau. Và những phát ngôn của họ đầy mâu thuẫn. Đúng ra, họ không nên nhắc lại ngày 30 tháng 4 và càng không nên tổ chức kỷ niệm linh đình hằng năm. Những việc làm đó, càng khoét sâu vết thương người Nam và khó có thể hòa hợp dân tộc 2 miền. Chắc chắn là thế. Tôi nghĩ vậy!”
Theo nhận xét của một số người dân trong nước thì chính phủ đang làm tốt công việc chống dịch. Họ cho rằng khác với dịch Sars năm 2003, lần này nhà nước có vẻ công khai con số nhiễm bệnh mỗi ngày. Thêm vào đó là quyết định công bố dịch toàn quốc với những biện pháp cách ly…tóm lại là nhà nước đang làm mọi cách để ngăn chặn dịch và được người dân ủng hộ.
Luật sư Phạm Công Út cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ cách chống dịch của nhà nước hiện nay để bảo vệ sự tồn vong của người dân. Nhưng gợi lại lịch sử để so sánh một cách khập khiễng như vậy thì ông không đồng ý. Ông giải thích:
“Bản thân tôi là một người dân Sài Gòn sống qua hai chế độ. So sánh cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn với cuộc chiến chống dịch này thì hoàn toàn không phù hợp, làm những người dân đang có niềm tin với cách chống dịch của chính phủ mất đi tình cảm vào chính phủ. Ông Phúc gợi lại sự tan tác, chia lìa của bao nhiêu triệu người Việt khi phải đánh đổi sinh mạng bỏ nước ra đi.
Tại sao lại so sánh việc diệt con virus corona với việc giải phóng miền Nam? Chẳng lẽ thắng được con corona là ‘có triệu người vui và triệu người buồn?’”
Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm “thống nhất đất nước”, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi trên tuần báo Quốc Tế, là cơ quan báo chí của bộ ngọai giao Việt Nam, về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc.
Lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt nhìn nhận biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã gây đau khổ cho hằng triệu người Việt Nam khi ông nói: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”
So sánh cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn với cuộc chiến chống dịch này thì hoàn toàn không phù hợp, làm những người dân đang có niềm tin với cách chống dịch của chính phủ mất đi tình cảm vào chính phủ. - Luật sư Phạm Công Út
Phát biểu của ông Phúc về tinh thần chống dịch khiến người dân có cảm giác ông rất hân hoan khi tiến về Sài Gòn để ‘giải phóng miền Nam” mà không hiểu lòng dân đang nghĩ gì.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh gửi gắm suy nghĩ của mình qua một bài thơ ngắn "Giấc mơ 30-4" trên facebook cá nhân của ông mà RFA đã xin phép sử dụng:
Đất nước không có một ngày vui
45 năm thống nhất ngậm ngùi
Miền Nam lúc trước quen hào phóng
Bây giờ co rúm sống cầm hơi
Đất nước chỉ toàn những ngày buồn
Quan lại từ trên xuống bất lương
Dân còng lưng đóng trăm loại thuế
Kiều của Nguyễn Du phải đứng đường
Đất nước chỉ toàn bọn mộng du
Nằm vi-la tưởng tượng chiến khu
Ngồi biệt phủ mơ màng nghị quyết
Tội nghiệp văn chương sớm ở tù
Đất nước vậy là 45 năm
Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho rằng, giờ này mà nỡ tuyên bố trên VTV rằng "phát huy tinh thần giải phóng miền Nam trong việc chống dịch Covid-19" thì tội nghiệp đồng bào miền Nam quá, vết thương cốt nhục "huynh đệ tương tàn" sau 45 năm chưa kịp lành đã có kẻ tự lạnh lùng xé toạc ra...

No comments:

Bình luận: Trump nói không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” là ám chỉ ĐCSTQ

Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock) Không thể để kênh đào Panama rơi vào tay ‘kẻ xấu’ Tổng thống...