Wednesday, April 22, 2020

Đồng Tháp Mười 1972

Giữa những kinh lạch thẳng tắp bao la của miền đồng bằng vùng sông Cửu Long, có một địa danh rất thơ mộng tên là Đồng Tháp Mười. Trong vùng này có nhiều đơn vị giang đoàn của lực lượng Đặc Nhiệm Tuần Thám, của các thủy thủ nước ngọt nằm tọa lạc rải rác dọc theo ven bờ kinh.
Trong một căn cứ Tuần Thám, vào một buổi chiều oi bức ngươi ta chợt nghe văng vẳng tiếng đàn tây ban cầm réo rắt ai đang độc tấu một bài nhạc tủ Bolero rất nổi tiếng tên là “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” của nhạc sĩ Phạm Duy hay Văn Cao gì đó. Độc tấu ở đây chỉ có nghĩa là ngồi đánh đàn một mình, bằng một ngón tay và lim dim đôi mắt, thả hồn theo tiếng nhạc hát theo ư ử đấy thôi. Ông Chỉ huy Trưởng kiêm nhạc sĩ với lòng kiên nhẫn vô biên, im lặng đứng thưởng thức gần ba phút rồi mới từ từ bước vào phòng chậm rãi khe khẽ bảo rằng : Anh Tường à, từ giờ trở đi tôi chỉ xin anh một điều anh làm ơn nhớ cho là...xin anh vui lòng đừng hát nhạc của tôi, anh nhé!!!. Ông Chỉ huy Trưởng vui tính và rất dễ thương này chính là nhạc sĩ Trường Sa mà chúng ta đã được biết qua bao nhiêu bản nhạc trữ tình của thập niên 70. Hình như câu chuyện này xảy ra ở căn cứ hải quân Cao Lãnh thì phải.
Tại căn cứ Cao Lãnh tôi có hai người bạn thân là Hoài và Tường đã học từ trường huấn luyện Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ tại Rhode Island về, và thêm hai vị Đại Úy xuất thân trường Võ Bị Hải Quân (École Navale de Chụtt) tên là Đại úy Tèo và Đại úy Ghe, hai ông này nhậu rất giỏi và hiền từ vui tính. Từ Cao Lãnh chúng ta có thể đi tầu đò, hay đi bằng các chiến đĩnh nho nhỏ của Hải Quân vào tận trong kinh Tháp Mười hay kinh Đồng Tiến để vào khu Phước Xuyên. Một lần chính tay anh Hoài đã làm một cái bánh chuối thật to và rất ngon, rồi mượn máy bay trực thăng của tướng vùng để lái bay vù qua vùng tác xạ tự do không ngại 12 ly 8 của vixi để vào đến tận căn cứ hẻo lánh của giang đoàn tuần thám tại Phước Xuyên, và cả đám chúng tôi chiều hôm đó được thưởng thức bánh chuối ngon quá vì trong vùng này làm gì có thể tìm được một cái bánh chuối đẹp và ngon như vậy.
Trên đường đi đến kinh Đồng Tiến, chúng ta có thể ghé vào xóm An Long ở ngay đầu kinh Đồng Tiến để uống nước sinh tố giải lao và nếu rảnh nữa thì xin mời quý bạn đi thuyền qua bên kia sông, quý bạn sẽ bị lạc ngay vào một xóm thợ may thuộc Cù Lao Ông Chưởng. Xóm nghèo này đa số các cô gái hành nghề thợ may, kể cả may máy và may tay, và các bạn hải quân chúng tôi thường hay ghé nơi này để vá lại quần áo rách vì mảnh đạn của B-40 khi đi tuần ban đêm.
Một buổi chiều sau khi làm thủ tục quen thuộc là tiếp tế nhiên liệu cho dân lành, chúng tôi ghé xóm thợ may này để tạm nghỉ ngơi trong chốc lát. Một anh lính chung đơn vị Tuần Thám, có lẽ hôm đó uống nhiều cà phê bí tất quá nên đã vô tình dạy mấy cô bạn thơ may về căn bản bài toán trừ. Bàn tay năm ngón mà anh ta thay vì hút thuốc lá lại lấy một chốt kíp nổ của lựu đạn ra châm ngòi lửa, hậu quả là năm ngón trừ ba chỉ còn có hai. Anh ta được giải ngũ vì lý do hơi kém thông minh và tôi được ông Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Nhiệm 212 thưởng cho 20 ngày tù treo (trọng cấm) vì đã không kiểm soát mấy ông tướng nhà Giời để cho họ đi may áo quần bừa bãi trong vùng cấm hành quân. Theo thiển ý của người viết, nghề thợ may này tuy là nghề cũ nhất trái đất nhưng lại là một nghề cao quý và rất thực dụng, vì không có là không được! Một vài bà xã của chúng tôi lại nhất định không đồng ý và có người còn hay gọi mấy cô thợ may này một cách mát mẻ là những con sáu chân. Hỏi mãi thì mới được họ cắt nghĩa là con ngựa bốn chân và con đĩ hai chân cộng lại đủ 6 chân đúng là con đĩ ngựa.
Phước Xuyên là một xã nhỏ xíu nằm gần trung tâm của Đồng Tháp Mười. Nơi này có một cái chợ nhỏ nhưng rất ấm cúng và đi ra khoảng 200 mét xuôi theo dòng kinh người ta sẽ thấy một cái đình cổ kinh rêu phong dưới gốc một cây đa to. Nơi này tuy vi-xi có lẽ còn nhiều hơn muỗi nhưng nói chung dân làng rất ư là dễ thương và đặc biệt là họ hiếu khách vô cùng. Một buổi trưa hè tôi mặc bộ bà ba đen đã bạc mầu, đi đôi dép cao su sắp đứt quai lang thang dọc theo bờ kinh Đồng Tiến, tình cờ đi ngang một căn nhà lá nhỏ có mấy người đang ngồi sửa soạn ăn cơm trưa, thế là ông cụ chủ nhà nhất định mời tôi ngồi xuống ăn chung với họ một cách rất thật tình không thể từ chối được. Họ không biết tôi là ai, thuộc phe bên này hay phe bên kia, nhưng việc đó có lẽ hoàn toàn không quan trọng đối với họ. Mâm cơm hôm đó rất đạm bạc, chỉ vỏn vẹn có một bát canh mắm, một đĩa rau luộc và mấy miếng dưa hấu cắt nhỏ ra ăn chung với nồi cơm gạo đỏ, nhưng hôm đó quả tình tôi ăn rất ngon miệng vì đã cảm nhận và tận hưởng được một bữa cơm gia đình tràn ngập tình người giữa vùng đất lạ quê người. Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn nhớ mãi bữa ăn ấm cúng với những tấm lòng hiếu khách chân thật của một gia đình dân quê miền Nam vùng Đồng Tháp.
Trở về cái đình làng rêu phong, mỗi lần đi qua dân làng đều nhớ phải giở nón ra để biểu lộ lòng thành kính với thần linh. Đầu đình dưới gốc cây đa to có một ông tượng đá to tướng ngồi trấn giữ. Buổi trưa chúng tôi hay cập tầu PBR dưới gốc cây đa cho mát và giăng võng ngủ trưa để dành sức buổi tối đi kích săn lùng phe bên kia. Mỗi năm giỗ đình thì làng tổ chức lễ lộc ăn uống linh đình và họ hay mướn cả các đoàn cải lương di động trên ghe về trình diễn cho dân làng thưởng thức.
Từ Phước Xuyên, một con kinh nhỏ đầy rong và bèo xanh hai bên sẽ dắt chúng ta đến một xã nhỏ bé khác bên kinh Tháp Mười, xã này tên là Mỹ An.Mỗi buổi sáng dân làng Mỹ An hay họp chợ ồn ào vui vẻ và họ bán rau cỏ, cá rô cá lóc bông tươi rói, các con rắn hổ dài cả hơn sải tay còn sống lâu lâu lại nhe nanh ra cười duyên với người mua, vài con ba ba và rùa to tướng trong mấy lồng sắt, và rất nhiều chuột đồng mà một chục họ đếm là 15 con (ở Sài Gòn 1 chục chỉ có 10 thôi !). Mấy chú chuột đồng này nướng hay khìa lên ăn rất thơm và ngon không thể tưởng tượng được, phải nói là ngon hơn thịt chim bồ câu hay heo sữa quay nữa ! Họ bán cả thịt mấy con trăn to khổng lồ, chặt ra từng khúc một và thêm những chú trăn con nhỏ bằng ngón tay cái dài khoảng 2, 3 gang tay còn sống để trẻ em đem về nuôi làm cảnh.
Làng Mỹ An có một tiệm bi da bán cà phê với một cô chủ nhỏ tên Tuyết khá xinh đẹp với nước da bánh mật và má lúm đồng tiền ngay góc chợ nên anh em chúng tôi cũng hay cập tàu phía sau tiệm bi da để khỏi đi bộ cho xa. Vào một buổi sáng đẹp trời, người bạn cùng khóa của tôi, một quan hai tầu thủy khóa 6 họ Bạch (nay đã về với biển cả vĩnh viễn) đã được bổ nhiệm nắm quyền chỉ huy vận chuyển một đoàn tầu convoy và anh ta đã ra lệnh cho một chiếc vedette FOM (France d'Outre Mer) cũ mèm của Tây để lại có lẽ từ thời trước đệ nhất thế chiến, chiếc thuyền sắt dài 8 mét bé tý tẹo này đi đầu đoàn convoy để thử thời vận, và chỉ năm phút đồng hồ sau khi khởi hành chiếc giang đĩnh rỉ sét dài hơn ba sải tay kém may mắn này đã lãnh ngay một quả đạn 75 ly không giựt của phe địch đúng vào chỗ chứa nhiên liệu, thuốc nổ TNT, C4, và đạn dược nên đã nổ tung như pháo bông ngày Quốc Khánh rồi chìm ngay tại chỗ, may mắn thay tất cả 4, 5 nhân viên trên chiếc FOM này chỉ bị thương chứ hôm đó không ai mất mạng cả.
Sống trên dòng nước mát trong veo của vùng xôi đậu này, chúng tôi có 1 thú vui rất trẻ con nhưng thú vị là chiều chiều hay bất cứ giờ nào chúng tôi cũng có thể nhảy xuống bơi lội và tắm mát giữa dòng nước xanh (lạc quan mà nói đấy thôi, nước phèn hay phù sa đỏ chét à !). Vào một buổi trưa hè, một người bạn đang đứng tồng ngồng tắm mát ven sông vắng vẻ thì bất chợt một chiếc tàu ho bo nhỏ từ đâu chạy ù lại ủi nhanh vào bờ và anh ta nhìn lên thì thấy ngay một ông tướng một sao Hải quân cao lớn béo tốt với mái tóc dài nghệ sĩ trông hơi giống Elvis đang nhe răng ra cười và hỏi anh ta là anh có phải là sĩ quan trưởng toán không. Một tay che vội của gia bảo lại và một tay dơ lên trán để chào, anh ta đành tiu nghỉu gật đầu xác nhận là quả đúng như vậy. Ông tướng một sao Hai Quần bèn bảo :
- Anh lên mặc quần áo vào rồi thuyết trình cho tôi về tình hình chiến sự trong dòng kinh này. Thế là anh bạn vội vã nhảy phóc lên tầu mặc quân phục lon lá tề chỉnh vào rồi lên nói chuyện với ông tướng hai quần tóc dài. Sau đó hai người lại vui vẻ dắt nhau ra quán cà phê ở góc chợ ngồi ăn hủ tíu. Cho đến ngày nay, tôi vẫn thắc mắc và tự hỏi tại sao ông tướng này lại đoán là người bạn tên Tango dài của tôi là trưởng toán trong khi anh ta đang đứng tắm sông và chả mặc gì cả ! Chả lẽ ông ta chỉ cần nhìn của gia bảo và đoán ngay ai là trưởng toán được thì đúng là ông ta giỏi thật.
Mùa hè nằm nghỉ trưa trên võng đong đưa nằm nghe tiếng ve sầu kêu ve ve trên những cây tràm và chim hót vui tai trên các ngọn tre, tôi chợt nhớ đến những mùa hè và những cây phượng nở hoa đỏ chói hồi bé còn đi học. Tôi thích nằm võng nhìn và quan sát các sinh hoạt buôn bán vui nhộn của dân làng trên dòng kinh thanh bình những khi ngưng tiếng súng. Những khóm lục bình xanh tươi với những đóa hoa tím nhụy vàng thật đẹp nhè nhẹ trôi qua như ngày tháng vô tư của tuổi trẻ chúng tôi, những cô gái xinh xắn hiền lành mặc áo bà ba đơn giản chèo thuyền đi chợ mỗi ngày, tiếng trẻ em ê a đánh vần trong ngôi trường tiểu học nhỏ bé đầu làng, những cành lá dừa xanh mát mắt và mây trắng nhẹ bay, thật là một khung cảnh tuyệt vời trái ngược những cơn pháo kích tàn bạo của địch quân mà một đôi khi chúng tôi phải đương đầu trong cuộc chiến.
Rồi chiến tranh và tuổi trẻ cũng đã trôi theo những đóa hoa lục bình xanh tím trên sông, tôi nghe nói bây giờ vùng Đồng Tháp này đã trở thành một Trung Tâm du lịch khá nổi tiếng. Các cụ già ngày xưa hay ngồi nhậu xỉn với chúng tôi có lẽ nay đa số đã được ăn xôi nghe kèn vì đã gần nửa thế kỷ dài trôi qua. Hình ảnh những rừng hoa điên điển vàng ẻo lả nghiêng nghiêng theo những con gió ban mai dọc theo bờ kinh vẫn còn in mãi trong ký ức tôi, những hàng đáy và những mẻ cá linh trắng bạc lấp lánh đầy vun thuyền của dân ngư phủ sống trên những căn nhà sàn lợp lá dừa ven kinh, những chú cá lóc bông nướng trui thơm điếc mũi, và nhất là tình người thật ấm cúng, thật chân thành và hiền hòa giữa những con người hoàn toàn xa lạ, lòng chất phác và hiếu khách của dân lành miền đất lạ và xa xôi này. Tôi hy vọng những hình ảnh quá đẹp và dễ thương về quê hương dấu yêu của tôi sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức và trong đáy tim tôi, bây giờ và mãi mãi.
mèo hoang

No comments:

Bút ký PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM do Thanh Tâm Film thực hiện

Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc ...